Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
VU LAN HOÀI VỌNG

 

 Mùa Vu Lan năm nào, nơi vùng đất đỏ bát ngát rừng cao su, nơi ngôi nhà thân thương ẩn mình dưới tán cội sung già, giữa cái xóm nhỏ toàn con chiên của Chúa, có cô bé sung sướng, hãnh diện trong bộ đồng phục màu khói lam tung tăng lên chùa dự lễ trại ngày Hiếu. Cô bé luôn tự hào, hạnh phúc khi nghĩ về ba mẹ …

Mùa Vu Lan năm nay lại sắp về, nơi phố thị sầm uất …, nơi ngôi chùa tĩnh lặng khiêm tốn nép mình giữa những tòa nhà cao lộng lẫy, có chú tiểu ni đứng tựa lan can, ánh mắt xa xăm dõi về cuối tận chân trời phía trước; nơi ấy có ngôi nhà thân thương, nơi ấy chú đã trải qua một thời tuổi thơ vất vả nhưng hạnh phúc trong tình thương yêu của ba mẹ. Chú đứng đó, lòng rối bời, cố ngăn dòng lệ mỗi khi nghĩ đến ba mẹ đang lẩn quẩn trong những phiền não chính cha mẹ tạo ra, nghĩ về bổn phận làm con của mình … Chú buồn vì thấy mình tu chưa đủ sức cảm hóa ba mẹ, đồng thời chú cũng nhận ra một điều không phải dễ khi đem những giáo lý chú đang học, đang tu, đang cảm nhận được niềm hạnh phúc an vui khuyên ba mẹ cùng tu để được an vui như chú. Không biết đã bao nhiêu lần chú hân hoan mua những quyển sách giáo lý, những băng giảng và cặm cụi viết những bức thư dài hai, ba đôi giấy chuyển tải toàn “chân lý” gởi về cho ba mẹ. Chú mong ước, sung sướng tưởng tượng rồi đây ba mẹ, gia đình sẽ được như mình, sẽ không còn bị vây khốn trong những nỗi đau vốn dĩ không thật có. Nhưng chú đã thất bại khi ngây thơ đem hoàn cảnh của mình, suy nghĩ của mình gán cho ba mẹ, khi mà thực tế chú là “thầy chùa” sống trong một môi trường đầy đủ điều kiện tu học, còn ba mẹ vẫn là “ba mẹ” và đang phải ngày đêm đối đầu, vật lộn với những thăng trầm, biến đổi của xã hội để đổi lấy chén cơm manh áo, đổi lấy cuộc sống cho gia đình, cho những đứa con còn nhỏ dại … Chú ngẩn ngơ! Nấc lên!

Bình thường, trong ánh mắt của mọi người xung quanh chú thuộc dạng “lì”, ít ai có thể làm cho chú buồn, giận hoặc nhìn thấy chú buồn hay khóc. Nhưng, có ai biết được những lúc chú chỉ một mình chú đã “nấc” lên như trẻ nít. Buồn thì cũng buồn, khóc thì cũng khóc, nhưng chú chỉ buồn “lai rai” vài bữa thôi, bởi buồn quá cũng chán, với lại buồn chẳng làm cho vấn đề tốt lên được; để tìm ra cách giúp ba mẹ, chú phải bình tĩnh, sáng suốt, và tốp cái buồn lại. Thế là chú dẹp hết bài vở qua một bên, “cuộn” y áo lặng lẽ lên chánh điện tu một loạt những pháp môn có thể và cả đến pháp môn cầu nguyện “Phật Tổ Như Lai, Quan Âm Bồ-tát” gia hộ … Nghĩ cho cùng, chú chỉ tiếc là ba mẹ không đi cùng đường với chú, chú lại không thể san sẻ những niềm vui của mình cho ba mẹ để phần nào làm vơi bớt những nỗi khổ đau ba mẹ đang gánh chịu mà buồn thôi, chứ chú đâu buồn trách gì ba mẹ, đâu thể bắt ba mẹ tu như chú được. Bởi mỗi người sinh ra ở đời dù tình thân đến đâu thì mỗi người đều mang theo cái nghiệp của mình, không ai giống ai cả, cho nên chú tu mà ba mẹ không tu hay ba mẹ tu mà chú không tu là chuyện bình thường!

Chú nhớ trong một bài kinh nào đó Đức Phật có đề cập đến bốn mối quan hệ trong tu tập giữa ba mẹ và con cái:

1. Cha mẹ tu, con cái tu.

2. Cha mẹ tu, con cái không tu.

3. Cha mẹ không tu, con cái tu.

4. Cha mẹ cùng con cái đều không tu.

Trong bốn trường hợp, gia đình chú rơi vào trường hợp thứ ba. Gia đình chú có hai chị em đi tu lận! Gần mười năm rồi mà vẫn chưa ảnh hưởng gì tới ba mẹ cả! Buồn, nên chú nói vậy, chứ sự thật không đến nỗi, chỉ tại mấy năm gần đây kinh tế gia đình có nhiều xáo trộn không tốt nên ba mẹ chú sinh ra những chuyện không hay. Chú nhớ hồi chị em chú mới thọ Tam quy ngũ giới, ba biết chú giữ giới không sát sanh nên tự tay ba làm những con vật trong những bữa ăn chứ không cho chú làm như trước, mãi cho đến khi chú có ý định đi tu chú mới dành làm, vì chú nghĩ chú có cơ hội sám hối, cầu nguyện, còn ba thì không. Những ngày chủ nhật, dù bận rộn công việc đến đâu ba đều để dành buổi chiều cho chị em chú đi chùa sinh hoạt gia đình Phật tử, học giáo lý. Những ngày dự trại lễ Phật đản và lễ Vu Lan, mẹ tất bật lo cho chị em chú đủ thứ hành trang cùng một số vật thực đem lên cúng chùa. Xong đâu đó, ba lái xe “máy xới” chở chị em chú cùng bao thứ lỉnh kỉnh lên đến tận sân chùa. Mỗi lần lên chùa, được ăn cơm chay, lần nào ba cũng đều khen ngon chi lạ. Trong thời gian đó, tuy ba mẹ chú ít đi chùa nhưng chú rất tự hào về cách sống của ba mẹ. Ba mẹ luôn sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh dù cuộc sống gia đình chẳng khá giả gì. Ba thường hay giúp hàng xóm những công việc nặng, chỉ vẽ, trao đổi kinh nghiệm sống với những người anh người em để họ rút ra, sửa đổi những sai lầm trong cuộc sống … Mẹ hay về bên ngoại gom áo quần cũ của mấy cậu mấy dì về sửa lại cho chị em chú và trẻ con hàng xóm mặc, mẹ lại hay làm những món mắm, món dưa và chỉ cho những người trong xóm cùng làm để có thêm món ăn trong bữa cơm gia đình … Ba mẹ sống chân thật, chan hòa với mọi người, vì vậy trong xóm từ người già đến trẻ nhỏ đều quý mến ba mẹ và cả chị em chú. Đặc biệt những anh chị mới lập gia đình rất quý mến ba mẹ, họ coi ba mẹ chú, gia đình chú là một khuôn mẫu gia đình hạnh phúc mà họ cần học hỏi, noi theo.

Trong những năm mới đi tu, chú luôn khuyên nhắc ba mẹ tu tập và chú thật sự vui sướng khi thấy ba mẹ ngày một thay đổi tiến bộ. Mẹ thỉnh tượng Quan Âm về thờ, những ngày không kịp đi chùa mẹ tụng kinh ở nhà, cả nhà đều ăn chay những ngày trong tháng. Ba đi chùa nhiều hơn và đã thọ Tam quy - ngũ giới, mấy đứa em của chú đều đi sinh hoạt gia đình Phật tử … Chú vui mừng may vội hai cái áo tràng gởi về cho ba mẹ…

Vậy mà hai năm kế tiếp đây, chú luôn nhận được tin buồn ở gia đình. Cho đến một hôm chú nhận điện thoại của em chú gọi về gấp, nhưng ngày hôm sau chú mới về được thì mẹ đã không còn trong mái ấm. Mẹ ra đi vì những lý do bức xúc trong gia đìnhBa tự ái không cần giữ mẹ lại Chú đã về đây, trong ngôi nhà thân thương ngày nào, nhưng không có mẹ nhà trở nên lạnh ngắt; ba già đi nhiều, nét buồn bã hiện rõ trên khuôn mặt của những đứa em thơ. Chú về đây làm cái máy thu thanh để mọi người trút bao muộn phiền bức xúc và ai cũng muốn chú làm vị quan tòa phân xử đúng sai, nhưng nội có lý của nội, ba có lý của ba, mẹ có lý của mẹ Chú đứng giữa ngã ba đường, chú hiểu bây giờ không phải là lúc phân tích sự đúng sai của người trong cuộc, chú không muốn xảy ra một cuộc tranh luận khi mà những người thân của chú trong lòng còn đầy ắp những bức xúc và ai cũng cho mình có lý. Chú biết mẹ đi rồi sẽ về, bởi mẹ là “Mẹ”, cho nên trong lúc này dù buồn nhưng chú không muốn mẹ về ngay, vì như thế cả mẹ lẫn ba sẽ có thời gian để nhìn lại những sự cố xảy ra trong gia đình từ đó rút ra những điều đúng sai của mỗi người thì sẽ hay hơn, nên chú chỉ im lặng hoặc chỉ làm gì đó mong làm giảm bớt không khí ngột ngạt trong gia đình mà thôi!

Bất ngờ và liên tiếp nhiều chuyện không hay đến với gia đình, nhiều lúc chú ngỡ ngàng không tin đó là sự thật …, nhưng tất cả đều đã xảy ra, chú không thể không đón nhận. Tất cả đều là vô thường, nhân duyên, nghiệp báo … thì đâu chừa gia đình chú ra và dù muốn dù không chú đâu thể cản lại được! Nhiều lúc suy nghĩ miên man …, buồn buồn muốn khóc, chú cứ để cho mình khóc không cần ngăn lại, khóc để thương ba mẹ nhiều hơn - ba mẹ đang buồn khổ, khóc để thấy mình đang hạnh phúc trong ngôi nhà Phật pháp, khóc để thấm thía hơn, để trân trọng hơn những bài giáo lý đã học Vừa khóc vừa suy nghĩ một hồi, chú thấy lòng nhẹ nhõm, thấy buồn cười cho mình nên chú không còn khóc nữa. Chú khẽ cảm ơn Phật pháp vi diệu cho chú biết dừng lại!

Mỗi khi nhìn thấy những cô chú trạc tuổi ba mẹ đi chùa tụng kinh hoặc làm công quả chú nhớ ba mẹ chi lạ! Nhìn gương mặt dáng điệu vui tươi thanh thản của các cô chú, chú ước ao một ngày nào đó ba mẹ chú cũng được như thế! Và chú tin rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”! Một ngày không xa ba mẹ lại mở tủ lấy ra chiếc áo tràng ngày nào chú gởi về, cùng nhau đến chùa, thành kính dâng nén tâm hương trước từ dung Đức Từ Phụ sám hối những lỗi lầm vừa qua, lắng lòng nghe tiếng kệ lời kinh, hóa giải bao phiền muộn ràng buộc trong cuộc đời, gia đình lại hạnh phúc an vui như ngày nào!

Ngày đại lễ Vu Lan chỉ mới sắp về thôi, nhưng sao chú cứ nghe lòng rạo rực, chú sung sướng như đang sống trong không khí thiêng liêng của những mùa Vu Lan năm nào. Và trong không gian tĩnh lặng hòa quyện cùng tiếng chuông chùa trầm ấm ngân vang, là tiếng ca vui tươi rộn rã chào đón lễ Vu Lan vọng về trong tâm thức chú …

Mừng hội Vu Lan chúng ta cùng múa hát hòa vang… Mừng hội Vu Lan khắp phố phường cho đến đồng quê hòa cùng lời ca tiếng chuông chùa thánh thoát êm đềm…  Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ hiền thoát chốn khổ đau. Thề nguyện noi theo bước chân Ngài con luôn tu học. Công ơn cao xa cha mẹ già lo báo đáp, con luôn tin yêu vui hòa thuận cùng người trên.

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/053-vulanhoaivong.htm

 


Cập nhật: 1-9-2001

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang