- Các loại hình nghệ
thuật trong nền văn hóa Phật giáo
- Thích Nguyên Hiền
Văn hóa, nói theo nghĩa đen của nó,
là dùng cái đẹp (văn) để giáo hóa người. Phật giáo lấy
việc độ sanh làm cứu cánh, do đó văn hóa được xem như nền
tảng của Phật giáo. Văn hóa (Culture) bao hàm các phương diện
xã hội như khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức, pháp luật,
phong tục, tập quán v.v
Trong bài viết này, người viết chỉ xin
trình bày về các loại hình nghệ thuật trong nền văn hóa Phật giáo.
Ngay cả việc trình bày các loại hình
nghệ thuật của Phật giáo trong một bài viết cũng đã là một tham
vọng quá lớn. Bởi trải qua hơn 2500 năm lịch sử và xuyên qua
nhiều quốc gia, các loại hình nghệ thuật cứ được đa dạng hóa
và phong phú thêm rất nhiều. Đó là chưa nói đến những giá trị
tư tưởng, triết học, mỹ học của từng tác phẩm nghệ thuật cụ
thể. Ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu sơ qua như một phác họa
để độc giả có cơ sở tìm hiểu và nghiên cứu thêm.
Điều phức tạp nhất là mỗi loại
hình nghệ thuật qua mỗi thời đại và quốc gia đều có sự thay
đổi khác nhau. Do vậy, khi đề cập đến phần nào, buộc lòng chúng
tôi phải giới thiệu sơ qua sự quan hệ lịch sử, quan niệm của các
tông phái qua từng thời kỳ trong phạm vi ngắn gọn nhất có thể.
Về việc sắp xếp các loại hình nghệ thuật, chúng tôi theo quan niệm
phổ thông để xếp theo thứ tự hội họa, văn học, thi ca, âm nhạc,
kiến trúc, điêu khắc và công mỹ nghệ. Còn rất nhiều lãnh vực
khác như vũ đạo, kịch nghệ
, chúng tôi không thể nói hết,
song những lãnh vực nêu trên có thể đại biểu cho nghệ thuật
Phật giáo. Trong ấy, những lãnh vực như văn học, thi ca, hội họa
là những đề tài lớn và được rất nhiều sách báo nghiên
cứu, phân tích, ở đây chúng tôi chỉ khái quát mà thôi.
Trước hết chúng ta tìm hiểu sơ qua
quá trình phát triển của Nghệ thuật Phật giáo. Trong Ngũ minh của
Ấn Độ có Công xảo minh, tức giỏi về công phu khéo léo. Thời
kỳ đầu, nghệ thuật Phật giáo chỉ hạn chế trong các bức vẽ hoặc
điêu khắc về chân Phật, tòa Kim cang, cội Bồ-đề
để tượng
trưng cho Đức Phật. Đến khi Phật giáo Đại thừa phát triển, nhờ
sự tiến bộ của xã hội mà hình tượng Phật được tôn tạo,
các loại hình nghệ thuật khác cũng theo đó mà phát triển. Nghệ
thuật Phật giáo Ấn Độ có thể được chia làm hai loại là Nghệ
thuật Kiền-đà-la và Nghệ thuật đặc hữu của Phật giáo với tính
chất vốn có ban sơ của nó. Đến thời Vương triều Cấp-đa (Gupta -
302), nghệ thuật Kiền-đà-la nương vào Phật giáo mà phát triển,
lan rộng đến Trung Quốc và chịu ít nhiều ảnh hưởng của nền văn
hóa này. Nói theo phạm vi rộng lớn thì nghệ thuật Phật giáo có
thể chia thành ba hệ thống. Đó là Tiểu thừa, Đại thừa và Mật
giáo.
Chủ thể của nghệ thuật Phật giáo
Tiểu thừa là các kiến trúc tháp Phật y cứ vào sự sùng bái
các di vật của Phật giáo thời kỳ đầu làm nền tảng. Còn các
lãnh vực hội họa, điêu khắc thì thường lấy Bản sanh đàm, sự
tích, thí dụ làm chủ đề. Nền nghệ thuật này khá căn bản nhưng
không phong phú lắm, được phát triển tương đối thuần phác ở
các nước theo hệ Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, và các nước
Đông Nam Á.
Nghệ thuật Phật giáo Đại thừa
lấy việc chế tác và sùng bái tôn tượng làm trung tâm. Bắt
nguồn từ Ấn Độ, qua Trung Á rồi phát triển đến Trung Quốc, Nhật
Bản, Hàn Quốc, Việt Nam
Nhưng ở thời kỳ đầu thì sắc thái
Tiểu thừa ở Trung Á và Trung Quốc rất sâu đậm.
Nghệ thuật Mật giáo bắt đầu ở
Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VII, trong đó có một dòng phái trải qua
Trung Quốc rồi truyền đến Nhật Bản, trở thành dòng phái nghệ
thuật chính của thời đại Bình An, Liêm Thương ở Nhật Bản. Dòng
phái còn lại trải qua Népal rồi truyền đến Tây Tạng và trở
thành đặc hữu của Lạt-ma giáo.
Tùy theo sự phát triển về tư
tưởng của các tông phái mà có sự ra đời các nền nghệ thuật
của riêng tông phái mình. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu từng loại
hình nghệ thuật để cuối cùng rút ra một nhận định chung.
HỘI HỌA
Hội họa đã xuất hiện ở Ấn Độ
từ xa xưa. Các bích họa trong động A-chiên-đa được xem là nghệ
thuật hội họa có sớm nhất của Phật giáo hiện còn. Như bức vẽ
con voi trắng 6 ngà trong động thứ 10 được truy cứu là tác phẩm
có trước Công nguyên. Các bức họa xuất hiện vào khoảng thế kỷ
V-VII tại đây vẫn còn được bảo tồn. Điểm đặc sắc của các
tác phẩm này là sự đối ứng sáng tối tạo nên hiệu quả lập
thể. Bức họa cúng dường Thiên nhân trong động Sìgiriya ở Srì
Lanka được suy đoán là tác phẩm của thế kỷ V, còn rất nhiều
tác phẩm khác mà phong cách của nó ảnh hưởng sâu rộng đến
nghệ thuật hội họa của các nước sau này. Cách vẽ hình tượng
Phật ở thời kỳ đầu cũng có một phong cách đặc biệt, thường
dùng làm Bản tôn, pháp cụ hay để trang nghiêm Phật đường, nên
thường ở giữa vẽ tượng Phật, phía dưới viết bài văn Tam quy
y, rồi 5 học xứ, 12 nhân duyên, phía trên tượng cũng có viết hai
bài tụng. Nói chung, hình thể, dung mạo các tượng đều giống nhau,
cho nên muốn phân biệt các vị Phật thì chủ yếu là dựa vào
"thủ ấn" của từng vị mới biết đó là vị nào. Về
tướng hảo, nói chung cũng có một nguyên tắc. Ví dụ kim thân cao 120cm
thì phần nhục kế phải cao 4cm, khuôn mặt dài 12cm,
cổ dài 4cm
Ở Trung Quốc, các danh họa nhiều
đời cũng thường vẽ nhiều bích họa cho các tự viện. Nổi tiếng
có các vị Cố Khải Chi, Lục Thám Vi, Trương Tăng Dao, Viên Tử Ngang,
Ngô Đạo Tử, Lý Công Lân
Nhưng tiếc vì các chùa phần nhiều
được xây cất bằng gạch và gỗ nên thường dễ bị hủy hoại. Chỉ
có các bích họa trong các hang động như Đôn Hoàng, Thổ Phồn
là may mắn thoát khỏi nạn binh lửa. Ngoài ra, tranh thủy mặc được
xem là phong cách đặc hữu của Thiền tông Trung Quốc, chỉ với hai
mầu đen trắng mà phát họa được tinh thần khai phóng của tâm linh
cũng như làm cho thế giới ngoại tại sống động, lung linh. Từ đời
Tống về sau, các bích họa khổ lớn dần dần ít đi, được thay thế
bằng tượng Tổ sư, La hán. Mặc hội và thư pháp nhân đó cũng
phát triển. Đại biểu cho Thiền họa có các vị Mục Khê, Lương Giai,
Thạch Đào, Bát Đại Tiên Nhân, Tiệm Giang, Ngọc Giản. Kỷ xảo hội
họa của các vị này có ảnh hưởng rất lớn trong giới họa sĩ.
Thạch Đào nổi tiếng với "Nhất bút họa", một nét bút
thôi cũng đã để lại cho hậu thế một bức tranh có một không hai.
Ở Nhật Bản, vào thời Thất Đinh (thế kỷ XV), giới Thiền họa mô
phỏng theo mặc họa đời Tống của Trung Quốc phát triển rực rỡ,
nổi tiếng có các vị Như Chuyết, Chu Văn, Tuyết Chu
Tóm lại, nghệ thuật hội họa Phật
giáo tập trung ở chủ đề miêu tả Phật tượng, Tổ sư, về sau
phát triển và mượn ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm. Tuy không
phong phú về hình thể, song nó là kho tàng quý báu về hội họa của
Đông phương.
VĂN HỌC
Nói đến văn học nghĩa là nói
đến tính nghệ thuật trong văn chương, do đó không phải toàn bộ kinh
sách Phật giáo đều có tính văn học. Nhưng Phật giáo thật sự có
một nền văn học thật là hoành tráng.
Vào thời kỳ đầu, kinh điển của
Phật giáo giàu sắc thái văn học nhất là KINH PHÁP CÚ. Những
lời vàng ngọc của Đức Như Lai được cô đọng lại thành những
câu kệ vừa trong sáng, vừa sâu sắc. KINH THÍ DỤ, KINH BẢN SANH cũng
là những tác phẩm văn học đậm đà tính chất cổ tích. Các tác
phẩm viết bằng tiếng Phạn nổi tiếng có PHẬT SỞ HÀNH TÁN (Buddha-carata)
của ngài Mã Minh (Asùvaghosïa) sống vào thế kỷ thứ II tán
thán Đức Phật. Hý khúc XÁ-LỢI-PHẤT CHI SỞ THUYẾT (SÙàriputra-pracaranïa)
viết về ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, TÔN-ĐÀ-LỢI
NAN-ĐÀ THI (Saundarananda-Kàvya) nói về sự tích em cùng cha khác
mẹ của Phật là Nan-đà. Đây là những tác phẩm văn học có từ
rất sớm. Vào thế kỷ VII có vua Giới Nhật (SÙìlàditya) soạn
Phật kịch LONG VƯƠNG CHI HỶ (Nàgànanda)
Các tác phẩm viết
bằng văn Pàli nổi tiếng nhất là các bộ PHÁP CÚ KINH CHÚ, BẢN
SANH KINH do ngài Phật Âm (Buddha Ghosa) soạn vào thế kỷ V. Khi
Đại thừa phát triển, kinh điển Phật giáo trở thành một kho tàng
quý báu về văn học, như KINH DUY-MA, KINH PHÁP HOA, KINH HOA NGHIÊM
vừa phong phú về ngôn từ hình ảnh, vừa thoáng đạt trong cách
nghĩ, cách nhìn
, nó trở thành những tác phẩm văn học vĩ
đại và tráng lệ nhất của nhân loại.
Về sau, văn học Phật giáo cũng
phát triển theo chiều hướng rộng dần, nhất là các nước theo văn
hệ Đại thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam
Các bộ luận
lớn liên tiếp xuất hiện với một văn phong chặt chẽ, khúc chiết,
rồi các bộ Ngữ lục, thi kệ, văn thị chúng, sớ giải, sử truyện
mỗi loại có một sắc thái riêng, vô cùng đa dạng và đặc
biệt. Ngoài ra, các tác phẩm dịch thuật cũng nói lên tính chất
đặc thù của văn học Phật giáo. Khi chuyển ngữ từ Phạn sang Hán
hay sang các ngôn ngữ khác, các dịch giả đều sáng tạo một phong
thái dịch thuật đặc biệt mà qua đó, các nhà khảo sát có thể
nhận định và tìm ra nét dị đồng của tác phẩm phiên dịch, hoặc
Cựu, hoặc Tân, hoặc dịch sát, dịch ý
Nếu như tính biền ngẫu
là nét đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc, thì tính giản đơn là
nét đặc thù của văn học Phật giáo Nhật Bản, hay tinh thần phóng
khoáng là sở trường của các ngòi bút Phật giáo Việt Nam
Sự khảo cứu có thể nói vô cùng, vô tận
THI CA
Tách thi ca ra khỏi văn học là không
đúng, bởi thực chất các tác phẩm thi ca lại có tính văn học
đại biểu nhất. Song vì để phân biệt rõ thể tài, chúng tôi mạo
muội được trình bày riêng phần thi ca Phật giáo để tiện nêu vài
dẫn chứng.
Thi ca là một loại văn vần, ngôn
từ hàm súc, chuyển tải nội dung sâu sắc. Tác dụng của thi ca là
nhằm răn bảo nhân sinh, hoặc miêu tả trạng thái nội tâm, hoặc
thuật lại sự vật với một thể điệu riêng. Nói chung, đó là
một nét đẹp giao cảm giữa cảnh vật tự nhiên và nội tại, do
đó trong Phật giáo, thể tài thi ca vô cùng phong phú.
Ở Ấn Độ, hình thức ban sơ của thi
ca được gọi là Già-đà (Phạn : Gàthà), dịch ý là Kệ
tụng. Về thể luật, kệ tụng có nhiều thể khác nhau. Thơ Phật giáo
xưa nhất là PHÁP CÚ KINH (Pàli : Dhamma-pada) và TẬP KINH (Pàli
: Suttanipàta). Bản thân Đức Phật là một thi nhân kiệt xuất.
Trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, những gì được suy đoán
là do chính Đức Phật nói ra đều dùng hình thức thi kệ. Hình thức
văn thể đặc thù này có lẽ do đương thời không dùng văn tự
để ghi chép, nhưng để tiện cho việc ghi nhớ nên sử dụng hình
thức thi kệ. Đệ tử của Đức Phật phần đông đều biết làm
thơ, dùng thi ca để xướng vịnh tâm cảnh của mình, tán thán Phật
và đệ tử Ngài. Loại thi kệ này còn truyền đến nay có TRƯỞNG
LÃO KỆ (Thera - gàthà), TRƯỞNG LÃO NI KỆ (Therì - gàthà).
Kinh Tăng Nhất A-hàm 3 (Đại 2, 557 trung) ghi : "Vị Tỳ-kheo bậc nhất
trong hàng Thanh văn của ta (
) có tài làm kệ tụng để khen ngợi
công đức Như Lai, đó chính là Tỳ-kheo Bàng-kỳ-xá (Vangìsa)"
Sau Đức Phật nhập diệt khoảng 700 năm, thi ca Phật giáo được sáng
tác rất nhiều thể theo sự hưng khởi của Đại thừa, nổi tiếng
nhất là ngài Mã Minh (Phạn : Asùvaghosa). Ngài được xem là
một thi nhân có phong cách tao nhã, tài hoa. Đặc tính của thi ca thời
này là Tự Sự Thi. Về sau, một thi nhân thuộc học phái Mã Minh là
Màtrïcetïa có soạn TỨ BÁCH TÁN (Catuhï-sùataka-stotra) và NHẤT
BÁCH NGŨ THẬP TÁN PHẬT TỤNG (SÙata-panõcasùatikà-stotra) rất
nổi tiếng. Trong Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện, ngài Nghĩa Tịnh từng
viết : "Các nhà soạn tán tụng ở Tây Vực đều noi theo phong
cách này, Bồ-tát Vô Trước, Thế Thân thảy đều kính
ngưỡng
". Thế kỷ VII có BẢN SANH MAN LUẬN (Jàtakamàlà)
của ngài Thánh Dũng (Àryasùùra), thế kỷ XI có THÍ DỤ TẬP (Avadàna-kalpalatà)
của Ksïemendra
Nhìn chung, thi ca Ấn Độ rất phong phú và đa dạng.
Ở Trung Quốc, thi ca Phật giáo phần
lớn miêu tả tâm cảnh khai ngộ của Thiền tăng. Qua các triều đại
Đường Tống
, thi ca Phật giáo nhiều vô số kể, hoặc những
bài rải rác trong các Ngữ lục, hoặc những áng thơ gom thành thi
tập, hoặc những trường ca chuyển tải nội dung chứng đạo v.v
Các thi nhân nổi tiếng đời Đường như Vương Duy, Bạch Cư Dị đã
để lại rất nhiều thơ có phong vị Phật giáo. HÀN SAN THI 3 quyển là
một tập thơ đặc biệt của một vị tăng kỳ lạ trụ trong hang đá
lạnh lẽo ở chùa Quốc Thanh, núi Thiên Thai. Tuyết Đậu Trùng Hiển
(980 - 1052) là một Thiền sư có tài làm thi kệ nổi tiếng, được
giới hàn mặc ngợi khen là có phong cách của Hàn Lâm Học Sĩ. Như
trong công án "Bàn Sơn tam giới vô pháp", tắc 37, Bích Nham
Lục (Đại 48, 175 trung), Tuyết Đậu viết :
- "Tam giới vô pháp
- Hà xứ cầu tâm
- Bạch vân vi cái
- Lưu tuyền tác cầm
- Nhất khúc lưỡng khúc vô nhân hội
- Vũ quá dạ đường thu thủy thâm".
-
- (Ba cõi không một pháp
- Tìm tâm chỗ nào đây
- Cung đàn là tiếng suối
- Tàn lọng là vầng mây
- Nhạc tuôn mấy khúc ai hay
- Mưa qua cồn lạnh, đêm dày nước sâu).
Ở Nhật Bản, qua các thời đại
Thất Đinh, Liêm Thương, Giang Hộ, thi ca Phật giáo cũng rất phong phú,
nổi tiếng nhất là thể thơ Hài cú (Haiku) của Basho. Chỉ cần 17
âm tiết, tác giả có thể diễn đạt được sự im lặng tuyệt
đối, trạng thái tịch nhiên bất động của Thiền định hay dòng chảy
miên trường của vạn pháp tồn sinh :
- "Một vũng lầy hiu hắt
- Một con ếch nhảy vào
- Và tiếng nước ôi chao !
- (Basho Tuệ Sỹ dịch).
Có lúc, thi ca dùng để biểu đạt
một chân lý, thân phận con người như hoa đào trôi dạt giữa dòng
sông nghiệp dĩ :
- "Nhất thân liêu liêu đam chẩm khảm
- Mộng hồn kỷ hồi trục thắng du
- Kim triêu bệnh khởi lập giang thượng
- Vô hạn đào hoa trục thủy lưu".
- (BỆNH KHỞI Thiền sư Lương Khoan)
-
- (Thân tàn lẳng lặng gối chăn
- Chập chờn hồn mộng mấy lần dạo chơi
- Sáng nay bệnh đã khỏi rồi
- Bên sông nước chảy đào trôi nghìn trùng).
Đôi khi, thi ca Phật giáo cũng diễn
đạt tình cảm, luân lý đời thường :
- "Trục nguyệt thừa phong xuất trúc phiến
- Cố sơn hữu mẫu triêm lệ y
- Tùng giang nhất lệ minh như đán
- Dao tri ỷ môn vọng ngã quy".
- (ĐỐI NGUYỆT TƯ QUY Thiền sư Nguyên Chính).
-
- (Gió rung liếp cửa tre gầy
- Quê nhà áo mẹ thấm đầy lệ mong
- Đường tùng rạng ánh trăng trong
- Biết chăng bên cửa mẹ trông con về).
Ở Việt Nam, hòa với tâm cảm chung
của hồn thơ Đông Á, Thi ca Phật giáo cũng bát ngát sắc hương
giữa tự tình dân tộc. Những Thiền sư phần nhiều đều có sáng
tác thi văn, biểu hiện tính sáng tạo độc lập, sự nội chứng
trát vời siêu tuyệt và phong cách tự tại an nhiên. Qua các triều
đại trầm hùng của lịch sử như Lý, Trần, thi ca Phật giáo rạng
ngời với tên tuổi của những Thiền sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên
Chiếu, Huyền Quang
- "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
- Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
- Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
- Thịnh suy như lộ thảo đầu phô".
- (Thiền sư Vạn Hạnh)
-
- (Tấm thân như ánh chớp lòa
- Cây xuân tươi tốt thu qua rụng rời
- Thịnh suy mặc kệ đổi dời
- Thịnh suy tợ hạt sương phơi đầu cành).
Hay :
- "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
- Đình tiền tạc dạ nhất chi mai".
- (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
- Đêm qua sân trước một nhành mai).
Tóm lại, tùy theo mỗi không gian và
thời gian, tùy theo cảm quan nội tại của từng tác giả, thi ca Phật
giáo đã trở thành một kho tàng quý báu trong rừng hoa văn học
nghệ thuật của nhân loại.
ÂM NHẠC
Âm nhạc Phật giáo kế thừa nền
âm nhạc cổ điển Ấn Độ, xuất hiện vào khoảng 2000 năm đến 1500
trước Tây lịch. Đầu tiên là bộ SA-MA PHỆ-ĐÀ (Sàma-veda)
nói về cách ca vịnh Lê-câu Phệ-đà, từ đó đặt ra nền tảng cho
Thanh minh, Phạn bái. Phật giáo kế thừa phương pháp này và đặt ra
Già-đà (Gàthà, Hán dịch là Cô khởi tụng). Về sau, ngài
Mã Minh soạn hý khúc ca ngợi Đức Thích Tôn; ngài Long Thọ soạn
các bài tán ca vịnh Kim cang.
Vào thế kỷ II, âm nhạc Phật giáo
đã phát triển mạnh mẽ, đến thế kỷ V - VI thì rất hưng thịnh,
truyền sang các nước Tây Vực, Trung Quốc, thúc đẩy nền vũ nhạc
cung đình nhà Đường phát triển cao độ. Vở ca kịch đại quy mô
đầu tiên của Phật giáo là Long vương chi hỷ (Nagananda) do vua
Giới Nhật soạn vào thế kỷ VII. Đến đời vua Vũ Đế (nhà
Ngụy, Trung Quốc), ông Tào Thực (Trần Tư Vương), một thiên
tài về âm nhạc vốn rất say mê Phạn khúc, ông từng sáng chế
pháp Phạn bái tại Ngư Sơn, huyện Đông A, tỉnh Sơn Đông. Nền tảng
Thanh minh Trung Quốc từ đây mới được thiết lập, thay vì dùng
cách ca xướng "Thất âm giai" như Ấn Độ thì Trung Quốc dùng
"Ngũ âm giai". Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều
Phạn bái Ấn Độ, như Thanh minh của Nhật Bản hiện đại vốn thuần
túy Phật giáo, không bị dân gian hóa như Phạn bái của Trung Quốc.
Ngoài Phạn bái của Trung Quốc thì
âm nhạc Phật giáo không có sáng tạo nào lớn. Năm 736, ở Nhật
Bản có truyền bá một nghiên cứu về vũ nhạc Ấn Độ của một vị
tăng thuộc nước Lâm Ấp (tên một nước nhỏ ngày xưa, có lẽ
là ở vùng miền Trung Việt Nam hiện nay) tên là Phật Triết (Fattriet),
rất nổi tiếng. Các nước Thái Lan, Campuchia cũng có sử dụng vũ
nhạc với nhạc khí khác với hình thái nguyên thủy ở Ấn Độ,
phần lớn là dùng nhạc khí thuộc hệ thống Nam Dương.
Âm nhạc Phật giáo phát triển theo
sự truyền bá giáo lý, truyền đến các nước Đông Nam Á và mang
tính chất đặc thù của mỗi dân tộc. Các nước Phật giáo theo hệ
Bắc truyền thì ngoài những loại hình âm nhạc mang tính chất phổ
cập, Phạn bái được sử dụng rất sinh động trong nghi thức lễ
tụng, mỗi miền có mỗi âm điệu riêng biệt, vừa sáng tạo, thiền
vị, vừa dễ thu phục lòng người.
Nhạc khí được sử dụng trong âm
nhạc Phật giáo cũng rất đa dạng. Thông thường có ba loại : Huyền (Vìnïà),
quản (Vamïsùì) và đả (Dundubhi). Từ thế kỷ II về sau có
sử dụng thêm đàn Tỳ bà 5 dây, hoặc Trang-ân (Tsaun, xưa có 7
dây, nay thường dùng 13 dây). Khi âm nhạc Phật giáo truyền sang
các nước khác thì thường sử dụng kết hợp với các nhạc khí
đặc biệt của mỗi dân tộc, như Ngạc cầm (Magyun) của Miến
Điện; tang, linh, mõ, khánh, bạt
của Tây Tạng, Trung Quốc, Việt
Nam.
Tóm lại, Phật giáo có một nền âm
nhạc lâu đời, lại có đặc điểm là rất thuần túy, dù bị biến
thể qua sắc thái của mỗi dân tộc, nhưng âm nhạc Phật giáo chính
là lễ giáo, nhằm dắt dẫn con người hướng thiện, chứ không kích
động hoặc ru ngủ người đời vào cảnh túy sinh mộng tử.
ĐIÊU KHẮC
Ở Ấn Độ cổ đại, việc điêu
khắc, đắp vẽ tượng Phật bị xem là việc xúc phạm thần thánh,
nên chỉ vẽ các hình ảnh tượng trưng như pháp luân, cội Bồ-đề,
dấu chân Phật. Về sau, Đại thừa giáo phát triển, kinh điển mới
nói nhiều đến nhân duyên công đức của việc tạo tượng.
Việc đắp tạo và điêu khắc
tượng Phật đến thế kỷ I mới bắt đầu thịnh hành. Đại tháp
Amaravati được xây dựng vào thế kỷ IV - V, trên lan can có Phật
truyện đồ với những dụng cụ bằng vàng. Di phẩm nổi tiếng nhất
về nghệ thuật điêu khắc là tượng khắc trong động đá Ajantà ở
Panjab, được khen là "Cung nghệ thuật phương Đông". Bên trong
có nhiều bích họa, còn bên ngoài có nhiều điêu khắc, các nhân
vật đều rất trang nghiêm sinh động, đậm hơi thở tôn giáo. Phía
Bắc Ấn Độ thì có phong cách nghệ thuật Kiền-đà-la. Di tích Bamian
ở Afghanistan có tượng Đại Phật trên vách núi nổi tiếng thế
giới cao đến 52m. Ngoài ra còn có động Angkor ở Campuchia,
Bà-la-phù-đồ (Boro-budur) ở Java
đều là nghệ thuật
điêu khắc đá tinh vi. Ở Trung Quốc thời kỳ đầu, nghệ thuật
điêu khắc chịu ảnh hưởng Kiền-đà-la và Ấn Độ, đến đời
Đường, Tống thì có phong cách riêng. Nổi tiếng có cách đắp
tượng truyền thần của Dương Huệ đời Đường, các ông Đái
Quỳ, Lý Nhã, Trương Tụ đời Tống.
Nói chung, Phật tượng có nhiều
loại, được đúc tạo bằng nhiều chất liệu như vàng, bạc, gỗ,
đá, xi măng, thạch cao
Kiểu dáng cũng rất đa dạng, nổi tiếng
ở Ấn Độ là các vùng Kiền-đà-la, Mạt-thố-la. Khi Phật giáo
truyền đến các nước Trung Quốc, Nhật Bản, nghệ thuật điêu khắc
tượng Phật phát triển cực thịnh. Phật tượng phần nhiều được
đúc bằng kim loại để thờ trong chùa viện, có khi điêu khắc trong
các hang động, tạo tượng to lớn giữa cảnh quan thiên nhiên để
mọi người chiêm bái, hoặc khắc chạm cả sườn núi, vách núi
làm Đại Phật.
Về hình thức, tùy theo quan niệm
thẩm mỹ và tâm hồn của dân tộc qua các triều đại mà tượng
Phật có khác nhau. Lịch sử tạo tượng ở Trung Quốc biểu hiện rõ
đặc điểm này, như tượng thời 16 nước Ngũ Hồ (khoảng thế
kỷ III-IV) thì kích thước nhỏ, phong cách thuần phác, cổ điển
và hào phóng, giống với nghệ thuật tạo tượng Kiền-đà-la và
Mạt-thố-la, biểu hiện nhận thức thẩm mỹ của dân du mục phương
Bắc. Tượng Phật thời kỳ khắc tạc ở động đá Vân Cương (460 -
493) thì đường nét đơn giản, hai má đầy, mắt dài và sắc, sống
mũi ngay thẳng, môi dày, tai lớn, vai rộng, cổ thô, biểu hiện tình
cảm và tướng mạo của bậc đại trượng phu trong quan niệm của
người Trung Quốc. Đến thời kỳ tạo tượng ở Long Môn (494 - 550 )
thì tượng Phật lại nhỏ nhắn, khuôn mặt dài, thân hình yểu điệu,
cao và ốm
Nói chung, càng về sau tượng Phật càng được nhân
cách hóa, là do ảnh hưởng cung đình Trung Quốc mà các thời đại
Tùy, Đường, Tống, tượng Phật được khắc tạo rất đẹp, đầy
đặn và sinh động, y quan lộng lẫy, nét mặt hiền từ.
Ở Việt Nam, nghệ thuật tạo tượng
cũng phát triển rất sớm. Từ khi hình thành trung tâm Phật giáo Luy
Lâu, các tượng Phật đã được tôn tạo một cách tỉ mỉ, nổi
tiếng nhất ở Việt Nam là tượng gỗ, chạm trổ công phu, như
tượng Man Nương, Kim Đồng Ngọc Nữ ở chùa Dâu (chùa Pháp
Vân), chùa Keo (chùa Pháp Vũ) ở Hà Bắc, các tượng
La-hán, tượng Tuyết Sơn ở chùa Mía (chùa Sùng Nghiêm), chùa
Tây Phương ở Hà Tây. Các tượng Phật ở các chùa Dư Hàng,
chùa Phổ Chiếu ở Hải Phòng sau này cũng ảnh hưởng rất lớn
hình thái tượng ở Hà Tây, vừa sinh động mà lại vừa hiền
từ, biểu hiện rõ nét suy tư và tình cảm của tâm hồn người
Việt. Các ngôi chùa cổ ở miền Nam Việt Nam cũng còn bảo lưu rất
nhiều tượng Phật bằng gỗ quý, nhưng tượng Phật ở vùng này
lại ảnh hưởng Phật giáo hệ Nam truyền từ Cao Miên truyền sang,
tượng Phật đen đúa, khắc khổ hơn.
Ngày nay, nghệ thuật điêu khắc,
đắp vẽ tượng Phật đã phát triển đến mức hoàn mỹ. Nghệ
thuật truyền thống kết hợp với kỹ thuật và thẩm mỹ Tây phương,
như kỷ hà học, lập thể
làm cho nghệ thuật điêu khắc, phù
điêu, đắp tạo tượng Phật ngày càng tinh xảo và hiện đại. Nhưng
giá trị cổ điển vẫn là giá trị văn hóa, giúp chúng ta hiểu rõ
được nhận thức và tâm hồn của mỗi dân tộc qua nhiều thời
đại khác nhau.
KIẾN TRÚC
Trong các loại hình nghệ thuật Phật
giáo, nghệ thuật kiến trúc là phong phú nhất, chúng bao gồm rất
nhiều hình thức, và mỗi hình thức cũng có nhiều cách thể hiện
khác nhau.
Khi Đức Phật còn tại thế, tương
truyền đã có tinh xá Kỳ Viên thiết trí đầy đủ bản điện, liêu
xá, nhà kho, nhà khách, nhà bếp, nhà kinh hành, nhà tắm, tiền
đường, ao sen, nhà dưỡng bệnh. Nhưng những kiến trúc đương thời
còn lại về sau chủ yếu có Tháp (Stùpa), Tháp viện (Caitya-grïha),
Tăng viện (Vihàra), Tháp nhọn (SÙikhara). Thông thường
các hình thức này cấu thành một ngôi già lam, vật liệu chủ yếu
là gạch, đá.
Các hình thái kiến trúc Phật giáo
nói chung có các loại đặc trưng như Tháp, động đá, Tăng viện,
ngọc viên, cửa, thạch trụ, tràng, mạn-đồ-la. Chúng ta tuần tự
khảo sát các hình thức này.
1. Tháp : Tháp là nơi thờ
xá-lợi Phật nên có ý nghĩa tôn giáo rất lớn. Tháp có nhiều
kiểu dáng : Hình tròn tự nhiên, kiểu bát úp hình bán cầu (bắt
đầu vào thời vua A-dục), hình vuông. Kiểu bát úp là phổ biến
nhất, như đại tháp ở Sanchi, ở chính giữa cất giữ bình đựng
xá-lợi, bốn phía có lan can, cửa tháp mở. Đặc điểm của loại
tháp này là đường kính của mặt bằng lớn hơn chiều cao của
tháp, về sau dần dần tăng cao. Khi truyền sang Trung Quốc, tháp thường
có 3 tầng, 5 tầng hay nhiều tầng, được làm bằng gỗ, bằng đá.
2. Động đá : Động đá được
kiến tạo xưa nhất là động Bhaja, động Komdane ở Ấn Độ. Ở Trung
Quốc có động Vân Cương ở Đại Đồng là kỳ vĩ nhất, được
tạo từ thời Bắc Ngụy, thời Tùy. Ngoài ra còn có các động Long
Môn ở Lạc Dương tỉnh Hà Nam, các động ở núi Thê Hà, Nam Kinh,
núi Thiên Long ở Thái Nguyên, Sơn Tây
Bên trong động đá bảo
tồn rất nhiều tôn tượng điêu khắc và hội họa.
3. Tăng viện : Tăng viện (Vihàra)
thường có 4 hình thức : Tăng viện đơn độc, tăng viện một tầng,
nhiều tầng và bình địa. Trong động đá cũng có các tăng viện
được bảo tồn, tương đối thường thấy có tăng viện hình vuông
do ba mặt hợp thành, không gian rộng rãi rất giống với tăng
phường ba mặt của Trung Quốc, Nhật Bản. Tăng phường bốn mặt phối
hợp với Trung đình ngay ngắn bao quanh. Hình chế này là từ
Kiền-đà-la dần dần phổ cập đến Trung Ấn Độ. Tăng viện ở Ấn
Độ lúc đầu được làm bằng gỗ, sau được thay thế bằng đá.
Trong Tăng viện còn có các kiến trúc cần thiết cho sinh hoạt đại
chúng như Từ đường, Giảng đường. Ở Trung Quốc phần nhiều lấy
7 ngôi đường tháp làm 1 đơn vị, gọi là Thất đường già lam;
Nhật Bản về sau cũng theo hình chế này. Về kiểu dáng, tên gọi
cũng như công dụng của mỗi điện đường không theo một quy tắc
nhất định, nói chung cực kỳ phong phú và đẹp đẽ.
4. Ngọc viên : Ngọc viên là bức
tường đá bao bọc chung quanh các kiến trúc già lam, tháp, tăng
phòng. Trên ngọc viên thường có phù điêu tạc hình sư tử, voi,
trâu, ngựa và pháp luân, cội Bồ-đề, Bản sanh đàm. Nhật Bản
rất thịnh hành kiến trúc ngọc viên này. Một số chùa viện ở cố
đô Huế, Việt Nam thường có kiểu thức này.
5. Thạch trụ : Trụ đá được
hình thành từ thời vua A-dục ở Ấn Độ. Vua A-dục (Asoka) có
khắc chiếu thư sắc dựng trụ đá trong khắp quốc gia. Đầu trụ hình
cái chuông, phía trên có tượng voi, sư tử, luân bảo v.v
6. Tràng : Tràng (Dhvaja) có
nghĩa là cờ hoặc tiêu chí. Ở Ấn Độ, kiểu dáng tràng có ba
loại khác nhau :
- Hình dáng giống như lá cờ hiện nay.
- Hai bên lọng tháp đều có dựng một cây gậy tre
nghiêng.
- Hai bên trước tháp đều có một tảng đá (như
bức bình phong ở Trung Quốc).
7. Mạn-đồ-la : Mạn-đồ-la là
một cái đàn hình tròn, hình vuông, hình hoa sen hay tam giác, thường
được làm bằng vàng, bạc
dùng để phối trí hình tượng,
chủng tử, ấn, chân ngôn của chư tôn trong Mật giáo.
Nói chung, kiến trúc Phật giáo của
các nước thường tùy theo nhân văn và địa lý ở mỗi vùng mà
có điểm đặc sắc riêng. Các kiến trúc ở Tích Lan phần lớn
giống ở Ấn Độ; còn Miến Điện, Thái Lan, Campuchia thì có xen tạp
kiến trúc bằng gỗ. Bà-la phù đồ (Boro - Budur) ở Java (Indonesia)
là một kiến trúc bằng đá đại quy mô biểu hiện cho Mạn-đồ-la 9
tầng của Mật giáo. Các đại tự viện ở Tây Tạng thì phần nhiều
được xây cất trên những gò đất nghiêng dưới chân núi, phối
hợp với nhiều loại kiến trúc liên tiếp tại một chỗ, tạo thành
một cảnh quan đường phố như phong cách châu Âu. Kiến trúc Phật
giáo Trung Quốc phần nhiều mô phỏng theo hoàng cung, lấy sự đối
xứng để phối hợp tả hữu, sơn môn và điện Thiên vương, điện
Đại hùng, Pháp đường, Phương trượng đều xếp thẳng hàng. Hai
bên trái và phải theo thứ lớp thiết trí lầu chuông trống, điện
già lam và điện Tổ sư, khách đường và Vân thủy đường
Kiến trúc của Phật giáo Trung Quốc
có thể nói đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật nhờ sự bảo trợ
của triều đình. Các nước Phật giáo theo hệ Bắc truyền phần nhiều
ảnh hưởng phong cách này, nhưng màu sắc và vật liệu thì tùy
không gian và thời gian mà có thay đổi. Nhật Bản thì nhẹ nhàng
đơn giản, Việt Nam thì ấp ủ hài hòa. Nói chung, kiến trúc Phật
giáo là nét son trong văn hóa nghệ thuật phương Đông.
CÔNG MỸ NGHỆ
Phật giáo cũng có các công nghệ
phẩm khá phong phú. Các tác phẩm xưa nhất là bình đựng xá-lợi
được làm bằng kim loại vàng, bạc, đồng hoặc bằng ngọc, gỗ, đá
v.v
Thông thường các loại bình này được cất giữ trong tháp
Phật. Tác phẩm sớm nhất hiện còn là tác phẩm có từ thế kỷ
VII trước Tây lịch.
Các loại khí cụ mà Phật giáo
thường dùng gọi chung là Phật cụ hoặc đạo cụ, có rất nhiều
hình thức chủng loại. Ở đây chia làm 7 loại tổng quát :
1. Vật dùng để trang nghiêm tôn
tượng : Như lọng, phướn, tràng hoa, chuỗi anh lạc
2. Vật để cúng dường : Như lò
hương, chân đèn, bình hoa, giỏ hoa, bàn
3. Nhạc khí : Hồng chung, trống,
khánh, chiêng đồng, linh, mõ.
4. Dung khí : Như rương đựng kinh,
rương đựng ca-sa.
5. Pháp phục và vật cầm của chư
tăng : Như ca-sa, tích trượng, xâu chuỗi, cây gãi lưng.
6. Pháp cụ của Mật giáo : Như
chày kim cang, linh kim cang, chày yết-ma, v.v
7. Các tác phẩm có liên quan đến
kiến trúc, điêu khắc : Như trù tử, khám thờ Phật, Phật đàn,
lồng đèn v.v
Nói chung, các loại công mỹ nghệ
xuất hiện rất nhiều. Nhờ sinh hoạt Phật giáo được kết hợp
với dân gian cho nên các loại pháp cụ, cúng cụ cũng như những
khí cụ bình thường cũng được chế tác với một số lượng
lớn, tạo thành một mạch ngầm của nền mỹ thuật Phật giáo mà
bình thường ta ít để ý, song chúng có ảnh hưởng sâu đậm, tác
động trực tiếp đến quan niệm tín ngưỡng dân gian. Tuy các tác
phẩm sau này có trộn lẫn các nền nghệ thuật khác, nhưng ảnh
hưởng của Phật giáo vẫn có thể phân biệt để biết một cách
dễ dàng.
KẾT LUẬN
Phật giáo là một tôn giáo có ảnh
hưởng sâu đậm trong lòng các dân tộc Á Đông. Tác dụng của
tôn giáo, chính yếu là đời sống tinh thần. Văn hóa biểu hiện
được đời sống ấy. Do vậy, chỉ cần nhìn vào văn hóa, người
khác có thể đánh giá được nét đẹp của đời sống các dân
tộc Á Đông. Nghệ thuật là sự thể hiện cụ thể nhất giá trị
văn hóa, cho nên việc tìm hiểu, bảo trì và phát huy nghệ thuật
Phật giáo đối với hàng Phật tử trí thức là vô cùng quan
trọng.
Nhìn vào các loại hình nghệ thuật
Phật giáo chúng ta có quyền tự hào về sự đa dạng và phong phú
của nó. Bài viết này chỉ khái quát các loại hình, nhưng chỉ mới
gọi tên chúng như một sự liệt kê. Giá trị mỹ học của từng
tác phẩm liên quan với tư tưởng, triết lý của chúng mới là
đề tài lớn. Nếu tìm hiểu được ngọn nguồn của nền nghệ thuật
ấy, chúng sẽ cho ta một sự hiểu biết đúng đắn và chân xác về
tác dụng của chúng đối với tâm hồn như thế nào. Đôi lúc do
không hiểu, các tác phẩm nghệ thuật đã bị ngắm nhìn dưới cái
nhìn thần quyền, huyền bí, hay bị xem thường, lãng quên trong sự vô
tình hay thiếu tri thức của con người. Người xưa hết sức kỹ
lưỡng khi chế tác, thiết kế các tác phẩm, nhờ đó chúng có
mặt lâu dài với thời gian và vẫn được tôn trọng, bảo tồn.
Ngày nay có một số chùa viện do
không nắm được hết ý nghĩa quan trọng của các loại hình nghệ
thuật, cho nên đã không tuân thủ theo những quy tắc chung hay mô
phỏng theo những dạng thức của các nền văn hóa khác, vô tình
chúng ta không những đánh mất chính mình, đánh mất cái kho tàng
vô giá của người xưa để lại, mà còn hạ thấp chính mình. Khi
xây dựng một ngôi chùa, tạc một pho tượng, kiến trúc một tòa
tháp, chế tác một cúng cụ
, tất cả cần phải tìm và hiểu
được giá trị độc đáo của chúng, ngỏ hầu bảo tồn và phát huy
nền nghệ thuật trác vời của Phật giáo. (Tổng hợp các tư liệu
từ Phật Quang Đại Từ Điển)
Mạnh Đông năm Canh Thìn
http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/012-nguyenhien-loaihinh.htm