- Ngày
thọ Ðại Giới
- Thích-Hạnh-Thức
Nam Mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát... Tôi quỳ
trước tôn tượng các đấng Hộ Pháp, niệm danh hiệu, đảnh lễ các
ngài rồi lâm râm khấn vái. Tôi nguyện tinh tấn trên đường đạo. Xin hãy
chứng minh cho lòng tôi, phò hộ cho tôi, cho tôi được gặp Thiện Tri Thức,
được giữ giới thanh tịnh... Từ ngày xuất gia, tôi vẫn thường quỳ
trước mặt các đấng Tôn Túc phát nguyện như vậy. Ðặc biệt lần nầy
tôi quỳ thật lâu. Hình như đã vô lượng kiếp vừa trôi qua...
Buổi
họp chúng khi chiều, Sư Phụ đã quyết định ai sẽ được thọ giới kỳ
nầy: Hạnh Giới được thọ Tỳ Kheo, các cô Hạnh Thông, Hạnh Bình, Hạnh
Ngộ được thọ Thức Xoa Ma Na để chuẩn bị sau 2 năm thọ Tỳ Kheo Ni.
Ðó là những huynh đệ cùng thọ giới (Sa Di) một lượt với tôi. Tôi
không có tên. Việc đó hầu như là chuyện đương nhiên. Hãy còn quá sớm
cho tôi để được thọ đại giới. Tôi còn phải học rất nhiều nữa; mặc
dù chúng Viên Giác được đào tạo hết sức "chính quy" (lời Sư
Phụ thường hay nói), mỗi ngày đều có giờ học từ 14,30 giờ tới 16 giờ.
Thầy Giáo thọ đi thăm các chùa trên thế giới từ Mỹ qua tới Úc về,
đã phát biểu: Thầy thấy bây giờ các chùa Việt Nam hải ngoại chỉ còn
chùa Viên Giác và tu viện Kim Sơn bên Mỹ là còn đánh trống khi tán tụng
trong giờ công phu! Các cô chú ở các chùa khác qua thăm, thấy chúng tôi học
như vậy đều trầm trồ khen ngợi và ước mong sao mỗi năm được về đây
một hai tháng để cùng tu học. Sư Phụ thường bảo tôi thuộc diện
"bán thế xuất gia", còn rất nhiều "ô nhiễm", phải cần
nhiều thời gian để gột rửa. Trong thiền môn, quyết định của Sư Phụ
đối với một đệ tử lúc nào cũng chính xác, vì Sư Phụ luôn luôn ở gần
bên cạnh đệ tử, theo dõi diễn biến tâm linh để biết được người
đệ tử đó như thế nào, đang đứng ở đâu. Ðối với tôi, việc thọ
giới trước hay sau không thành vấn đề. Ðiều cốt yếu là mình có tu tập
đàng hoàng hay không. Nhưng sau đó, thầy Ðồng Văn khuyên tôi nên phát
tâm cầu giới. Thầy bảo: "Thọ giới để mà tu. Tại sao chú không chịu
xin Sư Phụ?". Tôi mới biết rằng mình cần nên phát tâm để có cơ hội
tiến tu. Càng nhiều giới pháp bao nhiêu, mình càng dõng mãnh tinh tấn bấy
nhiêu. Và tôi đã xin gặp Sư Phụ để nói lên nguyện vọng đó. Nhưng
người vẫn giữ nguyên ý định, bảo rằng không nên vội, "con cần
phải cố gắng tu tập nhiều nữa". Sau khi gặp Sư Phụ và nghe Người dạy như vậy, tôi rất an lòng. Tôi đã
làm hết những gì cần phải làm, thành tựu hay không lại là chuyện
khác. Cuộc đời là một chuỗi dài nhân duyên, làm sao mình có thể quyết
định hết mọi việc được. Ðiều áy náy duy nhất là Hạnh Giới có
tên trong danh sách thọ giới kỳ nầy. Tôi
và H. Giới đều thọ Sa Di cùng một lúc. Nay đột nhiên H. Giới "qua mặt"
tôi, khiến tôi không buồn sao được. Thiên hạ sẽ nghĩ sao về tôi? Nhưng
quyết định của Sư Phụ rất rõ ràng: vì H. Giới là đồng chơn xuất
gia, lại sắp lấy bằng tiến sĩ Phật Học, sẽ ra làm việc, tiếp xúc
nhiều với người Tây phương, nên cần phải có giới thể để dễ làm
việc.
Thời
gian lẳng lặng trôi, ba tháng qua rất nhanh. Tôi
vẫn an vui với cuộc sống thiền môn, lo học và tu. Không tranh. Không cầu.
Sắp tới ngày đi Ấn Ðộ. Phái đoàn thầy Hạnh Sa, rồi của thầy Hạnh
Tấn lên đường. Còn lại phái đoàn của Sư Phụ gồm thầy Ðồng Văn,
thầy Hạnh Bảo, Hạnh Giới, tôi, Hạnh Tuệ và vài vị Phật tử đi cuối
cùng. Bất ngờ, trước hôm đi 2 ngày, Sư
Phụ tuyên bố quyết định cho tôi được
thọ đại giới kỳ nầy luôn! Người nói: Chú cũng được, chỉ còn
cái tính "gàn" (..!). Tôi cảm
thấy nhẹ hẳn người. Những phiền muộn bấy lâu như được trút bỏ,
những lời dèm pha bóng gió... Thầy Ðồng Văn điện thoại ngay về Việt
Nam cho một người bạn của Thầy -cũng cùng Pháp danh Ðồng Văn- nhờ may
Y Áo mang qua Thái Lan cho tôi (Thầy sẽ đi Thái Lan để tu học ở đó và
chúng tôi gặp nhau tại phi trường Bangkok), được Thầy ấy hứa cúng cho
tôi đầy đủ 3 Y và Áo Hậu. Bất ngờ
là lúc đó Sư huynh Hạnh Ðịnh -đang về thăm VN- ghé thăm cũng có mặt
ở đó! Thế là Sư huynh hứa sẽ mang qua Ấn Ðộ cho tôi, khỏi có bận
tâm gì cả!
Với tất cả niềm hân hoan, tôi khởi hành đi Ấn Ðộ. Sáu tháng trước,
khi đăng ký đi -được Sư Phụ cho một nửa giá vé máy bay-, tôi chỉ nghĩ
là mình đi kỳ nầy qua mục đích để dự lễ khánh thành trung tâm Viên
Giác, và để được lễ bái chư Phật, chiêm ngưỡng các bật Tôn Túc cao
Tăng từ khắp nơi vân tập về, để được thăm viếng Nhật Bản, Thái
Lan... mà thôi; bây giờ lại thêm một phước báu nữa là được thọ Ðại
Giới ngay tại thánh địa Bồ Ðề Ðạo Tràng, nơi Ðức Phật thành đạo,
như thế làm sao không vui cho được!
Ðến
Ấn Ðộ, chúng tôi được đưa về nghỉ đêm tại một khách sạn sang trọng
ở Calcutta. Tại đây, tôi đã được gặp Người, Hòa Thượng Thích Như Huệ! Ngài trông
hãy còn trẻ, khoảng trên dưới 70, diện mạo từ tốn, uy nghiêm, có nét
tựa như Napoleon mặc chiến bào cỡi con tuấn mã tôi thường thấy. Ðúng
là một bậc đại trượng phu! Nhưng Ngài bảo Ngài có nhiều bịnh lắm...
Tôi thấy Ngài đi rất yếu và cử động khó khăn (tôi chợt nghĩ đến cách
dinh dưỡng thường tình trong thiền môn với gạo trắng, đường, bột ngọt...).
Sư Phụ giới thiệu cho chúng tôi biết, Ngài là hiệu trưởng trường
trung học Bồ Ðề Hội An năm xưa; rất đa tài, kể cả việc tán tụng
... Sư Phụ luôn luôn tôn quý Ngài như
một bậc Thầy. Trên chuyến xe buýt về Bồ Ðề Ðạo Tràng ngày hôm sau,
chúng tôi được Ngài ban cho những lời
Pháp nhũ quý báu về pháp môn niệm Phật. Ngài đã "tái xuất giang hồ"
hai lần (lời của Ngài), ngâm một bài thơ của Thanh Tịnh (Quê Mẹ) và kể
một chuyện vui trong Thiền Môn. Một bất ngờ khác, Ngài cũng là người cùng quê hương xứ sở
với tôi! Tôi đã hát tặng Ngài bản
nhạc Quê Nghèo của Phạm Duy: Làng tôi
không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả
tơi; ruộng khô có những ông già rách vai cuốc đất bên đàn trẻ gầy,
có người bừa thay trâu cày...
Tới Bồ Ðề Ðạo Tràng, chúng tôi được đưa về ngụ tại trung tâm
Viên Giác, chỉ cách Ðại Tháp vài phút đi bộ. Suốt thời gian tại đây,
trước và sau khi thọ giới, tôi thường dậy sớm từ 3 giờ rưỡi sáng,
ra Ðại Tháp lễ lạy sám hối. Trong khi chờ mở cửa (4 giờ), tôi ngồi dưới
gốc cây trước cổng Tháp niệm Phật. Tôi cảm thấy sự linh thiêng đang
bao phủ bàng bạc quanh đây, không ranh giới... Tôi đã đi tam bộ nhất bái
nhiều vòng quanh Tháp; đảnh lễ chư Phật ở ba thời, quá khứ, hiện tại,
vị lai; chư vị Bồ Tát; các bậc hiền thánh Tăng; các bộ Tôn Kinh tôi nhớ
tên..., bằng tư thế lạy "ngũ thể đầu địa", nằm dài sát đất
như những tăng sĩ Tây Tạng và các thanh niên nam nữ người Âu Mỹ đang lạy
chung quanh đây.
Buổi
chiều sau lễ khánh thành Trung tâm Viên Giác là giờ sát hạch các giới tử.
Hòa thượng Chơn Ðiền (H.T. Giám Luật) -với sự chứng minh của Hoà thượng
Như Huệ và chư Thượng toạ Tánh Thiệt, Quảng Ba- đã hỏi những câu thật
khó và chỉ dạy thêm cho chúng tôi những điều hữu ích trong việc tu tập.
Người hỏi tôi những câu về Giới Luật, về giới Bồ Tát, luật Sa Di,
tại sao phải giữ giới... Có lúc, tôi nghĩ rằng mình sẽ không qua lọt
được kỳ nầy. Nhưng cuối cùng, các vị cũng xác nhận cho tất cả giới
tử chúng tôi được đăng đàn thọ giới.
Giới đàn
Minh Hải -Minh Hải là tên vị tổ sư sáng lập thiền phái Chúc Thánh, Hội
An Quảng Nam cách đây hơn 3 thế kỷ- được tổ chức thật trang nghiêm
sau lễ khánh thành trung tâm Viên Giác một ngày, gồm có các giới thọ Sa
Di, Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na, Tỳ Kheo Ni, Tỳ Kheo, và Bồ Tát giới. Hoà thượng
Thích Như Huệ làm Hoà Thượng đàn đầu, đại lão Hòa thượng Thích Chơn
Ðiền làm chứng minh kiêm tuyên luật sư. Quý Thượng tọa Thích Tánh Thiệt,
Thích Quảng Ba làm yết ma, giáo thọ a xà lê; quý Thượng tọa Chơn Lạc,
Viên Diệu và quý Ðại đức Tâm Tường, Thị Quả, Chơn Tâm, Trường Phước
và Ðồng Văn làm tôn chứng sư; quý Ðại đức Hạnh Bảo, Như Tú, Như Tịnh
làm dẫn thỉnh sư. Có 5 giới tử thọ Tỳ Kheo: Ðức 2, Việt Nam 1, và Úc
châu 2 vị.
Sau
khi Hoà Thượng yết ma bạch 3 lần với 3 tiếng gõ chát chúa và tiếng hô
"thành tựu" của chư vị Tôn Chứng Sư, Hoà Thượng đàn đầu bắt
đầu truyền trao giới tướng cho các giới tử. Ngài đọc chậm rãi, rõ
ràng, trang nghiêm. Tôi chắp tay quỳ ngay ngắn chăm chú nghe, mở rộng lòng
ra tiếp nhận. Tôi thấy rõ cuộc đời mình đang rẽ qua một khúc quanh
quan trọng. Tôi đã chính thức là trưởng tử của Như Lai. Con đường
trước mặt rộng thênh thang mời gọi tôi tiến bước, tôi chỉ việc ngẩng
cao đầu đi tới (Phù xuất gia giả, phát
túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, trấn nhiếp ma
quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu...). Những nghiên cứu, tìm
tòi, học hỏi, thử nghiệm... trong thời gian qua đã tạm đủ cho tôi lựa
chọn những pháp môn tu, giờ đây chỉ việc đem ra thực hành, không còn
phải đắn đo suy nghĩ nghi ngờ gì nữa. Tôi biết được con đường phải
đi, mục đích hướng đến, mặc dầu vẫn còn chưa được rõ nét cho lắm,
chỉ lờ mờ ẩn hiện. Công việc của tôi là mỗi ngày ra sức đào bới,
tô vẽ cho nó đậm nét thêm ra. Việc căn bản trước tiên là phải giữ
giới. Giới là nền tảng của tất cả thiện pháp; là ngọn đèn soi sáng
đêm tối tăm; là tư lương phải mang theo trên đoạn đường Giới-Ðịnh-Huệ
đi đến giải thoát (nhân giới sanh định,
nhân định phát huệ, thứ cơ thành tựu thánh đạo, bất phụ xuất gia
chi chí hỉ). Người trì giới thời như người nghèo được của báu,
người bịnh được lành, người tù được thả, kẻ đi xa được về nhà
(kinh Phạm Võng). Nhưng giữ giới là một việc làm gò bó, khó khăn.
Bản
chất con người là yếu đuối, dễ sa ngã. Làm sao mắt thấy sắc không đắm,
tai nghe thanh không say? Và ái tình là căn bổn của sinh tử, làm sao một sớm
một chiều có thể đoạn diệt? (sanh tử
căn bổn, dục vi đệ nhất). Vì vậy nên tự ta khó có thể hoàn thành
việc giữ giới một cách trọn vẹn được, nếu không đầy đủ nhân
duyên, phước báu. Phải cần có tha lực giúp đỡ. Bởi thế nên tôi thường
quỳ trước mặt chư Phật, chư Bồ Tát xin phò hộ cho tôi được giữ giới
thanh tịnh. Do vì đi tu trễ, cuộc đời đã
từng trải, những đam mê tuổi trẻ đã đi qua, hấp lực bên ngoài đã lắng
dịu, nên việc trì giới với tôi không đến nỗi quá gian nan, chỉ cần
mình quyết tâm. Sư Phụ vẫn thường hỏi đùa: theo chú, khi nào thì con người
mới hết ái tình? Tôi trả lời: bạch Sư Phụ, khi mình muốn, nếu mình
muốn hết thì nó hết! Người bảo: cũng có thể. Và cảnh cáo tiếp: chỉ
khi nào nắp quan tài đậy lại mới chấm dứt, cho nên các chú phải cẩn
thận!... Có những cặp tình nhân đã 70, 80 tuổi, đi không nổi thế mà vẫn
còn dắt nhau ra tòa làm đám cưới !
Phải dành hết thì giờ cho việc tu tập, phát tâm dõng mãnh, hạ thủ
công phu. Ðạo Phật là đạo xuất thế, thoát ly sanh tử, không để trôi
lăn trong lục đạo luân hồi ! Phải tự mình bắt đầu trước. Tự
giác rồi mới giác tha. Và giác hạnh viên mãn... Làm sao để thấy được
bổn lai diện mục? Thế nào là con số không ban đầu, làm sao để trở về?
Ai là người đang niệm Phật?... Suốt cuộc đời chạy theo ngũ dục sẽ
được gì? Có gì khác nhau giữa người vừa hưởng dục và người bình
thường? Sau
mỗi lần hưởng dục người ta sẽ được lợi gì? Có chăng là sự mất mát, chết chóc, đau đớn,
ê chề. Như
môi kề vào giọt mật trên lưỡi gươm. Như những con thiêu thân lao vào
đóm lữa. Biết dừng lại tất cả sẽ bình yên, chạy theo thì đại
dương nỗi sóng, và sẽ bị nhận chìm trong lòng biển sâu với bao nhiêu
loài thủy quái! Một niệm sinh là tam thiên đại thiên thế giới sinh
theo... (một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn
vật). Tất cả không ngoài chỉ và
quán. Dừng lại những vọng niệm và quán vô thường, nhân duyên sinh,
tính không. Cái gì sau một thân hình đẹp đẽ kia? Chỉ là một đãy thịt
thúi! Câu chuyện về nhà Sư Chân Dung do Hoà thượng Thích Huyền Tôn kể,
đăng trong Bản tin Viên Giác tập 3 (Ấn Ðộ) đã gây trong tôi một ấn tượng
rất mạnh. Ðời tu hành nào cũng đều như thế. Nếu không biết điều phục tâm, chế ngự hoàn cảnh
bên ngoài thì rất dễ bị nghiệp trần lôi kéo, đoạ lạc. Những công
đức có được do sự hành trì tụng niệm giống như sức mạnh của đá
đè lên trên cỏ, chỉ làm cho cỏ không ngoi đầu lên được, nhưng nó vẫn
còn tiềm phục, chờ cơ hội thuận tiện là vùng dậy mọc trở lại !
Thế gian vì ái dục mà tán thân bại sản, người tu há lại để mắc phạm
? (thế nhân nhân dục sát thân vong gia, xuất
tục vi tăng khởi khả cánh phạm ?)...
Sau
nầy mình sẽ đóng góp được gì cho đời, cho đạo? Có rất nhiều việc
cần làm. Xin tự biết như vậy. Cần có nhiều con tim và khối óc. Hiện
nay, sau khi chiến tranh lạnh ý thức hệ sụp đổ, những giá trị Ðông phương
đang được vực dậy. Việt Nam cũng không ra ngoài quỹ đạo đó. Muốn thế,
trước tiên phải tự mình chứng tỏ khả năng. Những việc gì?!... Tại
sao có sự chia rẽ? Bài học lịch sử 1963 đã học hết chưa? v.v. và
v.v... Ôi, biết bao nhiêu việc phải làm. Nầy đây quốc gia dân tộc, nầy
đây đạo pháp. Tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Qua ngày hôm sau là giới đàn thọ Bồ Tát Giới và lễ Tấn Hương cúng
Phật, đặc biệt dành cho các tân Tỳ
Kheo. Tôi đã phát tâm cúng dường chư Phật, nguyện đi theo đến cuối con
đường các Ngài đã chỉ bày.
Tại phòng tổ Trung tâm Viên Giác Ấn Ðộ, Sư Phụ đã giới thiệu
các Sư thúc đồng môn ở chùa Viên Giác Hội An, Việt Nam qua, gồm có các
thầy Như Tịnh, Như Tú, Như Vân... Người cũng gọi tôi lên để phát biểu
cảm tưởng. Tôi nói vài lời về sự bất ngờ sung sướng của mình khi
biết sẽ được thọ giới kỳ nầy và hứa tinh tấn nghiêm hành giới luật,
dõng mãnh phát bồ đề tâm, lợi lạc quần sanh, qua đó, phát huy và làm vẻ
vang tông môn...
Những
linh nghiệm không thể nghĩ bàn của Phật pháp -chỉ những người tín tâm
mới nhận biết được- do đâu mà có? Phải chăng là do lời phát nguyện
dõng mãnh của các ngài khi còn tu hạnh Bồ Tát (hạnh giác tha)? Muốn đạt
được quả vị Giác Ngộ các ngài phải trải qua nhiều vô lượng kiếp tu đạo Bồ Tát, hy sinh tất cả, của
cải, vợ con, thân mạng mình... để làm lợi lạc chúng sanh, cầu pháp Ðại
Thừa. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng hạn, trong nhiều tiền kiếp đã từng
là một nhà tu, hy sinh các phần thân thể của mình để tu hạnh nhẫn nhục;
là gã tiều phu dâng hiến thân mình cho cọp đói để cứu vớt một chúng
sanh đang đau khổ ; là vị quốc vương bỏ ngôi vua đi hầu hạ một vị
tiên nhân để cầu pháp Ðại Thừa...; hoặc như lời nguyện của ngài Ðịa
Tạng: địa ngục vị không, thệ bất thành Phật; của ngài A Nan: ngũ trược
ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư
thử thủ nê hoàn;...và phải chăng những sợi dây liên lạc, tiếp xúc giữa
chúng ta với các ngài vẫn luôn luôn còn đó, ta chỉ việc mở rộng lòng
ra tiếp nhận, đón lấy. Phước cho ai biết được điều nầy. Và đáng
thương cho kẻ lầm đường lạc hướng, đã hại mình lại còn làm khổ
cho gia đình, quốc gia, dân tộc... Ðạo Phật là đạo của khoa học, đi
trước khoa học. Hãy tin và hiểu như vậy. Vì chân lý luôn luôn đúng, ở
bất cứ thời gian và không gian nào...
Những
bất ngờ may mắn trong lần thọ Ðại Giới nầy làm tôi tin tưởng sâu xa
vào Phật pháp nhiệm màu và vững tâm tu hành. Con xin tri ân Sư Phụ, Người
có lòng từ bi bao la, đã dìu dắt con từng bước đi vào Ðạo; Người có
tâm bình đẳng, sáng suốt ; Người dõng mãnh nghiêm trì giới luật,
không bỏ qua một thời công phu khuya nào, đã là tấm gương sáng mãi mãi
cho chúng con noi theo. Con xin tri ân tất cả chư vị Thiện Tri Thức, hữu
danh cũng như ẩn danh, đã hộ trì, khuyến tấn, giúp đỡ con thành tựu bước
đầu đầy gian nan trên con đường trở về với tự ngã nầy.
Sau
đây là một vài điều lạ lùng khác:
Tối
hôm trước ngày thọ giới, khi trang trí trong chánh điện để chuẩn bị
cho giới đàn ngày mai, các Thầy bảo tôi đi tìm cuộn dây kẽm dài để
dăng màn. Tôi xuống dưới tìm một chặp không ra. Sư huynh Hạnh Tấn bỗng
nhiên quay qua tôi, buột miệng: chú tìm ra
sẽ được đắt giới, không ra sẽ không đắt giới! Tôi nhìn Thầy
âu lo. Có phải chỉ một câu nói đùa hay một động lực nào khiến Thầy
thốt lên như vậy? Thầy vẫn nghiêm nét mặt! Và trong một tích tắc, tôi
đã chấp nhận trò chơi may rủi đó, dù biết rằng mình rất ít hy vọng
thắng (vì đã tìm một lần rồi). Tôi lẳng lặng đi ra. Nhưng trung tâm
Viên Giác rộng lớn và quá mới mẻ đối với tôi, biết ở đâu mà tìm?
Tôi loay hoay lục lạo trong phòng chứa đồ, tình cờ cô Tuệ Ðàm Hương
đi ngang qua, tôi hỏi cô có thấy cuộn dây ở đâu không (cô ở đây lâu
rồi, may ra biết). Thật ra lúc hỏi như thế, tôi không hy vọng gì vì cô
có phải là thợ đâu mà biết, nên vẫn tiếp tục tìm kiếm mấy chỗ
khác. Vài phút sau, thất vọng, tôi lên trở lại chánh điện. Bỗng trước
mắt tôi, cuộn dây thép nằm sẵn tại đó
từ bao giờ! Thì ra cô T.Ð.Hương vừa mới cầm lên cho tôi. Tôi sung sướng
quá reo to lên: ta đã thắng, ta đã thắng!
Một chuyện khác: sau lễ thọ giới 3 hôm, buổi sáng tại Ðại Tháp
sau thời công phu khuya, có sự hiện diện của Sư Phụ và tất cả Phật tử
hôm đó, tôi đã khấn nguyện, nhắm mắt lại đi trên con đường "định
mệnh" Quan Thế Âm. Hy hữu làm sao, tôi đã tới đích, ngay chính giữa, giơ tay lên
nắm được bàn chân ngài! Mở mắt ra, tôi mừng quá nhảy tưng lên. Chưa
bao giờ tôi sung sướng như vậy! Thật lạ lùng, trước khi thọ giới, tôi
đã thử nghiệm nhiều lần nhưng không lần nào thành công cả.
Liền sau ngày thọ đại giới, tôi bị
sổ mũi, sốt và ho liên miên. Sư Phụ nhìn tôi rũ rượi trong cơn ho, lắc
đầu ái ngại: chú nầy chắc đang trả nghiệp! Chỉ sau khi rời Ấn Ðộ,
qua đến Thái Lan, Nhật Bản, cơn ho mới dịu dần rồi dứt hẳn trước
khi tôi về lại Ðức (tôi vẫn không dùng thuốc)!
Khi
về đến nhà sau 3 tuần hành hương các thánh tích tại ba nước Á-Châu, Sư
đệ Hạnh Lý bưng qua trả chậu bông tôi gởi nhờ tưới nước trước
khi đi. Hoa đang mỉm cười hé nụ, vài ngày sau nở ra 4 đóa tiên hồng, rực rỡ hân hoan
chào đón người về từ miền giác ngộ./.
-
Thích-Hạnh-Thức
- (1-5-2002)