Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
QUA CẦU MỸ THUẬN NHỚ MÊNH MANG

“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”

(Huy Cận)

Tôi có hạnnh phúc là được đi một trong những chuyến phà cuối cùng trước khi cầu Mỹ Thuận được phép lưu thông. Nói hân hạnh là vì được ngắm cái mới từ vị trí không gian cũ, để rồi hôm nay đi qua cầu mới, nhìn lại khung trời xưa cũ với ít nhiều nỗi niềm hoài vọng không tên. Trong đời có những cơ may như thế, tưởng không phải dễ!  Hai lần đi Bắc, lần đầu qua sông Gianh trên một chuyến phà để ngắm nhìn cầu mới vừa được hợp long. Những đêm đứng bâng khuâng trên nửa nhịp còn lại của cầu Cẩm Lệ, nay nhịp cầu ấy cũng không còn. Những chiếc cầu khỉ bắt ngang những dòng kênh Nam Bộ nay đã mất dần. Rồi những chuyến phà chở đầy kỉ niệm qua bắc Rạch Miễu, Hàm Luông, Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh ở miền Nam, sông Hồng, sông Đuống, sông Gianh ở miền Bắc cùng những chuyến đò ngang qua Trà Khúc, Vu Gia, Thu Bồn, sông Hương, sông Hoài và sông Hàn vắt ngang qua phố Đà của miền Trung ruột thịt. Hôm nay lại qua cầu Mỹ Thuận, chợt nhớ câu thơ của Hoàng Trúc Ly da diết:

“Tôi đứng bên bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi…”

Thương về con nước, ôi con nước khi đong đầy phù sa cho những bến bờ hoàng hôn vàng chân cát mịn; ôi con nước khi cạn cùng bùn vẩn để những chuyến đò khuya khoắt nặng gót bùn đen. Con nước có đôi lần chững lại để dân xứ Tháp Mười mênh mang một nỗi cơ hàn ngập lũ. Con nước cũng mấy độ mưa qua cho du tử Ta Bà rưng rưng những niềm nhớ thương tràn cốc. Cũng trên con nước này, một đêm trăng thanh gió mát, dăm người bạn tâm đầu chèo thuyền hứng sương đổ ấm nấu trà, vỗ mạn thuyền mà ngâm thơ Tô Đông Pha trên dòng Xích Bích thuở nọ:

“Quế trạo hề lan tương
Kích không minh hề tố lưu quang
Diễu diễu hề dư hoài
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương”
Người xưa thường nói: “ Trà tam tửu tứ du hành nhị”. Nhưng có một du tử vẫn thường độc hành qua những bến bờ sơn thủy. Soi bóng mình qua đáy nước, noi chí Thánh tự trời cao, để cảm hết được nỗi cô đơn cùng cực và niềm yêu vô bờ giữa trần gian nhập nhòa mộng thực. Cũng trên con nước này mới cảm hết được câu thơ của Hàn Mặc Tử:
“Mây chết đuối giữa dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.”

Cũng trên con nước này mới uống hết được ngụm Tràng Giang của Huy Cận:

“Củi một cành khô lạc mấy dòng”

hay :

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

Tôi không biết Huy Cận viết bài Tràng Giang ở đâu. Một thi nhân miền Bắc thời tiền chiến nhưng hình ảnh của “Tràng Giang” lại là hình ảnh của Cửu Long Giang. Nếu không phải Huy Cận lấy hình ảnh từ một Mịch La của Khuất Nguyên, một “Yên ba giang thượng” của Thôi Hiệu, một Xích Bích của Tô Đông Pha, Trường Giang Tam Hiệp của những thi nhân Đường Tống hay sông Dương Tử qua cái nhìn của nữ văn sĩ Mỹ Pearl Buck, thì hình ảnh ấy phải là của Cửu Long Giang. Sông nước miền Bắc và miền Trung Việt Nam hẳn không có “Tràng Giang” như thế.

“Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nha.ø”

Tản Đà dịch hai câu thơ cuối của “Hoàng Hạc Lâu” tuyệt bút đến đâu cũng không thể sánh với con nước dờn dợn của Huy cận giữa chiều hôm bảng lảng. Bà Huyện Thanh Quan nhìn thấy “Gác mái ngư ông về viễn phố”, không gian còn nhỏ lắm. Chỉ có “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” của Huy Cận mới làm cho hồn hoang của hoàng hôn trĩu nặng. Có một ca từ của Trịnh Công Sơn có thể sánh với câu thơ này về hình ảnh: “Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo” (“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”). Nhưng nỗi buồn của người họ Trịnh đầy hiện sinh và bi đát, còn nỗi buồn của Huy Cận mới là nỗi buồn của tình tự quê hương. Thơ không còn đủ nuôi người ta sống, nhưng thơ cp1 thể nuôi người ta lớn. Cảm thức đọng lại trong thơ từng được chắt chiu qua bao bến bờ đi đến, để hôm nay đứng trên cầu Mỹ Thuận còn thương biết mấy chuyến phà xưa.

Cũng trên chuyến phà này, một cô bé bán hàng rong nhất định không chịu lấy tiền gói xôi biếu người xa lạ – đời ơi, còn những tấm lòng. Cũng trên chuyến phà này, gã ăn mày ngưng đàn ngả nón cầu xin chút tình du tử – móc túi ra toàn bản thảo thơ. Cũng trên chuyến phà này, có một bà mẹ đi tìm con trên vạn ngã đời. Gặp nhau ngấn lệ lưng tròng: “ Về thôi con!”. “Không mẹ ạ! Con phải đi, thế nào rồi cũng có ngày về.”. Rồi cùng trên chuyến phà này, mười năm sau nghe tin mẹ mất – nước sông Hoài sao chảy mãi về Đông? (1). Nước sông ngàn đời chảy trôi ra biển, mà nỗi lòng này sao chưa thấy chảy về đâu?

Ngày xưa qua bắc Mỹ Thuận, có lúc kẹt phà phải đợi đến ba tiếng đồng hồ. Ngày nay cầu Mỹ Thuận đã thành chiếc cầu hiện đại nhất ở Việt Nam. Xe phù qua trong mấy phút. Một lần được đứng lại bên cầu, làm sao khỏi miên man nhớ về những chuyến phà xưa cũ? Người ta thường nói: “nhịp cầu nối những bờ vui”. Còn đối với tôi thì : “nhịp cầu giã từ những khung trời xưa cũ”. Không phải hoài cựu là phản đối cái mới. Cầu Mỹ Thuận ngày nay là chiếc đòn gánh gánh cả nền kinh tế lưu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điều ấy là vô cùng cần thiết. Sự tiến bộ bao giờ cũng cần thiết, nhưng nó cũng không hề cản ngăn tôi tiếc nhớ những gì đã qua, đã nuôi tôi lớn lên nhiều năm tháng. Như đồi Cù Đà Lạt từ ngày bán cho Tây làm sân golf chẳng hạn, làm sao khiến tôi khỏi nhớ về những chiều sương ám phủ trên triền đồi tím ngát dặm lữ thu xưa. Nghe đâu mai mốt chuyến phà Rạch Miễu cũng không còn khi dự án bắt cầu qua tỉnh Bến Tre đã trở thành khả thi trong vài năm tới. Con người có thể làm được nhiều chuyện to tát như thế, nhưng chiếc cầu lại là nhân chứng bi tráng nhất cho chuyện vật đổi sao dời. Thương hải tang điền đã ghi dấu ấn hằn lên trang văn học sử thế giới. Tôi nhớ nhịp cầu Hawaii do những tù binh Anh thi công hồi chiến tranh phát xít Nhật, rồi cũng chính họ giật sụp chiếc cầu này khi một chiếc xe lửa đi ngang. Nhịp cầu trên sông Drina của Ivo-Andritch còn in đậm trong hồn tôi còn hơn những biến cố chiến tranh thế giới. Bao nhiêu đời rồi người lái đò ước ao một chiếc cầu bắt ngang dòng sông định mệnh, để rồi chiếc cầu cũng được biến thành nhân chứng của mọi sự biến thiên: chiến tranh, tình yêu, lẽ sống, nỗi chết. Để một lần người nghệ sĩ dừng lại bên cầu nhớ chuyến đò xưa. Hạnh phúc và đau khổ đều cần thiết cho cuộc đời, cho những ai biết nghe ra giai điệu luân lưu của tồn sinh vạn hữu.

Tôi xuống xe lội bộ qua cầu Mỹ Thuận tuyệt đẹp từ phía Vĩnh Long qua bên Tiền Giang thơ mộng. “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” (Huy Cận), “Con cò trên ruộng cánh phân vân” (Xuân Diệu). Vẫn chiếc nâu sòng sạm vạt, tôi ngâm tràn mấy câu thơ của Hoài Khanh mà thấy lòng bịn rịn quá đi thôi:

“Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”.

Quý Đông Tân Tỵ.

DTT.

(1): Trong bài “Hỏi nước sông Hoài”(Vấn Hoài thủy) của Bạch Cư Dị viết:

“Tự ta danh lợi khách
Nhiễu nhiễu tại nhân gian
Hà sự trường Hoài thủy
Đông lưu diệc bất nhàn”

http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/caumythuan.htm

 


Vào mạng: 1-5-2002

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang