- Tập Tục Sóc Vọng
- và ảnh hưởng Phật
giáo Đại thừa ở vùng đất Nam bộ
Thích Đồng
Bổn
Văn hóa xã hội và tín ngưỡng tôn
giáo là một hiện tượng khảo sát của văn minh nhân loại. Như chúng ta
đã biết, văn hóa Việt Nam nói chung, hay các tập tục - tín ngưỡng - lễ
hội nói riêng, trải qua quá trình phát triển lịch sử của dân tộc đã
chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa, tôn giáo vốn đã du nhập
vào nước ta hòa quyện để trở thành truyền thống dân gian của dân tộc.
Dĩ nhiên, những truyền thống dân gian nguyên thủy của các dân tộc người
bản xứ được coi là thủy tổ của dân tộc Việt dần dần được pha
trộn với các nền văn hóa khác mà phát triển, thì chủ thể không còn
là bản sắc ban đầu của nó. Đó là một hoàn cảnh mang tính đặc thù của
người Việt, vốn dĩ thuyết minh cho phần nghiên cứu chuyên đề này là
phong tục tập quán mang ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa ở vùng đất
Nam bộ.
Một điển hình cho hình thái này
là Tập tục Sóc, Vọng, một tập tục gắn liền với đời sống người
Á Đông, và đặc biệt là với dân tộc Việt ở miệt đồng bằng Nam bộ,
nơi mà mọi sinh hoạt, giao thông, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng đều ít
nhiều phụ thuộc vào các con nước thủy triều trên sông rạch.
I. TẬP TỤC SÓC
VỌNG.
a) Nguồn gốc:
- Sóc: là tên gọi ngày bắt đầu
của một tháng (1), là trước, mới (2), là bắt đầu, khởi đầu (3).
- Vọng: là ngày rằm (tức
ngày 15) tháng âm lịch. Vọng có nghĩa là trông xa (1), là ngày mặt trăng mặt
trời đối xứng nhau ở hai cực (2). Người xưa cho rằng vì thế mặt trời
mặt trăng nhìn rõ nhau, thấu suốt ánh sáng nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn
con người trở nên sáng suốt, trong sạch, đẩy lùi được mọi đen tối
vẩn đục cái tâm vốn sáng suốt, trong sạch từ trong bản thể. Chữ Vọng
còn có nghĩa trông mong (3), ước mong, người xưa lấy ý nghĩa này kết hợp
với ý nghĩa trước để làm ngày cầu nguyện. Người ta tin rằng ở ngày
này nhờ sự thông suốt của mặt trời, mặt trăng mà thần thánh, ông
bà, tổ tiên sẽ thông thương với con người, sự cầu nguyện sẽ đạt tới
sự cảm ứng với các cõi khác và sự thông cảm tha thứ sẽ được đáp
lại.
b) Y' nghĩa:
Trải qua quá trình lịch sử và ảnh
hưởng của các trào lưu tôn giáo, ngày Sóc, Vọng được nhận thức ở mỗi
nơi có khác ít nhiều tùy theo con người, thổ nhưỡng và tín ngưỡng chủ
đạo. Nhưng việc cúng lễ ở hai ngày này giống nhau và coi như là một lễ
chung cho cả hai ngày không khác. Người xưa coi ngày Sóc, Vọng là ngày tưởng
nhớ tổ tiên, cúng bái ông bà, là ngày nghỉ ngơi trong lao động sản xuất
và là ngày chay tịnh để sửa mình.
Theo truyền thống của Nho, Lão
giáo, ngày Sóc, Vọng là ngày "Thiên địa mở thông", là sự thông
thương của tất cả mọi chướng ngại giữa ba cõi (Thiên, Địa, Nhân).
Trời sẽ chứng giám cho hành vi của con người, ông bà tổ tiên sẽ về cảm
nhận lòng thành của con cháu, và quỉ thần ám chướng sẽ lui khỏi những
ngày này không nhiễu hại ai.
Ngày Sóc, Vọng còn có ý nghĩa
"Cát tường" tức là ngày lành tốt nhất trong tháng. Và ý này
được chấp nhận chung cho cả quan niệm phương Đông ở Nho - Phật - Lão,
như ngày Chúa nhật của phương Tây với Thiên Chúa giáo.
Đối với Phật giáo, ngày Sóc, Vọng
là ngày "Trưởng tịnh" tức là ngày trong sạch nhất. Ngày này, những
tu sĩ ở chùa thường làm lễ Bố-tát tức là kiểm điểm hành vi của
mình và tụng giới luật, còn lễ chính thức cho nhân dân và người theo
đạo Phật đó là lễ "Sám hối" nên còn được gọi là ngày Sám
hối. Ngày này mọi người tụ tập về chùa vào lúc màn đêm vừa buông
xuống để cùng các vị Tăng lễ Phật, sám hối cầu nguyện bỏ dữ làm
lành sửa đổi thân tâm.
c) Sự du nhập:
Ngày Sóc, Vọng có điểm xuất phát
từ khi hình thành nên âm lịch ở nước Trung Hoa Cổ đại. Trải qua bao thời
đại, nước Trung Hoa gồm thâu thiên hạ trở thành một đất nước cường
thịnh, phát triển mọi mặt về văn hóa, quân đội và Nhà nước phong kiến.
Vua quan phong kiến nước Trung Hoa vẫn tiếp tục mộng bá quền, coi mọi
dân tộc đất nước lân bang khác là chư hầu, dùng bạo lực xâm lược
để trấn áp và bành trướng nền văn hóa của họ để cai trị, đồng hóa.
Chính vì thế văn hóa Trung Quốc đã
truyền vào Việt Nam và nhân dân ta đã hấp thụ âm lịch cùng chấp nhận
nó. Ban đầu ảnh hưởng Lão giáo, Khổng giáo gắn rất chặt vào các
ngày lễ theo văn hóa Trung Quốc, nhưng về sau nhân dân chỉ chấp nhận sử
dụng âm lịch và biến ngày Sóc, Vọng thành ngày cúng ông bà của dân tộc
mình, rồi tiếp tục nhận ảnh hưởng Phật giáo vào tập tục đó để
đầy dần ảnh hưởng Nho - Lão giáo ra, hình thành nên nét riêng của dân
tộc trong ngày Sóc, Vọng.
Tập tục Sóc, Vọng theo chân những
người Việt di dân khai phá vùng đất mới mà vào Nam bộ. Chính ở đấy,
đã hòa hợp vào những con người tứ xứ và đất đai mà có những hình
thái sinh hoạt đặc thù mà người viết đang nghiên cứu cái đặc thù ấy
nơi bài này.
II. ẢNH HƯỞNG
PHẬT GIÁO CHI PHỐI TẬP TỤC NHƯ THẾ NÀO?
a) Ngày Trưởng tịnh:
Như đã dẫn, ngày Sóc, Vọng còn
được gọi là ngày Trưởng tịnh, sám hối và ăn chay, ba ý nghĩa ấy xuất
phát từ ảnh hưởng của Phật giáo.
Đúng ra, ngày Trưởng tịnh đã
được Phật giáo hóa từ khi Phật giáo Đại thừa truyền vào Trung Hoa ở
phương Bắc và truyền vào các nước theo Phật giáo Tiểu thừa ở phương
Nam. Và ở Nam bộ, là điểm hội tụ của cả hai hệ phái Phật giáo ấy
trong tập tục Sóc, Vọng, vì Phật giáo Tiểu thừa sử dụng lịch Ấn Độ
không sử dụng âm lịch Trung hoa, nhưng ngày làm lễ Bố-tát của họ cũng
được quy định bằng ngày trăng sáng và ngày không trăng. Vì vậy, ngày
Sóc, Vọng ở Nam bộ, nơi vùng đất cũ của người Khơme còn sinh hoạt
tín ngưỡng Phật giáo Tiểu thừa, cộng với tín ngưỡng Phật giáo Đại
thừa được mang đến từ người Việt lưu cư, đã hòa quyện nhau trở
thành ngày của Phật giáo mang đặc điểm khác biệt với Trung bộ và Bắc
bộ về Sóc, Vọng.
c) Ngày Sám hối:
- Đêm mồng một:
Ở Nam bộ không có thói quen gọi
là ngày Sóc, Vọng, mà người ta thường gọi một cách quen thuộc là ngày
rằm (tức ngày Vọng - 15) và ngày mồng một (tức ngày Sóc - 30,1). Không
khí của ngày rằm, mồng một ở đây được coi là những ngày quan trọng
hơn mọi ngày trong tháng.
Nhân một chuyến đi khảo sát tại
Bình Đại, Bến Tre cho bài khảo cứu này vào một tối 29 (vì là tháng thiếu),
mới hơn 6 giờ chiều, trời đã tối không thấy rõ mặt người, đêm cuối
tháng quả là một đêm trừ tịch, lại ở vùng quê chưa hề có điện,
người viết ngồi từ một quán ở đầu xóm nằm trên con đường cái của
làng, đã nhìn thấy một quang cảnh rộn rịp khi tiếng chuông chùa bắt đầu
ngân vang trong đêm vắng. Từng nhà, từng nhà người ta đi ra với tay cầm
những con cúi (<$F Một loại bó bằng lá dừa khô, đốt lên để cầm
đi đường.>1) đưa tới đưa lui để có ánh sáng soi đường, đồng một
hướng đổ về ngôi chùa có tiếng chuông ngân.
Thật là một cảnh tượng sống động
trong đêm với hằng loạt đốm lửa con cúi đổ về một hướng như lễ
hội rước đèn. Nào là đàn ông, đàn bà, các cụ già và một ít các người
trẻ, đa số là nữ như tục ngữ có câu: "Đình là của các ông,
chùa là của các bà". Họ ăn mặc khá tề chỉnh so với lúc sinh hoạt
ban ngày, người nào tay cũng có bó bông, hoặc nhang, trái cây, họ đi với
tâm trạng thơ thới nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng trang trọng để chuẩn bị dự
lễ Sám hối nơi ngôi chùa làng mà tiếng chuông vang đang dần dần thôi
thúc.
Người ta không đi chùa hết, những
người ở lại nhà và các gia đình không theo Phật giáo nhưng thờ ông bà
bày đồ cúng ra bàn Thiên (Loại bàn như cái khay đóng trên một cây cột
trước nhà) lên nhang đèn cúng vái trời Phật giữa đêm tối như một chuỗi
hoa đèn trông thật có ý nghĩa. Một bà lão ở quán cho người viết biết:
"Đó là tục lệ thường xuyên của dân xứ này trong đêm rằm mồng một,
ngày thường thì không như vậy, họ chỉ thắp hương nơi bàn Thiên mà
thôi, không có sáng sủa như đêm nay.
- Đêm trăng rằm:
Đặc tính của đêm trăng rằm là
con nước đầy. Vì thế, nét sinh hoạt trên quê hương sông nước là một
nét đặc trưng của Nam bộ trong sinh hoạt nhân dân, nhất là đối với ngôi
chùa ở miệt này.
Một chuyến đi khác tại Nha Mân,
Đồng Tháp vào trong đêm trăng tròn, người viết được chứng kiến ánh
trăng trải đầy trên mọi con sông rạch, lũ lượt ghe xuồng đổ về ngôi
chùa Hội Phước, ngôi chùa lớn của địa phương nằm bên con rạch. Trước
bến chùa, đã đầy chật ghe xuồng neo đậu, tiếng chào hỏi, những bó
bông vườn hay trái cây, nhang đèn được đem đến dâng cúng lên chùa.
Ngày hội trăng Rằm này là nơi gặp gỡ tốt nhất của họ sau nửa tháng
lao động. Họ đến chùa dự lễ Sám hối xong, còn ngồi nán lại hiên
chùa hàn huyên, lớp trẻ thì dạo chơi ở vườn hay các quán nhỏ, chỉ mở
ra vào những ngày này. Sau một khoảng thời gian độ 9 giờ đêm, bến ghe
lần lượt tan khi họ ra về. Lúc này trăng đã chếch bóng trên bầu trời,
đối với người dân làng đi chùa lễ Phật đêm Rằm, đây là khoảnh khắc
sung sướng nhất, không vội vã, với tâm trạng an lành, ung dung chèo xuồng
dưới ánh trăng đêm tỏa xuống mặt sông của con nước Rằm đầy ắp, là
cả một sự tươi mát thơ mộng và nhẹ nhàng của tâm hồn họ sau khi lễ
Phật, mà không dễ gì người ở thành thị có được.
Những hình ảnh và cuộc sống như
thế lần lựa theo ngày tháng trôi đi lập lại trên khắp xóm làng Nam bộ,
nó in vào tâm trí con người khi lớn lên, dù cho họ có ra đi phương trời
nào đi nữa, vì cuộc sinh kế, vẫn không thể phai mờ trong ký ức về
quê hương của mình, đậm nét ngôi chùa, đêm Rằm, lễ Phật, vui chơi...
Hình tượng nghệ thuật này từng được một thi sĩ thể hiện cảm xúc:
Mỗi tối dân quê đón gió lành,
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh,
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi,
An ủi dân hiền mọi mái tranh...
Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào,
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao,
Dân làng tắm gội lên chùa lễ,
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào...
(Trích bà thơ "Nhớ chùa" của
Nguyên Không, đăng trên tạp chí Phật giáo Việt Nam, xuất bản năm 1956,
Đà Lạt.)
c) Ngày ăn chay:
Ăn chay, hay còn gọi là ăn lạt, phát
xuất từ quan niệm từ bi của Phật giáo Đại thừa, khuyên tối thiểu mỗi
người theo đạo Phật phải tập ăn chay mỗi tháng là hai ngày rằm và mồng
một.
Ngày chay là một bộ mặt khác của
chợ búa - điểm hội tụ sinh hoạt sôi động nhất cho nhu cầu con người
hàng ngày. Những loại thức ăn chay được bày bán, những quán đồ chay
được mời chào và phong cách mọi người cũng khác đi khi họ ăn chay. Một
điểm nữa là bông trái được bày bán la liệt, có thể nói ngày Sóc, Vọng
là một ngày đầy màu sắc với bông hoa rực rỡ, người làm vườn thì
chở hoa ra chợ và mỗi người đi chợ đều mang về một bó hoa trong giỏ.
Nét nghiêm túc được thể hiện nơi mọi người, việc sát sanh tranh cãi
được hầu như gác lại để dành cho cái thiện ở mỗi người thể hiện
ra.
III. CÁC HÌNH THỨC
SINH HOẠT NHÂN DÂN
a) Sự khác biệt giữa các ngày
Sóc, Vọng trong năm:
Mặc dù năm tháng trôi qua như mặt
nước hồ phẳng lặng đều đặn như nhau, thế nhưng ở cùng ngày Sóc, Vọng
trong năm cũng có những hình thức sinh hoạt khác biệt nhất định của nó.
Trong đó ảnh hưởng Phật giáo hầu như gói gọn tất cả mọi ngày lễ
ấy. Có thể lập được biểu đồ để so sánh các ngày lễ lớn của
Sóc, Vọng như sau theo ảnh hưởng Phật giáo:
NGÀY SÓC
- 30 - 1 tháng Giêng (Tết âm lịch),
Lễ Vía Phật Di-lặc
- 30 tháng Bảy: Lễ Vía Địa Tạng Bồ-tát.
NGÀY VỌNG
- Rằm tháng Giêng: Lễ Cầu phúc, cầu
an, hành hương.
- Rằm tháng Hai: Lễ Phật nhập Niết bàn.
- Rằm tháng Tư: Lễ Phật đản.
- Rằm tháng Bảy: Lễ Vu-lan, báo hiếu, xá tội vong nhân.
- Rằm tháng Mười: Lễ Cúng rằm.
Trong đó:
- 12 ngày Sóc
- 2 Đại lễ.
- 10 lễ bình thường.
- 12 ngày Vọng
- 5 Đại lễ.
- 7 Lễ bình thường.
b) Những quan niệm khác nhau về
ngày Sóc, Vọng:
Cái gì đã đi vào truyền thống
dân gian thì đều mang trong tự bản thân nó tính chất hòa nhập xã hội
và phản ảnh xã hội của địa phương chấp nhận nó. Bên cạnh đó, là
quan niệm của các tầng lớp nhân dân trong mối quan hệ tập tục này về
hình thức sinh hoạt và tâm lý. Đi sâu vào khảo sát, ta thấy các quan niệm
của họ về ngày Sóc, Vọng như sau:
1. Đối với người tín ngưỡng
dân gian:
Tín ngưỡng dân gian ở đây thể
hiện ở đình và miếu. Một bộ phận nhân dân trong ngày Sóc, Vọng sẽ
đến đình hay miếu của làng mình để đốt nhang, chưng dọn quả phẩm cúng
Sóc, Vọng. Thực ra ngày Sóc, Vọng chỉ là ngày lễ bình thường mở cửa
cho mọi người đến viếng và lễ như thường lệ mà thôi, chứ không phải
là có lễ gì đặc thù trong những ngày này. Bởi đó là ngày nghỉ ngơi của
nhân dân với quan niệm hướng về đạo lý truyền thống.
+ Đình là biểu tượng của làng,
quan niệm về ngày Sóc, Vọng mang ảnh hưởng Nho giáo, mặc dù các Thần
làng được thờ là các vị công thần thời phong kiến Việt Nam có công
ở làng hoặc là anh hùng dân tộc. Sinh hoạt chủ yếu là tế lễ định kỳ
với Lễ Sinh dâng cúng, và họp mặt hội đình để bàn việc làng nước,
trùng tu, tương tế v.v... Đối tượng chính của đình là các bô lão chức
sắc của làng và nam giới, họ đến đình để được phân công các công
việc và thực hiện như một bổn phận đối với nghĩa vụ công cộng của
địa phương mình.
+ Miếu, hay còn gọi là miễu, là nơi
tín ngưỡng dân gian thờ Bà, gồm các vị thánh dân gian như: Năm Bà Ngũ Hành,
Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ, Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu), Bà Mẹ Sanh, Mẹ
Độ, Thánh Anh, Kim Huệ v.v... Và đặc biệt là bất cứ miếu nào cũng đều
có thờ Quan Thế Âm Bồ-tát, mà dân gian gọi là Phật Bà. Ngày Sóc vọng
ở miếu có phần rộn rã hơn đình, qui tụ một bộn phận nam phụ lão
ấu mà đa số là phụ nữ. Sinh hoạt của họ trong những ngày này là
cúng rằm và lễ cầu an, tụng kinh Phổ Môn, kinh của Phật giáo. Sau đó
là họp hội miếu bàn việc tương tế phước thiện giúp đỡ những hoàn
cảnh tang tế khó khăn của người trong Hội.
2. Đối với người theo đạo Phật:
Phật giáo đối với nhân dân Nam bộ
có mối gắn bó lâu đời trên mảnh đất này, hóa quyện với đạo Phật
của người Khơme vốn có tự lâu đời. Tuy nhiên người Khơme sử dụng lịch
Ấn Độ trong sinh hoạt, so với ngày Sóc, Vọng của người Việt với ảnh
hưởng Phật giáo Đại thừa, về hình thức sinh hoạt có khác nhau nhưng
quan niệm như nhau.
3. Đối với người không theo
tín ngưỡng:
Ngày Sóc, Vọng đối với họ như
là ngày nghỉ ngơi trong lao động, nhưng có khác là họ vẫn coi như hai ngày
truyền thống đạo lý, ngày lành nhất để sắm sửa cúng kiến ông bà tổ
tiên. Quan niệm của họ là ngày cúng ông bà, là bổn phận chữ hiếu đối
với người quá cố và giáo dục con cái theo truyền thống đạo lý đặc
thù của dân Nam bộ: Hiếu và Nghĩa. Mọi hành động bất thiện, những
nghề nghiệp thấp kém đều hạn chế hoạt động trong ngày Sóc, Vọng, như
là nghề: mổ heo, bán rượu, cờ bạc v.v...
IV. GIÁ TRỊ TRUYỀN
THỐNG ĐẠO LYÙ DÂN TỘC:
a) Nói truyền thống, tức là nói
đến mặt lịch sử của tập tục. Trải qua bao đời, ngày Sóc, Vọng đã
trở thành tập tục của người Việt Nam trong bối cảnh cụ thể đất
nước - và riêng ở Nam bộ. Đặc biệt là gắn vào sự phát triển kinh tế
nông nghiệp lúa nước - một nền nông nghiệp tùy thuộc vào con nước tự
nhiên được tính toán bằng âm lịch một cách chính xác theo điều kiện
sinh thái của miền Nam. Từ đó, văn hóa được dựa vào bối cảnh nông
nghiệp ấy mà phát triển phù hợp với đất nước con người, được qui
định bởi xã hội ấy.
Một ví dụ để chứng minh: Trong
ngày Sóc, Vọng, là ngày con nước đầy ở mức cao nhất không có ròng
sát, thì công việc đồng áng hầu như phải gác lại toàn bộ, không có
thể cày cấy gieo trồng, chỉ có thể ngh ngơi bơi xuồng đi lại thăm hỏi
nhau hay dự hội hè đình đám vui chơi, hoặc dự lễ nơi chùa chiền yên tĩnh...
b) Nói về đạo đức, tức là nói
đến tính xã hội của tập tục. Đối với xã hội Nam bộ, ngày Sóc, Vọng
là dấu ấn đậm nhất trong mọi sinh hoạt của họ, một ngày lành tốt
để làm việc thiện, để răn mình đừng làm điều xấu trong công việc,
hành vi ngôn ngữ và tư tưởng. Ở thành phố, chúng ta có thể không thấy
được ảnh hưởng tư tưởng của những ngày này, vì xã hội công nghiệp
chú trọng đến dương lịch, Chúa nhật và ngày nghỉ lễ là ngày vui chơi.
Nhưng ở xã hội nông nghiệp thì ngày âm lịch chi phối tất cả, và ngày
nghỉ là ngày Sóc, Vọng với một ý nghĩa đạo đức thanh thản tâm hồn
chứ không phải vui chơi.
Đối với người dân Nam bộ ở miền
quê, thì ngày Sóc, Vọng luôn ở trong tâm khảm họ suốt những ngày ấy.
Khảo cứu qua tâm lý các tầng lớp ta thấy:
+ Đối với người già, đây là
ngày nhắc nhở con cháu cúng ông bà, làm lành lánh dữ, và họ đi đến chùa
chiền đình miếu để gặp gỡ nhau như hình thức câu lạc bộ bây giờ.
+ Đối với người trung niên, lao
động chính của gia đình, đây là ngày nghỉ ngơi sau mọi vất vả lao động,
để sống với gia đình, hoặc chè chén bàn luận nhân tình thế sự, kinh
nghiệm lao động.
+ Đối với tầng lớp thanh thiếu
niên, đây là ngày được phép đến chùa để "công quả", một
hình thức của việc từ thiện xã hội, học tập đạo đức làm người
và được gặp gỡ trao đổi tình cảm vui chơi với nhau.
+ Đối với trẻ con, các em coi đây
là những ngày thiêng liêng, có thể nhận được sự tha thứ mọi lỗi lầm
của mình nơi người lớn đến đình chùa, và được hưởng những phần
bánh trái sau khi cúng bái.
Đời này tiếp nối đời khác sống
trong tinh thần đạo đức như thế, tính xã hội được định hình qua
ngày Sóc vọng ăn vào nếp nghĩ của con người từ khi tấm bé cho đến
trưởng thành tựa như một bức tranh đậm nét thực và ảo khắc vào tâm
trí họ hình ảnh quê hương thân yêu.
http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/014-socvong.htm