Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
BIỂN HÁT LỜI KINH
Biển hát lời kinh, sóng pháp rền
(Hải chấn triều âm thuyết phổ môn)

 

Biển sâu thẳm, biển mênh mông và diễm tuyệt, biển bao dung vô lượng và biến ảo vô biên... Vì thế biển cũng là Tâm.

 Hãy nghe biển hát, biển hát lời kinh.

 Biển vang rền, triều vọng tiếng... muôn đời hát lên lời kinh của cánh cửa phổ độ, cánh cửa vô môn: “Hải chấn triều âm thuyết Phổ môn”, đó là câu thi tán dành cho Bồ Tát Quán Thế Âm nhưng mỗi lần đọc tụng, lại một lần thanh tân...

 

Hãy nghe biển hát, biển hát lời kinh.

 Biển mùa xuân
sớm hôm không ngớt
trầm trầm dâng dâng.
Buson
(Haru no umi
hinemosu notari
notari kana)

 Ðó là biển xanh đang thở. Biển thở vào trầm trầm, biển thở ra dâng dâng.

Ðó là biển xanh đang múa. Vũ khúc của biển có nhịp điệu trầm, có nhịp điệu dâng.

 Ðêm nay triều dâng trong biển
Như nhịp tim trong thế giới này.
Tagore
(Tonight there is a swell in the sea
like the heart-throb of the world).

 Vì sao biển lên tiếng, biển hát ca? Biển không là tịch tịch, liêu liêu của vạn vạn đời hay sao? Bản tính nước đâu có âm thanh. Nhưng rồi có tiếp xúc. Do đâu trái tim ta khóc cười?

Nước nguyên không một tiếng đàn
bởi đi ngang đá mà vang điệu huyền.
(Thủ nguyên vô thanh
xúc thạch tức minh).  

Như một lời uyên áo trong kinh Vượt qua ý thức (Vigyana Bhairava Tantra):  

Sóng khởi lên với nước
và ánh lửa xa khởỉ lên với lửa
cũng như thế ấy mà
những làn sóng vũ trụ
khởi lên từng hồi với ta.  

Trái tim là biển nên có biết bao là trận trận phong ba trong tâm thức mỗi người? Nhưng cũng với trái tim, ta có thể làm lặng yên - sấm sét và lên đường đi vào mây trắng phiêu diêu. Kinh Pháp Hoa trao truyền cho ta phương tiện ấy:  

Tâm bi thì sấm sét yên
Ý từ như áng mây hiền bao dung.
(Bi thể giới lôi chấn
Từ ý diệu đại vân).

 Và như vậy trái tim trở thành đại dương của tình yêu:  

Bạn là sâu thẳm đại dương
Suối sông vô tận mười phương đổ vào
Thiền sư Sùng Sơn (Hàn Quốc)  

Ðó là biển đại bi. Trong kinh Hoa Nghiêm, trên đường đi tìm Bồ tát đạo, Thiện Tài đồng tử đã hỏi Tỳ kheo Hải Vân: “Làm sao bỏ nhà thế tục mà sinh vào nhà Như Lai? Làm sao cạn được biển ái dục mà sinh vào biển đại bi?”.  

Biển ái dục ư ? Một bài thơ thiền của Kenneth Rexroth đã miêu tả cái biển vô biên này:

Khi mà yêu em
như uống nước biển
càng uống
lại càng khao khát thêm
chỉ còn cách uống cạn
biển nước đầy vô biên.
(Making love with you
Is like drinking sea water.
The more I drink
The thirstier I become,
Until nothing can slake my thrist
But to drink the entire sea).  

Trước câu hỏi của Thiện Tài, Tỳ kheo Hải Vân đáp rằng ngài dùng biển cả làm cảnh giới và đã quán sát biển cả mười hai năm: “Thế gian này có gì rộng lớn hơn biển cả không? Còn có gì vô lượng hơn chăng? Còn có gì sâu thẳm hơn chăng? Còn có gì kỳ diệu hơn chăng?”. Cái tên Hải Vân có nghĩa là “Mây trên biển” một vầng mây trắng đứng yên trên trùng trùng sóng biển, nhẹ nhàng và oai nghi. Như người ta thường miêu tả hình ảnh Ðức Quán Thế Âm trên đại dương: “Ðoan cư ba thượng tuyệt trần ai” (Ðứng yên trên sóng trần ai tuyệt vời).

           Mây trên biển, đó là cái tâm đã sạch bụi đời.  

Hình ảnh diễm tuyệt ấy có thể gặp trong bài đoản ca vô danh sau đây ở Vạn diệp tập (Manyôshu):  

Biển lớn
mênh mông không đảo
sóng xanh phơi bày
Ðứngyên trên sóng
trắng một vầng mây.
(ô-umi ni
shima mo aranaku ni
unabara no
tayutau mami ni
tateru shirakumo).  

Biển lớn (Ô-umi) và mây trắng (Shirakumo) thật ra là một. Hải Vân: biển là mây, mây là biển. Cho dù là mây, các Bồ tát vẫn thề nguyện cứu đời như lời kệ trong kinh Pháp Hoa:

Lời thề sâu thẳm biển
Muôn kiếp chẳng hề phai.
(Hoằng thệ thâm như hải
Lịch kiếp bất tư nghì)  

Lời thề đó là ánh quang minh soi chiếu đời đời trên biển trầm luân. Ai cũng có biển tâm, có đủ chỗ để tiếp nhận ánh sáng, để cảm chiếu vầng trăng toàn bích tuyệt vời:  

Biển triều dâng
trải muôn manh chiếu
trăng nằm mênh mông.
Seisensui
(Umi wa michishio ka
tsuki wa senjô
hikari o shiku).  

Ðứng yên trên sóng triều có thể là một áng mây trắng, có thể là một vầng trăng lạnh. Trăng và mây trên biển là những hình ảnh siêu thóat, huyền diệu, là cái đẹp mà thơ ca không ngớt kiếm tìm:  

Vịnh Shiga
sóng vỗ xa bờ
hiện trên đầu sóng
một vầng trăng lạnh
trong ánh tinh mơ.
Letaka
(Shiga no ura ya
Tôzakariyuku
Namima yori
Kôrite izuru
Ariake no tsuki).  

Vầng trăng dường như bất động, đông lạnh giữa ánh sáng mờ ảo, giữa những cơn sóng xao động liên tục gợi lên một trái tim thanh tịnh, sáng trong, siêu phàm. Trăng có mặt giữa sóng cồn bọt sủi nhưng vẫn an nhiên, vô ngại. 

Một bài đoản ca khác lộ rõ ý hơn:  

Trên biển thu đầy
sóng triều lên xuống
xô bóng trăng phai
thế mà trăng vẫn
còn nguyên hình hài.
Fukayabu
(Aki no umi ni
Utsureru tsuki o
Tachikaeri
Nami wa araedo
Iro mo kawarazu).  

Trăng vẫn nguyên hình nguyên sắc mặc cho bể dâu, dâu bể.  

Nhưng trăng thì lúc ẩn lúc hiện. Chỉ có biển cả mới thực là cảnh giới của con người, của tàng thức. Và cảnh giới đó bao giờ cũng hùng vĩ, hoằng thâm, biến diệu:  

Từ biển bao la
sóng đổ sấm rền
lên bờ bãi xa
tan tành, vỡ vụn
tung tán mưa hoa.
Sanetomo
(ôumi no
Iso mo todoro ni
Yosuru nami
Warete kudakete
Sakete chiru ka mo).  

Tựa như Thiên nữ tán hoa , khi sóng biển đập lên ta, có cách nào phủi giọt biển đi, có cách nào phủi hạt muối đi? Và khi sóng biển lùi xa, ta nghe như biển đang cười. Nhưng biển nhạo ta làm gì?  

Hãy lắng nghe âm thanh của biển, hãy nghe biển hát. Trên thế gian này không có âm thanh nào kỳ diệu và cao quý hơn đâu, như kinh Pháp Hoa đã từng tuyên thuyết:  

Diệu âm, Quán Thế Âm
Phạm âm, hải triều âm
Thắng bỉ thế gian âm. . .  

Vượt lên thế gian âm là tiếng biển hát. Hãy nghe biển hát, biển hát lời kinh. Biển hát lời Diệu âm (thanh âm nhiệm mầu), biển hát lời cao quý (Phạm âm), biển hát lời Quán Thế Âm (quán chiếu tiếng kêu thương của cuộc đời).

Biển hát, biển hát và biển hát.
Biển ơi
cho mượn triều dâng
để ta hát tặng một vầng trăng yêu;
Biển ơi
cầm giữ tịch liêu
để ta quay gót một chiều về thăm.  

(Phật tử Mỹ Hồ đánh từ nguyệt san Giác ngộ số 67, tháng 10 năm 2001)


http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/bienhatloikinh.htm

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang