- Bông Hồng Hiếu Hạnh
- Mặc Giang
Trước Phật đài Tam Bảo chứng minh.
Trong
bửu điện trang nghiêm thanh tịnh. Đại Lễ Vu Lan Thắng Hội thập phần viên
mãn. Mùa Báo Hiếu thiêng liêng lan tỏa khắp mười phương. Chắc chắn ba
ngàn thế giới lay chuyển sáu lần rung động. Chắc chắn mười tám tầng địa
ngục sẽ được mở toang. Bởi công ơn Cha Mẹ là một sự hiện hữu nhiệm mầu,
tình thương Cha Mẹ là tất cả đất trời cao rộng, ngân hà xao xuyến, vũ
trụ nao nao, trăng sao vằng vặc. Là con hiền cháu thảo, ai ai cũng lặng
yên, ai ai cũng trầm lắng, để nghe trong sâu thẳm tâm hồn tiếng nói dâng
lên cho Cha, dâng lên cho Mẹ trong giờ phút trang trọng này đây.
Một bông hồng nào xin dâng lên quý Thầy !
Một bông hồng nào xin dâng lên quý Sư Cô ! Bông hồng nào cho Bác, cho
Chú, cho Thím ! Bông hồng nào cho anh, cho chị, cho em ! Và xin hỏi, còn
bông hồng nào cho tôi ?
Chúng ta hãy đón nhận thật chân thành,
thật trọn vẹn. Hạnh phúc thay cho những ai còn mẹ ! Diễm phúc thay cho
những ai còn cha ! Và, chữ và, xin chia sẻ với những ai đang cài hoa
trắng !
Nhìn đóa hoa màu hồng trên áo quý vị, xin
không cần nói một lời nào, mà quý vị hãy lặng yên, mỉm cười, sung sướng
và sống trọn vẹn đi !
Nhìn đóa hoa màu trắng, biết chia sẻ gì
đây, sẽ không có một ngôn từ nào thấm cùng trong nỗi lòng sâu lạnh, dù
có lớn bao nhiêu, cũng sẽ mang cho đến trọn đời thân phận mồ côi.
Hai chữ Mẹ Cha, chúng ta không cần nói
nhiều, mà chỉ ao ước còn tiếng Mẹ để chúng ta thưa, còn tiếng Cha để
chúng ta trân quý. Không cao kỳ, không trau chuốt, không phết sơn. Bởi
còn cha mẹ là còn tất cả, mất cha mẹ là mất tất cả. Đức Phật từng dạy “Phụ
mẫu tại tiền như Phật tại thế”, nghĩa là Cha Mẹ còn sống giống như Đức
Phật đang còn trên thế gian này. Ca dao Việt Nam cũng nói : “Còn cha còn
mẹ là hơn, Không cha không mẹ như đờn đứt dây”.
Từ xưa tới nay và mãi mãi đến mai sau,
hai chữ Cha Mẹ, có lẽ được nói nhiều nhất và được viết nhiều nhất. Hai
chữ Cha Mẹ là cội gốc của tình thương vô tận và suối nguồn của đạo đức
bao la, đã góp phần rất lớn trong gia tài văn hóa văn học nhân loại. Hai
chữ Cha Mẹ, đã làm cho sách báo, văn chương, thi phú được chồng lên cao
hơn. Vào nhà sách, thư viện, ghé mắt vào những tựa đề về Mẹ, về Cha,
tình mẫu tử, tình phụ tử, các nhà văn nhà thơ đã đào sâu trong tận đáy
con tim và mọi góc cạnh khối óc, sẽ thấy hai chữ Cha Mẹ được diễn tả
tuyệt siêu, nhưng vẫn chưa hết và đôi khi ngượng ngập ngôn từ. Không
những thế, trong cung bậc Tao đàn, trên sân khấu nhạc hội, và rừng hội
họa nghệ thuật cũng diễn xuất không cùng. Thời đại tin học hôm nay,
những gì về Cha về Mẹ cỡi trên sóng điện vi tính thiên thần, kỳ ảo thêm,
diễm lộng thêm.
Ngôn từ Cha Mẹ còn bình dân hơn, gần gũi
hơn, đơn sơ hơn. Tiếng võng đưa kẽo kẹt sau hè, hay nằm trong nôi em
khóc, mẹ sẽ hát sẽ ru em ngủ, chị sẽ hát sẽ ru em ngủ ! Chắc chắn nhiều
khi, có những hình ảnh thật tội nghiệp, người Cha hay người anh khốn khổ
ẵm em em cũng khóc, ru em em cũng khóc, và người cha hay người anh nhìn
em bằng ánh mắt gần như van lơn mà vẫn bất lực, không biết phải làm gì
cho em. Trong chúng ta, tôi dám quả quyết ai cũng đã hơn một lần đã làm
như thế !
Em bé “Ba năm bồng ẵm cảm ơn Cha”, đã
biết nói hai tiếng Ba, Ba đầu đời.. “Chín tháng cưu mang nhờ đức mẹ”,
trong vòng tay bú mớm, em đã biết nói hai tiếng Má, Má thương yêu. Đến
lúc lớn lên, trưởng thành, đi vào trường đời, đi vào xã hội, dù có làm
ông nọ bà kia, hay phập phù giữa bại thành cuộc thế, dù được sống gần
hay đang ở đâu xa, vẫn hỏi thăm và thưa ba thưa mẹ. Trong quán trọ vô
thường một khi băng qua khúc rẽ ly tan, dòng tử sinh đôi bờ một khi gõ
nhịp đành đoạn tạ từ, ta sẽ thảng thốt kêu lên Mẹ ơi, Ba ơi, và thế là
nước mắt ta ràng rụa, lòng ta nát tan, trăng sao kia sẽ không đủ sáng
giữa vòm trời, vật chất phù du kia sẽ tả tơi theo bèo bọt. Không phải
chỉ đang lúc đó, mà kể từ ngày đó trở đi, cho đến bây giờ, mãi mãi mai
sau, mỗi khi thương cha nhớ mẹ, ta như con đom đóm lập lòe tìm gọi bóng
đêm, hay như kẻ lạc loài mò mẫm giữa hư vô và cúi mặt trước lâu đài phụ
mẫu, nghe tiếng lòng thổn thức.
Trong chánh điện này đây, trước lễ đài
này đây, giữa hội trường này đây, dù ai cài hoa hồng vẫn lo sợ, lo sợ gì
mà “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống
đời với con”. Còn những ai cài hoa trắng thì, chừng như tấm lòng quý vị
trống vắng không cùng, và chừng như hai con mắt của quý vị nhìn thật xa
xôi. Kia kìa, thấy chưa, không phải chừng như, mà thật sự hai con mắt
quý vị đang tròn xoe, bờ mi đã ướt lên rồi. Một cụ già, đôi vành khô vẫn
còn đủ sức long lanh, vài cụ lớn tuổi đôi bờ khô khốc, nhưng nước gì
đang chảy ra, gạt lệ tay lau. Người trung niên cũng lặng lẽ, trầm ngâm.
Thế còn anh, còn chị, còn em, sao lại cúi xuống, đỏ hoe ! Cả Thầy nữa,
rồi Sư Cô nữa ! Xin lỗi nghe, chúng tôi không có dám đâu, và đâu có làm
gì ?
Thưa quý vị. Hình ảnh trên đây không phải
chỉ có hôm nay, mà đã nhiều lần, thật nhiều lần, vào mỗi độ
Trung
Nguyên, mỗi Mùa Hiếu Hạnh. Ngay cả chỉ một Mùa Báo Hiếu thôi, trong quý
vị sẽ có người đi dự nhiều nơi, tôi đã chứng kiến đôi mắt quý vị lại tái
lập như thế. Nếu hỏi tại sao, thì quả thật vô tình, một câu hỏi rất vô
duyên. Nước mắt cho cha cho mẹ mà không biết chảy ra, không biết ngấn lệ,
không biết vo tròn, thì xin lỗi, ta còn thua em bé và ta chưa lớn nổi
làm người ?
Trong chúng ta, ai không nằm lòng “Công
Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, ai không
từng nghe “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào” hay “Mẹ già như
chuối ba hương, Như xôi nếp một như đường mía lau”.
“Bao nhiêu sách vở viết về Đức Mẹ
Bao nhiêu chữ nghĩa viết về Công Cha
Dù có nhiều như vũ trụ bao la
Cũng không thể diễn tả hết được Tình Cha
Nghĩa Mẹ”
“Tình thương Mẹ, biển Đông thấm vào đâu
Công đức Cha, núi Thái làm sao sánh
Dù đem cả hằng hà sa pháp giới
Cũng không sao đánh đổi hai chữ Song
Đường
Xin đi khắp cõi vô thường
Soi ngàn đuốc tuệ thắp đường Từ Thân
Xin đi khắp cõi phù vân
Noi gương hiếu hạnh ân cần Mẹ Cha”
Hãy hình dung thời Đức Phật còn tại thế,
hình như đôi mắt của Ngài mà ta tôn xưng Phật nhãn, vẫn lưng tròng khi
Phụ Hoàng băng hà, vẫn rưng rưng khi đứng hầu kim quan, và trên đường di
quan vẫn từng bước chân nặng trĩu. Lại một lần kia, khi cùng Tăng Đoàn
đi khất thực, hỏi còn hình ảnh nào rung cảm hơn, xúc động hơn, chính Đức
Phật đã :
“Đáo bán lộ rành rành mắt thấy
Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
Thế Tôn bèn vội đến nơi
Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng”
Ôi, cao thượng thay Đấng Thiên Nhơn chi
Đạo Sư !
Ôi, quý hóa thay Đấng tứ sanh chi Từ Phụ
!
Phải chi Ngài điều ngự nơi đây cho chúng
con đãnh lễ tôn thờ. Một kiếp này thôi, ân nghĩa cha mẹ, chúng con chưa
trọn vẹn, nói chi đến quá khứ đa sanh phụ mẫu ! Một kiếp này thôi, bổn
phận con hiền cháu thảo, chúng con mang bao nỗi đành đoạn đắng cay, thì
làm sao đền đáp công ơn cha mẹ nhiều đời.
Phải chi Bồ Tát Mục Kiền Liên đang ở đâu
đây, chúng con xin nương theo thần lực của Ngài để đi tìm khắp muôn
hướng ngàn phương, đi sâu vào địa ngục dù có vô số cửa ngõ A Tỳ, chỉ cần
nhìn thấy, Mẹ chúng con đang ở đâu, Ba chúng con đang ở đâu, rồi muốn
làm gì chúng con xin nguyện tận lực hành trì.
Đâu cần nói chi xa phải không thưa quý vị
? Trong cuộc đời, bao nhiêu người được sống nơi chốn quê nhà, nhưng biết
bao nhiêu người phải sống tha phương bởi duyên nghiệp hay hoàn cảnh khác
nhau. Chỉ mong sao được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, được nhìn lại bàn
thờ từ đường, ấp ủ dưới mái nhà tranh, bếp lửa hồng êm vợn khói, thoang
thoảng hương cau, thơm thơm gạo mới. Và kia, dòng sông Quê Ngoại, bến cũ
Quê Nội, đường đất bên làng, lối ngõ đầu thôn, rẽ ngang xóm nhỏ , ruộng
lúa ngô đồng, “Làng quê nghèo cuối phương trời biền biệt, Bóng thời gian
không đủ sức nguôi ngoai, Vẫn đong đầy và sống mãi trong tôi, Lỡ nhắm
mắt ôm khối sầu muôn thuở”.
Và kia, ai sống thị thành, phố phường đô
hội, “Những lối đi chạy ngang qua đất đỏ, Những lối
về chạy dọc dưới trời xanh, Những mạch máu của trái tim thành phố, Những
đốt xương của thân thể châu thành, Những con đường chúng mang hồn dân
tộc, Qua không gian không thay đổi danh từ, Lối cỏ mới đề huề reo ánh
sáng, Khách đi về cảm thấy khác tâm tư”. Rồi được đến thăm nấm mồ của Mẹ
của Ba, bên Ông Bà Nội Ngoại Tổ Tiên, lục thân quyến thuộc quá vãng, để
quỳ, để khóc, để thương, để nhớ, để được thắp một nén hương, mà kiếp
sống xa nhà, dù đã 10 năm, 20 năm, 30 năm, hay hơn nữa, nhưng vẫn xin
khẳng quyết mọi vùng đất dung thân không phải là cố quận, lại càng không
phải quê hương của mình. Nhưng, “Khung
trời quê vẫn ngậm sầu, nghìn trùng xa cách. Cõi trời quê vẫn chôn chặt,
tận đáy hồn đau”.
Xin Cha tha cho chúng con. Xin Mẹ tha cho
chúng con. Xa hơn nữa, chúng con xin tạ tội với người Cha cội nguồn của
Văn Lang, xin khấu đầu với người Mẹ đầu tiên của Bách Việt, đã cho chúng
con được mang dòng giống Lạc Hồng, tóc đen da vàng máu đỏ, nhưng lại
mang một mảnh hồn đau và một trái tim nhức nhối.
Bạch quý Thầy, quý Sư Cô,
Thưa quý vị lớn tuổi cùng toàn thể anh
chị em,
Một bông hồng đã đầy đủ chưa ? Một bông
trắng đã thấm thía chưa ? Theo tôi, phải là một rừng bông hồng để dâng
lên Mẹ, hay một rừng bông trắng để khóc cho Cha. Một rừng bông hồng để
khơi động tình thương, và một rừng bông trắng để xóa tan vụn vỡ. Một
rừng bông hồng để gìn giữ nâng niu, và một rừng bông trắng để tạ từ miên
viễn.
Nguyện cầu mười phương Chư Phật chứng
minh
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ
Nguyện cầu Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên soi
sáng cho chúng con
Nguyện cầu hồn thiêng sông núi Việt Nam
gia hộ cho toàn dân nước Việt.
Và mầu nhiệm thay, thiêng liêng thay,
chúng ta cùng nhắm mắt, chắp tay :
Ba ngàn thế giới đang rung động !
Tam đồ bát nạn đang mở toang !
Một bông hồng biến thành vô số bông hồng
để trọn vẹn mùa hiếu hạnh.
Một bông trắng thấm sâu vô số bông trắng
để kết nẻo phương đài.
Đó mới thật sự là Bông hồng cài áo !
Đó mới thật sự là bông trắng cưu mang !
Đó mới thật sự là Mùa Vu Lan Thắng Hội !
Đó mới thật sự là Giải Cứu Đảo Huyền, độ
thoát hàm linh !
Trân trọng và trân trọng nhớ ân !
Chân thành và chân thành nhớ mãi !
Ngưỡng dâng Chư Tôn Đức Tăng Ni
Kính chào toàn thể liệt quý vị.
Nam Mô
Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.
Mùa Hiếu Hạnh 2009
TNT Mặc Giang
macgiang@y7mail.com