Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÀI NÉT ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

Sử liệu đã khẳng định sự hiện hữu và việc đồng hành mật thiết của Phật giáo với dân tộc Việt Nam trải qua suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm. Chính tinh thần hòa nhập nhuần nhuyễn của Phật giáo trong đời sống của người dân Việt đã tạo thành mô hình Phật giáo Việt Nam có sắc thái độc đáo, tràn đầy sức sống.

Trí tuệ và công sức của hàng đệ tử Phật còn lưu dấu ấn son sắt trên những trang sử oai hùng với nhiều thành quả bảo vệ đất nước một cách thần kỳ. Đặc biệt, giới Phật giáo cũng góp phần đáng kể qua những tác phẩm văn thơ, làm sáng danh nền văn học Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn khá dài.

Thật vậy, trong thời kỳ nước nhà vừa độc lập, Phật giáo đã đóng vai trò khá quan trọng. Năm 973, ở Hoa Lư, Nam Việt vương Đinh Liễn là con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng đã cho dựng một trăm cột đá khắc kinh Phật. Các nhà sư đều thuộc thành phần trí thức, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội. Lực lượng sáng tác văn học lúc đó chủ yếu cũng là các nhà sư. Những tác phẩm văn học thành văn của giai đoạn này còn lại đến nay là một số bài thơ chữ Hán của các nhà sư Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, v.v…

Đến thời Lý, là giai đoạn thịnh đạt của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo đã giữ vị trí độc tôn và góp phần chính yếu cho nền văn hóa dân tộc trong suốt hơn 200 năm. Ảnh hưởng của Phật giáo thể hiện rõ nét ở mọi lĩnh vực hoạt động. Về phương diện văn học, các Tăng sĩ đều là hàng thượng tầng trí thức, có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa đương thời và đóng góp nhiều nhất về sáng tác thi ca. Văn thơ đời Lý còn được lưu giữ trong sách Thiền uyển tập anh và các văn bia... Các thiền sư luôn thể hiện là mẫu người tài giỏi và hay chữ nhất trong xã hội. Trong 50 thi sĩ đời Lý thì có đến 41 người là Tăng sĩ.

Đến thời nhà Trần, các vị minh vương đã anh dũng dẹp tan giặc  Nguyên Mông một cách vẻ vang. Mang lại sự thái bình, độc lập cho nước nhà xong, các ngài lại đưa ra những tư tưởng trong sáng của những bậc chân tu ngộ đạo, tạo thành một dòng Thiền nổi tiếng - Trúc Lâm Yên Tử.

Phật giáo Trúc Lâm thể hiện rõ nét sinh hoạt nhập thế, phục vụ tích cực cho đời sống xã hội tốt đẹp cũng như đời sống tâm linh thăng hoa tuyệt đỉnh. Với tinh thần bao dung và uyển chuyển hài hòa của văn hóa đời Trần, Phật giáo đã là chất keo gắn bó tốt đẹp giúp vua quan và dân chúng đồng tâm hợp sức trong việc chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Văn học đời Trần thật rực rỡ, thể hiện nét đẹp của tinh thần hòa đồng và sự thanh cao giải thoát của đạo Phật. Tinh thần ấy dĩ nhiên không phải là sự yếu đuối, chán đời mà trái lại, nó đã song hành với tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường và bảo vệ sắc thái của người dân Việt.

Nhận thấy rõ điều ấy, nên đầu thế kỷ XV, nhà Minh đã quyết liệt tiêu hủy nền tảng văn hóa mà Phật giáo đời Trần đã xây dựng trong suốt gần 150 năm. Họ đã tìm tòi, thu nhặt tất cả sách vở cổ kim, trong đó có nhiều sáng tác của Phật giáo, đem thiêu hủy hoặc chở về Trung Hoa.

Văn học chữ Nôm được hình thành trong thời Trần. Những tác phẩm chữ Nôm của Trúc Lâm Điều Ngự và Huyền Quang còn được lưu truyền. Như đã nói, văn học đời Trần chịu ảnh hưởng sâu đậm tinh thần cởi mở, dung hợp của Phật giáo. Vì thế, giới sĩ phu không theo Phật giáo cũng được trọng dụng. Điều này đã là tác nhân giúp cho văn học đời Trần phong phú, rực sáng, nhiều nét đẹp . Về thi ca đời Trần, chúng ta thấy rõ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiền học, diễn tả sự diễn tiến của mọi việc với tâm định tĩnh tuyệt vời, thể hiện cái thấy biết sâu xa của người thâm nhập thiền quán.

Thi phú bằng chữ Nôm có mặt rất sớm trong chốn thiền môn. Điển hình là hai tác phẩm Nôm là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trúc Lâm Điều Ngự. Và Tổ Huyền Quang cũng đã để lại bài phú Vịnh Vân Yên tự.

Ngoài văn học thời Lý - Trần hưng thịnh, phần nhiều các nhà thơ cổ điển Việt Nam đều chịu ảnh hưởng đạo Phật. Nhất là qua những tác phẩm của các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du…

Tóm lại, các vị thiền sư, các vị minh vương, cùng nhiều Phật tử hoặc những người có cảm tình với Phật giáo từ thời kỳ dựng nước cho đến thế kỷ XVIII, XIX, đã sáng tác rất nhiều tác phẩm thi ca chữ Hán, chữ Nôm chuyển tải nhiều mảng đề tài liên quan đến tư tưởng Phật giáo, hay cảnh đẹp của thiền môn, hoặc nếp sống thanh cao của người tu Phật, v.v... Tất cả đã đặt nền móng cho văn học Việt Nam cũng như làm phong phú thêm sự nghiệp văn chương của người dân Việt chúng ta. Và những tác phẩm thi ca được tiếp nối hiện hữu qua chiều dài lịch sử khá lâu, tạo thành những giá trị rất riêng của văn học Việt Nam. Đồng thời, tất cả những bài thi ca mang đậm nét Phật giáo đều toát lên giá trị triết lý sống một cách tốt đẹp cho mọi người, cho những ai muốn thăng hoa theo con đường chân thiện mỹ mà Đức Phật chỉ dạy trong đời sống thực tại này. Chúng ta tự hào rằng nhiều nét sáng đẹp của Phật giáo Việt Nam đã được ngời sáng trong văn học Việt Nam.

http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/pg&vhvietnam.htm

 


Vào mạng: 11-3-2006

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang