Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

TỪ CHIẾC BÁT TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

ĐẾN CHIẾC NÊU TRONG TRUYỆN CỔ DÂN GIAN

Quảng Kiến


Nghiên cứu môtip truyện cổ tích dân gian là một công việc hết sức quen thuộc song cũng đầy thử thách đối với các nhà nghên cứu. Để tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của một môtip, các nhà nghiên cứu buộc phải vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để có thể đưa ra những kết luận thuyết phục. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi thử đi từ kinh điển, điển tích Phật giáo để tìm hiểu về nguồn gốc môtip chiếc nêu thần kỳ trong truyện cổ Thạch Sanh, một truyện cổ rất quen thuộc đối với người Việt. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy môtip này tương đồng với môtip chiếc bát mầu nhiệm ở trong kinh điển Phật giáo. Rất có thể môtip chiếc nêu thần kỳ xuất phát từ trong kinh Phật…

Nhắc đến chiếc nêu thần kỳ, dường như ai cũng nghĩ ngay đến chiếc nêu của Thạch Sanh. Thạch Sanh cưới được công chúa đã làm cho hoàng tử các nước chư hầu ganh tị. Chúng hội họp quân lính 18 nước sang giao chiến. Nhưng nhờ tiếng đàn, Thạch Sanh đã khiến cho quân lính 18 nước rã rời, không còn ý chí chiến đấu. Bọn hoàng tử phải nhất tề cuốn giáp. Song Thạch Sanh đã hào hiệp sai dọn cơm mời họ. Chàng đem ra một nêu cơm bé tẹo khiến cho quân lính bĩu môi không buồn cầm đũa. Biết ý, Thạch Sanh đố họ ăn hết cơm thì sẽ có thưởng. Kỳ diệu thay, nêu cơm múc vơi bao nhiêu lại đầy bấy nhiêu…

Tuy nhiên, trong truyện Từ Đạo Hạnh hay Sự tích Thánh Láng mà chúng tôi khảo sát, môtip chiếc nêu thần kỳ cũng xuất hiện và có sự tương đồng rất lớn so với nêu cơm của Thạch Sanh. Khi vua Lý Thần Tông bị bịnh lạ, không thầy thuốc nào chữa được, xảy ra việc đám trẻ chăn trâu hát bài đồng dao: “Tập tầm vông! / Có ông Nguyễn Minh Không / Chữa cho vua khỏi hóa / Tập tầm vá! / Muốn chữa vua khỏi hóa / Phải đón Nguyễn Minh Không”, triều đình phái một viên võ tướng mang 500 quân xuống 10 chiếc thuyền lớn, xuôi về miền biển triệu Nguyễn Minh Không. Đến nơi, Nguyễn Minh Không cho thịt một con chim sẻ rồi sai tiểu đun bếp. Đám quân sĩ bật cười vì cái nồi tí tẹo. Nhưng khi mọi người sắp hàng trước hai cái nồi đất tí hon, một nồi đựng cơm, một nồi đựng thịt chim sẻ, lần lượt xới cơm và gắp thịt, hai chiếc nồi cứ vơi hết bao nhiêu lại đầy bấy nhiêu…

Bản kể trên là của Nguyễn Đổng Chi - không hiểu ông sưu tầm từ nguồn tài liệu nào mà có đến hai cái nêu tí hon cùng với hình ảnh vị hòa thượng làm thịt chim sẻ để đãi khách. Lĩnh Nam chính quái, bản của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, do Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San dịch, chỉ nói gọn rằng: “Minh Không thấy sứ giả đến, trong thuyền có rất nhiều lính chèo thuyền, muốn dọn cơm chay cho ăn, bèn lấy một cái nồi nhỏ đem cho họ cùng ăn, bảo họ rằng: “anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy”. Thế mà bọn lính chèo thuyền hơn một trăm người cùng ăn cũng không sao hết”. Dễ dàng nhận thấy rằng bản kể trong Lĩnh Nam chính quái thuyết phục hơn, đồng thời cũng gần với môtip chiếc nêu thần kỳ của Thạch Sanh hơn. Về môtip này, Hoa Bằng, sau khi đặt vấn đề nghi vấn về nguồn gốc chiếc nêu thần kỳ của Thạch Sanh và so sánh với truyện thiền Sư Nguyễn Minh Không, đã cho rằng: “Sau khi nhắc lại nêu cơm của Nguyễn Minh Không, chắc các bạn cũng như tôi, ta đề thừa nhận rằng nêu cơm của Thạch Sanh sau này là bắt nguồn từ nêu cơm của Nguyễn Minh Không ngày trước, không ai còn có thể chối cãi được nữa”[1].

Kết luận của Hoa Bằng có lẽ khiến cho một số người đọc sẽ đặt lại nghi vấn về mốc thời gian “ngày trước” và “sau này”, vì kỳ thực, chưa ai có thể khẳng định được truyện Thạch Sanh của người Việt xuất hiện từ lúc nào; còn bản truyện thơ Nôm Thạch Sanh thì xuất hiện khá trễ, khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX[2]. Trong khi đó, một số dân tộc khác cũng có môtip nêu cơm thần kỳ ăn mãi không hết. Người Bahnar có truyện Y Rít, kể chuyện người con gái nuôi của Y Rít thổi cơm cho bọn lính ăn bằng cái nồi bé tí, nhưng bọn lính ăn đến tức cả bụng mà nồi vẫn đầy. Người Ê-đê cũng có truyện một em bé tên Nồi (Gơ-la), vì em đen như nhọ nồi. Nồi gọi người mang thai và sinh ra mình là “bà nội”, bởi bà lão ăn phải trái xoài trên rừng mà mang thai rồi sinh ra em. Nồi có nhiều phép lạ, như hôm làm tiệc đãi làng, em chỉ đưa ra một cái bát cá mà người trong làng ăn mãi không hết. Dân tộc Trung Quốc cũng có truyện về Tả Từ, Từ có rất nhiều phép thuật. Một hôm Từ gặp Lưu Biểu đang duyệt binh ở Kinh Châu, Từ nói: - Tôi có lễ mọn muốn khao ba quân. Biểu hỏi: - Khao những gì? - Một bữa no say, Từ đáp. Biểu nhận lời. Từ đem ra một bầu rượu và một cái nem, vậy mà ba quân chia nhau ăn uống no say không hết. Về hình ảnh đồ vật tuy ít mà dùng mãi không hết, trong Thánh Kinh cũng có truyện Jê Su mấy lần trong tay chỉ có dăm cái bánh và vài con cá, phân phát cho cả trăm ngàn dân chúng, ai cũng no nê mà bánh vẫn còn thừa đến mấy sọt đầy[3].

Trở lại nhận xét của Hoa Bằng, ông cho rằng nêu cơm Thạch Sanh có nguồn gốc từ tiểu truyện thiền sư Nguyễn Minh Không; nhận xét tuy chưa thật thuyết phục song không phải không có ít nhiều nguyên cớ. Bởi lẽ trong các truyện tích Phật giáo Việt Nam cũng như Ấn Độ, môtip chiếc nêu (hay chiếc bát) thần kỳ xuất hiện khá nhiều. Ở làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Đông có câu chuyện về Sự tích Bồ tát Chân Nhân. Truyện kể rằng: Bồ tát thuê một trăm người thợ dựng ngôi chùa lớn ở núi Tiên Lữ. Đến bữa, Bồ tát chỉ thổi một nêu cơm nhỏ rồi dặn: - Khi cơm chín mọi người cứ bới ra rá để tôi còn về quê lấy tương cà làm thức ăn. Ai nấy đều không nhịn được cười vì nồi cơm nhỏ xíu, quê sư thì lại ở quá xa. Thế nhưng cơm vừa chín tới thì sư cũng vừa về, cầm một lọ tương, một lọ muối. Đến khi mọi người bới cơm ra, ăn mãi không hết, bởi bới bao nhiêu nêu cơm lại đầy bấy nhiêu. Truyện Bốn cô gái muốn lấy chồng Hoàng tử của ta cũng có hình ảnh Bụt cho bốn cô gái một vại tiền và một vại gạo (vại chứ không phải nêu), lấy vơi bao nhiêu lại đầy lên bấy nhiêu. Cổ tích và phật thoại Ấn Độ cũng có truyện kể về Du-đích-thi-ra nhận được của mặt trời một nồi đồng lấy ra rau, thịt, cá vô tận; và Mác-nu-da vâng lệnh Phật sai đi quyên giáo không được gì, bỗng chốc thấy xuất hiện năm trăm bát đầy thức ăn; lại nhờ phép Phật mà hiện ra trước một nghìn tỳ kheo, mỗi người một bát đầy…[4]

Tìm hiểu kinh văn chính thống của Phật giáo, chúng tôi nhận thấy kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh đại thừa nổi tiếng của Phật giáo, được Bồ tát Long Thọ soạn tập vào khoảng thế kỷ thứ II, ngài Giác Hiền dịch sang tiếng Hán năm 418, cũng có hình ảnh chiếc bát thần kỳ rất giống với những môtip trên. Phẩm Nhập pháp giới thứ 39, đoạn Thiện Tài đồng tử đi đến thành Hải Trụ tìm tới nhà Ưu bà di Cụ Túc trong kinh Hoa Nghiêm chép rằng: Trong nhà Ưu bà di Cụ Túc không có y phục, không có đồ uống ăn và không có tất cả các đồ tư sanh khác, trước mặt Ưu bà di chỉ để một cái bát nhỏ. Thiện Tài bạch hỏi: - Bạch đức Thánh! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề mà chưa biết Bồ tát học Bồ tát hạnh, tu Bồ Tát đạo thế nào? Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo, xin giảng nói cho. Ưu bà di Cụ Túc nói : - Này thiện nam tử! Ta được môn giải thoát Bồ tát vô tận công đức tạng. Có thể ở trong một cái bát nhỏ này, tùy theo sở thích của tất cả chúng sanh, mà xuất hiện các thứ đồ uống ăn ngon lành, làm cho họ đều được no đủ cả. Giả sử có trăm chúng sanh, ngàn chúng sanh nhẫn đến bất khả thuyết bất khả thuyết chúng sanh, giả sử có Diêm phù đề vi trần số chúng sanh, tứ thiên hạ vi trần số chúng sanh, Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Ðại thiên thế giới, nhẫn đến bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số chúng sanh, giả sử tất cả chúng sanh cùng khắp mười phương thế giới, cũng đều tùy sở thích làm cho họ được no đủ cả. Mà trong bát nhỏ này, đồ dùng không cùng tận, không giảm ít.

Theo những cứ liệu nêu trên, có thể nhận thấy hình ảnh chiếc nêu (hay chiếc bát) thần kỳ xuất hiện chủ yếu trong các kinh văn, kinh truyện nhà Phật và một số tích truyện của nước ta cũng như Trung Hoa - những đất nước ảnh hưởng mạnh mẽ văn hóa Phật giáo. Tuy nhiên tập trung nhất vẫn là trong kinh điển Phật giáo, vì vậy, bước đầu có thể đặt ra giả thuyết về nguồn gốc Ấn Độ của môtip chiếc nêu (hay chiếc bát) thần kỳ này. Nguyễn Đổng Chi cho rằng truyện Thạch Sanh “có chứa đựng những mô-típ phổ biến của quốc tế nhưng sắc thái biểu hiện thì có nhiều nét gần gũi với truyện Ấn-độ, có lẽ bắt nguồn từ Ấn-độ”[5]. Mặc dầu tác giả bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam không chú ý đến môtip chiếc nêu thần kỳ, song nhận xét của ông không phải không dựa trên những tư liệu xác thực. Và giả thuyết của chúng tôi phải chăng cũng đã góp phần khẳng định thêm cho nhận xét ấy? Cụ thể hơn, chúng tôi đồ rằng hình ảnh chiếc nêu (hay chiếc bát) rất có thể xuất phát từ thần thoại Ấn Độ và được Phật giáo tiếp nhận, tô đậm và truyền bá sang một số nước thông qua quá trình truyền giáo. Bởi về vật thần kỳ có chức năng ban phát cho mọi người đầy đủ phẩm vật rất gần với tinh thần bố thí của đạo Phật. Khảo sát bộ Jataka (chuyện tiền thân đức Phật), có thể thấy hạnh bố thí được đề cao hơn cả, trong đó có những kiếp đức Phật không chỉ bố thí nhà cửa, tiền bạc mà còn bố thí cả vợ con, thân thể. Trong lục độ (sáu hạnh vượt bờ, gồm: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ) của Phật giáo, bố thí được đưa lên hàng đầu. Chúng tôi cũng đồ rằng hình ảnh chiếc nêu (bát) thần kỳ có hình thức ban đầu là chiếc bát chứ không phải chiếc nêu. Bởi chiếc bát là vật thiết thân của một tu sĩ Phật giáo; mỗi tỳ kheo thường có ba vật bất ly thân, gồm: y, bát và chiếc đãy lọc nước, trong đó chiếc bình bát được vị tỳ kheo “gìn giữ cẩn thận như giữ tròng con mắt” của mình. Chiếc bát của vị tỳ kheo thâu nhận vô số phẩm vật, vì thế nó cũng có thể ban phát vô số phẩm vật. Công đức của bố thí không thể nghĩ lường, nên phẩm vật bố thí sẽ không bao giờ cạn. Đó không chỉ là hạnh nguyện của Bồ tát cứu độ chúng sanh mà còn là ước muốn ban đầu của dân gian khi họ đến với đạo Phật. Trên đây là giả thuyết mà chúng tôi tạm đưa ra để định hướng cho một công trình nghiên cứu sâu hơn về môtip này.

Tóm lại, hình ảnh chiếc bát trong kinh điển Phật giáo đến chiếc nêu trong truyện cổ dân gian đã có một khảng cách nhất định. Mặc dầu chiếc bát và chiếc nêu cùng có một chức năng thần kỳ là lấy vơi lại đầy, tuy nhiên có thể thấy rằng chiếc bát trong kinh điển Phật giáo không phải tự thân chúng thần kỳ mà là ở công đức, phước trí của người sử dụng, còn chiếc nêu trong truyện cổ dân gian mầu nhiệm ở ngay chính bản thân nó. Sở dĩ có sự khác biệt này là do cách nghĩ đơn giản của dân gian khi tiếp nhận giáo lý đạo Phật. Trong cách nghĩ giản đơn ấy, dân gian cảm nhận sự mầu nhiệm của chiếc bát - chiếc nêu như là một sự ban thưởng hơn là kết quả của quá trình tu tập, tích lũy công đức, phước trí dài lâu của hành giả để có thể tạo ra được sự mầu nhiệm ấy. Lý giải được hiện tượng này, chúng ta có thể lý giải được nhiều hiện tượng dân gian hóa Phật giáo khác và xem đây như là một hiện tượng văn hóa tất yếu một khi Phật giáo muốn thiết lập cơ chế bản địa hóa, đặt nền tảng vững chắc trong lòng dân tộc.


[1]  Nhiều tác giả (2004), Nghiên cứu Văn - Sử - Địa (1954 - 1959) - Những vấn đề lịch sử ngữ văn (quyển II) - Văn học dân gian - lý luận, phê bình và lịch sử văn học, ngôn ngữ học, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.120.

[2] Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế Giới, tr.1624.

[3] Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 1- 5), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.838.

[4] Nguyễn Đổng Chi, Sđd, tr.838-839.

[5] Nguyễn Đổng Chi, Sđd, tr.1677.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/chiecbat_phatgiao.htm

 


Vào mạng: 1-4-2006

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang