Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO VỚI VĂN HÓA DÂN GIAN

Chức năng giáo dục Phật giáo và văn hóa dân gian như đôi cánh đưa dân tộc Việt Nam bay khắp vòm trời viễn đông. Từ thời kỳ đồ đá cũ xuất hiện các nền văn hóa: Núi Đọ, Xuân Lộc, rồi văn hóa Sơn Vi, cho đến thời đồ đá mới có các nền văn hóa: Hòa Bình, Bắc Sơn và đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn thời cổ đại, đã đưa Việt Nam lên điểm đỉnh của các nền văn hóa đương thời. Rồi thời vàng son ấy bị lụi tàng theo năm tháng, nhưng lại bù vào đó là sự tiếp nhận từng bước văn hóa Phật giáo đã tăng thêm sức sống cho nền văn hóa bản địa. Thế là cánh buồm của tổng thể văn hóa Việt Nam như đủ sự chắc chắn vượt qua bão táp, lướt sóng đến khắp năm châu ngày nay.

Ai đó đã từng nói: “Việt Nam đất nước cả ngàn năm văn hiến”, như là một tiền đề cho thế hệ hôm nay nhận thức về cội nguồn văn hóa dân tộc. Nhưng sức mạnh ấy, cội nguồn ấy phải được nhìn dưới nhiều góc độ mới có thể mô phỏng phần nào về hình thái và hành trạng. Trong tổng thể ấy, phải nói chức năng văn hóa Phật giáo như dòng suối cam lồ tưới tẩm cho đạo đức dân tộc mà trên phương diện phổ quát nhất, gần gũi nhất là văn hóa dân gian.

Đi sâu vào vấn đề, chúng ta có thể nói một sự vật hiện tượng có ý nghĩa, giá trị tuyệt đối khi được phát huy đúng chức năng của nó. Ngược lại, tổng thể ấy bị chúng ta nhận thức sai lệch, đưa đến hành động đảo lộn thì những giá trị văn hóa mà các thế hệ ông cha ta đã khổ công xây dựng sẽ bị hủy hoại và tất nhiên tính chân-thiện-mỹ của nó cũng không còn tồn tại. Như vậy, nhận thức đúng chức năng của văn hóa, các giá trị truyền thống là một hành động có ý nghĩa rất lớn, rất quan trọng trong đời sống thực tại mỗi chúng ta. Đặc biệt, văn hóa Phật giáo đã đóng vai trò là linh hồn dân tộc Việt (mái chùa che chở hồn dân tộc), nếu chúng ta tách rời nó ra thì những giá trị nhân bản dân tộc Việt sẽ không còn. Nếu như văn hóa Phật giáo được chú ý phát huy đúng chức năng thì nó sẽ biến một xã hội lạc hậu thành một xã hội công bằng, văn minh. Ý nghĩa thực tại nhất đó là nó giúp chúng ta nhận chân chính xác bản chất mọi giá trị, định hướng đúng mục đích sống, làm phong phú tâm hồn cũng như nhân cách của chính mình.

Vậy văn hóa là gì? "Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của từng dân tộc".

Từ định nghĩa trên, chúng ta thấy “văn hóa” là tinh hoa được con người rút ra từ các hoạt động sống. Nó làm chức năng giáo dục, bảo tồn, truyền thừa những thành quả, những giá trị tâm linh lẫn vật chất. Rồi qua thời gian, những hoạt động sáng tạo của con người được đúc kết thành các giá trị vật thể và phi vật thể, hình thành nên truyền thống đạo đức, quan niệm sống, chứng tích lịch sử của từng dân tộc.

Nhìn vào tổng quan các giá trị mà xét thì bản chất Phật giáo là từ bi, trí tuệ; bản nguyện Phật giáo là giác ngộ, giải thoát; bản hạnh Phật giáo là hòa bình, giáo dục và từ thiện. Từ những tính chất thiết thực ấy, Phật giáo đã phát huy chức năng nhập thế, hòa mình vào nền văn hóa bản địa, giúp dân tộc Việt xây dựng một nền văn hóa rực rỡ, hùng cường mà lịch sử các triều đại Lý - Trần đã chứng minh điều đó.

Văn hóa có chức năng, sức chi phối vượt thời gian, siêu không gian trong tất cả các hoạt động sống. Cho nên lịch sử dài nhất của nhân loại là lịch sử truyền thừa một nền văn hóa. Sức ảnh hưởng của nó là phi giới vứt và vượt thời gian. Tuy nhiên, một nền văn hóa cũng có thể bị mất đi hoặc bị biến chất chức năng của nó nếu thế hệ kế tiếp không biết bảo tồn, thừa kế. Như thế thì Phật giáo Việt Nam qua hơn 2000 năm là một thực thế hiện hữu của nguyên lý văn hóa siêu việt.

Quay về cội nguồn của nền văn hóa nội sinh, thì Việt Nam là cư dân nông nghiệp lúa nước, đời sống người Việt cổ gắn bó với cỏ cây sông nước rừng biển, chịu ảnh hưởng của khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa. Từ chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ như vậy đã tạo nên lối tư duy của người Việt gắn liền với tri thức âm dương, với tư duy phồn thực, với nền văn minh lúa nước. Quan niệm "trời tròn đất vuông” được thể hiện qua truyện kể dân gian Bánh chưng bánh dầy đã góp phần nói lên điều ấy. Từ nhận thức thế giới quan, nhân sinh quan và vũ trụ quan như vậy, con người đã giáo dục, truyền thừa lại thế hệ sau những kiến thức đơn giản nhất mà họ đã góp nhặt được từ đời sống thực tại. Đó là hình thức giáo dục tri thức văn hóa sơ khai. Bên cạnh ấy, "tư duy lưỡng hợp" từ nhận thức vũ trụ quan đã giúp người Việt đúc kết thành kinh nghiệm sống:

Tua rua một tháng mười ngày

Cấy tróc vùng cày cũng được lúa xơi

Bao giờ nắng rửa bằng trời

Tua rua quắt lại thì thôi cấy mùa.

(Ca dao)

Đến Sơ kỳ đồ sắt, nền văn hóa bản địa - văn hóa Đông Sơn đã có sức mạnh đủ để làm nền tảng cho văn hóa dân tộc, nhưng sau đó bị yếu dần và nếu không nói là tàn lụi (không rõ nguyên do), thì sau bối cảnh đó (tức đời các vua Hùng) một thời gian, Phật giáo từ Ấn Độ theo đường biển đã du nhập vào Việt Nam. Mà theo "Đạo Phật Và Dòng Sử Việt" của Hòa Thượng Đức Nhuận, trang 18-21 ghi:

“Phật Giáo phát nguồn từ Ấn Độ đầu tiên được truyền đến Việt Nam vào khoảng 300 năm trước Tây Lịch do phái đoàn của vua A Dục tổ chức và hai vị sư cầm đầu phái đoàn tên là Soma và Uttara. Tại Đồ Sơn thuộc Giao Chỉ, cách Hải Phòng 12 cây số, có một bảo tháp tên là A Dục Vương (Asoka) do hai nhà sư Ấn Độ của phái đoàn nói trên xây dựng nên. Về sau bảo tháp này bị hư hoại và đến khoảng giữa thế kỷ XI Tây Lịch, vua Lý Thánh Tông lại xây một bảo tháp khác nơi bảo tháp nói trên lấy tên là Tháp Tường Long, nhưng ngày nay ngôi bảo tháp Tường Long được cải biến thành ngôi Chùa Tường Long. Tiểu sử về hai ngọn bảo tháp A Dục Vương và Tường Long còn để lại một bài thơ với nhan đề là Tháp Sơn Hoài Cổ và bài thơ này tả cảnh về hai bảo tháp nói trên. Bài thơ đó được dịch nghĩa như sau:

Tháp xưa lau cỏ tốt bời bời,
Vua Dục đi, vua sau cũng đổ rồi!
Chuông nặng ngàn cân kêu đáy nước,
Tháp cao chín bậc hóa thành vôi.
Chú tiều dựng củi nằm đo đá,
Trẻ mục lùa trâu vội xuống đồi.
Lên núi muốn cùng Sư giảng kệ,
Chuông đâu mà đánh thử một hồi?"

..."Vào khoảng 435 trước Tây Lịch, Phò Mã Chử Đồng Tử và Công Chúa Tiên Dung Mỵ Nương, cháu của Hùng Vương đời thứ 3, thọ giáo với sư Phật Quang (Sư Bần) tại Chùa Hang nơi Đồ Sơn thuộc cửa biển của sông Thái Bình, tỉnh Hưng Yên. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có đền thờ Chử Đồng Tử bên bờ sông Thái Bình".

Về phương diện nhận thức, văn hóa dân tộc Việt chịu ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa. Từ xưa, “Vùng đất miền Nam nước ta từ cửa Sót trở vào đã mang nặng những vết tích của nền văn hóa Ấn Độ... ngôi chùa Trúc Viên đã có từ thời Lữ Gia, tức khoảng năm 110 Tr.dl tại núi Thầy (Sài Sơn), ở Sơn Tây". Qua đó, chúng ta thấy văn hóa Ấn Độ theo đường biển phía Nam du nhập vào nước ta từ rất sớm. Cũng khoảng những kỷ nguyên đương đại, theo dòng tư tưởng đô hộ của người phương Bắc, văn hóa Trung Hoa cũng truyền sang nước ta. Hai nền văn hóa trên được người Việt tiếp biến cho phù hợp với cơ sở văn hóa bản địa. Ba nền văn hóa cùng tồn tại, cùng giao lưu với nhau đã làm giàu cho văn hóa dân tộc.

Qua đó, chúng ta thấy những giá trị tâm linh, lối tư duy Phật giáo của người Việt cổ đã thuần nhất trong nền văn hóa bản địa. Văn hóa Phật giáo giàu tính nhân bản, rất phù hợp với nền văn hóa bản địa; lại trong thời điểm chưa có một hệ thống giáo lý nào khác xâm nhập, nên khi Phật giáo truyền bá nơi đây lập tức được người Việt dễ dàng chấp nhận và trở thành truyền thống văn hóa dân tộc. Những câu nói hằng ngày như: "Tội nghiệp quá!", "Hằng hà sa số", "Ta bà thế giới",v.v... đều là thuật ngữ của Phật giáo. Xét về hệ thống ngôn ngữ, ca dao, văn học dân gian… chúng ta thấy văn hóa Phật giáo rõ ràng đã ghi dấu tư duy của họ.

Câu tục ngữ: "Lù khù nhưng ông Cù (đàm) độ mạng" nói lên niềm tin rằng một người khù khờ, nếu phát tâm quy y Phật, có niềm tin Phật là đấng toàn trí, có thần thông quảng đại luôn gia hộ để họ có cuộc sống bình an thì sẽ được cảm ứng (có cảm thì tất có ứng). Và hình ảnh Bụt trong truyện Tấm cám cũng là nét đặc trưng để nói lên điều đó.

Nhận thức vận mệnh đời người thì được thể hiện bằng giáo lý nhân quả nghiệp báo, luân hồi. Họ tin rằng gây nhân lành thì kết quả tốt chắc chắn sẽ đem đến, nếu không kiếp này thì kiếp sau cũng nhận được.

"Ai ơi! Hãy ở cho lành,
Kiếp này không được, để dành kiếp sau"
.

Giáo lý Vô thường cũng được thể hiện rõ qua câu:

“Cuộc đời đâu khác loài hoa,
Sớm còn tối mất nở ra lại tàn
".

Và cho đến ngày nay, câu ca dao nổi tiếng mà đa số người Việt đều thuộc:

"Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm".

Cửa Thần Phù theo Việt Nam Tự điển, là tên của con sông Chính Đại, thuộc Yên Mô, Ninh Bình đổ ra vịnh Bắc Việt. Về sau, cửa sông bị cát bồi thành; cho đến cuối đời nhà Lê, dân cư sinh sống nơi đây thành lập Tổng Thần Phù. Cư dân đa số sống bằng nghề chài lưới nên thường vật lộn với sóng nước để tồn tại. Thuyền bè thường qua lại cửa sông và mỗi khi gặp nạn thì có kẻ còn người mất. Từ hiện trạng đó, người dân mới mượn hình ảnh "lênh đênh" của thuyền qua lại cửa Thần Phù để biểu tượng cho luân hồi sanh tử. Chữ "nổi" là biểu tượng cho sự giải thoát, chữ "chìm" là biểu tượng cho sự đọa lạc, hai chữ "khéo tu" là chỉ cho những người thực hành giáo lý giác ngộ.

Lối tư duy ấy đã trở thành xương máu của họ. Cho đến khi nền văn học được phát huy rực rỡ, các nhà thơ, nhà văn lớn cũng mang trong mình dòng chảy tư duy văn hóa Phật giáo:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn bởi tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Nguyễn Du.

Về mặt giáo dục thể chất, văn hóa làm chức năng giúp con người có sự hiểu biết ngày càng chính xác về sự vận hành tâm sinh lý của chính bản thân mình. Lối sống chánh niệm, làm sạch tư tưởng; phép quán thân bất tịnh của Phật giáo đã trở thành quan niệm sống lâu đời của người Việt. Mặt khác, thông qua hình thức nghệ thuật, văn hóa giáo dục con người một hệ thống tình cảm chuẩn mực. Thế nên lễ nhạc Phật giáo, kiến trúc chùa chiền, nghệ thuật điêu khắc Thánh tượng… luôn là đề tài sống động làm phong phú tâm hồn mọi người.

Con người đẹp theo quan niệm của người xưa và ngày nay cũng khác nhau. Ngày nay, một con người toàn diện phải đầy đủ trí, đức, mỹ, thể mà ý nghĩa của nó không khác lời Phật dạy: "Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn", "giá trị của con người được đánh giá qua trí tuệ có sâu dày và đức độ có hậu bạc” của họ. Một con người toàn diện, người ấy phải có thể chất khỏe mạnh. Phật dạy: "Không có một tinh thần minh mẫn trong một thân xác gầy yếu", đó là chân lý. Do vậy, rèn luyện thể chất cho con người cũng là chức năng giáo dục cần yếu của văn hóa.

Ngày nay, trong hình thức giáo dục gia đình, pháp Tam quy-Ngũ giới một khi được Phật hóa gia đình thì sự giáo dục ấy là toàn mỹ. Trường học là hình thức giáo dục bắt buộc có định hướng và đây chính là cái nôi của sự hình thành tri thức sống và nhân cách cho mọi người. Ngành giáo dục phải đào tạo nhân lực đúng với định hướng chiến lược. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nhà trường nếu không có phương pháp hay nội dung đúng đắn thì sự phản tác dụng của nó có thể làm hư đi cả một thế hệ, nếu không nói là nhiều thế hệ mai sau. Tuy nhiên, nếu chúng ta thiếu may mắn, không được sống trong một gia đình tốt, không có điều kiện cắp sách đến trường, không được sinh hoạt trong môi trường xã hội có văn hóa thì chúng ta sẽ bị sự đào thải, vùi dập và biến chất hay sao? Trong thực tế, có rất nhiều người thiếu may mắn nhưng họ biết vươn lên thay đổi số phận. Như vậy, trong con người đã có sẵn “tấm lưới gạn lọc”. Họ biết tiếp nhận tri thức hay đẹp, chống lại sự tác động xấu ác từ bên ngoài. Do đó, chiến lược giáo dục tri thức này là sự rèn luyện phẩm chất tự giác, giác tha của chúng ta để giúp mọi người nâng cao tính tự giáo dục. Hiện tại, thanh thiếu niên Việt Nam đang bị tha hóa đạo đức, cả dân tộc bậc gốc khỏi nền tảng văn hóa bản địa, áo nghĩa Phật đà bị quên lãng,… là tiếng chuông báo động ở cấp nguy hiểm mà chúng ta không thể không lưu tâm.

Cuộc sống và tình yêu là hai nhân tố song phương tồn tại trong một con người. Riêng quan niệm khổ đau, chúng ta có thể chấp nhận quan điểm của Goethe, qua lời thơ của ông: "Trong khi mà con người, trong đau khổ không nói nên lời, thì đã có một vị thần nói lên những gì tôi đang chịu đựng” (Und wenn der Mensch in seiner Qual verstummt, Gab mir ein Gott, zu sagen, wieich leide). Ngày nay thông qua chức năng văn hóa, con người có tri thức ngày càng sát với chân lý, sát với bản chất vận hành của sự sống cũng như vũ trụ. "Vì một cái gì xa lạ và trái với bản chất người, tức là một sản phẩm kỳ cục riêng thuộc của tưởng tượng, không thể nào lại được thiên tài thi ca mọi thời đại không ngớt mô tả, và lại được nhân loại tiếp đón với một lòng ái mộ không bao giờ vơi cạn; vì không có chân lý không thể có thẩm mỹ". Và Boileau cũng từng tuyên bố: "Không gì đẹp bằng cái thật, chỉ cái thật mới đáng yêu”. Đúng vậy, chỉ có cái thật mới tồn tại và giáo pháp Như Lai chính là tiếng nói "thâm diệu như thật" (diệu đế) được mọi người đón nhận.

Về phương diện nghệ thuật, điển hình là nội dung nghệ thuật Tây Tạng qua đề tài Mạn-đà-la, mô tả hình tròn biểu tượng vũ trụ đã có sức thu hút vượt quá vai trò nghi lễ của chúng. "Đối với các nhà tâm lý học, chúng là những hình tượng phổ biến phản ánh những bản năng của con người. Đối với nhiều người khác, chúng có sức thu hút thông qua sự pha trộn của trật tự và sự hài hòa, những hình tượng đa tầng đầy bí ẩn của chúng như là cách thức biểu hiện những ý nghĩa mang tính chất tri thức và cảm xúc sâu xa".

Phải nói Phật giáo là một tôn giáo có sức ảnh hưởng rất lớn trong tâm hồn người Việt. Hệ thống giáo lý: "nhân quả", "luân hồi", "thiện ác nghiệp báo”... đã trở thành nhận thức truyền thống dân tộc. Thử tìm lại trong thi ca xưa, chúng ta thấy kệ "cáo tật thị chúng" của thiền sư Mãn Giác mô tả một định luật tất yếu của cuộc sống mà con người không thể đảo lộn theo ý muốn của mình được. Nhận thức được sự nhỏ bé và rất giới hạn của mình trước vũ trụ bao la, Thiền sư viết:

Xuân khứ bách hoa l ạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

(Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Việc đời qua trước mắt

Già theo đến trên đầu).

"Chính nhận thức như vậy, họ mới thấy cuộc sống muôn hình muôn vẻ cứ tiếp tục theo đuổi nhau đi qua trước mắt con người, trong lúc đó thì con người là một hữu hạn, chỉ có một số lượng thời gian và không gian nhất định để nhận thức và nắm lấy cuộc sống ấy".

Tuy nhiên, trong cái nhỏ bé ấy, "họ đã có một niềm tin mãnh liệt vào khả năng cải tạo vô tận đối với thế giới, và từ đó một tương lai sáng lạn đang chờ đợi họ và con cháu họ":

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai).

Tóm lại, như chúng ta đã biết, để có cái nhìn chuẩn xác về văn hóa một dân tộc thiểu số, ít nhất các nhà nghiên cứu phải căn cứ vào kết quả của một cuộc điền dã dân tộc học. Huống chi văn hóa Phật giáo đã trở thành truyền thống ăn sâu trong tư duy dân tộc Việt qua mấy nghìn năm rồi; nếu muốn nhận chân đúng giá trị của của nó, buộc chúng ta phải có cái nhìn thật khách quan, thì may ra mới đúng phần nào; còn nếu muốn hiểu tương đối chính xác thì phải sống với nó chứ không còn cách nào khác hay hơn. Giá trị của Phật giáo trong văn hóa dân gian giữ một vị trí to lớn trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Sự hiện hữu của nó qua mấy ngàn năm lịch sử đã kết thành xương tuỷ trong dòng giống Lạc-Rồng mà thế hệ chúng ta phải trân trong giữ gìn. Đặc biệt, qua bài này người viết muốn gởi đến quí độc giả một thông tin về giá trị Phật giáo trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam đang bị xói mòn nếu không nói là bị lãng quên.

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/phatgiao-dangian.htm

 


Vào mạng: 1-03-2005

Trở về mục "Văn hoá Phật giáo"

Đầu trang