Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NHỮNG NÀNG “TÂY THI”
TRONG NỀN “VĂN HÓA TRẦU CAU” CỦA ĐÀI LOAN
   NGS Thạc sĩ Đông Nam Á học.

 

VĂN HÓA TRẦU CAU

Đài Loan là một trong những đảo thuộc khu vực hải đảo vùng Thái Bình Dương, cư dân trên đảo hiện nay gồm : thổ dân chính của đảo (là cư dân hải đảo Nam Thái Bình Dương gồm chín dân tộc); người Phúc Kiến (chiếm đa phần, di dân đến Đài Loan vào thời Minh-Thanh, còn gọi là người bổn tỉnh); người Khách gia (cư dân Trung Nguyên di dân về vùng Hoa Nam-Trung Quốc); và người từ các tỉnh khác ở Trung Quốc (đa phần là lính, quan chức của Quốc Dân Đảng cùng gia đình của họ di dân sang Đài Loan sau nội chiến “Quốc Cộng” năm 1949 ở Trung Quốc, được gọi là người ngoài tỉnh). Các thành phần cư dân này tạo nên dân số hơn 23 triệu người của Đài Loan hiện nay. Trong đời sống của người Đài Loan, một tập tục của cư dân vùng hải đảo đã trở thành tập tục phổ biến, thậm chí trở thành “văn hóa” đặc sắc của Đài Loan đó chính là tập tục ăn trầu hay còn được gọi theo danh từ hiện đại là “văn hóa trầu cau” của Đài Loan.

Đài Loan là vùng lãnh thổ mà diện tích, sản lượng và số người ăn trầu cau nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Đài Loan trong thời kỳ bị Nhật Bản đô hộ (Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản 50 năm đến sau thế chiến thứ hai mới được trả lại cho Trung Quốc) vào thời kỳ đó trên đảo Đài Loan xuất hiện một trận dịch vàng da rất nghiêm trọng và các giới chức y tế Nhật Bản phát hiện ra rằng một số lớn thổ dân trên đảo có thói quen ăn trầu cau đã không bị nạn dịch này chi phối, nên quan chức đô hộ Nhật Bản đã có nhiều chính sách khuyến khích người Đài Loan (kể cả cư dân không là thổ dân) trồng và ăn trầu cau. Đây là một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng người Đài Loan ăn trầu cau rất nhiều. Mặt khác trong những thập niên 50, 60 và 70 chính phủ khuyến khích khai khẩn đất nông nghiệp và giống cây dễ trồng mang lại nguồn lợi lớn cho người nông dân chính là cây cau đã được Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Đài Loan khuyến khích người dân trồng trọt ở vùng đồi núi và đất mới khai phá.

Sau khi việc ăn trầu đã được phổ biến rộng ở Đài Loan, các người mua bán trầu cau đã tìm cách trộn vào trong vôi ăn trầu một vài vị thuốc gần như á phiện làm cho người ăn càng ăn càng ghiền và không thể bỏ được. Hiện nay theo thống kê ở Đài Loan mỗi ngày người ăn trầu phải chi phí ít nhất là năm trăm Đài tệ (khoảng hai trăm nghìn đồng Việt Nam) cho việc mua trầu cau.

“Văn hóa trầu cau” đã trở thành tập tục sâu đậm đến mức không thể hủy bỏ được trong xã hội Đài Loan hiện nay.

 

NHỮNG NÀNG “TÂY THI” MUA BÁN TRẦU CAU

 Một điều đặc biệt là tại Đài Loan những người ăn trầu đa phần là thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, những người lao động chân tay và làm những công việc nặng nhọc khác, khi lao động như vậy nếu nhai trầu thì họ cảm thấy ấm người và được kích thích bởi những chất gây nghiện được trộn bỏ trong vôi ăn trầu. Vì vậy những người ăn trầu tại Đài Loan hầu hết là nam giới (kể cả nam thanh niên).

Vì nam giới là người ăn trầu và thuộc tầng lớp thấp trong xã hội Đài Loan nên họ có những nhu cầu phụ thuộc trong việc ăn trầu cũng rất đặc biệt. Đó chính là việc được ngắm nhìn những người bán cau trầu khi họ đến mua trầu cau. Ở Đài Loan từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam và từ Đông sang Tây những quán bán trầu cau bên vệ đường quốc lộ vào đến tận trung tâm thành phố mọc lên như nấm với đủ mọi hình thức trang hoàng đèn nhấp nháy, sáng rực để thu hút khách hàng đến mua. Mà một trong những hình thức thu hút khách hàng có kết quả nhất đó là việc chọn các cô gái trẻ làm tiếp viên bán cau trầu thường được gọi là những nàng “Tây Thi” mua bán cau trầu.

Những nàng “Tây Thi” mua bán trầu cau ở Đài Loan là những cô gái trẻ được chọn lựa theo tiêu chuẩn vóc dáng xinh xắn, họ có thể là những cô gái Đài Loan, cũng có thể là những nàng dâu được gả đến Đài Loan từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Indonêxia, Campuchia, Miến Điện, … Những cô gái này theo yêu cầu của chủ (hay của chồng và gia đình chồng) thường được trang điểm lộng lẫy, ăn bận hở hang và khêu gợi, thậm chí chỉ một mảnh vải trên thân để khêu gợi và thu hút những chàng trai miệng nhai trầu “đỏ hỏn” mà tâm thì tìm sự khoái lạc “đen đui”. Các chàng trai ăn trầu sẽ dừng lại mua trầu cau ở những tiệm nào mà tiếp viên trẻ đẹp và ăn bận thật hở hang để họ được “rửa mắt” và thỏa mản phần nào nhu cầu “dục tính” của họ. Tầng lớp ăn trầu này đôi lúc còn lợi dụng khi mua trầu cau, lúc trả và thối tiền họ sẽ “kiểm tra” thân thể các nàng “Tây Thi” và các nàng “Tây Thi” đôi khi cũng phải chiều lòng “các Thượng đế” này.

Có thể nói các quán trầu cau đã dùng “muôn hình vạn trạng”, các thủ thuật để câu khách và các nàng “Tây Thi” cũng phải biểu diễn tất cả những vũ điệu khêu gợi của mình để câu những chàng trai “mồm đỏ mắt đen” thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội Đài Loan.

Người ăn trầu, quán bán trầu cau và những nàng “Tây Thi” mua bán cau trầu từ lâu đã trở thành những yếu tố cấu thành nên nền “văn hóa trầu cau” mang đầy nét riêng của Đài Loan. “Văn hóa trầu cau” đã có những tác động và ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân trên hòn đảo Đài Loan. Người nông dân không ngừng khai phá những triền núi để trồng cau đã dẫn đến tình trạng đất trùi, núi lỡ sau những trận mưa làm hư đường, sập nhà, … Nhưng mặt khác do trồng cau mà những người nông dân đã trở nên giàu có (tại Đài Loan các gia đình có vườn cau đều thuộc thành phần có tiền của ở nông thôn nhờ nguồn thu nhập này). Tại thành thị một số lớn sống nhờ vào việc mở tiệm bán trầu cau. Nhưng ngược lại ở Đài Loan tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư miệng vì ăn trầu cau là tỉ lệ tử vong cao nhất. Ngành bảo hiểm y tế hàng năm phải chi tốn rất nhiều ngân sách cho việc chữa trị căn bệnh này. Ở những thành phố lớn tệ nạn phun nhổ nước trầu và bả trầu làm mất vẻ mỹ quan đã đến mức phải báo động. Các nàng “Tây Thi” đã dùng mọi hình thức để khêu gợi khách hàng làm cho một số người lên tiếng phản đối hình thức mua bán này và một số chính quyền địa phương đã có dự định cấm mua bán và ăn trầu cau tại những địa phương đó, nhưng đều gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ những người ăn trầu, trồng và mua bán trầu cau. Cho đến hôm nay những dự luật này đều còn trong vòng dự án và nền “văn hóa trầu cau” vẫn sẽ còn tồn tại, ảnh hưởng và phát triển trong xã hội Đài Loan một thời gian dài ngắn nữa chưa ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác được

http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/taythi.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang