Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Vài suy nghĩ nhỏ về
Vu Lan và Địa Ngục trong Tâm Thức mỗi người
Tâm Minh - VTN

Mỗi mùa Vu Lan về, chúng ta thường nghĩ đến Mục Liên Thanh Đề, người mẹ nghiệp chướng nặng nề của ngài Mục Kiền Liên và thương hại cho bà đã bị đọa vào địa ngục, khi vừa đưa bát cơm vào miệng thì cơm đã hóa thành than hồng cháy đỏ, bụng đói mà không sao ăn được v.v... Câu chuyện xưa còn đó, nhưng có một điều chúng ta có quên không ?- Đó là : địa ngục ấy vẫn hiện tiền trên thế gian này, trong cõi đời này. Nhiều người trong chúng ta cũng đã từng trải qua thảm cảnh ấy : bưng chén cơm ngon lành lên ăn, nhưng ăn không vô vì lửa thù hận, lửa đố kỵ, lửa nghi kỵ, lửa ghen ghét v.v... đang bừng cháy trong tâm, phải không bạn ? Đó chính là địa ngục trong tâm thức của mỗi người chúng ta. Nhân mùa Vu Lan năm nay, chúng ta thử tìm hiểu về địa ngục ấy.

Chúng ta thường nghe nói : "khi tham sân và chấp thủ nổi dậy thì trăm ngàn cửa địa ngục mở ra trước mắt" hay "một niệm sân nổi lên, đốt cháy cả rừng công đức". Như vậy câu hỏi : "địa ngục có hay không ? Nếu có thì cảnh giới ấy ở đâu ?" rõ ràng đã được trả lời rồi, phải không bạn ?

Địa ngục là nơi thọ nghiệp của những chúng sanh tạo nhân tham lam, sân hận và si mê. Có người bị ba thứ độc dược này khống chế và sai sử, luôn sống trong những toan tính, những âm mưu thâm độc để hại người rồi để lo sợ bị người hại và từ đó ăn không ngon, ngủ không yên, sống trong ác mộng ; cuộc đời bỗng dưng thành địa ngục, triền miên đau khổ phiền não, đó cũng là nguyên nhân của luân hồi trong 3 đường ác. Nói là ba thứ độc nhưng nguyên nhân cũng là thứ độc tưởng như "thường tình" nhất, đó là THAM - đầu mối của mọi lỗi lầm đáng tiếc. Thật vậy, con người khi tham mà không được toại nguyện thì hay nổi sân và khi tham, sân đã chế ngự tâm ta thì ta không còn kiểm soát được lời nói, ý nghĩ và việc làm nữa, tâm trở nên bất an, náo động và hỗn loạn (biểu hiện của SI), nói những lời không nên nói, làm những việc không đáng làm, tư tưởng xấu xa đen tối, nói cách khác, ta đang ở trong cảnh giới địa ngục vậy.

Tại sao Tham ? Làm sao để chế ngự Tham, Sân, Si ? - Tham là vì quá ích kỷ, chỉ biết thương mình, chỉ nghĩ tới mình, cái gì cũng ‘Tôi’ và ‘của tôi’. Bao nhiêu công sức, trí óc đều tập trung lo cho ‘cái TÔI’ và cái ‘CỦA TÔI’ : tôi phải giàu, tôi phải giỏi, con tôi phải hạnh phúc v.v... Suy cho cùng, ngay cả tình mẫu tử có khi cũng chỉ là một dạng đặc biệt của lòng tham, nói theo danh từ Phật học là do "chấp ngã" (chấp là có một ‘cái TÔI’). Thật vậy, đã có những bà mẹ thương yêu con mình đến nỗi phải giết con của người khác để cướp ngôi vua ; có những bà mẹ hành hạ con người khác không chút thương xót để phục vụ cho con mình tối đa ; có những bà mẹ thương con bằng cách ép buộc nó đi theo con đường mình chọn, bất chấp nguyện vọng, chí hướng, tâm tư, tình cảm của con, v.v...

Sự bành trướng của ‘cái TÔI’ là ‘cái của TÔI’. Nhân danh ‘quê hương tôi’, ‘gia đình tôi’, ‘đất nước tôi’, ‘đảng phái tôi’, v.v... người ta đã gây ra biết bao nhiêu là lỗi lầm, tội ác ? Thật vậy, Tham Sân Si quả đã xâm chiếm hành tinh chúng ta : tham tiền, tham địa vị, danh vọng, tham mở rộng thị trường, phát triển quân sự, bành trướng thế lực chính trị, v.v... Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi một ngày nào đó thế giới này bốc lửa, nếu chúng ta cứ để cho Tham, Sân, Si cháy bùng hay cháy ngầm trong lòng mỗi người, mỗi phe nhóm, mỗi đảng phái, mỗi quốc gia, v.v... Quả đất này rồi sẽ nổ tung khi 3 cái rễ lớn của tâm tự ngã Tham Sân Si khoét sâu vào lòng nó.

Muốn loại bỏ Tham Sân Si, ta cần phải huấn luyện tâm mình, vì một cái tâm thiếu huấn luyện luôn luôn dính mắc vào ưa - ghét, lấy - bỏ : Nắm giữ cái ưa thích, xua đuổi cái ghét bỏ, luôn phản ứng với mọi chuyện xảy ra trong chiều hướng ấy, đó là một cái tâm ‘mất quân bình và mỏi mệt’. Muốn đưa tâm về trạng thái quân bình và thảnh thơi ban đầu, ta phải đối diện với những tư tưởng, tình cảm và cảm giác của chính mình, phải quan sát một cách đơn thuần những gì đang xảy ra trong tâm ta khi chúng vừa khởi lên với một thái độ khách quan, không phê phán, đánh giá, tự hào hay xấu hổ v.v... và không can thiệp vào những gì đang xảy ra. Nói cách khác là ta phải thực tập chánh niệm trong mọi lúc và ở mọi nơi vậy.

Khi việc tu tập về sự quan sát đơn thuần này được phát triển và tiến bộ, chúng ta sẽ đối diện với tư tưởng và cảm giác của mình cũng như với hoàn cảnh và với tha nhân một cách khách quan, không còn bị tham ái, chấp thủ và sân hận chi phối. Danh từ nhà Phật hay gọi là "đối cảnh mà không khởi niệm" vậy. Từng bước, chúng ta sẽ loại dần 3 thứ độc Tham, Sân, Si ra khỏi tâm mình để thật sự có an lạc và giải thoát. Một cách tích cực hơn, như trong Duy Thức dạy, ta phải tu tập thường xuyên 3 tâm sở Thiện : Vô Tham, Vô Sân và Vô Si. Vô Tham biểu lộ qua sự ‘Ít muốn và biết đủ’, lòng độ lượng, không dính mắc, và bố thí ; Vô Sân biểu lộ qua tâm từ (đem vui), tâm bi (cứu khổ), nhẫn nhục, tha thứ, hỷ xả ; và Vô Si biểu lộ qua sự Tỉnh thức, Hiểu biết, nhìn mọi sự vật, hiện tượng và cả con người một cách như thật (như - nó - là) không thành kiến, không tham đắm, cũng không xua đuổi.

Ngày nay, con người đua nhau đi tìm các hành tinh mới, tìm hiểu mặt Trăng, Hỏa Tinh v.v..., đua nhau chế tạo vũ khí hạt nhân, hơn thua nhau trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị ... nhưng lại quên một điều vô cùng quan trọng : ấy là sự hiểu biết sâu sắc về nội tâm mình. Chiến tranh thế giới, hiểm họa lớn nhất của hành tinh chúng ta, phải chăng chỉ là sự biểu hiện của Tham Sân Si, của lương tâm con người dưới một hình thức vi tế hơn ? Chỉ có cách quay về với nội tâm, tìm hiểu chính mình, tu tập để loại bỏ ác tâm thì nhân loại mới có thể tự cứu mình ra khỏi họa diệt vong do Tham Sân Si gây ra, và mỗi người chúng ta mới không bao giờ phải đọa vào địa ngục của lòng Tham do chính mình dựng lên để nhốt mình mà thôi.

Mùa Vu Lan 2544 lại về, cầu mong cho chúng ta và tất cả loài hữu tình sớm thức tỉnh để đừng ai phải trở thành một Mục Liên Thanh Đề với chén cơm hoá thành than đỏ, đừng ai bị đọa vào Địa ngục ấy dưới bất cứ hình thức nào.

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/040-vulan-tamminh.htm

 


Cập nhật: 12-8-2000

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang