- Giữa Khổ và
Ðau: Một Ý Nghĩa về Mục Kiền Liên
Trước khi ca sĩ Quang Thắng trình
diễn cho chương trình Ðóa Hồng Cho Mẹ nhân dịp lễ Vu Lan cho trung
tâm văn hóa Phật Giáo Liễu Quán ở San Jose, California tổ chức, anh đã đến
chùa để làm lễ cầu siêu cho mẹ của anh. Khi anh cất tiếng hát bài Mục
Kiền Liên để mở màn cho chương trình Vu Lan, một âm sắc rất đặc
biệt được trỗi lên, mở ra một thông điệp tình cảm cho suốt cả buổi
hôm đó. Một âm sắc chân chất và mạnh mẽ, trong sáng và đậm sâu,
không uỷ mị, không bi đát. Từ dáng người của anh, đến tiếng rung sâu
trong âm cảm, Quang Thắng đã đưa câu chuyện Mục Kiền Liên vào một
cơ năng vượt thắng từ cái đau (pain) của cá nhân thành sự khổ
(suffering) của con người.
Biên giới giữa đau và khổ vốn
khó mà phân định. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai là một yếu tố quyết
định cho cơ sự tiến hóa của tâm thức con người. Trong cõi nhân gian thường
nhật, chúng ta vốn bị lẫn lộn để pha trộn cả hai thứ vào nhau - như
là trộn cát vào cơm cho những bữa ăn sinh hữu. Và từ đó là bối cảnh
và gốc rễ của những khó khăn cho sự trưởng thành tình cảm và cá
tánh của con người.
Từ cái đau của cá nhân chúng ta
ôm chặt lấy bản thể chủ quan và vị kỷ. Ðạo Phật không nằm ở chổ
đó. Ðức Phật khi khai mở Khổ Ðế, Ngài đã chỉ cho con người thấy cái
bản chất phổ biến và không tránh khỏi cho con người trong màn ảo vọng
của vô minh và vị kỷ. Cái cơ bản là vậy: Khổ (Duhkha) là điều kiện
khởi đi mà trong đó không có một đơn thể có thực chất nào làm chủ
hay chịu đựng cả. Cái "ta" bị trôi giạt trong biển luân hồi chỉ
là ảo vọng của tâm thức, và chính cái ảo vọng này tiếp nhận sự khổ
thành ra cái đau cho chính mình.
Isha de Lubicz, trong cuốn The
Opening of the Way (1979), phân định rỏ ràng những khác biệt quan trọng
và cơ bản giữa khổ và đau:
Cho mỗi hình thức vị tha
chân thực thì có một sự giả dạng của vị kỷ. Từ Bi (Compassion) có
nghĩa rằng trong mối tương đồng của tâm thức, chúng ta cảm nhận được
cái khổ của kẻ khác. Nhưng chỉ những ai thực sự yêu thương bằng một
Tình yêu không dựa trên cái ta (impersonal Love), không mang một bóng dáng phản
ứng vị kỷ, mới có thể đem trái tim mình đến với tha nhân nhằm làm
nhẹ cái khổ của họ bằng lòng Từ Bi có hiệu quả.
Nhưng hãy đừng nhầm lẫn giữa khổ
và đau. Ðau là kết quả của mất quân bình, hay là bất hòa, giữa ước
vọng cá nhân đối với ý chí siêu hình nội tại. Ðau có thể là kết quả
của nghiệp căn hay là của vô minh đang là; nhưng tâm thức có thể vượt
qua cái đau dù rằng cái khổ thì không tránh khỏi. Ðau là sự phản ứng
của cá tánh trên mặt thể xác hay là tình cảm. Nhưng khổ là sự vật lộn
trong điều kiện phân chia giữa điều kiện thực tại đối với điều kiện
mà cá nhân muốn đạt đến, và cái nỗ lực muốn trở lại toàn hảo tạo
nên mối căng thẳng này.
Khi có sự phản kháng trên bình diện
cá nhân, thân thể hay đạo đức, thì kết quả là đau; nhưng nếu điều
kiện này được chấp nhận thì cái đau có thể sẽ được loại trừ để
chuyển hóa thành nỗi khổ. Khổ chính là một sự thử thách (trial); và sự
đối ứng nghiêm túc trong trường hợp này có thể biến thử thách thành
niềm hoan lạc. Khổ là trường học và là điều kiện cần có cho tâm thức.
Từ Bi đồng ý sinh nghiệm những thử thách của sự khổ của nhân loại
để thăng hóa chúng. Ðó là một hành động Yêu thương chân thực.
Tội nghiệp (pity) là sự phản ứng
cá nhân đối với sự khổ của kẻ khác như là chính ta đang khổ. Nó là
một phản ứng vì sợ hãi rằng cái đau như thế có thể đến với ta,
hay là sự nhìn xuống như là một ân nhân cáo từ chính mình trong hân hạnh.
Tất cả chỉ là một ấn tượng cá nhân và phán xét thuần vị kỷ hơn là
vì cho tha nhân.
Này nghe: làm sao mà con người, vốn
biết rất ít ỏi, lại có thể thấy được cái lẽ của trùng trùng nhân
duyên và nghiệp quả? Những vị Thầy của Từ Bi, từ bỏ cõi an lạc của
họ, để bước vào cõi sinh hữu thế gian nhằm chia sẻ với cái khổ của
con người, sẽ không tước bỏ giúp cho chúng sinh những thử thách của cuộc
đời vốn là cần thiết cho sự tiến hóa của tâm thức....Với Từ Bi,
con người có thể thăng hóa (transmute) cái khổ của mình đến với sự nhận
thức trong ánh sáng của tinh thần. (A Practical Guide to the Wisdom Teachings
of Ancient Egypt).
Cái mà Lubicz nói là từ nguồn
trí tuệ thượng cổ Ai Cập. Ðức Phật cũng nói như vậy. Khi không có ý
thức về cái khổ mà chỉ có biết, kinh nghiệm, và quan tâm với cái đau
cá thể, chúng ta giới hạn chính mình vào cơ năng thân xác và cuộc đời
này như là một sự thể tối hậu và nắm lấy sự kiện cuộc đời là tất
cả. Ðể từ đó, ý chí tránh cái đau, tìm khoái lạc, là cứu cánh cho cuộc
đời. Ðó là nguồn gốc của bao nhiêu là cái đau khác. Cái đau, cái lạc
này là nguyên nhân cái đau khác, biến thể và gia tăng thiên hình vạn trạng,
lôi cuốn chúng sanh vào trong biển sống của sinh tồn không lối thoát. Và
nhân loại chỉ còn là một sở thú không có chủ đích vượt qua cảm cảnh
thuần giác quan.
Câu chuyện Mục Kiền Liên
mà Quang Tuấn hát là một vở kịch của địa ngục thế gian mà trong đó
tình cảm vị kỷ cá nhân của con người là cánh cửa đưa chúng sinh vào.
Lúc mà cơm hóa thành than khi đưa lên miệng vì ngọn lửa tham dục, thì chỉ
có cái tâm Từ Bi mới có thể cứu độ. Khi đó, mẹ của mình thăng hóa
thành tình cảm phổ quát thiêng liêng trong liên đới giữa người và người,
chứ không phải là của riêng ta. Mục Kiền Liên là tình yêu của Mẹ biến
thành tha nhân. Ta phải vượt qua cái vị kỷ thì có thể có ý thức về
Phật tổ, tức là tâm từ bi. Khi Mục Kiền Liên "lạy Phật" xin
Ngài cứu mẹ chính là lúc mà cá nhân lấy ánh sáng tâm linh để vượt
qua biển sâu nghiệp quả.
Trong Tân Ước, John VI, có kể:
"Khi chiều xuống, các đệ tử đi ra biển vùng Capernaum, trong bóng đêm
tối tăm, và Jesus chưa đến với họ. Và sóng biển đang dâng cao bởi một
trận cuồng phong đang thổi qua. Khi họ chèo được một khoảng, họ trông
thấy Jesus bước đi trên mặt biển, đến gần tới thuyền, và họ sợ
hãi. Nhưng Jesus nói, Ta đây, đừng sợ. Thế rối họ đón Ngài lên thuyền;
tức thì thuyền đậu vào bờ, nơi mà họ muốn đến." Ở đây, hãy
để ý đến chữ "tức thì." Trong Pháp Hoa có nói rằng, nếu
ai đi qua biển lửa, niệm danh Quan Thế Âm thì lửa sẽ "tức thì"
dập tắt. Cuồng phong giữa biển cũng là ngọn lửa của ái dục vị kỷ.
Chúa Jesus, Quán Thế Âm là tâm Từ Bi giúp ta vượt qua những tai họa trần
gian vốn có khả năng nhận chìm tất cả nếu không có ánh sáng tâm linh.
Ý nghĩa chỉ có một trong hai ẩn dụ khác nhau.
Cái đau của Mục Kiền Liên chỉ
là một ẩn dụ, như chuyện Chúa Jesus đi trên mặt biển, hoàn toàn không
có tính sử kiện. Khi nghe Quang Tuấn hát trong chân tình và trong suốt về
ẩn dụ này, tôi nghe tới một âm sắc khơi mở tâm Từ Bi về cái khổ của
con người trong vô minh và vọng tưởng bởi ngã chấp cá nhân, vị kỷ, chỉ
có biết cái đau của mình mà không thấy được cái khổ của kiếp người.
Mỗi cuộc đời chúng ta chỉ là một ẩn dụ đặc thù, một phản ảnh từ
tâm thức trong một biển lớn bao la của vô minh và vọng tâm.
Xin cầu nguyện trong ánh sáng của
tâm từ rằng Quang Tuấn là ca sĩ của tinh thần, đóng góp phần nào giúp
người Việt Nam vượt qua cái đau thuần tiêu cực và vị kỷ, đến với
một năng lực tinh thần cao hơn - cho tiếng hát của mình lướt đi trên mặt
biển trong cơn bão tố của biển Capernaum vốn chứa đầy những âm hưởng
uỷ mị, bi đát từng đã nhận chìm nhân gian này quá lâu - để nghiệm
được ý nghĩa thiêng liêng của cơ sự làm người trong cái biển khổ
sinh hữu này.
http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/muckienlien.htm