Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
THƯ GỞI MẸ HIỀN

Mẹ ơi!

Vừa nhận được thư của bé Nguyệt và gia đình từ Việt Nam, lại thêm dự kỷ niệm ngày sinh nhật của Út Thố, hai chuyện làm cho con khó ngủ, nên ngồi ghi lại những cảm nghĩ của con đến với Mẹ. Một nguời mẹ mà cách đây ba mươi bảy năm đã cho em gái út chào đời, trong một ngôi nhà tạo dựng tương đối khá giả tại TRẠI VỆ BINH NAM VIỆT, tỉnh Sadec.

Vì nhọc nhằn mưa nắng, hơn nữa sanh đẻ nhiều nên lần này mẹ mang bệnh nặng, trong khi gia đình có mấy chị em, Ba đang đồn trú tại đảo Phú Quốc xa xôi không về kịp. Lúc ấy con còn nhỏ, không hiểu biết nhiều, chỉ biết rằng sinh đẻ khó khăn nên khi lâm bệnh, mẹ phải kiêng cử không dám ăn uống. Nhưng sau đó, mẹ lần lần bớt bệnh, lại tiếp tục lao vào cuộc sống, dành từng miếng cơm manh áo đem lại sự no ấm và đầy đủ cho một đàn con sáu đứa còn đang đi học.

Hôm nay, nhân dịp sinh nhật của Út Thố, anh em chúng con quây quần bên nhau nhắc lại những kỷ niệm xa xưa. Chúng con dự định quay phim cuộc họp mặt này gởi về cho mẹ hiền, để mẹ nhìn lại những núm ruột của mình đang sống xa quê hương hay nói rõ hơn là tha phương cầu thực.

Mẹ ơi! Tiếng kêu hai chữ ngắn ngủi, nhưng âm thanh vang vọng âm ỉ trong lòng mỗi đứa con xa quê một cách dữ dội, hình ảnh một nguời mẹ đầy đức độ, hiền lành, bỏ đi cả cuộc đời sung suớng, cam chịu khắc khổ, chay lạt để tìm một nguồn an lạc tự tại, một tâm hồn hướng thiện đang độc hành hướng về Phật đạo.

Nơi đây dù xa quê hương, chúng con đang sống cuộc đời vật chất đầy đủ, có cha và anh chị em; trong khi ấy, nơi quê nhà mẹ một mình dò từng buớc lên dốc núi chân đồi, tìm chân lý đạo mầu. Hai cảnh đời trái ngược, nhưng xét kỹ lại, những bước chân của mẹ được nở hoa như những bước chân của Phật Như Lai khi giáng thế, trong khi đó các con lên xe xuống ngựa, bon chen vào cuộc sống vật chất xa hoa đầy cám dỗ, hơn thua tranh chấp, đôi co từng lời nói...

Hai tấm gương phản chiếu hai cuộc đời, gương của mẹ không bóng bẩy xa hoa, giản dị mộc mạc, không chải chuốt lau chùi, nhưng rất là sáng, không thấy được mà có rất là hay. Còn gương của các con ghi lại bằng hình ảnh đầy màu sắc đẹp đẻ, nhưng không biết có tác dụng tốt hay không? Hay để mọi người xem cho vui và phê phán.

Cuộc sống của mẹ đơn sơ, vài bộ quần áo may bằng chính bàn tay cần cù của mẹ, nhưng được giặt giũ sạch sẽ, những bước chân tự tại nhẹ nhàng, không bị lôi cuốn vì dòng đời mà phải chạy cho mau lẹ, những bữa ăn đơn giản nhẹ nhàng, những làn hương ngạt ngào khi mẹ thắp nhang, những tiếng chuông thánh thoát trong giờ công phu chiều, mà ở quê nhà con vẫn hằng chờ nghe những âm ba vang dội cảnh tỉnh hồn con, như những áng mây lành bao quanh ngôi nhà để che chở, bảo vệ các con.

Những sự thiêng liêng cao cả vô hình ấy, không thể nói hết bằng lời và công đức này không thể tính đuợc bằng số. Kinh sách của Phật nói: “Công đức của Phật hằng hà sa số”, rõ ràng trước mắt, nhưng rất khó làm và khó thấy được. Mẹ như một bà tiên hiền lành mà con hằng ao uớc trong giấc mơ, hiện rõ trước mắt con hằng ngày từ mấy mươi năm, thế mà con như người mù không thấy, lại đi tìm trong mộng tưởng xa vời không thực. Chuyện Phật sống ở thế gian này có thật, nhưng mấy ai tin tưởng và biết được đạo nghĩa ấy đâu. Trong cuộc sống hàng ngày, giữ được đạo nghĩa cho thật tốt, thì sẽ là vầng mây lành, là truyền nhân mang đạo lý của Phật phủ mát thế gian này. Giữ đúng tâm đạo hiền lành trong sáng của Phật trong người sẽ vượt qua được bể khổ luân hồi phải không hở mẹ?

Những sự nhiệm mầu huyền diệu của cảnh giới đó rất khó thấy, khi lòng nguời còn mang nặng gánh sống bon chen, hơn thua, đòi hỏi nhiều về vật chất, tiền của để rồi phải phí tâm lực giữ gìn, bảo vệ, tính toán lọc lừa dành tư lợi về mình cho nhiều. Dù ở hoàn cảnh nào, con cũng khắc sâu vào tâm sáu chữ NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT của mẹ dạy để đánh đuổi những tư tuởng xấu xa gọi là ngạ quỷ vô hình xâm nhập vào mình, là lục dục thất tình sẵn sàng đưa con nguời vào chỗ sa đọa mà con cho đó là địa ngục trần gian.

Con cầu nguyện ơn trên gia hộ cho mẹ được sáng suốt, sức khỏe tốt để dùng sức ấy tạo dựng công đức Phật đã truyền cho nhân loại, mà mẹ đã nhận định được từ mấy mươi năm qua.

Chúng con xin gởi về Mẹ, bài hát: BÀ MẸ QUÊ của Phạm Duy, bài hát này anh chị em chúng con đã đàn và hát trong dịp sinh nhật của ÚT THỐ, để tưởng nhớ lại những ngày Mẹ cùng chúng con sống cam khổ trong ngôi nhà của Anh chị Ba tại trại ruộng ở Tân Xuân.

BÀ MẸ QUÊ

Vườn rau, vườn rau xanh ngát một màu,
Có đàn, có đàn gà con nương náu,
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều,
Nuôi một, nuôi một đàn con chắt chiu.
Bà bà mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre,
Bà bà mẹ quê, chợ sớm đi chưa thấy về,
Chờ nụ cười con, đồng quà ngon...
Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già,
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa,
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà,
Nắng nhiều, nắng nhiều phơi củi, lúa ra.
Bà bà mẹ quê, hôm sớm không nề hà chi,
Bà bà mẹ quê, ngày tháng không ao ước gì,
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui...
Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy,
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy,
Mùa đông, mùa đông mảnh chiếu thân gầy,
Cháu bà, cháu bà ngủ yên giấc say.
Bà bà mẹ quê, chân bước ra đời rời xa,
Bà bà mẹ quê, từ lúc quê hương xóa nhòa.
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ sa...

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT

Một buổi sáng mùa Ðông trên đất Mỹ.
Virginia, December 18th 1992.
(Ghi lại trong nhật ký của HỒNG CHƯƠNG). Thanh Sơn

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/thugoimehien.htm

 


Vào mạng: 1-7-2002

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang