- HÀNH HƯƠNG PHẬT GIÁO
- NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO
- Huỳnh Ngọc Trảng
Hành hương trên đất Phật
Ở Thiên Trúc, được tôn kính nhất đối với tín đồ Phật
giáo là các di vật và các địa điểm trực tiếp gắn với cuộc đời của
đức Phật lịch sử, kết thúc vào khoảng năm 481 trước Tây lịch. Các
di vật gồm di cốt (xương sọ, răng) và đồ dùng của Phật (y, đồ chải
răng,tích trượng, bình bát, ống nhổ...) và các địa điểm ; mỏm đá phơi
áo (Udynaga), tảng đá Linh Thứu, cây ăn cháo, hang (Linh Thứu), dấu móng
tay, bóng Phật trên vách đá, dấu chân Phật và quan trọng hơn các địa
điểm kỳ bí đó là các nơi liên quan đến cuộc đời của Phật như Tứ
Động Tâm : nơi đản sinh (Lunbini), nơi đắc đạo, xuất gia, nơi Phật nhập
Niết bàn...Ngoài ra, tro của nhục thân Phật, sau khi thiêu đã được phân
cho 8 vương quốc để lập tháp thờ, và sau đó theo truyền thuyết, vua A Dục
(lên ngôi năm 273 tr.TL, quy y năm 261 tr. TL và tịch 256 tr.TL) đã phá 7 trong
8 ngôi tháp trên để lấy tro phân cho 84.000 ngôi tháp mới xây nhằm tưởng
niệm những sự kiện liên quan đến cuộc đời Đức Phật. Đồng thời một
số trụ đá nhẵn bóng được dựng lên ở những địa điểm liên quan đến
cuộc đời của Phật đã tạo nên những con đường hành hương đến những
địa điểm thiêng. Điều đáng lưu ý ở đây là bấy giờ đã có các
tháp chứa kinh Phật và vua A Dục đã cho khắc vào đó những bản văn nói
về Phật pháp. Nói cách khác, thời A Dục đã lưu tâm đến yêu cầu hoằng
hóa đạo pháp trong việc xác lập các địa điểm chiêm bái (xem thêm R.
Craven. Indian Art, 1995,p38-40). Đó phải chăng là yêu cầu cơ bản của
hành hương Phật giáo mà những việc làm của các Tăng sĩ hành hương sang
Phật quốc đã minh chứng.
Hành hương sang Phật quốc
Trong lịch sử Phật giáo, Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh
là những nhà hành hương tiêu biểu. Pháp Hiển (đi năm 399 - về năm 414) và
Trần Huyền Trang (đi 629-về 646) đến đất Phật bằng đường bộ cực kỳ
gian nan. Còn Nghĩa Tịnh (635-713) tới Ấn Độ bằng thuyền. Rõ ràng là ra
đi từ những thời điểm khác nhau nhưng các Thiền sư Trung Quốc đều xuất
phát từ việc họ không thỏa mãn với những bản kinh không đầy đủ và
khó hiểu hay với tình trạng còn thiếu nhiều kinh điển để có thể đáp
ứng nhu cầu tu học. Mục đích chuyến hành hương của họ không chỉ là
chiêm bái các thánh tích, tham dự vào các lễ hội, mà còn là mưu cầu tri
thức ngay chính nơi Phật quốc. Nói cách khác sự phát tâm cầu đạo đã
thôi thúc họ lên đường, đã xác lập sự quyết tâm vượt qua những
gian nan nguy hiểm, kể cả lệnh cấm của nhà vua trên từng chặng đường
đến Thiên Trúc. Hơn nữa, chính vì nhu cầu cần được học ở các bậc
thầy giỏi nhất giúp họ thu được những tri thức hoàn chỉnh về những
bản kinh của các tông phái Phật giáo khác nhau nên họ đã cố gắng hết
sức mình : nhiều nhà hành hương đã học tiếng Phạn thông thạo đến mức
các cao Tăng Ấn Độ hài lòng, có người tu học tinh tấn khiến vua chúa bản
xứ mời họ đến cung vua thuyết pháp, tranh luận với các ngoại đạo thắng
lợi. Đó là những gương sáng cho các Tăng sinh du học ngày nay noi theo và
đối với hàng Phật tử chúng ta, mục đích hành hương chân chính của
các cao Tăng này là những gì chúng ta cần suy gẫm để hướng đến một
hành vi chánh tín.
Tây du của Tăng sĩ Việt Nam
Đứng ở góc độ lịch sử văn hóa, hành hương là chuyến
đi đến xứ xa để tìm kiếm những tri thức mới, nhu cầu cần thiết và
cao cả của con người mọi thời đại, và khi họ trở về với những tri
thức mới sở đắc cùng kinh sách được mang về đã góp phần bổ sung,
nâng cao - thậm chí làm thay đổi những hiểu biết, những nhận thức cũ.
Phật giáo Việt Nam cũng có những Thiền sư Tây du sang Ấn Độ. Một trong
số đó, được sách sử nhắc đến là Sùng Phạm (mất 1087), đệ tử của
Ngài Vô Ngại ở chùa Hương Thành. Sùng Phạm thuộc thế hệ 11 Thiền
phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, ông ở lại Ấn Độ 9 năm và khi về nước mở
trường dạy đạo ở chùa Pháp Vân. Vua Lê Đại Hành nhiều lần triệu thỉnh
vào cung để bàn luận Phật học. Người khác là Từ Đạo Hạnh. Vì muốn
trả thù cha, Từ Đạo Hạnh sang Ấn Độ cầu học pháp thuật, nhưng đi
đến xứ Kim Xỉ (Răng vàng, Miến Điện), thấy hiểm trở bèn quay về,
ẩn cư ở núi Phật Tích... (xem Lĩnh Nam chích quái). Đến đầu thế kỷ
XX, việc hành hương sang Ấn Độ để cầu học đạo pháp có "nhà sư
ăn rau" Thiện Quảng (đến Thái Lan, Ngài theo cụ Phan Bội Châu hoạt
động) và nhà sư Minh Tịnh (người Thủ Dầu Một) đã sang Ấn Độ, Tây
Tạng và đem Phật giáo Tây Tạng về truyền bá ở Bình Dương...Nói chung,
việc Tây du học đạo của Tăng sĩ Việt Nam chỉ ở mức độ khiêm tốn
về số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên điều này cũng chỉ ra rằng
việc hành hương sang đất Phật đã được các thế hệ Tăng sĩ chú ý,
và cũng đã trở thành một tập tục ở xứ ta.
Sự hình thành những điểm hành
hương Phật giáo
1. Cứ vào truyện Nhất Dạ Trạch của Lĩnh Nam chích quái,
chúng ta có thể thấy rằng Chữ Đồng Tử (con rễ vua Hùng) đã theo đường
biển đến núi/đảo Quỳnh Viên/Quỳnh Vi để học đạo từ nhà sư Phật
Quang/Ngưỡng Quang. Lê Mạnh Thát trong Lịch sử Việt Nam từ khởi nguyên
đến Lý Nam Đế, 1999 đã dựa trên những sử liệu chứng minh rất thuyết
phục rằng Quỳnh Viên ở cửa Sót, thuộc biên giới phía Nam của nước
ta và Chiêm Thành. Dẫn lại điều này, chúng tôi muốn lưu ý rằng Chữ Đồng
Tử có thể coi là nhà hành hương đến xứ xa để tìm học đạo pháp sớm
của PG Việt Nam. Đạo Phật mà Chữ Đồng Tử đã tiếp thu là thứ Phật
giáo quyền năng, đậm tính chất phù chú. Chính vì vậy mà sau này nó dễ
dàng đồng nhất với Đạo giáo, và do đó, vị Phật tử Việt Nam đầu
tiên (gọi theo Lê Mạnh Thát, sđd) được thế nhân tôn là "Chữ Đạo
tổ". Và điều liên quan đến đề tài của bài này là một loạt các
địa điểm liên quan đến hành trạng của Chữ Đồng Tử, đã trở thành
địa điểm thiêng, mà trung tâm là "Dạ Trạch hóa từ" (thôn Yên
Vĩnh, Dạ Trạch, Châu Giang, Hải Dương) và kế đó là các địa điểm từ
Chữ Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đến Hà Tây, Vĩnh Phú.... Phải chăng đấy là
những địa điểm hành hương Phật giáo sớm nhất ở xứ ta ?
2.Tính chất đa tín ngưỡng của các địa điểm hành hương
là một đặc điểm khá phổ biến ở xứ ta. Tất nhiên, cũng có trường
hợp là đơn nhất. Sách Giao Châu ký có ghi : "Thành Nê Lê ở phía Đông
Nam huyện Định An, cách sông 7 dặm, tháp và giảng đường do vua A Dục lập
vẫn còn. Những người đốn củi gọi là kim tượng".
Theo kết quả nghiên cứu của Lê Mạnh Thát (sđd, tr.30-35)
thì tên gọi thành Nê Lê có thể là âm của Nakara (địa ngục) và ông đoán
định đó phải chăng là chùa Tây Thiên (tục danh là "chùa Địa Ngục"
ở vùng Tam Đảo. Vấn đề đáng lưu ý ở đây là phải chăng "tháp
và giảng đường" ở thành Nê Lê này là do phái đoàn Tăng lữ mà A Dục
phái đi truyền đạo ở Đông Nam Á, tức vùng Kim Địa (Suvanabuhmi) vào những
năm 247-232 tr.TL) tạo dựng ? Đây là vấn đề còn đòi hỏi nhiều nỗ lực
nghiên cứu, song kết quả khảo cổ học về Óc Eo (Phù Nam) đã đưa ra những
dữ kiện đáng tin cậy về con đường truyền bá PG từ Ấn Độ sang Phù
Nam, Chiêm Thành, Giao Châu. Cũng theo điều này, việc lập tháp thờ tro (một
trong 84.000 ngôi tháp của vua A Dục nói trên) đã xuất hiện ở vùng Tam Đảo
và như vậy, việc hành hương lễ bái tháp chứa tro/cốt cũng đã du nhập
vào xứ ta từ thế kỷ thứ III tr. Tây lịch.
3.Sự kiện này có thêm một dữ liệu khẳng định hơn. Đó
là việc nhà sư Giao Chỉ (cho là người Khương Cư/Sogdiane, thuộc Bắc Ấn)
là Khương Tăng Hội - được coi là Sơ tổ Thiền tông Việt Nam - đã có
công trong việc cầu xin sự hiển hiện của xá lợi ở Kiến Nghiệp vào năm
240, khiến vua quan họ Ngô hết sức thán phục, nhân đó cho dựng tháp; và
nhờ đó, đạo Phật được đứng chân ở đây, đạo pháp Giang Tả mới
thịnh (Cao Tăng truyện)
Đằng sau sự kiện này, cho thấy trong Tăng lữ và dân
chúng Giao Chỉ - quê hương của Hội, việc sùng bái tháp thờ xá lợi đã
trở nên phổ cập. Có lẽ cũng do vậy nên năm 455 lại có việc xây tháp
đựng tro cốt của nhà sư Đàm Hoằng ở núi Tiên Sơn để thờ.
Đàm Hoằng người Hà Bắc (gần Bắc Kinh) xuất gia từ nhỏ,
sau Nam du đến Phiên Ngung, dừng ở chùa Đài rồi đến ở chùa Tiên Sơn xứ
Giao Chỉ. Ngày ngày, Hoằng tụng Vô Lượng Thọ và Quán kinh nguyện thề về
an dưỡng. Vào năm 455, Hoằng lén nhóm lửa trong núi tự thiêu, đệ tử cứu
kịp thì nửa mình đã cháy, sau đó, nhân gần ở nơi xóm có mở hội, cả
chùa đều đi dự lễ, Hoằng vào núi tự thiêu. Khi dân xóm hay chuyện, đến
nơi thì mạng Hoằng đã dứt, chất thêm củi, đốt lửa đến ngày mai mới
tắt. Ngày hôm đó, dân xóm đều thấy Hoằng toàn thân sắc vàng, cỡi một
con nai vàng đi về Tây rất nhanh.Ai hỏi đều không đáp, chỉ tay về phía
trước. Tăng, tục hiểu ra sự thần dị, cùng nhau gom tro xương, dựng tháp
để thờ (lược kể theo Vãng sanh Tịnh Độ truyện/bản dịch của Lê Mạnh
Thát, sđd)
Câu truyện trên đã chỉ ra việc lập tháp đựng tro cốt
các Tăng sĩ đã tịch ở chùa...đã trở nên một tập tục, và như vậy,
Tiên Sơn - một trung tâm PG cổ xưa, đã có thể trở thành một địa điểm
chiêm bái thu hút đông đảo người hành hương vì sự kiện thần dị của
Đàm Hoằng. Một trong những giả thiết có sơ sở thì Tiên Sơn thuộc khu
vực Hương Tích và như vậy chùa Hương (Hà Tây) - một lễ hội có thời
gian dài nhất so với toàn bộ lễ hội cả nước, kéo dài từ 6.1 đến
15.3 Âl. Phải chăng đã bắt đầu từ thế kỷ V này?
Hành hương và hội chùa
Phật giáo chưa hẳn là tôn giáo xướng xuất nên hoạt động
hành hương - lễ hội ở xứ ta nếu so với các lễ hội dân gian lễ bái
các thần thánh hay thậm chí so với lễ hội tôn vinh các anh hùng lịch sử
như lễ hội Đền Hùng chẳng hạn. Nói cách khác, hành hương lễ hội PG,
cũng như bản thân tôn giáo này hội nhập vào văn hóa Việt thường bằng
con đường khế cơ, do vậy hành hương, lễ hội PG có nội dung đối tượng
sùng tín đa phần là một tổng hợp thể, gồm chư Phật, Bồ tát, Thánh tăng...phối
hợp với thần, thánh và danh nhân, anh hùng lịch sử...Do vậy, một cách tổng
quát có thể thấy một sự phân nhóm mà tiêu chí khu biệt có phần co
giãn.
Nổi bật là các địa điểm hành hươngá:lễ hội gắn với
tục thờ Man Nương - Tứ Pháp : hội chùa Dâu (Hà Bắc, 8.4), hội chùa Đậu
(Hà Tây, 26,27.12); hội chùa Tứ Pháp (Văn Lân,Hải Hưng - 17.1) hội chùa Tứ
Pháp (Di Sử, Hải Hưng, 8.4) hội Đại, chùa Nành (Hà Nội, 4-6.2)
Nhóm các địa điểm hành hương, chủ yếu là một ngày
thiêng liêng và ít nhiều đượm tính chất nhàn tản có thể kể : hôi
chùa Hương (Hà Tây), hội chùa Phật Tích (Hà Bắc 4-1 Âl), hội chùa Hương
Tích (Nghệ Tĩnh), hội chùa Tây Phương (Hà Tây 6-10.3 Âl)...và kể thêm một
số các chùa núi ở Nam Trung bộ, Nam bộ cũng có phần nào tương tự.
Nhóm địa điểm hành hương có tính chất lễ hội tổng hợp
lễ Phật và lễ hội dân gian ; ở đó ngoài nghi lễ cúng tế, còn các đám
rước, trò chơi thế tục, các cuộc thi tài và biễu diễn nghệ thuật
dân gian : Hội Láng (Thái Bình, 6-12.1ÂL), hội chùa Tam Sơn (Hà Bắc 8-12.1),
hội chùa Lương (Nam Hà, 13 - 16.3), hội chùa Đọi (Nam Hà, 19.3), chùa Thắm
(Vĩnh Phú 5.5).v.v...ở đây cũng kể thêm sự tích hợp lễ hội các danh
nhân, anh hùng lịch sử và lễ Phật : Hội chùa Bồ (Thái Bình, 7-15Âl) là
lễ hội Hai vua bà, Công chúa Bát Nàn và lễ chư Phật; hội chùa Vẽ (Hải
Phòng, 10-20.6) là lễ cầu kinh và dâng hương kỷ niệm nơi Trần Hưng Đạo
đã từng đóng quân để nghiên cứu chiến trường sông Bạch Đằng.
Nhóm hành hương lễ hội giổ Tổ của chùa : Hội chùa Đại
Bi (Hà Bắc, 18-23.1): Thiền sư Huyền Quang (một trong 3 Tổ Trúc Lâm); hội
chùa Thanh Mai (Hải Hưng, 1-3.2) : Tổ Pháp Loa; hội chùa Thầy (Hà Tây,
5-7.3): Từ Đạo Hạnh; hội chùa Láng (Hà Nội, 5-7.3): Từ Đạo Hạnh; hội
chùa Keo (Thái Bình, 13-15.9): Dương Không Lộ; hội chùa Cổ Lễ (Nam Hà,
15-20.9): Nguyễn Minh Không...Điều lưu ý là tuy gọi giỗ Tổ, các danh
nhân, nhưng phần hội lớn hơn khoa nghi nhà Phật, gồm các trò chơi thế tục,
diễn tích xưa, hát chèo, rối nước...Chính vì các thành tố này nên
chúng được gọi là hội.
Hành hương xưa và nay
Thoạt tiên, hành hương là từ chỉ thủ tục hành lễ :
tay cầm nén nhang đi nhiễu quanh đối tượng tôn kính 3 vòng theo chiều kim
đồng hồ. Điều này đã chỉ ra rằng hành hương vốn gắn với mục đích
tôn giáo, tín ngưỡng, nghiêm túc. Nói rộng hơn, hành hương luôn tạo ra một
mối liên hệ giữa phàm tục với thiêng liêng, giữa cá nhân người hành
hương với cả một cộng đồng cùng đi và đặc biệt là mối liên hệ
giữa con người "tứ đại giả hợp" của mình với con người thứ
hai của mình - con người đã được nhận thức lại qua chuyến đi này. Phật
giáo, qua lịch sử có nhiều tông phái. Do đó cả chùa Tổ đình nhờ
thành tố lịch sử này (và có thể được tích hợp những thành tố linh
ứng), đã trở thành những địa điểm tự nhiên của hành hương, chiêm
bái và thường là ở nơi xa xôi khó tới nào đó. Rồi sau đó, các tông
phái đều có các trung tâm ở đô thị. Đó là địa điểm hành hương đông
đúc. Đến chùa lễ Phật được coi là hành vi mộ đạo và sự tri ân;
trong chừng mực nào đó là tin vào sự cứu độ của chư Phật, Bồ tát hơn
là vào bất cứ công lao tu tập của chính bản thân mình. Tuy nhiên, một
chuyến hành hương đến một địa điểm thiêng liêng nào đó thì chính việc
leo núi băng rừng càng vất vả chừng nào là có ý nghĩa bày tỏ /thể hiện
lòng thành chừng đó và như vậy, tạo được công đức.
Rồi khi phương tiện di chuyển thuận lợi hơn, đường xá
giao thông phát triển tốt hơn thì để gia tăng lần lượng cho chuyến đi,
cách "hành hương thập tự" (10 chùa) được nhiều Phật tử hưởng
ứng và xu hướng càng lúc sẽ càng gia tăng về số lượng địa điểm.
Cuộc hành hương chỉ hoàn thành khi người hành hương đã đi đủ số lượng
nơi hành hương mà mình đã nguyện. Ở từng địa điểm ngoài việc lễ
bái thì việc cúng dường, đóng góp cho nhà chùa để mong đổi lấy sự
ước mong phước lạc, công đức cho bản thân và gia đình trong đời này
(hay hồi hướng công đức cho vong linh tổ tiên được nhờ đó mà siêu
thoát). Mặt khác, cũng có một số người, cuộc hành hương được coi
như một chuyến đi nhàn tản để có sự thư thái tâm hồn với mục đích
tham gia vào một số hình thức tôn giáo chung như một nếp sinh hoạt văn hóa
và cũng không phải là không có người nhằm vào mục đích du lịch văn hóa
truyền thống qua sự hội nhập vào đó để chiêm nghiệm cái hồn của lễ
hội, ý nghĩa đích thực của hành hương vì lẽ hành hương mà không có
cái tâm thì chỉ là khán giả đứng bên ngoài để nhìn một vở diễn thuần
túy, một sự phóng túng mang tính sân khấu. Lý do tồn tại của hành hương
không phải là nhìn mà là nhập cuộc vào một nơi đặc biệt, ở một khoảnh
khắc đặc biệt.
Nói chung, dù có những khác biệt giữa từng người, nhưng
hành hương đích thực là một chuyến đi trong không gian, trong thời gian
và trong bản thân mình là sự hóa thân của cuộc sống trần tục, đưa lại
ý nghĩa cho cuộc đời mình. Cụ thể hơn, chuyến đi trong không gian là
chuyến đi do chính mình thực hiện, tức đó là một cuộc đi bộ vì
không có sự sùng tín thực sự nào phát sinh khi mọi việc quá dễ dàng,
thuận lợi. Hành hương mà thể xác có nhọc nhằn thì linh hồn mới bay bổng
lên cao, đôi chân bước đi có thật sự mỏi nhừ thì chính ta mới đến
chốn tâm linh xui khiến.
Đi trong thời gian là sự hồi cố về quá khứ do sự va đập của trực
giác với các di vật di tích cổ xưa. Ký ức là nhân tính của mỗi người,
cũng như truyền thống là nhân tính của cộng đồng, của dân tộc. Do vậy,
sự nối kết quá khứ với hiện tại tự nó là thuộc tính bản thể người.Cái
cảm nhận "dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lầu đài bóng tịch
dương" mà bà Huyện Thanh Quan đã sở đắc là nhịp đập hiện tại
trực quan vào ký ức đã xa như của những tiền kiếp sống dậy. Và cái
quan trọng hơn thảy đã nảy sinh ra từ sự "quán tưởng" đó : cuộc
đi trong chính bản thân ta.