Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
MÙA BÁO ÂN - BÁO HIẾU
Đức Phương

Giới Phật giáo chúng ta đang bước vào những ngày lễ Vu-lan, hân hoan chào đón tiết Rằm tháng Bảy (ÂL), coi đây là một Phật sự quan trọng trong mùa Báo Hiếu Báo Ân, trau dồi thêm các đức tính của một Tình thương rộng lớn và cao đẹp.

Truyền thống Vu-lan gắn liền với tập quán lâu đời của dân tộc, mang dấu ấn sâu sắc của tư tưởng đạo Phật. Trong những ngày này, trong dân gian thường nhắc đến mẩu chuyện "Mục-Liên Thanh Đề" hay xem đây là những ngày lễ "xá tội vong nhân" v.v... Đây là truyền thống dân gian, có nhiều mặt tốt đẹp của nó, người dân thường rất thắm thía với tình thương sâu đậm của Mục-Liên đối với mẹ và con người cũng cảm thấy giây phút thư thái trong lòng khi để tâm làm điều thiện, "bố thí" cho người chết, giải tội và cầu phúc cho người sống.

Với mẩu chuyện "Mục-Liên, Thanh Đề" không ít người trong giới PG chúng ta còn dùng ở ý nghĩa "Mục-Liên cứu Mẫu" nhờ có nhiều phép thần thông hay cũng chỉ tâm niệm theo cách diễn giải của một số Kinh, thuật lại lời Ngài Mục-Liên bạch Phật là : "Mẫu thân con nhờ công đức Phật và uy thần của mười phương Tăng nên thoát khỏi khổ địa ngục...". Trong thực tế, sức mạnh của tình thương và ước vọng bên ngoài cũng góp phần tăng thêm nghị lực cho bà Thanh Đề trên con đường hối cải. Nhưng bà Thanh Đề được giải thoát chính nhờ bà đã đổi tâm tham lam thành tâm thanh tịnh. Theo luật nhân quả nhà Phật, thì dù Mục-Liên có bao nhiêu thần thông phép lạ cũng không cứu rỗi được mẹ nếu bà không biết cải tà qui chánh.

Với lẽ "xá tội vong nhân" cũng không ít người trong giới PG chỉ nhìn thấy ở đó công đức "bố thí" để cầu may cho hiện tại và cầu phúc ở mai sau. Khách quan mà xét, phong tục này cũng có mang những yếu tố tích cực của một tình thương với ước vọng "xả ác tòng thiện". Nhưng kinh Phật không dừng ở tinh thần từ thiện (bố thí vật chất và tinh thần) mà từ tình cảm thuộc bản năng đó của con người, dẫn dắt đến một bước thức tỉnh sâu rộng hơn về ý nghĩa của lòng Từ bi trong nhiều mối quan hệ giữa cuộc sống cộng đồng xã hội qua phương pháp tu dưỡng "Tứ nhiếp pháp" (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).

*
* *

Mùa Vu-lan năm nay (PL. 2535) đến với giới Phật giáo chúng ta khi đất nước đang trong quá trình "đổi mới". Giới Phật giáo cũng cần góp sức mình vào sự nghiệp chung bằng những việc làm thật sự rất thiết thực, làm tròn nghĩa vụ Phật sự theo một tinh thần "khế lý" hơn, để được "khế cơ" hơn; xây dựng một nếp sống tu hành kết hợp nhịp nhàng giữa Đạo và Đời.

Giáo lý nhà Phật đã giáo dục cho chúng ta bồi dưỡng một lòng Từ bi thực sự xuất phát từ cuộc sống thực tế của con người giữa thiên nhiên và xã hội với đạo lý Tứ Ân, được diễn giải theo một trình tự phù hợp với bước phát triển của tâm lý và tình cảm của mọi con người. Lòng Từ bi (Tình thương) ở mọi người bắt đầu từ thân đến xa, từ tình thương cha mẹ họ hàng lan dần đến tình thương trong các mối quan hệ xã hội với thầy bạn, đồng bào quê hương đất nước và mở rộng đến tình thương cao cả của con người đối với cuộc sống của nhân loại trên quả đất này. Đạo Phật xem mùa Vu-lan là mùa Báo Hiếu Tứ Ân.

1. Đạo Hiếu của nhà Phật lấy tình thương mẹ cha làm khởi điểm, coi hiếu với mẹ cha là đạo hạnh quan trọng nhất của con người, xác định rõ "Tâm Hiếu là tâm Phật - hạnh Hiếu là hạnh Phật" và Đức Phật còn chu đáo dạy rằng : phải thờ "phụ mẫu tại đường như chư Phật tại thế".

Các Kinh diễn giải rất nhiều về đạo Hiếu. Trong Kinh Báo Phụ Mẫu Ân, Đức Phật nói : "Ân đức cha mẹ vô biên, kể không bao giờ cùng". Và trong Kinh Nhẫn Nhục, có lời Đức Phật dạy rằng : "Cùng tột điều thiện, không gì bằng Hiếu. Cùng tột điều ác không gì bằng Bất Hiếu" v.v... và các kinh đều nêu rõ bổn phận làm con phải biết Hiếu kính, Hiếu tâm, Hiếu hạnh, Hiếu dưỡng, Hiếu đạo với mẹ cha. Đạo Hiếu cũng không phải chỉ là bổn phận thiêng liêng của con người bình thường mà cũng là điều thọ trì trước nhất của giới tu hành. Giới Kinh nói rõ : "Hiếu cũng gọi là Giới".

2. Điều đặc biệt đáng chú ý là cách diễn giải trong các Kinh đều thể hiện nếp nghĩ của Đức Phật, xuất phát từ những tình cảm thông thường gần gũi nhất của con người từ tình thương đối với mẹ cha họ hàng thân thuộc trong những mối quan hệ máu thịt gia đình, mở rộng tình thương đến những phạm vi rộng lớn hơn. Các Kinh Phật đều xác định rõ rằng : người nào hiếu nghĩa với mẹ cha, anh em bà con huyết thống thì người đó chắc chắn sẽ có tình thương trong nhiều mối quan hệ xã hội, sẽ hiếu nghĩa trong tình thầy trò, trong quan hệ với đồng bào và quê hương đất nước.

Cái ân nghĩa thứ hai là tình thương và lòng kính trọng trong mối quan hệ thầy trò - những con người đã bỏ bao nhiêu tâm lực đem lại cho người nguồn sức mạnh về tinh thần và trí tuệ, trang bị cho tuổi trẻ nhiều bản lĩnh để đi vào cuộc sống và nhiều năng lực để góp sức mình vào lợi ích xã hội. Và đối với giới tu hành, chúng ta có một bậc thầy vĩ đại là Đức Phật mà cách báo ân thiết thực nhất là thực hành đúng Chánh Pháp và làm cho tư tưởng nhà Phật ngày thêm trong sáng và tăng thêm nguồn sức mạnh.

3. Cái ân nghĩa thứ ba là đối với đồng bào và quê hương đất nước. Trong mối quan hệ giữa con người và con người, thực sự có mối ràng buộc có tính chất ân nghĩa : ăn cơm nhờ người nông phu, mặc áo nhờ người thợ dệt, qua sông nhờ người chèo đò, đau ốm nhờ người thầy thuốc v.v... Cuộc sống của chúng ta được an ổn là nhờ sự giúp đỡ qua lại lẫn nhau, cho nên chúng ta có bổn phận thành tâm xây dựng mối quan hệ trên tinh thần tình thương đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, không được xâm phạm đến lợi ích người khác. Và trong cuộc sống hôm nay, chúng ta không quên công ơn của "cửu huyền thất tổ", đã có công khai phá và gầy dựng quê hương, cũng không quên những anh hùng và chiến sĩ vô danh đã hy sinh xương máu bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước, để chúng ta có quyền sống một cuộc sống xứng đáng của con người. Đúng là trong mùa Vu-lan, đốt một nén hương dâng lên bàn thờ Tổ Tiên cũng là một cử chỉ đạo đức đẹp đẽ như đặt một bó hoa trên mồ các liệt sĩ, để tưởng nhớ đến công ơn của những người ân nhân đã khuất.

4. Cái ân nghĩa thứ tư rộng lớn hơn, đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao cả của con người đối với cuộc sống nhân loại. Đạo Phật là đạo "hiếu sinh", biết ơn và ra sức bảo vệ cuộc sống của sinh vật, của con người lẫn cả cỏ cây đều đã đem lại nhiều lợi ích cho ta trong cuộc sống. Hình ảnh Đức Phật lễ đống xương khô là biểu hiện sự Hiếu kinh, lòng biết ơn và tấm lòng trân trọng đối với phẩm giá của mọi con người, tỏa ra một tình cảm tôn kính và thương yêu cao đẹp đối với mọi sức sống trong hiện tại, quá khứ cũng như tương lai. Và đối với thiên nhiên, Đức Phật dạy rằng : "Người nghỉhờ dưới bóng cây cho đến thời gian ngắn, cẩn thận chớ bẻ hoa" (Kinh Ưu-bà-tắc), vì phải biết ơn cỏ cây đã có công che mát cho ta. Thời Đức Phật, chưa có những "lò sát sinh" bằng điện, nạn "diệt chủng" hay bom hạt nhân, nhưng Đức Phật đã có thái độ rõ ràng là cần tôn trọng mọi sự sống. Thời Đức Phật cũng chưa có hiểm họa phá rừng hay tùy tiện làm ô nhiễm các môi trường sống của sinh vật và con người tràn lan trong khí quyển hay trong lòng biển v.v... Nhưng Đức Phật có thái độ rõ ràng phải bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi sinh. Đúng đây là cách nhìn sáng suốt và xa rộng, thể hiện đúng lý tưởng của nhà Phật thực sự vì cuộc sống an vui và hạnh phúc của con người trong các mối quan hệ hiện thực với thiên nhiên xã hội.

*
* *

Hiếu Ân, trong ý nghĩa mở rộng có cùng một đối tượng thực hiện là hướng về người thân, cha mẹ, đất nước, nhân dân, chúng sinh, vũ trụ, đấy là môi trường sống của chúng sanh gồm cả mặt tâm linh nữa. Hiếu Ân còn có chung cái động cơ thúc đẩy là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn cái tâm vô lượng này khiến chúng ta sống hài hòa với xã hội, với thiên nhiên, khiến chúng ta thực hiện có hiệu quả việc tu tập Thiền định, vô ngã, tiến đến hạnh phúc chân thực, miên trường. Từ kinh và Tập kinh đều nêu hai câu kệ :

"Mong sao tất cả chúng sinh đều thấy an lạc !"

"Mong sao tất cả chúng sinh đều đạt niềm vui tự nội !"

Trong ý nghĩa ấy, trong mùa Vu-lan, chúng ta nghĩ đến cha mẹ trong đời này, trong các đời trước, nghĩ đến tất cả chúng sanh, mong sẽ không còn cảnh khổ "bị treo ngược" như trong ý nghĩa của từ Vu-lan hay Ulambana vậy.

Computer Typesetting : Hải Hạnh


http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/006-ducphuong-muabaoan.htm

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang