Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nghĩ về mùa Báo hiếu
Thích nữ An Trí

Mỗi độ gió thu về
Réo rắc lá thu rơi
Vu Lan sầu man mác
Ôi nhớ mẹ không nguôi.

Thật vậy, cứ mỗi độ thu về, trong tâm hồn người con Phật chúng ta lại gợi lên một nỗi niềm khó tả về mùa Vu Lan báo hiếu.

Ca dao có câu :

Tháng sáu mua nhãn bán trâm
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.

Mục đích của đạo Phật là đưa chúng sanh đến an vui, giác ngộ, giải thoát. Nhưng muốn đạt được mục đích đó, thì việc làm đầu tiên phải xây dựng con người trên nền tảng luân lý đạo đức, tức là Hiếu đạo vậy.

Khế Kinh có câu : "Hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh tức vô phi Phật hạnh, dục đắc đạo đồng chư Phật, tiên tu hiếu dưỡng nhị thân". (Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Muốn chứng quả đồng với chư Phật thì việc làm đầu tiên là phải lo hiếu dưỡng song thân). Vậy mỗi chúng ta, muốn tu hành chứng quả đồng với chư Phật thì phải xây dựng cho mình có một nền tảng đạo đức căn bản.

Kinh Thi có câu :

Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã
Ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao
Dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực
(Cha sanh ta, mẹ nuôi ta
Nhớ thương cha mẹ xót xa tấm lòng
Nuôi con cực khổ ẵm bồng
Trời cao vòi vọi khó mong đáp đền).

Thật thế, trái đất này còn có giới hạn, tinh tú kia còn có thể đếm, nhưng tình thương cha mẹ không gì sánh bằng. Do đó, phàm là một con người hiện hữu trên cuộc đời này thì không ai có thể phủ nhận công ơn của cha và mẹ, nhất là cái ơn "cơm nặng áo dày" của người cha và sự hy sinh cao cả "ngậm đắng nuốt cay" của người mẹ.

Mẹ thì chín tháng cưu mang, ba năm nhũ bộ. Suốt đời lo lắng cho ta và chỉ mong sao ta trưởng thành tốt đẹp. Ngay từ khi chưa biết mặt mũi ta ra thế nào mẹ vẫn dành cho ta một tình thương bất tận.

Gìn thai giữ nghén không thôi
Khi đi đứng, lúc nằm ngồi chăm nom
Yếm khăn chẳng thiết đẹp dòm
Đài gương hờ hững, phấn son lạnh lùng.

Suốt ba năm bú mớm dưỡng nuôi, mẹ đã hy sinh một phần thân thể cho ta dòng sữa ngọt ngào để trưởng thành. Những ngày thơ ấu, mẹ mãi quấn quýt bên giường khi ta ốm đau, tựa cửa trông chờ lúc trời chiều tan học, nhọc nhằn lao khổ vì ta. Nhớ ngày nào...

Mày xuân như lá liễu xanh
Mặt hoa như đóa sen thanh tuyệt vời
Nhưng vì giặt rửa tanh hôi
Dung nhan tiều tụy lần hồi khá thương.

Ôi ! Bút mực, ngôn từ nào có thể diễn tả hết công ơn bao la trời biển của mẹ.

Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá
Đựng sao đầy hai tiếng Mẹ ơi !

Tình thương của cha cũng không thể nghĩ lường, kín đáo, trầm lặng, cương quyết hơn mẹ, nhưng quả thật vòi vọi hơn núi Thái. Cha là trụ cột của gia đình. Chính vì tình thương đó mà cha phải làm lụng vất vả, đổ mồ hôi để đem đến cho con từng bát cơm chén gạo, từng manh quần tấm áo, cha như mái nhà che mát cho đàn con nương tựa, những khi lỗi lầm, những lúc dại khờ thì lời la rầy, những ngọn đòn của cha là gởi gấm vào đó biết bao ước muốn cho ta sớm được nên người, sớm được thành tài trong xã hội, cho nên còn cha là còn biết bao nhiêu niềm hạnh phúc, mất cha là hứng chịu một thiệt thòi lớn. Dân gian đã nói :

Còn cha gót đỏ như son
Mai sau cha mất gót con lấm bùn.

Chính vì lẽ đó mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta bài học hiếu hạnh bằng chính bản thân Ngài. Khi vua Tịnh Phạn sắp băng hà, Ngài trở về hoàng cung thuyết pháp ròng rã bảy ngày cho vua cha nghe, độ tận vua cha đắc quả Tu-đà-hoàn. Ngày tang lễ phụ hoàng, dù Ngài là đấng "Thiên nhơn chi đạo sư", nhưng Đức Phật không đứng trên cương vị tôn quý đó, mà Ngài đã kê vai gánh lấy quan tài cha đưa về non Linh Thứu tự tay làm lễ trà-tỳ.

Đối với vong mẫu Ma-gia – người mẹ hiền quá vãng khi Ngài vừa chào đời được bảy hôm, Ngài đã lên cõi trời Đao-lợi trong kỳ nhập hạ thứ 7, thuyết pháp suốt ba tháng về pháp vi diệu giúp cho bà đắc quả Tu-đà-hoàn.

Hình ảnh làm cho ta cảm động nhất là khi nhìn thấy đống xương khô, Đức Thế Tôn đã "lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng".

Ngoài tấm gương Đại Hiếu của đức Mục-kiền-liên còn rất nhiều tấm gương hiếu hạnh của các Thiền sư, như Đại An Thiền sư suốt ngày đan áo nuôi mẹ, Hư Không Đại sư về núi Phổ Đà mỗi bước đi là mỗi lạy nguyện cầu cho mẹ, hoặc Thông Biện Thiền sư sau khi tu hành tỏ đạo liền tìm mẹ mà báo hiếu. Ở Việt Nam có Liễu Quán Thiền sư kiếm củi đổi gạo nuôi cha già suốt đời. Ở miền Bắc nước ta ai ai cũng biết Tổ Cáy, tức ngài Tông Diễn, trụ trì chùa Hòe Nhai, ngài đã phụng dưỡng mẹ già cho đến ngày cuối cùng như thế nào...

Gương hiếu hạnh nhớ ơn đó đã thấm sâu trong lòng người con Phật, phù hợp với hiếu đạo của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Qua tấm gương của Đức Từ Phụ và các bậc Thiền sư..., chúng ta là những người con Phật phải luôn nghĩ đến công ơn sâu dày của ông bà cha mẹ. Nhưng sự báo hiếu không phải mỗi năm tổ chức một lễ Vu-lan là đã tự cho mình là người con chí hiếu, mà ý nghĩa đúng đắn và đầy đủ của sự báo hiếu theo quan niệm Đạo Phật không ngoài hai phương diện vật chất và tinh thần.

1. Về phương diện vật chất : Hầu hạ vâng thờ, thay làm các việc nhọc, săn sóc miếng ăn thức uống, không để cha mẹ thiếu thốn lo nghĩ. Song người Phật tử phải sáng suốt trong khi báo hiếu, không nên quá chiều theo ý muốn của cha mẹ mà sát nhơn hại vật gây tội lỗi thêm cho cha mẹ và cho mình. Do đó, báo hiếu về mặt vật chất dù đầy đủ cách mấy đi nữa, chẳng qua cũng chỉ làm cho cha mẹ được vui vẻ trong một kiếp hiện tại mà thôi. Cái vui vật chất là cái vui giả tạm, vui trong sanh tử luân hồi. Cho nên sự báo hiếu về vật chất chưa phải là đầy đủ. Chỉ có báo hiếu về mặt tinh thần mới là cái vui nhẹ nhàng, thanh thoát và cao thượng nhất.

2. Về phương diện tinh thần : Gắng làm sao cho tinh thần cha mẹ đi dần đến chỗ giải thoát, khuyên cha mẹ tin nhân quả tội phước, biết kính trọng và quy y Tam bảo, bố thí, phóng sanh, làm các việc lành, hướng dẫn cha mẹ đi đúng chánh pháp v.v..., đó là những việc làm tối cần để giúp cho người con làm tròn hiếu hạnh trong hiện tại và vị lai.

Để việc cúng dường lễ Vu-lan thành tựu, chẳng những chư tăng giới đức trang nghiêm thanh tịnh mà hàng Phật tử cúng dường cũng phải hết lòng thành khẩn, bằng tất cả tâm chí thành. Điều quan trọng là không những tâm người cúng phải hết sức thanh tịnh mà phẩm vật cúng dường cũng phải thanh tịnh, không nhất thiết phải tốn kém rườm rà. Tiền của phát xuất từ những việc làm bất chính, trộm cướp, lường gạt, chẳng bao giờ chư Phật và các bậc Hiền thánh thọ nhận. Cho nên muốn cầu nguyện, cúng dường, bản thân người cúng cần có một đời sống lương thiện đạo đức đúng theo lời Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia. Nếu không hội đủ ba điều kiện kể trên thì việc cúng dường trong ngày lễ Vu-lan chẳng những vô ích mà còn tạo thêm tội lỗi.

Tóm lại, pháp Vu-lan này chính là phương pháp thần diệu để báo đáp công ơn cha mẹ hiện tiền và quá vãng. Ngày lễ Vu-lan còn mang ý nghĩa rất sâu xa thâm thúy, đó là :

1. Tinh thần giác ngộ cầu tiến : Sở dĩ mà bà Thanh Đề thoát khỏi ngạ quỷ không phải là do chư tăng có tài xuống địa ngục dẫn bà lên, hay Diêm vương thả bà ra, mà chính nhờ oai đức như biển của chư tăng nhất tâm nhất niệm hướng về bà mong bà cải đổi tâm niệm xấu xa; trong khi đó bà cũng hướng về Tôn giả Mục-kiền-liên mong ngài giải cứu. Do có sự giao cảm đó mà bà tỉnh giác ăn năn sám hối những tội lỗi của mình. Bà lại sanh tâm hoan hỷ khi biết ngài Mục-kiền-liên cúng dường trai tăng cầu nguyện cho bà. Nhờ tâm niệm rộng lớn đó mà bà được sanh về cõi lành.

2. Tinh thần từ bi cứu khổ : Lễ Vu-lan với ý nghĩa "Giải đảo huyền", nghĩa là cứu cái khổ nặng nề của chúng sanh đọa lạc trong ác đạo. Vì lòng từ bi rộng lớn mà Đức Phật thuyết pháp Vu-lan nhằm mục đích cao thượng là sách tấn chư Tăng Ni tấn đạo, nghiêm thân, trau dồi giới đức mới cứu được sự "đảo huyền" trong địa ngục hiện hữu nơi chốn dương gian này cũng như trong tam đồ khổ.

3. Tinh thần báo hiếu :   Vu-lan còn có ý nghĩa thâm thúy, đó là "báo hiếu". Báo hiếu là tri ân và báo ân. Điều quan trọng qua ý nghĩa Vu-lan là tinh thần đoàn kết. Đoàn kết chính là tinh thần trọng yếu của Vu-lan, bởi vì muôn việc đời cũng như đạo, thành tựu có dễ dàng hay không là nhờ sự hòa hợp đoàn kết muôn người như một. Điển hình như cá nhân ngài Mục-kiền-liên, dù ngài có sức mạnh thần thông bậc nhất, lòng hiếu thảo của ngài chấn động cả thiên đình, nhưng một mình ngài cũng không đủ sức cứu được mẹ, mà phải nhờ vào thần lực của mười phương tăng. Thần lực của mười phương tăng đó phải chăng là sức mạnh đoàn kết của một tập thể Tăng đoàn ? Sức mạnh đoàn kết đó giúp chúng ta thành công trên mọi lãnh vực, cũng chính sức mạnh đoàn kết đó mới có khả năng làm cho âm siêu dương thới. Đó là người con Phật đã thể hiện đúng nhất lời đấng Từ Tôn đã dạy cách đây hơn 25 thế kỷ. 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/046-baohieu.htm

 


Cập nhật: 25-9-2000

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang