- Mẹ tôi
- Võ Đại Sinh
Ba tôi qua đời cách đây
4 năm. Mẹ tôi mất cách đây đúng 4 tháng. Cả hai đều ra đi sau một thời
gian khá dài cầm cự với cơn bệnh, ở tuổi 89. Mới ngày nào đây, khi
chùa Quảng Đức dời về trụ sở mới ở Fawkner, nhân ngày báo hiếu Vu
Lan, thầy Tâm Phương còn trao cho tôi đóa hoa hồng, lòng tôi vừa vui mừng
vừa lo. Mẹ tôi đã ra vào bịnh viện khá nhiều lần trong 2 năm qua. Ngày
Ba tôi mất, điện thoại từ Việt Nam báo tin vào lúc nửa đêm. Từ đó cứ
mỗi lần điện thoại reo vào nửa khuya là tim tôi hồi hộp lạ thường.
Tôi đang lo một điều khó tránh thoát được, Mẹ tôi càng ngày càng yếu
đi và có thể ra đi bất cứ lúc nào...
Một đêm, sau tiệc cưới, về nhà,
tôi được điện thoại từ Việt Nam sang báo tin Mẹ mất. Ngày được tin
Ba mất, nước mắt tôi chảy dài. Hôm nay, Mẹ mất, nước mắt tôi không
rơi, nhưng sao lòng tôi như đang chết lặng, tim tôi như ngừng đập. Ba mất,
một mất mát quá lớn. Mẹ mất, một mất mát hình như to tát hơn. Không
hiểu đó có phải là tâm trạng chung của mọi người, hay của chỉ riêng
tôi, vì tư chất và hoàn cảnh quá đặc biệt của Mẹ tôi.
Hình như Mẹ tôi cũng có được sống
qua một thời gian ngắn đầy đủ, sung túc. Nhưng đó chỉ là chuyện tôi
nghe kể lại, lúc tôi chưa chào đời, và khoảng thời gian đó quá ngắn,
không để lại một dấu tích, một ấn tượng nào trong tiềm thức tôi.
Bây giờ, Mẹ mất, cố nghĩ, cố đào sâu ký ức... tôi thật không nhớ
được Mẹ tôi có ngày nào được sung sướng.
Không biết các anh chị em tôi như
thế nào, chớ riêng phần tôi, bất cứ một thành công nào trong cuộc đời
tôi, dù lớn, dù nhỏ đều được trả giá bằng sự hy sinh của Mẹ tôi.
Một người đàn bà mù chữ, nghèo khó, trong hoàn cảnh của Mẹ tôi, làm
được việc gì để giúp cho sự khôn lớn, thành công của 8 đứa con, ngoài
chấp nhận cuộc sống làm thuê, ở mướn. Tôi học trung học ở Gò Công,
Mẹ tôi ở mướn ở Gò Công. Tôi lên Sài Gòn học đại học, Mẹ tôi
lên theo tiếp tục nghề ở mướn ở Sài Gòn. Nhục nhằn Mẹ tôi gánh chịu
trong thời gian ở mướn ở Gò Công tôi không được biết. Những chịu đựng
của Mẹ tôi trong thời gian ở mướn ở Sài Gòn tôi trực tiếp chứng kiến,
cùng chia xẻ, chịu đựng với Mẹ tôi. Vui buồn của Mẹ con tôi trong thời
gian nhục nhằn đó tùy thuộc trọn vẹn vào buồn vui của 3 ông chủ con.
Con nhà giàu, từ Gò Công, lên Sài Gòn học, tiền bạc dư thừa, 3 cậu tha
hồ làm mưa làm gió. Và mưa gió đó đã vùi dập cuộc sống của Mẹ con
tôi.
Tôi ra trường năm hai mươi ba tuổi.
Mẹ tôi chấm dứt cuộc sống hai mươi ba năm ở mướn, thì hình như đã
quá trễ. Nghèo khó đeo đẳng quá lâu... đã khiến Mẹ tôi luôn sợ
nghèo, sợ khổ, không quen sống cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Ở mướn
thời gian quá dài đã khiến Mẹ tôi quen thuộc với chịu đựng, gọi dạ,
bảo vâng... đến không dám nhờ vả, sai khiến bất cứ ai, dù rằng anh chị
em tôi lúc đó đã có đủ khả năng lo cho Ba Mẹ tôi đủ ăn đủ mặc, dù
rằng lúc đó, quanh Mẹ tôi có hàng chục con cháu sẵn sàng lo lắng, phục
vụ ! Ngày cả trong lúc bạo bịnh, thời gian ngắn chị em tôi túc trực nằm
vây quanh giường bịnh, Mẹ tôi cũng ngại ngùng chẳng dám làm phiền con,
dâu, nửa đêm, nhẹ nhàng lén đi tiểu, tiểu một mình...
Năm 1974, tôi cưới vợ. Với địa
vị xã hội và sự quen biết của tôi ở thời điểm đó, đám cưới tôi
được tổ chức lớn lắm, lớn nhứt quận Hòa Đồng, theo như nhiều người
kể lại. Ba Mẹ tôi lo lắng thật nhiều, nhưng khổ nhất là Mẹ tôi, vì
thương con, cũng vì thương con, đã bỏ ra hàng tuần để tập đồ đi đồ
lại tên mình, chuẩn bị ký tên vào tờ hôn thú cho vợ chồng tôi trong
ngày trọng đại đó. Khổ cho người Mẹ mù chữ, thương con của tôi. Mẹ
tôi ngại cho tôi, nhưng tôi thì không. Tôi luôn hãnh diện vì Mẹ tôi, vì
sự mù chữ của Mẹ tôi ! Đức Đạt Lai Lạt Ma ca tụng người Mẹ vĩ đại
của Ngài vì những hy sinh chẳng đáng gì đâu, nếu so với sự hy sinh của
Mẹ tôi ! Tôi không biết diễn đạt thế nào cho đầy đủ về sự hy sinh
của Mẹ tôi, cho xứng đáng với sự hy sinh của Mẹ tôi. Điều chắc chắn
là, với tôi, Mẹ tôi vĩ đại hơn Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ngày Mẹ tôi mất, tôi được tin
quá trễ, vào lúc nửa đêm thứ Bảy. Ngày Chúa Nhật không làm được việc
gì. Sáng thứ Hai tôi phải bay vội về Việt Nam qua một đêm chờ đợi
ở phi trường Singapore. Trên phi cơ tôi đã vội vàng chuẩn bị bài điếu
văn khóc Mẹ. Đường bị kẹt ở cầu Long An khá lâu, về đến nhà vào
ngày thứ Ba, chỉ còn 5 phút nữa đến giờ động quan. 5 phút ngắn ngủi
chỉ đủ cho tôi vật vả lạy Mẹ trước quan tài. Điếu văn khóc Mẹ do
vậy đã không được đọc, dù rằng tôi thèm được khóc với Mẹ tôi lần
tiễn biệt cuối cùng. Tôi thèm nói cho Mẹ tôi biết cảnh tang tóc của tiểu
gia đình tôi ở nơi tha hương khi được hung tin. Tôi thèm nói cho Mẹ tôi
biết về sự đau buồn, thê lương của 3 đứa con tôi, Đoan Trang, Việt
Nam, Khoa Nam, khi được tin Bà Nội mất.
Chiều chiều, từ ngày trở lại
Úc sau đám tang Mẹ, trên căn gác lửng nhà tôi, nhìn chim bay từng đàn,
tôi thật sự không biết chúng đang bay từ đâu, định đến hướng nào,
nhưng tôi chắc chắn là chúng đang trên đường về với Mẹ, về quê Mẹ.
Khi Mẹ tôi còn sống, tôi về Việt Nam mỗi năm đôi, ba lần. Từ khi Mẹ
tôi mất, quê hương Việt Nam vẫn còn đó, nhưng lòng tôi không còn nao nức
muốn về thăm nữa. Hình như khi mất Mẹ, sự gắn bó với quê hương
cũng mất theo với Mẹ. Thầy Nhất Hạnh trong quyển bông hồng cài áo khi
nói về Mẹ đã viết "Tôi thấy tôi mất Mẹ, mất cả một bầu trời".
Còn tôi, từ ngày mất Mẹ, tôi mất cả quê hương, mất luôn cả đường
về !
8-3-1998
- Computer Typesetting : Hải Hạnh