Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
BA TÔI

Ba tôi, cũng như phần đông những người cha trong đời, đối với con cái thường hay nghiêm khắc, lạnh lùng, ít khi biểu hiện tình cảm âu yếm như mẹ. Nhưng ai đó đã từng để ý, từng tiếp xúc mới hiểu được tấm lòng, tình cảm sâu sắc, thâm trầm của ba.

Ngày đó, em tôi – đứa con trai đầu lòng của ba – xin đi tu. Ba cho liền, nhưng mỗi lần em tôi về thăm nhà, mẹ tôi cùng chúng tôi mừng rỡ, còn ba thì trầm lặng, ít nói, đôi mắt đong đầy sự u buồn có thể làm người khác thắt cả ruột, để rồi sau đó em tôi trở lên chùa mang theo những giọt nước mắt trên gương mặt buồn bã của ba. Lúc ấy tôi còn quá khờ để có thể hiểu được lòng ba, hiểu được tại sao ba đồng ý cho em tôi đi tu rồi lại buồn như thế ?

Cho đến sau này, khi tôi lại muốn bỏ ba để ra đi theo chí nguyện của mình, tôi mới có dịp hiểu được ba.

Tôi thích đi tu, ba đã biết từ lâu, nhưng có lẽ ba không ngờ cái ngày ấy lại đến nhanh thế. Tối đó, tôi cùng ba ngồi xem truyền hình. Ngồi cạnh bên ba, lấy hết can đảm tôi thỏ thẻ : “Ba ! Ba cho con đi tu nha !” Ba không nhìn tôi, không trả lời. Trong im lặng, tôi nghe tiếng ba khóc, ba khóc ra tiếng như trẻ con. Và bên cạnh ba tôi cũng đã khóc tự bao giờ !

Một hồi lâu ba mới lên tiếng : “Sao con không ở nhà với ba, với mạ, với em con mà lại đi theo chú Quý (Đồng Quý - tên ở chùa của em trai tôi) ? Con thì đứa nào ba cũng thương, ba không muốn xa đứa nào hết, mặc dù ba biết đi tu là việc tốt, ít ai làm được. Ngày trước thương em con, ba cho đi, nhưng trong lòng ray rức nghi ngờ mãi. Mới 12 tuổi đầu chú xin đi tu, ba không hiểu chú đi vì thích hay vì sợ những lần la rầy của ba mà đi. Vì ba nhớ, mỗi lần bị la rầy, bị đánh, trong mấy đứa thì chú sợ nhất. Từ lúc chú đi đến giờ ba suy nghĩ hoài, giả sử như chú đi tu vì sợ ba thì ba ân hận mãi. Cho nên mỗi lần nghĩ đến chú đang sống trong hoàn cảnh thức khuya dậy sớm, ăn uống thiếu thốn khi tuổi đời còn quá nhỏ thì ba không cầm lòng được”.

Nói đến đây, tiếng ba nghẹn lại trong tiếng khóc. Thương ba quá, tôi cố nén những dòng nước mắt, lên tiếng giải thích phân trần an ủi ba. Ba lại tiếp : “Sau này ba đợi chú trưởng thành, ba sẽ hỏi chú cho lòng ba được thanh thản”.

Tôi không biết rõ những năm sau này tôi đi rồi ba có hỏi chú chưa, mà mỗi lần chị em tôi về thăm ba vui chứ không còn buồn khóc nữa. Nhưng lý do thực tế khiến ba vui là thấy chị em tôi đã trưởng thành, chín chắn, “ra vẻ thầy chùa” và vẫn khỏe mạnh, vui tươi trong nếp sống nhà chùa mà phần đông những người bình thường đều cho đó là một môi trường kham khổ, thiếu thốn. Hơn nữa, lăn lộn trong cuộc sống đầy thăng trầm… đã làm cho ba mệt mỏi, khiến ba có cái nhìn mới và thái độ mới đối với những đứa con “không còn tóc” của mình. Ba quý chị em tôi lắm !

- Cho nên bây giờ - Ba tiếp tục - ba không muốn cho con đi. Ba không muốn phải xa thêm một đứa con mà từ mười mấy năm nay đã gắn bó với ba như hơi thở, như sự sống.

Mặc dù thương ba, nhưng tôi vẫn không nghĩ tới chuyện bỏ cuộc. Tôi cố đem ra những lý do chính đáng để thuyết phục ba, nhưng ba vẫn giữ nguyên lập trường của mình. Tôi cũng không chịu thua. Cuối cùng ba đành lên tiếng : “Mặc dù ba không đồng ý cho con đi, nhưng ý con đã quyết thì ba không cản. Nhưng ba nói trước, nếu con trốn đi thì ba sẽ không đi tìm, vì đó là ý của con, ba không muốn cản trở. Cho đến khi nào cuộc sống của con ổn định, con có thể về thăm gia đình, về thăm ba. Khi con đã quyết chọn con đường tu thì phải cố gắng đi cho trọn. Nhưng giả sử như trên bước đường tu con gặp trắc trở gì đó không thể tu được nữa thì hãy trở về đây sống với ba, với mạ con và các em con”.

Ba nói đến đâu tôi khóc đến đó. Tôi không còn ý kiến, lý lẽ và tinh thần để thuyết phục ba nữa. Coi như ba đã quyết định không cho, còn tôi thì chưa nghĩ đến chuyện trốn đi vì đó chưa phải là bước đường cùng, bởi tôi còn có nội. Nội chính là người thuyết phục ba cho tôi đi tu.

Tôi đi được ba tháng, ba lặn lội từ dưới quê lên thành phố thăm tôi. Lúc về, tôi tiễn ba ra cổng. Ba nhìn tôi, tôi đọc được trong ánh mắt mênh mông ấy nỗi buồn thương vô vàn của ba. Tôi không dám nhìn lâu vào đôi mắt ấy. Tôi muốn nói với ba vài lời thăm mạ, thăm em… nhưng không thốt ra lời. Trước lúc bước đi, ba bất ngờ đưa tay lên vò mạnh vào cái đầu hãy còn tóc của tôi nghẹn ngào : “Ba về, con ở lại ráng tu, có gì hãy viết thư cho ba”. Lúc ấy, tôi ước gì được ôm chầm lấy ba mà khóc cho thỏa thích. Nhưng tôi kịp nhận ra mình phải làm gì trong lúc này. Gắng hết sức mình tôi nén cơn xúc động, cố tạo ra vẻ bình tĩnh tiễn ba về. Bởi tôi không muốn ba trở về nhà mang theo dòng nước mắt của tôi, tôi không muốn làm lòng ba thêm nặng trĩu …

Hơn một năm sau tôi được phép về thăm nhà. Vừa nghe tiếng em tôi reo “A ! Chị Bé về … A ! Cô về !” Ba từ nhà trên vội vã đi ra sân. Lúc ấy tôi cũng vừa bước lên bậc hiên. Tôi chưa kịp thưa ba, ba đã đưa hai cánh tay rắn chắc, chai sạm nắm vào hai bờ vai tôi lắc lắc, hạnh phúc tràn đầy trên gương mặt rám nắng, ba reo lên : “A ! Con gái tôi đã về đây rồi !” Tôi nhìn ba cảm động vô cùng, mỉm cười sung sướng và thấy mình vẫn còn bé bỏng như ngày nào trong vòng tay, trong tấm lòng mênh mông của ba.

Đó là những kỷ niệm, những cảm xúc, những tình cảm sâu sắc mà tôi không thể nào quên khi nghĩ về ba tôi. Và những gì tôi viết chỉ là một khía cạnh thật nhỏ về một người cha cao cả trong đời, những gì tôi viết cũng chỉ là phản ánh lại những tình cảm sâu sắc mà tôi đã cảm nhận từ ba, chứ tôi không có văn chương để ca ngợi, ví von Người, cũng như bộc lộ tấm lòng kính yêu vô vàn lên Người.

Vì thế, tôi xin mượn lời của bài ca “Tình cha” mà tôi rất thích để làm lời kết. Nội dung của bài ca là những lời chân thành cao cả, là tấm lòng kính yêu vô bờ mà tôi muốn bộc bạch cùng ba, đó cũng là món quà nhỏ kính dâng lên Người nhân ngày Vu Lan báo hiếu. Và tôi cũng mạn phép xin những ai đã và đang làm con cho tôi được dâng món quà nhỏ này cũng như tấm lòng của tôi đến các bậc làm cha trong đời nhân ngày lễ thiêng liêng ấy.

“Người là vầng thái dương, không như mẹ hiền, trăng rằm dịu mát. Người là ngọn núi cao, đứng che bão bùng cho rừng mãi xanh. Tình Người thật lớn lao, lấy chi đo lường, lòng cha kính yêu. Mặt Người giá băng, giấu trong tâm hồn chan chứa yêu thương.

Cha muốn cho con nên người, mà nghiêm khắc hơn mẹ yêu. Cha giữ cho con cuộc đời đừng lạc bước chân trong màn đêm.

Người thương, lúc con thơ ngoan hiền. Người vui, lúc con thơ học hành. Tình cha mấy ai nào biết đâu.

Từng ngày lặng lẽ qua, dấu trong tâm hồn chẳng than oán chi. Trọn đời nhớ ơn, chắp tay lạy Người. Cha kính yêu ơi ! ! !”

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/ba_toi.htm

 


Vào mạng: 1-11-2001

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang