Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Cung kính chắp tay xá chào

Được người bạn cho quyển sách After the Ecstasy, the Laundry (tạm dịch là sau trạng thái tuyệt vời, rồi đến việc giặt ủi quần áo) của Jack Kornfield, tôi rất mừng, vì vốn mê đọc sách và nhất là được đọc những tác phẩm của các vị tu hành nói về kinh nghiệm tâm đắc trong việc thể nghiệm Phật pháp. 

Tiến sĩ J. Kornfield là giáo sư dạy Thiền nổi tiếng. Ông đã xuất gia và sống trong tu viện ở Thái Lan 5 năm. Năm 1972, ông trở về Mỹ, sáng lập Hội Thiền quán ở Massachusetts. Những tác phẩm của ông với lối văn giản dị, dí dỏm mà lại sâu sắc, rất thuyết phục người đọc. Ông nổi tiếng với quyển A path with heart mà HT N. Hạnh đã viết lời khen tặng rằng “J. Kornfield là một người kể chuyện tuyệt vời và là một ông thầy vĩ đại”. Hiện tại, ông là giáo sư hướng dẫn Thiền tại Spirit Rock Center ở California.

Mở đầu quyển After the Ecstasy, the laundry, J. Kornfield cho chúng ta thấy những nhận thức rất đúng đắn về sự thể hiện hạnh cung kính người khác qua việc chắp tay cung kính xá chào. Mới nghe qua, chúng ta có thể cho đó là một hành động đơn giản, chắp tay chào người khác thì có gì là khó khăn đâu. Đúng, chắp tay chào đại cho xong, hoặc xá người khác một cái thật dài, thật sâu mà chẳng nghĩ ngợi gì cả, xá chào một cách máy móc theo hình thức lễ nghi thông thường, hay xá chào bề ngoài mà trong lòng chẳng cung kính chút nào, v.v... thì cách chào như vậy quả là không khó gì và tất nhiên cũng chẳng có gì hay ho để nói.

Nhưng chắp tay xá chào với lòng kính trọng thật sự người mà ta đối diện, dù thực tế người đó nhỏ hơn ta, học ít hơn ta, địa vị kém hơn ta, thậm chí không thật tu như J. Kornfield đề cập đến trong bài, thì không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, ông đã làm được việc khó làm đó, ông đã xá chào với tâm kính trọng người thật sự, với tâm hoan hỷ thật sự khi đối trước tha nhân bất kể là ai. Ông đã cho chúng ta bài học về sự thành tựu pháp cung kính chào người trong đời sống thường nhật vì ông đã nhận ra những điều tốt lành tiềm ẩn nơi họ và ông đã cung kính chào cái tốt lành ấy.

Chúng tôi cảm nhận được niềm hoan hỷ sau khi đọc bài pháp mở đầu của tác giả J. Kornfield, xin được chia sẻ cùng các pháp lữ, để chúng ta cùng cung kính nhau, tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau trên bước đường mở rộng thế giới an lành trong chánh pháp.

Sau đây là bài pháp của J. Kornfield về việc cung kính xá chào.

“Khi tôi trở thành một Tăng sĩ Phật giáo ở một tu viện trong rừng của Thái Lan hơn 30 năm qua, tôi đã học cách xá chào. Mới đầu thì việc này hơi lạ đối với tôi. Mỗi khi chúng tôi vào phòng để thiền, phải quỳ gối và lạy ba lần một cách cung kính. Đó là sự thực hành lòng tôn kính và nhất tâm thể hiện qua hành động của thân, sự thệ nguyện đối với con đường sống giản dị, từ bi và tỉnh thức của một Tỳ kheo. Chúng tôi cũng cung kính đảnh lễ vị thầy dạy mỗi khi nghe giảng.

Sau khi tôi ở tu viện được một, hai tuần, một trong những sư huynh của tôi đã dạy tôi rằng “Trong tu viện này, bạn không phải chỉ lạy Phật khi vào phòng thiền hay lạy thầy dạy mình, mà bạn còn phải chắp tay xá chào những người lớn hơn bạn.” Để làm cho đúng, tôi đã hỏi những người lớn hơn tôi là ai. “Theo truyền thống, những người xuất gia trước, những tu sĩ tu lâu hơn thì lớn hơn bạn”. Tôi nhận ra rằng điều đó có nghĩa là tất cả mọi người ở đây đều lớn hơn tôi.

Vì vậy, tôi bắt đầu xá chào họ. Đôi khi, điều này cũng được, chỉ có một ít người lớn giỏi và xứng đáng trong đại chúng. Nhưng đôi khi cũng thấy tức cười. Tôi gặp một vị sư 21 tuổi, ưa phóng đại, anh ta vào tu viện chỉ để làm vừa lòng cha mẹ hay là để được ăn ngon hơn ở nhà và tôi phải xá chào anh ta vì anh đã xuất gia trước tôi một tuần! Hoặc là tôi phải xá chào một ông nông dân già, luộm thuộm đã vào chùa vào mùa trước theo như dự tính lúc về hưu của ông, ông nhai trầu liên tục và không bao giờ hành thiền dù chỉ một ngày trong đời ông. Khó mà cung kính những người như vậy ở tu viện như họ là những ông thầy vĩ đại!

Tuy nhiên, tôi vẫn phải xá chào họ, tôi cảm thấy dằng co trong việc này, nên đã tìm cách làm sao xá chào cho có hiệu quả. Sau cùng, tôi bắt đầu tìm những mặt xứng đáng của mỗi người để tôi xá chào. Tôi đã xá chào những nếp nhăn chung quanh mắt của người nông dân về hưu, xá chào tất cả khó khăn mà ông ta đã gặp, chịu đựng đau khổ và đã chiến thắng nó. Tôi đã xá chào sự sống động và tươi trẻ của người tu sĩ trẻ tuổi, những khả năng không thể tin nổi còn đang chờ đợi trong cuộc sống trước mắt họ.

Tôi đã bắt đầu thích thú trong việc xá chào. Tôi đã xá chào những đàn anh của tôi, xá chào khi vào ra phòng thiền. Tôi đã xá chào khi bước vào cái cốc của tôi trong rừng và xá chào khi tắm ở giếng nước. Không bao lâu, việc xá chào trở thành tính cách của tôi.

Việc làm thật sự của đời sống tinh thần không phải chỉ tìm thấy ở những nơi xa xôi nào hay là một tình trạng bất thường của sự nhận thức. Nó hiện diện ở đây và ngay bây giờ. Nó đòi hỏi chúng ta một tinh thần chào mừng để tiếp đón tất cả những gì cuộc đời tặng cho chúng ta với một trái tim khôn ngoan, tôn kính và dễ thương. Chúng ta có thể xá chào trước sự đẹp đẽ lẫn khổ đau, trước những vướng mắc và lầm lẫn, trước sự sợ hãi của chúng ta và trước những bất công của thế giới này. Tôn kính sự thật bằng cách này là con đường dẫn đến sự tự tại. Xá chào trước tất cả đúng hơn là trước vài lý tưởng thì tất yếu không dễ dàng, nhưng dù khó, nó là một trong những việc thể nghiệm hữu dụng và đáng kính trọng.

Việc xá chào trước những buồn khổ và lừa dối của cuộc sống chúng ta là chấp nhận chúng và nhờ vậy chúng ta nhận ra rằng mọi cuộc sống đều hữu ích. Khi chúng ta học xá chào, chúng ta nhận thấy rằng trái tim nắm giữ được nhiều tự tại và tình thương hơn là chúng ta tưởng.

Nhà thơ Ba Tư Rumi nói về điều này trong bài thơ sau :

Con người này là một nhà trọ
Mỗi sáng là một người mới tìm đến.
Một niềm vui, nỗi chán nản, một
sự vô nghĩa,
vài sự tỉnh thức tạm thời chợt đến,
như người đến thăm không mong đợi.
Chào mừng và tiếp đón tất cả chúng,
dù cho chúng là một lũ buồn rầu,
quét sạch một cách dữ dội
những đồ đạc trong căn nhà chúng ta.
Chúng ta vẫn đối xử với từng người
khách một cách tôn kính,
họ có thể làm cho bạn trong sạch
với sự thích thú mới mẻ nào đó.
Ý nghĩ đen tối, sự hổ thẹn, ác tâm,
gặp chúng ở cửa, cười to,
và mời chúng vào.
Hãy nhớ ơn bất cứ người nào đến,
bởi vì mỗi người được gởi đến
từ nơi xa như là một người hướng dẫn.

Đọc xong bài pháp của J. Kornfield, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh, một vị Bồ tát nổi tiếng của hội Pháp Hoa. Ngài đã từng cung kính lễ lạy mọi người với câu nói khen ngợi : “Tôi không dám khinh quý Ngài vì quý Ngài đều là Phật sẽ thành”.  Phải chăng vị Bồ tát vô cùng dễ thương đã thể hiện được hạnh nguyện cung kính người khác một cách tuyệt vời vì Ngài nhận chân sâu sắc hạt châu quý giá nhất trong tâm khảm của từng người đối diện. Bồ tát Thường Bất Khinh chính là tiền thân của Đức Phật Thích Ca đã trải qua vô lượng kiếp thể nghiệm hạnh cung kính tha nhân, mới kết thành uy đức vô song trong hiện thân của Phật Thích Ca. Điều đáng nói của Bồ tát khi tu hạnh cung kính người đã gợi cho họ thấy được nét đẹp cao quý của nếp sống vô ngã, tác động họ dẹp sạch tâm ngã mạn.

Nghĩ đến hình ảnh dễ thương của Bồ tát Thường Bất Khinh cung kính chào đón người ở thuở xa xưa cũng như hình ảnh vị Tăng sĩ J. Kornfield trong hiện đời, chắp tay xá chào với niềm cung kính hoan hỷ, tôi cảm thấy trong Nhà lửa này còn có một hình ảnh gì để nhớ, để thương, để làm theo.

Tuần báo Giác Ngộ, số Phật đản PL. 2546

http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/chaptay.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục "Văn hoá Phật giáo"

Đầu trang