- Tự tứ thời Đức Phật tại thế
- Đào Nguyên
Học giả Lương Khải Siêu (1873-1929), nơi bài khảo cứu
"Bàn về bốn bộ A Hàm"đã đưa ra 6 đặc điểm để nhấn mạnh
về tầm quan trọng của 4 bộ kinh ấy, đặc điểm thứ 3 là:
"A Hàm mang thể tài của một loại "ngôn hành lục",
tính chất đại khái giống với sách "Luận ngữ", nên muốn thể
nghiệm nhân cách hiện thực của Đức Thế Tôn thì không thể không
nghiên cứu A Hàm"(1).
Nhận xét như thế là hoàn toàn xác đáng. Đọc 4 bộ A Hàm,
chúng ta sẽ thấy đây đó là những sự kiện, những chi tiết mô tả, thuật
sự, phản ánh về đời sống, về những nét sinh hoạt, về bước đường
hành hóa, cách thế ứng xử của Đức Phật cùng một số khía cạnh về
kinh tế, xã hội đương thời. Nhân mùa Vu Lan, chúng tôi xin trích dịch, giới
thiệu một bản kinh ngắn, thuật lại một sinh hoạt tự tứ của Đức Bổn
Sư.
Tuy ngắn, nhưng bản kinh này đã hàm chứa nhiều giá trị,
nhất là giá trị về lịch sử, nên đã có mặt trong cả điển tịch của
Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.
Về kinh tạng Nam truyền, kinh này được ghi trong kinh
Tương Ưng Bộ (Samyutta – Nikàya) mang tên kinh Pavàranà (kinh Tự tứ), thuộc
chương thứ 8, kinh số 7 (xem kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch,
Viện Nghiên cứu Phật học VN xuất bản, 1993, trang 419-422).
Về kinh tạng Bắc truyền (Hán tạng), kinh này hiện có 4 bản
Hán dịch :
1. Trong bộ Trung A Hàm (No 26, gổm 60 quyển với 222 kinh, Đại
tạng kinh Đại Chính tân tu – đại – tập 1), kinh này mang số 121, thuộc
Trung A Hàm quyển thứ 29, đại, tập 1, trang 610A-610C, do Đại sư Cù Đàm Tăng
Già Đề Bà dịch vào khoảng 397-398TL, đời Đông Tấn (317-419).
2. Trong bộ Tạp A Hàm (No 99, gổm 50 quyển với 1362 kinh ngắn,
đại, tập 2), kinh này mang số 1212, thuộc Tạp A Hàm quyển thứ 45, đại,
tập 2, trang 330A-330C, do Đại sư Cầu Na Bạt Đà La (394-468) dịch vào khoảng
sau 435 TL, đời Lưu Tống (420-478).
3. Trong Bộ Tăng Nhất A Hàm (No 125, gổm 51 quyển, 52 phẩm,
471 kinh cùng Phẩm Tự, đại, tập 2), kinh này mang số 5, phẩm 32, thuộc Tăng
Nhất A Hàm quyển thứ 24, đại, tập 2, trang 676B-677B, do Đại sư Cù Đàm
Tăng Già Đề Bà dịch (Đại sư cũng là người dịch Trung A Hàm).
4. Trong kinh Biệt dịch Tạp A Hàm (No 100, gổm 16 quyển với
364 kinh ngắn, đại, tập 2) kinh này mang số 228, thuộc quyển 12, đại, tập
2, trang 457A-457C.
Kinh Biệt dịch Tạp A Hàm mất tên người dịch, phụ vào
dịch phẩm đời Hậu Tần (384-417) được xem là phần phụ của bộ Tạp
A Hàm, góp thêm tư liệu soi sáng thêm về diệu nghĩa cho bộ kinh ấy, khẳng
định tính chất phong phú của kinh điển thuộc Hán tạng. (Bốn bộ A Hàm
trong Hán tạng, mỗi bộ đều có phần "kinh rời", toàn bộ các
"kinh rời" này đều có trong 4 bộ chính, nhưng đã được dịch riêng,
lẻ tẻ, phần nhiều được dịch từ đời Tây Tấn, 265-317 trở về trước).
Bản dịch của chúng tôi dựa theo bản Hán dịch trong kinh
"Biệt dịch Tạp A Hàm, đại, tập 2, trang 457A-457C).
Tôi nghe như vầy :
Một thời, Đức Thế Tôn du hóa tại vườn trúc Ca Lan Đà,
thuộc thành Vương Xá, đang mùa an cư kiết hạ, cùng với đại chúng Tỳ
kheo gồm 500 vị, đều là bậc A-la-hán, đã dứt sạch các lậu, mọi việc
làm đã hoàn tất, bỏ hẳn gánh nặng, không còn nghiệp trói buộc, chánh
trí, tâm đạt giải thoát, chỉ trừ một vị được Đức Như Lai thọ ký
trong đời hiện tại sẽ dứt hết mọi lậu.
Bấy giờ là ngày Rằm tháng Bảy, đến lúc tự tứ, Đức
Thế Tôn trải tòa ngồi trước chúng Tăng, bảo các Tỳ kheo:
- Các thầy nên biết ! Như Lai là bậc phạm hạnh, đối với
con đường giải thoát, thọ thân này là thân sau cùng, là bậc lương y vô
thượng nhỗ mũi tên độc. Các thầy đều là con của Như Lai vì đều từ
tâm, từ miệng của Như Lai sinh ra, là con của giáo pháp Như Lai, vì từ
pháp hóa sinh. Hôm nay Như Lai muốn tự tứ, vậy nơi thân, miệng, ý của
Như Lai có lỗi lầm gì chăng ?
Tôn giả Xá Lợi Phất đang ngồi giữa đại chúng bèn đứng
dậy, sửa lại y phục, chắp tay hướng về Phật, thưa:
- Kính thưa Đức Thế Tôn ! Như Phật vừa nói, Như Lai là
bậc phạm hạnh... Chúng con chẳng thấy nơi thân, miệng của Đức Thế Tôn
có chút lỗi lầm nào cả. Vì sao ? Thế Tôn đối với người chưa
được điều phục khiến trở thành thuận hợp, người chưa tịch tĩnh
được tịch tĩnh, làm cho người khỗ não được an ổn, người chưa giải
thoát khiến đạt giải thoát. Đức Thế Tôn là bậc hiểu rõ về đạo, là
bậc chỉ bày về đạo, là bậc giảng nói về đạo, là bậc dẫn dắt
theo đạo. Các đệ tử nối tiếp bất tuyệt giáo pháp của Thế Tôn. Thứ
lớp tu học, thuận theo chánh pháp, luôn dạy bảo nhau, thân ái giúp đỡ
nhau trong pháp thiện. Chúng con không thấy nơi thân, miệng, ý của Đức Thế
Tôn có chút lỗi lầm nào.
Tôn giả Xá Lợi Phất nói tiếp:
- Thế Tôn ! Hôm nay tự tứ, xin từ bi chỉ dạy về thân,
miệng, ý của con có những lỗi lầm, khuyết điểm gì.
Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất:
- Như Lai không thấy thầy có chút lỗi lầm nào cả.
Vì sao ? Vì Tôn giả là người luôn giữ vững giới thanh tịnh, là hàng
đa văn, ít ham muốn, biết đủ, xa lìa chốn ổn ào, ưa thích nơi vắng lặng,
có đầy đủ tinh tấn, tâm định, là hàng trí tuệ, nhanh nhạy, mẫn tiệp,
uyển chuyển, đặc biệt, thuộc chủng trí lớn, chỉ trừ Như Lai, còn
trí tuệ của những vị khác không ai bằng thầy. Vì thầy đã thành tựu
thật trí sâu rộng, luôn hoan hỷ chỉ dạy đem lại lợi ích cho người học,
tâm không ganh ghét, thấy người có khả năng thì luôn hết lòng chỉ dạy,
vui vẻ, tùy hỷ tán thán, nếu vì bốn chúng mà giảng nói pháp thì không
hề chán mệt. Thế nên nay thầy không có chút lỗi lầm nào nơi thân,
miệng, ý.
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Thế Tôn ! Năm trăm vị Tỳ kheo ở đây, Thế Tôn có thấy
những lỗi lầm nào nơi thân, miệng, ý của chư vị ?
Phật nói :
- Như Lai không thấy nơi thân miệng ý của năm trăm Tỳ
kheo ở đây có chút lỗi lầm nào cả. Vì sao ? Năm trăm Tỳ kheo này
đều là A-la-hán, các lậu đã dứt, mọi tạo tác đã hoàn thành, gánh nặng
đã được bỏ xuống, đạt được lợi mình, không còn bị trói buộc,
chánh trí, tâm đạt giải thoát. Vì ý nghĩa ấy, Như Lai chẳng thấy họ có
chút lỗi lầm nào nơi thân, miệng, ý.
Tôn giả Xá Lợi Phất lại thưa:
- Thế Tôn ! Thế Tôn chẳng chê trách năm trăm Tỳ kheo ở
đây có khuyết điểm nhỏ nào, cũng không thấy họ có chút lỗi lầm
gì về thân, miệng, ý. Thưa Thế Tôn ! Năm trăm Tỳ kheo này có bao nhiêu vị
đầy đủ ba minh, bao nhiêu vị chứng đắc "câu phần giải
thoát", đắc huệ giải thoát !
Phật dạy :
- Trong chúng Tỳ kheo này có 90 vị đầy đủ 3 minh, 180 vị
chứng đắc "câu phần giải thoát", số còn lại đều chứng đắc
huệ giải thoát.
Tôn giả Xá Lợi Phất thưa :
- Năm trăm vị Tỳ kheo này đã xa lìa mọi phiền não cấu
uế, không có phần hư mục, đều là phần tinh túy.
Lúc này, Tôn giả Bà Kỳ Xa hiện có mặt trong đại chúng,
bèn suy nghĩ:
- Hôm nay Phật tự tứ, ta muốn nói kệ để tán thán việc
này.
Tôn giả liền chắp tay hướng về chôỵ Phật, thưa: -
Thưa Thế Tôn ! Xin Thế Tôn cho phép con nói kệ.
Sau khi được Phật chấp thuận, Tôn giả Bà Kỳ Xà đọc
kệ :
- "Hôm nay là Rằm, ngày thanh tịnh
- Năm trăm Tỳ kheo cùng hội đủ
- Thảy đều đoạn trừ mọi kiết sử
- Là bậc đại tiên dứt hết nghiệp
- Tâm thành gần gũi Đức Thế Tôn
- Tất được giải thoát, không đời sau
- Việc dứt sinh tử đã hoàn thành
- Các lậu đã tận, bặt vọng động
- Tham, kiết, kiêu mạn cũng thảy trừ
- Nhỗ tên độc ái, diệt nghiệp ái
- Sư tử trong đời, lìa các thủ
- Trói buộc, sợ hãi đều dứt, diệt
- Như bậc chuyển luân đại thánh vương
- Quần thần, tùy tùng vây chung quanh
- Du hành khắp chốn, đến biển cả
- Nơi chiến trận luôn được thắng lớn
- Đệ tử của thương chủ vô thượng
- Thảy đủ ba minh, vượt sinh tử
- Thật đúng là con của Đức Phật
- Hoàn toàn thanh tịnh, không cấu nhiễm
- Kính lễ bậc thân thuộc mặt trời".
(1) Định Huệ dịch. Tập văn Suối Nguồn số 4, Vu Lan
1999, tr.52.