Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nguyên lý Mẹ trong tín ngưỡng và văn hoá Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà lễ Vu-lan trở thành lễ hội Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam. Vu-lan-bồn (Ullambàna) với ý nghĩa cứu cái tội khổ ở địa ngục khó chịu như bị treo ngược (Cứu đảo huyền) đã được thực tế hóa thành một Mother day của Việt Nam. Nếu quan sát dưới góc độ văn hóa, hẳn sự kiện này sẽ cho ta vài cái nhìn thú vị.

Trung Hoa cũng là một dân tộc có truyền thống  hiếu để lâu đời và đậm nét. Nhưng người Trung Hoa thực tế hơn, cụ thể hơn, nên khi quan niệm hiếu của Phật giáo Ấn Độ truyền sang, người Trung Hoa đón nhận một cách miễn cưỡng. Nghĩa là họ cũng duy trì quan niệm cực đoan của Nhị thập tứ hiếu, còn nói theo kiểu “Vai cõng cha, vai cõng mẹ, đi khắp năm châu bốn biển vẫn chưa gọi là hiếu…”, họ đón nhận nhưng vẫn dè chừng. Khi Phật giáo truyền sang Việt Nam, người Việt đã tiếp nhận khái niệm hiếu của Phật giáo rất bén nhạy. Rất nhiều truyền tích hiếu để trong giới Phật tử từ ngàn xưa đã chứng minh điều đó. Rất nhiều người nhầm lẫn khi trích dẫn những tục ngữ ca dao có ý nghĩa trái ngược rồi cho rằng đó là Phật giáo, đại loại như: “Phật trong nhà không thờ đi thờ Thích-ca ngoài đường”, hay “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu” v.v… Thực ra, tư tưởng đó chỉ mới xuất phát từ thời Hậu Lê về sau, tức thời đại mà Nho giáo độc tôn ở Việt Nam, đó chỉ là một sự phản kháng một cách có ý thức của từng lớp Nho sĩ trí thức đương thời vốn thiên nặng về thực tiễn. Còn tâm hồn Việt thực sự thì lại rất dung hòa, rất nhạy cảm, đã triển khai khái niệm hiếu của Phật giáo như một tín ngưỡng, một truyền thống văn hóa, ngay cả trong thời đại khoa học cực kỳ phát triển như hiện nay.

Cái gì đã làm nền tảng để tâm hồn Việt hài hòa với quan niệm Phật giáo như thế? Chúng ta sẽ tìm hiểu chúng qua văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc.

1. Nguyên lý mẹ trong văn hóa Việt Nam :

Nguyên lý mẹ, đó là một cách nói hoàn toàn Việt Nam, dẫu trong đó đã dùng hai chữ của Trung Hoa. Nguyên lý mẹ chính là cái mà Đạo Đức Kinh gọi là Huyền tẩn(1). Lão Tử, xét cho cùng, đó là một nhân vật phương Nam. Tư tưởng của Lão xuất phát từ một nền văn hóa nông nghiệp lâu đời. Nền văn hóa này sùng bái sự sinh sôi nẩy nở của tự nhiên và con người. Việc duy trì và phát triển là một nhu cầu thiết yếu của văn hóa nông nghiệp, văn hóa lúa nước. Người ta cần mùa màng tươi tốt để duy trì cuộc sống và con người phải sinh sôi nẩy nở để tồn tại phát triển, từ đó phát sinh tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều, thực: nẩy nở). Tín ngưỡng này đã phát triển tồn tại suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Ở thời đại sơ khai, tín ngưỡng này biểu hiện như một hình thức tôn giáo nguyên thủy, đối tượng thờ phượng là sinh thực khí hoặc bản thân hành vi giao phối. Điều này đã được khoa khảo cổ học chứng minh qua rất nhiều hiện vật và còn sót lại cho đến ngày nay. Thậm chí đến thế kỷ thứ tư vẫn còn mà ngày nay ta thấy rõ ràng qua các hình tượng Linga và Yoni như ở quần thể Tháp Chàm Mỹ Sơn, Quảng Nam chẳng hạn. Nhưng có một điều lưu ý là người Việt chính thống đã từ giã cách thờ sinh thực khí từ rất lâu. Tín ngưỡng phồn thực kết hợp với triết lý âm dương đã đạt đến một trình độ nhuần nhuyễn và có tính thẩm mỹ cao. Có lẽ là do định kiến, các nhà văn hóa học sau này vẫn cứ nhìn những biểu tượng triết lý đặc thù của dân tộc như những phiên bản của Linga và Yoni, đó là cái nhìn bệnh hoạn. Thậm chí kiến trúc Chùa Một Cột nằm trong cái ao vuông, một kiến trúc đời Lý, đài Nghiên tháp Bút ở cổng đền Ngọc Sơn, hay cửa sổ tròn trên Khuê Văn Các soi mình xuống hồ vuông Thiên Quang Tỉnh trong Văn Miếu cũng đều bị xem như biểu tượng của những sinh thực khí thì thật là bệnh hoạn.

Căn bệnh thứ hai của một số nhà nghiên cứu sau này là  cái gì cũng quy về Trung Hoa. Thực ra có rất nhiều khái niệm triết lý là sản phẩm của chính người Việt Nam mà Trung Hoa chỉ vay mượn và tạo thành hệ thống hẳn hòi. Khái niệm Âm dương là một ví dụ. Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã chứng minh tư tưởng âm dương là sản phẩm của dân Nam Á - Bách Việt cổ đại: “Chữ Âm dương (Yin-yang trong tiếng Hán) đã bắt nguồn từ Ina - yang của tiếng Đông Nam Á cổ đại với nghĩa gốc là mẹ (cha) - đất (trời)”. (TÌM VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM, NXB TP. HCM, Tr. 122). Âm là đất và dương là trời (Các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày nay còn gọi trời là Giàng). Tính cách quân bình âm dương trở thành một nguyên tắc của người Việt và có mặt khắp mọi lãnh vực. Trong âm có dương và trong dương có âm. Chính vì thế phong cách của người Việt là lối sống dung hòa, có khả năng thích nghi cao độ, linh hoạt và lạc quan. Tuy nhiên sự quân bình âm dương không phải là tuyệt đối mà có phần thiên về âm tính. Phần âm luôn luôn lấn át phần dương, đi trước và nhỉnh hơn phần dương một tí. Khái niệm vuông tròn là một ví dụ điển hình. Vuông tượng trưng cho âm, tròn tượng trưng cho dương. Người ta nói vuông tròn chứ ít khi nói tròn vuông. Truyện Kiều viết:

Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Đồng tiền cổ Việt Nam luôn có lỗ vuông ở giữa hình tròn, sự tích bánh chưng bánh dày (trời tròn đất vuông), các kiến trúc kiểu mẫu Việt Nam như chùa Một Cột v.v…, tất cả đã kết hợp nhuần nhuyễn triết lý âm dương này. Âm luôn làm nền cho dương được phát triển, chính vì thế âm tính trở thành nền tảng tư duy của dân tộc Việt Nam. Chúng ta sẽ xét ảnh hưởng của triết lý ấy trong toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần  của người Việt Nam.

Về ngôn ngữ, trong một số ngôn ngữ thế giới, mạo từ (Article) đứng trước một số danh từ biểu hiện giống (đực, cái) của danh từ đó. Trong tiếng Việt, hầu hết danh từ đều có mạo từ  “con” “cái”. Nhiều danh từ chẳng hề có giới tính vẫn được gán chữ “cái”  ở trước: cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái cửa… Ngoài mạo từ, chữ “cái” còn được dùng như một tính từ để chỉ những gì có vẻ lớn, quan trọng, chính, trung tâm, như con sông lớn gọi là sông cái, đường lớn gọi là đường cái, cửa lớn gọi là cửa cái(1). Trong một trò chơi, người làm chủ gọi là người cầm cái, trong một tô canh phần xác gọi là phần cái, đối lại với nước. Ngoài chữ “cái” còn có những chữ liên quan đến nữ tính như chữ “mẹ”, chữ “bà”. Con bướm to thì gọi là bướm bà, cặp đồ vật một lớn một nhỏ thì cái lớn gọi là mẹ, cái nhỏ gọi là con (chứ không gọi cha con), ngay cả đồ vật hiện tại như điện thoại cũng có từ điện thoại mẹ bồng con v.v… Tóm lại tín ngưỡng phồn thực đã ăn sâu vào ngôn ngữ tiếng Viẹât một cách phổ cập chứ không phải chỉ là những dấu vết còn sót lại, vì thế rất dễ dàng tìm thấy trong mọi lĩnh vực ngôn ngữ thời đại. Sự sản sinh ra các loại hình nghệ thuật, nghề nghiệp, phần nhiều vẫn do phụ nữ đảm nhiệm. Nghề ươm tơ dệt vải là một nghề truyền thống lâu đời nhất ở Việt Nam, có thể có cùng lúc với nghề cấy lúa. Tổ tiên của nghề này cũng là một người phụ nữ. Ngay cả nghề mộc cũng do một người nữ chỉ dạy. Việc làm nhà do nữ thần mộc dạy cho. Tương truyền có một bà lão trà trộn trong dân gian. Một hôm mọi người ra bờ suối tắm, bà thần chỉ một cây dứa dại, bứt một lá dứa gai cứa vào chân rách da, hai anh em Lộ Ban và Lộ Bộc tinh ý bắt chước làm ra cái cưa xẻ cây, hôm khác bà đứng thẳng chống hai tay vào hông, hai anh em Lộ Ban theo đó mà chế ra kiểu nhà đầu tiên của người Việt Nam có một cột chính giữa, hai đầu kèo hai bên, gọi là nhà chữ đinh. Bà thần còn dạy cách làm thuyền, bà nằm ngửa cong người lên, hai anh em Lộ Ban học theo lấy gỗ đục thành thân ghe v.v…

Về nghệ thuật sâu khấu, hát quan họ được xem như đặc trưng của Việt Nam và có truyền thống lâu đời hơn hát bộ miền Trung và cải lương miền Nam. Người sản sinh ra hát quan họ, dù có nhiều truyền thuyết nhưng chung nhất vẫn là phụ nữ.

Chuyện kể rằng, lúc chúa Trịnh đi kinh lý trên đường có một cô gái hái củi trên núi Chè cất tiếng hát:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang,

Bao nhiêu cây cỏ lai hàng theo ta!

Chúa Trịnh cảm phục người đẹp có khí phách anh hùng bèn lấy làm vợ, gọi là bà chúa Chè (tức bà Đặng Thị Huệ). Câu hát hay làm cho quan phải dừng lại (họ) nên gọi là quan họ. Các chuyện về truyền thuyết này còn được nhiều vùng kể lại nhưng thời gian được đẩy tới trước  rất xa, tận thời Lý Công Uẩn, và hầu hết đều cho rằng do vua bà sinh ra quan họ. Như trên là truyền thuyết, các nhân vật lịch sử là phụ nữ Việt Nam cũng rất nhiều người được tôn sùng. Người phụ nữ đầu tiên dựng cờ khởi nghĩa chống giặc là Trưng Trắc, Trưng Nhị. Sau đó là Triệu Thị Trinh. Các nhân vật này đều được xưng là vua bà. Đời Trần có Ỷ Lan phu nhân được xem như một nhân vật nữ được ưa chuộng nhất. Bùi Thị Xuân, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, tên tuổi của họ cũng đứng ngang hàng với các đấng mày râu trong văn học sử. Thậm chí về giai thoại còn có nhiều điều lấn át cả đàn ông. Khi ý thức hệ Trung Hoa trở thành chủ nghĩa độc tôn ở Việt Nam, từ thời Lê về sau, xem phụ nữ chỉ là kẻ yếu hèn thì bị ngay một sự phản kháng mãnh liệt trong dân gian:

“Ba đồng một mớ đàn ông,

Mua về bỏ vô lồng cho kiến nó tha

Ba trăm một mụ đàn bà

Mua về mà trải chiếu hoa cho mụ ngồi!”

Hay: “Mười người đàn ông không bằng cái mông một người đàn bà…”

Tục ngữ ca dao không thể tồn tại nếu tư tưởng đó không được chấp nhận, cho nên tính chất âm lấn lướt dương trong văn hóa Việt Nam là vô cùng rõ nét.

Để hiểu thêm về nguyên lý trọng âm của dân tộc Việt, ta thử khảo sát về tín ngưỡng của dân tộc như thế nào. Từ đó ta sẽ mở một lối để tìm hiểu về quan niệm của Phật giáo về vấn đề này.

2. Nguyên lý mẹ trong tín ngưỡng dân gian :

Tách tín ngưỡng ra ngoài văn hóa là để cho rộng đường suy luận, chứ thực ra tín ngưỡng là một hình thức văn hóa, thậm chí còn là hình thức biểu hiện văn hóa rõ nét nhất. Có lẽ ít có một dân tộc nào có đối tượng tín ngưỡng là phụ nữ nhiều như ở Việt Nam. Đi suốt từ Bắc chí Nam, gần như ở địa phương nào cũng có một đền thờ Bà hoặc Cô. Đầu tiên phải kể đến hệ thống Tứ Pháp ở miền Bắc thờ Bà Pháp Vân, Pháp Vũ. Pháp Lôi, Pháp Điện. Sau đó là Cửu Thiên Huyền Nữ, đến Bà Chúa Liễu Hạnh, Diêu Trì Thánh Mẫu, Bà Chúa Ba, Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn, Bà Đá, Bà Đanh. Ở Nha Trang người ta thờ Bà Thiên Yana, ở Sài Gòn người ta thờ Ngũ hành Nương Nương, rồi Bà Đen ở Tây Ninh, Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc… Đâu đâu chúng ta cũng thấy các Bà, các Bà ở đây đều là những biểu tượng linh thiêng nên không phải là những cô gái trẻ đẹp mà đều là những người lớn tuổi, quyền uy, có năng lực làm cho mùa màng tươi tốt, giúp cho các gia đình con đàn cháu đống, hay ban cho những đứa con hiếm muộn. Đối với một nền văn hóa nông nghiệp thuần túy, hiện tượng này cũng dễ hiểu. Đối với ngư nghiệp thì người ta cũng có một đối tượng tôn thờ, như ở Long Hải có Dinh Cô hàng năm lễ hội cũng rất đông. Tôi đã từng đến tận phủ Tây Hồ (Hà Nội) để xem người ta cúng bái Bà Chúa Liễu, hay đã từng chứng kiến các lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc. Có đến tận những nơi này mới thấy được hết những tín ngưỡng của người dân đối với các Bà lớn lao như thế nào. Từ cảm nhận đó ta thử tìm hiểu các bà trên ban cho những ước muốn nào mà người dân lại tôn thờ như vậy.

Thật ra, người Việt Nam xem tất cả các thần linh là các bà, khuynh hướng đề cao nữ tính ấy hoàn toàn phù hợp với nền văn minh nông nghiệp sau khi đã kết hợp nhuần nhuyễn thuyết âm dương. Ở buổi sơ khai ta gặp hàng loạt những nữ thần: Bà Trời, Mẹ Đất, Bà Phong, Bà Hỏa, Mây Mưa, Sấm Sét, Tam phủ, Tứ phủ, mười hai bà mụ v.v… Giai đoạn thứ hai các bà đã có một vị trí linh thiêng trong lòng người dân, tất cả đều xem các bà như mẹ, đến nỗi có người đã nâng tín ngưỡng này lên thành tôn giáo và gọi là Đạo Mẫu. Từ nền tảng này bất kỳ một tín ngưỡng ngoại nhập nào vào đến Việt Nam đều được bản địa hóa và thành tín ngưỡng Việt Nam. Bồ-tát Quán Thế Âm trở thành Phật Bà cũng từ lý do đó. Trái lại đôi khi những nhân vật lịch sử sau khi chết đi, có một vài biểu hiện linh ứng cũng được dân gian nâng lên hàng Quán Âm Bồ-tát. Ta hãy xét hai nhân vật biểu trưng cho hai khuynh hướng này. Đó là Bà Chúa Liễu Hạnh và Bà Chúa Ba.

Liễu Hạnh vốn là con gái quê ở làng Vân Cát (Vụ Bản, Hà Nam). Truyền thuyết nói rằng bà là công chúa con trời đã từ bỏ cuộc sống thiên đàng, xin vua cha cho xuống trần để sống đời bình dị với khát vọng tự do, hạnh phúc. Bà sinh năm 1557, tức đúng vào thời Lê, thời đại Nho giáo độc tôn. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, vì thời ấy vai trò người phụ nữ Việt Nam bị xâm phạm nghiêm trọng. Sự phản kháng của Liễu Hạnh khiến nhà vua (đại diện cho thế lực Nho giáo cầm quyền) phải lùi bước trước Phật Bà đại diện của Phật giáo quần chúng. Sau khi bà chết dân chúng tôn xưng bà là Thánh Mẫu và gọi một cách dân dã là Bà Chúa Liễu. Từ đó, đền, miếu, phủ thờ Liễu Hạnh mọc lên khắp nơi. Vai trò Thánh Mẫu Liễu Hạnh lớn đến nỗi vào thời Nguyễn, vua Đồng Khánh phải tự nguyện xin làm đệ tử thứ 7 của bà tại điện Hòn Chén, Huế (Theo Trần Ngọc Thêm, sđd, tr. 287)

Khuynh hướng thứ hai, như đã nói trên, là khả năng bản địa hóa tín ngưỡng bên ngoài lãnh thổ, Quán Âm là một vị Bồ-tát Phật giáo với những công hạnh từ bi nhẫn nhục. Khi tín ngưỡng này du nhập Việt Nam, người Việt lại sáng tạo ra một Quán Âm Việt Nam với đầy đủ sự tích tu hành, thành đạo. Đó là Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Phật Bà Chùa Hương (Bà Chúa Ba), Quan Âm Diệu Thiện. Đức nhẫn nhục, một trong sáu Ba-la-mật của Bồ tát đã được người dân Việt Nam đón nhận một cách triệt để, đến nỗi có thể trở thành một công hạnh đặc thù về Quan Âm mà ta có thể chép ngược trở lại vào tam tạng kinh điển Phật giáo mà không có gì quá đáng qua hình ảnh Quan Âm Thị Kính. Đành rằng đó là tín ngưỡng dân gian, nhưng ai dám phủ nhận tính bác học trong khả năng sáng tạo của người Việt? Về sự tích của vị Quán Âm này không chỉ được cô đọng dưới dạng truyền thuyết mà còn được dân gian  soạn thành tuồng, hát quan họ, chèo, cải lương, truyện tranh, kể cả nghệ thuật điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thi ca, đâu đâu cũng thấy nói về Quan Âm, đâu đâu cũng thấy hình tượng Quan Âm, Quan Âm tử trúc, Quan Âm ngàn tay ngàn mắt, Quan Âm đứng, nằm, ngồi, đi trên mây, trên đầu rồng giữa biển, kể cả Quan Âm bán cá v.v… Chữ Quán khó đọc thì đọc Quan, sao cũng được.

3. Nguyên lý mẹ trong tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam :

Tiêu đề trên hoàn toàn phi Phật giáo, Phật giáo không hề nói đến âm dương, không hề có khuynh hướng mẫu hệ. Đó là vấn đề xin được rào đón trước.

Có lần người viết được dịp tham quan gần như khắp các chùa ở miền Bắc, và ngạc nhiên khi thấy rằng tín ngưỡng Tứ pháp không chỉ ở các chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Ô hay! Gần như chùa nào ở miền Bắc cũng đều thờ Tứ pháp, mà theo truyền thuyết, đại diện là Pháp Vân (chùa Dâu), thật ra chỉ là Man nương, một cô gái, đệ tử của Khâu-đa-là. Rồi Man nương với hành tích bị ít nhiều  dị nghị là có thai bởi sư Khâu-đa-là, một dạng “Quỷ phá nhà chay” lại được gọi là Phật Bà Pháp Vân, bà không chỉ đại diện cho những đức tính mà một vị Bồ-tát như Quán Thế Âm cần phải có, bà còn ban mưa mốc cho mùa màng tươi tốt, ban con hiếm muộn cũng như thỏa mãn nhu cầu của người dân. Bà thật tuyệt!

Dân gian có câu:

                                 “Dù ai đi đẩu về đâu

Đến ngày lễ hội chùa Dâu thì về”.

Hình tượng của bà uy nghi đường bệ trong một ngôi chùa nổi tiếng và cổ vào bậc nhất ở Việt Nam. Chùa Pháp Vân tọa lạc ở làng Dâu vốn là trung tâm của cố đô Luy Lâu, được dựng lên từ thời Sĩ Nhiếp (khoảng cuối thế kỷ thứ 2). Sơ tổ Thiền tông Việt Nam Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã từng ở đây và truyền pháp cho Thiền sư Pháp Hiền. Các vua Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông đã từng tổ chức cầu đảo tại chùa hoặc đã rước tượng về chùa Báo Thiên ở Hà Nội để cầu đảo. Danh sĩ Mạc Đỉnh Chi là người có công đứng ra trùng tu chùa đại quy mô vào thế kỷ thứ 14. Một ngôi chùa nổi tiếng như thế, tín ngưỡng ở đó có thể xem như tín ngưỡng quốc dân?

Trong rất nhiều lễ hội các Bà ở Việt Nam ngày nay, ngoại trừ lễ hội Quan Âm ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (tất nhiên đối tượng tín ngưỡng là Bồ-tát Quán Thế Âm). Còn lại hầu hết là các bà ở dạng thần cũng đều được người ta xem là Quan Âm cứu độ tất. Khổ nỗi, số lượng tín đồ đến lễ bái ở các nơi này đã tự xem mình là Phật tử, là đạo Phật. Như vậy tín ngưỡng Phật giáo cũng thiên nặng về các bà Mẹ?

Câu trả lời chắc chắn là không. Phật giáo không nói đến âm dương, đành rằng trong kinh điển Mật bộ có hình tượng Phật Mẫu, như Phật Mẫu Chuẩn-đề. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni cũng có mẹ. Khi Ngài thành Phật rồi, Ngài có lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp  giải thoát cho mẹ. Kinh Vu-lan thuật lại chuyện Mục-liên cứu mẹ thoát khổ địa ngục. Kinh Địa Tạng và còn nhiều kinh khác nữa nói về việc báo đáp công ơn cha mẹ. Một cách ngẫu nhiên ngày rằm tháng bảy như một ngày Mẹ, ngày báo hiếu, thậm chí là mùa báo hiếu.

Cũng có một quan điểm cho rằng Phật giáo trọng nam khinh nữ. Bằng chứng là Đức Phật ban đầu không cho nữ giới xuất gia. Sau tuy được xuất gia nhưng phải phụ thuộc vào sự chỉ dạy của Tăng. Người nữ thọ giới 100 năm cũng phải đảnh lễ vị Tỳ-kheo dù chỉ mới thọ giới một ngày. Trong kinh điển thường hay nói về nghiệp chướng nặng nề của người nữ. Người chứng đến Sơ quả (Tu-đà-hoàn) là không còn mang thân nữ nữa v.v… và v.v…

Thật ra Phật  giáo chưa bao giời có tư tưởng trọng nam khinh nữ hay trọng nữ khinh nam gì cả. Thuyết 32 tướng trượng phu vốn là một thuyết của Ấn Độ cổ đại, có trước thời Đức Phật ra đời. Đức Phật dạy rằng mọi người đều bình đẳng trên nghiệp dĩ của mình. Hình tượng Long Nữ 8 tuổi thành Chánh giác trong kinh Pháp Hoa đã tự nhiên xóa sạch quan niệm cho rằng Phật trọng nam khinh nữ. Chẳng qua người nữ có những cái chướng nhất định trong việc tu tập, đoạn trừ phiền não. Đó là những tâm sở tham lam, tật đố, ích kỷ, nhỏ mọn có trong tất cả mọi người. Đàn ông mà có nhiều những tâm lý này cũng bị xem như “nữ nhi chi tâm”. Còn đối với Phật, đừng bao giờ nghĩ rằng Phật phải là đàn ông. Phật là đấng siêu tứ cú tuyệt bách phi rồi thì ông hay bà gì nữa! Hình tượng Phật chẳng qua là do chính chúng ta nặn ra, rồi cứ theo nếp nghĩ rất thường tình, ta cứ cho rằng Phật phải là đàn ông thì quá ngớ ngẩn.

Lúc đầu tiên đến chùa Tây An ở núi Sam, Châu Đốc, tôi đã được các trẻ em bán nhang hướng dẫn rằng đây là chùa Phật Ông, còn chùa Phật Bà ở gần đó. Khi đến chùa Phật Bà mới biết đó là Bà Chúa Xứ, và biết thêm rằng Phật Ông bên kia chẳng qua chỉ là Phật Thầy Tây An, tức ông Đoàn Minh Huyên. Tôi mỉm cười thầm nghĩ: Thế mà hay!

Nhưng điều ngộ nhận lớn lao là cách hiểu kinh Vu-lan. Kinh này xây dựng hình ảnh Mục-liên cứu mẹ, chứ đâu phải một bà mẹ nhân từ ban ơn cứu độ con thơ. Ở góc độ luân lý rõ ràng có một sự đi ngược lại truyền thống mà người ta vội vàng không nhận ra. Chính cái nữ tính, cái tâm sở xấu ở người phụ nữ đã làm cho bà Thanh-đề đọa địa ngục. Như vậy ở đây bà Thanh-đề không phải là hình tượng một bà mẹ thiêng liêng của các bà chúa ở Việt Nam. Thanh-đề là đại diện cho các tâm địa xấu xa, độc ác, tham lam, tật đố … Nếu noi gương Mục-liên cứu mẹ, dân tộc Việt Nam có bao giờ nghĩ đến chuyện cứu độ luôn các bà chúa của mình, vốn chỉ là những thần linh vẫn còn trong sinh tử luân hồi, bị nhiều đời làm cho cái ngã chấp của mình nặng nề thêm lên qua cách nhìn của giáo lý Phật giáo? Đối với Phật giáo, vô minh là cha, tham ái là mẹ. Cách tu hành rốt ráo chính là giải thoát vô minh phụ, tham ái mẫu, độ thoát tất cả chúng sinh, đó là cách báo ân báo hiếu lớn nhất.

Tóm lại, mới nhìn qua, tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam vẫn có màu sắc xem nặng “chất mẫu thân”, nhưng đó chỉ là tín ngưỡng dân gian. Là người học Phật, cần phải hiểu rõ vấn đề này để khi hoằng pháp lợi sinh, luôn thắp lên được ngọn đuốc chánh pháp để không còn những ngộ nhận khá tế nhị này, và để tất cả cửu huyền thất tổ, nội ngoại tông thân chúng ta giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, hưởng được sự an lạc tuyệt đối của đạo vô thượng.


(1)  Lão Tử: “Cốc thần bất tử, thị vị  huyền tẩn. Huyền tẩn chi môn thị vị thiên địa căn”. (Cốc thần bất tử, đó gọi là huyền tẩn, cửa ngỏ của huyền tẩn là căn bản của trời đất vậy). Huyền là chỉ lý huyền diệu, tẩn là chỉ cho giống cái của các loài muông thú. Chu Hy chú thích rằng : Huyền tẩn là lẽ tự nhiên của thuần hóa; huyền là huyền diệu, tẩn là sự thọ nhận để sinh trưởng ra vạn vật.

(1)  Sau khi viết bài này, người viết được đọc một quyển sách rất hay của Bình Nguyên Lộc, cuốn “Lột trần Việt ngữ”, trong đó có đề cập đến chữ CÁI. Tác giả cho rằng loại từ CÁI là do người Việt đọc sai chữ CÁ của tiếng Quảng Đông, có nghĩa là đơn vị. Còn tính từ CÁI thì lại xuất phát từ tiếng Mã Lai. Chẳng những không có nghĩa là giống cái mà trái lại là giống đực, có nghĩa  là lãnh tụ, ông chủ. Tuy nhiên người viết vẫn không muốn thay đổi ý trong bài của mình, đó là cảm tính. Dân gian Việt Nam cũng có câu chuyện “Cái đực rựa” kia mà !

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/050-nguyenlyme.htm

 


Cập nhật: 1-9-2001

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang