Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Nhớ Mãi Trong Tôi

 

     Có lẽ trong giới “Xuất trần Thượng Sĩ” của chúng ta không ai không có những kỷ niệm đẹp, những nhơn duyên lành đầu tiên đáng nhớ trong cuộc đời xuất gia của chính mình. Đối với tôi, thật là một diễm phúc lớn lao, một nhơn duyên may mắn “Nhớ Mãi Trong Tôi” khi được diện kiến, gần gũi cố Hoà thượng thượng Trung hạ Quán tại Tổ đình Hoa Nghiêm, Paris, Pháp quốc vào tháng 5. 2002. Sự khởi đầu của duyên lành ấy có lẽ xuất phát từ đây:

     Vào độ tuổi trăng tròn, khi còn là chú tiểu xuất gia đầu Phật tại chùa Kỳ Quang II, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh; tôi đã được Bổn Sư, thượng Thiện hạ Chiếu, cho phép tôi cầu học Luật Sa Di với Ni sư thượng Đàm hạ Nhung tại chùa Vĩnh Quang, Gò Vấp. Trong thời gian học Luật, Ni sư thường khuyến tấn tôi cố gắng tu học bằng cách kể cho tôi nghe những tấm gương tiêu biểu ‘Cao Tăng Thạc Đức’, trong đó có nhắc đến công hạnh của Hòa thượng thượng Trung hạ Quán, tác giả của dịch phẩm nổi tiếng ‘Đại Trí Độ Luận’. Lúc ấy, với tư tưởng nhận thức còn trong độ tuổi ấp ủ 16 tròn trăng, tuy chưa hiểu biết ‘Đại Trí Độ Luận’ là gì?, và Hòa thượng Trung Quán là ai?; nhưng trong lòng tôi luôn cảm thấy thích thú tìm hiểu về công hạnh của Ngài. Phải chăng đó là nhơn duyên đầu tiên của tôi sẽ được gặp Hoà thượng trong tương lai khi chỉ “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”?

     Thế rồi, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, dòng sông vẫn êm đềm xuôi chảy, những chiếc lá vàng trên cây lần lượt nhường chỗ cho màu xanh của lá đâm chồi nảy lộc, sự vận hành bốn mùa luân phiên xoay chuyển: “Hạ đến, Thu đi, Đông tàn, Xuân khoe sắc; Vạn hữu, nhân sinh tương tục vận theo thời.” Vào tháng 11 năm Quý Dậu (khoảng tháng 12 năm 1993), duyên lành ấy đã đến với tôi vào tiết lạnh mùa Đông đang phủ khắp trên vùng trời quê hương đất Bắc (Hà Nội). Đó là lúc Hoà thượng thượng Đức hạ Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thâu thần viên tịch và được quàng tại chùa Quán Sứ- Hà Nội. Lúc đó, tôi và một pháp lữ đồng học, Đại đức Thích Thanh Trí (Chùa Kim Cương), cũng đã có mặt trong đám tang và trú ngụ 10 ngày tại chùa Hoè Nhai, nơi Hoà thượng Pháp Chủ đáo ngự cho đến cuối đời. Thế rồi, vào một buổi sáng khi vầng dương vừa ló dạng, tôi bất chợt nhìn thấy vị Hoà thượng nhẹ nhàng vén bức rèm phòng thong thả bước ra, bên tay phải của Cụ là một vị Đại đức với khuôn mặt phúc hậu hiền từ đang dìu Ngài đi đến bàn của quý Hoà thượng. Khi ấy, lòng tôi không biết sao cứ hồi hộp và tim càng lúc càng đập mạnh khi nhìn thấy Cụ. Từng phút…từng phút…lặng lẽ đi qua, ánh mắt tôi không sao rời khỏi hình ảnh uy dung của Người với khuôn mặt ửng hồng từ bi và đức độ, với ánh mắt từ hòa đầy thuyết phục. Tôi tự hỏi rằng: “vị Hoà thượng nào vậy nhỉ.?” Rồi 10 phút trôi qua, tôi thật sự sung sướng khi biết được vị ấy chính là Hoà thượng thượng Trung hạ Quán, Viện chủ Tổ đình Hoa Nghiêm tại Paris mà tôi đã được nghe danh Ngài khi xưa. Và vị đệ tử bên tay phải của Cụ khi ấy chính là Đại đức Thích Đức Thắng, trụ trì chùa Pháp Vương tại Noyant, Pháp quốc cùng về với Cụ. Sau đó, tôi được tiếp chuyện với Thầy Đức Thắng và được Đại đức hướng dẫn chúng tôi đến đảnh lễ Ngài. Tôi nhẹ nhàng từng bước theo sau Đại đức với tâm trạng vừa vui sướng, vừa hồi hộp khi diện kiến Người. Khoảng cách mỗi lúc càng ngắn lại, sự hồi hộp trong lòng tôi lại càng lúc càng gia tăng không thể kiềm chế được, và cuối cùng tôi đã được đến bên Ngài đảnh lễ. Hoà thượng khẽ gật đầu, mỉm cười như đã thấu hiểu được tâm trạng của tôi; sự hồi hộp ấy liền tan biến và trong tôi chỉ còn lại một cảm giác an lạc, hạnh phúc. Lần đầu tiên sau nhiều năm chỉ được nghe danh thơm và công hạnh của Người, nay đã được diện kiến, xúc cảm ấy thật khó diễn đạt hết được! Cũng từ đấy, tình Pháp lữ giữa chúng tôi và Thầy Đức Thắng càng thân thiết hơn khi chia tay nhau tại Hà Nội.

     Vào tháng 5 năm 2002, một duyên lành lại đến với tôi giữa mùa Hè nóng bỏng tại thủ đô Delhi - Ấn Độ, Đại đức Thích Đức Thắng đã tạo điều kiện cho chúng tôi qua Pháp thăm viếng Hòa thượng và tham dự Lễ Phật Đản tại Tổ đình Hoa Nghiêm (nơi Hoà thượng hành đạo), chùa Pháp Vương tại Noyant, chùa Nhân Vương tại Troyes; và thăm các chùa trong tông môn như: chùa Hoa Nghiêm tại Bruxelles (Vương quốc Bỉ), chùa Hộ Quốc tại Roubaix… Sau 10 năm xa cách Hoà thượng, nhìn lại Cụ, tôi càng cảm thấy thương Cụ thật nhiều qua vóc dáng khô gầy vì cơn bệnh hoành hành suốt nhiều năm nay. Vô thường của thời gian đang ăn mòn và phá huỷ thân tứ đại của Người; nhưng với lý trí và nghị lực, Ngài vẫn bình thản, ung dung, tự tại trong nếp sống tu hành của mình. Mặc cho thời tiết bốn mùa luân phiên thay đổi, nhưng thời khoá tụng niệm thường nhật của Người không bao giờ đổi thay. Ngày ngày, Cụ vẫn lặng lẽ một mình lên điện Phật lễ Sám Hồng Danh, trì tụng Pháp Hoa kinh. Với đệ tử, Cụ luôn giáo huấn bằng thân giáo nhiều hơn khẩu giáo. Sự im lặng chính là lời huấn thị được thể hiện qua ánh mắt từ hoà và cử chỉ nhẹ nhàng của Người. Mỗi cử chỉ của Hòa thượng là sự nhắc nhở cho mọi người siêng tu tịnh nghiệp thân-khẩu-ý; khéo sử dụng những phương tiện thiện xảo trong việc hoằng pháp độ sanh; và khiêm cung trong mọi tình huống ứng xử... Cuộc đời Ngài là bài thuyết giáo vô ngôn để khuyến tấn tất cả môn đồ chuyên tu Phật pháp.

     Vào một ngày nọ, khi ánh hoàng hôn của vầng dương vừa núp bóng, tôi có cơ hội được massage (phương pháp xoa bóp và sử dụng dụng cụ bằng gỗ để kích thích cơ bắp và làm cho các mạch máu lưu thông) cho Hoà thượng, tôi xúc động muốn rơi nước mắt khi nhìn thấy cột sống lưng của Người đã bị chai (callosity) rất nhiều vì massage. Nhìn Cụ, tôi suy tư về thân tứ đại vô thường của một kiếp nhân sinh. Ánh mắt của Người như muốn khuyên tôi rằng: “Mang thân con người thì phải chịu sự chi phối của bốn tướng sanh-già-bệnh-chết, điều quan trọng là phải giữ vững lý trí và nghị lực vượt qua sự chi phối ấy mà cố gắng tinh tiến tu học.” Tôi cung kính đón nhận thâm ý và biểu hiện nụ cười tâm đắc của mình. Như đã thấu hiểu tâm trạng ấy, Người giơ tay nhẹ vuốt đầu tôi... Những ngày tháng ấy thật sự là một duyên lành luôn “Nhớ Mãi Trong Tôi.”

     Nay nhân dịp Tổ đình Hoa Nghiêm chuẩn bị thực hiện tập kỷ yếu về cuộc đời và công hạnh của Người, từ đất Ấn phương xa con xin thành kính đốt nén tâm hương kính nguyện Giác linh Hoà thượng thùy từ chứng giám. Xin phép Ngài cho con được mạo muội ghi lại nơi đây đôi dòng cảm niệm để thể hiện lòng kính mến, tiếc thương vô hạn đối với bậc Cao Tăng Thạc Đức suốt đời phụng sự vì Đạo pháp:“Tục diệm truyền đăng, xiển dương Chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo phật ân đức.”

 

Nhất Tâm Đảnh Lễ
NAM MÔ KIM LIÊN ĐƯỜNG THƯỢNG
TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG NHỊ THẬP THẤT THẾ
HẢI NGOẠI PHÁP QUỐC KHAI SƠN HOA NGHIÊM TRÚ TRÌ
PHÁP HUÝ THƯỢNG TRUNG HẠ QUÁN HOÀ THƯỢNG GIÁC LINH
THÙY TỪ CHỨNG GIÁM
 
Delhi, 10 tháng 09 năm 2003
Du học Tăng tại Ấn Độ
THÍCH QUANG THẠNH
 Kính bút

       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/nhomai_trongtoi.htm

 


Vào mạng: 1-8-2006

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang