Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

 

NGỌN  CỎ  TÂY  NGUYÊN
Minh Mẫn
                                                                                              Kính Tặng anh Minh Mẫn.
 
  
Ngồi bên dòng Đakla
Vỡ òa từng cơn gió
Như hồn thiêng ngày đó
Cuốn theo giọt phù sa
 
Thời gian mãi trôi qua
Dòng sông không chuyển hướng
Nắng mưa dù vất vưởng
Tỏa hương ngầm Đakla.
                                                                                                
                                                                                                               Dzạ Lữ Kiều
( kỷ niệm đêm ngồi bên bờ sông Đakla, Kontum cùng với Sĩ, Hà, Y, Phước, Minh Mẫn và tôi 24/4/2009 ).
 
 Dưới ,dòng sông nước cạn, trên, Indochin Hotel đường bệ, bên quán cóc vỉa hè nhạt mờ ánh sáng, lũ lượt khách đêm tìm nơi giải trí; ào ào ma đuổi những chàng choai choai rú ga đi tìm  thần chết. Bọn lãng tử từ Sài gòn, Đaknong, Đaklak tựu về chiếm một góc sân vây quanh bàn nhựa, tán gẫu trời trăng đợi chờ nữ tướng miền cao nhân hậu cùng họp mặt! ( Kim Cương, người nữ tín đồ đang làm từ thiện không phân biệt tôn giáo ở  Kontum ).
 
Các hotel đều được đặt chỗ cho  những đoàn khách mời từ Bắc và  các tỉnh phía Nam vào chứng kiến lễ Quy Y sáng mai; xã Yachim có  5 làng và xã Yaxier  có 3 làng, tổng cộng  khỏan 4 ngàn người sắc tộc đăng ký. Tổ đình Bác Ái  là nơi  quy tụ. Quý thầy và Phật tử  của chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn lên trước mấy ngày để trần thiết. Chùa Hoằng Pháp có đội ngũ chuyên nghiệp trang trí. Lễ Vesak 2008 tại Mỹ Đình, đảm trách  làm cặp đèn cầu phía trước sảnh đường và sắp xếp cho đêm thắp nến cầu nguyện, trang hòang bên trong hội trường đem lại sự trang nhã. Một trận mưa đêm  trước, sáng hôm sau tòan bộ lễ đài tại chùa Bác Ái như một bãi chiến trường  tàn cuộc; chúng tôi đến viếng chứng kiến quý vị đó đang làm lại từ đầu. Cỏ rác, thu dọn mặt bằng cũng do nhân sự của Hoằng Pháp và  hai người sắc tộc ra tay, thấy thế, các anh em Đaklak, Đaknông như anh Sĩ, Hà, Phước, Thái…cũng phụ giúp.
 
Ban tổ chức không thấy ai làm việc, thầy trụ trì tổ đình Bác Ái  tuy không nằm trong  Ban tổ chức, vẫn phải huy động nhân sự  của mình để giúp việc. Xướng ngôn viên yêu cầu ban chung cổ đón tiếp chư tôn giáo phẩm, ba lần  bảy lượt vẫn không ai thực hiện. Tòan bộ nhân sự được bổ cử đều âm thầm bãi công; Riêng Hạnh Mãn đều có mặt trong danh  sách các tiểu ban, đi mướn xe vận chuyển đồng bào, mướn nhà vệ sinh lưu động, mua gạo mua ly uống nước; 2 giờ khuya vào buôn vận chuyển sắc tộc , chạy  suốt ngày phờ phạc! vừa là tướng, vừa là quân.
 
Sau một lúc đợi chờ, cuối cùng, Kim Cương cũng đã đến  với anh em bên bờ kè sông Đakla, chiều hôm đó, Kim Cương ái ngại xót xa khi thấy khách mời dự lễ lại phải ra quán chay dùng bữa; Kim Cương hỏi thăm chỗ ăn chốn ở của anh em, cô ta có nhã ý mời khách về nhà, và muốn mời anh em thưởng ngọan cảnh đêm tại Kontum
 
-Thưa chị, ở địa phương, chị biết nhiều về chị Hạnh Mãn, công việc từ thiện  trong các buôn sắc tộc như thế nào? Chúng tôi hỏi chị Kim Cương, một từ thiện viên rất nhiệt tình và nhã nhặn
- Anh muốn hỏi chị Hương chủ khách sạn Thành Tinh, bây giờ đổi thành Già Hoang ? Kim Cương dí dỏm hỏi lại.
Chúng tôi ngạc nhiên và phân vân trước ứng đối lạ lùng, chị Kim Cương liền giải thích: Trước kia chi Hương định mở  nhà nuôi trẻ, nhưng sau lại làm khách sạn lấy tên Thanh Tịnh, bị châm biếm  là khách sạn “Thành Tinh”, chị ta lại đổi thành “Hòang Gia”, cũng bị quần chúng gọi là “Già Hoang”, như vậy ghép tên cũ và tên mới là “Già Hoang Thành Tinh”. Không phải tự nhiên mà quần chúng Kontum nói như vậy, từ Ban Trị Sự cũ đến BTS mới, từ chư Tăng đến quần chúng, chị ta đã tạo nghi ngờ quá nhiều về những việc làm từ thiện của chị. bây giờ chị khó mà mở miệng hỏi ai cho dù năm ngàn đồng tại xứ Kontum nầy!
 
Chưa biết cái thành kiến trên đây đúng sai thế nào, nhưng rõ ràng, qua cuộc lễ, quý thầy và Phật tử được cử vào trong các tiểu ban, không ai muốn làm việc.
Số lượng  đồng bào sắc tộc không đủ bốn ngàn như chị nói, vì không có đủ xe vận chuyển họ, chính quyền và Phật giáo Daklak không đồng ý cho một ngàn người nơi đó về Kontum tham dự; kết cục, số cơm hộp do nhóm chị Kim Cương nhờ các “Sơ” bên Nhà Thờ nấu, đã phải mang vào các trại phong để phân phát.
 
Báo, đài, BTS các tỉnh, cơ quan nhà nước các cấp đều tham dự với tầm vóc quốc gia, nhưng Ban tổ chức lộ nét yếu kém, thiếu đòan kết, biến buổi lễ như sinh họat bình thường của một ngôi chùa tỉnh lẻ; Chủ đề chính là Lễ Quy Y cho người sắc tộc đã bị chìm khuất qua nghi lễ hành chánh mất ba giờ đồng hồ; ngay vào đầu bản giáo ca ba lần lặp lại cũng đã tạo cho người nghe cảm thấy thừa thải vô ích; Đến khi lễ quy y bắt đầu cũng là lúc một số  quá mỏi mệt đã tản mác quanh chùa,  làm mất vẻ trang nghiêm; Một buổi lễ quy y cho sắc tộc, không cần phải dài dòng như thế, cần gọn nhẹ như tạo ấn tượng sâu lắng và dễ hiểu mới thành công; Sau cuộc lễ, Hạnh Mãn than vãn thâm hụt không có tiền trả  mấy chục tấn gạo, tiền xe vận chuyển và nhiều chi phí khác…
Sau cuộc lễ, gặp Hạnh Mãn để tìm hiểu:
- Thưa chị, tại sao mọi người tẩy chay không hợp tác với chị ?
-  Như anh đã biết, họ thấy tôi làm được việc, họ đố kỵ!   Hạnh Mãn buồn bã đáp
-  Đứng về công, chứng tỏ chị có khả năng huy động  đồng bào sắc tộc với số lượng chưa có thầy nào làm         được; nhưng về  tội, chị đã làm cho mọi người ngờ vực về việc làm của mình. Không phải lần đầu mà quá nhiều lần như thế. Nếu chị có nhiệt tâm thì cách làm việc không có kế họach, và không có người cộng sự. Bằng chứng những năm trước hai lần chị mở quán cơm chay nằm trong  khu Kitô giáo, đều thất bại; lúc muốn làm chùa, khi thì đòi mở  cô nhi viện, sau lại làm nhà nghỉ…Một Mạnh thường quân tài trợ để chị đưa đòan cồng chiên sắc tộc ra tham dự Vesak, do địa phương không cho đi, nếu số tiền đó chị hòan lại thì đâu mất uy tín. Rất nhiều chuyện tai tiếng về tiền bạc. Không chỉ trong nước hay tại Kontum, những năm trước, Từ Thiện Giao Điểm cũng từng hổ trợ chị, nhưng bây giờ…Chuyện tai tiếng thì không ai tránh khỏi, nhưng vấn đề làm sao phải giữ uy tín  khi ai đó đã quan tâm hổ trợ mình chứ đừng để tiếng tai từ những ai đã góp phần cho việc làm từ thiện của chị. Hầu hết họ đều lơ là một khi đã tiếp tay với chị, như vậy không phải lỗi họ mà hãy xét lại việc làm của mình có trong sáng hoặc do vụng về chăng! Có thể một vài người hiểu lầm việc mình làm nhưng không thể hầu hết mọi người thiếu khả năng nhận xét về mình hoặc họ không đủ trình độ cảm nhận về thiện chí, nhiệt tâm và sự trong sáng của mình! Nhất là trong lĩnh vực tiền bạc, chi thu tự mình biết, không có sự minh chứng của người thứ hai. Làm từ thiện không thể một mình một chợ, phải cần có cộng sự.
 
Bên trong khu vực hành lễ, kẻ tới người lui mất trật tự; Dân  sắc tộc tham dự không tập chú lắng nghe, và có nghe cũng không hiểu hết những lời thầy giảng, họ không thể ngồi bệch dưới đất hàng mấy giờ liền để nghe những triết lý  xa vời với đời sống nương rẫy của họ,  họ đang quan tâm đến những phần quà chuẩn bị dành cho họ hơn là buổi lễ mang tính quan trọng tâm linh của đời người.
 
Đối diện cổng vào chùa là hai thùng xe vệ sinh lưu động, tạo sự thích thú cho những trẻ con sắc tộc; tại buôn làng đâu có phương tiện vệ sinh hiện đại như thế, chúng cứ thay phiên ra vào như vào khu vui chơi công cộng, chúng không hiểu rằng sự hiện diện của nhà vệ sinh đối diện trước cổng chùa như thế đã ngầm tố cáo Ban tổ chức vô tình đến độ tắc trách mang tính châm biếm hài hước!
 
Mọi người chứng kiến một buổi lễ quan trọng như thế mà sự thành công  quá ư khiêm tốn, để lại  trong tâm quan khách một  sự khôi hài chua xót cho Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh điều hành. Cho dù  buổi lễ nầy có được do công lao của Hạnh Mãn, nhưng Hạnh Mãn không chịu trách nhiệm trực tiếp về cách tổ chức luộm thuộm như thế.
 
Tây Nguyên, một thời nổi lọan Dega, một góc trời nào đó đang giao động  cơn sóng Bauxite, nơi đây, Kontum vẫn bình lặng như ngọn cỏ hiền lành. Người dân nơi đây rất hiếu khách và dễ cảm;  sắc tộc xã Yachim có 8 làng, qua bao thời gian mà chỉ có 3 làng theo Kito giáo, 5 làng còn lại vẫn thủy chung với đức tin buôn sóc, giờ đây họ đến với đạo Phật là một tín hiệu đáng quý. Hạnh Mãn từng chen vai sát cánh với buôn làng, tạo được niềm tin với những con người rừng núi Tây Nguyên, vấn đề còn lại là trách nhiệm của quý thầy, làm thế nào duy trì đức tin  cho họ để họ được bình lặng với cuộc sống..
 
Từ giả nhà nghỉ Hòang Gia- Thanh Tịnh, sáng sớm chúng tôi tự động xuống nhà bếp làm thức ăn, tự động sắp xếp và đóng cửa phòng, bà chủ nhà nghỉ đang xông xáo việc xã hội, ông chồng  bệnh họan có mặt mỗi sáng tại quán cà phê; đứa con trai của họ cũng không  có mặt lúc đó; Đòan Phật tử Đà Nẳng cũng thay mặt chủ nhà làm mọi việc để trả phòng. Trước sân là hòn giả sơn thiếu chăm sóc, chung quanh nhà cây cỏ vui vẻ phát triển. Cái thau  nằm ngay trước cửa ra vào để hứng những giọt nước vô tình từ mái đúc thản nhiên chảy xuống mà bao năm rồi vẫn không thay đổi; có lẽ, những cặp nam nữ quen thuộc đến nhà nghỉ nầy cũng tự động vào chọn phòng, xong việc, tự động  đóng cửa phòng ra về mà không cần đến sự hiện diện của gia chủ. Chỉ có con chó đi ba chân là  thường xuyên có mặt. Một nhà nghỉ hiu quạnh nằm  xa thành phố, trong con đường vắng như chưa từng có trong lịch sử Kontum kiêu hùng.
 
Một nhà nghỉ như thế, một  cuộc  lễ với tầm vóc do Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh tổ chức như thế, có lẽ nặng phần trình diễn hơn là thực chất . Biết cười hay khóc cho một tổ chức Phật giáo luôn mang tính vô tổ chức trong thời buổi văn minh hiện đại.
Ôi, thân phận Tây Nguyên, thân phận  người sắc tộc hay thân phận Phật giáo trong cỏi vô thường?
 
THÂN PHẬN
                                       
Đời ta hạt bụi vô thường
Nghiệp - duyên, còn mất, vui buồn, bám-rơi…
Một mai…lạc giữa biển khơi
Lênh đênh sóng nước - biết trôi hay chìm?
                                                                                     
                                                                              Hương Văn
 
Về Đaklak, Đakmil mà những hình ảnh nhiều ấn tượng vẫn trôi theo lưng đồi. Anh em không còn nhớ gì sau một đêm thở hít khí trời trong lành  nơi  biệt thất của  Hà, chỉ còn nghe anh em nhắc lại hai nữ tướng Tây Nguyên: Hạnh Mãn và Kim Cương, hai khuôn mặt đối lập đã tạo dấu ấn đặc biệt. Hạnh Mãn luôn xông xáo quấy động rối mù những cơn bụi tai tiếng vô lý với nhiệt tâm hữu lý. Kim Cương lặng lẽ tận tình đối với khách phương xa cũng như các trại phong qua cung cách từ thiện không phân biệt lương giáo. Tuy phận nữ như ngọn cỏ Tây Nguyên, nhưng hiếm tu sĩ làm được như họ, giá mà Hạnh Mãn đừng để quá nhiều tai tiếng, tạo được cảm tình với mọi người, giá mà Kim Cương có tầm họat động xông xáo như Hạnh Mãn , thì Tây Nguyên sẽ nở hoa  phủ vàng cho núi đồi hiu quanh. Bấy giờ THANH TỊNH vẫn là THANH TỊNH. HÒANG GIA vẫn là HOÀNG GIA . Già Hoang Thành Tinh sẽ chìm vào quên lãng!!!  
 
                                                                                                            MINH MẪN
                                                                                                                 22/4/09

       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/ngoncotaynguyen.htm

 


Vào mạng: 24-4-2009

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang