Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Hiếu Kinh của Phật Giáo
HT. Tuyên Hóa

Tông chỉ của bộ Kinh Địa Tạng nằm trong tám chữ: "Hiếu đạo, Độ sanh, Bạt khổ, Báo ân". Tám chữ này muốn nói lên điều gì? Chính là nói lên đạo lý hiếu thảo với cha mẹ. Con người biết hiếu thảo với cha mẹ thì sẽ làm trời đất rạng rở. Việc khiến trời đất cảm động, cũng chính là lòng hiếu thảo cha mẹ, nên nói: "Thiên địa trọng hiếu, hiếu đương tiên". Chữ Hiếu này rất quan trọng. Chỉ cần một chữ "Hiếu" thì cả nhà được bình an. "Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử". (Cha mẹ biết hiếu thảo thì sẽ sinh con hiếu thảo) Nếu như quý vị hiếu thảo với cha mẹ mình, thì sau này con cái sẽ hiếu thảo với quý vị; còn nếu như quý vị không hiếu thảo , thì con cái của quý vị sẽ không hiếu thảo với quý vị. Cho nên vì sao phải học làm người? Làm người có ý nghĩa gì? Đừng nói rằng tôi sinh ra làm người, một cách quá mơ hồ là xong. Không phải vậy đâu! Gốc rễ của cách làm người là ta phải biết bổn phận hiếu thảo với cha mẹ. Bởi vì cha mẹ chính là trời đất, cha mẹ là sư trưởng, cha mẹ cũng là chư Phật. Nếu như quý vị không có cha mẹ thì quý vị sẽ không có được thân thể này, mà không có thân thể này thì quý vị sẽ không bao giờ thành Phật. Cho nên quý vị muốn thành Phật thì trước tiên phải hiếu thảo với cha mẹ. Do vậy điều thứ nhất chính là Hiếu Đạo.

Tông chỉ thứ hai của bộ Kinh này là "Độ sinh". Sao gọi là độ sinh? Từ bờ bên này sang bờ bên kia gọi là "độ"; từ sinh tử đến Niết Bàn cũng gọi là "độ"; từ phiền não tới thành Bồ đề cũng gọi là "độ". Nói độ sinh chính là độ chúng sinh. Độ chúng sinh không phải nói độ một người, hai người, cũng không phải độ ba người, năm người mà gọi là độ chúng sinh. Độ chúng sinh là độ tất cả mười hai loài chúng sinh, giáo hóa, khiến họ đều phát tâm Bồ đề, sớm thành Phật quả. Đây mới gọi là độ chúng sinh.

Thứ ba là "Bạt khổ", vì đây là bộ Kinh dạy ta bạt trừ những khổ não của chúng sinh.
Thứ tư là "Báo ân", nghĩa là phải báo ân cha mẹ. Tám chữ Hiếu đạo, Bạt khổ, Độ sinh, Báo ân này là Tông chỉ của Kinh Địa Tạng. Nếu như giảng rõ ràng thì rất là nhiều, cho nên tôi chỉ giảng kỹ những điều quan trọng, sau đó thì các vị sẽ hiểu rõ.

Nói đến đạo hiếu này, có người vừa nghe nói thì liền nghĩ. "Tôi phải về nhà hiếu thảo với cha me". Nhưng về đến nhà, gặp cha mẹ thì liền quên đi việc hiếu thảo. Tại sao quên? Chính là vì mình không biết đúng đắn thế nào là lòng hiếu thảo. Để bày tỏ lòng hiếu thảo đúng đắn bạn cần phải học Phật pháp.

Quý vị ở đây học Phật pháp tức là hiếu thảo với cha mẹ. Không cần nói tôi về nhà mới là hiếu thảo cha mẹ, để khi về đến nhà lại quên hiếu thảo cha mẹ. Quý vị ở đây học Phật pháp, làm một người tốt trên thế giới, điều này đối với thế giới thì có lợi. Có lợi cho thế giới, thì chính là hiếu thảo với cha mẹ.

Hiếu có bốn loại: Có tiểu hiếu, đại hiếu, viễn hiếu, cận hiếu. Cái gì gọi là tiểu hiếu? "Tiểu hiếu" là hiếu với gia đình, chính là có hiếu thuận với cha mẹ của mình ở nhà, chứ chưa hiếu thuận với tất cả mọi người, chưa có thể làm một người hiếu quảng đại. "Hiếu quảng đại" là gì? Hiếu quảng đại chính là "Đại hiếu", hiếu với khắp thiên hạ, xem tất cả cha mẹ trên đời là cha mẹ của mình. Đây gọi là hiếu thảo với tất cả mọi người. Nhưng đại hiếu này còn chưa nói đến việc hiếu thảo chân chánh. "Hiếu thảo chân chánh" là sao? Chân hiếu" là chỉ khi nào quý vị thành Phật mới gọi là Chân hiếu. Lòng hiếu này vượt ngoài bốn loại hiếu kia; nó là một loại hiếu chân chánh. Cho nên dù phụ thân không cho phép đức Thích Ca xuất gia, nhốt Ngài ở trong cung, nhưng Ngài vẫn lén đi xuất gia tu hành. Ngài tu khổ hạnh sáu năm trên núi Tuyết, rồi sau đó Ngài ngộ đạo thành Phật dưới cội cây Bồ đề, đây là sự hiếu thảo chân chánh. Cho nên sau khi Ngài thành Phật, Ngài lên cung trời thuyết pháp cho mẹ. Quý vị xem đây có phải là "Chân Hiếu" không?

Thế nào gọi là "Cận hiếu"? Cận hiếu là con người theo thời đại ngày nay mà hiếu thảo với cha mẹ, đi học cũng là phương pháp hiếu thảo với cha mẹ, đây gọi là cận hiếu. "Viễn hiếu" là hiếu thảo muôn đời; cận hiếu là hiếu thảo đời này. Cận hiếu cũng có thể nói là tiểu hiếu, nhưng cũng có ít nhiều không giống. Viễn hiếu là hiếu thảo muôn đời, như Trung Quốc có 24 người con hiếu, 24 người con hiếu này là hiếu thảo muôn đời, vì họ đã để lại tiếng thơm cho muôn đời.

Nói đến "Nhị thập tứ hiếu" này thì Trung Quốc có một người gọi là Đổng Vĩnh. Đổng Vĩnh còn gọi là Đổng Ảm. Đổng Vĩnh rất hiếu thảo với cha mẹ. Hàng xóm của anh ta có một người họ Vương, gọi là Vương Kỳ. Đổng Vĩnh là người nghèo, không có tiền, Vương Kỳ là người giàu có. Nhưng mẹ của Đổng Vĩnh, vì nhờ có người con hiếu thảo nên được khỏe mạnh mập mạp. Mặc dù đã lớn tuổi, nhưng từ sáng đến tối bà luôn cảm thấy vui vẻ. Còn bà mẹ của Vương Kỳ mặc dù tiền bạc sung túc, ăn thì có thịt heo, thịt gà, cá, vịt, toàn thứ ngon vật lạ, nhưng lại ốm yếu bệnh hoạn. Bà ta không có một chút vui vẻ, luôn đau buồn. Có một hôm Đổng Vĩnh không có ở nhà, Vương Kỳ cũng không có ở nhà, bà ốm mới hỏi bà mập: "Nhà bà nghèo như thế, cũng không có gì ngon để ăn. Vậy tại sao bà mập như vậy? Bà lớn tuổi như thế, mà mập như vậy là lý do gì? ".Mẹ của Đổng Vĩnh mới nói với mẹ của Vương Kỳ rằng: "Bởi vì con của tôi rất là hiếu thảo, nó không dám làm một việc gì xấu cả, lại rất thật thà đúng đắn, cần cù làm việc. Tôi không có điều chi đau buồn về nó, lại rất hài lòng. Tâm hồn thoải mái, thân thể khỏe mạnh, tôi thích như vậy, nên tôi mập được". Sau đó mẹ của Đổng Vĩnh tức là bà mập hỏi lại bà ốm: "Bà có tiền như thế, ăn toàn là thứ ngon vật lạ, tại sao lại ốm như vậy? Bà ốm như cây sậy, có phải là bệnh gì không?". Bà ốm này liền trả lời: "Tôi hả! Tuy có tiền, tuy có đồ ăn ngon, nhưng đứa con của tôi, tánh nó không thật thà, không đúng đắn, thường làm những hành vi phi pháp; hôm hay phạm pháp, ngày mai cũng phạm pháp. Ba hôm nay bị sai nha bắt tra hỏi, mai lại có lệnh gọi của phủ đường gửi đến. Tôi từ sáng đến tối, chỉ lo lắng cho đứa con này, ăn dù ngon cách mấy cũng cảm thấy không vui, từ sáng đến tối lúc nào cũng ưu sầu, lo buồn. Cho nên tôi càng ngày càng ốm đi, mập không nổi, đều là vì buồn bực chuyện này"... "Hiếu", tuy có viễn hiếu, cận hiếu, đại hiếu, tiểu hiếu, nhưng nói đến sự hiếu thảo chân chánh, thì chân hiếu chính là tu hành để sau này thành Phật. Các vị hôm nay học Phật pháp, không trở về nhà, chính là sự hiếu thảo chân chính, đúng là biết học Phật. Có thể hành trì phật pháp thì mới là sự hiếu thảo đúng đắn nhất.

Nguồn gốc Vu Lan

Hỏi: Lễ Vu Lan xuất xứ từ kinh nào?
Đáp: Lễ Vu Lan xuất xứ từ kinh Phật thuyết Vu Lan Bồn. Theo kinh này Phật có dạy ngài Mục Kiền Liên rằng: "Là đệ tử của Phật tu hành đạo hiếu thảo, các con phải thường nhớ nghĩ cúng dường cha mẹ mình. Hàng năm nhằm ngày rằm tháng bảy các con phải sinh lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đời này cũng như cha mẹ trong bảy đời quá khứ mà cử hành pháp hội Vu-Lan, cúng dường chư Phật và chư Tăng để báo đáp ân đức mà cha mẹ đã nuôi dưỡng mình". Ngài Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật, thiết trai cúng dường mười phương tăng chúng, hồi hướng công đức về cho mẹ mình ở dưới địa ngục, khiến bà được thoát thân ngạ quỷ, vãng sinh tịnh độ.

Hỏi: Ý nghĩa của chữ Vu Lan Bồn là gì?
Đáp: Vu Lan Bồn là dịch âm từ chữ Phạn Ullambana. Ý dịch là cứu đảo huyền. Theo ngài Tông Mật, Vu Lan nghĩa là đảo huyền, ám chỉ cực hình bị treo (huyền) ngược (đảo) của chúng sinh trong địa ngục. Bồn tức là cái chậu, cái thau, tượng trưng cho vật cứu hộ những chúng sinh ấy. Do đó cách dịch thông thường của lễ Vu Lan là lễ "Cứu đảo huyền, giải thống khổ" (Vu Lan Bồn Kinh Sớ, quyển hạ).

Hỏi: Làm sao cứu độ chúng sinh, cửu huyền thất tổ, trong hạ giới?
Đáp: Kinh kể lại rằng ngài Mục Kiền Liên dùng sức mạnh thần thông của cá nhân mình để thử cứu mẹ mình ở địa ngục mà thất bại. Do đó, muốn cứu độ chúng sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, mình cần phải nhờ tới đạo lực của tập thể chư Tăng, những vị chân thật tu hành. Xưa kia, vào rằm tháng tư, đức Phật và chư Tăng kiết hạ, (nghĩa là an trụ một chỗ để tu hành, không ra ngoài khất thực để tránh phải dẫm lên côn trùng sâu bọ sinh sản đầy đẫy vào mùa mưa). Rằm tháng bảy, là ngày cuối cùng của mùa hạ, Phật và chư Tăng tề tựu để tụng giới, thuyết pháp. Bấy giờ chư Tăng sẽ dùng đạo lực thanh tịnh của mình để hồi hướng về chúng sinh đang chiụ thống khổ trong cõi dưới.

Hỏi: Trong lễ Vu Lan phải cúng dường ra sao ?
Đáp: Theo như Phật dạy, những ai muốn báo hiếu cho cha mẹ bảy đời thì phải đem thượng vị ẩm thực an trí nơi một cái chậu (hay đồ đựng) để cúng dường chư Tăng trong mười phương. Sở dĩ dùng chậu hay đồ đựng có dung tích lớn là muốn ám chỉ rằng tất cả đồ cúng dường là dành cho tập thể Tăng đoàn chớ không dành riêng cho vị Tăng đặc biệt nào. Tất cả đồ vật cúng dường ấy sẽ được phân phối đồng đều cho tất cả Tăng Ni.

Hỏi: Lễ Vu Lan mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều tổ chức khác nhau, như vậy tổ chức thế nào thì tương đối phù hợp với tinh thần chánh pháp Phật dạy?
Đáp: Vua Võ Đế vào năm Đại Đồng thứ tư (538 AD) đã từng tới chùa Đồng Thái để làm lễ trai tăng, cúng dường. Sau rồi mỗi năm, trở thành thông lệ, các vua hoàng đế đều rất coi trọng lễ Vu Lan. Đời Đường, vua Đại Tông còn tổ chức cực kỳ long trọng, bằng cách cho thỉnh Tăng Ni , thiết bồn cúng dường ở trong hoàng cung. Về sau truyền thống phổ cập khắp nhân gian, nhiều màu mè sắc thái thế tục (như đốt vàng bạc, tiền giấy, cúng kiếng..), cũng như những phong tục nhân gian (đàn ca múa hát)
được thêm vào, hoàn toàn không phải chân lý Phật dạy. Sau này vào đời nhà Thanh, có nhiều Tăng chủ trương làm lễ cung phụng Vu Lan Bồn, cúng dường Tam bảo vào ban ngày, còn ban tối thì cúng cô hồn, siêu độ quỷ đói.
Đối với người tại gia, tinh thần căn bản nhất mà lễ Vu Lan nhằm biểu hiện, nằm ở trong ba phương diện:
1. Trên phương diện căn bản làm người, thì lễ Vu Lan là cơ hội làm ta phản tỉnh: khiến mình biết hiếu thảo với cha mẹ còn sống và biết bổn phận phải giải cứu cha mẹ bảy đời xưa kia cũng như giải cứu tất cả ngạ quỷ, địa ngục chúng sinh.
2. Trên phương diện tu phước tu huệ, thì lễ Vu Lan là cơ hội để ta tu tâm chân thành: mình phải biết cung kính cúng dường chư Tăng, phụng sự Tam Bảo.
3. Trên phương diện giải thoát, thì lễ Vu Lan là cơ hội để ta tu tâm đại bi: mình phải thấy sự thống khổ của mọi chúng sinh như là của chính mình.

Bởi vì nội dung siêu độ vong linh là một công việc rất trang trọng, nghiêm túc. Do đó mọi sắc thái tiêu khiển, hướng ngoại đều không đem đến lợi ích chân thật và chắc hẳn sẽ không đem lại công đức, nếu không muốn nói là sẽ gieo trồng nhân khổ cho mai sau.


Typesetting: Hải Hạnh

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/012-hieukinhPG.htm

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang