Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NỖI NIỀM CỦA CHÚ TIỂU RÀHULA
*****

La-hau-laRàhula! Một chú tiểu Sa di nhỏ tuổi nhất, chú là một chú tiểu tí hon tám tuổi trong hàng Tăng đồ đầu tiên của đức Phật. Ba hôm nay gương mặt chú kém vui, vì chú ăn không no. Có thực mới vực được đạo mà! Tại sao người cúng, người Phật tử họ khinh thường chú quá vậy? Ngày xưa khi chú đi theo mẹ, theo ông nội đi làm lễ Hạ điền, thần dân thấy chú đều cúi đầu kính cẩn. Vì họ biết chú sẽ là nhà vua trong tương lai mà! Tại sao bây giờ họ chỉ cúng dường, chỉ sớt bát cho các vị lớn đầy bát với những món ngon. Còn chú thì họ sớt đồ thừa còn lại, những món đã dở mà lại ít nữa. Họ chỉ sớt có một chút à. Chú tuy nhỏ nhít nhưng cũng cho chú ăn no chứ. Hơn nữa, chú còn bé tí thì ăn rất mau tiêu, nên mau đói lắm. Các ông các bà này không bình đẳng chút nào hết. Cúng dường mà cầu danh, cúng dưng mà còn phân biệt Thượng tọa, Hạ tọa thì phước đức đâu có trọn vẹn lớn lao. Ai cũng là Phật tương lai mà. Người tuy tí hon mà mình tâm thành cúng dường, để người có phương tiện tu trở thành vị Phật, thì công đức mới lớn chứ. Các vị nghĩ lại xem! Chứ thành Phật rồi ngồi trên bàn thờ, nhu cầu không cần nữa, các vị đem đến cúng cũng bằng thừa. Nếu muốn cầu phước cũng chỉ được chút đỉnh thôi. Cúng dường những vị đang muốn thành Phật, để trở thành những vị Phật thì mới quý chứ. Một nắm khi đói bằng một gói khi no mà!

Ràhula! Hôm nay đi khất thực về với cái bát trống không. Các vị thí chủ cứ đua nhau sớt vào bát các thầy lớn. Còn chú đi sau cùng họ không quan tâm, không sớt vào bát của chú một tý gì hết. Ba hôm nay đã đói mà hôm nay lại càng không có một hột cơm nào để làm thuốc cứu đói, thôi nếu chết ngay đi thì sướng hơn. Nhưng ngặt cái thân nó không chịu chết, mà nó cứ đói cứ hành hạ mình mới khổ. Chứ sống mà cái đói nó cứ gặm nhắm chết dần, thì trăm khổ, ngàn lần khổ hơn. Ba hôm nay chú đâu có ngũ được, vì cái đói nó cứ hoành hành rồi rên rỉ trong bụng chú. Hoàng cung, chú đâu có bao giờ chịu đói như thế này đâu! Nào là sữa, đề hồ (1), tô lạc (2), kẹo bánh đủ thứ. Bây giờ chỉ cần một muỗng sữa cũng không có. Chú muốn ngồi tĩnh tọa để quên cái đói. Nhưng không ngồi nổi. Cái đói vẫn là cái đói hiện hữu, nó đang trở thành con ma quậy phá trong bụng chú. Nó thúc dục chú hãy chạy trốn về hoàng cung đi. Ở đó luôn luôn no ấm sung sướng. Còn ở đây đói khát, lạnh lẽo buồn chán và chịu cô đơn trong cái thất nhỏ te tua này. Nào là mưa tạt, gió lùa, muỗi mòng, đôi khi rắn hổ bò vào làm cho chú khiếp đảm. Chú tủi thân, chú khóc, chú than thân, chú rên rỉ. Chú nức nở, tức tưởi. Những dòng lệ cứ thi nhau lăn dài trên đôi má ngây thơ. Chú nằm chèo queo, úp mặt vào hai bàn tay thổn thức, chú buồn tủi cho thân phận của mình.

Bỗng một bàn tay ấm áp đầy tình thương đặt trên trán chú. Với lời an ủi dịu dàng, mát ngọt đi sâu vào lòng chú:

- Ràhula! Có phải con đang đói lắm, phải không?

Ràhula biết là đức Phật, giờ đây ngài không phải là cha riêng của chú, mà ngài là đấng Cha Lành chung của cả nhân loại. Chú không có quyền nhõng nhẽo, đòi hỏi gì hết. Chú vội vàng tuột xuống giường, quỳ lạy, òa lên tiếng khóc lớn mà chú không thể kềm giữ được. Đức Như Lai cảm thông sâu xa tâm trạng chú, thương xót tuổi măng non của chú. Ngài xoa đầu an ủi chú. Một nguồn từ lực thiêng liêng có tính truyền cảm chuyển động từ trên đỉnh đầu chạy khắp người, làm cho chú cảm thấy dễ chịu, an lành Chú không hiểu nổi, có phải tình phụ tử thiêng liêng đã làm cho chú dễ chịu, hay là oai đức của một vị Phật đã ban cho chú sự bình an tươi mát này.

Chú ngẩng đầu lên nhìn đức Phật và nói:

- Kính bạch đức Như Lai! Ba hôm nay không bữa ăn nào con được no. Hôm nay con lại càng đói hơn, vì trong bụng không có một hột cơm nào. Vì các thí chủ chỉ dâng cúng cho các thầy lớn, con còn nhỏ đi sau họ không cúng. Vì luật không cho ăn sau giờ ngọ, nên cơn đói hành hạ con từ trưa đến giờ và suốt đêm nay nữa Nhưng bây giờ có đức Thế Tôn đến an ủi con, tự nhiên con thấy an lành không còn đói nữa. Con thấy chỉ cần bên cạnh bóng mát của đức Thế Tôn, là con cảm thấy sung sướng đầy đủ lắm rồi. Con xin kính lạy đức Thế Tôn đã chiếu cố và lo lắng cho con.

Đức Phật mỉm cười gật đầu. Ngài bảo chú hãy ngồi tĩnh tâm một chút rồi hãy ngũ. Dạy xong ngài bước ra trở về hương thất, với dáng hiền hòa vững chãi, trang nghiêm khả kính.

Ràhula nhìn theo ngài, chú muốn chạy theo ôm ngài rồi kêu lên hai tiếng Cha ơi! Cha ơi! cho nó thỏa thích, nguôi đi cái tình thương nhớ cha, thương nhớ mẹ, thương nhớ ông nội. Nhưng chú không dám, chú thấy mình không có cái quyền đó, mà bây giờ ngài là vị giáo chủ, là đấng cha chung của mọi người. Ngài không còn là cha riêng của chú nữa. Chú cảm thấy mất mát lớn lao, nhưng chú thấy có cái gì sẽ bù đắp lại sự thiệt thòi đó, nó vô cùng quan trọng mà chú chưa biết.

Chú thấy ngài đã hy sinh tất cả ngai vàng ngôi báu, vợ đẹp hầu xinh, kể cả tình phụ tử riêng tư, chịu biết bao nhiêu thử thách gian truân trong những tháng ngày dài. Ngài đã khổ hạnh vượt bực còn da bọc xương, không thối chí ngã lòng, cương quyết tu hành đến khi thành đạo cả để cứu độ chúng sanh. Còn chú là con, thì cũng phải cố gắng để được phần nào mới phải chứ!

Chú ngồi mà tâm không yên. Mêït mỏi chú nằm xuống nhớ me kêu thầm: “Mẹ ơi! Mẹ có biết là con đói khổ lắm không? Tại mẹ bảo con đi theo xin gia tài của cha. Mà gia tài của cha trao cho con là cái chòi lá ban đêm tối thui đầy muỗi, nào là kiến, sâu rọm đầy lông bò vào, đôi khi cả rắn nữa. Con sợ quá mẹ có biết không?” Rồi chú thiếp đi nhớ lại cảnh hoàng cung.

Ràhula! Chú là đứa bé dễ thương, cũng như mọi người hay nói như thế. Gương mặt chú tuy còn ngây thơ nhưng đôi mắt bồ câu đẹp sáng ngời với hàng mi cong vút. Chiếc mũi cao xinh xắn, cái miệng luôn cười với đôi môi hồng như cánh hoa tươi phơi phới trên cành. Mái tóc đen lánh xoắn dợn với hương thơm tinh khiết. Chú bé được thừa hưởng hai dòng máu ưu tú lưu truyền, đều kết tinh tuyệt vời qua hình thể trang nghiêm đầy tướng hảo của phụ thân là Thái Tử Sĩ Đạt Ta và công chúa Da Du Đà La, một thiên hương quốc sắc diễm kiều và đức hạnh. Nàng là hoa khôi của Ấn Độ, đứng đầu các công chúa lân bang. Nên chú bé đẹp tuyệt vời như một thiên thần, khiến các cung phi mỹ nữ thường quỳ xuống, dành nhau ôm hôn hai bàn chân mũm mĩm của chú một cách thích thú say mê.

Ràhula! Chú bé đẹp trai, quý phái của quý tộc Sakya. Chú sống trong cung vàng điện ngọc, bao bọc bằng hàng vạn tình thương. Người yêu thương chú nhất là công chúa Da Du Đà La, vì chú là núm ruột của nàng, là nguồn an ủi lớn lao của nàng kể từ khi Thái tử vượt thành vào rừng xuất gia tầm đạo. Chú là tất cả tình thương còn lại, là những kỷ niệm sâu đậm của những tháng ngày hạnh phúc mong manh. Chú là viên ngọc quý vô giá, là sự nghiệp và tương lai của cả vương quốc Ca Tỳ La Vệ. Chú còn là một vị vua sẽ kế vị ngai vàng thay cho bố chú, để cai trị một quốc gia mà muôn dân đang hy vọng. Nếu không có chú đời nàng sẽ cô đơn tuyệt vọng cùng cực.

Ràhula! Chú bé ngoan hiền và vui tính, nên ai cũng thương quý chú. Người yêu thương chú thuộc hàng nhất nhì với công chúa Da Du Đà La, là vua Tịnh Phạn. Vì ngoài tình ông cháu qua huyết thống chủng tộc còn một thứ tình thương khác, là tình thương đứa cháu nội ấu thơ của mình vắng mặt người cha thân yêu, trong lúc tuổi chú cần ấp ủ, cần bao bọc săn sóc nuông chìu và dạy dỗ. Nên hàng ngày sau những buổi chầu, sau những phiên họp quốc sự, vua Tịnh Phạn dành thì giờ đến đùa giỡn với chú, một cháu nội đích tôn quý nhất của vua. Chú bé tuy còn tuổi ngây thơ nhưng đã thông minh hơn chúng bạn, đã có dáng dấp khí phách hiên ngang của một vương tôn. Nhưng không vì thế mà chú kiêu căng, chú hay kính trọng người lớn tuổi vui vẻ thân ái với mọi người.

Ràhula! Buổi sáng chú vừa thức dậy, các cung phi xúm nhau săn sóc chú. Những chiếc khăn nóng ướt được tẩm nước thơm tinh khiết hảo hạng, người lau mặt kẻ lau tay, rồi người khác lau mình, người khác nữa lau chân cho chú. Họ thay cho chú bộ đồ mới, uống sữa xong rồi theo mẹ đi lễ ở điện thể trong cung. Sau đó chú ăn sáng với bánh nướng và mật ong tinh khiết với sữa vắt từ con bò khỏe mập, được lọc và nấu cẩn thận thành một loại đề hồ thơm ngon của hoàng triều Ngoài ba bữa ăn chính, chú còn được các cung nữ cho ăn dặm các loại bánh, kem, trái cây với những thứ quý hiếm khác. Chú không bao giờ phải chịu đói, chú thuần ăn những loại hảo hạng được các cung nữ chọn lọc kỹ lưỡng. Các quan ngự y cũng thường chăm sóc chú, nên sức khỏe chú tốt nhất đối với mọi người trong hoàng cung.

Ràhula! Chú hay mặc chiếc áo gấm vàng thêu hoa, tay ngắn. Một cái váy túm giữa kéo lên, như cái quần được xếp nhiều nếp bằng lụa quý màu vàng cam. Tay và cổ mang nhiều vòng ngọc quý Giữa trán chú chấm một dấu Tilca của giai cấp quý phái Sát đế lợi. Ràhula! chú cũng ham thích những trò chơi những thú vui như các trẻ khác. Chú cũng thích đùa giỡn tinh nghịch để tạo những trận cười. Các cung nữ hay quỳ mọp làm voi cho chú cưỡi, như nhà vua đi dạo các cửa thành. Những cung nữ khác đàn ca chào mừng, hoặc quỳ xuống chào đón quốc vương đi dạo kinh thành, với những tiếng tung hô nhà vua tý hon trên lưng voi mỹ nữ. Chú đưa tay vẫy chào các thần dân, chúc tụng các thần dân luôn trúng mùa, thịnh vượng và hạnh phúc. Trò chơi của một vương tôn cũng trang trọng, mang nét uy nghi của con dòng cháu giống hoàng tộc Sakya. Những trò chơi luôn luôn thay đổi để cho chú khỏi chán, những dàn nhạc cũng đổi nhạc cụ và âm điệu. Những vở kịch, những điệu múa cũng thay đổi cách luyện tập cho phù hợp với tuổi thơ của chú. Chú thích nhất là những cung nữ bị thọc lét, phải cười bò lăn và chạy trốn. Hễ người nào cười bò lăn là người đó thua cuộc, phải bò một vòng với tràng pháo tay nhịp nhàng cười rộ. Mẹ của chú cũng vui lây, thích nhìn chú vui cười hồn nhiên, đôi khi cũng cười ra nước mắt. Vì những kỷ niệm xa xưa khi hoàng tử còn ở hoàng cung, vẫn sống động mạnh mẽ trong tâm hồn công chúa.

Ràhula! Sống trong cung điện luôn ngập tràn ánh sáng, những cung điện đặc biệt này do vua kiến tạo cho Thái tử, cách kiến trúc cao sang đầy đủ mọi tiện nghi và thuận lợi. Ban ngày ánh sáng thái dương, chiếu sáng khắp cung với ánh sáng dịu mát làm cho không khí an lành. Ban đêm những ngọn bạch lạp tỏa ra ánh sáng soi tỏ mọi vật và sưởi ấm khi trời lạnh. Những chậu cá vàng, những hòn non bộ cũng phủ đầy ánh sáng Dọc hành lang, ngoài vườn thưỡng uyển, những chiếc đèn lồng xinh xắn chiếu sáng hết các lối đi. Cuộc sống của chú thật phong phú và cao sang không ai sánh kịp.

Ràhula! Chú là bảo vật quý báu của hoàng gia. Chú mang đôi hài gấm kết hoa kim tuyến và cườm, không bao giờ các cung nữ để cho chú đi chân không. Trong cung chú luôn luôn được bồng ẵm nâng niu, các cung nữ thay phiên nhau làm kiệu cho chú ngồi, làm voi làm bò cho chú cưỡi, làm chiếc ngai vàng cho chú dựa, người thì làm đai cho chú gác tay chân. Các cung nữ rất thích làm như thế để có cơ hội hôn tay chân chú. Chú là nguồn vui của mọi người trong cung. Khi chú ngủ trưa hay tối, mùi trầm xông thoang thoảng thanh thoát, không một con ruồi hay con muỗi nào lọt vào cung điện của chú. Con nhền nhện hay con thằn lằn con kiến không có trong cung chú ở. Khi chú ra vườn thượng uyển, con sâu cái kiến cũng được các ngự lâm quân dọn sạch. Những con rắn, con rết hay con gì đem đến sự sợ hãi đều không có trong vườn hoa và cung điện. Các cây cảnh được trồng vén khéo và tỉa cành chăn sóc rất công phu. Chú thừa hưởng gia tài của thân phụ chú, những vườn hoa cảnh, những hồ nước trong xanh, những cung điện phù hợp với ba mùa ở Ấn Độ. Mùa lạnh có tòa nhà kiến thiết ấm cúng, kín đáo và các phòng hội họp ca múa, không khí được sưởi ấm làm cho mọi người được dễ chịu có cảm giác thoải mái khi bước vào. Tòa nhà cho mùa nóng với những phòng thoáng mát lộng gió, vườn cây rợp bóng xanh và những trái chín đỏ vàng căng tròn mật ngọt.

Những hồ nước trong xanh mát lạnh, với hàng dừa xòe tàng che mát suốt con đường. Một tòa nhà cho mùa mưa với kiến trúc đẹp mắt của vườn cây cảnh, có nhiều hòn non bộ tạo nên một thế giới huyền ảo trong những cơn mưa. Có những phòng an tịnh để khỏi nghe tiếng gió mưa gào thét, hay tiếng sấm chớp vang dội rung chuyển đất trời.

Ràhula! Chú sống sung sướng như vậy, không bao giờ chịu đói khát không bao giờ sợ hãi bởi vật lạ hay ai đe dọa chú. Chú sống trong tình thương bao bọc của mọi người. Chú muốn như trời muốn, ai cũng vội vàng chạy lại vâng theo mệnh lệnh của chú, luôn làm chú hài lòng. Nhà vua cũng phải nuông chìu cưng chú. Công chúa cũng phải vỗ về thương yêu chú, các cung nữ không bao giờ dám trái nghịch ý chú. Chú muốn ai làm voi cho chú cưỡi cũng được, chú muốn ai cười thì cứ thọt lét cho họ cười thoải mái. Không ai hất hủi chú, không ai rầy la chú khi chú muốn vui đùa với họ, họ luôn luôn nồng nàn vui đùa thích thú với chú. Chú không bao giờ cảm thấy cô đơn, cảm thấy bị răn đe, bị người khác coi thường. Chú cũng chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi quá mức, cũng chưa bao giờ bị ai dám ăn hiếp chú. Chú cũng chưa bao giờ bị nhin đói quá mức cái đói cồn cào, cái đói như lửa đốt, cái đói nôn nao hành hạ chú suốt đêm dài. Chú cũng chưa bao giờ phải tủi thân, phải khóc tức tưởi, phải muốn chết ngay đi chết cho nó khỏe. Chết sướng hơn mà! Những ý tưởng ấy cứ miên man quay cuồng theo chú vào giấc ngủ.

Ràhula! Chú vào tới cửa hoàng cung mà chẳng ai đón chú, các cung nữ gần như cũng lơ là với chú. Chú cảm thấy quá phủ phàng, chú nghe buồn mênh mông. Chú bảo họ dọn cơm cho chú, gần như họ không thèm nghe mà cứ tỉnh bơ. Chú những tưởng về tới đây sẽ được chào đón, sẽ được một bữa ăn thật no nê. Chú sẽ kể lể hết hoàn cảnh khó khăn chú đang sống, bày tỏ hết tâm tình trong lòng chú đang mang. Nhưng tất cả đều vô nghĩa vì không ai muốn nghe chú nói cả. Nhưng mẹ chú ở dâu? Chú phải chạy vào phòng của mẹ chú chớ? Ồ! Mẹ chú đang từng bước khoan thai đến kìa! Mẹ chú mỉm cười đưa tay vẫy gọi chú. Chú chạy lại sà vào lòng mẹ định nhõng nhẽo, nhưng mẹ chú đẩy chú ra. À thôi rồi! Bây giờ chú là một tu sĩ mang y vàng thì không được xúc chạm đến người nữ, dù người ấy là mẹ của chú, rất thương nhớ chú, muốn ôm chú hôn thật nhiều, thật lâu để tỏ bày hết cái mẫu tử tình thâm với chú.

Chú thấy hai dòng lệ của mẹ chú lăn dài, chú nghẹn ngào òa lên khóc. Tiếng khóc của chú đánh thức chú dậy. Chú thấy mình vẫn nằm trong cái thất nhỏ, nhìn xuyên qua cửa sổ, ánh trăng mười sáu sáng soi trên khung trời xanh thẳm lấp lánh muôn vì sao. Vài tiếng chim ăn đêm hòa với tiếng côn trùng, đâu đây tiếng xột xoạt với tiếng khe khè nghe man rợ. Linh tinh báo cho chú biết có cái gì không ổn, chú ngồi dậy nhìn qua ánh trăng soi. Một con rắn hổ mang đang bò cặp theo vách, nó dừng lại phùng mang nhìn chú có vẻ đe dọa. Chú nín thở hồi hộp, sao cảnh rừng núi này nhiều rắn quá. Ở hoàng cung của chú, làm gì có thứ nguy hiểm này, chú không dám bước xuống giường, cũng không dám phóng chạy đi. Vì con rắn cách chú không đầy hai thước, nó có thể tấn công nhanh như chớp nếu chú bước xuống giường. Hơn nữa, ban đêm mắt của nó rất tỏ. Chú không dám la lên, nếu chú gây một tiếng động nào thì nó sẽ tấn công chú ngay. Tốt nhất là yên lặng quan sát và chịu đựng. Chú thấy cuộc sống tu hành như vầy sao quá khắc khổ, khó khăn gò ép trong một cái khuôn cố định. Chú co chân vào để thủ, kéo cái y che khuất người. Con rắn thấy một khối vàng vàng to cử động nó sợ hãi phóng nhanh ra ngoài, chú thở phào thoát nạn. Chú duỗi chân ra cho thẳng không ngờ bàn chân đụng phải cây cột tre, chạm mạnh vào vết thương ung mủ dưới bàn chân của chú. Vì từ lúc nhỏ đến lớn, chú luôn mang hài đi thì bằng kiệu bằng xe, chứ chưa bao giờ đi chân không đầu trần như bây giờ. Bàn chân chú da non mềm, các cung nữ hay dành nhau ôm hôn chân chú. Bây giờ suốt mấy tháng nay, nó bị sỏi đá cắt nhiều thương tích, đạp mấy cái xương cá nó ung mủ đau nhức thấu xương, bàn chân trở nên xấu xí dơ bẩn đâu còn giá trị, đâu còn dễ thương như xưa nữa. Dù vết thương mỗi khi bị chạm đau, nhưng chú cũng rán chịu không dám mở miẹâng than với ai, hay nhờ vả ai. Vì nơi đây, ai cũng là người vô sản, đầu trần chân đất, đi ăn xin từng bữa như nhau thôi!

Chú nhớ, ở hoàng cung mỗi lần tắm có người kỳ lưng, có người xối nước, có người lấy khăn lau mình. Còn có người phụ mặc quần áo cho chú nữa. Chú không làm gì động đến móng tay, hà tất lại phải đi xuống suối giặt đồ lấy. Nhưng bây giờ mỗi buổi chiều, chú phải xuống suối tự mình tắm lấy và tự giặt lấy y của mình. Ngày đầu xuống suối chưa quen, đá sỏi lởm chởm với rong rêu trơn trợt chú bị té hai ba lần thật đau điếng. Bàn chân chú, bây giờ không biết bao nhiêu vết cắt của đá sỏi dọc đường, thêm vết thương ung mủ và bụng đói nữa. Con đường tu mênh mông diệu vợi, chưa thấy bến bờ. Chú nhớ lại mẹ chú bảo: “Hãy chạy theo cha để xin gia tài đi con”. Chú còn thơ ấu đâu biết gia tài là cái gì? Nên chú chạy theo đức Phật xin gia tài! Đức Như Lai nghĩ: “Gia tài vật chất thế gian là của tạm bợ không bền chắc lâu dài nay còn mai mất, “năm nhà” (3) thay phiên nhau làm chủ. Chỉ có thánh tài là vô giá thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi”. Nên đức Như Lai hứa khả cho Ràhula xuất gia để nhận lãnh được thánh tài vô giá đó. Bây giờ chú mới hiểu muốn nhận lãnh gia tài đó, phải chịu vất vả nhọc nhằn như nhịn đói, đi đầu trần chân không, cái gì cũng phải tự mình làm lấy. Ngoài ra ai mắng chửi phải nhẫn, phải yên lặng, không được cãi lại, không được giận hờn. Nhất là không được đùa giỡn như ở hoàng cung, phải ngủ riêng một mình, phải chịu khó thức khuya dù cay mắt để tu tập tọa thiền, phải dậy sớm dù ngủ gục cũng phải ngồi tu tập. Buổi chiều không được ăn, dù lửa đói thiêu đốt bèo bọt cả tim gan thì cũng phải kênh mình mà chịu. Chú thấy mất tất cả tình thương yêu thân thiết, mất tất cả sự che chở săn sóc, mất cuộc đời vui sướng ca hát cười đùa. Nhất là mất đi vòng tay ấm áp thân thương của mẹ. Bây giờ chú trở thành người không nhà không cửa, không mẹ không cha. Chú muốn có một muỗng sữa để thấm giọng cũng không có. Chú muốn mang đôi giày để bảo vệ các vết thương, bảo vệ cái mụn nhọt bị ung mủ, bảo vệ bàn chân non mềm của chú cũng không được. Bất giác chú thốt lên: “Mẹ ơi! Tại mẹ tất cả đó. Tại mẹ nên hôm nay con mới có cái gia tài đầy thương tích như thế này, mẹ có biết không?” Chú kêu lên một cách mệt mỏi, miệng chú khát khô mà không dám ra ngoài lu uống nước, chú sợ những con rắn độc hay bò theo vách. Chú xuôi tay chân rồi lại thiếp đi.

Mẹ chú từ đàng xa tới, vẫy tay mừng chú, hai cung nữ theo sau xách đầy hai giỏ đồ ăn. Chú chạy lại mừng mẹ chú, hai mẹ con ôm nhau, chú hỏi mẹ có nhớ chú không? Mẹ chú không trả lời mà sao hai mắt mẹ cứ tuôn trào những giọt lệ. Chú bảo cung nữ đưa sữa cho chú uống, chú đói nhưng không dám ăn vì trời đã khuya rồi. Chú uống những dòng sữa mát ngọt được rót ra từ bình bạc, chú uống mãi nhưng không thấy no, mà cũng không thấy đã khát. Chú kể cho mẹ nghe những nỗi niềm của chú, chú trách mẹ tại sao xúi chú đi xin gia tài, để rồi chú chịu khổ như thế này. Chú nói mẹ nhớ đem sữa, bánh đến thăm chú, phải đem trước giờ ngọ. Nếu chú đi khất thực không có cơm, thì chú còn ăn được, còn đi thăm quá giờ ngọ thì chú không ăn được. Nếu thăm buổi chiều thì chỉ đem sữa thôi. Còn bánh thì chú không có quyền cất giữ ban đêm. Chú dặn mẹ nhớ nhé mẹ. Mẹ chú không nói năng gì nhưng công chúa cứ nhìn chú có vẽ nhớ thương lắm, nàng nhìn chú với hai hàng nước mắt xót xa.

Bỗng chú thấy vua Tịnh Phạn, ông nội của chú năm nay đầu tóc đã bạc phơ, dáng người có vẻ yếu đi. Khi ông nội ôm chú thì mẹ chú lại đi đâu mất. Ông nội bảo sẽ cho những đứa trẻ họ Thích trong hoàng cung đến đây xuất gia với chú cho có bạn. Chú mừng quá nhảy tửng lên, rồi giật mình thức giấc. Vừa đúng lúc tiếng chuông ngân lên báo thức do vị chúng trưởng đi khắp khu vườn rung chuông để Tăng chúng thức dậy tọa thiền.

Thì giờ tu hành nghiêm mật, tiếng chuông lệnh đã gọi, chư Tăng thức dậy rửa mặt tọa thiền. Đâu đây vài tiếng ho khô khan của vị sư già, xa xa vài tiếng tằng hắng chen vào vài tiếng nói nho nhỏ. Ngoài ra khung cảnh luôn trang nghiêm an tịnh, ai cũng khép mình trong một quy luật giữ gìn chánh niệm, nhẹ nhàng mọi động tác trong oai nghi, toàn thân luôn toát ra sự bình an hỷ lạc. Sự hỷ lạc hiện trên gương mặt, đôi môi, tướng diện làm ảnh hưởng trực tiếp đến người xung quanh cũng được sự bình an hỷ lạc. Những chư Tăng theo đức Phật, mỗi ngày đều có vị tu chứng, có ngày năm bảy vị tu chứng. Người thì đắc quả Tu Đà Hoàn (4) ngay sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, người thì đắc quả Tư Đà Hàm (5), người thì đắc A Na Hàm (6), có vị chứng thẳng vào quả A La Hán (7). Nên khu vườn nào có chư Tăng ở tu thì ở đó trở thành Thánh địa, chỗ nào có đức Phật ngự đến, thì chỗ đó trở thành Phật cảnh, luôn có chư Thiên hộ trì. Cho nên dù Ràhula bị đói nhưng sức khỏe vẫn tốt. Tuy tuổi nhỏ có những nỗi niềm riêng, còn ham ăn uống, ham vui đùa chơi giỡn theo tuổi ấu thời. Nhưng Ràhula vẫn thừa hưởng được sự bình an hỷ lạc của đức Phật và tập thể Thánh chúng xung quanh.

Thánh quả không phải là một món hàng tầm thường dễ lấy. Muốn đạt được phải trải qua nhiều công phu, hoặc tiền thân đã gieo nhiều thiện căn Bồ Đề, nên bây giờ chỉ cần công phu trong hoàn cảnh thuận lợi, thì thánh quả mau đạt. Muốn thành đạt thánh quả, phải rèn luyện tâm tánh thuần thục, an tịnh để sinh trí tuệ. Khi trí huệ đã khai phát đến mức cao độ, màn vô minh bị phá vỡ trở nên tinh khiết siêu việt, mắt trí huệ bừng chiếu xuyên suốt không gian và thời gian, cái thấy trở nên vô ngại, những bí mật ngàn đời bị khám phá tận tường, hành giả ngay lúc ấy chứng đắc được thánh quả.

Trước kia, thái tử Sĩ Đạt Ta sống trong cung vàng vợ đẹp hầu xinh, ngày đêm vui say trong yến tiệc linh đình, các cung phi mỹ nữ ca múa quyến rũ với những giàn nhạc tuyệt vời. Mục đích quyết cầm chân ngài lại theo lệnh vua cha. Nhưng Bồ đề tâm của ngài quá lớn, chí xuất trần quá mạnh, ngài đã đại hùng đại lực chặt đứt dây tham ái. Dấn thân vào rừng sâu nước độc ma thiêng, suốt sáu năm trường khổ hạnh tột bậc. Khiến cho các tài, khí, danh, lợi và tham ái rơi rụng hết. Chính đây là căn bản quan trọng giúp cho 49 ngày. Ngài tư duy dưới cội cây Tất bát la trúc sạch toàn bộ mọi tạp khí phiền não còn xót lại. Do đó ngài đắc đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Chính vì thế! Ràhula cũng sống trong cung vàng điện ngọc, luôn được nuông chìu cưng dưỡng. Một tiếng của Ràhula là hàng chục, hàng trăm cung nữ vội vàng chạy đến cúi đầu chờ lệnh. Ngoài ra chiếc ngai vàng chời đợi chú bé, chắc chắn chú sẽ lên làm vua để cai trị một vương quốc Ca Tỳ La Vệ. Do đó tất cả những giáo dục đều dồn hướng về cung cách uy nghiêm, lễ nghi triều chính mà chú bé phải học. Trong tâm khảm chú bé là lúc nào cũng có người chờ lệnh để phục vụ mình theo ý muốn không ai dám cải, không ai dám cả gan chống lệnh. Bây giờ vào đạo cạo đầu nhuộm áo, cuộc sống trái ngược hẳn, chú không ra lệnh cho ai được ngược lại chú phải nghe lệnh, phải phục tùng. Chú bé bây giờ như cái mền rách, không có giá trị gì cả, nếu ai muốn quăng muốn bỏ vào góc xó nào cũng được.

Mỗi buổi chiều, Ràhula phải theo chư Tăng đến giảng đường nghe đức Phật thuyết pháp. Trong hội trường, ai cũng lớn khôn nghe thì hiểu, nhưng trí óc chú còn non nớt, nghe Phật thuyết chú chẳng hiểu gì cả. Bên cạnh chú có một thầy Tỳ kheo lớn, chú khều tay hỏi thầy nhờ giải thích. Thầy Tỳ kheo đang chú ý nghe Phật thuyết, nên nghiêm mặt khoác tay ra dấu bảo chú phải yên lặng. Đôi khi chú bị rầy, bị đuổi ngồi mãi tuốt phía sau. Có hôm thầy Tỳ kheo khác đùa giỡn với chú để cho chú vui. Đến khi thầy Tỳ kheo ấy ngồi thiền, chú thiền chưa được nên buồn quá, chú đến khều thầy ấy. Chú không được đáp ứng lại niềm vui, mà bị thầy đó trừng mắt rầy đuổi chú. Chú cảm thấy phũ phàng, sao ở đây các thầy hay rầy la, hay đuổi chú quá. Mới hồi chiều còn vui đùa thọt lét được, bây giờ lại trang nghiêm rầy đuổi chú đi chỗ khác. Sao kỳ quá vậy? Trong tịnh xá này, làm gì cũng phải có giờ, phải giữ gìn chánh niệm, phải có oai nghi, phải giữ yên tịnh cho người khác tọa thiền. Chú không có phá ai, chú muốn có người bạn mà! Chú cần người bạn để cảm thông, chia xẻ tâm sự giúp nhau trong mọi lúc mà! Ai cũng khó quá. Khi nghe pháp không hiểu, hỏi cũng bị rầy, bảo phải nín êm cho người khác nghe. Rồi tưởng có bạn vui nói chuyện, mới thọt lét cười đây, bây giờ lại nghiêm mặt bắt mình yên lặng. Sao thay đổi mau quá, chú không hiểu nổi. Thế giới người lớn sao khó khăn quá vậy?

Hàng Tỳ kheo có quyền và ưu tiên hơn, hàng Sa di tuổi nhỏ phải kính cẩn vâng lời. Chiều nay, chú vì ham vui đi nghe các thầy Tỳ kheo mới đến kể chuyện đi tu. Khi trời chuyển mưa, chú trở về thất nhỏ thấy có thầy Tỳ kheo mới đến chiếm chỗ. Vì thầy thấy y bát nhỏ quá, tưởng là đồ chơi nên đem máng bỏ ngoài vách. Chú còn Sa di, thấy có người ở thất mình thì phải nhẫn, phải nhường. Chú đi quanh hết không còn chỗ nào trống, trời lại đang chuyển mưa giông. Chú đành chạy vào nhà xí để trú ẩn. Mùi hôi hám xông lên mặt mũi khó chịu, nhưng phải trú ở đó cho đỡ ướt lạnh qua đêm. Chú tủi thân cho cuộc đời hẩm hiu, chú khóc. Đức Phật cảm nhận nỗi niềm của chú, Ngài đi trong cơn mưa giông, đến cầu xí gõ tay lên cửa hỏi:

- Giờ này ai ở trong đó?

Ràhula nghẹn ngào trả lời qua ngấn lệ:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Dạ con là Rahula.

- Tại sao ban đêm con ở trong đó?

- Dạ, thất của con đã có thầy Tỳ kheo mới đến ở.

- Nhà xí là nơi bất tịnh, Rahula con hãy theo ta.

Ràhula cảm thấy sung sướng nhẹ nhàng, chú bước ra. Đức Phật lấy y của ngài phủ choàng cho Ràhula che mưa. Ngài đưa chú bé về hương thất của ngài tá túc qua đêm mưa. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, chú Sa di Ràhula được nghĩ trong hương thất của đức Phật, một đấng cha lành và cũng là người cha xa xưa cho chú thừa hưởng thân thể đẹp đẽ này. Chú nghe ấm áp ngọt ngào, sung sướng làm sao. Chú cảm nhận một nguồn từ lực thiêng liêng chạy rần rần trong cơ thể chú, làm thanh thoát tâm hồn chú. Một nguồn hỷ lạc vô biên tràn ngập tâm hồn, chú ngủ một giấc an lành, một giấc ngủ vui khỏe chưa bao giờ có. Nhân dịp này đức Phật dạy, Sa di không có chỗ ở, có thể ở nương nơi phòng thầy Tỳ kheo qua một đêm.

Nửa đêm chú thức giấc, thấy đức Phật ngồi trong tư thế tọa thiền gương mặt ngài rạng rỡ, sáng ngời trí tuệ. Đôi môi ngài hồng thắm vui tươi, đôi mắt ngài khép lại nhìn xuống chót mũi, cái mũi xinh xắn, hai trái tai dài đầy phước lộc. Toàn thân ngài tỏa ra một từ lực an lành tươi mát, chú cảm thấy khỏe hẳn và tâm chú cảm xúc một nguồn hỷ lạc vô biên. Bây giờ chú không thấy buồn ngủ nữa, chú bắt chước ngài ngồi với tư thế tọa thiền. Chú tập thở, giữ chánh niệm, bỗng chú nghe thân tâm nhẹ nhõm thơ thới, một niềm vui khó tả, một sự an lành không tưởng tượng được tràn ngập tâm hồn chú. Chú nghe lâng lâng chú cảm thấy tự tại, tiếp nhận nguồn hỷ lạc tuyệt vời! Bây giờ chú mới thấy tất cả gia tài, thành trì, vàng ngọc cũng không thể đổi được an lạc quý giá này. Đích thực đây mới là gia tài của chú. Cái gia tài mà đức Phật muốn trao truyền cho chú, để chú vượt thoát khỏi bể khổ, sông mê mà chú đã chìm đắm bao kiếp luân hồi. Bây giờ chú mới thấy sung sướng, chú cám ơn mẹ chú mà không trách mẹ nữa. Chú cũng cám ơn thầy Tỳ kheo, đã khéo phương tiện chiếm chỗ trú ngụ của mình, cho nên đêm nay chú mới được hưởngï cái hương vị giải thoát, được nương nhờ lòng từ bi của đức Phật. Bây giờ chú không dám nhúc nhích, không dám khởi một ý niệm nào. Chú sợ sự an lạc này biến mất. Hơi thở chú nhẹ dần dần, thân thể chú khỏe và nhẹ hơn. Tâm chú an lành và hỷ lạc hơn. Chú chìm sâu trong sự tĩnh lặng diệu mầu ấy, quên mất thời gian và không gian mình đang sống. Mãi đến khi ánh mặt trời chiếu qua song cửa, chú cảm thấy mắt chói mới mở mắt ra và xả thiền. Chú thấy đức Phật đang đi kinh hành dưới bóng cây xoài ngoài sân. Ngài nhìn chú mỉm cười với vẽ hài lòng, bởi chú sẽ không còn thối chuyển, chú sẽ cố gắng tinh tấn nhiều hơn. Hôm nay là ngày chú cảm thấy đẹp đẽ nhất, chưa ăn mà chú đã cảm thấy no đủ, cái no ngon lành và đẹp đẽ của hỷ thực và thiền duyệt thực. Chú không còn mong ước mẹ chú đến thăm với đầy giỏ đồ ăn và sữa, bánh, kẹo nữa. Chú cũng không mong ước vua Tịnh Phạn, ông nội của chú đến để thỏ thẻ tâm tình an ủi chú. Bây giờ chú thấy những thứ đó đã lỗi thời lạc hậu rồi. Bây giờ chú chỉ mong rèn luyện mình sớm đủ khả năng, để đủ sức nhận lãnh cái gia tài của đức Phật trao truyền. Ràhula! Chú nỗ lực ngày đêm trong những phép quán. Nỗ lực chịu đựng một cuộc sống gian truân đầy thử thách. Nỗ lực thực hành những lời giáo huấn của đức Thế Tôn một cách nghiêm mật. Chú cũng đã hết sức kềm chế tính ham vui của tuổi trẻ và kiên trì chịu đựng sự đói lạnh thất thường của cuộc sống tu sĩ không nhà.

Năm hai mươi tuổi chú thọ Đại giới Tỳ kheo, năm hai mươi sáu tuổi thầy Tỳ kheo ấy đắc quả A La Hán. Ngài là một vị thánh tăng trẻ đẹp uy nghi, đệ nhất về việc nghiêm trì cẩn mật lờøi Phật dạy. Nên đức Phật đã khen: "Ràhula đệ nhất Mật hạnh". Ngài là một đại đệ tử của đức Phật đứng đầu làm chúng trưởng hàng vương tôn xuất gia. Nhờ có ngài, mà giới Tăng sĩ trẻ dòng dõi trí thức lúc bấy giờ rất đông. Nhờ giới Tăng sĩ trẻ này làm rường cột tương lai của tòa nhà Phật pháp.

Ràhula một vị A La Hán, ngài đã vất bỏ cuộc sống vương tôn cao sang quý phái, để làm chú tiểu với cuộc sống kham khổ, đói lạnh, nhọc nhằn, nhẫn chịu mọi sự trớ trêu nghịch cảnh bằng những dòng nước mắt thương thân.

Ràhula ngài còn mãi trong tim tôi, là gương sáng muôn đời cho hậu thế.

Ràhula! Ràhula! Ai đã từng là chú tiểu mới cảm thông được nỗi niềm của Ràhula!

*******

CHÚ THÍCH:

(1) Đềø hồ: là một loại yoghut.

(2) Tô lạc: giống loại cheese.

(3) Năm nhà: nước trôi, lửa cháy, giặc cướp, ngoại nhân phá, nhà nước lấy.

(4) Tu đà hoàn: nhập lưu, là mới vào dòng thánh, còn tái sanh 7 lần.

(5) Tư đà hàm: nhất lưu, quả thánh còn tái sanh một lần.

(6) A na hàm: bất lưu, quả thánh không còn tái sanh nữa.

(7) A la hán: vô sanh quả thánh đã vượt khỏi sanh tử của ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc.

(Trích dẫn: NỖI NIỀM CỦA CHÚ TIỂU, tác giả: THÍCH TUỆ CHIẾU xuất bản)

Sưu tầm : Thanh Sơn.

       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/lahaula.htm

 


Vào mạng: 1-5-2002

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang