Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
TÀI TRÍ CỦA KỲ BÀ

 
Từ cổ chí kim "đệ nhất thần y" là danh xưng dành cho những bậc thầy thuốc  giỏi. Thời Đông Châu Liệt Quốc, Hoa Đà là vị thần y độc nhất vô nhị in đậm trong lòng dân tộc Trung Hoa. Hầu hết, dường như mọi người trên thế giới chỉ biết có mỗi một Hoa Đà. Sự thật, nếu ai đã từng tham cứu vào lĩnh vực lịch sử văn hoá Phật Giáo, chắc sẽ không lạ gì với tên tuổi của Kỳ Bà, anh trai của vua A-xà-thế, con Bình Sa Vương. Mẹ Ngài là Nại nữ, chúng ta cũng cần biết qua sự ra đời ly kỳ của bà:
Thời Phật tại thế, Ấn độ chia ra nhiều tiểu vương quốc, trong đó có nước Tỳ-da-ly nổi tiếng phồn thịnh. Vườn thượng uyển của vua nước này có một cây mít trái thơm ngon đặc biệt duy nhất trong vùng. Trong buổi tiệc chiêu đãi các quan đại thần, vua cho mang mít này lên, một vị đại thần giàu sang có thế lực lớn hàng đầu trong triều bấy giờ nghĩ: “Nhà ta không thua hoàng cung thứ gì, chỉ trừ loại mít này, nếu nay có được nó thì mình với quốc vương chẳng còn gì  kém nữa!” Nghĩ thế, ông bèn đánh bạo xin vua. Trong lúc vui đùa yến tiệc, vua sẵn   hạt mít mình đang ăn, liền đưa cho vị quan này, bảo đem về trồng sẽ cho trái như ý. Quan nhân đem về ươm bón kỹ lưỡng, một thời gian sau trong vườn ông có được cây mít xanh tốt như của quốc vương, nhưng kết trái lại đắng, không ăn được. Ông nghĩ chắc tại đất trong vườn mình không tốt, liền sai gia nhân lấy sữa 100 con bò, chưng cất thành đề hồ, mỗi ngày đem tưới cho cây. Năm sau cây cho trái ngọt hơn cả mít của vua, nhưng đồng thời trên thân cây lại mọc lên một khối u. Sợ cây bệnh, vị đại thần muốn khoét bỏ chỗ u, nhưng e ngại phạm vào không khéo, cây sẽ hư mà chết đi, phân vân chưa quyết. Ngày qua tháng lại, trên khối u nhanh chóng mọc lên một nhánh lớn cao bảy trượng, tươi tốt lạ thường, lá tròn xây thành tán dày đặc, xanh um. Vị quan thích ý, cho xây một cái đài cao bên tán mít định bụng dùng nơi này là chỗ ngơi nghỉ, cho rằng cảnh trí thù thắng ngay cả vua cũng không bằng. Nhưng sự thể tốt đẹp vượt ra ngoài ý tưởng của ông. Khi đài được xây cao lên bằng tán mít, ông leo lên nhìn vào bên trong thì thật lạ lùng, trên tán lá có cả một hồ nước trong xanh với bao nhiêu kỳ hoa dị thảo, trong ao có một bé gái nước da trắng ngần, mười phần dễ thương, ông bồng về nuôi nấng, thương yêu như con ruột của mình và đặt tên là “Nại Nữ” (Nàng Mít) . Năm lên 16, nhan sắc khuynh thành của Nại Nữ  đồn ra khắp nơi, vua Bình Sa biết được, đích thân sang cầu hôn. Đồng thời có 5 vị tiểu vương cũng vì nhan sắc của Nại Nữ, chẳng ngại trắc trở, xa giá đến nơi, mong cưới được nàng. Thấy 6 vị tiểu vương tới cùng lúc, mình chỉ có một gái. Quan đại thần liền cho xây lâu đài cao, rồi đưa con gái nuôi vào đó để tuỳ nghi kén chọn. Ông nói với sáu vị tiểu vương:
_Nàng ấy chẳng phải con tôi, vốn từ tán mít sanh ra, nên tôi chẳng định đoạt được. Nay đưa cô ấy lên ở trên lâu đài cao để cô tự ý kén chọn.
Bình Sa Vương nghe vậy lấy làm đắc ý, ngay đêm hôm đó, liệu cách lên đài, qua đêm cùng Nại Nữ. Hôm sau ông tuyên bố với các tiểu vương việc thành hôn của mình, họ thất vọng ra về. Vì xa xôi cách trở, Nại Nữ không theo vua được,Bình Sa Vương liền tháo vòng xuyến có vương ấn trao cho nàng và dặn:
_Nếu như may mắn chúng ta có con, là gái thì nàng nuôi nấng; là trai thì hãy đưa vào cung cho ta với chiếc xuyến này làm tin.
Vua từ giã về nước. Nại nữ khi ấy có mang, đủ ngày tháng sinh ra một bé trai bụ bẫm khôi ngô đặt tên là Kỳ Bà. Lúc mới chào đời, trong tay Kỳ Bà đã cầm sẵn túi kim thuốc. Năm lên tám tuổi, được mẹ cho biết nguồn cội của mình, cậu đi vào hoàng cung ra mắt vua cha. Bình Sa vương phong cho cậu làm Thái tử. Sau khi có A-xà-thế, thấy ngôi vương từ nay đã có người thừa kế, Kỳ Bà liền xin phép vua cha cho học ngành y, trao lại danh phận Thái tử cho em mình. Bình Sa vương tuy tiếc rẻ, vì Kỳ Bà thiên bẩm thông minh khó ai bì, việc nào qua mắt đều thấu đạt sâu xa và ghi nhớ   kỹ càng, nhưng thấy Kỳ Bà chẳng những không hứng thú gì với nguyên tắc trị nước, đối với mưu cơ chính trị, thao lược quân trường càng không muốn để tâm vào. Trong khi đó, hễ nói đến nghiên cứu y thuật thì  quên ăn bỏ ngủ, tợ như trời đất này chỉ có cậu và các cây thuốc cùng túi kim, dao mổ của mình! Quốc vương đành chấp nhận và vời tất cả danh y trong nước đến dạy dỗ cho con trai. Nhưng hoàng tử Kỳ Bà lúc này lại không chịu học, tối ngày cứ rong chơi. Các thầy ai cũng than thở:
_Đại vương bảo chúng tôi đến dạy hoàng tử, nhưng nay ngài không chịu học chữ nào. Nghe rằng ngài rất ham mê y thuật, chúng tôi cho đây là lời đồn ngoa, vậy phải làm sao đây?
Kỳ Bà đáp:
_Không phải tôi không thích học, chỉ vì sở học của quý thầy không tương xứng, làm sao tôi học được? Quý thầy hãy xem tôi làm đây!
Nói xong Kỳ Bà lấy kim châm vào các mạch của hình nhân một cách thành thạo khiến các danh y ngỡ ngàng thán phục. Thì ra,vốn bẩm tính thông minh, thiên tư mẫn tuệ, lại có năng khiếu vượt bậc về y học, nên chỗ hiểu biết của Kỳ Bà người thường chẳng ai sánh kịp. Các vị thầy cảm thấy không đủ tư cách dạy dỗ, cùng nhau xin vua tìm người khác hướng dẫn cho hoàng tử. Nhưng khắp nước không tìm được ai có khả năng tương xứng, từ đó Kỳ Bà tự mình nghiên cứu, thường ra ngoài thành tìm các cây thuốc xem xét dược tính, liều lượng sử dụng của nó. Có lần đang trên đường đi tìm thuốc, Kỳ Bà gặp một đứa trẻ gánh củi, chợt nhìn thấy hết lục phủ ngũ tạng của nó, cậu nghĩ thầm: “Trong gánh củi này ắt có cây thuốc chúa, tác dụng cây thuốc khiến ta nhìn ra lục phủ ngũ tạng thằng nhóc này, ta phải tìm thử, nếu có thì từ nay việc chẩn bệnh mười phần chính xác, thật hay biết mấy”. Nghĩ vâỵ, Kỳ Bà liền gọi đứa trẻ lại, hỏi mua gánh củi để tìm thuốc chúa. Quả như cậu đoán, trong gánh có một khúc củi nhỏ, khi đặt lên người nào thì thấy suốt cả lục phủ ngũ tạng. Có được cây thuốc ấy, Kỳ Bà vững lòng trong việc chẩn đoán bệnh, nhất là các bệnh nan trị cần can thiệp phẩu thuật. Tài năng phẩu thuật  của Kỳ Bà trước đây đã nổi tiếng, nay có thêm thuốc chúa trợ giúp thì danh vang càng xa, không chỉ trong tiểu quốc của Bình Sa Vương nể phục vị Hoàng tử thần y, mà tiếng tăm còn vang khắp cả Ấn Độ. Nếu Xưa, người ta rủ nhau đến Tỳ-da-ly để ngắm dung nghi của mẹ cậu, thì nay dân chúng lũ lượt dắt nhau đến Ma-kiệt-đà diện kiến Kỳ Bà muôn vạn lần nhiều hơn! Lắm khi không bệnh, họ cũng cứ đến để chiêm ngưỡng và xin thuốc, vì họ cho rằng những cây cỏ qua tay Thần y, nếu không trị bệnh cũng khiến cho họ khoẻ mạnh, hoặc tăng tuổi thọ, hoặc miễn tử! Quan niệm này xuất phát từ việc Kỳ Bà từng cứu một số người mà mạng sống của họ tưởng chừng đã nằm hẳn trong tay thần chết. Chuyện như vầy:
 Một hôm đi ngang qua nhà nọ, nghe những người trong nhà khóc than thảm thiết, Kỳ Bà bước vào hỏi thăm. Hóa ra, cô gái sắp đến ngày cưới thì bị chứng đau đầu kinh niên bộc phát chết ngay. Thấy vậy, Kỳ Bà bèn lấy cây thuốc thần đặt trên đầu cô gái, phát hiện ra một lũ sâu đang bò lúc nhúc. Không ngần ngại, cậu lấy con dao vàng mang theo mổ đầu nàng ấy bắt sâu ra, rồi vá lại, lấy thuốc cao bôi vào, hẹn ba hôm sẽ khỏi. Người nhà không tin, khóc than vật vã, cho rằng Kỳ Bà làm chuyện xúi quẩy, vì phong tục Ấn Độ lúc đó không có tẩn liệm giống như nước chúng ta ngày nay. Khi có người chết, họ chỉ để trong nhà thời gian ngắn không quá một ngày cho thân quyến viếng thăm lần chót, rồi tử thi được quấn vải đưa lên giàn thiêu hoặc đem bỏ ngoài thi lâm. Nên khi nghe Kỳ Bà bảo để “xác chết” trong nhà ba ngày chờ sống lại, họ định đánh cho một trận, nhưng vì đây là hoàng tử, có mười lá gan cũng không thể rờ đến chéo áo nữa là, thậm chí đến việc trái ý lén đem xác chết ra ngoài họ cũng không dám, đành cắn răn làm theo chỉ thị mà họ cho rằng vô cùng quái dị của hoàng tử. Không ngờ ba hôm sau, cô gái tỉnh lại bình thường. Gia đình cô gái mang thật nhiều trân bảo đến tặng Kỳ Bà để đền ơn, hoàng tử bảo:
_Ta không thiếu thứ gì, lòng chẳng ham thích chi trân bảo, lý đáng chẳng nhận của các vị. Nhưng từ ngày xa cách mẫu thân, chưa có tin gì để mẹ được vui. Nay các vị hãy gởi quà này đến tặng cho mẹ ta, nói rằng: “Hoàng tử Kỳ Bà lòng luôn thao thức, hằng nhớ nghĩ đến người, đây là món quà mang ý nghĩa của thành công đầu đời, xin dâng lên mẹ với tất cả niềm hiếu kính!”
Dân chúng Ma-kiệt-đà và các nước lân cận nghe việc làm ấy của Kỳ Bà, cho rằng đây là người chí nghĩa chí tình, họ sanh lòng cảm kích, ngưỡng mộ vô cùng.
 Lại một lần khác, Kỳ Bà đang nhởn nhơ dạo phố thì có một thằng bé cưỡi ngựa chạy ngang, bất ngờ con ngựa nhảy chồm lên, hất nó văng xuống đất chết tươi. Mọi người xúm lại định khiêng về nhà, Kỳ Bà liền lấy cây thuốc thần đặt lên bụng thằng bé, thấy lá gan lộn ngược về phía sau, đây là nguyên nhân khiến chú nhỏ tắc thở. Tức thời, Kỳ Bà lấy con dao vàng rạch bụng nó, sửa lá gan về chỗ cũ, thằng bé liền sống lại. Từ đó, Kỳ Bà nổi danh khắp thiên hạ về tài cải tử hoàn sanh. Luận về y thuật của Kỳ Bà, chúng ta không có tư liệu để so sánh với danh y Hoa Đà ở Trung Quốc, nhưng có lẽ cũng không thua kém gì nhau! Riêng việc Kỳ Bà nổi tiếng thần y từ hồi chín tuổi­ _ cái tuổi “hỷ mũi chưa sạch”, so với Hoa Đà thành danh vào tuổi 17 có phần đặt biệt hơn. Vì Kỳ Bà tuổi nhỏ, do đó trong việc trị bệnh cứu người, vua Bình Sa chỉ cho giúp đỡ những ai đến tận kinh thành cầu chữa chạy, ông sợ cậu ra ngoài nguy hiểm. Nhưng sau một lần thoát nạn khá đặt biệt, Bình Sa Vương đã vững tin tài trí con mình nên cho phép cậu đi khắp nơi từ phố này sang tỉnh khác để cứu giúp thiên hạ. Việc Kỳ Bà mưu trí thoát nạn được kể trong Kinh Luật dị tướng như sau:
Khi tiếng tăm về thần y tí hon vang khắp xa gần, tin bay đến tai quốc vương nước láng giềng. Quốc vương này là vị vua thống trị các nước nhỏ, trong đó có nước Ma-kiệt-đà của Bình Sa Vương. Ông đang lâm chứng bệnh hiểm nghèo, chữa trị mãi không dứt, ba danh y đều phải bó tay. Bệnh tình trầm trọng khiến ông ta trở nên hung dữ sát hại không biết bao nhiêu ngự y, cận thần chỉ vì những việc không đâu.
Vì thế, khi nghe tin Kỳ Bà có thể cứu sống người chết bất đắc kỳ tử, ông liền sai sứ giả đến triệu Kỳ Bà vào cung chữa bệnh. Bình Sa Vương sợ hãi lo con trai gặp nạn, còn Kỳ Bà sợ mình không đến sẽ gieo hoạ cho cha. Hai cha con ôm nhau suốt đêm không ngủ. Cuối cùng được Phật khích lệ, Kỳ bà đã lên đường sang nước ấy. Đến nơi, thoáng nhìn sắc diện tai tái, khi xanh, lúc đỏ của nhà vua, Kỳ bà cũng đoán được phần nào căn bệnh quái gở của của vị Đại vương. Qua lời xác nhận của Thái Hậu, khi mang thai, nhà vua bị nhiễm chất độc của mãng xà, Kỳ Bà nhất quyết chỉ có vị đề hồ mới có thể trị dứt chất độc đang hoành hành trong cơ thể nhà vua. Đây là một vấn đề nguy hiểm vô cùng vì chất độc mãng xà bị đề hồ khắc chế, nên khiến nhà vua rất ghét vị này, thậm chí mới nghe tên đã đùng đùng nổi giận. Phải làm cách nào để vua chịu uống thứ thuốc “đề hồ” mà ông ghét cay ghét đắng kia? Chỉ còn cách đem nó đun bốc hơi thành nước cho vua uống. Nhưng  như thế cũng chưa phải là yên ổn, vì đề hồ uống vào một lúc, hơi nhộn lên sẽ bay mùi. Vua phát giác ra mình “bị dụ” thì thần y có lẽ nát thây! Như vậy phải làm sao bảo đảm cho việc chế thuốc bí mật, dụ được vua uống, riêng mình được bảo toàn tính mạng trước khi người bệnh nổi cơn khùng!
Nghĩ vậy Kỳ Bà yêu cầu nhà vua chấp nhận năm điều kiện trước khi điều chế thuốc:
1.      Được mặc áo mới của vua.
2.      Hằng ngày được ra vào tự do trong cung cấm.
3.      Được tự do đến chỗ Thái hậu và Hoàng hậu
4.      Nhà vua khi uống thuốc phải nín hơi, không được dừng lại thở nửa chừng
5.      Được mượn con Thiên lý mã của vua để tiện việc đi lại
Thoạt nghe qua, nhà vua nổi cơn thịnh nộ, quát to:
_Thằng bé kia, mi dám yêu sách với ta hả? Mi có ý đồ gì trong năm điều đó, hãy giải thích cho rõ, nếu không ta sẽ xé xác ngươi.
Vẻ mặt điềm tĩnh, Kỳ Bà nói:
_Bệ hạ đừng nóng, hãy nghe tôi nói, lâu nay bệ hạ nổi tiếng là sát thủ ai cũng khiếp sợ, nhiều người ghét bỏ chờ cơ hội trả thù. Những điều ấy ư? Điều thứ nhất chiếc áo tượng trưng cho ngôi vị Hoàng đế, không ai được sờ đến mà hôm nay tôi được mặc là tôi muốn chứng tỏ cho mọi người biết niềm tin của bệ hạ đối với tôi. Thứ hai, tôi được tự do ra vào hoàng cung sẽ không trở ngại cho việc điều chế thuốc. Thứ ba, để đề phòng người ta ám hại ngầm trong lúc pha chế, thân tình nhất với bệ hạ không ai ngoài Thái hậu và Hoàng hậu. Thứ tư, thuốc chỉ có tác dụng khi nín thở uống một hơi. Điều cuối cùng, thuốc này khi uống phải có thêm một loại cỏ thơm để ngậm, cỏ đó ở rất xa, phải có ngựa quý ấy đi mới kịp.
Nghe xong nhà vua vẫn còn giận dữ nhưng nghĩ lại Kỳ Bà chỉ là một đứa trẻ, chắc không ảnh hưởng gì, không thể thực hiện những việc tồi bại dâm loạn trong cung. Hơn nữa, nếu giết nó đi thì ai chữa bệnh cho mình. Vì vậy nhà vua đồng ý. Kỳ Bà lập tức cùng Thái hậu bí mật điều chế đề hồ. Sau 15 ngày chưng cất, đề hồ trở thành nước suối trong vắt. Giờ phút quyết định đã đến, buổi sáng trước khi dâng thuốc cho vua, Kỳ Bà đã cho người dẫn con ngựa quý ra ngã sau để chuẩn bị chạy về nước, vì cậu biết rằng khi thuốc bắt đầu tác dụng ngấm vào cơ thể, nhà vua sẽ ngửi thấy mùi đề hồ, lúc đó cậu sẽ toi mạng.
Quả như dự đoán, trưa hôm ấy, vua ợ lên bốc mùi đề hồ. Ông ta giận dữ hét vang trời:
_Ai cả gan đem thuốc này lên, giết kẻ ấy cho ta!
Cận thần run lập cập, tâu:
_Đó là Thái hậu.
Vua giật mình, không lẽ giết mẹ sao? À, thủ phạm chính là thằng quỷ nhỏ kia.
_Bây đâu? Hãy lập tức bắt tên xảo quyệt ấy. Không bắt được ta lấy mạng các ngươi_nhà vua giận dữ ra lệnh.
Thị vệ chạy nháo nhào vào cung tìm kiếm, nhưng Kỳ Bà đã cao chạy xa bay. Nhà vua hạ lệnh cho kỵ sĩ đuổi theo. Người ta cảm thấy quái lạ khi vua chỉ phái một kỵ sĩ rượt theo, dĩ nhiên qua việc chế thuốc và liệu kế thoát thân, vua dư biết vị hoàng tử thần y mưu trí vô cùng lợi hại. Sở dĩ ông chỉ lệnh một người rượt đuổi bởi vì: Kỳ Bà cởi ngựa quý đã đi hơn hơn nửa buổi, cho một đàn voi ngựa tầm thường gióng trống đuổi theo e rằng chưa tới nửa đường, thằng quỷ nhỏ kia đã ngồi an ổn nơi hoàng cung của nó. Vả lại, cơ mưu như Kỳ Bà, khi biết có người đuổi theo bắt lại, khi nào bó tay chịu trói mà không bày mưu ma chước quỷ để thoát thân! Vả lại cung vua có hai vật quý, Thiên lý mã là một, vật thứ hai chính là…tên kỵ sĩ kia! Vì sao? Tên kỵ sĩ có tên là “Vạn lý túc”-đôi chân vạn dặm. Do đó với sức rượt đuổi gấp mười lần, thoáng chốc tới nơi, Kỳ Bà sẽ bất ngờ không kịp trở tay, với sức vóc trẻ con, kỵ sĩ chỉ việc tóm cổ lôi về. Nhà vua đã dự tính đúng! Kỳ Bà cưỡi ngựa đi được hơn ba ngàn dặm, sắp tới biên giới nước nhà. Chắc mẻm là mình thoát nạn, cậu ta đủng đỉnh dừng voi, leo lên sườn núi ngồi thở dốc, chợt nhớ từ sáng giờ chưa ăn gì, Kỳ Bà định lấy lương khô ra ăn thì kỵ sĩ đã xuất hiện. Kỳ Bà sợ tái mặt, kêu thầm: "phen này tiêu đời rồi!"
Thấy cậu, kỵ sĩ nọ hùng hổ bước tới. Ra vẻ bình tĩnh, Kỳ Bà cười giả lả:
_Này, anh chớ nên làm dữ vậy? Anh muốn bắt tôi về cũng đành thôi. Tôi vô phương thoát rồi! Nhưng từ sáng tới giờ tôi chưa ăn gì. Anh dư biết sự hung hãn của vua mình. Tôi bị đưa về ắt chết ngay không kịp kêu tên mẹ cha nữa, huống gì ăn uống. Một thầy thuốc cứu mạng cho người được trả ơn như vậy sao? Nếu anh còn chút lương tri, hãy để tôi ăn rồi bắt.
Nói xong Kỳ Bà lấy trái cây và nước uống ra ăn. Trước tình thế bất ngờ, “Tội nhân”   không chạy cũng không kháng cự, tên kỵ sĩ nhất thời lúng túng đứng ngẩn người ra đó. Kỳ Bà đưa cho kỵ sĩ nửa miếng lê, cảnh giác, hắn từ chối. Kỵ sĩ nhìn chăm chắm Kỳ Bà sợ giở trò. Nhưng thằng nhỏ mới cắc cớ, ăn thật khoan thai và ngon lành, những miếng lê mà nó mời kỵ sĩ có vẻ rất hờ hững, như thiên hạ thường nói là “mời lơi”, anh ta sợ có thuốc độc không ăn, nó vẫn bỏ vào miệng nhai tuốt tuột chẳng uý kỵ gì. Đợi lâu uể oải, tiện tay, kỵ sĩ giằng nửa miếng lê Kỳ Bà đang ăn nhai cho đỡ chán! Nuốt miếng lê qua khỏi cổ, hắn giằng luôn ly nước trên tay hoàng tử định tu một hơi, nhưng nước chưa kịp trôi đã nghe bụng oặn thắt từng cơn, rồi hắn bị tháo dạ liên tục đến mức oằn oại, không ngóc đầu lên nổi. Kỵ sĩ nhìn Kỳ Bà lo lắng ái ngại, không lẽ nhờ thầy thuốc tội nhân chữa trị, giận mình phát bệnh không đúng chỗ, nếu thằng bé bỏ đi lúc này, ta không cách gì bắt lại. Khi đó, Kỳ Bà thản nhiên đến bên cạnh hắn nói:
_Anh quê quá, vài hôm nữa thuốc có hiệu nghiệm nhà vua sẽ hết bệnh, còn bây giờ nếu anh bắt ta về, vua sẽ giết ta. Để thoát thân, ta đành dùng hạ sách này. Thôi anh chịu khó nằm đỡ đây nhé.
Nói xong, Kỳ Bà đặt kỵ sĩ vào bóng mát rồi ung dung lên ngựa trở về bổn quốc trước cặp mắt ngỡ ngàng và tức giận của “Thiên lý túc”. Thì ra, trong móng tay tiểu thần y có sẵn thuốc tháo dạ, chỉ cần kỵ sĩ giật miếng lê nào, Kỳ Bà sẽ bấm mạnh móng tay vào miếng lê đó, điều này khiến “Thiên lý túc” trúng kế, nuốc gọn cả phần thuốc mà không ngờ. Khi đi ngang qua quán rượu, Kỳ Bà nhờ người đến khiêng kỵ sĩ về chăm sóc. Xử sự nhân đạo với kẻ thù hay người đã từng hại mình, điều này hiếm thấy trong thiên hạ, nhưng Kỳ Bà đã làm được, kể như là một chuyện phi thường! Hơn một ngày sau, Kỵ sĩ khỏi bệnh, vội trở về cung, lòng lo sợ phen này sẽ chết, song nếu không về thì cả nhà có thể nguy hại. Nhưng không ngờ, về tới nơi nhà vua cười hớn hở hỏi:
_Thằng nhỏ đó đâu rồi? Có bắt được không?
Kỵ sĩ phủ phục trước bệ rồng, không dám ngẩng đầu lên. Vua giận dữ hỏi:
_Ngươi đã giết nó rồi ư?
_Dạ không. Thằng nhỏ đã chạy thoát!
Nói xong, tên lính phủ phục, chỉ chờ một trận lôi đình, rồi kết cuộc đầu rơi mà thôi!   Nhưng giây lâu nghe nhà vua thở dài nói:
_Ta nhờ thần y mà khỏi bệnh, chưa kịp báo ơn. Nước ta không có duyên lưu thần y ở lại. Quả là nhân tài hiếm có!
Vừa ngạc nhiên vừa mừng, kỵ sĩ đáp:
_Phải đó, vị hoàng tử nước  ấy tài thiệt.
Kỵ sĩ liền thuật lại cuộc đối đầu giữa mình với thần y với thái độ vô cùng nể phục.
Nhà vua và cả triều đình cười ầm lên, không ngớt lời tán thán Kỳ Bà, một danh y tí hon đa mưu túc trí tuổi mới lên mười.Trong khi đó, tại Ma-kiệt-đà, dân chúng và quốc vương cũng không kém phần vui mừng khi hoàng tử an toàn trở về.
Sanh thời, Kỳ Bà còn là một thầy thuốc Phật tử, hết lòng hộ trì Tăng chúng. Phàm hễ trong Chư Tăng_Ni có bệnh, đa phần nhờ đến Kỳ Bà giúp đỡ, hoặc trực tiếp điều trị, hoặc bày phương cách. Sau này, chính ông hướng dẫn A-xà-thế đến nơi Phật để sám hối tội lỗi giết cha đoạt ngôi, đồng thời giúp đỡ em mình trở thành một vị vua chân chánh. Do phước báu tạo ra lúc sanh tiền, khi chết, Kỳ Bà sanh về Đao Lợi thiên cung, hưởng thụ sự vui thù thắng vi diệu. Vì sao người ta biết được điều này? Do nơi Ngài Xá Lợi Phất. Số là vị Thánh giả này có một đệ tử  bi đau bụng kinh niên, không có thầy thuốc nào trị khỏi. “Tướng quân chánh pháp” mới nghĩ: “Ngoài Kỳ Bà, có lẽ chẳng ai trị được, nhưng thần y đã qua đời, biết phải làm sao?”. Vì muốn đệ tử khỏi bệnh, Xá Lợi Phất dùng thần thông tìm Kỳ Bà, ngài đoan chắc với phước báu đã tạo, Kỳ Bà sẽ sanh về cảnh giới thù thắng. Khi phát hiện thần y ở Đao Lợi thiên, Xá Lợi Phất liền bay đến, xa thấy Kỳ Bà đang cỡi xe báu rượt đuổi cùng các thiên nữ. Thiên tử trông thấy thánh giả, chỉ khoát tay chào rồi đi luôn. Xá Lợi Phất đuổi theo, dùng thần lực nắm xe lại, bất đắc dĩ, thiên tử Kỳ Bà xuống xe, pháp vương Xá Lợi Phất trách:
_Ông xưa nương theo Tam Bảo tạo phước đức, chưa từng đối xử thất lễ với tăng chúng, bậc thiện tri thức phước điền của ông. Nay ta lên đến đây tìm, ông lại làm mặt lạ, không sợ tổn phước sao?
_Xin Thánh giả lượng thứ_Kỳ Bà cười xoà trả lời Xá Lợi Phất_Tôi bản tính ham vui, nơi này bao nhiêu lạc thú, sự vui chơi cuốn hút cả tâm trí chẳng rảnh rang để tâm vào chuyện khác, đưa tay chào Thánh giả là rất vị nể tình xưa lắm rồi đó.
Pháp vương ra chiều cảm thông, nói:
_Thôi, tôi thật tình không muốn phiền nhiễu chi ông, ngặt vì đệ tử mang bệnh quái dị, nhân gian danh y thảy đều bó tay. Mong ông hoan hỷ  bày vẽ phương cách chữa trị.
Kỳ Bà vừa thoát người lên xe, vừa dặn với trở lại:
_Về bảo ông ấy nhịn ăn, để bao tử nghỉ ngơi một thời gian ắt khỏi.
Xá Lợi Phất không tin, nhưng cũng không có cách nào khác, đành làm theo. Quả nhiên qua vài lần nhịn ăn, bệnh trạng người đệ tử thuyên giảm và hết hẳn. Sau này trong giới y học, nhất là đông y, lưu truyền phương pháp “Nhịn ăn trị bệnh”. Nhận xét về phương pháp trị bệnh này, trong quyển “Y khoa và cuộc sống”, Bác sĩ Phạm Thị Minh Dung viết: Nhịn ăn là một tác nhân chữa bệnh hay nhất của thiên nhiên…Nhịn ăn làm dịu đi, làm khuất phục dục vọng…Nhịn ăn định kỳ có thể ngừa được bệnh và tăng sức đề kháng…Nhịn ăn điều đặn làm chúng ta vô bệnh, nhẹ nhàng, tràn đầy năng lượng, xúc cảm thăng bằng, và thể nghiệm sự biến đổi sâu sắc trong cơ thể, tâm trí và tâm linh… (Trích mục NHỊN ĂN-Y khoa và cuộc sống, trang 219-220). Song, phương pháp nhịn ăn ngày nay được coi như là một trong những phương pháp y khoa tìm hiểu theo Yoga, ít ai biết khởi điểm ly kỳ của nó vốn được truyền từ một vị thiên tử, chính là hậu thân của “Thần y Kỳ Bà”.

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/taitrikyba.htm

 


Vào mạng: 1-7-2004

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang