- PHẬT GIÁO VÀ GIAO
ĐIỂM VĂN HÓA ĐÔNG TÂY
Không phải chỉ ở thế kỷ 20,
chúng ta mới thấy có sự tiếp xúc, giao hòa giữa Đông Phương (ĐP) và
Tây Phương (TP) với sự lan toả của đạo Phật vào Âu Mỹ. Mối liên hệ
giữa Phật giáo (PG) và thế giới Tây Phương đã có từ thế kỷ thứ 4
trước Tây Lịch (TL), khi đại đế Alexander của xứ Macédonia xâm chiếm
Ấn Độ, đó là lần đầu tiên một vị vua TP được cảm hóa bởi PG và
để cho tư tưởng PG đi vào Hy Lạp.
Sau đó, vào thế kỷ thứ 3, vua A Dục
của Ấn Độ cũng gởi những phái đoàn mang thông điệp của đức Phật
vào Hy Lạp. Sau đó, vào nửa sau thế kỷ thứ 2 trước TL, vua Milanda (Di
Lan Đà) người gốc Hy Lạp tìm hiểu PG và có một cuộc đối thoại với
ngài Nagasena (Na Tiên Tỳ kheo) tạo thành bộ kinh Na Tiên Tỳ Kheo nổi tiếng.
Có thể nói kinh này là một cuộc đối thoại được chép lại thành sách
đầu tiên giữa Đông và Tây, giữa một nhà vua hiền triết thông thái của
Hy Lạp và một bậc đắc đạo của Phật giáo. Sau đó, vì hoàn cảnh lịch
sử, vì chiến tranh, như con đường tơ lụa nối Trường An - Trung Quốc với
La Mã của Châu Âu bị tàn phá do cuộc viễn chinh của Thành Cát Tư Hãn
mà cuộc tiếp xúc về sau đó bị đứt đoạn.
Cho đến thế kỷ 18, 19 khi các cường
quốc thực dân Tây phương xâm chiếm Đông Phương, đạo Phật lại một lần
nữa dội về các nước "mẫu quốc". Đến thế kỷ 20, sự giao
lưu thật sự xảy ra, hiện giờ không có một nước Tây phương nào không
có một ngôi chùa PG và các trí thức hàng đầu TP, không nhiều thì ít đều
có nhắc đến PG, nếu không nói là có những người chịu ảnh hưởng sâu
đậm ngay trong lãnh vực chuyên môn của mình.
Nhìn một cách tổng quát, giữa tư
tưởng ĐP và TP có sự khác biệt lớn vì khởi điểm khác biệt và mục
đích khác biệt. Như nhà văn Rudyar Kipling đầu thế kỷ đã từng nói:
"Đông là Đông và Tây là Tây, cả hai không bao giờ gặp gỡ.
Tây Phương với truyền thống của
nó là tư tưởng khoa học phát xuất từ Aristote, được cổ xúy bằng quan
niệm của Sáng Thế: Thượng Đế đã tạo ra trái đất này với cỏ cây,
muôn thú là để cho con người ngự trị và sử dụng, lấy làm thực phẩm.
Bởi thế, đường đi của TP là tư tưởng phân tách, nỗ lực thâm nhập,
tìm hiểu thế giới, biến đổi và sử dụng thế giới. Khuynh hướng Đông
phương lại khác, mục đích của ĐP là hòa mình với thế giới, tìm ra
được tính nhất thể của trời-đất-người, tìm kiếm mục tiêu tối hậu
nơi chính mình là sự hòa bình nơi nội tâm, từ đó sống được mối thái
hòa của vũ trụ. Không phải là Đông Phương dở khoa học về thế giới,
bằng cớ là Trung Hoa đầu tiên đã phát minh ra các phát minh cơ bản, như
la bàn, thuốc súng... nhưng khuynh hướng ĐP là tìm về chính mình, ổn định
chính mình, lấy chính con người làm phương tiện và cứu cánh, đó là
quan niệm hiểu được tiểu vũ trụ là con người mình thì sẽ hiểu được
đại vũ trụ bên ngoài kia. Điều đó cũng giống như Socrates, một trong những
người mở đầu cho triết học Tây phương, đã nói: "Hãy tự biết
chính mình". Quan niệm ĐP được Trang Tử bày tỏ trong câu chuyện:
"Có người thấy một ông già đang tát nước, nói rằng: ở xứ kia,
có người làm ra cái cơ khí để tát nước, sao ông không bắt chước mà
làm theo cho nhanh và đỡ mệt. Ông lão trả lời: không phải ta không biết
cách làm ra cái máy đó, nhưng vì ta không muốn biến tâm ta thành ra cơ khí.
Một khi tâm đã thành ra cái cơ tâm thì cuộc đời ta cũng mất mối an hòa..."
Tư tưởng TP thiên về phân biệt,
phân tích, tính toán, lý luận hình thức, duy lý, hướng ra các sự vật cụ
thể của thế giới bên ngoài. Tư tưởng ĐP thiên về trực quan, vô phân
biệt, vượt lên lý luận hình thức, hướng vào thế giới bên trong. Tây
phương nghiêng về khoa học vật lý, hình nhi hạ học. Đông phương thiên
về khoa học tâm lý, hình nhi thượng học. Chúng ta thấy trong lãnh vực hội
họa, một họa sĩ TP như Léonard de Vinci đồng thời là một nhà khoa học.
Trong khi đó, hội họa ĐP không chú trọng chi tiết, hình thể mà thiên về
cái thần, cái khí, cái tâm của bức họa.
Sự phát triển của hai nền văn hóa
Đông - Tây dần dần dẫn đến một sự cách biệt lớn lao: một bên tin tưởng
hẳn vào vật chất, vào khoa học; một bên tin hẳn vào tinh thần, vào đạo
học. Ví dụ ngày nay, người TP bình thường tin vào các biện pháp khoa học,
các dụng cụ khoa học hơn là tin vào chính con người. Khám nghiệm y học
càng ngày càng được giao cho máy móc hơn là giao cho sự khám nghiệm trực
tiếp của y sĩ. Họ tin rằng máy tính có thể khám phá vũ trụ, trong khi
con người - một bộ máy tinh vi nhất vừa vật lý, vừa sinh học, vừa
tâm lý học của thiên nhiên - nếu không có dụng cụ nào thì không thể
khám phá vũ trụ. Chỉ lấy một ví dụ, khoa học TP tin rằng bằng máy
móc có thể khám phá vũ trụ, còn con người ngồi một mình thì không thể,
như đức Thích Ca ngồi một mình dưới cây Bồ Đề làm sao có thể biết
được vũ trụ. Chỉ nhìn theo khía cạnh khoa học, các nhà làm máy tính
điện tử nói rằng đầu máy tính ở thế hệ thứ 5, trí óc nhân tạo,
thì cũng chỉ tương đương với chưa đầy 10% tế bào óc của con người.
Thế mà con người có vài tỷ tế bào óc, một bộ máy tính tương đương
với óc não của con người cũng phải to hơn ngôi nhà chọc trời cao nhất
hiện có. Vậy thì chỉ tính riêng bộ óc, đó đã là một bộ máy tính
không thể làm ra nổi. Thế mà, y khoa đã xác nhận, ngay cả những nhà
bác học làm việc bằng trí óc nhiều nhất, cũng chỉ sử dụng được có
10% bộ óc của mình. Chúng ta hãy tưởng tượng đây là chỉ tính riêng một
dụng cụ con người là bộ óc thôi, thì khi thiền định, các mạch của
các tế bào óc được điều hợp nối kết với nhau, cho toàn bộ 100% năng
suất, đấy chẳng phải là một bộ máy tính siêu phàm không đâu có được
hay sao? Các máy tính, dụng cụ khoa học hiện đại công dụng yếu kém như
vậy mà còn có hy vọng có thể thấu hiểu vũ trụ, thì cái máy tính vừa
vật chất, vừa sinh học, vừa tâm lý học với 100% công suất là một người
khi thiền định chẳng lẽ không có khả năng hơn để thấy hiểu được
vũ trụ hay sao?
Đứng về phương diện lịch sử,
thế kỷ 18, 19, Đông phương đã bị Tây phương xâm chiếm làm thuộc địa.
Phải tới giữa thế kỷ này, ĐP mới có được độc lập. Trong những hoàn
cảnh thua kém kéo dài trong hàng thế kỷ đó mà sinh ra những mặc cảm. Người
ĐP thì trước khi bị xâm chiếm, nền đạo học của họ đã suy kém,
không còn là một sức mạnh văn hóa hiện thực của xã hội - có suy kém
mới bị xâm chiếm, còn như ở đời Trần không suy kém thì đánh bại
quân Mông Cổ mạnh nhất thế giới thời đó cả ba lần. Thoát khỏi nô lệ,
có được độc lập, nhưng các nước Châu Á không phải đã hoàn toàn tự
chủ trong đầu ốc để đứng ngay trong truyền thống của mình, mà vẫn
tiếp tục có những mặc cảm thua kém, bắt chước các mô hình phát triển
của TP, cho đó là cách phát triển duy nhất. Kết quả là không ít nước
đã chịu những hậu quả xã hội vì sự mất gốc này (nạn Aids, ly dị,
sự bất hòa trong gia đình, sự hủy hoại các giá trị nhân cách..). Không
phải là không có lý do khi gần đây nói về vấn đề nhân quyền, các
nhà lãnh đạo Châu Á nói rằng Châu Á có cách nhìn của Châu Á, không phải
tự do là ai cũng có thể mua súng để bảo vệ tự do của mình, không phải
bình đẳng là cha mẹ có tát tai con một cái thì con cái gọi điện thoại
kêu cảnh sát đến....
Trong khi đó thì Tây Phương, nhờ vào
sự xâm chiếm thuộc địa của mình mà khám phá ra Đông Phương. Anh thì
nhờ Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng, Pháp nhờ Việt Nam, Mỹ nhờ Nhật Bản
và Việt Nam. Các nhà trí thức hàng đầu của TP lại thấy ở đạo học
ĐP có tính giá trị phổ quát, tính vũ trụ. Như Einstein, người khai sinh
ra vật lý học hiện đại nói rằng ông thấy đạo Phật là một tôn
giáo vũ trụ, đáp ứng được không chỉ tâm linh con người mà còn khoa học,
tổ chức xã hội. Điều kỳ lạ là các nhà khoa học càng tiến bộ thì
càng khám phá ra những điểm tương đồng với đạo học ĐP, các câu nói
của nhà đạo học và nhà khoa học đôi khi không thể phân biệt được.
Lawrence Le Shan trong cuốn "Các nhà vật lý học và đạo học: các tương
đồng về cái nhìn thế giới" đã làm một cuộc thí nghiệm: để lẫn
lộn các câu nói của các nhà đạo học Đông Phương với các câu nói của
các nhà khoa học TP hiện đại, thì độc giả không thể nào chọn lựa
phân biệt được ra đâu là câu nói của Vivekananda với Einstein, đâu là của
các nhà đạo học Trung Hoa với Niels Bohr hay Max Plank. Vào khoảng giữa thập
niên 70, nhà vậy lý lý thuyết Frijtof Capra trong cuốn The Tao of Physics đã
chỉ ra n tương đồng không thể chối cãi giữa đạo học cổ thời ĐP cách
đây trên 2500 năm với vật lý học hiện đại, và ông còn đưa đến kết
luận vật lý học hiện đại muốn khai phá lối ra trong mê hồn trận hiện
nay của mình, phải tìm hướng thoát ở văn minh Đông Phương.
Bằng những ưu thế của mình, bằng
những tiến bộ nhanh chóng của khoa học, và cũng bằng những khủng hoảng,
những khoảng trống không thể lấp đầy của khoa học trong tất cả các
ngành mà Tây phương đã gặp gỡc và nhận ra giá trị của Đông Phương.
Bởi thế, hiện giờ TP tìm đến ĐP khá dễ dàng, trong khi với những mặc
cảm còn sót lại của mình, ĐP muốn tìm lại chính mình phải khó khăn gấp
hai lần. Một ví dụ là hiện giờ các sách về văn hóa ĐP được in nhiều
nhất là ở ĐP. Có thể thấy là sách về tam giáo đồng nguyên ở Trung Quốc,
Đài Loan, Singapore in không nhiều bằng ở Mỹ, sách Phật giáo in ở Việt
Nam không nhiều bằng ở Pháp, và ở Mỹ sách về văn hóa Ấn Độ in ở
Ấn không nhiều bằng ở Bắc Mỹ. Có thể thấy rõ ràng điều trên như các
sinh viên Á Châu khi muốn nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ về văn hóa Đông
Phương, phải qua Âu Mỹ để học về chính truyền thống của mình. Có thể
nào nói được chăng: Ôi, chính nhờ Tây Phương mà Đông Phương mới khám
phá lại được chính mình.
Chính vào thế kỷ 20, cả hai bên
Đông và Tây mới nhìn rõ được những ưu, khuyết điểm của mình. Tây
phương giỏi về khoa học, về lý luận hình thức, về phân tích, nhưng
thiếu về tâm linh. Kết quả là có thể phần nào "cách vật", nhưng
không thể "trí tri". Từ đó, các ngành khoa học phát triển càng
ngày càng tách lìa nhau, vật lý học chẳng ăn nhằm gì tâm lý học, kinh tế
xã hội học chẳng dính dáng gì đến đạo đức học, lý hóa vô cơ chẳng
ăn nhằm gì đến sinh học hữu cơ. Ngay trong một ngành vật lý, một
ngành y khoa, hai người chuyên nghiên cứu hai nhánh khác nhau lại chẳng thể
hiểu nhau. Sự phân tán của tâm thức đó phản ánh trong chính xã hội, một
xã hội phân tán không có một đường hướng, một niềm tin thống nhất.
Mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy phát triển, mà không biết phát triển đi
đến đâu, về đến đâu.
Còn Đông phương, đã sa sút về đạo
học, yếu kém khế lý cho nên cũng không thể khế cơ, bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Đông phương đã yếu kém về "trí tri" nên cũng không thể
"cách vật". Chỉ nói riêng ở Trung Hoa, nền đạo học đã yếu
đi, dẫn đến những lý luận duy tâm thuần túy của đạo học đời Tống,
dầu có lấy Phật giáo làm xương sống để vực dậy cũng không thể tạo
ra cho thời đại một nhân cách phương Đông.
Nhưng vào nửa thế kỷ này, ĐP đã
thấy rõ hơn những ưu thế của mình, mà một phần được các nhà lãnh
đạo Châu Á gọi là những giá trị Châu Á. Đó là sự phát triển không
gây ra khủng hoảng, ổn định những giá trị xã hội, không sa đà trong một
xã hội tiêu thụ và chỉ biết tiêu thụ. Nói theo chữ dùng của văn minh
Trung Hoa, đó là sự phát triển hài hòa của thiên-địa-nhân, không
nghiêng nặng về vật chất (địa) cũng không chỉ chú trọng tới tinh thần
( thiên). Trước những lý thuyết xã hội đã không thành công của TP, ĐP
càng thấy rõ hơn giá trị truyền thống của mình. Đem lại cho máy móc kỹ
thuật và những cơ cấu kinh tế xã hội một tâm hồn, và một lối sống
hài hòa, một ý nghĩa nhân sinh an vui là điều mà nền văn minh Châu Á
đang thực hiện. Cũng nhờ nền văn minh tinh thần đó, mà các khoa học
không phân tán, thống nhất được mọi lãnh vực với nhau - như Khổng Tử
đã từng nói: ngô đạo nhất dĩ quán chi - để phù trợ và hướng dẫn
con người trong công cuộc phát triển hướng đến sự hoàn thiện của
chính con người và thế giới. Con người sẽ tìm lại được mình như một
toàn thể - không phải là con người một chiều, con người của từng lãnh
vực phân biệt, sẽ tìm lại được mối hài hòa với chính mình, với người
khác và với thế giới chung quanh. Đó là ý nghĩa chữ thái hòa được nhắc
đến nhiều trong thơ văn Nguyễn Công Trứ, một trong những nhà "tam
giáo đồng nguyên" cuối cùng của thế kỷ 19.
Sự tiến bộ vật chất của TP đã
bổ túc cho sự tiến bộ tinh thần đã gần ngưng trệ của ĐP, thức tỉnh
cái đạo học đang suy kém dần, đi đến chỗ u nhàn và mơ màng không thực
dụng. Ngược lại, TP cũng phải nhờ vào ĐP cái tinh thần, cái tâm hồn
trong vật chất, trong kỹ thuật, trong xã hội và đời sống con người.
Trong những năm thập kỷ 90, các
nhà khoa học hy vọng vào một lý thuyết thống nhất vạn vật vũ trụ
đang hình thành, thống nhất được 4 loại tương tác trong cơ cấu nguyên
tử. Sự hào hứng của các nhà khoa học đến nỗi GS Jeff Harvey (ĐH
Chicago) đã kết luận về lý thuyết rằng: "Dường như chúng ta vừa
tìm ra được một công cụ đầy quyền năng do một nền văn minh trước
đây đã để lại".
Đứng trong cái nhìn ĐP, thì TP đã
đi đến những mức cuối cùng của vật chất trong các hạt "căn bản"
và họ luôn luôn tìm ra tính nhị nguyên trong vật chất. Tính nhị nguyên
này, nói theo người Đông Á là âm dương. Và cũng theo cái nhìn ĐP, cái nhị
nguyên âm dương đó chỉ thống nhất được là nhờ "đạo" (nhất
âm nhất dương chi vị đạo). TP đã đi đến cùng cực của lý trí là
tính nhị nguyên âm dương trong tất cả mọi lãnh vực, từ tính nhị
nguyên của khoa học cho đến tính thiện ác là những vấn đề xã hội.
Nhưng nếu không có cái đạo của ĐP, tính nhị nguyên đó chẳng bao giờ
có thể hài hòa và thống nhất trong một cái vượt lên cả âm dương là
đạo. Chúng ta hãy nhớ lại lời của Tổ thứ sáu Thiền tông Trung Hoa là
ngài Huệ Năng: "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đó là bổn lai diện
mục của ông". Nêú không có cái bổn lại diện mục đó, vĩnh viễn
con người chẳng bao giờ thoát khỏi thiện ác. Nếu không có cái tính bất
nhị (không hai) như Lục Tổ nói dưới đây thì cũng chẳng bao giờ có lối
thoát cho tính nhị nguyên cả: "Mình cùng với vô minh, phàm phu thấy
hai, người trí rõ suốt tánh nó không hai, tánh không hai tức là thật
tánh. Thật tánh ỏ phàm ngu chẳng giảm, ở hiền thánh chẳng tăng, trụ
trong phiền não mà không loạn, ở trong thiền định mà chẳng lặng, chẳng
đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở giữa chẳng trong
ngoài, không sanh, không diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng đổi,
gọi đó là đạo".
Chúng ta có thể trích thêm từ kinh
điển Nam Tông để thấy rõ đạo, hay là Niết bàn chính là sự giải
thoát duy nhất cho tất cả những gì đang vướng kẹt vào tính nhị nguyên
thế gian: "Này các Tỳ kheo, có cái không sinh, không hiện hữu, không bị
làm, không hữu vi. Nếu không có cái không sinh, không hiện hữu, không bị
làm, không hữu vi ấy, thì không thể nào có sự giải thoát, sự xuất ly
cho cái sinh, cái hiện hữu, cái bị làm, cái hữu vi. Vì rằng có cái
không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, cho nên có sự giải
thoát, sự xuất ly cho cái sinh, cái hiện hữu, cái bị làm, cái hữu
vi" (Tiểu Bộ kinh1)
Nếu không có cái đạo của ĐP, cái
nhị nguyên của TP chẳng bao giờ có được một "trường thống nhất"
nói theo Einstein, hay lý thuyết thống nhất, không những cho ngành vật lý,
mà cho cả con người, xã hội và tâm linh. Nói theo ngôn ngữ triết học, nếu
không có cái toàn thể tính của ĐP, thì cái sai biệt tính, phần tử tính
của TP chẳng bao giờ có lối thoát.
Chúng ta có thể thấy thêm rằng đạo
là đặc điểm, ưu điểm của ĐP. Đạo là con đường, là sự tiến hóa
phát triển đích thực, đồng thời là cứu cánh của con đường. Đạo là
chủ đề chính của Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo, và chính vì có
chung chủ đề chính như vậy, nên mặc dù có sự sâu cạn, rộng hẹp
khác nhau, người xưa đã gộp chung thành tam giáo đồng nguyên, là cốt
lõi của văn hóa Á Châu. Một ví dụ để chúng ta thấy cái "Đạo"
đó nó chẳng mơ hồ, mông lung, viễn tưởng chút nào. Về quản lý, Nhật
đã đi học các kỹ thuật quản lý kiểu Mỹ. Nhưng khi học được rồi,
người Nhật lại đưa thêm tinh hoa phương Đông của mình vào, đó là
đưa chữ Nhân (người) vào quản lý. Đưa vào cách "quản lý hòa
khí" này, kết quả về phương diện quản lý con người, Nhật đã hơn
Mỹ và người Mỹ phải học trở lại người Nhật về nghệ thuật quản
lý (Xem bí mật của công nghiệp Nhật Bản và Nghệ thuật quản lý của
Nhật Bản).
M. Heidegger, triết gia cuối cùng của
TP, người tổng kết toàn bộ 2500 năm lịch sử triết học TP, triết học
của nhị nguyên, đã nói rằng: "Muốn vượt qua tư tưởng tính toán
(pensée calculante) để đến với tư tưởng thiền quán (pensée méditative),
Tây phương phải làm một bước nhảy". Bước nhảy đó, các nhà hiền
triết Đông phương cổ thời đã vượt qua, và để lại cho đời nền
văn hóa ĐP. Nghĩa là muốn vượt qua một tính nhị nguyên, tâm thức phân
chia chủ thể - đối tượng, sự khốn khổ bế tắc của chính mình, TP phải
nhìn vào ĐP, vào cái "bờ bên kia" của ĐP mà Phật giáo là đại
diện có đầy đủ thẩm quyền. Nó thế vì cái gì Khổng - Lão có thì đạo
Phật cũng có, và đạo Phật còn có những cái không có trong Khổng - Lão.
Đạo Phật, cái "bờ bên
kia" dung hòa được tất cả những mâu thuẩn của bờ bên này đang là
một sức sống của hàng triệu người Âu Mỹ. Cuối năm 96, theo tổng kết
của đài truyền hình Nhật Bản, thì một trong những dự đoán dành cho thế
kỷ 21 là: trong thế kỷ 21, nền văn minh châu Á sẽ phát triển rực rỡ.
Chúng ta chưa biết sự dự đoán ấy sẽ đúng tới đâu, nhưng ít ra, sự
tự nhìn lại giá trị của mình của người châu Á cũng đã là bước khởi
đầu cho một thời đại mới. Đó là bước khởi đầu của sự giao hòa
hai nền văn hóa Đông - Tây.
http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoa/giaodiem_DongTay.htm