Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Đạo hiếu trong nhà Thiền
TT. Thích Minh Thông

Từ khi lạy biệt mẹ cha, từ giã xóm làng bà con thân thuộc, người chọn con đường xuất gia học đạo lòng chỉ ôm ấp một mối là mau chóng thành tựu sự nghiệp trí tuệ để làm lợi ích quần sinh. Song con đường bừng sáng cõi tâm linh xa hay gần, mau hay chậm tùy thuộc vào nghiệp lực và khả năng công phu của mỗi người. Để trở thành người học đạo vững chãi, có năng lực vượt thoát những trần lao phiền não, có đời sống thanh tịnh vô nhiễm thì ngoài nội lực tự thân ra còn chịu tác động bởi những người chung quanh, trong đó phải kể đến Thầy, người trực tiếp theo dõi quá trình gội rửa phàm tính của học trò để chuyển thành đời sống của một người xuất gia học đạo.

Vừa được vào trong biển Phật pháp, Thầy là người đưa cánh tay ra nâng đỡ em đầu tiên. Nếu "đồng chơn" nhập đạo, nghĩa là em vào chùa lúc còn nhỏ tuỗi thì Thầy phải vất vả đóng vai một người mẹ coi sóc sự ăn sự ngủ, tập cho em lời ăn tiếng nói, cử chỉ oai nghi ; phải đóng vai người cha để dỗ dành lúc em bất hòa huynh đệ hay nghiêm trị khi lơ đễnh biếng lười. Cũng từ việc làm trách nhiệm của những bậc cha mẹ, nhưng thầy đã khéo léo đưa em vào khuôn phép của một người học đạo nơi chốn nhà thiền. Tâm hổn em nhờ thế mà ngày một lớn lên. Hai mươi tuỗi, nếu hạnh kiểm và công phu tu tập của em khả dĩ thì thầy sẽ cho em thọ giới Cụ túc, một giai đoạn chuyển mình quan trọng và khẳng định sự trưởng thành trong em. Từ ấy em càng được thầy quan tâm và nhắc nhở thường xuyên hơn, vì em còn phải học ở Thầy rất nhiều về những điều giới mà em đã lãnh thọ, để em ý thức được giá trị quan trọng của giới luật mà hết lòng tuân thủ. Trong mỗi tư thái dung nghi, cách tiếp xúc ứng xử của thầy đều là những bài học rất cần thiết cho em sau này. Nếu như cha mẹ cho em đôi mắt đẹp để nhìn đời thì thầy cho em đôi mắt chánh kiến để đi vào đạo. Đây là một thứ tài sản quý báu mà em phải trân kính giữ gìn, đừng bao giờ để những tà thuyết dụ dẫn tạp nhạp làm lu mờ. Từ những bài giáo lý vỡ lòng đến những chân lý cao siêu Đại thừa, sự lãnh hội của em đều có sự kiểm chứng của thầy. Suốt thời gian ở gần bên thầy, những nội kết, khúc mắc tâm tư của em đều phải nhờ thầy tháo gỡ. Sở đoản, sở trường của em bao giờ thầy cũng biết để kịp thời chỉnh lý và nâng đỡ cho em tiến bộ. Thật vậy, sự thịnh suy của Phật pháp có liên quan mật thiết đối với việc giáo dục đệ tử của những bậc làm thầy. Đức Thế Tôn đã từng răn nhắc : "Thà làm một tên đổ tể gây nghiệp sát hại chứ không thu nhận đệ tử xuất gia mà không biết dạy dỗ , khiến cho chánh pháp vì thế mà sớm bị diệt vong". Làm Thầy quả thật khó hơn làm cha mẹ nhiều lắm. Nếu cha mẹ sinh con mà không có khả năng giáo dục hay chỉ dạy con mình đến chừng ấy nên người thì sẽ bị láng giềng cười chê, hoặc không mang được lợi ích cho xã hội. Song, làm Thầy mà không có trí huệ, không đủ sức để mở con mắt chánh kiến cho đệ tử là gián tiếp trợ sức cho ma quân tiêu hoại Phật pháp và trực tiếp nhận chìm đệ tử mình xuống ác đạo muôn kiếp triền miên. Tội nghiệp như thế đương nhiên là nặng hơn tên đổ tể tạo nghiệp sát sinh chỉ chịu quả báo trong một đời gây ác nghiệp mà thôi. Thế nên trong luật nghi qui định đủ 10 hạ mới được thu nhận đệ tử xuất gia và một năm chỉ nên nhận một người để dạy dỗ  cho tốt. Phương pháp này xem ra có vẻ khe khắt quá ! Song, rèn luyện một con người trở thành có ích đã là khó, mà chuyển hóa một con người từ nghiệp nặng sâu dày, thay đỗi chất để trở thành một bậc mô phạm cho đời quả là lao công khỗ lực. Hiện nay có nhiều trường Phật học mọc lên, có thể thay những vị Thầy bổn sư đào tạo những chổi xanh cho Phật pháp, nên làm Thầy có thể thâu nhận nhiều đệ tử hơn. Dù vậy, những Tăng Ni sinh đến trường thường rời vòng tay bảo hộ của Thầy quá sớm, rất dễ có cơ hội sa ngã và hư hỏng. Nhà trường Phật học dù cố gắng hết sức mà vẫn không thể nào kiểm soát nỗi tư tưởng từng Tăng Ni đối với Thánh giáo đã truyền đạt, càng không thể chăm sóc chu đáo cho từng cá nhân mang "bệnh tật". Cho nên trách nhiệm làm thầy không thể đưa đệ tử của mình đến trường Phật học rồi qui tất cả trách nhiệm cho nhà trường. Đó là chưa nói đến những bậc thầy không quan tâm đến việc tu học của đệ tử, chỉ biết cung cấp những phương tiện cho nhu cầu sinh hoạt mà không hề lo lắng đến sự tiến bộ hay lui sụt. Có khi trong quyết định học thế học của đệ tử mà thầy vẫn hoàn toàn không biết ! Có khi thấy đệ tử có được mảnh bằng thế tục trên tay thì tỏ ra hãnh diện và khuyến khích nữa là đằng khác. Thầy quên luôn cả việc chu cấp chi phí, để đệ tử nhẹ dạ yếu lòng tìm đến sự giúp đỡ của người, tin người, thọ ân với người, rồi khi hoàn tất khóa học phải khăn gói "làm dâu làm rể", hoặc con nuôi hay em nuôi nhà người. Đệ tử vì vậy mà oán giận thầy, vĩnh viễn không muốn về gặp thầy nữa (?).

Tốt nghiệp một khóa học, khi nhìn lại thì không bao nhiêu Tăng Ni được xếp vào loại ưu tú để phân bố công tác Phật sự. Ưu tú là phải kiện toàn cả tài lẫn đức. Tăng Ni không ưu tú vì ngại về gặp thầy tỗ nên lang thang đây đó khắp tự viện để rồi tìm một chỗ an thân. Thầy ở quê xa nào có hay biết gì, chỉ tin đệ tử ở đô thị học hành chắc thế nào cũng hơn đệ tử người ta...! Trách nhiệm làm thầy đâu chỉ dừng lại ở đấy, thời gian phía sau mới bắt đầu ảnh hưởng tốt xấu đến Phật pháp. Lỡ không may người đệ tử vì bị ảnh hưởng sâu cứng bên ngoài mà trở lại tìm mùi thế tục, tập tành nếp sống xa hoa trụy lạc, đã không tuyên dương được Thánh giáo đôi khi còn là tà kiến phân biệt chê bai. "Giáo bất nghiêm, sư chi đọa". Phật giáo nếu vì những người đệ tử như thế mà bị người đời chê khinh, hay hư thủng giềng mối thì tất cả trách nhiệm sẽ thuộc về thầy.

Bộ Căn bản tạp sự ghi : "Có người nương tựa nơi thầy, xuất gia trong giáo pháp của Phật, tâm hồn trong trắng đầy đủ lòng tin, gọi là xuất gia như pháp. Người ấy đối với thầy, cho đến trọn đời tứ sự cúng dường, cũng chưa có thể trả hết được" . Thế mới biết chữ hiếu trong nhà thiền đã đặt nặng vào bổn phận của người đệ tử trong quan hệ sư đồ. Pháp thờ thầy em đã được học ngay từ khi còn làm Sa di. Đó là khi em còn nhỏ, chưa thấm tương chao, em chưa quen hành xử cho hợp với đạo. Khi thọ đại giới là coi như em đã lớn khôn rồi, nhưng thật ra còn rất nhiều điều em phải kề cận thọ học với thầy. Năm năm ở bên thầy mà em vẫn chưa đủ lớn để tự mình định hướng tương lai thì không nên rời thầy sớm. Nên nhớ là em không chỉ có bổn phận đối với thầy bổn sư thôi (thầy xuất gia kiêm Hòa thượng truyền thập giới, kiêm luôn HT Đàn đầu truyền giới Cụ túc), mà còn phải thờ kính thầy A-xà-lê, vị thầy y chỉ vô cùng quan trọng. Ngày nay, vấn đề thọ đại giới có khác nên có khi em cũng chẳng biết Hòa thượng Đàn đầu là ai ? Ở đâu ? Hoặc có biết nhưng không quan tâm đến việc phụng sự phép tắc vì em đâu ngờ rằng vị Hòa thượng ấy mới đúng danh nghĩa là vị thầy bổn sư của em, là người sinh ra giới thân cho em.

Thời nay, việc học hành được dễ dàng và tiện nghi hơn nhiều so với thời của những bậc làm thầy còn ôm gói tha phương, tìm sư học đạo. Chính vì mọi thứ đã trở nên thuận lợi nên các em đâm ra hư hỏng, quên đi phép tắc kỷ cương, khinh khi thầy tỗ. Em xin thầy lên tỉnh thành tham dự vào các lớp Phật học để mở mang kiến thức cho "kịp với người ta". Thầy rộng lòng ưng thuận, rồi năm tháng chắt chiu tiền bạc để cung cấp cho em đi học phương xa, lòng chỉ nuôi mơ ước nho nhỏ là sau khi thành đạt em sẽ trở về giúp thầy cán đáng mọi việc trước sau trong bản tự. Được một thời gian, xem như công thành danh toại, lâu lâu về thăm chùa em nỡ lòng chê thầy cũ quê hèn, ăn nói thô kệch, cố chấp luật nghi...Có khi em còn dám lên mặt chỉnh sai, đối đáp dùng luôn cả ngoại ngữ cho thầy ngớ ngẩn ra rồi giễu cợt cười đùa. Có khi em ở biệt luôn đô thị, chê chùa nhỏ thầy quê không chịu về báo đáp một ngày, để những bậc thầy tội nghiệp cứ ngày ngày ngóng chờ đứa đệ tử đã hết lòng tin tưởng... Còn biết bao tệ nạn xảy ra dẫy đầy trong quan hệ sư đồ giữa chốn thiền gia hiện nay, nghe qua xót xa biết chừng nào !

Khinh Sư thì ắt sẽ diệt Tổ, lời người xưa không phải không căn cứ. Giờ em tỏ ra không hiếu thuận thờ thầy, thì tương lai thế nào gia tài của Đức Thế Tôn để lại em cũng làm cho khánh tận chẳng còn gì, mạng mạch Phật pháp chắc sẽ nghẽn tắc ngay từ thế hệ của em bước tới.

Quan hệ thầy trò trong nhà thiền quả là một đạo lý tối cần thiết để sản sinh ra những bậc chân tu. Xin thắp nơi đây một ngọn nến lung linh từ niềm thao thức của cõi tâm thức diệu huyền, mong sao đạo hiếu trong chốn nhà thiền mãi mãi được đón nhận, tôn thờ và trường tồn cùng với mạng mạch Phật pháp.

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/026-tmt-daohieunhathien.htm

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang