Cũng như các dân tộc
khác, người Khmer ở Nam bộ có cách thức làm lễ báo hiếu riêng của
mình và lễ đó được gọi là Đôl-Ta (lễ ông bà). Lễ Đôl-Ta được tiến
hành trong vòng 16 ngày kể từ ngày 16 đến ngày 30 tháng Bhaddapada (Phăt
tăk bot, tương đương tháng 8 âm lịch). Từ ngày vào lễ (gọi là mùa lễ
báo hiếu) 16 đến ngày 2 tháng Bhaddapada ấy, dân chúng thường đem nếp, gạo,
vật thực, trái cây... đến dâng cho chùa, song mỗi buổi sáng dân chúng lại
đến chùa để bưng cơm nếp, vật thực, hoa quả... đi nhiễu ba vòng và bỏ
cơm, vật thực ấy vào trên sàn những túp lều nhỏ được dựng lên 8 hướng
chung quanh điện Phật. Họ nhiễu Phật, rải cơm nếp như vậy chỉ vào
lúc trời chưa sáng lắm vì họ cho rằng nếu để tới sáng thì tất cả
thân ma quỷ, miệng ma quỷ thuộc thân bằng của họ sẽ biến nhỏ đi bởi
mãnh lực ánh sáng hoặc mãnh lực sợ hãi bởi sự thấy biết của con người
trên dương gian này. Buổi tối dân chúng đến chùa thỉnh mời chư tăng tụng
kinh chúc lành, cầu an, nghe thuyết pháp giảng đạo... Để rồi công đức
do tụng kinh nghe pháp ấy hồi hướng cho người đã quá cố. Đến ngày 30
tháng Bhaddapada là ngày cuối của mùa báo hiếu, hầu như tất cả dân
chúng người Khmer đều tập trung tại chùa, người bưng mâm cơm, người
khay bánh kẹo... để dâng cúng chư tăng, nhờ chư tăng tụng kinh hồi hướng
và chương trình buổi lễ hồi hướng Ph-Chum Benh hoàn mãn.
Ph-chum Benh là một tên gọi của lễ Đôl-Ta thường được
ghi trong sách vở. Ph-chum Benh nghĩa là lễ tụ hội phước đức, vì người
Khmer xem lễ này là lễ lớn nhất trong các lễ lộc tạo phước đức. Từ
"lễ" trong tiếng Khmer là "Pinda" hoặc "Punya"
(nhân, tăng thêm... hay Punna) nghĩa là công đức, phúc đức.... Người Khmer
làm bất cứ một lễ gì hầu như để tạo phước đức.
Truyền thống lễ Đôl-Ta của người Khmer ở Nam bộ đã
có từ thời xa xưa nào không rõ lắm về nguồn gốc của nó, tất nhiên
nó đã có trước khi đạo Phật truyền vào xã hội người Khmer. Nhưng đến
khi đạo Phật truyền vào thì truyền thống lễ Đôl-Ta vẫn được duy trì
và phát triển lên theo tư tưởng truyền thống đạo Phật tốt đẹp hơn.
Những truyền thuyết về nguồn gốc của lễ Đôl-Ta có nói đến như sau
:
- Người Khmer ở Nam bộ thường làm nghề nông, trồng lúa
nước. Nghề trồng lúa nước bắt đầu khoảng tháng 4 Âl là gieo mạ,
tháng 6-7 đầu tháng 8 là nhổ mạ cấy lúa. Đến đây mùa cấy đã sắp
xong và mùa này cũng là mùa mưa, nước lũ lại đến. Sau mùa mưa rảnh rỗi,
những người nam nữ con cháu thường hay chống xuồng chèo ghe tìm đến để
thăm hỏi ông bà cha mẹ già yếu cộng thêm giữa mùa thiếu hụt và mùa mưa
lũ lụt này, có người phải chống xuồng chèo ghe đi xa mới tới được
nơi ở của ông bà cha mẹ, nên phải mang theo cơm khô, gạo, trái cây, vật
thực... để vừa dâng biếu cho ông bà cha mẹ vừa là cho mình ăn theo dọc
đường đi. Có người thì tìm gặp được ông bà cha mẹ, người thì
không gặp vì qua mùa nước lũ lụt, tuổi già sức yếu, đã qua đời mà
con cháu lo làm lụng không luôn đến thăm hỏi nên không hay biết... Dần dần
những người cùng đi, họ hẹn hò gặp nhau ở một chỗ nào đó để làm
lễ nhớ ơn chẳng hạn, hoặc cùng chia buồn với bạn bè là người tìm
không gặp ông bà cha mẹ... Sau khi có chùa chiền Phật giáo thì họ hẹn
hò nhau tụ hội về chùa. Vậy là họ đã qui định với nhau rằng làm lễ
Đôl-Ta từ ngày 16 cho đến 30 tháng Bhaddapada. Tại sao họ kéo dài thời
gian thời gian lễ như vậy ? Vì rằng có người thì ở rất xa tận trong rừng
rú, nông thôn hẻo lánh và phương tiện đi qua lại không có đầy đủ
như chúng ta ngày nay. Vì vậy, họ phải kéo dài thời gian làm lễ để cho
mọi người Khmer ở Nam bộ có chỗ làm 15 ngày, chỗ làm 7 ngày hoặc 3
ngày và có chỗ chỉ làm 1 ngày đêm thôi vì điều kiện phương tiện...
- Truyền thống lễ Đôl-Ta bắt nguồn từ đạo Phật có
câu chuyện đại loại như vầy :
Trong thời Đức Phật còn tại thế, một hôm vào lúc đêm
khuya, trong hoàng cung của vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la) có tiếng than khóc đói
khát. Nhà vua sợ hãi và truyền lệnh cho cận thần mời các nhà bói toán
xem nguyên do. Những nhà bói toán thưa rằng : "Đây là các ma quỉ chết
oan, chết ức, không cha mẹ, không nhà cửa anh em, nay họ đến xin ăn uống.
Nếu Hoàng Thượng không lo cúng tế e sợ có chuyện bắt 100 người nam,
100 người nữ và 100 con vật để làm lễ cúng tế. Nghe tin đó, bà hoàng
hậu can gián : "Nếu Hoàng Thượng làm như vậy, 200 người này bị chết
oan ức, những người thân của họ càng phẫn uất, vậy nó sẽ càng có hại
cho mình và vương quốc. Đức Phật là vị thông suốt cả chư thiên và
nhân loại, vậy mình đem việc này bạch với Đức Phật xem Ngài có những
dạy bảo gì ?". Sau khi nghe bà hoàng hậu có ý kiến như vậy, vua đến
chùa bạch thưa với Đức Phật, và sau khi nghe xong, Đức Phật dạy rằng
: "Đây là ma quỉ thuộc dòng tộc, thuộc những người liên hệ đến
nhà vua khi còn ở dương gian nhiều đời nhiều kiếp trước, nay ở dưới
âm phủ cực khổ thiếu ăn, thiếu mặc đến cầu khẩn xin ăn uống nơi
nhà vua. Nhưng ma quỉ chúng ta không thể cho vật thực, đồ ăn trực tiếp
được, mà phải dâng cúng vật thực đồ ăn đến các vị có giới đức
rồi nhờ các vị có giới đức ấy tụng kinh hồi hướng thì các ma quỉ
thuộc ân nhân đã quá cố mới thọ hưởng được do phép hồi hướng đó".
Ma quỉ được hưởng đầy đủ vật thực nên đêm thứ nhất không có
nghe tiếng rên khóc. Qua đêm thứ hai nhà vua lại nghe tiếng rên khóc tiếp.
Sáng sớm hôm sau, nhà vua đến chùa chỗ Đức Phật ngự, bạch với Đức
Phật. Đức Phật dạy tiếp rằng : "Đêm trước ma quỉ được ăn no
đầy đủ nên không rên la. Đêm sau lại rên la tiếp là vì chỉ ăn uống
đầy đủ mà chưa có đồ mặc nên lại rên la tiếp vì bị rét lạnh".
Nhà vua nghe xong, về cho người chuẩn bị y áo cùng vật thực làm lễ
dâng cúng đến chư tăng và nhờ chư tăng hồi hướng tiếp. Nhà vua không
còn nghe tiếng rên than của ma quỉ nữa. Từ đó về sau mỗi năm cứ đến
mùa là nhà vua lại cho thỉnh mời chư tăng đến để làm lễ hồi hướng
cho ma quỉ và những người đã quá cố. Và cứ tiếp tục như vậy, người
Khmer cũng làm theo truyền thống đó của đạo Phật, nhưng phần nào đã
trở thành lễ Đôl-Ta Khmer hóa, chứ không còn thuần thúy như thời vua Tần-bà-sa-la
nữa./.
-----------------------
Computer Typesetting : Ngọc Dung
http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/013-lebaohieukhome.htm