Nói đến Vu Lan là phải
nói đến mùa báo hiếu; mùa mà những người con nam nữ nhớ đến công
ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và muốn làm việc gì đó để đền
ơn đáp nghĩa. Bởi vì công ơn cha mẹ quả thật trên đời này không có
gì thiêng liêng bằng. Công ơn ấy đã thấm trong ta từ thuở tượng hình,
đến với ta qua hơi ấm, qua bàn tay trìu mến, qua dòng sữa bổ dưỡng và
qua giọng hát ngọt ngào. Cha mẹ là hình ảnh đầu tiên mà ta nhìn thấy
khi ta mở mắt chào đời và cũng là người làm cho ta nhớ mãi nụ cười,
ánh mắt và hương vị yêu thương của cha mẹ dành cho mình. Hơn nữa, nói
đến cha mẹ là phải nói đến sự hy sinh cho các con cả cuộc đời và cả
tâm hồn lẫn thể xác. Chính vì tình thương và lòng hy sinh cao cả như thế,
phận làm con chúng ta phải hiểu rõ tình thương và sựy sinh của cha mẹ;
hiểu để đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người.
Về phương diện đền ơn cha mẹ, Đức Phật có dạy: "Dù là tại gia
hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha
mẹ. Vì tâm hiếu là tâm Phật".
Do đó, theo quan điểm của Phật giáo Nam tông, không hẳn
chỉ là ngày Rằm tháng 7 ÂL mới là ngày mà những người con phải làm
cái gì đó cho cha mẹ đã quá văng, mà bất cứ lúc nào, giờ nào, ngày
tháng năm nào đều cũng có thể làm cha mẹ vui lòng hoặc làm việc tích
đức để hồi hướmg cho họ ở bên kia thế giới. Nên đối với người
tại gia cư sĩ, trong một đoạn kinh, Đức Phật có dạy cách báo hiếu cha
mẹ: "Với đôi cánh tay, với những giọt mồ hôi mặn và có tạo được
ít nhiều tài sản, nên sử dụng hợp lý, hợp tình". Tức là đối với
gia đình, trên phải cung dưỡng cha mẹ, dưới phải giáo dưỡng vợ con. Mặt
khác, còn phải làm tròn 5 bổn phận của người con đối với cha mẹ như
sau:
1. Phụng dưỡng cha mẹ (Bhavana): Tức phải hết lòng cung
kính cha mẹ, không làm cho cha mẹ buồn khổ, không nói lời vô lễ mà thể
hiện sự phụ dưỡng bằng tinh thần như thăm viếng cha mẹ trong những
khi họ cô đơn, bệnh hoạn xế chiều; hoặc là sự cung phụng bằng vật
chất như vật thực, thuốc thang, chỗ ngụ, y phục...
2. Làm việc thay thế cho cha mẹ (Kicca kavana): Là chúng ta phải
gánh vác tất cả những việc gì mà trước đây cha mẹ đã vì ta mà gánh
chịu. Đây cũng là lẽ thưòng tình của đời sống xã hội, không riêng
gì Phật giáo. Đã là người con trưởng thành thì cần phải làm thay thế
cho cha mẹ, để cho cha mẹ có thời gian thụ hưởng những ngày nhàn rỗi
cuối cuộc đời.
3. Gìn giữ gia phong tốt đẹp (Kùlavam sathapana): Là gìn giữ
gia phong đạo đức tốt đẹp; lược bỏ đi những phong tục cổ hủ vô bổ
cho gia tộc cũng như cho xã hội. Chẳng những thế, cần phải làm phát huy
thêm những truyền thống tốt đẹp để làm vang xa tiếng tốt của gia tộc.
4. Bảo quản tốt tài sản thừa sự (Dàyai jàpati pajjana):
Đã là tài sản của cha mẹ thì bổn phận người con là cần phải bảo
quản tốt, thậm chí còn cần phải làm cho chúng sinh sôi nảy nở. Vì tài
sản đó rất đặc biệt, chúng không phải tự dưng mà có, cũng không phải
do vị Trời nào ban thưởng cả, mà chúng có được là do chính máu, mồ
hôi nước mắt của chạ mẹ đã tạo ra chúng, nên bổn phận làm con phải
tỏ lòng trân trọng hiếu kính gìn giữ chúng.
5. Tạo phước hồi hướng khi cha mẹ đã quá vãng (Đakkinànuppadana):
Theo Phật giáo, khi cha mẹ còn hện tiền thì người con phải làm sao cho
cha mẹ luôn sống trong niềm an lạc hạnh phúc. Ngược lại, khi cha mẹ đã
quá vãng thì người con cần phải tạo thật nhiều công đức để hồi
hướng phần công đức đó đến cha mẹ. Có như vậy cha mẹ mới thật sự
sống trong sự an lạc, vì nếu như họ đã quá cố không may mà tái sanh
cõi khổ, thì sau khi tùy hỷ theo cái phước mà người con đã hồi hướng
nơi cõi khổ ấy để tái sanh.
Về phương diện của người xuất gia, Đức Phật cũng cho
phép nuôi dưỡng cha mẹ. Có một vị Tỷ kheo chuyên đi khất thực nuôi
cha mẹ; câu chuyện được bạch lên Đức Phật. Sau khi phán hỏi sự
tình, Đức Phật chẳng những không quở trách mà còn hết lời tán thán
hiếu hạnh của vị Tỷ kheo. Ngài kết luận "Người nào muốn đạt
đến cứu cánh Phật đạo, người ấy phải tuyệt đối hiếu kính cha mẹ".
Lịch sử chép rằng, Đại đức Xá Lợi Phất, trước khi
Niết bàn, cũng chọn căn phòng ngày nào Ngài đã chào đời và tìm đủ mọi
cách để giảng đạo độ mẫu thân - vốn là tín đồ của Bà La Môn
giáo - quay về quy ngưỡng chánh pháp. Và sau đó bà đắc quả Tu Đà Hườn.
Còn Đại đức A Nan Đa thì chọn dòng sông Kohinì làm nơi tịch diệt và
Xá lợi của Ngài lại được chia đôi như ý nguyện, một phần đưa về
hữu ngạn nội tổ, phần còn lại đưa về tả ngạn ngoại tổ. Thật là
một đời sống hiếu hạnh trọn vẹn, người đời khó làm được!.
Tiêu biểu nhất là Đức Phật của chúng ta. Sau khi thành
đạo, hay tin phụ vương lâm trọng bệnh, Ngài vội vàng quay về hoàng cung
cùng với chúng Tăng đệ tử ngự tại vườn Thượng Uyển; và mỗi ngày
Đức Phật vào cung vấn an phụ hoàng ba lần trong suốt thời gian vua cha thọ
bệnh. Cuối cùng vua cũng đắc quả vị A La Hán. Lúc này chính tự thân Đức
Phật đã tắm rửa phụ hoàng, thay đổi xiêm y, làm lễ nhập kim quan;
luôn cả ngày trà tỳ, Ngài cũng cung tống kim quan với sự tiếp tay của
chư Thánh tăng thuộc hàng Thích tộc và sự hỗ trợ của Tứ Thiên vương.
Sau lễ trà tỳ Ngài thu nhặt Xá lợi phụ vương đem về làm lễ nhập
tháp.
Đối với Phật mẫu, lòng hiếu thảo của Ngài lại càng
đặc biệt hơn. Ngài đã dùng thần lực lên cõi trời Đao Lợi để tiếp
độ Phật mẫu. Nơi đây Ngài an cư kiết hạ trong suốt ba tháng ròng rã,
Đức Phật đã thuyết giảng tạng A Tỳ Đàm (Abhidhamma) cho mẫu thân nghe,
và khi được thuyết pháp, người đã chứng quả Tu Đà Hườn.