Trải
qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, lịch sử bằng chữ viết bị xóa đi,
nhưng tinh thần yêu nước của người Việt thì không ai xóa nổi. Các
làng Việt ta đã thật sự trở thành những pháo đài bất khả xâm phạm
nhờ ở kho báu văn hóa làng.
Nước mất nhưng các làng Việt vẫn thờ
thần của mình, vua của mình, không thờ ông Thống chế hoặc ông
Hoàng đế xứ người. Quan quân của giặc đóng ở quận, phủ, đồn bốt
của họ, còn các làng Việt về phong tục vẫn do người Việt tự quản.
Ngàn năm dân ta vẫn nói tiếng ta,
sống theo phong tục của ta là chính. Dân ta lúc nào cũng kể về ông
cha ta, thờ cúng ông bà, tổ tiên của ta, đặc biệt là tục thờ cúng
Vua Hùng và các nhân vật thời Hùng. Vì thế ta mới nói: Nước mất
nhưng làng còn. Vì còn làng nên khi mất nước nhân tài ở các làng
lại liên kết với nhau, tập hợp lại để dấy binh giành lại nước.
Nhờ có văn hóa làng mà lịch sử thời
đại Hùng Vương mới được gìn giữ, minh chứng bằng các tài liệu điền
dã dân tộc học về các tục hèm cầu cúng tế lễ, các truyền thuyết,
chuyện kể, đến dân ca, dân vũ và phong tục cổ truyền từ thời Hùng
còn lại trong dân gian của làng Việt.
Với năm tập sách dày "Ðịa chí văn hóa
dân gian Phú Thọ" do Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh xuất bản đã cung
cấp khá đầy đủ tài liệu giúp cho mọi người dễ dàng muốn tìm về cội
nguồn dân tộc. Trong tập sách "Ði tìm dấu tích kinh đô Văn Lang"
Nguyễn Anh Tuấn đã đi sâu trình bày cho bạn đọc về những trang sử
vàng không phải bằng chữ viết mà bằng những hiện vật khảo cổ,
những chứng cứ vật chất từ thời Hùng còn để lại. Phần này được mở
đầu từ văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay quãng 4.000 năm.
Nền văn hóa khảo cổ này được gọi theo
tên một di chỉ ở làng Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao. Ðây là tiêu
biểu của một nền văn hóa khảo cổ ở Việt Nam và Ðông-Nam Á. Ðó là
sự mở đầu cho thời đại đồng thau ở Việt Nam. Riêng ở quanh Ðền
Hùng, Phú Thọ đã phát hiện được 40 di tích cùng niên đại Phùng
Nguyên, hay còn gọi là các di tích Phùng Nguyên ở xóm Rền, Gò Diễn
(huyện Phù Ninh), Gò Con Lợn, Gót Rẽ, Gò Nghệ, Gò Dạ, Gò Ðường, Gò
Con Cá, Thành Dền (huyện Lâm Thao), Gò Chè, Gò Bông, xưởng chế tác
đá Hồng Ðà, Gò Chon (huyện Tam Nông)...
Văn hóa Phùng Nguyên là nhân tố quan
trọng trong quá trình hình thành nền văn hóa Ðông Sơn, hay còn gọi
là văn hóa Hùng Vương. Văn hóa Phùng Nguyên là sự mở đầu của nền
văn minh sông Hồng vì cư dân Phùng Nguyên đã có trình độ điêu
luyện với khiếu thẩm mỹ cao trong việc chế tác công cụ và đồ trang
sức bằng gốm, đá, xương, sừng; đặc biệt biết nung đồng làm công cụ.
Trên nền tảng Phùng Nguyên, cư dân
Việt cổ đã tiến cao hơn trong việc luyện kim. Ðó là con người
thuộc văn hóa Ðồng Ðậu cách nay trên dưới 3.500 năm. Ðặc trưng cơ
bản ở thời kỳ này là việc luyện kim và chế tác đồng thau bắt đầu
phát triển mạnh mẽ với những rìu, giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu,
búa đồng...
Qua khảo cổ người ta biết con người
thời Ðồng Ðậu đã có giao lưu trao đổi giữa các vùng ở lưu vực sông
Hồng, sông Mã, sông Cả và các khu vực khác của nước ta. Người Ðồng
Ðậu đã biết chăn nuôi, khai thác sản vật tự nhiên để sống định cư
trên các đồi gò cạnh sông suối đầm bãi.
Quanh Ðền Hùng, Việt Trì cũng tập
trung nhiều di chỉ thuộc văn hóa Ðồng Ðậu như Gò Ðồng Ðậu con ở Tứ
Xã, Gò Diễn, Nội Gan (xã Kinh Kệ), xóm Thi Ðua, Gò Ðồng Ðậu (xã
Thụy Vân)...
Sau Ðồng Ðậu là văn hóa Gò Mun cách
ngày nay trên dưới 3000 năm. Gò Mun là tên một di chỉ khảo cổ nổi
tiếng thuộc xã Tứ Xã huyện Lâm Thao. Ở thời kỳ này cư dân đã sống
tập trung đông đúc hơn, nghề đúc đồng phát triển và việc sử dụng
đồ đồng đã đóng vai trò quan trọng so với đồ gốm và đồ đá. Kỹ
thuật đúc đồng của người Gò Mun đã nâng cao hoàn chỉnh hơn so với
người Ðồng Ðậu. Loại hình di vật bằng đồng đã phong phú hơn như:
rìu, giáo, lao, mũi tên, búa, liềm, tượng, lục lạc, vòng tay, trâm
cài. Nếu ở giai đoạn Ðồng Ðậu mới có 10 loại di vật đồng thì ở Gò
Mun đã có tới 20 loại công cụ, vũ khí và đồ dùng sinh hoạt khác
nhau bằng đồng.
Ba nền văn hóa Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu,
Gò Mun được gọi là văn hóa tiền Hùng Vương. Ðó là thời kỳ tiền sử
chuẩn bị cho dân ta bước sang lịch sử thời đại các Vua Hùng với
nền văn hóa khảo cổ Ðông Sơn mà tiêu biểu là trống đồng Ðông Sơn
loại I.
Các di tích thời đại Hùng Vương ở Phú
Thọ có sự diễn biến theo thời gian đã có thay đổi mạnh mẽ về mọi
mặt, từ địa bàn cư trú kinh tế, xã hội và kỹ thuật chế tác công cụ,
đặc biệt là đồ đồng đã phát triển rực rỡ.
Văn hóa Ðông Sơn hay văn hóa Hùng
Vương có niên đại từ sáu, bảy trăm năm, đến một, hai trăm năm
trước công nguyên.
Ðến nay đã phát hiện được khá nhiều
di chỉ văn hóa Ðông Sơn ở Phú Thọ, đặc biệt là sự tập trung các di
chỉ Ðông Sơn ở quanh Ðền Hùng và Việt Trì, với các hiện vật bằng
đồng nổi tiếng như Trống Ðồng, bộ rìu gót vuông, rìu xéo, rìu hình
thuổng, lục lạc, vòng ống, tấm che ngực, mũi lao, ngọn giáo, dao
găm, vòng tay, v.v...
Qua hoa văn trên thạp đồng, trống
đồng và những hiện vật khảo cổ khác người ta đã đọc ra những hình
thái kinh tế, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của cư dân Văn Lang.
Một trống đồng Hê Gô loại I có đường
kính lớn nhất trong số trống đồng cùng loại cả nước tìm thấy ở
ngay chân núi Nghĩa Lĩnh, núi Hùng và tiếp sau là trống đồng loại
II còn gọi là trống Mường, chỉ có ở vùng người Mường cư trú đã
phát hiện được nhiều nhất trong vùng Mường Phú Thọ với hơn 60
chiếc.
Cả nước cộng lại có số lượng ít hơn
nhiều, chứng tỏ Phú Thọ từng là đất Tổ cả nước, trống đồng Mường
xuất hiện tương ứng với thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Khi ấy bọn
giặc ráo riết tịch thu trống đồng và thủ tiêu văn hóa Việt, tinh
thần Việt. Các làng ở vùng ngoài bị giặc lùng sục ráo riết hơn, từ
đó trống đồng bị vắng bóng, bị cướp đi, hoặc do bị chôn giấu trong
lòng đất. Ở vùng Mường khuất nẻo tục đánh trống đồng vẫn được duy
trì, nên người ta vẫn đúc tiếp trống đồng.
Số trống đồng loại II được đúc ra khi
mất nước nên tình cảm của người dân, đặc biệt là các nghệ nhân
được gửi gắm vào đó qua sự đơn giản hóa các họa tiết hoa văn và
hình dáng kích thước của trống. Ðến nhiều làng Mường Phú Thọ vẫn
còn nghe kể truyền thuyết về nhạc khí và trống đồng bị chôn giấu
khi chạy giặc. Trống đồng hầu như chỉ đào được ở xóm Chiềng các
làng Mường vì xóm Chiềng là trung tâm một làng Mường, nơi quan thổ
tù ở và là nơi có các đình miếu công đồng là nơi hàng năm diễn ra
các lễ hội lớn có tổ chức chàm thau (đánh trống, đánh chiêng đồng).
Có lẽ hoàn cảnh ngàn năm Bắc thuộc đã xảy ra hiện tượng người Việt
cổ phân thành hai nhánh người Việt và người Mường.
Ðọc sách "Ði tìm dấu tích kinh đô Văn
Lang" sẽ cho ta nhìn rõ ràng hơn về cội nguồn dân tộc, nhất là về
lịch sử thời đại các Vua Hùng và kinh đô Phong Châu của nước Văn
Lang xưa.