Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Mẹ Vẫn Chờ

 

Tôi sẽ không bao giờ khôn lớn được, kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm khi tôi vẫn còn mẹ bên cạnh cuộc đời. Mới hôm qua đây, tóc mẹ còn xanh,  mắt còn trong suốt, bàn tay nuột nà thăn thoắt đan từng chiếc áo lạnh mùa đông, mẹ vẫn còn nhanh nhẹn trong từng bước đi….Đến nay, tóc mẹ đã bạc, mắt đã mờ, bàn tay đã run rẩy cầm không chắc được chiếc que đan,  chân mẹ đã yếu, đầu gối đã long, khập khiểng từng bước một từ nhà trong ra nhà ngoài vườn suốt ngày, sữa soạn cơm chiều, chờ tôi về bên bếp nước rửa tay.  

 Chức năng của mẹ thật cao cả đối với tôi và tất cả những ai còn mẹ trong gia đình, một trong những người con yêu của mẹ. Phần lớn, người phụ nữ khi có gia đình rồi, chỉ chờ có con để hoàn thành chức năng làm mẹ, mang hạnh phúc cho gia đình.

 Con là một phần máu huyết của mẹ, con đã nằm trong bụng mẹ chín tháng, mười ngày. Nhịp đập từ tim của mẹ sẽ truyền những dòng máu thương yêu vào tim con, đập cùng một nhịp với tim con. Hơi thở từ phổi mẹ sẽ truyền hơi thở nồng ấm vào phổi con. Thức ăn mẹ ăn sẽ thành chất bổ dưởng làm tăng trưởng cơ thể, sức sống cho con. Nước mẹ uống vào, sẽ làm tươi nhuận thân con. Con đã rút hết bao nhiêu nước trong người mẹ để  thành bào thai bơi lội trong ấy. Xương tủy của mẹ được rút ra từ từ, mầu nhiệm để tạo nên xương tủy con. Trong kinh Vu Lan bồn đã có câu rất thâm thúy:

"Đàn ông xương trắng nặng hoằng,
đàn bà xương nhẹ, đen thâm dễ nhìn.
Ngươi có biết cớ chi đen nhẹ?
Bởi đàn bà sinh đẻ mà ra.
Sinh con ba đấu huyết ra.
Tám hộc bốn đấu sữa hoà nuôi con …."

 Ôi bao la, màu nhiệm làm sao khi sự sống của con phát triển ngay từ trong cơ thể mẹ, mẹ cảm nhận được hết tất cả những biến chuyển này. Từ lúc mẹ mới cấn thai con, mẹ bị nôn oẹ vào mỗi buổi sáng, có khi cả ban chiều, cơ thể bần thần khó chịu, nhức đầu, dã dượi. Eâm được một thời gian thì con lớn dần lên, khi chân tay đầy đủ cũng là lúc mẹ càng khổ hơn vì những cú đạp của con thúc vào hông, vào bụng mẹ, khi đau, khi không nhưng mẹ không nề hà gì, trái lại còn cảm thấy sung sướng, hạnh phúc vì cảm nhận được mầm sống mình tạo ra phát triển đều, đang cựa quậy. Có những lúc, con đạp mạnh quá làm mẹ mất ngủ cả đêm, bố có muốn chia sẽ cũng không được. Mẹ mất ngủ cả đêm để sáng hôm sau vẫn ì ạch thức giấc tiếp tục làm công việc hằng ngày. Có lúc, giữa ban ngày, mẹ phải ôm bụng vì con đạp mạnh quá làm mẹ đau nhói.

Thế rồi … bào thai càng lúc càng lớn để mẹ mang thêm nặng, con không đã nặng, còn thêm vài lít nước thả con trong đó cũng nặng không kém, có đến 10 kí lô. Thân thể mẹ bị tàn phá đến tiều tụy, nhiều lúc, mẹ đi không nổi nữa. Đi đâu, ngồi đâu tay mẹ cứ phải nâng bụng dưới lên, đỡ con cho nhẹ bớt. Khi ấy, mẹ chỉ chờ mong con sớm ra đời cho mẹ khoẻ một chút, để mẹ thấy con có nguyên vẹn hình hài hay không, để xem con giống mẹ hay giống bố ….. Thời gian này, tính mạng mẹ có phần nguy hiểm hơn lúc bình thường vì đang nặng nề mang một mầm sống trong thân. Nếu sinh mạng con có hề gì thì sinh mạng của mẹ cũng không bảo đảm vì mạng sống của mẹ và con được liên kết chặt chẽ với nhau qua sợi dây ràng buộc gọi là cái "nhau".

 Khi mẹ đến thời gian lâm bồn thì còn giấy mực nào tả cho hết sự đau đớn này.  

Mẹ có khi phải mất mạng khi sinh con ra đời, nếu con không chịu ra một cách bình thường, mẹ phải vào phòng mổ, bị banh da, xẻ thịt, vì con nằm ngang, con không trút đầu xuống vào những tháng cuối trước khi ra đời, đau quá mẹ chịu không nổi, có khi mẹ rên siết không nguôi trong thời gian dài. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, kinh nghiệm cho những bà mẹ phải "mang nặng, đẻ đau", để được đứa con yêu quí. Có làm mẹ rồi, mới biết thương yêu mẹ hơn lúc nhỏ.

 Con ra đời rồi, mẹ càng cực khổ hơn lúc mang thai gấp bội, mỗi khi con đau yếu, nóng đầu, mọc răng, sổ mủi, đau bang, sưng quai bị, giun sán ……Mẹ cuống quít, đứng ngồi không yên, lo lắng trăm điều. Mẹ không còn ăn diện như ngày xưa nữa, mẹ dành hết thì giờ, tiền bạc lo cho con.

Con còn nhỏ, lo chuyện nhỏ, nào là bú mớm, thay tả, tắm rữa, ru ngủ … Lúc này con ngoan hiền lắm, chỉ biết có ăn rồi ngủ, bịnh chút xíu thì mẹ ẵm đi thăm bác sĩ. Mỗi ngày nhìn con trong nôi, mẹ chờ con lớn lên để thấy con lẫy, bò, bập bẹ nói tiếng "mẹ, mẹ … bố, bố …".

Con lớn dần, bắt đầu lẫy, bò, sờ mó lung tung … Mẹ thả con trong nhà, con bò đi khắp nhà, mẹ lại sợ con đụng đầu, chụp cái này, kéo cái kia nguy hiểm, mẹ chờ cho con biết đi thì mẹ khoẻ một chút. 

Khi con bắt đầu bước những bước đi đầu tiên trong đời là những ngày mẹ mừng vui nhất, cũng bắt đầu lo con bị ngã khi đi chưa vững, rồi con biết nói, biết nghe, hiểu mẹ nói gì. Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương mẹ, con bặp bẹ nói theo giọng miền đất mẹ lớn lên, con đi được, mẹ mừng, nhưng cũng buồn vì từ đây, mẹ không còn luôn được ôm sát con vào lòng. Con đã lớn, sẽ đi theo ý thích của nó, mẹ dắt con đi, nhiều lúc, con rẽ bước theo ngoại cảnh … Mẹ sẽ chờ con lớn để mẹ đưa con đến trường học, con sẽ biết đọc, biết viết … mẹ mỉm cười sung sướng …

 Con đã lớn, cắp sách đến trường, ngày đầu tiên, con sợ hãi khóc sướt mướt vì lần đầu xa mẹ, con vào lớp với cô giáo, mẹ ra về, nhà cửa vắng hẳn bóng dáng, tiếng nói của con … mẹ bậc khóc vì con đã lớn. Mẹ chờ nghe tiếng con bập bẹ đánh vần  ê  a khi mới vỡ lòng, con đọc như vẹt cốt sao cho thuộc bài ....

“Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong buồng (nguồn) chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Không hiểu nơi đây, học trò Việt Nam có được học  và nhớ làu làu những câu ấy như ngày xưa ở quê nhà không nhỉ ?

Ngày ngày, vào buổi chiều, mẹ vui lên, nhìn đồng hồ chờ đến giờ đón con.

 Nguôi ngoai được ít lâu, con đã quen xa mẹ, mẹ cũng quen dần xa con … khi xa nhau trong thời gian ngắn. Con học xong trường Tiểu học, lên Trung học, con không muốn mẹ chờ để đưa đón con nữa, con nay đã lớn, có bạn bè, thỉnh thoảng tan học đi chơi, mẹ đừng có chờ con nữa, mẹ nhé. Mẹ bỗng chơi vơi, hụt hẫng vì con bây giờ không còn theo mẹ, níu áo mẹ, chạy vào lòng ôm mẹ nữa, con đã thấy mắc cỡ khi làm chuyện này … nước mắt mẹ âm thầm chảy xuống … hờn tủi, cô đơn …

 Con đi học, mẹ lại phải lo nhiều chuyện khác, lo cho con đi học thêm cho giỏi, lo tương lai cho con, lo sợ bị người ta dụ dổ, bắt cóc, bị tai nạn khi con đi chơi với bè bạn,  lo đau ốm, lo con bị bè bạn cho xài ma túy, xúi dục bán thứ này, lo đủ thứ …

Mẹ cứ chờ con đi học về sớm mỗi ngày là mẹ yên tâm, con của mẹ đã lớn, mẹ có nói gì con không ưng thì cãi lại mẹ, vào phòng đóng cửa là xong … Con đã đến tuổi dậy thì, tính tình khó chịu, hay gắt gỏng, con không cần tình thương 'lẩm cẩm' này.

 Mẹ chấp nhận chờ con đổi tính khi khôn lớn, chờ con nên người có gia đình, có cháu cho mẹ bồng, chờ con cho mẹ một chỗ nương tựa lúc tuổi xế bóng.

Rồi con đến tuổi trưởng thành, tuổi cặp kê, biết yêu thương, đua đòi, mẹ lại lo cách khác. Nếu con thoả mản những ước vọng, chạy theo tình ái, công danh sự nghiệp bỏ bê mẹ, mẹ lại buồn tủi, cô đơn. Mẹ vẫn chờ con sẽ nhớ mẹ những lúc sầu muộn, về thăm mẹ kể lể, tâm sự. Nếu con không thành công trong đời, trở nên gàn dở, bất đắc chí, thất tình, mẹ lại lo âu cách khác, mẹ thương con, không muốn con mình khổ. Mẹ đi đến chốn linh thiêng, cầu xin cho con mình được thành người hữu ích. Cầu xin xong, mẹ lại chờ phép lạ ban xuống con mình …

Đằng nào thì mẹ cũng lo, mẹ đã đóng khung con trong trái tim mẹ vì mẹ đã mang con trong bụng mẹ quá lâu rồi, mẹ chỉ muốn con nghe lời mẹ và làm con của mẹ, không thuộc về ai, đừng hắc hủi mẹ khi mẹ về già ….mẹ sẽ chờ con.

 Có những bà mẹ ở quê nhà, khi con cháu bỏ đi hết đã mất trí và mòn mỏi chờ con cháu về thăm nhưng không thấy, tuyệt vọng đến phát điên loạn, bà đã ra đi trong nghiệp chờ con.

 Mẹ ở nước ngoài đã cam chịu theo môi trường hơn mẹ còn ở Việt Nam. Ở ngoại quốc, đời sống người Việt  ít nhiều bị Tây Phương hoá theo môi trường nên con ít gần gủi với mẹ hơn ở Việt Nam. Hằng ngày, con chỉ gặp bố mẹ vào buổi sáng tinh mơ trước khi đến trường và xế chiều khi ăn cơm. Đó là nếp sống của những gia đình đi làm trong giờ giấc nhất định, chứ có những gia đình, bố mẹ làm việc vào ban chiều tối, con chỉ gặp vào ngày cuối tuần. Ít gặp nhau khiến hai tâm hồn trở nên lạnh lẽo, xa lạ, mẹ con ít có dịp gần gủi, thân mật. Lại thêm một nguyên nhân nữa khiến con xa lạ với  mẹ, đó là con có phòng riêng khi còn nhỏ. Một số bà mẹ theo lối sống nơi đây, cho con mình nằm riêng một phòng từ khi còn nhỏ, con từ nhỏ đã thiếu hơi ấm mẹ hiền khi ngủ, làm sao phát triển tình yêu dành cho mẹ bằng đứa trẻ được ngủ chung giường với mẹ từ thuở mới lọt lòng cho đến vài tuổi .

Nhưng rồi, dù ngủ chung hay riêng với mẹ, sống ở xã hội này, chúng nó lớn lên sẽ có đời sống riêng tư của chúng, dần quên mất nguồn tình yêu dồi dào, bất tận của mẹ để chạy theo thứ tình yêu khác thích thú, đam mê, hợp thời và … nguy hiểm hơn.

 Chiều đến, khi tan học về, các con đã về nhà đông đủ, đấy là giờ phút mẹ mong chờ, sung sướng nhất trong ngày, các con tíu tít như đàn chim non, không khí trong nhà sinh động hẳn lên với những tiếng nói, tiếng cười âm vang cả từng góc nhà. Các con đói bụng nên chuyện đầu tiên là vào bếp kiếm ăn, mẹ đang nấu cơm trong bếp, vui mừng nhìn từng đứa một mở tủ lạnh, tủ đồ ăn khô, bốc cái này, cái nọ để bỏ bụng, có khi mang cả thức ăn vào phòng để vừa làm bài, vừa ăn, hay ra phòng gia đình xem TV. Đó là khung cảnh một gia đình chỉ có bố đi làm nuôi cả gia đình,

Mẹ ở nhà lo cho các con đi học xong, về nhà dọn dẹp, giặt giủ, đi chợ, nấu nướng. Xong công việc, mẹ chỉ ngồi chờ các con đi học về hay chờ đến giờ đón con ở trường học, hồ bơi, sân thể thao …   

 Nếu mẹ đi làm thì mẹ lại càng cực hơn, nên mẹ ít chờ con hơn, tan sở, mẹ đón con ở trường về, có khi tạc vào siêu thị mua vội chút thức ăn cho bữa chiều nếu nhà thiếu thức ăn. Về nhà, mẹ lao vào bếp vo gạo, nấu liền nồi cơm cho sớm, rồi mới làm thức ăn, lo soạn giỏ cho con, giặt giủ, tắm rữa cho con, khi con còn bé.

Con lớn  lên đi học, mẹ lại hò hét con đi làm bài, học bài, tắm rữa mỗi khi con quá mê xem truyền hình hoặc nói chuyện dóc với bạn qua điện thoại.

Chức năng của mẹ thật cao cả, làm không biết mệt, làm không nghỉ ngơi, làm đủ điều cho con, cả đời tận tụy, hy sinh cho con, chờ con.    

  Vào mỗi buổi tối, ăn cơm xong, các con phụ mẹ dọn dẹp sạch sẽ rồi lại rút lui vào phòng đóng chặt cửa lại. Đứa làm bài, đứa nghe nhạc, đứa ôm điện thoại nói dóc với bạn bè,  mặc cho mẹ ngồi đấy, nơi phòng chơi, trước cái TV đang chạy, mẹ muốn có một vài đứa ngồi cạnh mẹ, chỉ ngồi cạnh thôi, chẳng cần nói năng chi cả,  miễn sao có sự hiện diện của con bên mẹ là mẹ vui rồi ….  nhưng chẳng có đứa nào chịu như thế cả, chúng đã lớn hết rồi, ngay cả thằng bé con mới lên sáu tuổi cũng quên mẹ,  nó còn mãi chơi "Game",  nó chỉ biết vòi mẹ khi buồn ngủ, đói bụng và đau ốm. Mẹ vẫn ngồi đấy đều đặn vào mỗi đêm, âm thầm, cô đơn, lạnh lẽo, ở cùng trong nhà cơ mà, nhưng chỉ cách nhau có một bức tường thôi, mà đã thành hai thế giới riêng biệt, nhưng chúng vẫn ở đó, vẫn là con của mẹ để mẹ gặp chúng, chờ chúng thỉnh thoảng ra khỏi phòng uống nước, ăn vặt …

Mỗi ngày vào bữa cơm chiều, mẹ không đủ can đảm để chờ nghĩ đến ngày chúng trưởng thành, sẽ ra đi như chim rời tổ ấm.

 Thế rồi …. sau bao năm, con của mẹ đã đủ lông, đủ cánh, con của mẹ đã nên người, con đã  'công thành, danh toại'.  Mẹ chỉ mong có thế, bao công lao mẹ bù đắp cho con, mẹ chỉ chờ thấy con thành công, nên người. Mẹ đã vui mừng khi con học xong tú tài vào đại học, thì sung sướng, hãnh diện hơn nữa khi dự lễ tốt nghiệp của con ở trường Đại Học.

Vui chưa được bao lâu thì mẹ lại khóc khi con có công ăn việc làm ở nơi khác phải dọn đi xa, nước mắt mẹ lại nhỏ xuống âm thầm, lặng lẽ, lo lắng cho con ở phương xa có an ổn hay không, nhưng mẹ lại không muốn cho con biết điều này vì con sẽ buồn lo hơn. Có khi con sẽ trách mẹ vì mẹ cứ  hay lo lắng vu vơ, vô ích, cứ  xem con như   khi còn bé thơ, mẹ đã quên là con đã lớn. Mẹ sẽ chờ con điện thoại về nhà thăm mẹ hằng đêm, hằng tuần. Nếu con bận, không kịp gọi thăm mẹ, mẹ cứ thắc mắc chờ, để rồi hờn dỗi vô cớ. Nếu con học ra trường, không có việc làm, con buồn lo, mẹ cũng buồn, lo lắng theo con, mắc cở với bạn bè. Con vẫn còn ở nhà với mẹ, mẹ còn niềm hy vọng chờ con có việc làm.

 Ở nhà với cha mẹ một thời gian, con phải dọn ra riêng vì lý do nào đó. Như có việc làm, lập gia đình, tự do, đi học xa, mẹ lại buồn. Mẹ buồn vì nhà dần dà trống vắng, hết đứa nọ ra đi đến đưá kia dọn ra, mẹ nhìn phòng mấy đứa nhỏ, nay đã trống vắng, im bặt suốt ngày đêm, mẹ không còn bận bịu nghĩ ngợi món ăn để nấu cho mấy đứa con nữa …

 Bây giờ, sao nhà êm đềm quá, chỉ còn có hai ông bà già rảnh rỗi ngồi lặng lẽ nhìn nhau chờ chúng nó thỉnh thoảng điện thoại, hay ghé thăm ông bà già ….Không có chuyện gì làm,  mẹ suy nghĩ bâng bơ, rồi chợt nghĩ … không biết giờ này tụi nó làm gì nữa. Có tụi nó ở nhà, tuy ồn ào, bừa bãi, chật chội, cãi nhau suốt ngày, tuy cực, vậy mà vui … sao giờ nhàrộng ra, thênh thang quá, trống trãi đến phát sợ, yên tĩnh đến rùng mình ….

 Sau một thời gian dài, mẹ đã quen với sự trống vắng này nên không còn chờ đợi con về mỗi ngày nữa. Mẹ bắt đầu chờ con về chơi mỗi tuần. Cuối tuần, chúng nó phải ẵm con cái về thăm "già này" chứ, chúng nó ở gần đây mà….

Tội cho ông bà, cả tuần lể, đâu có làm gì, chỉ chờ đến ngày thứ bảy, chủ nhật để gặp con cháu cho vui nhà. Nhiều lúc, con cháu bận không đến, ông bà buồn lắm, có cảm tưởng như mình già, bị bỏ rơi.

 Có một bác đã nói thật cảm động với đạo tràng "Bát Quan Trai Giới" rằng:

"Chúng tôi không cần chúng nó phải ở hết nguyên ngày với chúng tôi, chỉ cần chúng nó tạt ngang, ghé thăm chúng tôi dăm ba phút là cũng ấm lòng già này rồi"

 Mẹ của một chú tiểu, tu trong chùa đã khóc ròng khi chú xuất gia. Bà thấy nhà cửa trống vắng quá sức, bà không còn chờ chú về mỗi ngày nữa, tuy chú phá phách nhất nhà, nhưng chú vẫn là con của bà, bao nhiêu tình yêu dành cho chú, vậy mà chú lại bỏ bà để đi tu. Thấy mẹ buồn và khóc mãi … chú nói một câu làm bà tỉnh ngộ luôn từ đấy :

"Con đâu có đi đâu mất đâu để mẹ buồn … chẳng qua giống như con thay đổi chỗ ở, dọn nhà vậy thôi mà … khi nào mẹ nhớ con, mẹ cứ vào chùa thăm con, là mẹ thấy con ngay"

 Bây giờ, bà chỉ chờ đến chiều vào chùa thổi cơm hầu Hoà Thượng, chờ chú đi học về dùng cơm với ông bà.  Ngày xưa, ở nhà chú có làm gì đâu, bà cưng chú, lo cho chú đủ thứ, giờ đây, ở chùa, chú cực quá nhưng chú lại vui, bà chỉ lo phần nào cho chú thôi, chứ bà đâu thể gánh hết công việc cho chú như ở nhà.

 Buồn thay, có những bà mẹ có con đi làm xa ở nước ngoài hay tiểu bang khác, mẹ phải chờ  đến cuối năm hay … vài năm mới gặp lại con mình trong vài tuần nghỉ phép. Vất vả như  thế đấy, những bà mẹ Việt  Nam ly hương.

 Còn những bà mẹ Việt Nam thời xa xưa, cam chịu phận mình cực khổ, buôn bán tảo tần, đã nuôi con ăn học, lại phải nuôi chồng, chờ mong con ăn học nên người, nên thân thể mẹ càng ngày càng eo sèo, gầy yếu bởi vì

“Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân Cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước lúc đò đông”

Một mình mẹ có thể  chắt chiu nuôi nổi năm con, chứ năm con chưa chắc gì đã nuôi được một bà mẹ già.

 Con cũng biết mong mỏi chờ mẹ đấy chứ. Những đứa bé, khi bị bỏ vào nhà trẻ để mẹ chúng còn đi làm. Chiều chiều, chúng cứ đứng nhìn mông lung ra cửa chờ bóng dáng mẹ về. Có việc vui buồn, chúng cũng chờ mẹ đi đâu về mà quấn quít bên mẹ tâm sự, kể lể. Đẹp nhất là hình ảnh bé thơ ở quê nhà, hay ra đầu ngõ chờ mẹ đi chợ về để vòi quà, bánh …Con cũng mong chờ mẹ đủ điều như mẹ chờ con vậy.

 Thời chinh chiến ở Việt Nam, trãi qua bao năm làm cho tâm hồn mẹ đôi lúc phải khổ nhục, cằn cổi khi chồng chết, chồng bỏ, mẹ không sao nuôi con nổi. Mẹ không đành đoạn nhìn con thiếu thốn, vì muốn cho con được đầy đủ với người ta, mẹ đành đoạn hy sinh thân, danh dự  mình để có tiền lo cho con, nhưng mẹ không muốn con bị mang tiếng, rủi có chuyện gì xảy ra, trong khi con vẫn thơ ngây chờ mẹ ở nhà.

“Con mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có sáo xin sáo nước trong
Đừng sáo nước đục đau lòng Cò con” 

Cho dù  có bị thân bại, danh liệt đi nữa, mẹ cũng một lòng nghĩ đến con, xin người đời buông tha cho con mẹ vô tội, đừng để con mẹ phải mang tiếng nhơ như mẹ vậy.

 “Ngày xưa, có một anh nọ sống với mẹ nhưng lại muốn đi tìm Bụt để tu. Anh đi dò hỏi nhiều nơi nhưng mỗi người chỉ anh tìm Bụt một nơi nên anh không biết đâu mà tìm. Bổng một hôm, ý chí quyết liệt, anh quyết định bỏ nhà và mẹ già ở lại để đi tìm Bụt, mẹ anh khóc hết nước mắt, năn nỉ mãi anh cũng không thay đổi. Anh quảy gánh ra đi, gặp ai, anh cũng hỏi và không ai biết Bụt ở đâu để chỉ anh ... Thấm thoát ...Anh đi đã lâu, thực phẩm mang theo đã cạn, anh cứ đi mãi và phải xin ăn dọc đường.  Nhiều lúc, nản quá, anh muốn quay về nhưng lại mắc cở với làng xóm, rồi anh lại cứ đi ... Bổng nhiên, anh gặp một vị Sư già, râu tóc bạc phơ, anh tưởng là bụt nên quá mừng rở chạy đến xin qui y. Ngài nói Ngài không phải là Bụt đâu, nhưng Ngài biết Bụt ở đâu để chỉ anh. Ngài khuyên anh hãy quay về nhà, thấy ai mang guốc lộn hai chân là Bụt ấy. Mừng quýnh, anh lễ tạ vị Sư già rối hối hả quay về nhà. Khi đến nhà, trời đã khuya, anh gõ cửa gọi mẹ. Bà cụ, mẹ anh ... đã và đang mòn mỏi chờ  anh về hằng ngày, hằng đêm, nghe giọng con mình gọi ..bà mình quýnh, hối hả bước xuống giường, mau mau quơ đại đôi guốc mộc dưới gầm. Vì trời tối, trong nhà thắp đèn dầu lù mù, già cả, mừng rở, bà không thấy rõ nên guốc trái, bà xỏ vào chân phải, guốc phải, bà xỏ vào chân trái chạy ra mở cửa đón anh ...Thấy mẹ mở cửa, anh mừng rở, chạy đến ôm mẹ, nhìn xuống đất, anh chợt thấy đôi guốc trong chân mẹ già ..........”    

 Ở nước ngoài, vật chất đã làm tình mẹ con bớt linh thiêng ngay cả đối với dân Mít ta. Có những bà mẹ, vì quá mê cờ bạc, đen đỏ, đi sòng bài, bỏ đứa con vài tháng trong xe hơi dưới nhiệt độ nóng trên 30 độ. Có bé được người đi đường thấy và kêu cảnh sát cứu cấp. Có bé đã qua đời vì  trời nóng, trong xe lại càng nóng hơn  bên ngoài nên cơ thể  bé bị mất nước hay bé bị ngộp thở.

Có những bà mẹ trẻ, bỏ chồng,  theo tình nhân, nhẫn tâm bỏ con lại cho chồng nuôi. Có khi mang con theo nhưng lại bỏ bê con, hoặc là tàn ác để tình nhân hành hạ con mình như bỏ đói, giam đứa nhỏ trong hộp cạc tông, chít thuốc lá vào người cho phỏng, hay tệ hơn nữa là đánh đập đứa bé đến chết. Tình trạng thê thảm như thế xảy ra hằng ngày trên đài tryền thanh, truyền hình, trên báo.  Có những cha mẹ đã giết luôn mấy đứa con một lúc vì dành giữ con, vì gia đình tan vỡ, ly dị.

Những đứa bé thiếu tình thương, bị hành hạ như thế, khi lớn sẽ trở nên hung dữ, tàn bạo như  đã bị hành hạ thuở ấu thơ, hay chán đời, tuyệt vọng đi đến tự sát.

 Phong tục, tập quán nơi đây cũng lạ, hể con đến tuổi trưởng thành là bố mẹ 'mời' ra khỏi nhà liền để tránh tình trạng bị con 'ăn bám'. Cho nên, khi bố mẹ già, con cái cũng 'tự động' đưa bố mẹ vào nhà dưởng lão cho rãnh nợ đời, phủi tay cho nhẹ.

Có đứa còn giết cả bố lẫn mẹ, da trắng, da màu đều đủ cả, giết vì nã tiền không được, giết vì hận thù tuổi thơ, giết vì bị bịnh tâm thần…. Giết vì nhiều lý do, giết dã man, giết tàn nhẩn, hay giết nhẹ nhàng, tùy theo hoàn cảnh, tâm tư lúc giết.

Có những đứa con, rời mẹ ra ngoại quốc làm ăn rồi không liên lạc, không trở về thăm mẹ nữa. Mẹ cũng chẳng chờ mong, cần biết con mình giờ ở đâu, đang làm gì, sống chết ra sao. Bà có đời sống riêng tư của bà, bà không thích con cái quấy rầy bà. Không hiểu nổi, tại sao mẹ con lại có thể đối xử với nhau tệ bạc đến thế? 

Loài vật còn biết thương con nữa … huống hồ gì loài người …từ những con chim bé nhỏ đến những con voi khổng lồ ...Đối với loài người, vì đời sống ích kỷ, xa hoa, vật chất ở nước gọi là "văn minh" đã làm mờ con mắt người phàm hơn tình yêu thương gia đình, quyến thuộc.   Khi chuyện đã đến nước này rồi, tình yêu giữa mẹ và con đã mất mát quá nhiều, còn gì nữa đâu để mà chờ nhau.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/049-mevancho.htm

 


Cập nhật: 24-8-2001

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang