Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Tình thương của mẹ

 

Tình thương của mẹ cứ tăng dần trong tâm khảm theo mỗi mùa Vu Lan. Mùa Vu Lan năm nay, Phật lịch 2550, dài gấp đôi, tình thương của mẹ trong tâm hồn con cũng tăng gấp đôi. Con viết mấy mẩu chuyện ngắn này thay cho lời chúc an lành nhất, gởi đến mẹ …

1.      Con đường tươi vui

Hôm nay thằng Lâm đi học. Vừa đến Huế, mẹ đã xin cho nó vào một trường tiểu học. Vào những năm cuối thập niên 1940 thời bấy giờ, hầu hết các thầy giáo cô giáo đều rất thành thạo Pháp ngữ. Có lẽ vì vậy, mỗi lần vào lớp, thầy giáo thường ghi ngày tháng lên bảng đen bằng tiếng Pháp. Thằng Lâm rất bỡ ngỡ bởi vì ngay cả tiếng Việt nó cũng chưa rành đừng nói đến tiếng Pháp là thứ tiếng hoàn toàn xa lạ với nó. Cũng may hầu hết các môn học, thầy giáo đều giảng bằng tiếng Việt nên dần dần nó có thể tiếp thu dễ dàng hơn. Nó từ từ thích nghi với việc học tập ở thành phố.

Nhớ mấy năm trước ở quê ngoại khi thằng Lâm đến tuổi đi học, mẹ đã cho nó đến trường học ở đình làng. Lớp học chỉ lưa thưa không quá chục đứa. Có những buổi tối trời hoặc nhiều khi phải học ban đêm, lớp học phải dùng đèn dầu. Dầu dự trữ thường đựng trong chai lọ, và mỗi học trò lần lượt có bổn phận đem về nhà cất giữ sau giờ tan học. Dầu mỡ rất khang hiếm nên trước khi đem về nhà, thầy hoặc cô giáo đo mức dầu trong chai để đảm bảo dầu không bị thất thoát. Mỗi lần đến phiên thằng Lâm giữ dầu, nó lo lắng lắm, cứ sợ trên đường đi nhỡ làm rớt vỡ chai dầu. Nhưng bù lại, nó thích những buổi học trong ánh đèn dầu le lói, có lẽ vì nó sẽ có nhiều cơ hội hơn để nói chuyện phiếm với bạn học. Có nhiều khi đang học thì có tiếng đại bác. Vậy là thầy trò phải xuống hầm trú thân. Chờ dứt tiếng súng thì vào lớp học lại.

Bây giờ nó được ngồi chễm chệ trong lớp học thành phố, rộng rãi hơn, trang nghiêm hơn, đông đúc học trò hơn. Vào những ngày tối trời, lớp học có ánh đèn điện sáng trưng. Dần dần nó quen nhiều bạn bè hơn. Sân trường thật rộng rãi. Giờ ra chơi con trai đá bóng, con gái ngồi tụm năn tụm ba nói chuyện huyên thuyên. Thằng Lâm nhỏ con nên không có đội bóng nào chọn nó. Nó ngồi buồn thiu. Bỗng thầy dạy lớp nó đến vỗ vai nó. Nó muốn được đá bóng. Thầy chạy ra sân thầm thì với một đội bóng. Rồi thằng Hùng đội trưởng gọi cho nó nhập bọn. Thằng Lâm chạy lui chạy tới theo trái bóng nhưng chẳng đứa nào chuyền bóng cho nó cả. May thay, giờ hoàng đạo đã đến với nó: Khi hai đội đang giằng co trước khung thành đối phương, quả bóng từ từ lăn đến chân nó, và nó đã đá quả bóng vào khung thành. Người xem vỗ tay nhiệt liệt. Thằng Hùng đội trưởng phe nó sững sốt ngạc nhiên. Nhưng chính thằng Lâm đã đá quả bóng vào khung thành! Cả đội hoan hô bu quanh người anh hùng có công lao lớn. Và từ đó giờ ra chơi nào nó cũng được nhập bọn đá bóng. Tất cả đều nhờ thầy giáo đã giúp nó.

Thật ra thằng Lâm rất mến thầy giáo, và đồng thời cũng rất sợ thầy. Nó mến vì thầy dạy toán một cách rất âm nhạc! Mỗi lần dạy bản cửu chương, thầy thường bắt đầu bằng bài hát:

 

Deux fois un font deux

Deux fois deux font quatre

Deux fois trois font six

Deux fois quatre font huit…

 

(Hai lần một là hai

Hai lần hai là bốn

Hai lần ba là sáu

Hai lần bốn là tám…)

 

Cả lớp cười thích thú, hát đi hát lại, kể cả giờ ra chơi. Đứa nào cũng thuộc lòng bài hát. Và do đó đứa nào cũng thuộc bản cửu chương làu làu. Đứa nào cũng thích thầy dạy môn toán. Nhưng đứa nào cũng sợ thầy vì thầy rất nghiêm khắc. Vào những giờ trả bài, thầy thường gọi từng đứa lên bảng làm một bài toán cọng trừ nhân chia hoặc giải một bài toán đố. Trong tay thầy là một cây roi dài cả thước. Nét mặt thầy nghiêm nghị nhất là vào những giờ trả bài này. Cả lớp im phăng phắc. Im lặng đến nỗi thằng Lâm có thể nghe hơi thở của từng đứa, kể cả hơi thở của nó. Thằng Hùng đội trưởng bóng đá vốn là một cây toán. Thầy thường gọi nó lên trước, như để làm gương và đồng thời cũng để răn đe những đứa lười biếng học hành.

Thằng Lâm phập phồng chờ đợi. Nó hy vọng thầy sẽ không gọi nó trả bài lần này. Nhưng cuối cùng nó vẫn bị gọi lên bảng đen. Lần này nó phải làm một bài toán nhân. Nó hơi chậm chạp nên bị thầy hối thúc. Nó trở nên luýnh quýnh. Nó quên mất 8 nhân 9 bằng mấy. Thầy càng lớn tiếng hơn. Thầy đập mạnh cây roi vào tấm bảng đen. Bụi phấn từ những con số rơi xuống tạo thành những đường thẳng đứng trắng xóa. Bỗng nhiên nó nhớ đáp số, 8 nhân 9 bằng 72. Nét mặt thầy dịu lại như muốn nở một nụ cười. Thằng Lâm thoát cơn nguy biến. Nó ngạc nhiên có thể tìm ra đáp số trước những cơn khủng hoảng dồn dập như thế, chẳng khác nào một đệ tử phái Thiền môn giải đáp thành công một cung án nhờ cơn thịnh nộ của sư phụ.

Thật nhác nhớm nếu phải đi học vào những ngày mùa đông lạnh lẽo, gió mưa tầm tã. Hãy tưởng tượng có đứa bé nào muốn rời tấm chăn ấm áp? Thằng Lâm không ngoại lệ. Nhưng chỉ ngủ trể vài phút là đã bị mẹ đánh thức. Hôm nay là một ngày mùa đông như thế. Ngoài trời gió lạnh buốt xương. Cơn mưa như thác đổ. Nhưng đã đến giờ đi học. Ước chi được ở nhà! Nhưng chắc chắn mẹ sẽ không cho phép. Vẫn đôi dép cao su, cọng thêm chiếc nón lá và cái áo tơi đọt. Đó là hành trang trong những ngày xấu trời như hôm nay. Chỉ bước từ trong nhà ra ngoài cũng đã là một mạo hiểm. Nhưng nó phải mạo hiểm. Không có đường chọn lựa. Nó đi theo con đường dọc đường rầy xe lửa. Trời mờ mịt, chỉ lưa thưa mấy người, cũng trong những hành trang tương tự như nó. Đi một đoạn là đến đầu cầu Bạch Hổ. Nơi đây là chỗ đất cao nhất thành phố nên gió thổi mạnh hơn. May mắn trường học không ở phía bên kia cầu. Hẳn gió giữa dòng sông Hương phải mạnh hơn gấp bội.

Nhưng nó làm quen với những cơn mưa to gió lớn rất nhanh. Dần dần, mưa gió không còn là chướng ngại của nó nữa, trái lại là một động lực thúc giục và khuyến khích nó. Khi thuận gió, nó nghĩ mình đang được gió giúp sức. Khi nghịch gió, nó xem gió như đang khuyến khích nó tập thể dục. Những hạt mưa chi chít rơi dọc theo vành nón lá làm thành chiếc lọng, biến thằng Lâm thành một nhân vật quan trọng! Tiếng rì rào của mấy hàng cây trở thành những điệu nhạc đón chào. Nó cảm thấy rất ấm cúng trong chiếc áo tơi đọt. Nó nhìn một thằng bạn đi phía đằng trước, lạnh run rẩy trong chiếc áo mưa vải dầu mỏng manh. Tội nghiệp cho thằng bạn, không có chiếc áo tơi đọt như nó. Áo mưa vải dầu không thể sánh với áo tơi đọt trong những ngày mưa gió như thế này. Gió hướng nào, quay chiếc tơi đọt về hướng đó. Cả hai cánh tay nằm gọn trong chiếc tơi. Thật vô vàn ấm cúng.

Dần dần thằng Lâm cảm thấy ham học. Chuyện đi học đã trở thành một thích thú, kể cả những ngày mùa đông ướt át. Nó chăm chỉ học hành. Dường như nó học hành tiến bộ hơn. Nhiều bạn bè thân thiện với nó hơn. Các thầy cô thương mến nó hơn. Thời gian dường như trôi nhanh hơn so với những ngày tháng trước đây khi nó mới nhập học.

Mới đó mà ngày tết đã gần kề. Mẹ mua cho nó đội dép da mới toanh. Cô trưởng tặng nó bộ áo quần mới. Nó đang chờ tiền lì xì của nội. Những cơn mưa cuối đông đã nhẹ dần, nhường bước cho những cơn mưa bụi mùa xuân. Mẹ đã nghỉ buôn bán, chuẩn bị đón xuân. Những nhành mai rực rỡ đã được chưng bán khắp chợ và các nẻo đường. Thú vị nhất là ngồi xem mẹ gói bánh tét bánh chưng. Thằng Lâm loay hoay như muốn được mẹ gọi giúp làm những việc lặt vặt. Nhưng anh chị nó dành hết việc làm. Anh nó chẻ lạt. Chị nó cắt lá chuối. Mẹ nó vò nếp. Nó đến ngồi bên cạnh anh nó, định sắp gọn gàng những sợi lạt đã chuốt xong nhưng còn nằm ngổn ngang bề bộn. Anh nó từ chối khéo: Coi chừng đứt tay! Nó lặng lẽ đến bên chị nó, định lau sạch những tấm lá chuối đã được chị cắt đều đặn. Chị nó từ chối khéo: Đừng làm rách lá chuối! Nó bèn đến bên mẹ. Dường như chỉ có mẹ mới biết nó muốn điều gì. Mẹ biểu nó múc cho mẹ thêm vài gáo nước lạnh, xong biểu nó từ từ tưới lên rổ để mẹ vò sạch nếp.

Bây giờ mẹ bắt đầu gói bánh. Ba chị em thằng Lâm ngồi bu quanh. Nhiệm vụ của nó là lấy từng ngọn lá chuối cho mẹ gói, trao từng sợi lạc cho anh chị nó buộc bánh. Thật vui. Gói đến tối mới xong. Ăn cơm tối xong là bắt đầu nấu bánh. Mẹ sắp bánh vào cái nồi thật lớn. Chị nó châm lửa ở bếp. Anh nó chuẩn bị mấy bó củi. Nó lăng xăng đi lui đi tới, lòng vui rộn rã. Khi bánh đã lên bếp, mẹ đi dọn dẹp trang hoàng bàn thờ. Ba chị em ngồi quanh bếp lửa hồng thật ấm cúng. Chị nó kể chuyện giúp mẹ buôn bán. Chị là cánh tay phải của mẹ. Anh nó kể chuyện học ở trường. Anh nó học giỏi nổi tiếng, ai cũng khen. Thằng Lâm bỗng nhớ lại những lần ba anh chị em nó vui đùa bên những cây ổi sẻ ở vườn nhà nội. Ngôi vườn bây giờ là hoang vắng. Ngôi nhà nội đã bị lính Tây đốt cháy rụi, không còn nữa. Mỗi lần trở về là một lần thấy điêu tàn:

 

Lặng nhìn mây nước bơ vơ

Lặng nhìn cây lá xác xơ điêu tàn

Còn đâu hình bóng mơ màng

Mái tranh thơ mộng trăng vàng ngày xưa

Heo mây nghe gió đong đưa

Buồn trông những cánh chim mờ mờ sương

Còn đâu những phút vấn vương

Còn đâu những phút yêu thương sum vầy

Lạnh lùng đứng ngắm trời mây

Nơi xưa tan biến, chốn này điêu linh

Đò ngang không một bóng hình

Nhìn quanh chỉ thấy có mình với ta

Gọi đàn nghe tiếng xa xa

Cành thưa không tổ chim đà về đâu

Suối reo những nỗi niềm đau

Như than như oán một mầu tang thương

Chiều nay vẫn khói mờ sương

Vẫn nghe cơn gió, gió buồn heo mây

Còn đâu êm ấm niềm say

Giờ trông hoang vắng phủ đầy mầu tang.

 

Từ khi nội sang Huế với hai người cô, dường như nội không bao giờ trở về làng thăm viếng nữa. Có lẽ nội không muốn gợi lại những kỷ niệm đau buồn. Tất cả những vui buồn đó dần dần trở thành quá khứ mà có lẽ thằng Lâm không bao giờ quên.

Nồi bánh chín khi trời đã về khuya. Nhưng dường như chưa ai buồn ngủ. Thằng Lâm thì khỏi nói, nó náo nức hơn ai hết, bởi vì mẹ hứa đến mồng một tết mẹ sẽ dẫn ba chị em đi lễ chùa.

Tháp chùa Linh Mụ thật cao, lại tọa lạc trên một khu đồi nên trông càng cao và uy nghi hơn. Phải bước mấy chục bậc thang mới có thể đến chân tháp. Từ đây nhìn xuống phía trước là dòng sông Hương hiền hòa thơ mộng. Hôm nay mồng một tết, rất đông người đến lễ chùa đầu năm. Cảnh đẹp và trang nghiêm của chùa đã tạo cho thằng Lâm cái cảm giác thân thương, ấm cúng và đùm bọc. Trước khi vào chánh điện là một khoảng sân rộng với hai hàng cây thẳng tắp. Thằng Lâm chạy tung tăng hết chỗ này đến chỗ khác. Nó chưa bao giờ thấy một ngôi chùa hùng vĩ như thế này. Ngôi chùa đầu tiên nó thấy trong đời là ngôi chùa làng ngoại, nhỏ và khiêm tốn. Mẹ và ngoại thỉnh thoảng vẫn dẫn mấy chị em nó đến chùa làng trong những dịp lễ hội. Tuy cũng nhộn nhịp nhưng không rực rỡ và đông đúc như ngày tết hôm nay ở chùa Linh Mụ.

Lễ hội bắt đầu với những tiếng chuông trống bát nhã. Tiếng chuông quyện vào tiếng trống tạo nên những âm thanh hài hòa như mời gọi lòng người hướng về cõi Phật. Mọi người sắp hàng chỉnh tề lễ Phật. Thằng Lâm trang nghiêm bắt chước, mẹ làm gì nó làm theo nấy. Tiếng tụng kinh trầm ấm của các thầy làm tâm hồn nó yên tịnh thoải mái. Nó có cảm giác như đang lạc vào những khung trời thần tiên huyền ảo. Nó không còn là thằng Lâm thích nô đùa nghịch ngợm như ở trường học nữa. Mẹ cho biết hôm nay mẹ đã xin thầy trù trì quy y cho hai anh em nó. Nó cảm thấy vui mừng như được tặng một món quà quý giá chưa từng có. Mẹ còn thĩnh một tượng Phật, một bộ chuông mõ và mấy quyển kinh nhật tụng. Thằng Lâm sẽ có dịp được nghe lời kinh tiếng kệ của mẹ mỗi buổi tối. Mẹ cũng hứa sẽ cho nó đi gia đình Phật tử sau khi hoàn tất bậc tiểu học.

Trên đường về, thằng Lâm vui mừng tung tăng như một con chim nhỏ. Mấy hạt mưa bụi mùa xuân quấn quít lấy nó như đang diễn những điệu múa tưng bừng, chia sẻ niềm vui của nó. Chúng chợt ẩn chợt hiện, nô đùa tinh quái như những vầng mây điện tử chờn vờn quanh hạt nhân. Thời gian như tan biến. Những hạt mưa lí lắc như vừa ở nơi này vừa ở nơi kia cùng một lúc, giống những đìện tử nhảy nhót từ mức năng lượng này đến mức năng lượng kia, một cách tức thì, chớp nhoáng. Những cây cỏ dại bên đường cũng đang đua nhau trổ những đóa hoa đủ màu, như đang vui với niềm vui của nó. Hàng cây xanh tươi lung lay trước cơn gió xuân nhè nhẹ, hòa lẫn với tiếng chim hót, như đang ca bài ca chào mừng. Dọc theo con đường là dòng sông Hương hiền hòa tươi mát, như đang trôi về chốn bồng lai. Cũng như thằng Lâm, vạn vật quanh nó đang đón xuân.

Nó hình dung ngoại cũng đang đón xuân. Giá như bây giờ được ở bên ngoại, chắc chắn nó sẽ được ngoại ôm vào lòng như biết bao nhiêu lần trước đây. Ngoại sẽ chia vui với niềm vui của nó. Lũy tre dọc theo con đường xóm nhà ngoại bây giờ hẳn xanh tươi hơn, đang đu đưa trước cơn gió nhẹ. Nó không bao giờ quên con đường làng thân yêu. Bên này là nhà cậu mợ Long với vườn ớt rộng thênh thang. Đi một khoảng nữa là nhà dì Thục. Rồi dọc thẳng xuống bờ sông, dòng sông thon nhỏ yên bình, nơi nó từng ngâm mát không biết bao nhiêu mùa hè oi ả trước đây. Đi ngược lại phía trước, hồ rau muống hẳn vẫn còn đó. Mấy khóm trúc hẳn vẫn rì rào như xưa. Bức tường láng mướt hẳn vẫn chờ ru nó những giấc ngủ trưa mùa hạ.

Rồi thằng Lâm nhớ lại hôm mấy chị em và mẹ rời quê ngoại sang Huế. Hôm ấy cũng vào mùa xuân. Ngang qua làng nội, mấy mẹ con vào cúng mộ ba, ghé nhà bác trưởng khấn vái ông bà tổ tiên, xong tiến ra quốc lộ về Huế. Con đường thật dài, càng như dài hơn dưới cơn mưa bụi mùa xuân. Cả hai phía đều mịt mùng như hai thái cực huyền bí. Đường không bóng người. Thỉnh thoảng vài chiếc xe khổng lồ vụt qua thật nhanh, với sức ép như muốn xô nó ngã xuống. Mấy hạt mưa bụi nho nhỏ có dịp nô đùa nghịch ngợm hơn. Những cành hoa dại bên đường có dịp chen lấn khoe sắc. Nhưng rồi cơn gió nhẹ trở lại. Những hạt mưa bụi tung tăng nhảy múa nhịp nhàng trở lại. Những cành hoa dại đằm thắm trở lại. Cảnh vật hiền hòa trở nên thân thiết hơn. Thằng Lâm chan hòa với vạn vật, quên cả đường dài.

Thằng Lâm cảm nhận sự biến hóa kỳ diệu của thiên nhiên một cách không chất vấn. Nó không biết những tiềm nguyên tử linh động kết hợp hài hòa với nhau như thế nào để hôm nay có được một thiên nhiên kỳ diệu, có một sự sống đầy màu sắc, có con người biết chiêm ngưỡng sự kỳ diệu đó, biết vun xới để sự kỳ diệu đó có thể tồn tại tươi thắm hơn. Điều thằng Lâm biết là mẹ có duyên Phật. Và mẹ đã san sẻ duyên kỳ ngộ đó với nó. Niềm hạnh phúc hôm nay tạo cho nó một linh cảm: Duyên Phật sẽ dẫn đến con đường tươi vui. Thằng Lâm quấn quít bên mẹ, tung tăng như con chim nhỏ, tràn trề niềm tin.

 

2.      Lời kinh của mẹ

Quốc Học là trường trung học rất xưa và nổi tiếng nhất của thành phố Huế. Chính ngôi trường này đã đào tạo biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước. Thằng Lâm rất vinh hạnh được vào học trường Quốc Học. Đồng thời nó cũng lo lắng lắm. Nó tâm nguyện chăm chỉ học tập để xứng đáng là học trò của một ngôi trường danh tiếng.

Ngày mai nhập học. Thằng Lâm bồn chồn náo nức. Nó cứ son sen cái cặp sách và mấy quyển vở mới toanh mẹ sắm cho nó tuần trước. Nó chưa từng dùng cặp đựng sách bao giờ. Hồi còn tiểu học, mỗi lần đi học chỉ le te trên tay một quyển vở, một bình mực, một cây viết muỗng, và một cây viết chì. Để bìa vở khỏi bị nhàu nát vì mồ hôi tay, chỉ cần bọc bìa bằng giấy láng là xong. Đi học tiểu học thật lôi thôi lếch thếch. Con nít là thế. Bây giờ lên trung học, lớn hơn, oai hơn, do đó phải chững chạc hơn.

Nhưng thằng Lâm không thể quên những chuỗi ngày tiểu học. Tuy có lôi thôi lếch thếch, nhưng cái lôi thôi lếch thếch rất thơ ngây, rất dễ thương. Tất cả những kỷ niệm mấy năm học ở trường Thượng Tứ hiện rõ trong tâm trí nó. Con đường từ nhà đến trường, dọc theo bờ sông Hương, với những hàng cây phượng to lớn, đã trở thành con đường thân thương của nó. Dấu chân hẳn còn in đó. Con đường chào đón nó trong chiếc quần cụt áo ngắn đơn sơ những ngày khô ráo nắng ấm, chào đón nó trong chiếc áo dầu che mưa những ngày ướt át, chào đón nó trong chiếc áo tơi đọt nón lá những ngày gió buốt tầm tã. Không biết con đường thân yêu đó của nó có nhận ra cùng một thằng Lâm hay không. Đối với thằng Lâm, con đường thân yêu đó vừa duy nhất vừa muôn mầu muôn vẻ. Mùa thu lá phượng rụng đầy đường. Mùa đông cành cây trụi lá. Mùa xuân cây cỏ xanh tươi, đâm chồi nẩy lộc. Mùa hạ phượng vỹ đỏ thắm rực rỡ.

Thằng Lâm vẫn nhớ những giờ viết chính tả, thầy đọc trò viết. Nó thường phạm nhiều lỗi, nhất là những chữ có g không g (như bàn và bàng chẳng hạn,) hoặc những chữ có dấu hỏi dấu ngã (như rẻ và rẽ chẳng hạn.) Khác với lối phát âm miền bắc, người Huế phát âm hai chữ bàn và bàng hoàn toàn giống nhau, cũng như hai chữ rẻ và rẽ. Thầy nói: Phải hiểu ý nghĩa của mỗi chữ trong câu mới  có thể biết chữ nào có g chữ nào không, chữ nào dấu hỏi chữ nào dấu ngã. Thầy lấy ví dụ: Cái bàn (không thể viết cái bàng.) Bẽ bàng (không thể viết bẽ bàn.) Tương tự, khinh rẻ (không thể viết khinh rẽ,) trong lúc đó phải viết rẽ hướng (không thể viết rẻ hướng.) Nhờ những lời dạy cặn kễ như thế, thằng Lâm dần dần viết chính ít lỗi tả hơn, và nó bắt đầu thích đọc sách truyện để biết thêm nhiều từ ngữ mới. Thằng Lâm cũng nhớ những giờ học toán. Lối giảng bài dễ hiểu và nét nghiêm nghị của thầy trong những giờ trả bài đã thúc đẩy nó chăm chỉ và dần dần thích học toán. “Thương cho roi cho vọt.” Có lẽ thầy đã áp dụng phương pháp đó.

Vào những giờ ra chơi, thằng Lâm rất thích chơi bóng đá. Nó được thằng Hùng đội trưởng vẽ vời khuyến khích nên càng ngày nó càng khá hơn. Trường cũng có đội bóng chuyền. Chỉ những đứa cao lớn mới được chọn tham gia. Những lúc khác, thằng Lâm thích ngồi xem thằng Vĩnh vẽ cảnh. Hội họa là năng khiếu bẩm sinh của thằng Vĩnh. Đối diện trường Thượng Tứ là Thương Bạc. Mỗi giờ ra chơi, thằng Vĩnh thường ngồi trước mái hiên trường hướng về Thương Bạc. Chỉ dùng mấy cây viết chì màu, nó có thể họa bức tranh Thương Bạc y chang như cảnh thực. Nó còn đem khoe thằng Lâm những bức tranh nó đã vẽ cầu Tràng Tiền, sông Hương, kỳ đài Phú Văn Lâu, chùa Linh Mụ, chùa Từ Đàm, v.v. Tất cả đều rất đẹp.

Xúc động nhất là những ngày học cuối cùng trước khi nghỉ hè. Mỗi đứa một quyển vở xinh xắn, trao cho đứa này đứa kia để viết những vần lưu bút. Đây là khoảng thời gian kết bạn. Có những đứa suốt năm rất ít chuyện trò với nhau, bây giờ cũng trở thành thân thiết. Hè ni mi làm chi? Mi có đi chơi mô không? Tao sẽ về làng thăm mệ ngoại. Tao sẽ ra đồng lượm lúa. Tao sẽ đem trâu ra ruộng. Tao sẽ đi cắm trại núi Ngự Bình. Tao sẽ lấy mủ mít bắt ve. Tao sẽ giúp ba mạ hái trái cây ra chợ. Tao sẽ đi hái phượng. Vân vân. Thật nhiều chuyện để nói trong khoảng thời gian này. Mặt đứa nào cũng hớn hở thân thương. Bây giờ những cây phượng đã đỏ rực hoa. Những trái phượng dài thòn đong đưa trước gió như thách thức lũ trẻ. “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò.” Nhiều đứa đem theo những cây sào thật dài để khèo phượng. Hương vị những hạt phượng đắn đắn béo béo ngon hết sẩy. Những đứa không biết khèo vẫn có thể có phượng để ăn. Chỉ cần đứng xem. Chắc chắn sẽ được mời ăn.

Bây giờ thằng Lâm phải xa trường Thượng Tứ. Nó nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ mái trường thân yêu. Tiếng giảng bài của thầy như vẫn vang vọng bên tai. Nó nhớ những bụi phấn rơi từ tấm bảng đen. Nó nhớ đội bóng đá, bóng chuyền. Nó nhớ những lúc ngồi xem thằng Vĩnh vẽ những bức tranh đẹp. Nó nhớ những nô đùa với thằng Thuận thằng Phú trên đường đến trường. Tất cả đang dần dần đi vào kỷ niệm, những kỷ niệm êm ấm khó quên. Bây giờ nó lên trung học. Một khung trời mới, xa lạ. Lạ trường, lạ thầy, lạ bạn. Nó vừa náo nức vừa lo lắng. Nó may mắn có anh nó vốn đã lên trung học từ mấy năm nay. Anh nó vẽ vời, kể cho nó việc học hành ở trung học. Không giống như ở tiểu học mỗi lớp chỉ có một thầy giáo dạy tất cả các môn. Ở trung học, học trò có cơ hội biết nhiều thầy cô hơn, mỗi môn học là một thầy dạy khác nhau. Phải cần nhiều vở, mỗi quyển một môn. Mẹ mua cho nó cả chục quyển vở. Chị nó bao bìa vở cho nó. Anh nó dán nhãn đề tên, lớp và môn học lên bìa ngoài. Làm con út thật sướng. Con út được mẹ chăm sóc và yêu thương nhất. Nếu bị anh chị ăn hiếp sẽ được mẹ bảo vệ. Nếu anh chị lười biếng không lo cho em sẽ bị mẹ rầy la. Ngoài lo học ra, nó không phải làm việc gì hết. Bây giờ nó yên tâm hơn, náo nức chờ buổi tựu trường ngày mai. Đêm nay chắc chắn nó sẽ thao thức khó ngủ …

Khung trời vào thu hôm nay có lẽ giống khung trời Quê Mẹ ngày xưa của nhà văn Thanh Tịnh. Ngoài đường lá cũng rụng thật nhiều. Trên không cũng có những đám mây bàng bạc. Thằng Lâm hân hoan đi tựu trường. Nó đến đầu cầu Bạch Hổ chờ thăng Văn và thằng Hiền cùng nhập bọn. Thằng Văn ở An Ninh Thượng. Thằng Hiền ở gần cầu Bạch Hổ, không cách nhà thằng Lâm bao nhiêu. Cả ba đứa đã hẹn tề tựu ở đây. Cả ba đều đúng hẹn, sớm hơn giờ dự định. Có lẽ cả ba đều náo nức như nhau. Cả ba đều tươi rói. Một hành trình hoàn toàn mới sắp bắt đầu. Cả ba đều đi bộ. Tuy nhiên cả ba đều được hứa nếu ngoan ngoản chăm chỉ học hành sẽ được thưởng xe đạp. Chúng bắt đầu đi qua cầu Bạch Hổ, chiếc cầu sắc thật lớn và dài, bắt ngang sông Hương. Cầu có đường rầy xe lửa ngay chính giữa. Hai bên là hai lối đi dành cho người đi bộ hoặc đi xe đạp.

Gió sông Hương buổi sáng thật mát mẻ. Ra giữa cầu, nhìn về hướng Thuận An là chiếc cầu Tràng Tiền. Nhìn lên hướng núi là chùa Linh Mụ. Qua màn sương mù, trông Huế đẹp như cảnh thần tiên. Thằng Lâm nhớ đến câu chuyển huyền thoại Việt Nam vào đời nhà Trần thế kỷ 14 nói về một viên quan huyện trẻ tuổi lạc chốn Bồng Lai: Từ Thức là một thanh niên trẻ làm chức quan huyện tại Tiên Du (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay.) Một hôm nhân đi xem hội hoa mùa xuân, chàng thấy một thiếu nữ bị bắt phạt vì đã vô tình làm gãy một cành hoa mẫu đơn. Cô gái không có một đồng xu dính túi. Với tấm lòng rộng lượng, Từ Thức đã dùng chiếc áo của mình để đổi lấy sự tự do cho cô gái. Từ đó chàng đem lòng nhớ thương, nhưng không biết làm sao để có thể gặp lại nàng, bởi vì ngay cả nàng tên gì chàng cũng quên hỏi. Một hôm, vì tương tư, chàng từ quan bỏ nhà ra đi lang thang đây đó.

Nói về Giáng Hương là cô gái xinh đẹp mà Từ Thức đã giúp đở hôm nào: Khi trở về động Bồng Lai với mẹ, hằng ngày vẫn nhung nhớ đến chàng. Một bên là tiên nữ một bên là phàm nhân. Có lẻ vì cõi tiên có phép nhiệm mầu nên đã xui khiến Từ Thức trôi dạt đến động Bồng Lai. Cảm kích chàng là người có đạo hạnh, mẹ của Giáng Hương bèn gả con gái mình cho Từ Thức. Hạnh phúc tuyệt vời bên nhau được một năm ở chốn Bồng Lai, chàng cảm thấy nhớ nhà và có lỗi với cha mẹ đã lâu không gặp, chàng bèn đề nghị vợ cho chàng trở về quê nhà một vài hôm. Dù biết rằng nếu chàng rời khỏi Bồng Lai thì khó có thể trở lại, nhưng vì chìu chồng nàng đành để chàng ra đi. Về đến quê nhà Từ Thức thấy mọi vật đều khác hẳn. Hỏi ra mới biết chàng chính là một quan huyện tại địa phương này của hơn ba trăm năm về trước! Một năm ở tiên giới bằng ba trăm năm ở trần thế. Sau đó vì không thể tìm lại được Bồng Lai, chàng ẩn cư ở núi rừng, dùng hết cuộc đời còn lại của mình để tìm vợ.

Đưa tầm nhìn về phía núi, thằng Lâm có thể thấy chùa Linh Mụ mờ ảo trong sương mù, nhô ra từ bờ sông Hương như một hòn đảo huyền bí. Hắn bèn kể chuyện Giáng Hương và Từ Thức cho thằng Văn và thằng Hiền nghe, xong bảo với chúng chùa Linh Mụ chính là đảo Bồng Lai trong câu chuyện. Thằng Văn phản đối, đưa tầm nhìn về Cồn Hến phía bên kia cầu Tràng Tiền, bảo rằng Cồn Hến mới chính là đảo Bồng Lai. Rồi cả ba cùng cười xòa những nụ cười trong sáng hồn nhiên vô tư lự của tuổi học trò.

Thật ra ba đứa chúng nó đã trở thành thân thiết ngay từ khi mới quen biết nhau. Nhớ mấy tháng trước ngày tựu trường khi chúng biết sẽ cùng được vào trường Quốc Học, chúng đã tình cờ quen nhau. Thằng Hiền rủ hai đứa đến nhà nó chơi. Ba me thằng Hiền vui mừng lắm. Họ muốn thằng Hiền có bạn đi học cùng đường để được an tâm hơn. Thằng Hiền thật hiền từ, dáng dấp thư sinh. Hẳn cha mẹ hắn thương yêu hắn lắm. Thằng Văn và thằng Lâm thì có vẻ cứng cáp hơn, nhà quê hơn, cụ trâu hơn. Nhà thằng Văn ở ngoại ô thành phố nên có vườn tược rộng rãi, trồng đủ các thứ cây ăn trái. Thằng Văn cũng chỉ có mẹ, giống thằng Lâm vậy. Mẹ nó cũng chất phác hiền hòa như mẹ thằng Lâm. Mẹ nó vui mừng con mình có bạn học mới. Mẹ nó biểu thằng Hiền và thằng Lâm thường lên chơi nhà nó. Mẹ nó nói: Đến mùa hè tụi bây lên đây tha hồ ăn trái cây. Hai đứa vui vẻ trả lời không chút do dự: Dạ!

Ba đứa vừa đi vừa chuyện trò, quên cả đường dài. Qua khỏi cầu Bạch Hổ, rẽ trái, đi khoảng 10 phút là đến ga Huế. Còn sáng sớm mà ga Huế đã tấp nập người. Những gánh hàng rong bán đủ loại thức ăn. Xôi muối mè, xôi thịt hon, cơm hến, bún rêu, bánh bột lọc, bún Huế, v.v., đử thứ. Nhiều khách hàng ăn sáng ngay tại sân ga trong lúc chờ tàu đến. Thật nhộn nhịp.

Từ ga Huế, rẽ trái một lần nữa, và đi một quãng ngắn là nhiều dinh thự sang trọng và đồ sộ, những văn phòng làm việc của chính quyền địa phương. Chúng nó dừng lại ở một công viên xinh xắn, nơi đó có mấy cây me thật to và cao, đứng sừng sững oai nghiêm. Không biết chúng đã đứng đó tự bao giờ. Có lẽ những cây me đã có từ cả 100 năm trước khi chúng nó lọt lòng mẹ. Chúng nhặt những trái me rụng, chín muồi. Ruột bên trong teo lại gần như khô cằn. Nhưng hương vị không thể tả được. Ngọt ngọt chua chua. Cả ba đứa say sưa nô đùa ở đây, quên cả thời gian. May vẫn còn sớm. Người ta mới lẻ tẻ bắt đầu đến công sở làm việc. Trường học đã gần kề. Không cần vội vã. Chúng tiếp tục ăn những trái me còn lại trước khi đến trường …

Thằng Lâm nhanh chóng thích nghi với bậc trung học. Việc học hành đối với nó là một hứng thú. Nó có thằng Văn thằng Hiền bạn cùng đường nên việc đi học lại càng thú vị hơn. Thằng Văn nổi bậc môn Việt văn. Thằng Hiền nổi bậc môn Anh văn. Còn thằng Lâm thích nhất là môn toán. Vào những ngày thứ bảy mỗi tuần, ba đứa chúng nó thường gặp nhau để học và làm những bài tập các thầy cô giao phó. Chúng tụ tập khi thì ở nhà đứa này, khì thì ở nhà đứa khác. Những bài học bài làm không thể làm khó chúng nó.

Vào những ngày lễ hội và nhất là vào những dịp hè, thằng Lâm có bạn đi chơi đây đó. Nhờ vậy nó biết được nhiều chỗ, các danh lam thắng cảnh như núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, đồi Thiên An, các lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn, các chùa chiền như Linh Mụ, Từ Đàm, Diệu Đế, Từ Hiếu, v.v. Huế đã trở thành một vùng đất thân thương của nó. Huế càng thơ mộng vào những chiều có mây vương mầu khói, có tiếng chuông chùa vọng ngân. Hắn nghĩ, dù có một ngày phải xa Huế, chắc chắn những nỗi niềm quyến luyến này sẽ không bao giờ phai.

Mỗi chiều khi mây vương mầu khói

Khi nắng vàng le lói đầu non

Khi câu hò cất tiếng véo von

Là khi Huế thả hồn vào mộng.

Thông núi Ngự reo chiều gió lộng

Thiên Mụ trầm ngân vọng tiếng chuông

Ánh chiều vàng lấp lánh sông Hương

Đìu hiu vắng con đường thôn Vỹ.

Huế cố đô bức tranh kiều mỹ

Với lâu đài cũ kỹ rêu phong

Bến Vân Lâu nghe tiếng chờ mong

Du khách ngẩn ngơ lòng xao xuyến.

Huế ngàn thơ Huế bao lưu luyến

Khúc Nam Bình trên chuyến đò xưa

Liễu buông mành theo gió đong đưa

Bao nỗi niềm ngày xưa xứ Huế.

Hôm nay, cũng như mọi ngày chủ nhật khác kể từ khi mẹ cho đi gia đình Phật tử, thằng Lâm chỉnh tề trong bộ áo quần Phật tử mới toanh đến chùa sinh hoạt. Sinh hoạt Phật tử thật vui và hữu ích. Huynh trưởng thường cho chơi những trò chơi lành mạnh. Thỉnh thoảng được đi tham quan các chùa khác. Đôi khi còn được di cắm trại ở những vùng xa hơn. Đặc biệt là những giờ vào chánh điện lễ Phật, được nghe các thầy tụng kinh. Rồi những giờ khác được các thầy thuyết pháp. Đối với những Phật tử ở lứa tuổi nó, các thầy thường kể chuyện đạo nhiều hơn giảng giải những triết lý cao siêu. Nhờ vậy đa số đều rất thích thú. Thằng Lâm chăm chú nhất vào những lúc các thầy kể cuộc đời của Phật trước khi xuất gia. Nó hình dung như đang diễn ra trước mắt nó. Ngài đang du ngoạn ngoại thành, chứng kiến cảnh sinh lão bệnh tử. Khi khác, Ngài ở trên cánh đồng cày ruộng, chứng kiến những côn trùng bị lưỡi cày cắt đứt thành từng mảnh. Rồi chim chóc sà cánh bắt mồi, giành giựt cắn xé nhau. Ngài không chỉ thương xót cho người bệnh, cho lão già yếu ớt lụm khụm, cho thân nhân của người chết mà Ngài vừa chứng kiến. Ngài không chỉ thương xót cho mấy con côn trùng bị lưỡi cày cắt đứt, cho mấy con chim phải cắn xé nhau vì miếng mồi mà Ngài vừa chứng kiến. Ngài không chỉ liên tưởng sẽ có một ngày Ngài và những người thân thương của Ngài cũng phải trải qua những khổ đau như thế. Thật ra, Ngài liên tưởng đến tất cả sinh linh. Tất cả sẽ phải trải qua những khổ đau trong kiếp sống. Và với lòng từ bi bao la, Ngài thương xót cho tất cả sinh linh.

Tất nhiên Ngài không dừng chân ở niềm thương xót đó, bởi vì ngoài lòng từ bi vô biên, Ngài còn là hiện thân của trí huệ vô biên và dũng cảm vô biên. Ngài biết rõ Ngài sẽ phải làm gì. Phải xa thân phụ là một niềm đau. Xa vợ hiền là một niềm đau. Xa con ngoan là một niềm đau. Nhưng nếu không tìm ra một con đường giải thoát thì sẽ có một ngày, một ngày không xa, Ngài sẽ phải đón nhận những niềm đau gấp bội. Hơn nữa, con đường giải thoát không chỉ giúp cho Ngài mà cho mọi sinh linh. Với từ bi trí huệ dũng cảm vô biên, Ngài đã chiến thằng được những niềm đau nhất thời đó. Và chiến thắng đó của Ngài là một tài sản vô giá hôm nay của chúng sanh: Trung Đạo.

Thằng Lâm vẫn nhớ rõ lời dạy của thầy Đôn Hậu trong buổi lễ quy y: “Thầy nghe mẹ con nói con rất chăm học. Thầy rất vui mừng. Bây giờ thầy đã quy y cho con, ngoài học ở trường ra, con còn phải học Phật nữa mới nên người. Có thể con nghĩ rằng vì phải chia xẻ thời gian học ở trường để học Phật, việc học của con có thể bị trì trệ. Nhưng nghĩ như vậy là không đúng. Thầy bảo đảm với con rằng từng nào việc học Phật của con tấn tới, tâm trí con sẽ sáng suốt minh mẫn hơn, và do đó việc học của con ở trường sẽ tiến bộ gấp bội.” Thầy nói đúng tim đen thằng Lâm. Nó chỉ biết lập luận đơn sơ theo kiểu hai cọng hai là bốn: Chia thì giờ để học cả hai bên đương nhiên phải giảm chất lượng. Nhưng thằng Lâm đã sai. Chính lời dạy bảo của thầy mới chí lý.

Mỗi buổi tối mẹ đều tụng kinh rất đều đặn. Trong chiếc áo dài màu lam nhạt, mẹ trang nghiêm vái Phật, xong là ngồi xuống tụng kinh. Có khi mẹ tụng cả giờ đồng hồ mới thôi. Lời kinh của mẹ dần dần đi vào tâm trí thằng Lâm. Nó không hiểu hết ý nghĩa của lời kinh, nhưng chính âm hưởng của sự tụng niệm đã có tác động mạnh lên nó. Lời kinh của mẹ đã làm tâm hồn nó thanh tịnh hơn, đã làm tâm trí nó sáng suốt minh mẫn hơn. Tụng niệm là một trong những phương pháp thiền định. Không những chỉ người tụng mới có thể nhập thiền mà người nghe cũng vậy. Nhờ sự chú tâm vào việc tụng niệm, người tụng cũng như người nghe có thể gạt bỏ những tạp niệm trong đầu, và trực cảm sẽ tự nhiên xuất hiện trong tâm trí. Trạng thái thanh tịnh và cảnh giác sẽ đến với người tụng cũng như người nghe. Khi tâm trí sáng suốt, người ta có thể cảm nhận những hiện tượng chung quanh một cách trực tiếp hơn, không cần thông qua ý niệm tư tưởng hay suy nghĩ.

Lời kinh của mẹ là suối nguồn tươi mát, đã ban cho thằng Lâm một tâm hồn thanh thản, một trí óc sáng suốt. Việc học hành của nó càng ngày càng tiến bộ rõ rệt. Và nó không hề ngạc nhiên.

 Sydney, mùa Vu Lan 2006 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/tinhthuong_me.htm

 


Vào mạng: 3-9-2006

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang