Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

PHẢI CHI CON CÒN CÓ MẸ

Nguyên Thảo

Tôi là  một đứa bé mồ côi! Tôi mồ côi cha lẫn mẹ! Tôi đã mất cha từ khi tôi còn nhỏ, còn rất nhỏ. Cha tôi mất vì một trái mìn trên đường làng khi người đang bương chải để kiếm tiền về nuôi gia đình. Cha tôi chết khi tôi mới lên ba tháng. Mẹ tôi vừa khóc chồng, vừa phải đùm bọc lấy tôi. Tôi ra đời bằng những bất hạnh cho cha, cho mẹ, và cho cả chính tôi. Mẹ tôi phải nhiều vất vả, lăn lộn trong hoàn cảnh cô đơn ấy để cố gắng nuôi tôi lớn lên. Tôi lớn lên với tất cả sự hi sinh của người.

Ngày tôi lên ba, tôi thật là vô tư, tôi không nhớ rõ  những nét mặt của mẹ tôi. Tôi chỉ mang máng cái dáng thon thon, có đôi mắt to, có cái miệng cười rất tươi, có cái gương mặt sáng rỡ, nhất là sóng mũi của mẹ ai cũng khen đẹp. Thân hình của mẹ hơi gầy chắc vì mẹ phải tảo tần buôn bán để nuôi con. Tôi chưa kịp ghi những hình ảnh mẹ sâu vào ký ức thì mẹ tôi lại mất. Mẹ mất đi sau một cơn bệnh không kéo dài. Thế là tôi trở thành đứa bé mồ côi cha lẫn mẹ!

Ngày làm  đám tang mẹ tôi, tôi không biết gì. Cậu lo tất cả. Tôi được quấn lên đầu vành khăn trắng gọi là để tang cho mẹ. Đôi lúc tôi nhớ mẹ, tôi hỏi những người quen: "Mẹ con đâu?". Người ta không trả lời mà người ta lại khóc. Người ta nhìn tôi thật nhiều! Ai cũng trìu mến tôi cả! Sao mà người ta hay ôm tôi vào lòng, người ta vuốt ve tôi, rồi người ta lại chảy nước mắt? Điều ấy về sau khi tôi lớn lên tôi mới hiểu được tận tường.

Tôi còn nhớ  buổi xế chiều chôn mẹ, bầu trời nhiều mây của những ngày mùa thu. Mẹ tôi đi vào lòng đất chắc hẵn còn tiếc nuối lấy tôi. Người đang buồn theo cơn gió heo may. Người lặng lẻ theo đám mây trôi nhè nhẹ. Mọi người nhìn tôi rồi thở dài, lắc đầu!

Vào lúc  ấy tôi rất là vô tư. Tôi cũng không hề khóc mặc dù những người chung quanh đang khóc cho tôi. Tôi cũng không biết khóc mặc dù mẹ tôi đang vĩnh viễn xa tôi rồi! Tôi không khóc chỉ vì "Tôi không biết khóc", để rồi sau nầy tôi "khóc", tôi khóc cho mẹ và cho chính cuộc đời của tôi.

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi  đã qua đời!

Lần  đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi. 

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi... 

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Mất cả  một bầu trời. 

Khi tôi  được đọc bài thơ trên của Thanh Tịnh trong tập sách nhỏ "Bông Hồng Cài Áo" của Nhà Sư Thích Nhất Hạnh, tôi lại ngậm ngùi và thương khóc cho mình. Nhưng thuở ấy tôi còn quá nhỏ, nên tôi không thể "Im lặng tôi sầu thôi. Để dòng nước mắt chảy. Là bớt khổ đi rồi..." mà tôi chỉ "Tôi thấy tôi mất mẹ. Mất cả một bầu trời". Bầu trời ấy mỗi năm tôi mỗi nhìn lại được, nhưng mẹ tôi đã vĩnh viễn xa tôi, dù là trong ký ức của tôi. Tôi chỉ nhìn thấy mẹ, thấy cha bằng những hình ảnh không lớn lắm trên bàn thờ!

Sau khi chôn mẹ xong, cậu đưa tôi về nhà. Nhà bây giờ trở nên vắng vẻ. Mẹ không còn ngồi cạnh giường nữa. Chiếc giường ấy đã nhiều đêm mẹ kéo mền lại đắp cho tôi, mẹ kéo tôi ôm vào lòng, mẹ hỏi: "Có lạnh không con?". Bây giờ tôi không thấy mẹ, tôi thiếu mẹ thôi!

Tôi không biết cậu tôi bàn tính gì với những người bên nội tôi. Nhưng sau đó cậu tôi đưa tôi về ở với gia đình cậu. Cậu tôi chở tôi về nhà trên chiếc xe gắn máy cùng với người anh con của cậu. Cậu mợ tôi cũng thương tôi lắm! Những đêm đầu tôi thường hay khóc vì mẹ không còn nằm bên tôi. Tôi không còn ngủ với mẹ. Tôi nhớ mẹ! Tôi hỏi mẹ! Cậu ngủ với tôi mà cậu cũng khóc.

Rồi cái gì cũng quen đi! Tôi dần dần lớn lên trong gia đình của cậu, bằng tình thương của cậu mợ, bằng sự thân thiết của anh chị con của cậu.

Nhờ  tính tình của tôi không tranh giành, háo ăn mà lại chân thật, không sanh nạnh nên dù phải cưu mang tôi trong thời gian dài cậu mợ tôi vẫn thương yêu tôi, các anh chị họ của tôi cũng không hề giận dỗi tôi. Người ta bảo là tôi ngoan lắm! Nhưng tôi vẫn không biết thế nào là ngoan!

Sắp đến ngày tựu trường, học trò sắp đi học. Tôi thấy cậu mợ tôi nhiều lúc ngồi bàn tính chuyện gì lâu lắm! Rồi một hôm, cậu bảo tôi: "Mai mốt cậu dẫn con đi học, con chịu không?". Tôi nói "Chịu" vì tôi thấy những đứa học trò đi học đi ngang nhà cười đùa vui vẻ thì tôi thích, chứ tôi chưa biết đi học là thế nào. Rồi cậu tôi cũng mua cho tôi vở, viết và dẫn tôi đến nhà trường ghi tên để đi học. Thế là tôi được đi học chung với con của cậu tôi và những đứa bạn ở chung xóm.

Ngày  đi học, những đứa trẻ khác cỡ bằng tuổi tôi, chúng quấn quít, khép nép bên chân cha hay mẹ, chúng nhỏng nhẽo với cha mẹ chúng. Còn tôi, tôi chỉ quanh quẩn đi theo cậu. Tôi chỉ được gọi tiếng "cậu" thôi. Tiếng "ba" tiếng "mẹ" tôi đã bỏ mất tự lâu rồi! Tôi nghe chúng gọi cha mẹ chúng mà tôi thèm, tôi thèm gọi lên tiếng ba má hay cha mẹ, nhưng bên cạnh tôi chỉ có cậu tôi thôi. Lòng tôi buồn buồn mà ước mơ: Phải chi bây giờ tôi còn có mẹ!

Rồi suốt những năm dài đi học trên trường làng. Cậu mợ tôi lo cho tôi nhiều lắm! Cậu mợ lo cho tôi cũng như lo cho con của cậu mợ. Từ áo quần đến sách vở, cơm nước; cậu mợ vẫn không phân biệt tôi và con của cậu mợ. Khi tôi dần lớn lên tôi cũng hiểu được phần nào, tôi cảm thấy lòng mình buồn, nhưng tôi chẳng biết làm sao? Nên tôi chỉ cố gắng học để làm vui lòng cậu mợ. Và những năm ấy tôi cũng có rất ít bạn bè. Khi chúng bạn kể chuyện nầy chuyện kia, chuyện cha dẫn đi đâu, mẹ may áo mới hay mẹ dẫn đi chợ hoặc cho cái gì, tôi đều ngồi lặng thinh mà nghe "lòng mình nhỏ lệ". Điều đơn giản, bởi vì tôi không còn có mẹ, có cha. Chính vì vậy mà tôi không dám ngồi lâu để tán dóc với bạn bè. Nếu tôi còn có mẹ thì thái độ tôi đã khác hẳn đi rồi!

Có những ngày buồn, tôi ngồi cố nhớ lại những nét, dáng dấp của mẹ tôi. Tôi nghe âm vang tiếng của mẹ, gương mặt của mẹ mờ mờ ẩn hiện trong ký ức của tôi. Tôi còn nhớ rất ít những lúc mẹ nhìn tôi chơi mà mẹ cười, hoặc mẹ làm bộ giận dữ với tôi khi tôi phá phách, hoặc mẹ trìu mến trao cho tôi cái bánh, cái kẹo mẹ đã mua sau buổi bán ở chợ. Những hình ảnh ấy nhạt nhòa không phải vì nước mắt của tôi dành cho mẹ mỗi khi tôi nhớ đến mẹ, mà là vì tôi đã ghi không được rõ ràng từ trong trí nhớ của tôi. Nhưng ít ra tôi vẫn còn thấy được mẹ một phần nào. Đó là một điều may mắn cho tôi. Tôi không phải không nghĩ đến cha tôi. Tôi không làm điều bất công ấy, nhưng tôi lớn lên tôi không thường nói tiếng "ba", và tôi cũng không có hình ảnh, dáng dấp nào của cha tôi trong ký ức ngoài tấm ảnh trên bàn thờ. Người ta bảo là: "Tôi giống cha tôi như đúc", thế thôi!

Năm năm trường làng đã qua đi! Tôi trưởng thành thêm lên. Sự suy nghĩ của tôi cũng tăng tiến dần. Tôi có ý thức hơn. Chính vì thế mà tôi đã hiểu được cái nặng nề của cậu mợ phải đùm bọc cho tôi. Tôi quyết định, tôi không đi học nơi xa. Tôi bỏ học. Tôi bỏ học để cậu mợ tôi có đủ điều kiện lo cho các anh chị của tôi. Cậu mợ tôi thương cháu như vậy cũng là quý lắm rồi! Tôi bắt đầu vào đời. Tôi phụ giúp cậu mợ tôi làm công việc nhà, công việc đồng áng. Những lúc rỗi rãnh, tôi xuống ruộng kiếm cá, tép, cua hoặc theo những người câu hoặc lưới cá chơi vui với họ. Hay những ai cần giúp tôi sẵn sàng làm cho họ để có một ít tiền chi phí cho cuộc sống của tôi. Tôi cũng cố dành dụm để có thể giúp cậu mợ chút ít khi cần.

Cứ như  vậy đến ngày tôi thật trưởng thành. Tôi không học trong nhà trường nữa mà tôi lại học ngay trên trường đời. Những người lớn dạy tôi từ chú nông dân đến những bác lưới cá đi câu. Tôi học những vấn đề thực tế của cuộc sống. Người ta bảo tôi: "Đúng là con nhà mồ côi!". Lúc ấy, tôi không hiểu họ muốn nói gì. Nhưng sau nầy tôi đã hiểu. Chẳng qua là vì tôi không còn có cha, có mẹ. Tôi là một đứa bé mồ côi! Tôi phải tự lo lấy cho chính cuộc đời của tôi nên tôi có vẻ trưởng thành hơn những đứa bạn khác cùng tuổi tôi.

Hết thời niên thiếu, tôi lại bước vào giai đoạn thanh niên. Tôi không dám mơ mộng yêu đương. Tôi lờ đi những cô thiếu nữ. Tôi là thân phận mồ côi! Tôi phải cố gắng làm để mai nầy có một số tiền nho nhỏ; tôi còn cần lập gia đình, có con. Tôi không biết gì đến thời kỳ hoa bướm hay tuổi thanh xuân. Tôi không còn nhớ mẹ nhiều nữa. Thời gian mẹ mất cũng đã quá xa. Tôi lại cũng không có nhiều thời gian để ngồi nhớ mẹ!

Những buổi chiều ven sông, dưới tia nắng vàng vọt trải dài trên sóng nước, tôi đi như "Con cò lặn lội bờ sông" để tìm những con cá, con nghêu. Hay thấm thía các câu thơ: "Lặn lội thân cò khi quảng vắng. Eo sèo mặt nước buổi đò đông" của nhà thơ Trần Tế Xương. Tôi đi và đi một mình trên dòng đời với nỗi buồn không mẹ, không cha!

Một hôm rỗi rãnh, bạn rủ tôi đến chùa xem làm lễ Vu Lan. Vì hiếu kỳ mà đi, chứ thật ra tôi chưa bao giờ để ý đến cái chùa. Người đông cũng vui. Có những thiếu nữ chưng diện xinh xinh đi với mẹ. Khi ấy bỗng bóng dáng mẹ tôi lại hiện về trong ký ức của tôi. Tôi chơi vơi và cảm thấy bơ vơ giữa chốn đông người. Tôi là một gã mồ côi! Bạn tôi được người ta cài cho bông hồng đỏ, còn tôi phải cài bông hồng trắng vì tôi mất mẹ. Nhìn vào bông hồng trắng nho nhỏ ấy lòng tôi lại ước mơ: Phải chi tôi còn có mẹ!

Nhưng khi thấy những người cài bông hồng trắng như tôi, tôi cũng được an ủi phần nào. Tôi không còn buồn nữa vì  hôm này tôi được hiểu và cầu nguyện cho mẹ. Tôi được một lần báo hiếu cho mẹ. Mẹ tôi chắc cũng sẽ vui mừng và mĩm cười vì tôi vẫn còn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ trong ngày trọng đại "Báo Hiếu" nầy với tất cả những phương Tăng cùng bao nhiêu tứ chúng.

Mẹ tôi khom xuống nhẹ nhàng hôn lên trán của đứa con bé bỏng ngày nào: "Thương quá! Thương cho đứa con khốn khổ của tôi!". Rồi bóng mẹ lần mờ xa! Và mờ xa! Tôi thẩn thờ nhìn theo bóng mẹ, rồi cũng lại ước mơ: "Phải chi tôi còn có mẹ!" 

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/phaichiconconcome.html

 


Vào mạng: 31-8-2009

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang