- TINH
THẦN TRI ÂN VÀ BÁO ÂN
- CỦA
NGƯỜI CON PHẬT QUA VU LAN BÁO HIẾU
- Trí Khả
Có thể nói mùa Vu Lan được xem là
mùa báo hiếu, báo ân đối với cha mẹ, thực ra con đường xây dựng một
đức tánh cơ bản của hạnh Phật giáo là xây dựng lòng từ bi phát khởi
từ tình thương cha mẹ, từ tình cảm gia đình lan dần ra đến tình cảm
rộng lớn đối với xã hội, đối với sự sống.Đến với dân tộc Việt
Nam truyền thống Vu Lan hòa lẫn nhịp nhàng vào tâm hồn tín ngưỡng của
dân tộc.
Nói về Vu Lan
tức là nói về một truyền thống của một ton giáo đã bắt rễ khá lâu
đời trong lịch sử dân tộc Việt Nam và mang giá trị văn hóa tinh thần,
là một phương pháp giáo dục đạo đức có giá trị nhân bản trong toàn
nhân loại bởi nó nó đã nói lên tầm quan trọng của di sản đạo đức
và quá trình thích nghi trong những đặc sắc rất tốt đẹp có khả năng
thích ứng. Kể cả những tầng lớp nhân sinh ít có điều kiện hiểu hết
được những tư tưởng triết luận thâm cao nhưng vẫn đượm nhuần mùi
hiếu hạnh và truyền thống này cần phải tiếp tục duy trì cho đến mãi
về sau nhằm nhắc nhở gương hạnh của tiền nhân cho thế hệ sau ghi nhớ
công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Một tình thương nào đó được gọi là
bao la mà không có tình thương đối với cha mẹ thì không phải là lòng từ
bi của đạo Phật và tình thương ấy đã được nhân dân ta dệt lên những
câu ca dao, tục ngữ với chất liệu ngọt ngào như suối nguồn bất tận
, với hương vị mặn như tấm lòng của biển.
Năm nay mùa Vu
Lan lại trở về với muôn triệu người con Phật, riêng đối với hàng Phật
tử chúng ta có cảm niệm gì về mùa Vu Lan này va tri ân, báo ân cha mẹ như
thế nào đúng với tinh thần của người con Phật? Đó là ưu tư của người
Phật tử nghĩ đến cha mẹ khi Vu Lan về.
Duyên khởi Vu
Lan được bắt nguồn từ khi đức Phật còn tại thế, vị đại đệ tử
của Phật là tôn giả Mục Kiền Liên sau khi tu hành chứng được lục thông,
Ngài dùng huệ nhãn xem xét thấy vong mẫu sanh làm loài ngã quỉ chịu khổ
đói khát không cùng, Ngài bèn vận dụng thần thông mang cơm dâng mẹ nhưng
do ngiệp lực của bà chiêu cảm nên khi vừa mở miệng ra cơm đã hóa
thành than lửa không thể ăn được. Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng
đau xót về thỉnh cầu đức Phật dạy phương cứu khổ mẫu thân. Đức
Phật dạy nhân rằm tháng bảy là ngày tự tứ, là ngày Phật đà hoan hỉ
hãy thiết lễ trai tăng cúng dường nhờ vào đạo hạnh tinh khiết và
thanh tịnh của chư tăng cùng hướng về người quá cố mà chú nguyện, tạo
thành lực dụng tiếp dẫn họ trở về trạng thái an lành nhờ đó mà bà
Thanh Đề từ bỏ tâm tham lam bỏn xẻn, khởi tâm hoan hỉ nên được xa lìa
ác đạo. Kể từ dạo ấy đại lễ Vu Lan in sâu vào tâm hồn của người
con Phật.
Qua hơn 2 thiên
niên kỷ nhưng di ảnh đó vẫn tồn tại với thời gian, luôn là bức tranh
tuyệt tác, là sắc màu hiếu hạnh hiện lên hải hà tình thương trên
bình điện đạo đức, đem lại nguồn lợi ích không ngần cho nhân sinh,
trang bị thành nhân cho biết bao tâm hồn hướng thượng, sự hiện diện của
tôn giả Mục Kiền Liên 2500 năm trước là tấm gương hiếu hạnh cho nhân
loại soi chung và đã trở thành một truyền thống cao đẹp ăn sâu vào
lòng dân tộc.
Trong cuộc sống
của mỗi người chúng ta, khi nói đến cha mẹ thì quả thật trên đời này
không có tình thương nào đậm đà và thiêng liêng bằng tình thương cha mẹ,
nhất là cơm nặng áo dài của người cha mẹ, sự hi sinh cao cả ngậm đắng
nuốt cay của người mẹ. Ngay từ khi chưa biết hình hài ta như thế nào
nhưng mẹ vẫn dành cho ta một tình thương bất tuyệt, lúc khai hoa nở nhụy
mẹ đã âm thầm chịu bao đau đớn, khi sanh ta ra trăm mối ưu tư lo sợ chồng
chất trong lòng mẹ. Suốt ba năm bú mớm dưỡng nuôi, mẹ đã hi sinh một
phần thân thể cho ta dòng sữa ngọt ngào, ngọt như tình thâm của mẹ mà
ta đã say sưa uống cạn để trưởng thành. Nhắc làm sao hết được tình
thương của mẹ đã dành cho ta từ thưở mới tượng hình đến lớn khôn
và ngay cả hiện tại. Tình thương đó đến với ta qua bàn tay trìu mến,
qua dòng sữa ngọt ngào của cuộc đời, là dòng suối bất tận của thời
gian.
Nhưng tình mẹ
bao la như biển cả thì ân cha cao tựa Thái Sơn. Ca dao Việt Nam có câu :
- “Công
cha như núi Thái Sơn
- Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Tình cha
thì nghiêm nghị nên được ví như núi cao sừng sững, còn tình mẹ thì
êm ả dịu dàng nên nghĩa mẹ được ví như suối nguồn bất tận.
Đặc biệt là
tình nghĩa của mẹ đối với con thì vừa trong lành, vừa hiền diệu.
Nhìn về phương diện sinh học thì không có một thứ động, thực vật nào
không có nước mà có thể sống được, cho nên nước trong nguồn chảy ra
chính là nguồn sống của muôn loài. Nước trong nguồn không bao giờ cạn
được thì lòng mẹ cũng không bao giờ ngừng nghỉ.
Tình thương của
mẹ trong suốt, dịu dàng và ngọt ngào. Mẹ thương con cũng giống như tình
thương của nước đối với nhân loại. Bản chất của nước thì nhuần
mát, ngọt dịu và trong sáng. Nước thì chảy suốt, nếu gặp trở ngại
thì nước cũng gầm lên trong bọt và xoáy dữ dội nhưng đó không phải
là bản chất của nước. Trong tình thương mẹ con cũng vậy, đôi lúc ngọt
ngào với con nhưng có lúc cũng la rầy, đánh con nhưng đó không phải là bản
chất của mẹ mà bản chất của mẹ là trìu mến, nâng niu và ngọt ngào
đối với con. Vì muốn cho con nên người và ảnh tỉnh khi con sai trái nên
mẹ mới đánh con nhưng sự đánh con của mẹ không bao giờ có cái giận lấn
lướt tình thương của mẹ đối với con.
Trái lại “Công
cha như núi Thái Sơn”, núi nhìn xa thì bình thản nhưng núi chứa trong
lòng không biết bao côn trùng, thảo mộc và động vật… đang sinh sống
cho nên bên ngoài cha có vẻ nghiêm nghị mà bên trong cha lại từ bi, đức
độ và bao dung. Cha là lý tính và trí tuệ cho nên mỗi khi cha la rầy một
tiếng thì người con phải sợ, sự la rầy đó không phải là cha không thương
con. Vì cha ít nói nên khi cha nói thì đó là sự việc đã xảy ra quá lắm
rồi và sự la rầy đó của cha có cái lạnh lùng nhưng bên trong bao hàm ý
hướng thiện nhân bản. Cho nên Emilealain có nói “nâng niu chiều chuộng
trẻ không phải là giáo dục” cũng không ngoài ý này vậy.
Tình thương của
cha mẹ đối với con cái lúc nào cũng vẫn bao la như trời biển, con cái
nhờ tình thương đó mới lớn lên được cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu
thiếu tình thương, thiếu sự giáo dục của cha mẹ thì người con sẽ bơ
vơ, tâm hồn sẽ bị lệch đi và không trở nên người hữu ích. Sự thiếu
tình thương của cha mẹ được nhân dân ta diễn tả qua câu :
- “
Còn cha gót đỏ như son
- Đến khi cha mất
gót con lấm bùn”
Cha mẹ không
chỉ là ân nhân mà là hiện hữu lẽ sống của cuộc đời và hạnh phúc
nhất của người con không chi bằng là còn cha mẹ và bất hạnh nhất
không chi bằng là mất cha mẹ. Người con mất cha mẹ khác nào như những
cánh chim cô đơn không tổ ấm, thân bé bỏng giữa rừng đời trống vắng.
Người con dù
tiếp nhận công ơn cha mẹ, dù tìm hiểu ơn nghĩa ấy qua sách vở vẫn
không có được cảm nhận sâu sắc về ân nghĩa ấy, cho đếùn khi nào người
con đó trưởng thành, lập gia đình mới cảm nhận sâu sắc với ân nghĩa
của cha mẹ và từ sự cảm nhận cảm nhận, biết ơn ấy mới nảy sinh hành
động báo đáp ân nghĩa của cha mẹ một cách chí thành chí kính. Để cho
chúng sanh hiểu sâu sắc hơn về công ơn cha mẹ, trong kinh Phân Biệt đức
Phật dạy: “ Ta trải qua vô lượng kiếp tinh tấn tu hành nay mới thành
đạo quả vô thượng bồ đề đều tòan là nhờ công ơn của cha mẹ”.
Vậy người học đạo không thể nào không kính hiếu đối với cha mẹ. Từ
đó Ngài khẳng định tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật
hay nói khác hơn con đường đưa đến Phật quả tất yếu ta phải tu tâm
hiếu và thực hành hạnh hiếu.
Kinh Bảo Tạng
đức Phật dạy: “ Làm con đối với cha mẹ đem lễ mọn cúng dường thì
được phước vô lượng, làm điều bất thiện thì tội cũng tội vô lượng”.
Vậy cha mẹ hiện tiền ta hãy hết lòng phụng dưỡng bởi vì cha mẹ hiện
tiền như Phật tại thế, cúng dường cha mẹ như cúng dường chư Phật, vì
vậy cúng dường cha mẹ là một trong tám phước điền thù thắng nhất.
Chừng đó cũng đủ thấy rõ tầm mức quan trọng của hiếu hạnh trong
giáo lý đạo Phật.
Đạo Phật bao
giờ cũng chú trọng đến lòng hiếu thảo của kẻ làm con vì hiếu đứng
đầu trong trăm hạnh tốt. Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận,
hiếu cảm đến đất thì muôn vật xanh tươi, hiếu cảm đến người thì
mọi phúc lành đếu tới. Cho nên hiếu cũng được gọi là “giới”, là
điều phải thọ trì trước nhất của người tu.
Trong kinh Nhẫn
Nhục đức Phật dạy rằng: “Cùng tốt điều thiện không gì bằng hiếu,
cùng tội điều ác không gì bằng bất hiếu”, cho nên trong luật, đức
Phật còn liệu tội bất hiếu là tội đứng đầu trong 5 tội “ngũ nghịch”.
Để chúng ta nhận rõ được giá trị của hạnh hiếu và ý thức dược bổn
phận làm con phải phụng dưỡng cha mẹ như thế nào cho xứng đáng.
Kinh Thiện Sanh
đức Phật dạy:Người con có các bổn phận đối với cha mẹ :
·
Vâng lời cha mẹ,
giúp đỡ cha mẹ khi có việc cần.
·
Giữ gìn gia
phong lễ giáo, danh dự gia đình.
·
Bảo vệ tài sản
của cha mẹ.
·
Phụng dưỡng
cha mẹ lúc tuổi già.
·
Kích lệ, giới
thiệu đạo giải thoát chánh kiến đến với cha mẹ.
·
Lo tang lễ khi
cha mẹ qua đời.
Về phương
diện báo ân, thế nhân đền đáp ân nghĩa sanh thành dưỡng dục bằng của
cải vật chất, tiền bạc và lòng tôn kính, đương nhiên đây là cách rất
phổ thông nhưng theo Phật giáo quan niệm sự đền đáp ấy chưa đủ, người
con còn có bổn phận đem lại cho cha mẹ chánh kiến, chánh tín, giới thiệu
con đường giải thoát giới định tuệ hầu giúp cha mẹ loại trừ các
ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp, đi dần đến giải thoát sanh tử
khổ đau, sự đền đáp này gọi là sự đền đáp của con người có trí
tuệ và được như vậy mới tương xứng với công ơn của cha mẹ.
Điển hình
đức Phật sau khi thành đạo, Ngài trở về Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp độ
vua cha, lên cung trời Đao Lợi thyết pháp độ mẹ và độ di mẫu là bà
Ma Ha Ba Xà Ba Đề người mà nuôi dưỡng đức Phật khi còn làm thái tử cũng
được xuất gia và chứng chánh quả. Đó là nói về sự báo hiếu cha mẹ
còn hiện tiền nhưng đối với cha mẹ quá cố thì người con báo hiếu bằng
cách làm những phúc duyên thánh đạo tạo tất cả công đức lành để hồi
hướng cho cha mẹ đã quá vãng nương nơi công đức ấy mà siêu sanh về cảnh
giới an vui hay nói khác hơn là chúng ta báo hiếu cha mẹ theo tinh thần kinh
Vu Lan mà đức Phật đã dạy cách đây hơn 25 thế kỷ, tôn giả Mục Kiền
Liên đã thực hiện và thực hiện có kết quả.
Điểm đặc
sắc hơn là hạnh hiếu của Bồ Tát Địa Tạng được ghi lại trong kinh
Địa Tạng, lúc tiền thân của Ngài còn là Bà La Môn nữ vì thương tưởng
đến thâm ân của cha mẹ nên Ngài sắm sửa lễ vật cúng dường chùa
tháp…, thờ tôn tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai,
nhờ công đức đó mà mẹ của Ngài được sanh lên thiên giới.
Và hình ảnh
thứ hai là tiền thân của Ngài là Quang Mục cũng vì mẹ mà sắmsanh trai
giới cúng dường cho vị La Hán và họa vẽ hình tượng của đức Phật
Thanh Tịnh Liên Hoa Mục ngày đêm hết lòng chí thành xưng niệm danh hiệu
của Phật, hồi hướng cho mẹ, nhờ phước lực đó mà mẹ Ngài được
thoát hóa và cũng từ đó mà Ngài đối trước tôn tượng của đức Thanh
Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai phát lời thị nguyện: “ Từ ngày nay nhẫn về
sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp trong những thế giới nào mà có các
hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng 3 ác đạo, tôi nguyện cứu
vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục,
ngạ quĩ và súc sanh. Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả
rồi vậy sau tội mới thành bậc chánh giác” ( Kinh Địa Tạng phẩm thứ
4, phần 4 Quang Mục cứu mẹ, trang 36). Đó cũng đủ cho ta thấy từ hiếu
hạnh đã trở thành nguyện hạnh của một vị Bồ Tát và cũng nói lên
tinh thần vị tha, hy sinh bản thân để phụng sự chúng sinh của đạo Phật.
Qua các phần
trình bày ở trên nhằm nhắc nhở cho người con Phật chúng ta nuôi dưỡng
tâm hiếu và quay về đời sống thực tại để thực hiện tinh thần tri
ân, báo ân cha me hầu xây dựng một đời sống đạo đức cho con người,
cho gia đình và xã hội, đây là hành động cụ thể, phát huy trọn vẹn
tâm hiếu và cũng là chất liệu giúp cho hành giả phát Bồ Đề tâm thực
hành Bồ Tát đạo.
Hiện
tại hơn là thực hành các bổn phận đáp đền ân nghĩa đó là thiết thực
nhất của người Phật tử trong việc cử hành Đại lễ Vu Lan và cũng là
đóa hoa lòng thanh khiết nhất, kết thành tràng hoa hiếu hạnh, chúng ta
dâng lên cúng dường các bậc ân nhân trong mùa báo hiếu này vậy.
http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/trianvabaoan.htm