Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NGƯỜI VỀ VỚI NHƯ

 

Trên lá sen hồ

Giọt sương phiêu du

Không đổi sắc

Đó là thực tướng

Đó là Chân Như

Giọt sương trên lá sen hồ vần trong veo.Trong veo la như tính của giọt sương.Giọt sương sẽ tan.Tan vào cái trong veo của hư không.Giọtsương đang về với Chân Như. Như giọt sương,người có về với Chân như?...

 

Trên con đường thật

Người về với Như.

                      Ikkyu

Con đường nào cũng đông đúc người đi, vô số người đi. Họ thường đi, ta thường đi. Thường đi nhưng không thường về.

Có quê hương chờ đợi mỗi bước ta về. Quê hương đâu, hỡi bóng dương tà? Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Thôi Hiệu nói thay chúng ta đó thôi, thác lời chúng ta, nhìn bóng chiều mà hỏi: Quê hương đâu?

Dẫu chưa về thì vẫn còn đó nỗi nhớ quê hương, cái mà Tố Như gọi là "Thiên lý hương tâm" (Tình quê ngàn dặm nhớ).

Quê hương là gì? Là hương tâm (tâm ở quê hương; là tâm hương (quê hương ở tâm). Cũng thế thôi.

Hãy gọi quê hương là Như.

Một quê hương có thể còn chìm trong bóng "nhật mộ" như Thôi Hiệu hay trong bóng đêm dài như Nguyễn Du:

Thiên lý hương tâm dạ cộng trường.

(Tình quê ngàn dặm nhớ, cộng đêm trường chưa tan)

Nhưng quê hương đó vẫn Như. Thiền sư vĩ đại của Nhật Bản thế kỷ XV là Ikkyu gọi quê hương đó, Như, theo ngôn ngữ Phù Tang là Sonomama.

Người về với Như là về với Sonomama.

Ikkyu (1394-1481) cũng là thi sĩ, người ca hát mải mê về Đạo, đã sáng tác khoảng 150 bài Đạo ca (Dôka), một tiếng hát thâm trầm mà phiêu diêu, vang vọng không ngừng giữa đôi bờ sinh tử:

Tâm sầu lắm ư

Thôi đi nhị kiến

Chẳng còn ba, tư

Trên con đường thật

Người về với Như.

( Nageku nayo

makoto no michi wa

SONOMAMA ni

Futatsu tomo nashi

Mittsu tomo nashi).

"Người về với Như" của Ikkyu chính là cái "Vạn sự quy Như" của Tuệ Trung Thượng sĩ, ngọn pháp đăng sáng ngời của Thiền tông Việt Nam.

Tuệ Trung (1230-1291) đã cùng với quê hương vượt qua ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đời Trần với tâm thức quê hương là chân như.

Vạn sự quy Như không có nghĩa là ta không làm gì cả hay buông xuôi. Chỉ khi ta sống với toàn bộ trái tim mình, với tận cùng hơi thở thì mọi sự mới là như chúng là. Chỉ khi ấy mới chạm tới cái "quy như". Chỉ khi ấy ta mới là người về trên con đường của Như, điều mà Ikkyu và Tuệ Trung cùng hát tụng:

Phiền não bồ đề nguyện bất nhị

Chân như vọng niệm

tổng giai không.

...

Hưu vấn tử sinh ma dữ Phật

Chúng tinh củng bắc,

thủy triều đông.

(Vạn sự quy Như - Tuệ Trung)

"Phiền não và Bồ đề vốn có gì khác nhau đâu. Chân như và vọng niệm tất thảy cũng đều là Không. Đừng hỏi về tử với sinh, hay ma cùng Phật. Các ngôi sao đều chầu hướng Bắc và nước sông suối thì chảy về phương Đông".

Cả Ikkyu và Tuệ Trung đều phóng cái nhìn sâu xa vượt qua nhị kiến vào tận thâm xứ của Như, cái nhìn như muôn ánh sao và muôn dòng nước, cái nhìn rực sáng trên con đường vạn lý vô vân.

Để biểu tượng cho Như, Ikkyu dùng hình ảnh "con đường thật" (makoto no michi). Tuệ Trung thì "nước về biển đông" (thủy triều đông).

Đến giữa thế kỷ XIX, đại dương của Như bất ngờ xuất hiện trong một bài thơ tự do của Walt Whitman ở châu Mỹ, một hiền nhân của thơ ca:

Từ đại dương cuồn cuộn đám đông, bất chợt một giọt nước nhẹ nhàng êm ái đến, đến cùng tôi...

Chúng ta gặp nhau rồi, đã nhìn nhau, và yên vui, thế là đã ổn;

Tình tôi ơi, hãy thanh bình về với đại dương đi...

Xin em hiểu, tôi chào mừng không khí, đại dương và xứ sở

Lúc mặt trời lặn mỗi ngày cũng vì em đó, tình ơi.

Whitman (1865)

(Out of the rolling ocean, the crowd, came a drop gently to me...

Now we have met, we have look'd, we are safe;

Return in peace to the ocean, my love...

Know you, I salute the air, the ocean and the land

Every day, at sundown, for your dear sake, my love).

Cho dù đó là con đường thật, là thủy triều đông, là đại dương thì Như cũng là cái gì đó để ta đi, để ta chảy, để ta về.

Để cho ta chính là cái ta là.

Ta là ta. Chữ Phạn là Tathatà.

Theo Taitetsu Unno thì Như có ý nghĩa như sau: "Sono-mama là từ ngữ tương đương trong tiếng Nhật của chữ như thị, như vậy, như thế, tánh như vậy của sự vật, xuất phát từ những chữ Sanskrit (Tathatà, Tattva, Dharmata). Nó cũng hiện thân của chữ Trung Hoa tự nhiên... Nó hoàn toàn không thể được hiểu theo lối suy nghĩ phân hai, quy ước chỉ tạo thêm những phân chia và mâu thuẫn, nát vụn đời sống, gọi là sinh tử. Đấy là cái đối nghịch thật sự của đời sống vốn như là Sono-mama" (Sông lửa sông nước, An Cư dịch).

Vượt qua nhị kiến để không còn thấy sinh tử, ma Phật. Chỉ còn có Như, cái mà ta chạm phải trong thơ của Thiền sư Ikkyu, Thượng sĩ Tuệ Trung và Hiền nhân tóc trắng Whitman, và Tố Như của đỉnh non Hồng...

Cái như đó là như tính của sự vật (the is-ness of a thing). Nói theo Suzuki thì: "Thượng đế hiện hữu trong như tính của ngài, hoa nở trong như tính của hoa, chim bay trong như tính của chim - tất cả viên thành trong như tính của mình" (God is in his way of is-ness, the flowers bloom in their way of is-ness, the birds fly in their way of is-ness - they are all perfect in their is-ness).

Chính vì cái như tính đó mà trong "Phật tâm ca" (Bài ca Phật và tâm), Tuệ Trung viết:

Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu

Thu đáo vô phi thu thủy thâm.

Xuân đến thì tự nhiên hoa xuân cười mỉm miệng, Thu về thì đâu chẳng thấy nước thu sâu thẳm.

Nhưng như tính không chỉ là hoa xuân nở, nước thu sâu. Như tính còn là sống giữa lòng đời thì hãy là đời - Cái đó có thể gọi là "tùy nghi" - Tuệ Trung cho rằng:

Khỏa quốc hân nhiên tiện thoát y

Lễ phi vong giả, tục tùy nghi

(Ở xứ khỏa thân, cứ thoát y

Lễ nào đâu bỏ, chỉ tùy nghi).

Hoa nở, nước trôi, người khỏa thân... là sự sống như nó là. Có thời gian cho hoa nở và hoa tàn. Có thời gian cho nước trôi và nước đóng băng. Có thời gian cho người khỏa thân và mặc áo. Cũng có không gian cho nước, cho hoa, cho người...

Nhưng trong bản thể, như như không có không gian và thời gian. Thế cho nên Tuệ Trung Thượng sĩ mới nói:

Thiền phong vô hậu diệc vô tiền

Bản thể như như chỉ tự nhiên.

(Màu thiền không trước không sau

Như như bản thể ra vào tự nhiên).

Chỉ là tự nhiên thôi. Như Phật là Phật, Tuệ Trung là Tuệ Trung. Còn nhớ cuộc trò chuyện của Thái hậu và Thượng sĩ:

- Anh tu thiền mà ăn thịt thì làm sao thành Phật?

- Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh.

(- A huynh đàm thiền thực nhục, an đắc Phật dã?

- Phật tự Phật, huynh tự huynh. Huynh dã bất yếu tố Phật, Phật dã bất yếu tố huynh).

Chỉ là tự nhiên thôi. Cho nên Bồ tát nói như Bồ tát và Tuệ Trung nói như Tuệ Trung:

Bồ tát thuyết pháp, ngã thực thuyết

(Bồ tát nói pháp, ta nói thực)

Nhưng mà họ khác nhau sao?

Chẳng phải là Bồ tát nói pháp như thực và Tuệ Trung nói thực như pháp?

Chẳng phải là, Tuệ Trung nói rằng pháp đơn sơ như thực và thực thì lại u huyền như pháp?

Chẳng phải là nhà thơ u huyền Đức Angelus Silesius (1624-1677) đã viết:

Tôi vĩ đại như Thượng đế

Còn ngài thì nhỏ bé cũng như tôi...

(I am as great as God

And He is small like me...)

Chỉ là tự nhiên mà Thượng đế là vĩ đại và nhỏ bé. Cũng chỉ là tự nhiên mà tôi nhỏ bé và vĩ đại. Cho nên Bụt là Tấm mà Tấm cũng là Bụt. Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy trong hàng loạt bài Đạo ca (Dôka) của Ikkyu:

Con người bản nguyên

Trở về nguyên quán

Ây là tự nhiên

Sao còn tìm Phật

Làm chi cho phiền?

(Moto no mi wa

moto no tokoro e

kaeru beshi

iranu hotoke wo

tazune ba shisu na).

Tìm Phật ư

Khắp nơi ư

Ôi tâm hồn ấy

Mới là ngu xuẩn

Tận cùng xuẩn ngu.

(Hotoke tote

hoka ni motomuru

kokoro koso

Mayoi no naka no

Mayoi nari keru).

Suốt đêm dài

Nếu ta tìm kiếm

Con đường Như Lai

Tìm hoài sẽ gặp

Tâm mình chứ ai.

(Yomosugara

hotoke no michi wo

tazunereba

waga kokoro ni zo

tazune iri keru).

Mưa, giá, tuyết sương

Khác nhau là thường

Thế rồi rơi xuống

Qua đồi qua lũng

Một dòng nước tuôn.

(Ame arare

yuki ya kôri to

hedatsuredo

otsureba onaji

tanigawa no mizu).

Đó là cái mà Tuệ Trung Thượng sĩ gọi là "Phàm Thánh bất dị" (Phàm và Thánh không khác nhau) và hát về cái nhất như đó như sau:

Ngã nhân tự lộ diệc tự sương

Phàm thánh như lôi hựu như điện.

(Ta, người như móc lại như sương

Phàm, thánh như sấm và như chớp).

Móc đọng và sương rơi cho dù tên gọi khác nhau cũng đều là hơi lạnh tự tìm lấy hình hài. Sấm và chớp cho dù tướng hiện khác nhau nhưng vẫn là điện đang bùng nổ âm dương.

Lời ca của Ikkyu và Tuệ Trung cũng mạnh như nước tuôn, như sấm chớp, đủ mạnh để ném cả thánh, phàm qua đôi bờ sinh tử.

Ikkyu (Nhất Hưu) có nghĩa là "Một thoáng nghỉ ngơi", một thoáng mà ông có thể tìm thấy bất kỳ lúc nào giữa phiền não và bồ đề, phàm và thánh, hữu lậu và vô lậu, vô minh và giải thoát...

Từ lối đi của Dục

Đến con đường Vô dục

Một thoáng nghỉ ngơi

Mưa có rơi thì rơi

Và gió lên mặc gió.

(Uroji yori

muroji e kaeru

hito yasumi

ame furaba fure

kaze fukaba fuke).

Trong thoáng nghỉ ngơi đó, trái tim ông sáng ngời ánh trăng. Trái tim và ánh trăng là một.

Trái tim ơi

Không mây

Không núi

Trăng tìm bóng tối

Biết tìm đâu nơi?

(Ima wa haya

kokoro ni kakaru

kumo mo nashi

tsuki no irubeki

yama shi nakereba).

Nếu như Ikkyu dùng ánh trăng chiếu diệu nguồn tâm thì Tuệ Trung dùng tiếng vượn cô liêu nơi thâm xứ để thể hiện chiều sâu của tâm:

Bất yếu châu môn, bất yếu lâm

Đáo đầu hà xứ bất an tâm

Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu

Thùy thính cô viên đề xứ thâm.

(Chẳng đợi non xanh hoặc

 cửa vàng

Tâm đâu cần xứ để bình an

Nhân gian chỉ thấy ngàn non sáng

Ai biết tầm sâu tiếng vượn vang).

Cõi thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ hơn một lần vang vọng tiếng vượn kêu từ thâm xứ cô liêu như thế. Trong một bài thơ khác, Tuệ Trung từng viết:

Nhân gian chỉ kiến thiên sơn tú

Thùy thính viên đề thâm xứ thâm.

(Nhân gian chỉ thấy ngàn non đẹp

Tiếng vượn ai ngờ thâm xứ thâm).

Núi lớn, núi sáng, núi đẹp... thì ai cũng thấy. Ai là người từng nghe ra tiếng vượn của tịch liêu hay tiếng vỗ của một bàn tay?

Hay có ai nhìn thấy cái như tính, cái sono-mama của một giọt sương? Giọt sương của Ikkyu:

Trên lá sen hồ

Giọt sương phiêu du

Không đổi sắc

Đó là thực tướng

Đó là chân như.

(Hachisu-ba no

nigori ni somanu

tsuyu no miwa

tada sono mama ni

shinnyo jissô).

Giọt sương trên lá sen hồ vẫn trong veo. Trong veo là như tính của giọt sương. Giọt sương sẽ tan. Tan vào cái trong veo của hư không. Giọt sương đang về với Như.

Như giọt sương, người có về với Như?

.Nguồn: Nguyệt san Xuân Giác Ngộ        

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/nguoive_voinhu.htm

 


Vào mạng: 15-3-2006

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang