Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
MỐI GIAO THOA GIỮA KINH ĐIỂN, ĐIỂN TÍCH PHẬT GIÁO VỚI TRUYỆN CỔ DÂN GIAN VIỆT NAM

 

Phật giáo được xem là một tôn giáo uyển chuyển, dung nạp. Bởi Phật giáo quan niệm toàn bộ hệ thống giáo điển chỉ là phương tiện để giúp chúng sanh vượt thoát sinh tử. Tất cả những gì chân chính, thuần lương đều thích hợp với đạo Phật. Chính vì vậy, khi truyền bá đến bất kỳ đất nước nào, hầu như Phật giáo cũng đều dung hòa, ứng hợp với phong tục, tập quán và tôn giáo của đất nước đó. Một mặt, Phật giáo quy tụ những yếu tố bản địa vào trong địa hạt của mình, một mặt lan tỏa ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Điều này đã giải thích cho việc Phật giáo có một mối giao thoa rất lớn đối với văn hóa dân gian bản địa, có những đặc trưng riêng trên mỗi quốc gia và tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng dân tộc.

1. Ngay từ buổi đầu đến với người dân Việt, các vị thiền sư đã ý thức “sử dụng ngôn ngữ và những câu chuyện thần thoại của người dân Việt Nam để giảng kinh Phật”[1]; đồng thời, “với Phật giáo, nhiều truyện dân gian Ấn Độ cũng du nhập vào nước ta (…). Và trong kinh Phật đầy rẫy những truyện vốn có nguồn gốc ở văn nghệ dân gian Ấn Độ”[2]. Phật giáo đã đến Việt Nam và gây ảnh hưởng trong lòng dân gian thông qua những câu chuyện kể gần gũi và bình dị như thế. Nhưng cũng chính vì thế mà trong kinh điển, điển tích Phật giáo cũng có không ít những câu chuyện, những mẫu đề dân gian, và ngược lại, dân gian cũng sử dụng không ít yếu tố Phật giáo trong đời sống văn hóa của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực truyện kể. Têôđo Benphây - nhà ngữ học và Đông phương học người Đức, đại biểu xuất sắc của “lý thuyết vay mượn” và “lý thuyết về sự di chuyển cốt truyện” - cho rằng: “thoạt kỳ thủy truyện cổ tích được soạn ra để truyền bá học thuyết Phật giáo trong nhân dân”[3]. Đinh Gia Khánh cũng nhận xét: “Đạo Phật truyền bá giáo lý của mình trong nhân dân ít học bằng những truyện ngụ ngôn và cổ tích”[4].

Cho đến nay, một số nhà nghiên cứu đồng ý với quan điểm cho rằng đức Phật là một trong số những người kể chuyện dân gian đặc sắc vào loại bậc nhất thế giới. Rải rác trong kinh Phật là vô số những truyện ngụ ngôn, cổ tích, những ẩn dụ bất ngờ, độc đáo hình thành nên lối thuyết giáo thâm thúy mà dễ hiểu của Ngài. Những câu chuyện được kể ra ấy một phần tuy có nguồn gốc từ dân gian Ấn Độ, song phần lớn là do chính đức Phật ứng tác nên tuỳ theo tình huống thuyết giáo.

Tìm hiểu về thần thoại Ấn Độ, với truyện Trăng và thỏ, Cao Huy Đỉnh nhận thấy: “Đạo Phật dùng thần thoại này làm phật thoại và cho rằng con thỏ hy sinh kia chính là hiện thân của đức Phật. Mục đích của nhà Phật là cốt để minh họa quan niệm hy sinh xả thân và lòng từ bi bác ái quên mình vì đạo. Truyện Trăng và thỏ này theo Phật giáo sang Trung Quốc, dân tộc hóa bằng cách hỗn hợp với truyện Hậu Nghệ. Vì vậy mà hình tượng vợ Hậu Nghệ là chị với con thỏ, hằng ngày cùng con thỏ xát thuốc trường sinh cho Ngọc Hoàng”[5]. Cũng theo con đường truyền giáo đó mà: “Nhiều truyện ngụ ngôn nước ngoài đã vào ta từ đầu công nguyên với đạo Phật và phát triển ở thời Lý, Trần. Đó là những truyện Ấn Độ đã được Việt hóa thông qua việc giảng kinh của các nhà thiền học. Kinh Avadana, kinh Jataka gồm nhiều truyện dân gian, phần lớn là ngụ ngôn, phê phán khá mạnh chế độ đẳng cấp của tôn giáo Bà la môn. Đạo Phật sử dụng loại truyện này của nhân dân Ấn Độ để minh họa giáo lý”[6].

Có thể nhận thấy Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc giúp cho các truyện dân gian “di chuyển” đến các vùng đất lạ theo con đường truyền giáo của mình. Benphây nhận thấy rằng: “Cùng với Phật giáo, từ thế kỷ I đầu Công nguyên, nó (truyện cổ tích - Đ.V.Đ) liên tục thâm nhập vào Trung Quốc, Tây Tạng. Vượt biên giới Tây Tạng, truyện cổ Ấn Độ lan sang Mông Cổ, từ đó truyền sang Nga; rồi qua Nga truyền sang Litva, Xécbi, Tiệp Khắc…”[7]. Những câu chuyện cổ của Ấn Độ và của riêng Phật giáo cũng truyền vào Việt Nam từ hai con đường: đường bộ đi qua miền Trung Á (Mông Cổ, Tây Tạng, Trung Hoa) rồi từ Trung Hoa qua Cao Ly và Nhật Bản; đường thủy qua ngả Sri-lanka, Java thuộc Indonésia và Trung Hoa. Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập vào đời sống của người dân Việt và một mặt tiếp thu nguồn văn hóa bản địa, một mặt truyền bá giáo lý của mình bằng những con đường giản dị nhất: thông qua những câu chuyện kể…

Vì vậy, trong kho tàng truyện kể dân gian Việt Nam cho đến nay vẫn có không ít những cốt truyện hay những môtip truyện cùng lúc có mặt trong kinh điển, điển tích Phật giáo và trong những truyện kể dân gian. Ở đây, chúng tôi tạm gọi sự “cùng có mặt” này là mối giao thoa giữa Phật giáo và văn học dân gian Việt Nam. Chúng tôi không có ý đi sâu phân tích - và cũng rất khó có thể phân tích một cách tường tận, thuyết phục - nhằm chỉ ra đâu là mẫu đề gốc và bên nào tiếp thu những mẫu đề gốc ấy. Mục đích của những phân tích, dẫn giải dưới đây là nhằm nêu ra và minh chứng cho mối giao thoa văn hóa một cách cụ thể giữa Phật giáo và dân tộc.

2. Khi nghiên cứu về Phật giáo, Trần Quốc Vượng nhận xét: “Thiền Phật vốn phóng khoáng, cởi mở, tự do, dung nạp mọi tín ngưỡng, cổ tích dân gian (như Kinh Bách Dụ), dung nạp cả tín ngưỡng thờ mẹ (mẫu) của dân gian nước Việt, nào chùa Man Nương (Mãn Xá), nào chùa Bà Dâu, Bà Đậu (Hà Bắc, Hà Tây), Bà Nành, Bà Ngô (Hà Nội), đã biến đổi từ Đức Bồ tát Quán Âm (Avalokitesvara) của Ấn Độ (theo truyền thống của Ấn Độ là đàn ông) thành Phật Bà Quán Âm, thành Bà Chúa Ba của chùa Hương Tích “Nam thiên đệ nhất động”, thành Bà Quán Âm Thị Kính của Phật giáo dân gian Việt Nam v.v…”[8]. Theo đó, Trần Quốc Vượng đã chỉ ra rằng Phật giáo thâm nhập vào văn hóa dân tộc trước hết và phần lớn là theo con đường dân gian.

Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, có truyện Xẩm sờ voi, Mèo lại hoàn Mèo,… nguyên là những câu chuyện ngụ ngôn của Ấn Độ, được Phật giáo sử dụng trong việc thuyết giáo; đến khi truyện này theo Phật giáo vào Việt Nam, nó đã được trả về với đời sống dân gian, hầu như không còn thấy vết tích của Phật giáo. Điều này đã được các tác giả của công trình nghiên cứu Văn học dân gian Việt Nam nhận định: “Nhiều phật thoại đã tách khỏi kinh Phật, hoặc lời thuyết giáo của sư sãi để trở thành truyện ngụ ngôn hoặc truyện cổ tích của nhân dân ta. Đó là những truyện ngụ ngôn như Xẩm sờ voi, Mèo lại hoàn mèo, hoặc truyện cổ tích như Cây nêu ngày tết…”[9]. Một trường hợp khác, đó là hình tượng rắn hóa thành vàng (hay ngược lại vàng hóa ra rắn khi lọt vào tay kẻ không có số được hưởng) lưu hành ở một số dân tộc trong một số môtip giới hạn, chẳng hạn gần gũi với ta ở vùng Đông nam Á thì có các bản của người Kinh, Mường, Tày, Miến-điện (Myanmar)…, “Hóa ra chúng đều tiếp thu từ một “bản gốc”: bản trong Tạp bảo tạng kinh, vốn được dịch ra chữ Hán từ năm 472. Có nghĩa là về mặt thời gian, “bản gốc” được nhập tịch theo lối truyền miệng vào các dân tộc nói trên, có thể còn sớm hơn nữa, mà cội nguồn phát sinh phải là nơi ra đời của đạo Phật”[10]. Có thể nhận thấy truyện Bính và Đinh (truyện số … trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, Nxb Giáo Dục 2003; sau dây chúng tôi sẽ viết tắt: KTTCTVN) của ta đã tiếp thu trực tiếp hình tượng trên. Nguyễn Đổng Chi cho rằng truyện này bắt nguồn từ Tạp Bảo tạng kinh, truyện nhằm minh họa cho chủ đề nhân quả báo ứng - thói tham lam, nham hiểm bao giờ cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả bi thảm.

Cũng theo Nguyễn Đổng Chi, truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán xuất phát từ Lục độ tập kinh - một trong những bản kinh đầu tiên của Việt Nam, hình thành khoảng từ trước đến sau thời Hai Bà Trưng và “có khả năng là được tập thành khi nhà nước độc lập do anh hùng Khu Liên thành lập vào khoảng những năm 138 trở đi”, do Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán vào khoảng những năm 220 – 250[11]. Giống như một số truyện khác, truyện này có nguồn gốc từ kho tàng truyện cổ dân gian Ấn Độ trước khi đi vào kinh Phật. Còn truyện Hai con cò và con rùa là câu chuyện thí dụ về tai hại của “khẩu nghiệp” vốn có nguồn gốc từ Kinh Tam tạng với đầu đề là Hai con ngỗng và con rùa. Truyện Chàng đốn củi và con tinh thì có nguồn gốc từ Đại tạng kinh. Truyện Của trời trời lại lấy đi, giương đôi mắt ếch làm chi được trời có nguồn gốc từ một phật thoại Việt Nam - Sự tích 18 ông Phật La hán (Rất có thể Sự tích 18 ông Phật La hán cũng có nguồn gốc từ Cựu tạp thí dụ kinhLục độ tập kinh mà chúng tôi sẽ dẫn ra trong đoạn sau). Truyện Sự tích cá he khá giống với một câu chuyện trong Kinh Tam Tạng v.v…

So sánh, đối chiếu 200 truyện cổ tích trong Kho tàng truyện của tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, Lê Mạnh Thát nhận thấy có 4 truyện có thể truy một phần hay toàn bộ cốt truyện vốn có mặt trong Cựu tạp thí dụ kinh; đó là các truyện số 1, 15, 61, 143 - tức các truyện: Sự tích dưa hấu; Sự tích con dã tràng, Của trời trời lại lấy đi, giương đôi mắt ếch làm chi được trời; Hai con cò và con rùa. Trong đó truyện Sự tích dưa hấu xuất hiện trong truyện số 7 của Cựu tạp thí dụ kinh với một số cải biên tình tiết; truyện Sự tích con dã tràng lại có nhiều nét tương đồng với truyện số 21; truyện Của trời trời lại lấy đi, giương đôi mắt ếch làm chi được trời mở rộng cốt truyện số 24; truyện Hai con cò và con rùa có cốt lõi thống nhất với truyện số 39. Đặc biệt, truyện số 15, 62 và 143 của Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, qua đối chiếu, Lê Mạnh Thát nhận thấy có sự tương đương với văn học bản sinh Pāli. “Do thế, chúng có khả năng rất lớn là đã đạo xuất từ Cựu tạp thí dụ kinh. Đặc biệt là truyện 60 và 142[12], dù mở rộng và cải biên tới đâu, vẫn có cốt truyện hoàn toàn thống nhất với truyện 24 và 39 của Cựu tạp thí dụ kinh và với các truyện Vedabhhajātaka Kacchapajātaka của văn học bản sinh Pāli. Vì vậy chúng cùng với các truyện 25 và 49 của Lục độ tập kinh có thể nói là các tác phẩm văn học truyện kể xưa nhất hiện biết của lịch sử văn học dân tộc ta. Thời điểm lưu hành của chúng từ đó không thể chậm hơn năm 299 sdl, nếu không là sớm hơn vào thế kỷ thứ II, thậm chí thứ nhất sdl”[13].

Qua tìm hiểu một số kinh sách Phật giáo, chúng còn tôi phát hiện truyện Gái ngoan dạy chồng có nhiều chi tiết giống với một thí dụ trong phẩm Tín giải, kinh Pháp Hoa - bộ kinh nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa, có mặt ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Chuyện kể về đứa con lạc cha đến 50 năm, tha phương cầu thực, nghèo khó và tâm tánh trở nên hạ liệt. Trong lúc đi cầu xin của bố thí, đứa con đến nhà cha mình mà không biết, thấy nhà cha sang trọng quá thì đâm sợ hãi. Cha biết con nhưng không vội nhận, tìm cách cho con làm thuê và trả công xứng đáng, dần dần cất nhắc con lên và cuối cùng, khi thấy con bỏ hết tâm tánh hạ liệt, bèn tuyên bố với mọi người đây là con mình và giao hết tài sản cho con. Còn truyện Gái ngoan dạy chồng thì kể về một người vợ hiền thục chăm lo cho nhà chồng, nhưng gặp phải anh chồng không lo làm ăn, chỉ ham chơi bời lêu lổng. Đến khi cha chồng mất đi, hắn bèn đuổi vợ ra khỏi nhà để khỏi bị ai ngăn cản việc chơi bời trác táng. Chẳng mấy chốc của cải, nhà cửa đội nón ra đi theo việc chơi bời, hắn nghèo túng phải bỏ xứ lang thang đầu đường xó chợ, ngửa tay xin ăn. Nói về người vợ, sau khi chồng đuổi đi, nàng đến xứ khác, thay tên đổi họ, làm ăn ngày một khấm khá. Chị biết chồng nghèo hèn, bèn nghĩ ra việc bố thí để dụ chàng ta đến. Quả nhiên anh chồng nghe tin có người bố thí liền đến xin ăn. Vợ trông thấy, biết ngay chồng mình, nhưng không vội nhận, còn chồng không nhận ra vợ bởi nàng đã trở nên sang trọng khác thường. Chị tìm cách khiến anh trở thành người làm, trả công xứng đáng và từ từ cất nhắc anh lên. Đến lúc nhận thấy chồng sửa đổi tính tình, biết chăm lo làm ăn và nghĩ đến vợ, nàng mới tuyên bố với mọi người rằng đây chính là chồng mình…

Khác với Gái ngoan dạy chồng nội dung truyện không trực tiếp minh họa giáo lý, truyện Sự tích sông Nhà Bè hay truyện Thủ Huồn vẫn giữ được tư tưởng Phật giáo và mục đích giáo huấn của nhà Phật, khuyên người ta ăn hiền ở lành, biết tin nhân quả và dốc lòng tu tập. Từ nội dung và cốt truyện, có thể khẳng định rằng truyện này có nguồn gốc từ trong Kinh Đại Bảo Tích (Pháp hội thứ mười bốn: Phật thuyết nhập thai tạng). Chuyện trong kinh kể về ngài Nanda, người em cùng cha khác mẹ của Phật. Nanda vừa cưới vợ không bao lâu thì gặp dịp đức Phật trở về thành Ca tỳ la vệ, bị ngài dẫn dụ xuất gia. Dù vậy, lòng trần chưa dứt, Nanda luôn nhớ vợ và những người đẹp trong cung nên nhiều lần tìm cách trốn về. Để cảnh tỉnh Nanda, Phật bèn dẫn chàng lên cung trời Đao Lợi cho xem cung điện và mỹ nữ ở cõi trời. Nanda mê mẩm, hỏi xem ai làm chủ chốn này, mới hay nơi này dành sẵn cho chàng nếu chàng chăm lo tu tập. Lần khác, Phật dắt Nanda xuống địa ngục, nơi tra tấn, hành hình những tội nhân. Đến một dãy chảo dầu sôi, trong đó có những tội nhân đang lặn hụp, kêu gào, Nanda lấy làm lạ khi có một chảo dầu to lớn lạ thường đang được một con quỷ đun sôi sùng sục nhưng không thấy có người ở trong. Chàng liền mon men lại gần dò hỏi thì được quỷ đáp: Chảo này đang đợi một người tên là Nanda, hiện đang tu với đức Phật. Nếu người đó không chăm lo tu hành, khi chết sẽ bị đun sôi trong chảo dầu này. Nanda nghe nói rùng rợn, từ đó trở đi chàng tinh tấn thực tâm tu tập.

Truyện Thủ Huồn có kết cấu đơn giản hơn, thay vì một lần lên trời, một lần xuống địa ngục, thì ở đây, Thủ Huồn đến hai lần xuống địa ngục; chảo dầu sôi thì được thay thế bằng chiếc gông to. Do ở trần gian làm ác, xuống địa ngục lần đầu, Thủ Huồn thấy cái gông to lớn khủng khiếp, hỏi ra mới hay cái gông đang chờ để dành cho mình, sợ quá, bèn trở về dốc lòng làm việc thiện. Lần sau trở xuống, Thủ Huồn thấy cái gông bé hẳn đi, vì thế Huồn lại chăm làm việc thiện hơn trước, sau nhờ phước đức ấy mà thác sinh được làm vua Trung Quốc…

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy truyện Sự tích cây huyết dụ cũng có những tình tiết, môtip rất gần với kinh điển nhà Phật. Truyện kể về một bác đồ tể nhà ở cạnh chùa. Mỗi khuya, bác đồ tể nghe tiếng chuông chùa thì thức dậy mổ lợn. Một hôm, sư trụ trì ngôi chùa nọ nằm mộng thấy có một bà mẹ dắt năm đứa con đến van xin Hòa thượng cứu mạng bằng cách ngưng đánh chuông khuya một bữa. Hòa thượng theo lời báo mộng, khuya đó chỉ ngồi lâm râm niệm Phật, không gọi chú tiểu dậy. Bác đồ tể không nghe chuông nên ngủ một giấc ngon lành đến sáng. Tỉnh giấc, thấy đã trễ, bác giận quá, chạy qua chùa quở trách sư trụ trì. Hòa thượng bèn đem câu chuyện về giấc mơ kể lại cho bác đồ tể nghe. Bác ta về nhà, nhìn vào chuồng lợn thì thấy lợn mẹ mà bác định giết đã sinh được năm con. Bác ta vô cùng ăn năn hối hận, cầm con dao mổ chạy qua cắm trước chùa, thề từ rày về sau sẽ bỏ nghề mổ lợn, quyết tu nhân tích đức để tránh quả báo về sau…

Truyện trên vốn có nhiều dị bản; đặc biệt những câu chuyện loài vật báo mộng xin cứu mạng lưu truyền khá rộng rãi trong giới Tăng Ni, Phật tử. Kiểu truyện này cốt yếu đề cao vấn đề “quy thiện” theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa - một người dù xấu xa, độc ác, gây nghiệp nhân nặng nề đến đâu, đến khi quay đầu họ cũng có thể trở lại bờ và tu thành chánh quả. Trong kinh Đại bát niết bàn cũng có kể câu chuyện về một đồ tể vì giác ngộ Phật pháp đã buông dao quyết chí tu hành, sau được làm con vua trời Tỳ sa môn. Quyển thứ 17, phẩm Phạm hạnh của bộ kinh nổi tiếng này ghi rằng: “Thành Ba la nại có người đồ tể tên là Quảng Ngạch, ngày ngày giết vô lượng dê, gặp ngài Xá Lợi Phất liền thọ tám giới, trải qua một ngày đêm. Do nhân duyên này nên khi mạng chung được làm con vua trời Tỳ sa môn ở phương Bắc. Đệ tử của đức Như lai còn có đại công đức như vậy, huống lại là đức Phật vậy”. Hình ảnh này vốn đã được thể hiện qua câu thành ngữ quen thuộc không chỉ đối với giới học Phật mà cả trong dân gian: “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”, được Tuệ Trung Thượng Sĩ thể hiện qua câu thơ: “Đồ Tể Quảng Ngạch thành nguyện vương, Tỳ kheo Khánh Hỷ công đức thánh” (Phàm thánh không hai). Có lẽ Sự tích cây huyết dụ ít nhiều đã ảnh hưởng phật thoại này và đã được dân gian kể lại như trên.

3.3. Hiện tượng một cốt truyện hay một môtip cùng có mặt trong nhiều truyện kể dân gian các nước không phải là một hiện tượng lạ. Điều này được cắt nghĩa bằng sự vay mượn, sự di chuyển cốt truyện… và đặc biệt là sự tương đồng trong tư duy của các dân tộc. Trong khi đó, Ấn Độ được xem là một trong những “cái nôi” của truyện cổ, và đạo Phật nảy sinh từ trong “cái nôi” ấy nên trong kinh điển Phật giáo có nhiều yếu tố truyện kể dân gian là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trong một bộ sách Phật được xem là ra đời tại Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ II, lại có mặt một môtip quen thuộc trong huyền thoại lập quốc của dân tộc ta là một điều thú vị và rất đáng chú ý, đó là bộ Lục độ tập kinh. Theo nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát, “Lục độ tập kinh là văn bản đầu tiên và xưa nhất, ngoài bài Việt ca, tập thành những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước, mất nước v.v… làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam. Lục độ tập kinh được Khương Tăng Hội dịch vào thời Tam Quốc, từ một nguyên bản Lục độ tập kinh tiếng Việt, gồm có cả thảy 91 truyện”[14]. Lê Mạnh Thát cho rằng: “khi nghiên cứu về truyền thuyết Trăm trứng trong truyện họ Hồng Bàng, ta thấy truyền thuyết này đã xuất hiện trong Lục độ tập kinh 3 ĐTK152 tờ 14a26-c8 truyện 23”[15].

Truyện thứ 23 trong Lục độ tập kinh, có đoạn: “… Mang thai đủ ngày, sinh ra một trăm cái trứng, (…). Lũ tà lấy hũ đựng trứng, bịt kín miệng lại, đem quăng xuống dòng sông. Trời Đế Thích xuống lấy ấn đóng miệng lại, chư thiên theo giữ, xuôi dòng dừng lại như trụ cắm đất. Vua nước hạ lưu đang ở trên đài, xa thấy giữa dòng có hũ trôi xuống, ánh sáng rực rỡ, như có oai trời. Bèn vớt lên xem, thấy dấu ấn Đế Thích, mở có trăm trứng, ra lệnh trăm người đàn bà ấp nuôi ấm nóng. Đủ ngày thành hình, nở ra trăm người con trai, sinh ra đã có trí thượng thánh, không dạy mà vẫn tự biết, nhan sắc hơn đời, tướng tốt hiếm có, tài cán thế lực hơn người trăm lần, tiếng nói vang như sư tử rống”.

Truyện Họ Hồng Bàng của ta kể rằng: Âu Cơ vốn người Phương Bắc, một hôm theo cha là Đế Lai đi tuần xuống phía Nam. Nhân đây Âu Cơ gặp Lạc Long Quân, hai người lấy nhau. “Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất tường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là triệu phi thường”. Trăm người con trai ấy chính là tổ tiên của người Bách Việt[16].

Những môtip trứng nở ra người (hay quả trứng thần kỳ); người đẻ ra bọc, từ bọc sinh ra con; người mẹ sinh một lúc nhiều con trai… không phải là môtip xa lạ trong kho tàng truyện kể dân gian của các dân tộc. Môtip người sinh ra một bọc trứng, bọc trứng nở ra nhiều con trai cũng được chúng tôi tìm thấy trong một phật thoại Ấn Độ. Bối cảnh câu chuyện diễn ra vào thời kỳ đức Phật còn tại thế, khi ngài an trú tại vườn Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ Đà. Bấy giờ có một vị quan đại thần của vua nước Ba Tư Nặc đang tìm một nàng dâu giỏi để làm vợ người con trai út. Nàng dâu tên Tỳ Xá Ly, sau khi lấy người con trai út thì “sanh ra một bọc 32 cái trứng, nở ra 32 người con trai, người nào cũng thông minh anh dũng, văn võ toàn tài, sức một người địch nổi muôn người, cha mẹ rất yêu mến, mọi người đều kính sợ”[17]

Những môtip khảo sát trên cho thấy người sinh ra một bọc trứng, bọc trứng nở ra nhiều con trai là những môtip khá quên thuộc, phản ánh một cách nghĩ rất xưa về nguồn gốc con người của các dân tộc bên cạnh môtip quả bầu mẹ. Tuy thế, giữa Lục độ tập kinh và huyền thoại lập quốc của ta xem ra vẫn có sự gần gũi hơn so với môtip cùng loại của các dân tộc khác và đây cũng là một điểm đặc biệt. Lê Mạnh Thát cho rằng: “Giả như Lục độ tập kinh nói tới chuyện con người sinh ra từ trứng một cách tổng quát, thì việc đó cũng không có gì đặc sắc cho lắm. Điểm đặc sắc của câu chuyện do Lục độ tập kinh ghi lại và vì thế nằm ở chỗ, nó liên kết việc sinh ra một trăm người con từ một trăm cái trứng và việc một trăm cái trứng sinh ra từ cùng một bào thai”[18]. “Nói là đặc biệt nhất, bởi vì nếu tách rời ra, chuyện một trăm người con không phải là không được biết đến trong lịch sử văn học Phật giáo và Ấn Độ, và chuyện con người sinh ra từ trứng không phải là đã không được biết đến trong lịch sử văn hóa Trung Quốc và thế giới”[19]. Việc trăm trứng sinh nên trăm người con trai thể hiện rất rõ mối giao thoa giữa Phật giáo với truyện kể của người Việt. Mối giao thoa đó cũng rất tiêu biểu cho sự giao hòa giữa Phật giáo với dân gian.

Mặc dầu Lục độ tập kinh có thể ra đời trễ hơn nhiều so với truyện Họ Hồng Bàng, song chúng ta vẫn chưa có cơ sở xác định truyện 23 trong Lục độ tập kinh ảnh hưởng huyền thoại lập quốc của Việt Nam hay ảnh hưởng trực tiếp từ Ấn Độ. Bởi môtip sinh nhiều người con trai một lúc đã có mặt trong kinh điển Phật giáo, cụ thể là trong tập Bách thoại (Soạn tập bách duyên kinh - Đại tạng kinh 200, tờ 237a20-b9), được bảo tồn trong nguyên bản Phạn văn cũng như Hán văn và Tạng ngữ. Bản tiếng Việt được Lê Mạnh Thát dịch, có đoạn: “Phật ở tại nước Ca tỳ la vệ dưới cây ni câu đà. Lúc bấy giờ trong thành ấy có một trưởng giả (…). Vợ ông có thai, đủ đầy mười tháng, sinh một bọc thịt. Lúc trưởng giả kia, thấy việc như vậy, lòng bèn buồn bã, cho là không lành. Bèn đến chỗ Phật, lạy trước chân Phật, (…). Phật bảo trưởng giả: “Ngươi chẳng ngờ lạ, chỉ khéo nấng nuôi, bảy ngày đủ xong, ngươi sẽ tự thấy”. (…) Khi bảy ngày qua, bọc thịt nở ra, có trăm con trai. Chúng rất đoan chính, đời ít khi có…”[20].

Điểm giống nhau ở đây là từ trong một bọc nở ra trăm con trai khôi ngô tuấn tú; điểm khác là huyền thoại của ta trăm con trai nở ra từ bọc trứng, còn trong phật thoại Ấn Độ lại nở ra từ một bọc thịt. Đây cũng là một gợi ý rất đáng chú ý và cần quan tâm nghiên cứu.

Như vậy, từ mối giao thoa giữa kinh điển, điển tích Phật giáo với truyện cổ dân gian Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy rõ hơn mức độ thâm nhập của Phật giáo vào đời sống dân gian; ngược lại, Phật giáo cũng đã tiếp thu rất nhiều từ nền văn hóa bản địa để làm phong phú thêm cho văn hóa của mình. Điều này đã tạo cho Phật giáo Việt Nam có một nét rất riêng, rất đặc thù; Phật giáo trở thành tôn giáo của người Việt, cùng dân tộc trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc. Quan mối giao thoa này, chúng ta cũng có thể thấy từ rất xa xưa, dân Việt đã biết đến kinh Phật, biết thực hành đạo Phật; những câu chuyện từ kinh điển Phật giáo vì vậy đã ăn sâu vào lòng người, được dân gian tái tạo lại qua nhiều hình thức, tiêu biểu nhất là hình thức truyện kể, mà trong đó, những dấu ấn Phật giáo vẫn còn rất đậm, nhiều khi chúng rõ ràng đến mức chúng ta có thể chỉ ra chúng ảnh hưởng trực tiếp từ bộ kinh nào.

 


 

[1] Thích Trí Quảng (2003), “Tinh thần đạo Phật trong dân gian Việt Nam”, Nguyệt san Giác ngộ (3), tr.2.

[2] Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2003), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.128.

[3] Chu Xuân Diên (2001), Văn hóa dân gian - mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, Nxb Giáo dục, tr.251.

[4] Đinh Gia Khánh (1968), Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.58.

[5] Cao Huy Đỉnh (1998), “Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ”, Bộ ba tác phẩm nhận giải thưởng Hồ Chi Minh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.684-685.

[6] Cao Huy Đỉnh (1998), “Tìm hiểu tiến trình văn hóa dân gian Việt Nam”, Bộ ba tác phẩm nhận giải thưởng Hồ Chi Minh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.70.

[7] Chu Xuân Diên (2001), Văn hóa dân gian - mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, Nxb Giáo dục, tr.251.

[8] Trần Quốc Vượng (2003), “Vài nét về Phật giáo dân gian Việt Nam”, Nguyệt san Giác ngộ (3), tr.25.

[9] Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2003), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.128.

[10] Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 1- 5), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.1678.

[11] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.17&96.

[12] Lê Mạnh Thát dẫn theo bản in năm 1957 của bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Trong các bản in sau này, do có một số điều chỉnh, truyện số 60, 142 sẽ là các truyện 61 và 143.

[13] Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 2, Nxb TP.HCM, tr.65-70; Lịch sử… tr.113-116.

[14] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử…, tr.45.

[15] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử…, tr.16.

[16] Vũ Quỳnh, Kiều Phú (Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San dịch) (1960), Lĩnh Nam chích quái, Viện Văn học, Nxb Văn hóa, tr.22.

[17] Minh Chiếu (1999), Truyện cổ Phật giáo, tập 2, Nxb TP.HCM, tr.374.

[18] Lê Mạnh Thát (1972), Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, Tu thư đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr.33.

[19] Lê Mạnh Thát, Lục độ tập…, tr.24.

[20] Lê Mạnh Thát, Lục độ tập…, tr.34-52.

http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/phatgiao&truyenco.htm

 


Vào mạng: 1-4-2006

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang