...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Đạo Làm Con Trong Ca-Dao
- Nguyễn Văn Mỹ
-
Con người có bố có ông,
-
Như cây có cội, như sông có nguồn.
-
-
-
Người Việt thường lấy chữ hiếu
làm trọng. Đã có thời gọi là đạo hiếu hay đạo làm con. Đạo là một
lối sống ngang hàng như khuôn phép của một tôn-giáo. Nếu lấy việc
thờ Trời là Đạo của người bình-dân Việt-nam, thì việc phụng-dưỡng
cha mẹ và thờ cúng ông bà tổ-tiên là thực-hành phần hình nhi hạ của
đạo thờ Trời. Đó là điểm đặc-sắc của văn-hoá Việt. Ngày nay chúng ta
còn giữ được đạo hiếu là còn giữ được một phần văn-hoá dân-tộc, còn
giữ được nền-tảng gia-đình Việt-nam.
-
Làm trai nết đủ trăm đường,
-
Trước tiên điều hiếu: đạo
thường xưa nay.
-
Công cha đức mẹ cao dày,
-
Cưu mang trứng nước những ngày
ngây thơ.
-
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
-
Trưởng thành con phải biết thờ
hai thân.
-
Thức khuya dậy sớm cho cần,
-
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo
con.
-
-
Gần gũi nhất, hiếu là sự đối-xử
tốt đẹp của con cái đối với cha mẹ. Xa hơn hiếu còn là sự kính-trọng
biết ơn của con cháu đối ông bà, tổ-tiên.
-
Vua tôi sẵn có nghĩa dày,
-
Cha con thân lắm, đấng người
nên trông.
-
Khi ấp lạnh, lúc quạt nồng,
-
Bữa dâng ngon-ngọt, bữa dùng
sớm trưa.
-
Ở cho thoả chí người xưa,
-
Đền ơn trả nghĩa thuở xưa bế
bồng.
-
Ca-dao nhìn hiếu một cách thực-tế
và gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Tuy chỉ là nhũng lời ca ngắn
gọn, nhưng cũng bao gồm được nhiều vấn-đề về hiếu rất thú-vị.
-
- 1. Hiếu Là
biết Công-ơn cha mẹ sinh-thành:
-
-
Công ơn sinh ra và nuôi dưỡng
từ ngày còn ấu-thơ:
-
Ba năm bú mớm con thơ,
-
Kể công cha mẹ biết cơ-ngần
nào!
-
Dạy rằng chín chữ cù-lao
-
Bể sâu không ví, trời cao
không bì.
-
-
Trong xã-hội nông-nghiệp, người
mẹ thường tự tay nuôi con thơ. Chẳng những cái ăn cái ngủ của con
lệ-thuộc vào mẹ; mà chính cái ăn cái ngủ của mẹ cũng tùy thuộc vào
con:
-
Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ,
-
Năm canh chầy, thức đủ năm
canh.
-
-
Nhiều người mẹ đã gầy-mòn khô-héo
vì thức khuya dậy sớm nuôi con:
-
Ngày nào em bé con-con,
-
Bây giờ em đã lớn khôn thế này:
-
Cơm cha, áo mẹ, công thầy,
-
Nghĩ sao cho bõ những ngày
ước-ao.
-
Nuôi con cho được vuông tròn,
-
Mẹ thầy dầu-dãi, xương mòn gối
long.
-
Con ơi, cho trọn hiếu trung,
-
Thảo ngay một dạ, kẻo luống
công mẹ thầy.
-
-
Nhớ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ
dành cho mình là khởi đầu của lòng hiếu thảo:
-
Ơn cha nặng lắm ai ơi,
-
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng
cưu mang.
-
Công ơn cha mẹ mang-mang cùng đất
trời. Nhìn vào đâu con-cái cũng thấy công ơn cao dày của cha mẹ:
-
Công cha như núi ngất trời,
-
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển
đông.
-
Núi cao biển rộng mênh-mông,
-
Cù-lao chín chữ, ghi lòng con
ơi!
-
-
Hiếu là căn-bản của đời sống
Việt-nam. Chính cha mẹ cũng luôn nhắc nhỡ con-cái mình về công-ơn
lớn-lao như trời biển của đấng sinh-thành dưỡng-dục:
-
Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
-
Nuôi con cho đến thành người
mới nghe.
-
-
Công cha như núi Thái-sơn
-
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra.
-
Một lòng thờ mẹ kính cha,
-
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo
con.
-
- 2. Hiếu là
nhớ thương cha mẹ khi xa-cách:
-
-
Trong xã-hội nông-nghiệp, con-cái
khi trưởng thành, thường sống chung hoặc sống gần-gũi với cha mẹ.
Con trai thường xa nhà khi đi lính hoặc đi làm quan sau khi đỗ-đạt.
Con gái thường xa nhà khi phải lấy chồng xa. Lòng hiếu được giãi bày
qua những lời tâm-sự nhớ thương.
-
Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng,
-
Thương cha nhớ mẹ quá chừng
bạn ơi.
-
Ngó lên, ngó xuống thì vui,
-
Ngó về quê mẹ ngậm-ngùi nhớ
thương.
-
-
Niềm nhớ thương đằng-đẵng suốt cả
cuộc đời:
-
Ngó lên dàng-dạng da trời,
-
Thương cha nhớ mẹ biết đời nào
nguôi.
-
Xót xa thay cho nỗi nhớ thương
của người con phải lìa xa cha mẹ:
-
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
-
Bâng-khuâng nhớ mẹ, chín chiều
ruột đau.
-
Thương thay chín chữ cù-lao,
-
Ba năm nhũ-bộ biết bao nhiêu
tình.
-
-
Dù cha mẹ có già-nua đi nữa, việc
xa cha mẹ vẫn là một điều đau-khổ cho con cái:
-
Cha già tuổi đã dư trăm,
-
Chạnh lòng nhớ tới, đằm đằm
châu sa.
-
-
Thương cha nhớ mẹ quay-quắt trong
lòng, đôi khi xáo-trộn cả sinh-hoạt hằng ngày. Chỉ nghĩ đến cha mẹ
không được săn-sóc cho được ấm no, người con xa nhà khó lòng vui thú
sinh-hoạt hiện-tại dù chỉ là một bữa ăn hằng ngày:
-
Gió đưa cây cửu lý hương,
-
Giờ xa cha mẹ thất thường bữa
ăn.
-
Sầu riêng bữa chẳng muốn ăn,
-
Đã bưng lấy bát lại dằn xuống
mâm
-
-
Ngay cả khi đã lớn, thành vợ
thành chồng mà cha mẹ chẳng còn thì hằng ngày lòng nhớ thương vẫn
canh-cánh bên lòng:
-
Anh làm rể bên em, có cha mà
không có mẹ
-
Em làm dâu bên anh, có mẹ mà
không có cha.
-
Bữa ăn nước mắt nhỏ sa,
-
Thân-phụ ơi thân-phụ hỡi, đi
đâu mà bỏ con.
-
-
Câu cuối nghe xót-xa như tiếng
khóc nỉ-non trong một đám tang.
-
Nỗi nhớ thương, lòng biết ơn
sâu-xa càng hiện rõ khi mình nuôi-dưỡng chính con-cái của mình:
-
Nuôi con mới biết sự tình,
-
Cảm thương cha mẹ nuôi mình
ngày xưa.
-
- 3. Hiếu Là
Phụng Dưỡng Mẹ Cha
-
-
Ngồi buồn thương mẹ nhớ cha,
-
Gối loan ai đỡ, kỷ trà ai
nâng.
-
-
Không được gần-gũi, kề-cận với
cha mẹ già tạo ra nhiều lo-lắng nhớ thương:
-
Đi đâu mà bỏ mẹ già,
-
Gối nghiêng ai sửa, chén trà
ai dâng?
-
-
Không phụng-dưỡng được mẹ cha,
xem như là bất hiếu:
-
Mẹ già ở tấm lều tranh,
-
Đói no không biết, rách lành
chẳng hay.
-
-
Nuôi-dưỡng, săn-sóc cha mẹ khi
già-yếu là hình-thức hiếu căn-bản trong đời sống gia-đình:
-
Mẹ già đầu bạc như tơ,
-
Lưng đau con đỡ, mắt mờ con
nuôi.
-
-
Ngày đêm may vá kiếm tiền,
-
Trước nuôi cha mẹ, sau tuyền
đạo con.
-
-
Sự phụng-dưỡng không đòi hỏi phải
cao-sang. Cung-cách phụng-dưỡng mới nói lên được lòng hiếu-thảo:
-
Anh đi vắng cửa vắng nhà,
-
Giường loan gối quế, mẹ già ai
nuôi!
-
Cá rô anh chặt bỏ đuôi,
-
Tôm càng bóc vỏ, anh nuôi mẹ
già.
-
-
Ba tiền một khứa cá buôi,
-
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ
già.
-
-
Người Huế có thêm một cách
phụng-dưỡng rất địa-phương:
-
Tôm rằn lột vỏ, bỏ đuôi,
-
Gạo de An-cựu mà nuôi mẹ già.
-
-
Con-cái ăn gì thì cha mẹ già ăn
thứ đó, không đòi-hỏi phải cao-sang. Với gia-đình bình-dân thì cơm
với cá là món ăn căn-bản cho cha mẹ. Nếu có một chút hy-sinh
quyền-lợi căn-bản của chính mình, như nhịn phần cơm của mình để nuôi
cha mẹ, thì lòng hiếu mới trọn vẹn.
-
Đói lòng ăn hột chà-là,
-
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu
răng.
-
Đói lòng ăn trái ổi non,
-
Nhịn cơm nuôi mẹ, cho tròn
nghĩa xưa.
-
-
Ngày nay chúng ta vẫn còn
tiết-kiệm từng miếng ăn, từng mảnh áo, để có ít tiền gởi về cho cha
mẹ ở nơi xa. Đáng kính thay lòng hiếu-thảo của người con Việt-nam.
-
Lòng hiếu của người bình-dân
thiết-tha, đậm-đà và thực-tế hơn cảnh cắt thịt của mình cho cha mẹ
ăn, hay ôm gốc măng mà khóc như trong Nhị thập tứ hiếu của Nho-gia.
-
Nếu phải xa nhà vì công việc làm
ăn, người chồng dặn-dò người vợ trẻ một vài phương cách phụng-dưỡng
mẹ già thay mình.
-
Liệu mà thờ kính mẹ già,
-
Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta
chê cười.
-
Dù no dù đói cho tươi,
-
Khoan ăn bớt ngủ, liệu bài lo
toan.
-
-
- 4. Hiếu
là thành đạt:
-
-
Thành-công trong công việc làm
ăn, đạt được công-danh qua việc học-hành thi-cử cũng là một
hình-thức báo-hiếu, tức là làm rạng-rỡ danh-giá tổ-tiên, nhưng cũng
là phương-cách có nhiều tiền để giúp cho việc phụng-dưỡng mẹ cha
được chu-đáo hơn, mới gọi là đền ơn cha mẹ cho tròn chữ hiếu.
-
Ngó lên trời, trời cao
lồng-lộng,
-
Ngó xuống đất, đất rộng
mênh-mông.
-
Biết răng chừ cá gáy hóa rồng,
-
Đền ơn thầy mẹ ẳm bồng ngày
xưa.
-
-
Quan-niệm này vẫn còn ảnh-hưởng
đến chúng ta cho đến ngày nay. Nhiều phụ-huynh đã khuyến-khích, đã
hy-sinh tốn kém cho con-cái học xong bốn năm đại-học. Phần lớn con
em chúng ta đạt được cấp bằng tiến-sĩ, cử-nhân đủ mọi ngành. Đó là
thành-quả đẹp, khởi đi từ lời ca văng-vẳng từ ngàn xưa:
-
Con ơi muốn nên thân người,
-
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ
cha.
-
Gái thời dệt gấm thêu hoa,
-
Khi vào canh-cửi, khi ra
thêu-thùa.
-
Trai thời đọc sách ngâm thơ,
-
Dùi mài kinh-sử để chờ kịp
khoa.
-
Mai sau nối được nghiệp nhà,
-
Trước là đẹp mặt, sau là ấm
thân.
-
-
Cần-cù chăm-chỉ cấy-cày cũng là
hiếu, vì hoa-màu thu-hoạch lại được dùng trong việc phụng-dưỡng mẹ
cha:
-
Em thì đi cấy ruộng bông,
-
Anh đi cắt lúa để chung một
nhà.
-
Đem về phụng-dưỡng mẹ cha,
-
Muôn đời tiếng hiếu người ta
còn truyền.
-
-
Làm ăn được mùa cũng dễ-dàng
thực-hiện lòng hiếu-thảo:
-
Trời cho cày cấy đầy đồng,
-
Xứ nào xứ ấy trong lòng vui
ghê.
-
Một mai gặt lúa mang về,
-
Thờ cha kính mẹ nhiều bề hiếu
trung.
-
-
- 5. hiếu là
biết phụng-thờ tổ-tiên
-
-
Trứng rồng lại nở ra rồng
-
Hạt thông lại nở cây thông
rườm-rà.
-
Có cha có mẹ mới có ta,
-
Làm nên thời bởi mẹ cha vun
trồng.
-
Khôn-ngoan nhờ đức cha ông,
-
Làm nên phải đoái tổ-tông
phụng-thờ.
-
Đạo làm con chớ hững-hờ:
-
Phải đem chữ hiếu mà thờ
từ-nghiêm.
-
-
Thờ, ngày xưa còn có nghĩa là
phụng-dưỡng cha mẹ với lòng tôn-kính. Ngày nay thờ mang nặng
ý-nghĩa tôn-giáo, chỉ dành cho người quá cố.
-
Ngó lên trời thấy cặp cu đang
đá
-
Ngó ra ngoài biển thấy cặp cá
đương đua
-
Đi về lập miễu thờ vua,
-
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ
cha.
-
-
Đó là những lời ca mẹ ru con ngủ.
Nghe mãi nghe hoài con trẻ cũng nhớ vào lòng. Lập trang ở trong nhà
để được giữ hình-ảnh mẹ bên cạnh. Còn cha thì thờ ở chùa là nơi
công-cộng trong xóm làng, nơi làm sáng danh gia-đình với xã-hội.
-
Người Việt đi đâu cũng mang theo
gia-đình. Ngày trước khi di-cư vào nam, chúng ta mang theo cả
gia-đình. Ngày nay di-tản ra hải-ngoại, chúng ta không chỉ mang theo
vợ chồng con-cái, mà còn mang theo cả ông bà, cha mẹ.
-
Thờ cha mẹ, ở hết lòng,
-
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân
thường.
-
-
Phụ mẫu bên anh cũng như phụ-mẫu
bên nàng,
-
Lẽ thường anh cũng phải tạc đá
bia vàng để thờ chung.
-
Một điểm đặc-biệt trong văn-hóa
gia-đình Việt-nam là con rể hay con dâu đều gọi cha mẹ chồng hay cha
mẹ vợ là cha mẹ. Cha mẹ hai bên là tứ thân phụ-mẫu. Xem dó là
liên-hệ trực-tiếp trong gia-đình. Cha mẹ chồng, cha mẹ vợ đều được
gọi là cha me, cùng một từ như cha mẹ ruột. Cha mẹ gọi con dâu hay
con gái với một từ chung là con. Từ con do cha mẹ gọi ra không có sự
phân-biệt con trai hay con rể. Việc gọi chung từ con, cha, mẹ
không thể là sự ngẫu-nhiên của ngôn-ngữ, mà là một điểm son của
văn-hóa gia-đình. Việt-nam rất giàu từ-ngữ để chỉ sự khác biệt về sự
liên-hệ gia-đình gián-tiếp như: nội-ngoại, bác-bác, chú-thím,
cậu-mợ, cô-dượng, dì-dượng, anh-chị ...
-
Thực-tế có sự khác-biệt về
tình-cảm và huyết-tộc giữa cha mẹ ruột với cha mẹ chồng hoặc cha mẹ
vợ, nhưng tập-tục và đời sống khi thực-hành chữ hiếu đã nâng tứ thân
phụ mẫu ngang hàng với nhau:
-
Phụ-mẫu thiếp cũng như phụ-mẫu
chàng,
-
Hai bên phụ-mẫu tạc bốn chữ
vàng thờ chung.
-
-
Ngay cả khi vợ chồng xa nhau rồi,
lòng hiếu với cha mẹ đôi bên cũng không hề thay đổi. Đáng cảm-phục
thay tình gia-đình của người bình-dân Việt-nam.
-
Phụ-mẫu tình thâm,
-
Phu-thê nhân ngãi trọng,
-
Một mai anh có xa em rồi, em
thờ vọng mẹ cha.
-
-
Anh đi ghe cá cao cờ,
-
Ai nuôi cha mẹ, ai thờ tổ-tiên?
-
-
Phụng-thờ tổ-tiên là điểm đặc-biệt
của văn-hóa Việt-nam. Người bình-dân sống tự-nhiên thoải mái với việc
cầu Trời và thờ Ông bà tổ-tiên của mình. Xem việc phụng-thờ ông bà
tổ-tiên là lối sống tự-nhiên, là một phương-cách biểu-lộ lòng hiếu-thảo
với cha mẹ. Khi cha mẹ, ông bà đã qua đời, hiếu được bày tỏ qua sự
tôn-kính phụng thờ:
-
Công danh hai chữ tờ-mờ,
-
Lãy gì khuya sớm phụng thờ tổ-tiên.
-
-
Khi cha mẹ già yếu thường ở chung với
con cái. Khi cha mẹ ốm đau con cái tự tay săn-sóc. Khi cha mẹ lâm-chung
con cái thường gần-gũi bên cạnh. Nếu không được như vậy thì ít nhất cũng
phải chịu tang. Kim-Trọng từ-giã Thúy-Kiều để về thọ tang cha, Nguyễn
đình Chiểu bỏ thi để về chịu tang mẹ.
-
Chữ rằng: vấn tổ tầm tông,
-
Cháu con nỡ bỏ cha ông sao đành.
-
-
Đau xót nhất là sự chia xa đôi ngả âm
dương. Chúng ta từng biết nhiều bài điếu văn xót-xa thắm-thía giữa người
ở lại khóc kẻ ra đi. Trong văn-chương bình-dân cũng có vài bài văn tế.
Đặc-biệt nhất là bài ca-dao tế mẹ: lời lẽ thiết-tha, ý-tình thống-thiết:
-
-
Trời hỡi Trời ! Sao dời vật đổi.
-
Nên chi cỏ héo hoa sầu !
-
Kể từ ngày nương tựa lều tranh
-
Công ơn mẹ kể không xiết kể !
-
Tuần cay đắng chín trăng có lẻ
-
Chữ sinh-thành nghĩa mẹ tày non
-
Bên ướt mẹ nằm bên ráo phần con.
-
Mẹ nuôi con vuông tròn khôn lớn
-
Cho con xin đền miếng ngọt mùi
ngon.
-
Nào hay đâu bóng xế đầu non
-
Trong phút chốc đã phân chia đôi
ngả!
-
Đêm năm canh nghe con ve kêu
giục-giã
-
Ngày sáu khắc nhìn đèn hắt-hiu!
-
Con đương mơ-màng, sực tiếng mẹ
kêu
-
Muốn tìm mẹ, tìm sao đặng mẹ ?
-
Ba tấc đất, táng an theo lệ
-
Tấm lòng thành chưa thỏa lòng con.
-
Chốn mộ phần con gởi nước non
-
Một chén rượu ngọt, giã-từ thân mẹ.
-
Ô hô ! Ai tai ! Phục duy thượng
hưởng!
-
Xa đồng mà không trông thấy ! U hu!
-
Mai đà hạc lánh hình du
-
Tây phương đất Phật, mẹ đi không
về!
-
-
Mồ yên mả đẹp cũng là một hình-thức
báo hiếu. Điều này vẫn còn ở trong lòng những người con phải đi
lập nghiệp phương xa. Khi điều-kiện kinh-tế cho phép, một trong những
việc hiếu đầu-tiên là chỉnh-trang nhà thờ và lăng-mộ tổ-tiên.
-
Ơn cha ba năm tình thâm lai-láng,
-
Nghĩa mẹ đậm-đà chín tháng cưu
mang.
-
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
-
Biết lấy chi đền nghĩa khó-khăn,
-
Đôi đứa ta lên non xắn đá, xuống
xây lăng phụng thờ.
-
-
Việc kỵ-giỗ, chú trọng đến lòng
kính-mến nhớ thương. Bàn thờ lạnh-tanh, không hương khói ấm cúng, là
điều đau lòng cho con-cái.
-
Ngó lên nhang tắt, đèn mờ,
-
Mẫu thân đâu vắng, bàn thờ lạnh tanh.
-
-
Ngay cả cổ bàn khi kỵ-giỗ cũng
đơn-giản thôi. Đó là những món ăn thân-thiết, bình-dị, dân-dã trong đời
sống hằng ngày như rau muống, nước tương mà cô thôn-nữ đã dùng để
phụng-dưỡng cha mẹ già.
-
Nhà em có vại cà đày,
-
Có ao rau muống, có đày chum
tương.
-
Dù không mỹ-vị cao-lương,
-
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh
em.
-
Một nhà vui-vẻ êm-đềm,
-
Đói no tùy cảnh, không thèm lụy ai.
-
-
Chỉ những người giàu sang, mới có cổ
bàn đầy xôi thịt:
-
Cồng-cộc bắt cá dưới bàu,
-
Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo.
-
-
Trong việc thờ phụng hiếu với mẹ cha
được xem trọng hơn là nghĩa vợ chồng:
-
Anh chết ba năm sống lại một giờ,
-
Để xem người ngọc phụng-thờ ra sao
?
-
Thờ chàng đĩa muối đĩa rau,
-
Thờ cha kính mẹ mâm cao cỗ đầy.
-
-
Kỵ-giỗ là một phương-cách tuyệt-vời
để duy-trì và phát-huy tinh-thần gia-tộc. Trong mùi trầm hương lâng-lâng
ngào-ngạt của một lễ giỗ rất dễ cho ta nhận ra tinh-thần ông bà tổ-tiên
hiện-hữu qua hìng-dạng, qua phong-cách của chúng ta và của đám con cháu
đang quay-quần trước bàn thờ. Vì tính-cách nhân-bản và thiết-thực của
việc thờ cúng ông-bà tổ-tiên, mà các tôn-giáo khi du-nhập vào Việt-nam
đã dễ-dàng hòa-đồng với niền tin này. Nho, Thích, Lão đã được thờ chung
với ông-bà tổ-tiên. Gần đây giáo-quyền Công-giáo đã có tông-thư để
giáo-hữu tham-dự hay tổ-chức lễ giỗ ông-bà tổ-tiên. Dù theo tôn-giáo
nào, người Việt-nam cũng giữ việc thờ-kính tổ-tiên.
-
- 6. Phân vân
giữa hiếu và tình
-
-
Đã có nhiều thiếu-nữ quyết-định không
lập gia-đình riêng vì muốn gần-gũi cha mẹ để lo tròn chữ hiếu. Thay cha
mẹ để nuôi dưỡng em-út cũng là một cách thực-hành chữ hiếu. Cũng có
nhiều người chị cả không chịu lấy chồng, ở vậy để nuôi-nấng đàn em khi
mẹ cha không may đã qua đời quá sớm.
-
Ơn hoài thai như biển,
-
Ngãi dưỡng-dục, tợ sông.
-
Em nguyền ở vậy phòng không,
-
Lo đàng cha mẹ cho hết lòng phận
con.
-
-
Ơn mẹ như biển, nghĩa cha như sông.
Biển bao-la rông lớn hơn sông. Ơn mẹ thật-sự lớn hơn nghĩa cha.
-
Niềm kim thạch, nghĩa cù lao,
-
Bên tình bên hiếu, ở sao cho tuyền.
-
-
Con trai mới lớn, còn ở với mẹ cha
đôi khi gặp khó-khăn giữa việc: hiếu với mẹ cha hay trọn tình với người
yêu:
-
Chim kêu ải Bắc, non Tần,
-
Nửa phần thương mẹ, nửa phần
thương em ?
-
-
Thì người con gái thường giúp cho
người yêu hoàn-thành chữ hiếu để giữ trọn chữ tình:
-
Anh đà có vợ hay chưa,
-
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt-ngào?
-
Mẹ già anh ở nơi nao?
-
Để em tìm vào hầu-hạ thay anh.
-
-
Người con trai muốn sống trọn hiếu và
tình, thường đặt câu hỏi với người yêu để thay cho lời trần tình, hay
lời cầu xin:
-
Đèo nào cao cho bằng đèo Châu-đốc,
-
Đất nào dốc cho bằng đất Nam-vang.
-
Một tiếng em than: hai hàng lụy
nhỏ,
-
Anh có mẹ già biết bỏ ai nuôi.
-
Nước chảy xuôi, con cá buôi lội
ngược,
-
Anh muốn thương nàng, biết được
hay không?
-
-
Các nàng này thực-tế và khôn-ngoan,
biết rằng con trai khi đã hiếu với mẹ thì thường yêu-thương và chung
tình với vợ, nên các nàng không ngần-ngại trả lời:
-
Mẹ già là mẹ già chung,
-
Anh lo thang thuốc, em giùm cháo
cơm.
-
-
Mẹ già hai đứa nuôi chung,
-
Đứa lo cơm cháo, đứa giùm
thuốc-thang.
-
-
Tự-lực văn-đoàn với chủ-trương ‘hoàn-toàn
theo mới’ đã nặng tay đả-kích cảnh mẹ chồng nàng dâu của ảnh-hưởng
Nho-giáo, mà bỏ qua những tình-hiếu đẹp-đẽ của nàng dâu và mẹ chồng
trong nếp sống bình-dân.
-
Trong ca-dao tình và hiếu giao-hòa
với nhau, tạo nên tình gia-đình trìu-mến hạnh-phúc. Nhiều thiếu-nữ cũng
gặp khó-khăn trên. Họ đòi hỏi người yêu phải thông-cảm:
-
Chàng ơi: ơn thầy ba năm cúc-dục,
-
Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang.
-
Ai đền ơn cho thiếp,
-
Mà nhủ thiếp trao ân tình.
-
-
Chẳng lo thân bậu với qua,
-
Lo chút mẹ già đầu bạc tuổi cao.
-
Chim còn mến cội mến cành,
-
Anh cũng biết cho em
-
Còn mến nghĩa sinh-thành của mẹ
cha.
-
-
Cho đến ngày cưới, người con gái
thích thưa trình và tạ ơn cha mẹ trong khuông phép lễ-nghi của gia-đình.
-
Con lạy cha hai lạy một quỳ,
-
Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng.
-
-
Nếu có người con gái nhẹ dạ theo
chàng, nàng phân-vân đặt câu hỏi cho chính mình hay cho chàng:
-
Nhớ hồi mẹ đẻ thiếp ra,
-
Nhai cơm sún nước, lớn mà chừng ni.
-
Nghe lời chàng, bỏ mẹ ra đi,
-
Thất hiếu với phụ-mẫu,
-
Có hề chi không, hỡi chàng ?
-
-
thì người thanh-niên cũng nhẹ-nhàng
khuyên-nhủ người yêu hãy lo công cha nghĩa mẹ trước:
-
Công cha nghĩa mẹ ai đền,
-
Mà em ôm áo, ôm mền theo anh?
-
-
Với người con gái chữ hiếu thường
nặng hơn chữ tình:
-
Công sinh-dục bằng công tạo-hóa,
-
Có mẹ cha, sau mới có chồng.
-
Em nhớ khi dìu-dắt ẳm bồng,
-
Nay em lao-khổ não-nùng, không
than.
-
-
Nếu tình-duyên trắc-trở, thì
phụng-dưỡng mẹ già cũng là một phương-cách giải-quyết tốt đẹp:
-
Nên thì lập kiểng trồng hoa,
-
Chẳng nên đá kiểng trồng cà dái dê.
-
Chẳng nên thiếp trở lộn về,
-
Dưỡng nuôi từ-mẫu trọn bề hiếu
trung.
-
- 7. Hiếu
và bỏ nhà đi tu
-
-
Đi tu đối với người bình dân là cắt
đứt mọi liên-lụy tình-cảm, trong đó có tình gia-đình. Điều này không
được chấp-nhận. Đối với họ: hiếu cũng là tu. Đạo hiếu thực-tế hơn.
-
Tu đâu cho bằng tu nhà,
-
Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.
-
-
Hiếu là đạo sống của người bình-dân
Việt-nam. Nếu phải lựa chọn, chắc-chắn người con có hiếu sẽ chọn việc
đền-đáp công-ơn mẹ trước khi bỏ nhà lên chùa với Phật.
-
Lên chùa thấy Phật muốn tu,
-
Về nhà thấy mẹ công-phu chưa đền.
-
-
Chính giáo-lý nhà Phật cũng quan-niệm:
cha mẹ ở nhà như là Phật ở trần thế:
-
Có hai Phật sống trong nhà:
-
Sớm hôm lễ niệm đi xa đâu cần.
-
Hoặc mạnh-dạn và rõ-ràng hơn:
-
Cha già là Phật Thích-ca,
-
Mẹ già đích thị Phật bà Quan-âm.
-
-
Nếu phải lo tròn chữ hiếu rồi mới
được vào chùa, thì việc tu-hành sẽ khó đạt được với người con có lời
cầu-xin cha-mẹ sống đời với con:
-
Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,
-
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
-
-
Và như vậy, dù cha mẹ không sống đời
với con thì trách-nhiệm với cha mẹ cũng còn mãi cho đến ngày để chế mang
tang cho cha mẹ:
-
Một mai bóng xế cội tùng,
-
Mũ rơm ai đội, áo thùng ai mang.
-
-
Và nếu đã đi tu rồi, thì cũng khó
tránh được miệng tiếng của thế-gian:
-
Tiểu kia đến ở chùa ta,
-
Một là giận mẹ, hai là giận thân.
-
Đêm nằm mà nghĩ xa gần,
-
Con người như thế đem thân ở chùa.
-
Ở chùa ăn những tương chua,
-
Ăn rau muống héo, ăn dưa cần già.
-
Sao không nghĩ đến cửa nhà,
-
Bát cơm manh áo, mẹ già ai nuôi?
-
-
Có suy-nghĩ xa gần đó, nhưng vẫn thấy
việc lo bát cơm manh áo cho mẹ già là quan-trọng hơn, là đáng làm trước
khi đem thân ở chùa.
-
Chúng ta phải nể-phục người bình-dân
trong việc hội-nhập giáo-lý Phật-giáo vào văn-hóa dân-tộc.
-
- 8. Một
triết-lý dân-tộc Việt trong ca-dao
-
-
Trên đây chúng tôi chỉ sưu-tập và
trình-bày sơ-lược một số câu ca-dao theo chủ-đề chữ hiếu, chưa đến lúc
đi sâu vào nội-dung từng bài để tổng-hợp rồi trình-bày như là một
quan-điểm triết-lý cho đời sống của người bình-dân Việt-nam. Thật ra
người bình-dân không cần những điều mà tôi muốn làm. Họ chỉ cần những
bài ca để ru con. Những bài ca chan-chứa tình người, tình gia-đình. Họ
hát lên như một lối trình-bày, như một lời cầu mong, như một sự gởi-gắm.
Họ mong rằng con cháu nghe qua, tự rút ra cho mình những tình-cảm, những
phương-cách sống về sự liên-hệ giữa con cái với cha mẹ, ông bà.
-
Nhưng không phải vì sự bình-dị,
đơn giản của người bình-dân mà chúng ta lại cho rằng người Việt-nam
không có một nền triết-học dân-tộc như của Tàu, của Tây. Họ có đó,
nhưng muốn hiểu được triết-lý của họ, chúng ta phải trở về với họ
bằng tâm-tình, bằng hồn dân-tộc, hơn là bằng khoa-học lý-trí.
Tôi cảm thấy không vui lúc biết các cụ đồ Nho đùa-bỡn văn-học
bình-dân bằng câu: Nôm-na là cha mách-qué, Mách-qué là mẹ nôm-na.
-
Ngày nay chủ thuyết vô gia-đình và tự-do
cá-nhân đã đưa đến cảnh: con phê-phán mẹ cha, hoặc thoát-ly gia-dình quá
sớm. Cả hai chủ-thuyết trên đã làm tan-rã gia-đình, gây nhiều khó-khăn
cho đời sống của con-cái và làm lung-lay lòng hiếu-thảo của người
Việt-nam.
- Nguyễn
văn Mỹ
- 10,
2007
- Tài-liệu
tham-khảo:
- -
Phong-tục miền nam qua mấy vần ca-dao của Đào văn Hội do Nhà sách
Khai-trí, Saigon 1961.
- -
Việt-nam thi-văn hợp tuyển của Trần trọng Kim do Bộ Giáo-dục tái-bản,
Sài-gòn 1968
- -
Kinh thi Việt-nam của Trương Tửu, do Xuân-Thu tái-bản, Texas 1984.
- - Về
với Ca-dao của Duyên Anh do Vũ Trung Hiền xuất-bản, California 1995.
- -Kho
tàng ca-dao người Việt của nhóm Nguyễn xuân Kính do Văn-hóa
xuất-bản, Hà-nội 2001
- -
Hương Hoa Dân Việt của Lã Mộng Thường do Xuân-Thu phát-hành,
Texas, không ngày tháng.
- -
Ngôn-sứ Thời-đại Mới của Nguyễn Chính Kết do Hy-vọng xuất-bản,
Hoa-kỳ 2001.
- -
Sưu tập Ca dao Việt-nam của Hà Phương Hoài trong e.cadao.com, Chicago
2003
|
|