I. Ý Nghĩa
Rằm tháng bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là
ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa:
Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi
là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật,
Chúng Tỷ-kheo là Chúng đệ tử gần gủi nhất, Chúng thừa đương Phật
pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, Chúng mang hình dáng của Phật
làm gương mẫu ở thế gian, Chúng mà trong ba tháng an cư kiết hạ đã
viên mãn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi
chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm, nhưng vì Phật sự đa đoan nên sự
tu niệm ấy không được chuyên cần bằng ba tháng an cư. Ba tháng an cư
theo Luật Phật chế, Chúng Tỷ-kheo phải cấm túc ở yên, hạn chế tối
đa sự đi lại, một là vì phong thổ Ấn Độ lúc bấy giời mùa hạ là
mùa mưa, các loại côn trùng sinh sản ra nhiều, mà chúng Tăng đi khất thực
sẽ dẫm đạp lên nhiều loại côn trùng, làm tổn thương đến lòng từ
bi tế vật. Thứ hai là, chúng Tăng đi khất thực thì y, áo, bình bát sẽ
bị thấm ướt, mất trang nghiêm, nên thế gian có phần chê trách. Vì vậy,
nên đức Phật dạy Chúng Tỷ-kheo trong ba tháng mùa mưa phải cấm túc an cư,
hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm, củng cố sự sống
trong thanh tịnh hòa hợp, cảnh tỉnh thân tâm để tinh tấn trong con đường
đạo hạnh. Cho nên một khi đệ tử của Phật tu hành trong ba tháng viên
mãn thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư, đức Phật vui mừng lắm. Mừng
cho đệ tử của mình đã hoàn thành ba tháng an cư thanh tịnh, cho nên gọi
là ngày Phật vui mừng.
Thứ hai, ngày Tăng Tự tứ. Ngày chúng Tăng sau ba tháng
an cư tu tập nghĩ rằng: Tuy mình đã gắng tu như thế nhưng không chắc đã
tránh hết lỗi lầm, nên ngày rằm tháng bảy cùng nhau tập trung lại, cầu
mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho. Nếu
mình tự thấy mắc phải lỗi lầm đó, phải phát lộ sám hối. Đó là một
việc hết sức đặc biệt trong ngày Tự tứ.
Thông thường, mỗi khi có lỗi là tìm cách né tránh, tìm
cách che dấu kẻo sợ người khác biết thì xấu hổ, hoặc sợ nếu biết
lỗi của mình thì lần sau mình không làm lại được nữa, cho nên thường
thường là che dấu, không bộc lộ, trừ khi có ai hỏi đến, kẹt lắm mới
nói tới có phạm, có vấp lỗi nọ lỗi kia. Hoặc giả, có phát lộ sám hối
chăng thì cũng phát lộ âm thầm trước ngôi Tam Bảo, chớ ít khi công khai
nhờ người chỉ lỗi cho mình ra giữa Đại chúng. Nhưng theo đạo Phật,
ba tháng hạ an cư xong rồi, đức Phật dạy hàng Tỷ-kheo phải cầu người
khác chỉ lỗi cho mình, nghĩa là không phải để đợi người khác chỉ
mà tự mình phải cầu người khác tự do chỉ cho, mình phải đối trước
người đó mà thưa: "Thưa Đại đức, ngày nay chúng Tăng Tự tứ, tôi
cũng Tự tứ, tôi có điều gì sai phạm mà Đại đức thấy, nghe hoặc
nghi, xin Đại đức thương xót chỉ cho, nếu tôi thấy có phạm thì xin như
Pháp sám hối." Nói như vậy ngầm ý rằng: Tôi không phàn nàn, không
thắc mắc và tôi không có oán trách chi Đại đức hết! Đó chính là ý
nghĩa mà mình phát tâm cầu mong được thanh tịnh, không có chút nào che dấu,
thành tâm cầu người khác tự do nói không e dè chi hết, nếu thấy có lỗi
thì cứ chỉ cho. Đó là một thái độ rất cao thượng cởi mở để làm
cho mình hết sạch tội lỗi. Vì vậy trong ngày đó gọi là ngày Tăng Tự
tứ. Tự tứ nghĩa là cầu người khác không ngần ngại chỉ lỗi mình ra,
để cho mình biết mà sám hối, nên gọi là Tăng Tự tứ.
Thứ ba, ngày Tăng Thọ tuế. Thọ tuế là nhận tuổi.
Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh ra đủ năm 12 tháng thì mới gọi là tròn một
tuổi. Nhưng trong Luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật
không tính tuổi theo năm tháng kiểu thế gian trên -- mà tính tuổi theo hạ
lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính
một tuổi. Thí dụ: Vị nào an cư kiết hạ từ 15-4 âm lịch đến 15-7 âm
lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ.
Ai đã thọ Cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai
kiết hạ an cư liên tục thì được tính nhiều tuổi hạ.
Cho nên chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc tiểu sử
của một vị Tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ lạp.
Thí dụ vị đó 80 tuổi đời và 60 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi
cha mẹ sinh là 80 năm, còn tuổi hạ là 60 hạ lạp. Hạ lạp được tính
và ngày rằm Tự tứ, sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ. Tuy nhiên, cũng có
trường hợp, đúng theo Luật Phật chế, 20 tuổi thì được thọ giới Tỷ-kheo,
nhưng vì thiếu duyên, có vị 25 tuổi mới thọ giới Tỷ-kheo và sau khi thọ
giới mỗi năm đều có kiết hạ. Nếu vị ấy viên tịch vào tuổi 70,
thì vị ấy được 45 tuổi hạ và 70 tuổi đời. Nếu một vị Tỷ-kheo thọ
giới rồi mà không an cư lần nào cả thì coi như vị ấy hoàn toàn không
có tuổi hạ, khác với cha mẹ sinh ta ra, dù ta có làm hay không làm gì đi
nữa hoặc giả có ngủ cả năm đi nữa thì tròn một năm cũng vẫn được
tính tuổi từng năm một. Trái lại, vị Tỷ-kheo thì phải có kiết giới
an cư thì mới nhận tuổi, còn không an cư, thì không tính hạ lạp cũng gọi
là giới lạp, pháp lạp. Đó là ý nghĩa của ngày Phật hoan hỷ, Tăng Tự
tứ và Tăng Thọ tuế.
Thứ tư, ngày Vu Lan xá tội vong nhân. Vu Lan là ngày cầu
siêu độ cho tiền nhân quá cố của người con Phật. Tích Vu Lan bắt nguồn
từ việc báo hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên. Tích này được chép
trong kinh Vu-lan-bồn. Chữ Vu-lan-bồn phiên âm từ chữ Sanskrit (Phạn) là
Ulambana. Người Trung Hoa dịch nghĩa là Giải đảo huyền (Giải cái tội bị
treo ngược). Câu chuyện trên ý nói rằng, những người nào tạo tội ác
thì phải thọ quả báo nơi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, chịu sự hành
hạ thống khổ cùng cực giống như người bị treo ngược. Nghĩ đến công
ơn cha mẹ, khi ngày Vu Lan đến, Phật tử thường đem tâm chí thành, chí
hiếu sắm sửa vật dụng cúng đường Tam Bảo để cầu nguyện cho thân
nhân, tiền vong của mình thoát khỏi cảnh khổ đau cùng cực y như giải tội
bị treo ngược.
Như vậy, ngày Vu Lan là ngày của Phật tử đền ơn đáp
nghĩa bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư Tăng sau ba tháng ăn cư thanh tịnh,
chú nguyện cho vong nhân của mình thoát khỏi cảnh đọa đày tăm tối của
địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, đồng thời cầu nguyện cho tất cả
người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực như Tôn giả Mục-kiền-liên
đã làm khi cứu mẹ.
II. Tích Mục Kiền Liên Cứu Mẹ
Tôn giả Mục-kiền-liên là vị đệ tử xuất chúng của
đức Phật. Tôn giả đã chứng được Lục thông:
- 1. Thiên nhãn thông: Được con mắt như mắt trời, thấy khắp tất cả.
- 2. Thiên nhĩ thông: Được lỗ tai như tai trời, nghe thấy khắp tất cả.
- 3. Tha tâm thông: Với tâm của mình biết được tâm của người khác muốn
gì, ưa gì.
- 4. Túc mạng thông: Là biết đời trước của mình ...
- 5. Thần túc thông: Được thần thông đi dưới đất hay bay trên không đều
tự tại vô ngại. Cũng gọi là Thần cảnh thông.
- 6. Lậu tận thông: Dứt trừ mọi lậu hoặc, vượt thoát ra khỏi vòng
sanh tử.
Ngoài ra Tôn giả còn chứng được tuệ nhãn (trong ngũ nhãn
là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhã và Phật nhãn) tức là con mắt,
thấy được sự vật và tự tính của nó. Chúng sinh chỉ có con mắt thịt,
chỉ thấy những cái trước mắt, vừa tầm, còn những cái xa quá, nhỏ
quá, lớn quá không thấy được. Khi Tôn giả chứng được lục thông và
tuệ nhãn liền nhớ đến cha mẹ mình, Tôn giả dùng tuệ nhãn nhìn khắp
bốn phương, xem vong mẫu của mình hiện đang ở đâu? Khi thấy vong mẫu của
mình đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đau khổ và đói khát, Tôn giả
buồn bã vô cùng. Tôn giả liền bưng bát cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ Tôn
giả vì tâm xan lẫn từ kiếp trước quá nặng nề khởi lên, sợ người
khác trông thấy mà đến giành giựt hoặc xin bớt, cho nên bà một tay che
bát cơm lại, một tay bốc ăn. Nhưng cơm chưa tới miệng đã hóa thành
than lửa không thể nào ăn được. Tôn giả thấy vậy, vô cùng đau xót,
không biết làm sao cứu vớt mẹ được, bèn về bạch với đức Phật. Ngài
dạy: Tội lỗi của mẹ ngươi, dù có thần thông phép lạ của hàng thiên
thần địa kỳ cũng không cứu được đâu! Duy chỉ có dùng thần lực của
chúng Tăng sau ba tháng an cư, tinh tấn tu hành thanh tịnh tập trung chú nguyện
cho, may ra mới chuyển hóa được nghiệp lực của mẹ ngươi, thì mẹ ngươi
mới được thoát khổ cảnh mà thôi.
Nghe vậy, Tôn giả Mục-kiền-liên thưa với đức Phật: Bạch
Thế Tôn, con nay làm sao mà mời chư Tăng mười phương cúng dường một lúc
như vậy được? Đức Phật dạy rằng: Trong ngày Vu Lan là ngày Tự tứ của
chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường chư Tăng trong ngày Tự tứ,
ngày đó dầu các vị trong thiền định, hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ
nhơn gian, cũng tập trung lại để Tự tứ và cầu nguyện cho mẹ ngươi,
thì mẹ ngươi sẽ được thoát khổ, rồi Tôn giả thực hành theo lời dạy
của đức Phật và chính trong ngày đó, mẹ Tôn giả thoát được cảnh ngạ
quỷ mà hưởng phước báu chư Thiên.
Do vậy, Tôn giả hết sức vui mừng và thưa với đức Thế
Tôn, nếu sau này có chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để mà cầu nguyện
cho cha mẹ thoát khổ được vui thì có làm như con được không? Đức Phật
dạy là có thể làm được trong ngày Tự tứ. Do đó, mà trong Phật giáo
truyền lại một Pháp cứu độ cho tiền nhân trong ngày Tăng Tự tứ.
Tôn giả Mục-kiền-liên làm như vậy đã nêu một tấm gương
chí hiếu lớn lao cho tất cả Phật tử noi theo muôn đời. Tôn giả không
những có hiếu trong đời Phật hiện tại mà Tiền thân Ngài cũng đã là
một người con chí hiếu. Trong một Tiền kiếp, Tôn giả sinh trong một gia
đình nông dân. Cha mẹ chỉ có Tôn giả là con trai độc nhất, nên vô
cùng thương yêu chiều chuộng, và Tôn giả cũng thương yêu cha mẹ không
kém. Tôn giả biết cha mẹ chỉ sinh có một mình Ngài là con duy nhất, Tôn
giả nghĩ đến ngày cha mẹ tuổi già, không biết trông cậy vào ai, nên
Tôn giả nguyện ở độc thân suốt đời để phụng thờ cha mẹ, chứ không
muốn lập gia đình. Nhưng trong khi đó cha mẹ lại vì thương con không muốn
con ở như vậy, sợ con cô độc, sau này không có ai giúp đỡ lúc trở về
già, nên luôn luôn ép con lập gia đình. Trước sự thúc ép ấy, Tôn giả
đành chiều ý cha mẹ.
Không may khi lập gia đình, Tôn giả gặp một người vợ
không tâm đầu ý hiệp, nàng ta không phải là mẫu người phụ nữ thuần
lương. Lúc mới cưới nàng về, Tôn giả dạy vẽ cho vợ thay mình hầu hạ
cha mẹ hôm sớm, cơm nước dâng lên cha mẹ đầy đủ như khi Tôn giả vẫn
thường làm. Lúc đầu người vợ ngoan ngoãn tuân theo, nhưng một thời
gian sau nàng tỏ ra lạnh nhạt và thờ ơ với cha mẹ chồng. Vì lẽ, thói
thường con trong ruột sinh ra đôi khi còn chưa thương cha mẹ ruột một cách
hết lòng huống gì là con dâu, làm sao thương ông bà gia như thương cha mẹ
ruột! Ngài vì sinh kế phải đi làm ăn, nàng ở nhà càng tỏ ra chểnh mảng
trong việc hầu hạ cha mẹ chồng. Khi đã chểnh mảng, muốn từ bỏ thì
phải tìm kế, lập mưu. Một hôm, Tôn giả đi làm về thấy nước đổ lênh
láng giữa nhà và hỏi nước đâu vậy? Người vợ bèn chỉ vào ông già
mà nói rằng: Ông chướng quá, tôi bưng nước lên dâng ông, ông vung văng,
chê nước nóng nước lạnh không chịu uống rồi vung tay đổ cả ra giữa
nhà như vậy đó, tôi chịu hết nổi!
Rồi một bữa khác, Tôn giả đi làm về thấy cơm vãi ra
giữa nhà và hỏi: Cơm đâu vung vãi ra đầy nhà như vậy? Người vợ liền
chỉ vào bà già trả lời, bà đó, bà chướng quá, tôi nấu cơm để cho
nguội, xới dâng lên cho bà, nhưng bà chê cơm trưa cơm sớm rồi vung vãi
ra cùng nhà như vậy đó, tôi chịu hết nổi! Cứ một điệp khúc ấy bà
vợ tỉ tê mãi, riết rồi chồng cũng phải xiêu lòng nghe theo. Tôn giả
nghĩ rằng như thế thì cha mẹ mình quá chướng nên nói với vợ:
"Thôi được, ta sẽ có cách"!
Hôm sau, Tôn giả thuê một chiếc xe ngựa, nói dối với
cha mẹ rằng, mấy lâu nay cha mẹ không về thăm Từ đường bên ngoại,
nay mời cha mẹ về thăm một chuyến, để sau này già yếu có nhắm mắt cũng
khỏi ân hận. Cha mẹ nghe có lý nên đồng ý đi. Tôn giả cầm dây cương
cho xe ngựa lên đường, khi đi đến một đoạn vắng, đường gồ ghề, Tôn
giả nhảy xuống ngựa và nói dối với cha mẹ hãy cầm cương hờ để
con đi sau bảo vệ kẻo chỗ này cướp bóc nhiều lắm. Nhưng thật ra, Tôn
giả chẳng bảo vệ gì, mà cốt ý lấy roi quất vào cha mẹ mà nói: "Đã
chừa chưa? hết chướng chưa? hết chướng chưa?" Dẫu bị đánh như vậy,
nhưng cha mẹ không nghĩ là mình bị đánh mà lại chỉ nghĩ đến con, mà
la lên: "Con ơi, lo chạy đi kẻo nó đánh chết, lo chạy đi con
ơi!" Chính trong khi bị đánh mà cha mẹ không nghĩ đến mình đau lại
cứ nghĩ con bị đánh chết mà la lên, nên hai chữ con ơi, khi ấy nó đã
đánh thức Tôn giả. Khiến Tôn giả nghe hai tiếng đó nó thiêng liêng, mặn
nồng, tha thiết trìu mến và thắm thiết một cách lạ kỳ. Tôn giả sực
tỉnh ra là mình bất hiếu quá sức! Cha mẹ thương mình như vậy mà mình
lại bất nhân, thiếu đức, nên Tôn giả liền hồi tâm và vội vã cho xe
quay về và sám hối cha mẹ. Khi về tới nhà Tôn giả quyết định cho vợ
về quê của nàng và nguyện sống ở độc thân như vậy suốt đời với
cha mẹ. Đó là một tiền kiếp của Tôn giả.
Còn kiếp hiện tại, Tôn giả có tên là Mục-kiền-liên, một
người con chí hiếu, muốn thực hiện sự báo hiếu cho cha mẹ mà lúc ở
nhà chưa thực hiện được. Nên trong đời sống xuất gia, Tôn giả quyết
tâm thực hiện để đưa cha mẹ mình đến cảnh an vui.
Câu chuyện của Tôn giả Mục-kiền-liên trong quá khứ và
hiện tại như vậy là một bài học cho chúng ta, cho những người con còn
biết có mẹ có cha. Phần nhiều ai cũng có lòng hiếu với cha mẹ, nhưng vì
không được un đúc, nhắc nhở, không gặp thầy hay bạn tốt nên có khi
tâm bị lung lay trở thành bất hiếu. Có trường hợp bất hiếu vì nghe
theo bạn ác, có khi nghe theo danh lợi, quyền thế, nghe theo cờ bạc, rượu
chè, hoặc có khi làm nên ông này bà nọ rồi lên mặt với cha mẹ, anh em,
coi thường bà con cô bác, láng giềng mà trở thành bất hiếu. Chẳng hạn
có một anh nọ gặp may trở thành một quan chức lớn. Lúc đó chưa có xe
đưa rước, về nhà cha mẹ nói đâu dạ đó. Nhưng khi làm một chức quan
to rồi thì không thèm dạ như xưa nữa sợ mất thể diện ông quan. Như vậy
là vì nghe theo quyền thế mà trở nên bất hiếu.
Lại có người mù quáng học đòi theo thói văn minh vật chất
tự do ích kỷ, mà không biết đến văn minh đạo đức hiếu để cho nên
trở thành bất hiếu.
Như vậy, sự tích của Tôn giả Mục-kiền-liên là một gương
quí nhắc nhở chúng ta vun bồi lòng hiếu thảo của mình, đừng để lòng
hiếu thảo bị các thứ khác làm vẩn đục, làm cho mù quáng, mà đánh mất
đi. Trong kiếp quá khứ, Tôn giả Mục-kiền-liên thiếu cảnh tỉnh nên trở
thành bất hiếu chỉ vì nghe theo lời vợ. Trong xã hội xưa cũng như nay, có
những người con rất có hiếu với cha mẹ, nhưng khi chung đụng với xã hội,
gặp hoàn cảnh không tốt, ít thân cận bạn hiền, bị tác động bởi sự
xấu xa nên khi trở về nhà, cha mẹ nói không nghe, anh chị khuyên bảo
không chịu, lại còn cãi lại, cha không hiểu chi, mẹ không biết chi, còn
mình đây mới hiểu, mới sáng suốt, mới có học. Đó là một thái độ
thiếu cảnh tỉnh nên bất hiếu.
Do đó, cho nên ai có gần gũi bạn lành, lo tinh tấn tu niệm
thì mới trở thành nhũng người con có hiếu. Trong Kinh Trường A-hàm, đức
Phật có chỉ cho chúng ta cách báo hiếu tốt nhất là: Nếu gia đình nào
có những người con mà biết Bố thí, biết Ái ngữ, biết Lợi hành và biết
Đồng sự thì cha mẹ mới nhận được sự hiếu kính của con. Nếu người
con nào không biết Bố thí, không biết Ái ngữ, không biết Lợi hành và
không biết Đồng sự thì cha mẹ không hưởng được sự hiếu kính của
con.
Thứ nhất là bố thí. Kinh A-hàm dạy người hiếu kính
cha mẹ là người biết tu hạnh Bố thí. Người biết bố thí thì luôn
luôn đem tâm hoan hỷ bố thí cho mọi người, dù chỉ là một nụ cười,
một cử chỉ cung kính. Nụ cười ấy, cử chỉ cung kính ấy, sự dịu
dàng ấy, cách ăn nói ôn hòa ấy là của mình, nhưng nếu mình không làm,
không thể hiện là không có bố thí. Khi mình làm và thể hiện thì sẽ
đem an vui đến cho mọi người, chứ không nhất thiết phải hạn cuộc ở
bố thí tiền bạc. Đôi lúc một nụ cười khiến cho người ta tiêu tan
đau khổ, trong khi mình đem một túi tiền cho họ chưa chắc họ đã hết
đau khổ. Như vậy, người con biết bố thí thì cha mẹ mới hưởng được
sự hiếu kính của con, còn nếu con chỉ biết quí tiền của, xan tham, chỉ
muốn bòn rút của cha mẹ, thì chắc chắn cha mẹ không hưởng được sự
hiếu kính của con.
Đã có trường hợp như sau. Một bà mẹ thiếu thốn, già
yếu, người con không thèm hỏi tới. Khi mẹ đau ốm mặc kệ, ăn ngủ không
được cũng chả hề quan tâm. Người mẹ buồn chán đi ở với bà con
hàng xóm. Hàng ngày, bà đi bán nước chè và đi mót lúa giành dụm mua được
tấm vé số, khi dò may sao bà trúng. Khi nghe mẹ trúng số thì người con lật
đật tới nói với mẹ: "Thôi mẹ về ở với con cho vui, con ở xa nhớ
mẹ, đêm hôm đau ốm không ai lo cho mẹ!" Như vậy người con khi thấy
mẹ thiếu thốn không có thì hất hủi, khi thấy mẹ có rồi thì hỷ hả,
vì sao? Vì người con thiếu tu, xem của cải, miếng ăn nặng hơn ơn sinh thành
dưỡng dục của cha mẹ. Cho nên trong một gia đình, nếu vì tâm bỏn xẻn,
anh em giành nhau, nghi nhau, không có tâm bố thí thì cha mẹ sẽ không hưởng
được sự ích lợi từ con cái. Và ngược lại, con cái có tâm bố thí
thì sẽ đem lại an lạc cho cha mẹ. Đó là lợi ích của bố thí.
Thứ hai là ái ngữ. Ái ngữ là một điều hết sức
cần thiết, nó cũng rất dễ làm mà cũng rất khó làm. Ái ngữ là nói dịu
dàng, thân ái. Có người cho rằng: Lời nói dịu dàng có chi đâu mà khó
làm. Thế nhưng khó vô cùng, nếu không tu không thể nói ái ngữ được,
như câu chuyện sau đây:
Ngày xưa, một người chỉ nuôi sống gia đình với một
con ngựa đi chở thuê, nhờ nó mà hàng ngày gia đình có ăn có mặc. Ngày
kia, người ta đem đồ đến thuê chở trễ quá, anh ta nóng lòng chờ đợi
đến chiều mới có đồ người ta thuê chở về. Sẵn bực tức trong
lòng, nên vừa bỏ đồ lên xe ngựa, anh liền đánh con ngựa một cái và
nói: Đồ nhãi ranh, đi, đi, đồ ăn hại, đồ chết bằm. "Nghe vậy,
con ngựa ì ra đó, không đi, đánh mấy cũng cứ ì ra đó. Anh đành chịu
và xuống xe. Một hồi sau, cơn nóng giận trôi qua, anh dịu dàng đến vuốt
ve con ngựa, âu yếm nói với nó: "Thôi gắng đi đi con, còn ít giờ nữa
là về nhà, giúp ta chở về nhà đi con". Con vật nghe vậy, nó nhẹ
nhàng dùng sức kéo chiếc xe đi ngay. Con vật mà cũng biết được giá trị
của ái ngữ huống chi là người ta. Do đó, đối với cha mẹ, ta phải dùng
ái ngữ, nếu không sẽ trở thành bất hiếu.
Thứ ba là lợi hành. Lợi hành là làm việc lợi
ích. Khoan nói lợi ích cho xóm làng, cho xã hội mà nói lợi ích cho mình,
cho gia đình mình. Có những người con coi việc gia đình mình như việc ai
đâu, không liên quan đến mình, không thèm sờ tay tới, thậm chí như bưng
chén nước chén cơm cho cha già mẹ yếu cũng không hề làm tới. Đó là những
việc lợi hành mà không làm, không làm như vậy thì cha mẹ làm sao hưởng
được sự hiếu kính của con!
Thứ tư là đồng sự. Cùng làm chung với nhau, cùng
làm lụng đồng sự với nhau, gây cảm tình thương yêu vui vẻ lẫn nhau,
còn không thì không làm sao gây tình cảm hiếu kính với cha mẹ được.
Cho nên Phật dạy một cách thấm thía rằng: Người nào biết Bố thí, Ái
ngữ, Lợi hành và Đồng sự thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính
của người con.
Như vậy, báo hiếu cha mẹ bằng cách biết công ơn cha mẹ
sâu dày như non cao bể cả, mà tiền nhơn của chúng ta đã nhắc tới:
"Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông,
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi".
Tiền nhân chúng ta nói thiết tha lắm; cù lao chín chữ
ghi lòng con ơi, cốt ghi chín chữ cù lao là chúng ta có hiếu rồi. Nhưng báo
hiếu cha mẹ bằng hình thức chưa đủ mà còn phải báo hiếu bằng tinh thần.
Trong kinh đức Phật dạy rằng: Cha mẹ chưa an trú trong
Chánh Pháp, làm sao giúp đỡ, dắt dẫn cha mẹ an trú trong Chánh Pháp, cha mẹ
chưa an trú trong điều Lành thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều Lành,
cha mẹ chưa Quy y Tam Bảo thì nên đưa cha mẹ an trú trong Quy y Tam Bảo. Như
vậy, cha mẹ không những hưởng được phúc lạc vật chất bên ngoài mà
còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền trược,
xa lánh được thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sanh tử, mà
đức Phật đã nhắc nhở. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu
của người con mới thành tựu. Nên cổ đức có câu: "Phụ mẫu đắc
ly trần, hiếu đạo phương thành tựu". (Cha mẹ được giải thoát,
lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo).
Là người Phật tử, hãy ghi nhớ lời Phật dạy như vậy
để hàng ngày tu niệm, hàng ngày hồi hướng công đức về cho tiền nhân
của mình, nhất là trong ngày lễ Vu Lan, thành tâm chí kính, niệm Phật, tụng
Kinh, lạy Phật, cúng đường Tam Bảo, cúng dường chư Tăng Tự tứ, để
cầu mong sự chú nguyện của Chư Tăng cho tiền vong của mình thoát khỏi u
đồ mà siêu sanh lạc quốc. Đó mới tạm gọi là con hiếu, là người Phật
tử thuần hành trong mùa báo hiếu.