Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
TÂM SỰ NGƯỜI ĐÓNG VAI PHẬT
Phật tử Diệu Kim

 

Phật giáo đã được truyền dạy bằng nhiều phương tiện, trong đó văn hóa là một trong những phương tiện sinh động và hữu hiệu. Gần đây, môi trường văn hóa của đất nước ta được rộng mở, tạo điều kiện cho nhiều người sáng tác và biểu diễn văn nghệ Phật giáo. Và nhiều nghệ sĩ đã được mời đóng vai Đức Phật trong các băng video cũng như trên sân khấu cải lương. Dĩ nhiên, nghệ sĩ thì có khả năng hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau, khi sang khi hèn, khi thiện khi ác... rất đa dạng. Nhưng khi phải hóa thân vào vai Đức Phật, hầu như nghệ sĩ nào cũng thấy có sự khác lạ chứ không đơn thuần chỉ là một “vai diễn” trong nghề, một cơ hội kiếm sống. Có một ảnh hưởng đạo đức, ảnh hưởng tâm linh nào đó rất sâu xa khiến họ tìm cách thể hiện nhân vật bằng một con đường khác hẳn. Hãy nghe đôi lời tâm sự thú vị của họ...

Nghệ sĩ Khánh Tuấn (Phó đoàn cải lương Thanh Nga) tham gia vở Đóa hoa Vô ưu vai Đức Phật khi còn là Thái tử Tất Đạt Đa trong cung vàng điện ngọc, chưa đi xuất gia. Anh có thể thoải mái hơn về hình tướng, phong thái, cử chỉ, vì dù sao vẫn còn chất “đời”. Nhưng không, Khánh Tuấn đã rất cẩn thận “đầu tư” cho cả thân lẫn tâm để nhập vai thật tốt. Anh nói: “Không phải tôi tin dị đoan, mà tôi tự thấy oai lực của Đức Phật quá lớn, mình phải làm sao cho xứng đáng với Ngài. Trước đó, tôi giữ gìn mình cho “sạch sẽ” trong mọi sinh hoạt. Rồi tham khảo hình ảnh, sách vở, để quan sát từng bước đi, từng ánh mắt của Phật... Nói thiệt là lo dữ lắm. Nhưng không hiểu sao, mình chuẩn bị chu đáo như vậy, khi diễn rất tự tin, thoải mái, và diễn xong thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng chứ không nặng nề ô trược như nhiều vai khác”. Anh còn kể là khi lưu diễn ở một số tỉnh, Phật tử đến rạp từ 5 giờ chiều (7 giờ mới mở màn) khiến anh rất cảm động. Đặc biệt ở tỉnh Bình Dương, các nhà sư vào rạp ngồi xem mà một tay chắp lên ngực, một tay lần chuỗi, nghiêm trang kính cẩn, khiến anh “hết hồn” và tự nhiên càng diễn càng nghiêm túc hơn trước, cảm nhận rằng đây không đơn giản là một tuồng cải lương như bao tuồng khác, mà đang có một sứ mệnh gì đó rất quan trọng. Xong vai diễn, anh đâm ra “mê” Phật, tìm được mấy cuốn phim nước ngoài về xem. Xem rồi lại còn ước ao: “Nếu có tiền, tôi sẽ làm phim về Phật y như họ, nghĩa là sử dụng kỹ thuật vi tính thật đẹp và huyền ảo”. Và anh cho biết đoàn Thanh Nga đang tìm kịch bản về Phật giáo để dựng tiếp, coi như bén duyên lắm rồi.

Trong đoàn này, nghệ sĩ Chiêu Linh lại xuất hiện ở đoạn Đức Phật đang hóa độ chúng sinh. Toàn bộ hóa trang từ quần áo, tóc tai, mặt mũi... giống Phật đến độ ai nấy giật mình. Thật ra ban đầu anh không chịu nhận vai vì... sợ. “Trên truyền hình tôi cũng đã một lần đóng vai Phật trong vở Chàng ngáo đòi nợ Phật nhưng lần đó chỉ ngồi một chỗ mà ca thôi. Còn lần này phải đi tới lui chút ít, tôi sợ mình diễn không nổi sự uy nghiêm, từ tốn, trang trọng của Phật. Anh em trong đoàn động viên dữ lắm, tôi đành chịu. Và phải ăn chay, niệm Phật, vái Phật phò hộ... Chợt nghĩ, chắc mình có duyên hay sao nên mới đóng được hai lần”.

Nghệ sĩ Châu Thanh lại là một trường hợp kỳ diệu và cảm động. Khi nhận được lời mời đóng trong cuộn băng video Đạo vàng muôn thuở do sư Minh Giới viết kịch bản, anh lập tức phát nguyện ăn chay 4 tháng. Chẳng những vậy, anh còn tụng kinh sám hối mỗi đêm để thanh lọc bớt nghiệp chướng trước khi hóa thân vào nhân vật cao cả như Đức Phật. Rồi anh lên chùa Hang Mai (núi Bồng Lai) kề cận với sư Minh Giới gần 1 tháng để nhờ sư chỉ dẫn cho những oai nghi của người tu, và xuống tóc luôn để “nhập vai” dần dần. Có người bảo anh: “Đóng Phật nguy hiểm lắm nghen, có khi chết luôn đó!”. Nhưng anh quỳ trước bàn Phật khấn rằng: “Nếu đóng xong mà chết con cũng chịu. Đời người ai cũng chết một lần, chỉ xin cho con theo Phật”. Đang trong lúc phát tâm mạnh mẽ như thế, thì có tin người ta định thay vai của anh, mời nghệ sĩ khác trẻ đẹp hơn. Số là sư Minh Giới viết kịch bản xong, phải nhờ kinh phí của các đại lý bỏ ra để sản xuất, và người ta sợ Châu Thanh đã lớn tuổi khó mà thể hiện được dung mạo đẹp đẽ của Đức Phật. Châu Thanh nghe tin, buồn muốn khóc. Và anh lại quỳ trước bàn Phật: “Đức Phật dụng tâm chứ không dụng sắc, sắc nào rồi cũng là hư ảo, tan hoại. Tâm con đã như vậy, xin Đức Phật gia hộ cho người ta xoay chuyển. Nếu cần, con xin bán căn nhà để sư Minh Giới có tiền sản xuất”. Anh hỏi sư: “Sư nói thật đi, sư làm vì đạo hày vì kinh doanh? Nếu vì kinh doanh thì con không dám nhúng vào, còn nếu vì đạo thì con xin hỗ trợ sư hết sức của con”. Dĩ nhiên, sư Minh Giới là một người tâm huyết muốn dùng văn hóa để phổ biến Phật giáo, nhưng vì không có tiền nên đành thuận theo các đại lý, chứ sư không nghĩ sâu xa đến các “ngôi sao” đang có áp lực trên thị trường. Thầy trò nhìn nhau chưa biết tính cách nào. Châu Thanh về nói với vợ chuyện bán nhà, ai ngờ bà xã đồng ý ngay không so đo tính toán. Nhưng kỳ diệu thay, chính lúc đó thì các đại lý đưa tin về, chấp nhận Châu Thanh. Anh bảo: “Chắc Phật thử lòng tôi. Và tôi lại càng tin ở sự vi diệu của Đức Phật”. Anh cười, nói thêm: “Tôi biết phần sắc mình khiếm khuyết hơn phần tâm, nên xin Phật gia hộ cho hóa trang được tốt”. Cuối cùng, mọi việc đều trôi chảy. Châu Thanh không lấy một đồng cát-sê nào, lại còn bỏ ra mấy triệu thuê xe cho 200 Phật tử lên tận phim trường coi người ta quay phim Phật.

Nói chung, đa số nghệ sĩ Việt Nam đều chịu ảnh hưởng văn hóa dân tộc trong đó có văn hóa Phật giáo rất sâu xa. Cho nên khi được quay trở lại góp phần cho văn hóa Phật giáo, thì chính họ lại rất gương mẫu, nghiêm túc. Có người đã gieo duyên lành với Phật, nay lại bền vững hơn. Có người mới bắt đầu gieo duyên, thì nay lại yêu mến, tín tâm hơn. Chúng ta cảm ơn những nghệ sĩ đã trân trọng đạo pháp, trân trọng nghề nghiệp của mình, lấy nghề nghiệp giúp ích cho đạo pháp, và ngược lại đạo pháp cũng trở lại giúp ích cho nghề nghiệp của họ. Nhờ vậy, văn hóa PG sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Báo Giác Ngộ, số Phật đản PL.2546

http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/dongvaiPhat.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang