- Giấc mộng
đầu
Cao Phong lớn lên giữa
núi rừng, vui chơi với muông chim và ngàn hoa nội cỏ mà không hề thắc mắc
chi về nguồn gốc của mình—như thể chú ấy được sinh ra bởi sự giao
hợp tự nhiên của khí thiêng đất trời, hay được sinh ra một cách có vẻ
như ngẫu nhiên như những loài hoa dại mọc đầy trên núi cao này. Con người
duy nhất mà Cao Phong biết suốt từ lúc bé thơ cho đến bây giờ—mười
lăm tuổi—chính là thầy của chú.
Thầy của chú là một tu
sĩ trẻ, chưa đến bốn mươi, vì muốn xa lánh tục lụy mà ẩn tu trên
núi. Ông đem chú về nuôi lúc ông được hai mươi bốn tuổi và đặt cho
cái tên Cao Phong (có nghĩa là ngọn núi cao) mà ông thường giải thích cho
chú nghe rằng nó nói lên một khát vọng, một hoài bão vươn cao đến chân
trời tự tại giải thoát. Ông là một vị thầy rất lạ, có những ý nghĩ
ngộ nghĩnh. Sự kiện ông không cho Cao Phong tiếp xúc với bất cứ một
con người nào khác ngoài ông cũng là một điển hình. Có lẽ ông muốn
nghiên cứu chi đó về bản năng của con người. Hoặc ông đang tìm tòi
thí nghiệm một phương pháp giáo hóa đệ tử sao cho đạt được kết quả
hữu hiệu nhất. Ông dạy Cao Phong học kinh kệ, học chữ nghĩa mà lại
tránh tất cả những từ ngữ nào có liên hệ đến cuộc đời, đến những
con người khác ở những nơi chốn khác. Kết quả là suốt mười lăm năm
trường sống bên thầy, Cao Phong chỉ biết thế giới này có những cây cỏ,
những loài thú hiền lành hay hung dữ và chỉ vỏn vẹn hai con người cùng
một giới tính, sống quây quần bên nhau giữa núi rừng bạt ngàn mênh
mông này. Điều ngộ nghĩnh nhất của ông thầy là đã không cho Cao Phong
biết rằng ngoài cái giống đực mà ông và chú cùng mang, thế giới hãy
còn một giống phái khác nữa, một giống rất quan trọng mà nếu thiếu
đi, thế giới sẽ buồn tẻ vô cùng—thậm chí sẽ không còn được coi
như là một thế giới nữa! Có lẽ qua kinh nghiệm học đạo, ông đã
nhìn thấy rằng, sự phủ nhận cái giống phái—mà ông cho là nguy hiểm
cho đường tu—đó, là một điều cần thiết để bảo vệ Cao Phong trong
thế giới hồn nhiên trong sạch của chú.
Từ khi Cao Phong có thể tự
biết lo cho mình rồi, cứ đôi ba năm vị thầy lại xuống núi một mình,
về làng để thăm sư phụ mà vẫn không cho Cao Phong biết rõ về mục đích
chuyến đi đó. Cao Phong lúc nào cũng bị bỏ lại trên núi. Chú ấy được
giải thích rằng một chuyến đi xa rất nguy hiểm cho tuổi trẻ của chú.
Lý do đó càng lúc càng mất đi vẻ hợp lý, vì càng trưởng thành, Cao
Phong càng thấy rằng nếu mình đi theo hộ tống thầy thì sẽ bớt nguy hiểm
cho thầy hơn. Chuyến đi xa nguy hiểm cho người lớn tuổi hơn là cho một
thiếu niên mười lăm tuổi đầy sinh lực như chú. Vì vậy, hôm nay, khi thầy
lại chuẩn bị khăn gói lên đường, chú đã nằng nặc đòi đi theo. Thầy
nói:
"Thầy đã bảo không
được là không được. Con phải ở lại trông coi tịnh thất. Đi xa nguy
hiểm và mệt nhọc lắm."
"Tịnh thất này có
gì đâu mà trông coi, thưa thầy. Bao năm nay có con thú nào đến quấy phá
thầy trò mình đâu! Chúng nó với mình đều là bạn bè với nhau hết
mà."
"Nhưng con cũng không cần
phải đi. Thầy không muốn con bị... nguy hiểm."
"Con đã lớn rồi mà
thầy. Lần đi trước của thầy, con còn nhỏ xíu không theo bảo vệ thầy
thì đúng rồi. Bây giờ thầy thấy không, con cao lớn khỏe mạnh như con
khỉ đột, con phải đi theo để hầu hạ thầy chớ! Thầy để con ở lại
con chẳng yên tâm chút nào."
Thấy Cao Phong năn nỉ mãi
thầy cũng hơi xiêu lòng nhưng nghĩ đến cảnh chú ấy phải tiếp xúc và
biết nhiều thêm về cuộc đời phía dưới, thầy cũng thấy e ngại, sợ
phá hủy mất công trình giữ gìn mười lăm năm nay của mình. Thầy im lặng
ngồi đắn đo cân nhắc dữ lắm. Cuối cùng thầy nghĩ rằng có thể cho
chú tiếp xúc với thế gian xô bồ nhộn nhịp cũng là một cách để chú
hiểu rõ mà xa lánh cuộc đời dứt khoát hơn vì mai sau khi thầy không còn
nữa, biết đâu chú lại chẳng có dịp tiếp xúc với đời! Thôi thì đây
cũng là một thí nghiệm. Thầy thở dài nói:
"Được rồi, thầy
cho phép con cùng đi, nhưng với điều kiện là..."
"Bao nhiêu điều kiện
con cũng xin hứa với thầy hết. Con chỉ muốn đi theo để hầu hạ, bảo
vệ thầy thôi."
Thầy cười nói:
"Làm như thầy già lắm
vậy! Có gì nguy hiểm cho thầy đâu. Sợ là sợ cho con mà thôi. Con đi theo
chỉ mất công thầy bảo vệ con thì có. À, điều kiện của thầy là con
chỉ bước theo chân thầy, không được nhìn qua liếc lại. Chỉ nhìn ngay
ngó thẳng, ngó dưới đất, phía trước mặt, một đường mà đi. Điều
kiện như vậy thôi, làm được không?"
"Dễ quá, con làm được!"
"Vậy thì đi."
Hai thầy trò khăn gói lên
đường. Khi băng đèo, khi lội suối, khi qua rừng, đường đi thật cách
trở, nhưng cũng chẳng có gì xảy ra có vẻ hiểm nguy đến tính mạng hai
thầy trò ngoại trừ lúc nghe tiếng cọp gầm. Cao Phong hỏi:
"Có phải đó là tiếng
con cọp mà hôm trước đi ngang qua suối trước tịnh thất của mình không
thầy?"
"Chắc là nó. Vùng
này chỉ có mỗi một con. Nếu sau này có gặp nó con phải hết sức thận
trọng. Nó là con thú nguy hiểm nhất trong rừng này đó."
"Dạ con nhớ. À, thưa
thầy, tại sao thầy muốn con phải nhìn dưới đất, nhìn thẳng, không
ngó qua liếc lại? Con thấy điều kiện thầy đưa ra đâu có lợi gì khi
đi trong rừng như vầy?"
"Bây giờ chưa tới lúc.
Khi nào thầy bảo áp dụng thì áp dụng."
Đến chiều tối mà hai thầy
trò vẫn chưa về được tới ngôi làng gần nhất, ngôi làng mà thỉnh thoảng
thầy về thăm vị sư phụ già của thầy. Hai thầy trò nghỉ đêm trong rừng.
Họ lượm củi khô đốt một đống lửa to, dọn dẹp sạch sẽ chung
quanh, trải cỏ làm đệm mà ngủ qua đêm. Sau khi tham thiền, thầy trò nằm
xuống ngủ. Đường xa mỏi mệt, thầy ngủ được ngay. Nhưng Cao Phong thì
cứ trằn trọc mãi. Chú thấy một nỗi niềm gì đó rộn lên trong lòng.
Chú không hiểu nổi. Chú chỉ có cảm giác rằng ngày mai khi thức dậy tiếp
tục cuộc hành trình, chú sẽ được thầy đưa đến một thế giới rất
lạ, khác với thế giới lâu nay chú sống trên núi cao. Có lẽ thế giới
đó sẽ có những mới lạ, những bất ngờ mà chú chưa hề bắt gặp.
Trăn trở một lúc rồi chú cũng ngủ vùi. Trong mơ, chú mộng thấy con cọp
từ bụi rậm phóng ra vồ lấy chú. Chú hét lên một tiếng, bừng giấc. Mồ
hôi ướt dầm cả người. Thầy đã thức và đang ngồi thiền bên đống
lửa. Chú bẽn lẽn dụi mắt một lúc rồi cũng xếp bằng ngồi thiền
theo thầy.
Buổi sáng, hai thầy trò
vùi mấy củ khoai dưới lửa than để lót lòng trước khi lên đường. Thầy
hỏi:
"Con nằm mộng thấy
điều dữ hôm qua phải không?"
"Dạ, con thấy con bị
cọp vồ."
Thầy cười:
"Bởi vậy thầy nói
con chẳng nên đi đường xa làm gì. ở lại tịnh thất mà yên hơn,"
ngưng một chặp, thầy nói với tiếng thở dài, "nhưng chỉ mới có
con cọp thôi cũng chưa đủ thiếu gì! ở đời còn nhiều thứ nguy hiểm hơn
cọp nữa kia."
"ở đời là ở đâu,
bạch thầy?" Cao Phong ngây thơ hỏi.
Thầy lắc đầu:
"Rồi từ từ con sẽ
hiểu. À, trong kinh cũng có nhiều đoạn diễn tả về nỗi khổ đau của
cuộc đời, của thế gian. ở đời là ở thế gian đó. Người xuất gia là
kẻ muốn vượt thoát cái khổ lụy của thế gian để an trú vĩnh viễn
trong niết-bàn tịch tịnh. Con đã học điều này rồi mà."
Cao Phong ngẫm nghĩ một lúc:
"Dạ, con đã học. Nhưng
con thấy đâu có lợi gì đâu. Con đang ở trong niết-bàn tịch tịnh thì
con đâu cần phải vượt thoát cái thế gian khổ lụy hở thầy?"
"Ai bảo là con đang sống
trong niết-bàn vậy?"
"Tự con nghĩ vậy. Tại
vì con không sống ở đời, có nghĩa là con đang sống trên niết-bàn."
Thầy lắc đầu ngao ngán,
nhưng chẳng biết nói sao. Thầy nghĩ bụng: "Nó nghĩ nó đang sống
trong niết-bàn thì cũng là điều tốt thôi. Một thế giới hồn nhiên
bình lặng như vậy thì có khác chi niết-bàn đâu! Nó không đối diện với
khổ đau, không chịu đựng khổ đau, cho nên đâu có nhu cầu tìm kiếm niết-bàn.
Niết-bàn chính là thế giới nó đang sống rồi đó. Thực là điên khùng
khi dạy cho nó những bài học về cách diệt khổ để chứng nhập niết-bàn
trong khi nó không hề biết khổ đau là gì! Và cũng thật là điên khùng
khi dắt ông Phật bé con này từ niết-bàn mà về thăm cõi sinh tử! Có
nên không nhỉ? Ta vẫn còn đủ thời giờ để hủy bỏ chuyến đi này.
Có nên cho nó đối diện cuộc đời hay không?"
Thấy thầy có vẻ đăm
chiêu suy nghĩ, Cao Phong hỏi:
"Thầy nghĩ gì vậy thầy?
Con nói vậy không đúng hở thầy?"
Thầy giật mình hỏi lại:
"Con nói gì?"
"Con nói rằng con đang
sống trên niết-bàn, vậy con đâu cần phải diệt khổ hay thoát ly cuộc
đời. Con đâu có ở đời đâu mà thoát ly cuộc đời! Con nói vậy không
đúng hở thầy?"
"À... à... cũng đúng
thôi. Nhưng... con thấy sao? Con thấy niết-bàn của con như thế nào? Một
thế giới an vui, siêu tuyệt, phải không? Và sau này có lạc vào một thế
giới khác, con sẽ không đắm nhiễm mà luôn nhớ về thế giới niết-bàn
tịch tịnh của chúng ta để quay về lập tức, phải không?"
Cao Phong không trả lời
ngay, vừa bước tới vừa suy nghĩ. Từ bé thơ đến giờ, chú chỉ biết
có mỗi cái thế giới núi rừng hoang sơ mà chú đang sống chứ không biết
thế giới nào khác; do đó, chú chẳng có ý niệm gì về một thế giới
thứ hai để so sánh với thế giới mình đang sống. Câu hỏi của thầy gợi
cho chú cái ý niệm so sánh đó. Té ra ngoài "thế giới niết-bàn"
hãy còn có một thế giới khác, cái thế giới mà đôi lúc vô tình, thầy
đã gọi là thế gian hay cuộc đời, cái thế giới mà trong kinh nói là
"ngôi nhà lửa", cần phải ra khỏi! Hình ảnh ngôi nhà lửa lập tức
hiện lên, chập chờn trong trí óc chú—cái trí óc hoang sơ như núi rừng
chung quanh, chưa có những ngõ ngách phân biệt, toan tính. Chú biết nhà,
chú biết lửa, chú biết thế nào là cháy và thế nào là sự nguy hiểm
khi ở trong căn nhà rực lửa ấy. Nhưng tại sao lại có một thế giới đầy
lửa cháy như vậy? Và tại sao cứ lâu lâu thầy lại xuống núi để đi vào
thế giới rực lửa đó? Tuy thầy không nói rõ thầy đi đâu, nhưng ít ra
chú cũng đoán được rằng khi thầy không ở trên niết-bàn với chú, có
nghĩa là thầy đang xuống thế gian rực lửa. Và có lẽ vì sự nguy hiểm
đó mà lúc nào xuống núi thầy cũng bắt chú ở lại chứ không cho theo.
Chú nói:
"Một cái nhà rực lửa
thì cần gì phải bước vào, hở thầy?"
"Phải, bước ra thì
nên, bước vào thì đừng."
"Vậy tại sao thầy cứ
phải bước vào? Và tại sao... mình không chữa cho tắt lửa đi mà để
cho cháy mãi như vậy?"
Thầy bật cười, dừng
bước, nói:
"Đúng, thật ra không
cần thiết phải bước vào. Chỉ có thế giới của chúng ta là thế giới
an lành mà thôi. Thế gian là ngôi nhà rực lửa mà không ai chữa tắt nổi.
Thoát ly nó thì có. Nguy hiểm lắm! Cho nên... chúng ta nên trở về đi thôi."
Thầy kéo chú đi lui nhưng
chú níu lại, chú nói:
"Con thật không hiểu
sao... thầy đã biết nó nguy hiểm mà thầy vẫn cứ bước vào. Hẳn là thầy
phải có chủ đích gì đó. Sao thầy không nói cho con nghe? Hơn nữa... khi nãy
thầy hỏi con thế giới niết-bàn con đang sống như thế nào, con muốn
nói cảm nghĩ của con cho thầy nghe. Khoan về đã thầy."
"Vậy thì nói
đi," thầy thúc dục.
Cao Phong cùng thầy ngồi
xuống trên một tảng đá ở vệ đường. Ngập ngừng như lựa lời diễn
tả, một lúc sau chú mới tuôn ra hết những cảm nghĩ của mình:
"Tuy biết rằng thế
gian như căn nhà rực lửa, nguy hiểm thật, nhưng sao con vẫn thấy có cái
gì hấp dẫn, cuốn hút mình vào đó. Con thực tình muốn hiểu biết cái
thế gian rực lửa đầy hiểm nguy mà trong kinh cũng như thầy đã từng dạy.
Thầy đã bước vào thế gian rồi thầy quay trở lại thế giới niết-bàn
của chúng ta một cách bình yên. Vậy tại sao thầy không cho con bước vào
thử? Nếu nói rằng thầy có nhiều kinh nghiệm và bản lãnh để bước vào
mà không bị nguy hiểm thì sao thầy không cho con tập sự, học hỏi những
kinh nghiệm bước vào thế gian của thầy? Con thấy nếu thầy dạy cho con
bản lĩnh, nghị lực để bước ra bước vào giữa thế gian và niết-bàn
mà không bị phỏng cháy thì hay hơn là cứ bảo vệ con sống bình yên phẳng
lặng mãi trên niết-bàn."
"Sao con khờ dại quá!
Ai đời đang ở nơi cõi bình yên mà lại muốn bị khuấy động lên. Đâu
có cần thiết phải bước ra bước vào giữa hai thế giới. Khi biết trước
thế gian là bất an thì mình tránh né đi, chứ bước vào làm gì cho khổ!"
"Vậy tại sao thầy lại
bước vào? Con không hiểu thầy xuống núi để làm gì? Có cái gì ở thế
gian mà cứ lâu lâu thầy lại xuống núi?"
Thầy thở dài, lắc đầu
ngao ngán:
"Thôi thầy nói thực
con nghe: thầy đi thăm sư phụ của thầy, tức là sư ông của con đó. Sư
ông đang tu ở một ngôi chùa trong làng mà chúng ta dự định vào. Thỉnh
thoảng có điều gì còn nghi vấn là thầy về lạy sư ông để cầu chỉ
giáo. Đó là lý do thầy xuống núi, chứ có phải ham vui gì ở thế gian
mà xuống!"
Cao Phong ngẩn người một
lúc lâu, giọng hơi trách móc:
"Té ra ngoài thầy và
con ra, vẫn còn có người khác nữa, không phải chỉ có hai thầy trò mình
thôi sao! Chuyện như vậy đâu có gì nguy hiểm mà thầy dấu con, không cho
con biết, để con cứ đinh ninh rằng cuộc sống này chỉ có chư Phật ở
trên cao, có hai thầy trò ở tịnh thất và bầy thú trong rừng."
Thầy lại thở dài, hai
tay ôm lấy đầu nói:
"Âu đó cũng là lỗi
thầy, để cho con trở thành ngu ngơ không biết một cách trung thực về cuộc
sống. Nhưng, đó là ý tốt của thầy, con không hiểu sao? Thầy thực tình
không muốn con biết nhiều về cuộc đời. Cứ sống như lâu nay con sống,
cứ tu tập như lâu nay con đã tu tập, một ngày nào đó, chắc chắn con sẽ
đạt được đạo quả vô thượng, không phải vậy sao? Cần gì phải tiếp
xúc chung đụng với thế gian. Có biết thêm về thế gian bên dưới, cũng
chẳng thêm được gì lợi ích cho đường tu của con nơi đây. Chính vì vậy
mà thầy bảo vệ con, không cho con xuống núi."
"Vậy, thực ra... thế
gian như thế nào? Thế gian là cái gì vậy? Một căn nhà rực lửa mà sư
ông lại ở trong đó sao?"
"Nói căn nhà rực lửa
là dùng hình ảnh tỷ dụ vậy thôi chứ có phải là lửa cháy hừng hực
như trong bếp lò của mình đâu! Thế gian cũng chỉ là... mà thôi, không cần
giải thích nữa. Chúng ta đi. Bước vào thế gian rồi con sẽ hiểu nó như
thế nào."
Cao Phong vui mừng bước
nhanh theo thầy. Vừa đi, chú vừa nói:
"Bạch thầy, con không
có ý trách thầy về cách dạy dỗ của thầy đâu. Con chỉ thắc mắc nên
hỏi cho ra lẽ vậy thôi. Tại khi nãy thầy hỏi, con mới nói cảm nghĩ của
con. Còn một ý nghĩ mà con quên thưa với thầy, thầy cho phép con nói
không?"
"Nói đi, để bụng làm
gì."
"Cái hôm mà con cọp
đi ngang tịnh thất của thầy trò mình, thầy dạy con rằng con cọp đó rất
hung dữ, nó sẽ vồ chụp, ăn tươi nuốt sống bất cứ con thú nào trong rừng
mà nó gặp; nó cũng sẽ không buông tha cả thầy trò mình nếu nó gặp, phải
vậy không thầy?"
"Phải, đúng như vậy."
"Cho nên thầy dặn con
phải cẩn thận, nếu biết có con cọp quanh quẩn thì phải tìm cách lánh
xa hoặc ẩn nấp đi."
"Tất nhiên là phải
làm vậy rồi."
"Nhưng kể từ lúc thầy
dặn dò như vậy, tự dưng con thấy trong lòng nao nao làm sao."
"Con nói vậy là ý
gì?"
"Khó nói quá, ý con
là... ý con là, hình như tự lúc biết cuộc sống của mình không được bình
yên nữa vì có sự đe dọa của con cọp, con cảm thấy cuộc sống có ý
nghĩa hơn, hồi hộp hơn, hứng thú hơn. Con nghe tim con đập mạnh một cách
lạ kỳ. Vừa lo sợ, vừa thích thú. Cho nên, đã có lúc con định nói với
thầy rằng, nếu trong rừng mà không có con cọp, không có sự đe dọa của
hiểm nguy, thì... riết rồi thấy cũng chán lắm thay! Cho nên mới khi nãy
thầy nói rằng sư ông đang ở thế gian, tự dưng con nghĩ rằng chắc sư
ông muốn sống trong nguy hiểm để bớt nhàm chán đó mà!"
"Nói bậy! Lo tịnh
tâm mà đi. Sắp vào làng rồi đó, nhớ điều kiện thầy dặn trước khi
lên đường không?"
"Dạ nhớ, đầu hơi cúi,
mắt nhìn xuống đất cách chân ba bước, không ngó tới ngó lui, không liếc
nhìn hai bên, giữ tâm trong chánh niệm."
"Tốt, áp dụng bây giờ
là vừa!"
*
Cao Phong không ngờ thế
gian là như vậy. Ngôi làng sư ông đang sống nằm gần thị trấn nên cũng
ảnh hưởng đôi chút vẻ sầm uất đông đảo của thị tứ. Cảnh tượng
hiện ra trước mắt Cao Phong thứ gì cũng mới lạ, sinh động, nhộp nhịp.
Cao Phong như bị choáng ngộp giữa những điều mới mẻ lần đầu tiên chứng
kiến đó. Nào là sông dài lặng lờ chảy uốn khúc với ghe thuyền qua lại
tấp nập; nào là ruộng đồng bát ngát xanh tươi với những hàng lúa thẳng
tắp và những người nông phu trai gái hát hò cười cợt; nào là chợ búa
với hàng quán la liệt, thức ăn thức uống, đồ đạc bày biện, ngựa xe
lũ lượt, người người lăng xăng lui tới... Điều gì cũng mới, điều gì
cũng lạ. Cao Phong luôn miệng hỏi thầy mới biết được tên gọi của từng
thứ mà lâu nay chú chưa hề trông thấy. Ban đầu, thầy không trả lời, cứ
tằng hắng một tiếng để nhắc chú là phải giữ chánh niệm, áp dụng
điều kiện đi đường mà thầy đã căn dặn; nhưng rồi thấy chú cứ ngẩn
ngơ đứng lại ngó hết cái này đến cái khác, thầy đành phải trả lời
từng câu hỏi cho chú mới mong kéo chú đi được. Nếu phải giải thích cặn
kẽ cho chú hiểu thì e phải mất rất nhiều thì giờ; cho nên, thầy cứ
trả lời ngắn gọn, ví cái này với cái kia, sao cho chú tạm hiểu là được.
Lúc mới vào làng, gặp ngay một thiếu nữ trạc chừng mười lăm tuổi
đang chăm sóc vườn hoa trước nhà, Cao Phong cũng ngẩn người đứng lại
trố mắt nhìn. Thầy lật đật quay lại kéo tay chú:
"Nhìn cái gì mà nhìn
chăm chăm vậy! Đi chứ!"
Cao Phong đưa tay chỉ thiếu
nữ, hỏi:
"Con đó là con gì vậy
thầy? Cũng là người hở thầy?"
Thầy vừa bực mình vừa
lo sợ, trả lời nhanh:
"Con cọp chúa đó! Nó
còn hung dữ hơn con cọp trên rừng nữa. Con phải tuyệt đối lánh xa những
con cọp chúa như vậy. Thế gian này nhiều cọp chúa lắm, nguy hiểm lắm,
nhớ chưa!"
"Dạ nhớ," vừa
đáp lời thầy Cao Phong vừa thấy rùng mình, vội vàng nhìn xuống đất,
bước nhanh theo thầy. Tim chú đập mạnh.
Cuối cùng, hai thầy trò cũng
đến được ngôi chùa của sư ông một cách "bình an". Vào lạy sư
ông thăm hỏi sức khỏe rồi, hai thầy trò được sắp xếp một phòng nghỉ
ở hậu liêu. Thầy nhìn Cao Phong thấy sắc diện chú có vẻ thất thần,
không được bình thường, liền hỏi:
"Con đi đường xa không
quen, chắc mệt mỏi lắm hả?"
"Dạ không sao. Con chỉ
thấy tim con đập mạnh quá xá, chưa bao giờ nó đập mạnh như vậy."
"Như vậy là mệt đó,
nằm nghỉ đi, chút nữa sẽ khỏe lại."
Nói rồi, thầy định bước
ra khỏi phòng thì Cao Phong nói vói theo:
"Bạch thầy, con vẫn
còn thắc mắc."
Thầy dừng lại ở bậc cửa:
"Gì nữa? Thắc mắc
gì?"
"Con thấy con cọp
chúa khi nãy đâu có vẻ gì là hung dữ đâu mà thầy nói là hung dữ hơn cọp
trên rừng?"
"Tâm ý con thật lăng
xăng, mới lần đầu vào thế gian là đã như vậy rồi con thấy không. Thật
là trở ngại cho việc định tâm. Thầy nói hung dữ là hung dữ, cần gì
phải hỏi lại chứ!"
"Vậy sao khi nãy nó
nhìn con nó cười?"
"Xì! Nó cười như vậy
cho con đến gần rồi nó ăn thịt con mấy hồi! Đừng có nghĩ đến nó nữa
được không? Nghỉ qua đêm, sáng sớm ngày mai trở về gấp, không nên nấn
ná dưới này lâu. Thế gian này không thích hợp với con chút nào cả.
Thôi nằm xuống nghỉ đi. Thầy có việc phải lên hầu chuyện sư ông bây
giờ."
Quả nhiên sáng sớm hôm
sau thầy trò đã khăn gói lên đường trở về với rừng xanh núi thẳm.
Suốt đoạn đường trở về, Cao Phong lầm lì bước theo thầy, không hé
môi nói một lời. Hai ngày sau mới về tới tịnh thất. Thầy trò sống lại
thế giới bình an như trước, nhưng trong lòng Cao Phong đã không còn thấy
bình an nữa. Chú không buồn ăn, không buồn ngủ, không buồn nói chuyện với
thầy. Chú thức suốt, liên tiếp mấy đêm, ngồi thừ ra một chỗ, chẳng
chịu thiền định, chẳng chịu tụng kinh hay làm công tác gì. Thầy hết sức
dỗ dành, chăm sóc cũng không sao làm chú nguôi nguây được. Hỏi nguyên cớ
thì chú không đáp. Đến ngày thứ năm thì chú nằm liệt, không ngồi dậy
được nữa, trùm chăn nhìn trần nhà, mắt thao láo không lay động, như
người chết. Thầy lo âu ngồi mãi bên chú, vừa khuyên dỗ vừa cầu nguyện.
Đến tối thì hơi thở chú yếu dần, tay chân lạnh ngắt, thầy hoảng
quá, hỏi:
"Cao Phong, con thực sự
muốn gì, thầy sẽ tìm cách giúp con, đừng có tự hành hạ như vậy mà bỏ
mất thân mạng! Có phải con... không muốn sống nơi tịnh thất này nữa
phải không?"
Cao Phong không trả lời,
chỉ thấy mắt chú chớp một cái. Thầy hỏi tiếp:
"Có phải con muốn về
sống bên cạnh sư ông cho được vui vẻ hơn, phải không?"
Cao Phong vẫn không trả lời.
Có vẻ như suy nghĩ, rồi mắt chú chớp chớp vài cái. Thầy ngồi im một
lúc, cố tìm hiểu nguyên do. Bất chợt thầy hỏi:
"Hay là con muốn mua sắm
những thứ người ta bán ngoài chợ đem về đây, những thứ mà con đứng
lại ngắm nghía hỏi thầy hoài đó?"
Cao Phong nhăn mặt. Thầy
thở dài nói:
"Thầy thật chẳng hiểu
con muốn gì! Khi không về tới đây lại thất thần nằm liệt luôn. Thầy
thật là sai lầm khi xiêu lòng để con đi theo thầy chuyến này. Đã nói trước
là thế gian tối ư nguy hiểm, mà con cứ nằng nặc đòi theo. Có gì đâu,
con cũng đã thấy, đã biết hết rồi đó, chẳng có gì vui thú cả. Thế
gian chỉ giăng đầy những cạm bẫy và tai họa. Thế gian chỉ có những
con cọp chúa chuyên ăn thịt người mà thôi chứ gì đâu mà tham đắm!"
Nghe thầy nói đến đó, mắt
Cao Phong chớp lia chớp lịa, mặt chú bỗng sáng rỡ lên, quay mặt nhìn về
hướng thầy. Thấy vậy, thầy giật mình, lắp bắp:
"A... té ra... té ra con
thích... con cọp chúa hả?"
Cao Phong gật đầu liên tiếp
mấy cái—như thể sợ rằng gật một cái thì thầy chưa hiểu chưa tin
được. Thầy thở dài, thả người xuống, nói bâng quơ:
"Ôi là nghiệp! Ôi là
ái dục! Làm sao trốn khỏi mà trốn kia chứ!" *
Nói rồi thầy đứng dậy
rảo bước quanh phòng. Cao Phong nhướng mắt nhìn theo thầy, chờ đợi. Thầy
suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, thầy đến bên giường Cao Phong, sờ trán
chú, kéo lại tấm chăn đắp ngang cổ chú, rồi nói:
"Thầy sẽ đưa con về
sống với thế gian. Con phải ngủ và ăn uống lại cho lấy sức rồi mới
đi đường xa được."
Cao Phong nở một nụ cười
rạng rỡ, một nụ cười đẹp mà thầy mới thấy được từ mấy ngày
nay.
Hôm sau, Cao Phong đã sinh
hoạt trở lại bình thường, không nằm liệt trên giường nữa. Và chỉ
vài hôm kế tiếp, chú nằng nặc đòi thầy đưa đi. Thầy đem chú về
làng gởi gắm sư ông. Thầy nói rằng chú muốn hoàn tục hay ở tu tại
chùa sư ông là tùy ý chú. Nhưng ít nhất trong thời gian đầu về với thế
gian, chú cũng có chỗ để nương tựa. Rồi thầy một mình trở về tịnh
thất, buồn bã. Thầy đã mất đi người học trò dễ thương, trong sạch,
ngây thơ như con nai nhỏ ở đồng xanh. Dù sao, thầy vẫn còn tin tưởng rằng
những gì thầy dạy Cao Phong từ mười lăm năm nay, không hẳn là đã mất
hết trong tâm hồn chú ấy. Người ta có thể chồng lên nhiều lớp nhơ bẩn
trên một tâm hồn nhưng không thể làm mất đi cái bản chất trong sạch
cao khiết của nó.
Và cũng từ ngày đó, thầy
quyết định không rời tịnh thất nữa dù là để tham bái sư phụ mình.
Thầy nỗ lực tịnh tu trên núi cao, quên bẵng đi tất cả.
*
Năm năm sau, Cao Phong lên
núi thăm thầy. Cao Phong đã ra vẻ một người thế tục hẳn hoi, không
còn cái vẻ ngượng ngập lúng túng ngày xưa khi mới bước chân vào đời
nữa. Cao Phong cố tình ăn mặc đơn sơ để đi đường xa và nhất là để
bái kiến thầy, nhưng cũng không dấu hết được những dấu hiệu tối
thiểu của một cuộc sống sang trọng giàu có. Cao Phong kể lại cho thầy
nghe rằng chàng hiện là con rể của quan tuần phủ. Vợ chàng đang mang
thai lần thứ nhì. Cuộc sống thế gian, theo lời Cao Phong, là một cuộc sống
thú vị và đầy hấp dẫn. Thầy nhìn trò, chỉ gật gù chứ không ý kiến.
Thầy không ngờ đứa học trò năm xưa đã thay đổi quá nhiều ngoài sức
tưởng tượng của mình. Trên nét mặt Cao Phong, thầy thấy cái vẻ hả
hê của một người muốn gì được nấy. Cao Phong kể chuyện huyên thuyên
về những thành tựu của chàng. Chưa hết, Cao Phong còn nói loáng thoáng về
những thú vui lạ kỳ của thế gian mà chàng không ngờ rằng nó làm chàng
hạnh phúc đến như vậy. Chẳng hạn như niềm vui có con, Cao Phong nói:
"Thầy có thấy đó
là điều mầu nhiệm không? Sau cuộc giao hoan giữa vợ chồng, tự dưng một
mầm sống được thai nghén, lớn dần lên, rồi chui ra, thành một con người,
giống y trang cha hoặc mẹ nó... Ô thật là kỳ lạ! Rồi con người đó cũng
biết ăn uống, cử động, suy nghĩ, làm được tất cả những động tác
mà cha mẹ nó đã làm. Kỳ diệu làm sao! Qua đứa con đó, người cha người
mẹ thấy được khả năng sáng tạo của mình và thấy được sự tồn tại
của mình qua không gian thời gian. Chẳng phải đó cũng là một cách để
trở nên bất tử hay sao? Thầy biết không, sung sướng nhất là khi nhìn thằng
con trai giống hệt mình, chạy tung tăng đùa giỡn như một con nai con. Vui
quá đi thôi!"
Thầy bỗng bật cười một
tràng sang sảng, vang động cả núi rừng. Thầy cười lâu lắm và nụ cười
lạ lắm, Cao Phong không hiểu nổi. Chàng ngẩn người ra, ngồi nhìn thầy.
Một lúc sau thầy mới dịu dần, nhìn Cao Phong với nụ cười chưa tắt hẳn,
hỏi:
"Năm năm nay sống ở
thế gian có bao giờ con nhớ nghĩ về thế giới yên tịnh này không?"
Cao Phong đáp ngay không cần
suy nghĩ:
"Có, con có nghĩ về
thầy và tịnh thất này chứ."
"Vậy con nghĩ gì về
thế giới của ta và thế gian bên dưới?"
Cao Phong nói liền:
"Đôi lúc con thấy thầy
thật tội nghiệp. Con tự hỏi tại sao thầy phải chấp nhận giam mình nơi
một chỗ heo hút buồn tẻ như vầy. Thế gian đâu có rực lửa, đâu có
nguy hiểm như trong kinh nói mà thầy lo sợ. Thế gian có nhiều niềm vui,
nhiều mới lạ, nhiều điều bí ẩn cần khám phá. Những con cọp chúa mà
thầy cảnh giác con năm xưa, nay cũng vui vầy bên con, chăm sóc con, không phải
một con mà có thể là nhiều con nữa, vẫn không hại gì con cả. Họ rất
thương yêu con, ngược lại con cũng rất thương yêu họ. Thật là một cuộc
sống hạnh phúc. Không phải phẳng lặng buồn tẻ như nơi đây đâu. Mỗi
ngày mỗi giờ là mỗi mới lạ kỳ thú. Không sao kể hết được. Tóm lại,
niết-bàn của thầy thực ra không đem lại hạnh phúc gì cả. Chỉ có thế
gian mới thực là đáng sống."
Thầy im lặng không nói.
Cao Phong chắp tay lạy thầy:
"Hôm nay con đến thăm
thầy là để nói với thầy điều đó. Và, nếu thầy muốn theo con về thế
gian, con sẽ chăm sóc và lo cho thầy, sẽ chứng minh cho thầy thấy vẻ đẹp
muôn màu của thế gian."
Thầy đưa tay chận ngang
Cao Phong lại, ôn tồn nói:
"Con đừng khuyến dụ
ta vô ích. Con hãy trở lại với thế gian kỳ tuyệt của con đi. Cuộc sống
nơi đây thích hợp với ta hơn."
Cao Phong không dám nói nữa,
lạy thầy rồi đi. Thầy đưa chàng qua khỏi con suối nhỏ chảy ngang tịnh
thất. Cao Phong đi một khoảng xa thì quay đầu lại, nhìn dáng thầy sừng
sững bên ngọn núi dựng đứng. Cao Phong thương thầy phải sống cô độc
như ngọn núi ấy. Thầy thì qua cái nhìn ngoảnh lại của Cao Phong, chợt
nhận thấy rằng Cao Phong tuy đã thay đổi tất cả, nhưng đôi mắt nâu
kia hãy còn vương lại chút ngây thơ trong sạch của ngày cũ.
Ba mươi năm sau, thầy
đang rửa chân bên suối thì Cao Phong lại xuất hiện. Bây giờ, thầy đã
là một sư cụ trên bảy mươi tuổi, còn Cao Phong đã trở thành một ông
già gần sáu mươi. Cao Phong ăn mặc rách rưới, mặt mày lem luốc dơ bẩn,
đầu tóc bù xù như ổ quạ. Nhưng chính đôi mắt nâu hiền lành như con
nai con của Cao Phong đã khiến thầy nhận ra ngay đứa học trò năm xưa của
mình. Thầy nghĩ bụng, cái trong sạch dễ thương đó, đến chết cũng hãy
còn mang theo. Thầy gọi:
"Cao Phong, con đó hả?"
Cao Phong bước vội đến
bên thầy, sụp lạy, vừa nói vừa khóc:
"Dạ, con đây. Thầy
nói con nghe đi. Tại sao? tại sao những gì ta thấy là có đó lại tan biến,
mất hút, rời bỏ ta? tại sao những gì ta yêu quí lại không ở bên ta
mãi mãi?"
Thầy không trả lời thẳng
câu hỏi của Cao Phong, chỉ nói:
"Rửa đi con, rửa mặt
cho tươi tỉnh."
Cao Phong vốc nước suối
rửa mặt xong, theo chân thầy vào tịnh thất. Thầy ngồi xếp bằng trên bồ
đoàn. Cao Phong cũng ngồi trên một bồ đoàn khác ở gần đó. Hai thầy
trò im lặng không nói gì. Cao Phong nhìn ra cửa sổ thấy cây xoài năm xưa
nay vẫn còn đó. Có hai con sóc đuổi nhau đùa giỡn trên cành. Chim chóc vẫn
hót, côn trùng vẫn kêu vang, đều là những âm điệu quen thuộc năm xưa,
hầu như không có gì thay đổi. Nhưng bỗng có tiếng cọp gầm ở đâu
vang dội đến. Cao Phong giật mình đánh thót một cái, rồi bật cười nói:
"Thế gian chỉ là một
giấc mộng thôi, thầy ạ."
Thầy mỉm cười hài
lòng, không nói gì nhưng thầm nghĩ trong bụng rằng:
"Ngay cả Niết-bàn cũng
vậy thôi."
- 2/93
_____________
(*)
Truyện Giấc Mộng Đầu này phóng tác từ câu chuyện "Hổ Vương"
mà tác giả được nghe kể lúc nhỏ, rằng: Một chú tiểu sống bên thầy
trên núi cao không hề biết gì về thế gian bên dưới. Sau có dịp theo thầy
qua phố chợ, chú bắt gặp một thiếu nữ, chú liền hỏi thầy. Thầy bảo
đó là "Hổ Vương" (cọp chúa). Sau khi về lại núi, chú buồn bã
suốt ngày, thầy hỏi chú muốn gì, chú bảo chú muốn đem con Hổ Vương về
nuôi.
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/giacmongdau.htm