- TÌNH
NGHĨA VU LAN
Ồ!
Hôm nay sao trong đầm,
sen lại nở nhiều thế cơ? Màu sắc rực rỡ, đẹp và lớn lạ thường,
những đôi cánh vươn lên xoè ra tưởng chừng như không thể lớn hơn được
nữa.Tạo nên một sức sống rất mãnh liệt. Lại thêm ánh nắng ban mai
chiếu vào những giọt sương còn động lại trong đêm, trên hoa và lá,
ánh lên những màu sắc kỳ diệu trông xa như những hạt châu ngọc quý hiếm
mà trần gian này thật khó tìm. Vẻ đẹp ấy hoà quyện với màu trắng
tinh khiết, màu hồng rực rỡ của những đoá sen cùng màu xanh của lá tạo nên một cảnh sắc thật lung linh huyền
diệu. Nhuỵ hoa vàng rực, hoà lẫn với nắng, toả ra trong vùng một hương
thơm thanh khiết, đặc trưng của đồng
nội. Làm nao lòng người mỗi khi cơn
gió thoảng nào đó vô tình bay qua. Bỗng dưng tôi chợt nhớ ra. Ôi! vậy
là thu đã sang rồi ư? Cũng mùa này năm ấy. Khi chị em chúng tôi còn nhỏ.
Cái ngày ấn tượng mãi trong tôi suốt từ thời thơ ấu đến giờ. Đó
là ngày rằm tháng bảy.
Sáng hôm
ấy gia, đình tôi dậy rất sớm. Vì còn nhỏ và lại là con út trong nhà,
được ba mẹ cưng chìu, cho nên tôi cứ nằm nướng mãi dù hai chị đã phụ
mẹ chuẩn bị đồ mới cho tôi rồi. Lại thêm một lần nữa mẹ phải
vào phòng lay tôi dậy và âu yếm bảo: “con trai cưng của mẹ ơi! dậy
đi con. Sáng nay, ba mẹ sẽ dẫn chúng con lên chùa lễ Phật.” Nghe tiếng
mẹ, tôi càng nũng nịu hơn, dù rằng không muốn cải lời mẹ. Nhưng những
lúc đó tôi thấy thật sung sướng, hạnh phúc, vì được mẹ ôm vào lòng,
trong vòng tay ấm áp ấy. Tôi cảm nhận được nguồn sống từ mẹ chuyền
sang rất rõ, còn được Người hôn lên trán nữa chứ! Đang miên man trong
tình mẫu tử bỗng giật mình, tỉnh hẳn khi chị hai đến kéo tay tôi bảo:
“ dậy đi cưng, chị em mình sẽ được mặc đồ mới đi chơi, hôm nay
chùa có lễ hội vui lắm! Đăc biệt hơn nữa là ba nói : “mấy chị em
mình sẽ được ăn thật nhiều quà bánh, không phải ăn cháo như mọi khi.”
Nghe đến đây tôi choàng dậy ngay. Sợ bị chị gạt, liền quay sang mẹ hỏi
lại lần nữa. Thiệt hở mẹ? chúng con được ăn nhiều bánh, không phải
ăn cháo như mọi ngày phải không mẹ! Người không nói gì nhưng khẻ gật
đầu…ờ! Tôi vội ôm hôn mẹ! Thì thầm, con thương mẹ quá mẹ ơi! Bỗng
nhiên những giọt nước từ đâu rơi xuống cổ nghe âm ấm, vô tình nhìn
lên. Ồ ! sao mẹ lại khóc? Vô tư tôi hỏi, “ai làm cho mẹ buồn vậy?”
Người vội quay mặt đính chính. Mẹ
đâu có khóc…! Không tin, tôi hỏi tiếp: “vậy sao mắt mẹ đỏ thế
kia?” Ngập ngừng trong khoảnh khắc, Người bảo: “Mẹ mới bị bụi
rơi vào mắt thôi con ạ!” Vậy là tôi yên tâm không hỏi nữa. Nhảy xuống
giường chạy một mạch đến sàng nước rửa mặt.
Ngày ấy
làm sao tôi có thể hiểu được nỗi lòng của mẹ cơ chứ? Mãi đến sau
này, đi học, đi tu, xa nhà, tự lo cho mình thì Tôi mới hiểu. Nhất là khi
nghe được bài thơ của Lâm khánh Trung. Tôi càng thắm thía hơn.
“Dấn thân phiêu bạc dặm trường,
Lạc loài lữ khách tha phương nhớ
nhà,
Chuông chiều đồng vọng ngân xa
Ru thời gian nhuộm úa hoa cuộc đời”.
Trở lại
sau khi rửa mặt xong. Tôi chạy vào phòng cho mẹ thay đồ mới. Trong lúc ba
và hai chị tôi đã chuẩn bị xong, đang chờ trước cổng.
Ra khỏi
nhà, trong lòng bỗng nhiên rạo rực lạ thường, Tôi cứ chạy tới, chạy
lui, vòng quanh ba mẹ mãi trên đường. Thỉnh thoảng ba kêu: “ Từ từ đi
con à! kẻo té bây giơ”. Quả thật lời ba vừa nói, không khác như một
nhà tiên tri . Chưa đầy một phút ngay sau đó. Tôi đã bị té úp mặt vì
vấp phải ống dây nước ngang đường, ba nhanh chân vội bế Tôi lên, mẹ
cũng đến ngay sau đó, lấy dầu ra xoa. Tôi đau lắm nhưng cố cắn răng chịu
đựng, vì biết mình có lỗi. Có lẽ ba cũng hiểu và cảm nhận được cái
đau của Tôi, nên Người không quở trách, chỉ khẻ nhắc: “Đi nhớ cẩn
thận, nếu không, té là đau như vậy đó con ạ!” Tôi nhăn mặt, ấm ức,
nhưng không nói gì. Mẹ hiểu hơn, ôm tôi vào lòng, xoa chổ đau bảo: “Đau
lắm phải không con? Con đừng sợ không sao đâu, chút xíu nữa là hết liền
hà!” Thấy có vẻ con mình còn đau, mẹ quay sang đánh ống nước mấy cái:
“chết mầy nè! chết mầy nè…! cho mầy dám làm con trai cưng của tao té
nha!”. Được ba mẹ hiểu, thông cảm, chia sẽ nên cái đau từ từ vơi
đi lúc nào không biết. Trên đường đi, hễ găp bán bánh là chúng tôi đều
xin mua cả. Nhưng có điều, mỗi lần mua thì chỉ có ba phần. Có nghĩa là
có ba chị em tôi ăn thôi. Như bỗng nhớ ra tôi vội hỏi: “ủa! còn phần
của ba mẹ đâu?” Hồi sáng ba mẹ ăn cháo rồi nên còn no lắm! Mẹ vuốt
đầu tôi rồi tiếp lời ba. Thấy các con ăn ngon là ba mẹ no và vui lắm rồi,
vả lại các con cần ăn cho mau lớn để đi học nữa chứ! Tôi chẳng biết
nói gì hơn ngoài cái gật đầu…dạ! Ngang đây, Tôi chợt nhớ đến bài
thơ của Phan Gia Dĩ.
“Mẹ nghèo cơm gánh chả rơm,
Nuôi con ăn học để thơm tiếng đời
Mẹ nghèo nón lá tả tơi
Mong sao con trẻ vào đời bình yên.”
Chúng
tôi vẫn bước đều, trên con đường hướng về làng bên cạnh. Sau vài lần
nghỉ chân, Tôi cứ hỏi mãi, gần tới chùa chưa ? Con mỏi chân quá rồi mẹ
ơi! Hai chị tôi cũng không hơn gì, thỉnh thoảng cứ nhăn mặt hoài. Nhưng
mà cũng làm bộ tỏ vẻ như người lớn để động viên tôi. Ráng đi em,
tý xíu nữa là tới rồi. Thấy có vẻ thấm mệt, qua tướng đi uể oải
của Tôi. Ba bảo: “Thôi qua đây ba cổng cho”. Thế là tôi được ngồi
trên vai ba trong suốt đoạn đường còn lại. Rồi tôi cũng nhận ra được
ngôi chùa ở phía trước theo hướng ngón tay ba chỉ. Tôi sung sướng reo lên.
A tới chùa rồi mẹ ơi! chị ơi! Trước khi vào cổng ba thả Tôi xuống.
Lễ hội
thật lớn, khung cảnh rất nhộn nhịp, mọi người tới lui tấp nập, trông
vui làm sao ấy, không khác gì ngày tết ở làng Tôi. Chùa ở đây không lớn
nhưng trông rất uy nghiêm và thiêng liêng lắm, nhất là trong giờ hành lễ.
Các sư đứng trước, với màu vàng rực rỡ của những chiếc y. Còn các
vị thiện nam, tín nữ phật tử xếp hàng ở phía sau, Trông trang nghiêm
và rất đẹp. Làm lễ xong mọi người chia ra làm hai bên chánh điện. Các
sư thì ngồi giữa, rồi sư ông trụ trì chậm rãi giảng cho chúng tôi nghe
về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, nhân dịp rằm tháng bảy, qua tấm gương
cao cả của Ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên. Bài giảng vừa xong ai cũng xúc
động, thầm kính phục hạnh hiếu của Ngài. Kế tiếp sư ông đứng dậy
bước xuống bậc thềm, cùng theo sau lưng là hai thầy bưng hai mâm bông hồng
rất đẹp. Một trắng, một hồng được làm bằng vải trông rất tỉ mĩ.
Cứ thế từng đoá hồng nho nhỏ, xinh xắn, hiện trên áo của từng người
mỗi khi sư ông đi ngang qua hỏi nhỏ điều gì đó. Xong, có người thì
được cài bông hồng, có người lại bông trắng. Tới gia đình Tôi cũng
vậy, ai cũng đều được một bông hồng tươi thắm cả, duy có mẹ là
bông trắng thôi. Lần này thấy thắc mắc thật sự, nhưng vì buổi lễ
quá trang nghiêm, Tôi không dám nói gì. Chờ đến lúc lễ xong, không ngăn
được sự tò mò tôi liền hỏi mẹ. Sao Sư ông không cài cho mẹ bông hồng
giống ba hay như mấy đứa con vậy nè! Mẹ im lặng rồi khẻ nói. “Ba con
còn bà nội nên được cài bông hồng. Các con cũng còn có mẹ nên không
khác; duy chỉ riêng mẹ, thì ông bà ngoại của các con đã mất sớm, mà
bông hồng thì chỉ dành riêng cho những người con nào có diểm phúc còn
được mẹ thôi con ạ!” Đến đây bổng dưng đôi mắt Người đỏ lên
dường như muốn khóc. Ngang đây, Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ mà thương
mẹ vô cùng …!
“Vu Lan đến thêm người cài hoa
trắng
Trần gian buồn lại có kẻ mồ
côi “
Tôi chẳng
dám hỏi nữa, mà vòng tay ôm mẹ thì thầm, như chỉ để cho hai mẹ con
nghe thôi. Mẹ ơi, đừng khóc nữa, con sợ lắm! dù ông bà ngoại không
còn nữa, nhưng mẹ còn gia đình mình, ai ai cũng thương mẹ và con cũng vậy,
con thương mẹ nhất trên đời!
Nhớ lại bài thơ của nữ sĩ Hồ
Thị Xuân Tùng mà tôi thấy rất tâm đắc:
“Mặt con tươi tợ trăng rằm
Mẹ càng vất vã âm thầm ngược
xuôi
Làm sao nói hết bao lời
Công ơn mẹ suốt một đời con
mang”
Thật vậy bạn ạ! công ơn
Ba-mẹ
đối với chúng ta không bút mực nào tả hết được. Dân gian ta thường
ví:
“Ngôn ngữ trần gian là túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng mẹ ơi!”
Ý niệm
về mẹ thường không thể tách rời với ý niệm tình thương, mà tình thương
là một chất liệu ngọt ngào, tươi mát…ca dao dân gian thường so sánh.
“Mẹ già như chuối ba hương
Như sôi nếp một như đường mía
lao”
Một thứ
tình, không kiêu xa, không cầu kỳ, mà ngược lại rất ư đơn giản, bình
dân, nhưng mang một ý nghĩa thật thâm thuý, đầy bản sắc dân tộc. Gần
gũi với mọi người mà ai cũng có thể nhận biết được. Như loại chuối
ba hương, mùi vị rất thơm ngon và dẻo như sôi mà được nấu bằng thứ
nếp một, ngọt ngào như đường mía lao vậy đó. Vị ngọt không gắt mà
lại dịu và thanh…
Chúng ta
thương Ba-mẹ, lo lắng và phụng dưỡng cho Người.v.v.. Đó không phải là bổn phận,
trách nhiệm mà đó là một điều đương nhiên, vì một lẽ đơn giản “Ta
là con của Ba-mẹ”. Được gần gủi
Ba-mẹ đó là một diễm phúc nhất trên
đời. Ba-mẹ là một món quà vô cùng quý giá mà cuộc đời đã ban tặng . Nếu
chúng ta không biết quý trọng, tận hưởng, mà cố ý hoặc giả vô tình
xao lãng hay bỏ quên, thì đó là một điều thiệt thòi cho chúng ta mà
thôi.Vì mọi thứ trên cuộc đời, như tiền tài, danh vọng, vợ đẹp, con
ngoan.v.v…những thứ này, nếu mất đi Ta có thể hy vọng tìm lại được.
Nhưng Ba-mẹ thì không.
Vậy có khi nào bạn thực sự sống một
lần, sống trọn vẹn trong tình thương mật ngọt ấy chưa? Nếu chưa thì
bạn hãy thử ngay bây giờ đi, đừng chần chờ nữa bạn ạ! Vì thời
gian, nó không đứng đợi một ai trong chúng ta cả, còn
Ba-mẹ thì cũng vậy,
mỗi ngày một lớn tuổi. Đừng để ngày mai kia, Người không còn hiện hữu
trên thế gian này nữa. Ta mới thấy hụt hẫng mới nhận ra sự mất mác lớn lao, và hối hận rằng:
Sao ta không biết, ta vô tình quá…!
Cũng nhân
dịp mùa Vu Lan về. Tôi xin tặng bạn một đoá hoa hồng thật tươi thắm
để cho bạn hạnh phúc và nhận biết rằng “mình rất diễm phúc vì
đang còn có
Ba-mẹ”.Và cũng xin chia sẽ nỗi buồn với những ai phải mang
trên mình đoá hồng trắng, “vì mất đi cái diểm phúc là còn có mẹ”.
http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/tinhnghia.htm