1. Mẹ ta, hoa Phật là câu tục ngữ tiêu biểu cho những
đứa con tinh thần sinh ra từ cuộc “hôn phối” giữa Phật giáo và dân tộc.
Tuy xuất hiện với tần số thấp, song có thể nói, đây là câu tục ngữ hay vào
loại bậc nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Đơn giản, ngắn gọn
như không thể nào ngắn gọn hơn, câu tục ngữ chứa đựng cả một quan niệm về
đạo đức, triết lý, tình cảm, lối sống của người dân Việt.
Xét về nguồn gốc và thời điểm xuất hiện, có thể thấy câu tục ngữ này thuộc
vào loại khá cổ. Theo Cao Huy Đỉnh, Mẹ ta, hoa Phật bắt đầu được
truyền ngôn vào thời Sĩ Nhiếp, lúc ông cho xây chùa, tạc tượng và tôn xưng
Phật Pháp Vân lên làm “Mẹ Phật” - vị Phật đầu tiên của Việt Nam, một vị
Phật nữ, rất gần gũi với dân tộc tính, với nền văn hóa thiên về tính âm
của người Việt. Phật Pháp Vân, vì vậy, là kết quả của quá trình bản địa
hóa sâu sắc, tạo cơ sở vững chắc cho Phật giáo thâm nhập vào đời sống của
người dân Việt. Bấy giờ, Phật giáo một mặt giới thiệu hình ảnh của đức
Phật như một vị thần đầy quyền năng, “biến hóa nhanh chóng, phân thân
tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn được, tròn được vuông được, già
được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi (trên) dao không
đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng”[1];
mặt khác, Phật giáo quy tụ những vị thần bản địa vào trong địa hạt của
mình, biến họ thành những nhân vật của Phật giáo. Pháp Vân (Mây), Pháp Vũ
(Mưa), Pháp Lôi (Sấm), Pháp Điện (Chớp) vốn là những vị nhiên thần của
người Việt, nghiễm nhiên trở thành những vị Phật của Phật giáo và dân gian.
“Từ đó, bà mẹ Việt, cô gái Việt được coi như là hiện thân trong sáng
nhất của Đấng Từ bi Bác ái. Hội tắm Phật hay hội Mẹ Tổ mùng Tám tháng Tư
bắt đầu có từ đó. “Mẹ ta, hoa Phật” chắc hẳn cũng được truyền ngôn từ đó”[2].
2. Mẹ ta, hoa Phật mang đầy đủ đặc tính của một câu tục ngữ - cô
đọng, hàm súc, hình tượng và giàu ý nghĩa. Thông thường, mỗi câu tục ngữ
phản ánh một lĩnh vực hay một kinh nghiệm nào đó của cuộc sống. Mẹ ta,
hoa Phật là sự phản ánh rất trung thực cái nhìn của dân gian về hình
tượng Mẹ trong mối tương quan tôn giáo.
Tìm hiểu câu tục ngữ trên chính là tìm về bản sắc văn hóa của người Việt.
Trong quá khứ, khi nhắc đến Mẹ ta, hoa Phật, có lẽ mỗi người dân
Việt đều có thể tiếp nhận hình ảnh này một cách trực tiếp, dễ dàng, không
cần phải thông qua suy luận. Bởi lúc bấy giờ, Phật Pháp Vân đã là một hình
ảnh linh thiêng, ngự trị trong trái tim của mỗi người dân Việt, đó là một
vị “Mẹ Phật” luôn chở che, ban phước - không chỉ trong việc cầu xin mưa
thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sinh con đẻ cái, mà cả trong đời sống tâm
linh, trong việc ngăn chặn mưu đồ Hán hóa của người phương Bắc… Tuy nhiên
ngày nay, khi Phật giáo đã đi qua một chặng đường dài thăng trầm, vấn đề
tiếp nhận câu tục ngữ Mẹ ta, hoa Phật không còn là một vấn đề đơn
giản, thậm chí còn là một thử thách. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy
bất kỳ một tài liệu nào lý giải về câu tục ngữ này. Trong tác phẩm của Cao
Huy Đỉnh, ông chỉ nhắc đến Mẹ ta, hoa Phật một lần duy nhất như
đoạn trích nêu trên, và vì vậy, không dễ dàng cho ta cắt nghĩa một cách
thuyết phục về câu tục ngữ này.
Như trên đã nói, Mẹ ta, hoa Phật phản ánh rất trung thực cái nhìn
của dân gian về hình tượng Mẹ trong mối tương quan tôn giáo. Vì vậy, ở đây,
có hai từ ngữ mà chúng ta cần chú ý, đó là “Mẹ” và “Phật”. Trong tính đối
xứng của câu tục ngữ, có thể hiểu “Mẹ” đồng đẳng với “Phật”, và như vậy,
Mẹ cũng chính là Phật. Tuy nhiên, một trong những đặc tính của tục ngữ là
sự chắt lọc, cô đọng đến mức tối đa, như V.I. Đal ví von: “Một câu tục
ngữ còn ngắn hơn cả mũi con chim”[3],
cho nên hai chữ “ta” và “hoa” trong câu tục ngữ trên chắc chắn phải đóng
một vai trò quan trọng, không phải là những từ thừa. Thử đi tìm những câu
tục ngữ có kết cấu tương đồng với sự xuất hiện của hai từ này, chúng tôi
phát hiện câu Người ta, hoa đất. Xét về kết cấu và cả về từ loại,
chúng ta dễ dàng nhận thấy hai câu tục ngữ trên có một mối tương đồng rất
lớn, nếu không muốn nói là chúng có thể thay thế từ ngữ cho nhau. Câu
Người ta, hoa đất khá phổ biến, mặc dầu chúng ta chưa biết đích xác
câu nói này xuất hiện trước hay sau câu Mẹ ta, hoa Phật.
Về câu tục ngữ Người ta, hoa đất, chúng ta đều biết rằng đây chính
là cách nói cô đúc nhất của câu Người ta là hoa của đất, hoặc
Người ta là hoa đất - ý nói con người là tinh hoa của trời đất, như
Shakespeare ca ngợi: "Kì diệu thay là con người! Con người cao quý làm
sao về lí trí, vô tận làm sao về năng khiếu. Về hình dung và vóc dáng, nó
đẹp tựa thiên thần, về trí tuệ nó có thể sánh tày Thượng đế. Thật là vẻ
đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài"; còn Tchernychevski
thì cho rằng: "Con người là cái đẹp nhất trong thế giới mà chúng ta cảm
giác được"; Kant lại nói gọn hơn: "Con người là lí tưởng của cái
đẹp" . Có thể thấy, cách nói của tục ngữ mang cái đẹp lộng lẫy của
cuộc sống - mộc mạc, chân chất song không kém phần triết lý. Ở đây, hoa
không đơn thuần là bông hoa, mà là sự kết tinh của trời đất, là cái đẹp
cao cả của thiên nhiên…
Trở lại câu Mẹ ta, hoa Phật, chúng tôi cho rằng đây là cách nói cô
đọng của câu Mẹ ta là hoa của Phật, hay Mẹ ta là hoa Phật.
Và chúng ta cũng sẽ được phép nghĩ rằng, trong tâm thức dân gian người
Việt, hình ảnh người Mẹ được tôn vinh ngang bằng với hình ảnh đức Phật. Mẹ
chính là tinh hoa của Phật. Điều đó có thể lý giải được hiện tượng tại sao
Việt Nam lại có một vị Phật Mẫu Man Nương, mà vị Phật ấy lại xuất thân từ
một phụ nữ rất đỗi bình thường. Người phụ nữ này là hiện thân của Mẹ -
Phật, của tình yêu thương, của lòng từ bi vô bờ bến, khi con cần thì mẹ
sẵn sàng chở che, giúp đỡ. Và cũng chính vì Phật giáo Việt Nam có được một
vị Phật như thế mà Phật giáo đã trở thành một cõi hướng tâm, một chỗ dựa,
nơi người dân Việt tìm được sự yêu thương, che chở. Phật giáo đã trở thành
nguồn sống của mỗi người. Từ đó, ca dao Việt Nam có những câu như: Dù
ai buôn bán trăm nghề / Tháng Tư, mùng Tám thì về chùa Dâu / Dù ai buôn
đâu, bán đâu / Nhớ ngày mùng Tám hội Dâu thì về”.
3. Ở đây, quan niệm của dân gian một lần nữa đã gắn kết, giao thoa với
quan niệm của Phật giáo. Điều này cho chúng ta nhận thức rõ ràng rằng
những nhà truyền giáo đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, khi xúc tiến quá
trình bản địa hóa, đã rất linh hoạt, uyển chuyển song vẫn không xa rời
giáo lý đạo Phật. Mẹ - một người phụ nữ bình thường, được sánh ngang với
Phật - một con người phi thường; sự so sánh, đồng nhất này không có gì sai
trái, đi ngược với tinh thần của đạo Phật. Trong rất nhiều bài kinh, đức
Phật đã khẳng định rằng Mẹ cũng là một vị Phật - cha mẹ tại đường như Phật
tại thế. Trong kinh Bảo tạng, Phật dạy: “Hiếu sự cha mẹ thì vua
trời Đế thích ở trong nhà các người, thực hành hiếu sự thì chúa trời Đại
phạn ở trong nhà các người, và hiếu sự tận lực thì đức đại giác Thích tôn
ở trong nhà các người”[4].
Ngài Trí Húc cũng dẫn lời Phật: “Có hai vị Phật đang sống trong nhà các
người, đó là cha và mẹ”[5].
Như vậy, trong tâm tính của mỗi người dân Việt, phải chăng đã có sẵn những
tố chất Phật giáo, để khi tôn giáo này truyền đến, họ đã tiếp nhận một
cách cởi mở, không e dè, nghi kỵ. Người Việt tôn thờ cha mẹ như tôn thờ
Phật; điều này đã trở thành một nền tảng đạo lý ăn sâu vào tâm thức của
mỗi người dân Việt. Đó là một thứ triết lý song cũng là một thứ tình cảm
trân trọng của bất kỳ những ai tự hào mình vốn là con Lạc, cháu Hồng, con
của Mẹ Âu Cơ, Mẹ Đất, Mẹ Sông, Mẹ Núi… Mẹ Việt.
Như vậy, người con Phật không chỉ hiểu rằng Mẹ chính là Phật, mà Mẹ còn là
tinh hoa của Phật. Mười phương ba đời chư Phật đều ca ngợi hạnh hiếu là
hạnh cao cả nhất. Cho nên chúng ta tôn kính Mẹ tức là chúng ta tôn kính
Phật. Tất cả những điều này đã được thể hiện một cách hình tượng, cô đọng
trong mỗi câu tục ngữ vỏn vẹn chỉ bốn chữ: Mẹ ta, hoa Phật.
[1]
Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt
Nam,
tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.135.
[2]
Cao Huy Đỉnh (1998), Bộ ba tác phẩm nhận giải thưởng Hồ Chí Minh,
“Tìm Hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam”, Nxb Văn hóa Thông
tin, tr.41.
[3]
Dẫn theo Bùi Mạnh Nhị (2002), Văn học dân gian - những công trình
nghiên cứu, Nxb Giáo dục, tr.258
4,
5
Dẫn theo Đại lão HT. Tríquang (2005),
Kinh Báo ân, Nxb Tôn giáo, tr.112.
http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/meta_hoaphat.htm