Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
GỐC TỬ  SÂN LAI

 

Cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông. Chỉ khi nào loài người có phương thức chi khác hơn để tự độc lập có mặt ở thế gian này, lúc đó họ mới có thể chối bỏ công lao cha sinh mẹ dưỡng. Đó là cái ơn đầu tiên mà con người phải gánh vác ngay từ lúc oa oa tiếng khóc chào đời. Đền đáp cho được cái ơn ấy mới gọi là hiếu. Hiếu được đạo Phật coi trọng nhất trong tất cả các hạnh: “Hiếu tâm tức Phật tâm, hiếu hạnh tức Phật hạnh”. Ngược lại, bất hiếu là tội nặng nhất trong các tội cho nên Đức Phật xếp “giết cha, giết mẹ” vào tội hàng đầu trong năm tội nghịch, phải đọa địa ngục vô gián.

Từ cổ chí kim, từ bắc chí nam, từ đông sang tây, từ thành đô hoa lệ đến thôn dã hoang sơ, từ vua quan đến thứ dân …, những tấm gương hiếu hạnh đều có lưu truyền. Nay ta thử ôn lại đồng thời so sánh với gương hiếu trong đạo Phật để từ đó xác định quan niệm về chữ hiếu và cách thể hiện hiếu hạnh của người Phật tử.

1. Gương con nghèo hiếu thảo :

Đó là hai tấm gương tiêu biểu Đỗng Vĩnh và Quách Cự trong hai mươi bốn gương hiếu của Trung Quốc.

- Đỗng Vĩnh : Người đời Hậu Hán, nhà rất nghèo, khi cha chết, không tiền lo ma chay, ông sang làng bên vay tiền một người nhà giàu và phải trả công bằng cách ở dệt ba trăm tấm lụa. Lòng hiếu của ông cảm đến trời. Trời sai tiên nữ giáng trần giúp Đỗng Vĩnh dệt chóng xong để trả nợ.

- Quách Cự : Người đời Hán, gặp lúc nhà cửa sa sút, thường bữa mẹ ông sớt bớt phần cơm cho đứa con mới lên ba của ông. Biết mẹ nhường cơm ắt phải chịu đói, ông bàn cùng vợ đào hố chôn con, bỗng thấy hũ vàng ngay dưới hố. Trên miệng hũ có hàng chữ “Người con hiếu Quách Cự, một hũ vàng đầy để cho nhà ngươi”. Nhờ vậy hai vợ chồng mới khỏi phải chôn con, lại có dư tiền phụng dưỡng mẹ già.

2. Gương vua quan hiếu thảo :

   - Hán Văn Đế : Con người vợ thứ của Hán Cao Tổ Lưu Bang và là em cùng cha khác mẹ với vua Huệ Đế. Mẹ của Văn Đế là Bạc Hậu đau yếu suốt ba năm liền. Tuy đang làm vua mà ngoài những buổi chầu, Ngài vẫn mặc triều phục đứng hầu mẹ, quên ăn bỏ ngủ, bao giờ cũng đích thân nếm thuốc rồi mới dâng cho Thái Hậu vì sợ có độc. Thái Hậu ái ngại, thương xót con, bảo Ngài cứ để cung nữ hầu hạ mình được rồi, nhưng Ngài tâu với mẹ : “Nếu con trẻ không đỡ đần được chút việc cho mẹ lúc mẹ còn sống thì biết bao giờ mới có cơ hội báo đáp công ơn dưỡng dục ?!”

- Công chúa An Thường : Ở tại Việt Nam, vào đời nhà Nguyễn, là con gái thứ tư của vua Minh Mạng và bà Mỹ Nhân Nguyễn Thị Sâm. Khi công chúa lên chín tuổi, mẹ bị bệnh, công chúa đích thân vào cung hầu hạ thuốc thang cho mẹ. Vào tiết Vạn Thọ, vua Minh Mạng cho các nội cung, công chúa đều được vào hầu tiệc. Có viên quan dâng sâm, vua đem chia cho các công chúa. Ai cũng ăn ngon lành. Riêng công chúa An Thường cứ ngậm mà không chịu nuốt, vua thấy thế lấy làm lạ hỏi duyên cớ, An Thường tâu rằng : “Hôm nay nhân buổi khánh tiết không đến hầu mẹ ốm được nên lòng buồn bã, nghe món sâm bổ dưỡng, con không nỡ ăn, để đem về dâng mẹ”. Vua nghe lời tâu rất thương cảm, khen ngợi hiếu hạnh của nàng, phán bảo công chúa cứ ăn phần mình và sai nữ quan mang một đĩa đến viện ban cho mẹ nàng. Chính lòng hiếu thảo của công chúa đã làm cho vua Minh Mạng lưu ý đến bà Mỹ Nhân họ Nguyễn từ đấy.

3. Gương hiếu thể hiện muôn màu muôn vẻ :

Tiêu biểu nhất là Tăng Sâm, Sưu Kiềm Lâu, Lão Lai Tử và Vương Vĩ Nguyên trong “Nhị thập tứ hiếu”.

v            Hiếu tử Tăng Sâm : Ngài Tăng Sâm là học trò của Đức Khổng Tử. Vì sơ ý làm đứt rễ một cây dưa mà cha mình thích ăn, Ngài bị cha dùng gậy đánh đến thân thể rướm máu, suýt ngất xỉu mà cố nhịn đau, nói nói, cười cười, cố gượng ôm đàn ngồi gảy để cha khỏi bận tâm lo lắng về thương tích đã gây cho mình.

v     Hiếu tử Sưu Kiềm Lâu : Nguời Trung Quốc thời Nam Tề, còn trẻ mà đã làm quan to, một hôm đang làm việc ở công đường, tự nhiên tim đập liên hồi, mình toát mồ hôi lạnh. Ông linh cảm có việc chẳng lành xảy ra cho gia đình. Ông liền từ quan về thăm nhà thì quả nhiên cha ông bị bệnh đã hai hôm rồi. Liên tục mời bao nhiêu danh y mà chẳng đoán ra bệnh, ông quên ăn bỏ ngủ, túc trực bên giường bệnh hầu cha, lại quá lo lắng, suýt phải ngã đau. Sau có một lương y nổi tiếng nói với ông rằng phải nếm qua phân mới biết bệnh nặng nhẹ. Nếu phân đắng thì dễ chữa, nếu phân ngọt thì vô phương. Ông chẳng ngần ngại nếm thử phân cha, nghe vị ngọt của phân, biết bệnh cha khó trị, ông càng thương cảm đêm ngày cầu trời cho cha được lành, dù phải giảm tuổi thọ của mình để kéo dài tuổi thọ cho cha. Kết quả, bệnh cha ông giảm dần rồi lành hẳn.

v     Hiếu tử Lai Đích Nhân : (Người Trung Quốc thường gọi là Lão Lai Tử). Ông người nước Sở, đời Xuân Thu, đã bảy mươi tuổi mà còn đủ song thân. Sợ cha mẹ thấy con già nua mà thương xót rồi gẫm thân lại lo buồn, ông thường tìm ra những trò vui cho cha mẹ giải khuây, khi thì mặc áo sặc sỡ, tay múa miệng hát trước mặt cha mẹ, khi thì giả bưng nước hầu cha mẹ, lỡ trợt té rồi ngồi khóc hu hu … như trẻ con khiến cho cha mẹ không sao không vui cười trước những trò ngộ nghĩnh đó.

v     Hiếu tử Vương Vĩ Nguyên : Người đời Tam Quốc. Cha là Vương Nghi, vì thua trận bị vua sát hại, ông biết mẹ đau buồn nên đưa mẹ vào núi, vừa lo học tập, tu dưỡng tính tình, vừa chăm sóc mẹ, đồng thời để đảm bảo an toàn cho mẹ trước ảnh hưởng chiến tranh ly loạn. Mẹ ông bình sinh rất sợ sấm sét, cho nên lúc nào có mưa giông sấm sét, ông đều ở một bên cho mẹ an tâm. Khi mẹ qua đời, mỗi lần mưa to gió lớn, sấm sét ầm trời, ông bất kể thân mạng chạy ra nằm che mộ cho mẹ, miệng cứ luôn trấn an như lúc mẹ còn sống: “Có con đây, mẹ đừng sợ!”

4. Lỡ làm buồn lòng trái ý cha mẹ, biết thành tâm hối cải chừa bỏ :

v     Hiếu tử Trần Anh Tông : Trần Anh Tông là vua nước ta đời nhà Trần, được vua cha Trần Nhân Tông truyền ngôi làm Thái Thượng Hoàng. Một hôm, Thái Thượng Hoàng Nhân Tông từ phủ Thiên Trường về kinh đô một mình để quan sát tình hình sinh hoạt của cung đình thì gặp lúc vua Anh Tông đang say rượu, không còn biết trời đất chi cả. Trần Nhân Tông tức giận bỏ về và ra lệnh cho tất cả các quan chức đều phải theo về phủ Thiên Trường. Đến chiều vua Anh Tông tỉnh rượu, nghe tâu qua tự sự, lòng đâm hoảng sợ, chẳng biết chuộc tội cách nào với Thái Thượng Hoàng. Sau nhờ Đoàn Nhữ Hài giúp nhà vua viết một bài biểu tạ tội. Hai người nhắm phủ Thiên Trường đi mãi đến sáng hôm sau mới tới. Đoàn Nhữ Hài thay vua đến phủ quỳ dâng biểu xin tạ tội nhưng Thái Thượng Hoàng giả lơ. Đoàn Nhữ Hài quỳ mãi đến tối mặc cho bên ngoài trời mưa gió ào ào. Thượng Hoàng lúc ấy cảm động mới sai lấy biểu xem rồi cho vời vua Anh Tông đến quở trách. Anh Tông lạy tạ, từ đó dứt tật say sưa, luôn vâng lời chỉ dạy của Thượng Hoàng lo chăm dân trị nước.

v     Hiếu tử Tự Đức : Tự Đức là vị vua đời nhà Nguyễn (con vua Thiệu Trị đã mất sớm), nổi tiếng hiếu thảo với mẹ là Hoàng Thái Hậu Từ Dũ. Một hôm rảnh việc triều chính, vua Tự Đức ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực. Vì sợ mưa phải đi gấp, nhà vua không kịp bẩm mạng, dặn nữ quan ở nhà tâu lên Thái Hậu, nhưng nữ quan lại quên mất. Chiều hôm ấy trời lại mưa to, như báo sắp xảy ra lụt lớn. Thái Hậu hay tin vua Tự Đức đi săn nên hết sức lo âu. Lại nữa, hôm sau đến kỵ vua Thiệu Trị, nên bà liền sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước. Khi vua về đến cung, trời vẫn mưa như trút, Ngài vội vã lên kiệu trần ngự thẳng vào cung Gia Thọ, lạy mẹ xin chịu lỗi, nhưng Thái Hậu giận con, ngồi quay mặt vào màn chẳng nói một lời. Vua tự tay lấy cây roi mây dâng đặt lên trường kỷ rồi nằm dài xin chịu đòn, mãi một hồi lâu, bà nguôi cơn giận, quay ra, hất roi và dạy rằng: “Có một mẹ một con mà đi đâu không báo trước, lại còn đi lâu để mẹ ở nhà trông đợi … Thôi, tha cho !… Con đi chơi để quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta !” Vua khấu đầu lạy tạ rồi rời cung Gia Thọ. Đêm hôm ấy, tại điện Càn Thành, vua thức rất khuya để thực hiện những điều mẹ dạy và chuẩn bị đi hầu kỵ vua cha ngày mai.

Bên cạnh những tấm gương hiếu hạnh, cũng có những người con vì sân giận, nỡ đày đọa, đối xử tệ ác với đấng sinh thành. May sao, hành vi đó liền bị người đời lên án và có thái độ khiến những người con bất hiếu rốt cuộc cũng hồi tâm. Đó là chuyện Trịnh Trang Công và Tần Thủy Hoàng đối xử bất hiếu với mẹ.

v     Trịnh Trang Công : Vốn rất hiếu thảo nhưng do vì mẹ ông là Khương Thị lúc sinh ông khó khăn và đau đớn nên giận ghét, đặt tên là Ngộ Sinh (sinh lầm). Bao nhiêu tình thương bà dành cho người con thứ hai là Cung Thúc Đoạn, muốn lập Thúc Đoạn lên làm vua nhưng không được toại ý. Bà liền thuyết phục Trang Công phong cho người em đất Kinh Thành là một ấp lớn rồi bày mưu làm phản, còn bà tiếp tay nội ứng. Kết quả âm mưu không thành khiến Cung Thúc Đoạn xấu hổ và sợ hãi phải tự vẫn. Trang Công giận mẹ, đưa Khương Thị đi an trí tại Dĩnh Ấp, thề rằng : “Chỉ khi nào đến chốn suối vàng, mẹ con mới nhìn thấy mặt nhau”. Nhờ một vị quan nhỏ ở Dĩnh Ấp tên Dĩnh Khảo Thúc vốn tính chính trực và hiếu thảo, bày mưu can gián, vua hồi tâm, rồi cũng chính nhờ Dĩnh Khảo Thúc dùng kế cho lập một căn phòng sâu xuống đất (hợp với lời thề “đến chốn suối vàng”), cho Khương Thị ở đấy rồi Trang Công xuống thăm. Hai mẹ con trùng phùng ôm nhau khóc. Lời thề xưa được giải, Trang Công rước mẹ về cung điện cũ để phụng dưỡng, được người nước Trịnh khen là hiếu tử.

v     Tần Thủy Hoàng: Giận mẹ là Trang Tương Hậu có tính dâm loạn, đã thông dâm với Lao Ái có hai con riêng, vua bàn cùng triều thần bắt Lao Ái xử xé thây trước cửa thành, quật chết hai con riêng của Lao Ái (tức em cùng mẹ với Tần Thủy Hoàng), giáng chức Trang Tương Hậu, đày ra ly cung ở Hoắc Dương, cắt giảm lương thực và cho quân sĩ canh giữ nghiêm ngặt, trung thần can ngăn bị giết đến hai mươi bảy người. Lã Bất Vi là chủ mưu buôn vua, lộng quyền thì bị cách chức (sau đó vì lo sợ Tần Vương sát hại, đã uống thuốc độc tự tử). Người thứ hai mươi tám là Mao Tiêu tiếp tục can gián, biết khéo dùng lời phân tích thiệt hơn nên Tần Thủy Hoàng mới hồi tâm và ra lệnh cho thu nhặt hai mươi bảy xác chết an táng rất trọng thể ở núi Long Thủ, gọi là “Hợp Trung Mộ”, rồi thân đi đón Thái Hậu về kinh thành. Dân chúng kéo nhau đi xem, đều khen Tần Vương là người biết nghe lời khuyên can và có hiếu với mẹ.

Qua những sử liệu Việt Nam và Trung Quốc, qua gương hiếu của một số nhân vật trong “Nhị Thập Tứ Hiếu”, ta đã thấy, ngay trong thường tình thế gian mà xã hội đã rất coi trọng chữ hiếu và những tấm gương hiếu thảo được sử sách truyền tụng mãi muôn đời. Ai bất hiếu với cha mẹ thì ngược lại “trời không dung, đất không tha”, xã hội cực lực lên án, cho dù những người cha, người mẹ ấy có tội tày trời đi chăng nữa (như Khương Thị hay Trang Tương Hậu), thì chỉ xã hội mới có quyền lên án, lịch sử có quyền luận tội. Nhưng phận làm con mà giận mẹ, đày mẹ thì xã hội không bao giờ chấp nhận, dung thứ.  

Cũng qua những gương hiếu tử ngoài đời, ta thấy hạnh hiếu được thể hiện dưới nhiều hình thức. Người con nghèo thì tự hy sinh vật chất hay tinh thần mình có được để bảo dưỡng mẹ cha, người con giàu có thì ra sức hầu hạ, chăm sóc, không ngại phẩn uế, không nề chức trọng quyền cao, người bị cha đánh đau mà còn sợ cha ân hận, người thì mẹ đã chết mà vẫn còn chạy ra ôm mộ cho mẹ khỏi sợ sấm, sợ mưa …

        “Phụ mẫu tại, bất ngôn lão,

         Phụ mẫu tại, bất viễn du”.

   Hai câu trong cổ thư Trung Quốc thật đã nói lên được đạo thờ mẹ cha rất tế nhị và chu đáo của người con hiếu thảo : Lúc phụ mẫu còn ở đời, không nhắc đến chuyện già cho cha mẹ khỏi lo sợ, không nghĩ đến chuyện đi xa để được sớm hôm thăm viếng, quạt nồng ấp lạnh. Cao hơn nữa trong hiếu hạnh  như hai anh em Ban Cố, Ban Chiêu nối chí cha soạn bộ “Hán Thư” để làm rạng danh cha già, khiến cho Ban Bưu chết trong ngục cũng mãn nguyện, vì đã để lại cho Trung Quốc nói riêng, cho đời nói chung một cống hiến sử học vĩ đại.

   Việt Nam ta cũng có một gương hiếu tương tự, đó là Nguyễn Trãi. Khi cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt giải đi đày ở Nam Kinh, thay vì cùng em là Phi Hùng theo cha khóc lóc, Nguyễn Trãi nghe lời khuyên của cha, trở về đợi thời, phò vua, giúp rửa nhục cho nước, rửa thù cho cha, trở thành một Khai Quốc Công Thần triều Lê trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập tự chủ cho đất nước mà bài “Bình Ngô Đại Cáo” của ông được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta sau bài “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt, cùng rất nhiều thơ văn khác đóng góp cho nền văn học nước nhà.

   Là một tín đồ Phật giáo, nhân mùa Vu-lan là mùa báo hiếu của người con Phật, ngoài việc ôn lại và tán thán những hạnh hiếu của người đời, ta lại đi sâu tìm hiểu những thể hiện hiếu đạo trong Phật pháp. Nổi bật nhất là gương hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên, do hiếu hạnh mà cứu được mẹ thoát cảnh địa ngục, sinh về cõi lành. Gương hiếu của Tôn giả Xá-lợi-phất dùng thời điểm nhập niết-bàn của mình để phá trừ kiến chấp cho mẹ, khiến bà phát lòng tin Phật pháp. Đến như gương hiếu của Đức Phật Thích-ca thì thật là viên mãn : Đã độ người chết lại độ kẻ sống, đã lợi được người đời còn lợi cả chư thiên.

v     Tôn giả Mục-kiền-liên độ vong thân mẫu : Tôn giả Mục-kiền-liên, đệ tử thần thông đệ nhất của Đức Phật, khi đã chứng quả A-la-hán, nhớ nghĩ đến mẹ là bà Thanh-đề, liền dùng huệ nhãn quán sát, thấy mẹ bị đọa địa ngục, chịu đói khát khổ sở, Tôn giả liền đem bát cơm dâng mẹ, nhưng do nghiệp lực của lòng tham lam, bỏn xẻn, bà không ăn được, vì hạt cơm khi vào miệng bà đều hóa thành than lửa. Tôn giả thương cảm trở về bạch Phật xin cứu giúp. Phật dạy tội bà Thanh-đề rất nặng, dù Tôn giả có thần thông cũng không cứu được, một mình Đức Phật cũng không cứu nổi, phải nhờ sức Đức Phật và chúng Tăng mười phương hợp lực chú nguyện cho mới có thể siêu thoát. Tôn giả theo lời dạy của Đức Phật, đến ngày rằm tháng bảy, ngày tự tứ của chư Tăng mà thiết trai cúng dường cầu siêu cho mẹ. Nhờ lòng chí thành và công đức bố thí của Tôn giả, lại có thêm oai lực của giới đức và phước đức của chư Tăng mà mẹ Tôn giả được cứu thoát cái khổ treo ngược, siêu thăng cõi lành.

v     Tôn giả Xá-lợi-phất độ mẹ : Tôn giả Xá-lợi-phất dòng dõi Bà-la-môn, mẹ là bà Xá-lợi vốn được người đương thời của thành Vương-xá, Ấn Độ rất nể trọng. Tuy trong gia đình này, Tôn giả là người trước tiên phát khởi tâm lành, theo Phật xuất gia tu chứng quả A-la-hán, cậu là Phạm chí Trường Trảo (tức Tôn giả Câu-hy-la) cũng có duyên theo Phật xuất gia. Nhưng riêng bà mẹ không có lòng kính tin Phật Pháp, vẫn hậm hực la rầy Tôn giả dại dột, bỏ giàu sang “đi ăn xin” vất vả. Biết mẹ bị mê lầm theo ngoại đạo, thờ Phạm Thiên, Tôn giả luôn nghĩ cách thuyết phục mẹ. Ngày ấy đã đến khi Tôn giả muốn nhập niết-bàn trước Đức Phật, được Đức Phật hứa khả và chọn nơi “chôn nhau cắt rốn” làm chỗ nhập diệt. Trong đêm đó, Tôn giả đã gặp gỡ và thuyết pháp cho tất cả bà con họ hàng, dân làng, môn đồ tứ chúng và đặc biệt cho cả vua A-xà-thế. Phần cuối đêm, Tôn giả thị hiện “đi chảy”, các vua Trời cõi Dục lần lượt đến xin làm thị giả hầu Xá-lợi-phất trong giờ phút cuối cùng, trong đó có cả vua Trời Phạm Thiên, nhưng Xá-lợi-phất từ chối tất cả. Bà mẹ kinh ngạc thấy hào quang rực sáng khắp phòng con. Lúc họ ra đi, bà mới hỏi và được Tôn giả kể cho nghe họ là những vị vua Trời nào, đến với mục đích gì, và cũng nói cho mẹ biết vị vua Trời đến sau cùng là vua trời Phạm Thiên, là vị mà mẹ đã tôn thờ. Bà Xá-lợi vừa vui mừng vừa kinh sợ, nhận ra đứa con mà xưa nay mình la rầy là dại dột, thật ra chẳng chút dại dột mà nay còn đắc được đạo cả. Đợi đến lúc này, biết tâm mẹ hân hoan, Tôn giả liền nhiếp thân tâm thanh tịnh, nói pháp độ bà Xá-lợi đắc ngay quả Tu-đà-hoàn và cũng ngay lúc ấy, Tôn giả nhập niết-bàn.

v     Đức Phật báo hiếu cho song thân : Khi vua cha Tịnh Phạn lâm bịnh sắp từ trần, Đức Phật trở về cung thành Ca-tỳ-la-vệ, thuyết pháp bên giường bệnh khiến vua cha dứt được tâm đau khổ, buồn rầu, luyến tiếc, liền thác sanh lên cõi trời Tịnh Cư. Lúc đưa tang, chính Đức Phật cũng dự khiêng quan tài vua cha để làm gương hiếu cho người đời và tự thân làm lễ trà-tỳ cho vua Tịnh Phạn. Đối với mẹ là Thánh mẫu Ma-gia (đã từ trần ngay khi Ngài vừa ra đời được bảy ngày và được thác sinh lên cung trời Đao-lợi) thì Đức Phật đã lên đấy thuyết pháp độ cho mẹ cùng rất đông chúng Trời.

Qua những tấm gương hiếu hạnh ngoài đời, trong đạo đã lược nêu trên, ta thấy rằng đối với thâm ân sinh dưỡng, con người cũng có được những báo đáp đáng kể, có thể ví như muôn màu muôn vẻ điểm tô thêm cho bức tranh tình cảm thiêng liêng của con cái đối với đấng sinh thành. Thế nhưng, muốn thực hiện đúng đắn, trọn vẹn lời dạy của Đức Thích-ca từ phụ về đạo hiếu, thì những lời dạy của Đức Phật rải rác trong kinh điển về chủ đề “báo ân cha mẹ” có thể hệ thống hóa những lời tiêu biểu nhất sau đây để thọ trì :

- Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật. (Kinh Đại Tập)

- Thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh. (Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

- Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu; điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu. (Kinh Nhẫn Nhục)

- Làm con đối với cha mẹ, đem lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng, làm chút điều bất thiện đối với cha mẹ thì tội cũng vô lượng. (Kinh Tạp Bảo Tạng)

- Này các Tỷø-kheo, có hai hạng người, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai ? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm. Như vậy, này các Tỷø-kheo cũng chưa làm đủ để trả ơn cho cha và mẹ. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đây, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa đủ để trả ơn cho mẹ và cha. (Kinh Tăng Chi 1, trang 75)

Như vậy, phải làm thế nào mới có thể gọi là trả ơn một cách đầy đủ cho cha mẹ ? Ta hãy nghe Đức Phật dạy tiếp một cách cụ thể :

“Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc, thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thời khuyến khích cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, thời khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, thời khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thời khuyến khích cha mẹ an trú vào trí tuệ. Cho đến, như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha mẹ”. (Kinh Tăng Chi 1, trang 75).

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/051-goctusanlai.htm

 


Cập nhật: 1-9-2001

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang