Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VU LAN VÀ TUỔI TRẺ
Thích Thông Huệ

Em thân mến!

Hôm nay, mùa Vu Lan báo hiếu lại trở về trên xứ Việt, hòa chung với niềm vui lớn này, xin được san sẻ cùng em đôi điều về đạo hiếu của con người. Có thể em chưa phải là Phật tử, chưa biết gì về Đạo Phật. Nhưng em cũng cần biết một cách khái lược về hiếu đạo, vì điều đó đâu có xa lạ gì với truyền thống đạo đức của người Việt Nam. Vả lại, em cũng cần biết rõ đâu là hiếu, đâu là bất hiếu để có một cái nhìn đúng đắn, chính xác trong cuộc sống hôm nay, một cuộc sống với nhịp độ hối hả, chóng mặt, dễ làm ta đánh mất những giá trị nhân bản muôn đời mà hiếu đạo là nền tảng trong mọi kiếp nhân sinh.

 Em sẽ bảo vì sao lại nói đến chữ Hiếu, trong khi vấn đề đã được rất nhiều người nhắc đi nhắc lại, e rằng sẽ trở thành điệp khúc: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đó thôi. Nhưng em ạ! Có những vấn đề đã trở thành truyền thống, nhắc lại đúng lúc, đúng thời cũng là một cách nói mới nhằm nhắc nhở, động viên, khuyến khích nhau trong cuộc sống rất bận rộn này. Nếu không như vậy thì mọi vấn đề dù có nóng hổi đến đâu cũng sẽ chìm vào quên lãng. Vì thế, tôi không ngại viết ra đôi điều làm phiền em phải đọc.

 Em ạ! Một chữ Hiếu mà bao la rộng khắp, nói làm sao hết nghĩa hết tình, chỉ đại khái thôi để cho em có một ý niệm trong lòng. Xin mượn lời tiền nhân đã dạy:

 “Thờ Cha kính Mẹ hết lòng,

Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường.

Chữ Để là nghĩa chữ nhường,

Nhường anh nhường chị, lại nhường người trên.

Ghi lòng tạc dạ chớ quên,

Con em phải giữ lấy nền con em”.

            Như vậy em thấy hiếu để là kính trên nhường dưới, một dạ khắc ghi, siêng năng làm bổn phận, đạo lý này rất bình thường nhưng mà cao cả biết bao!

 Ca dao Việt Nam có câu :

“Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”.           

Thật vậy, có gì quý hơn một người biết kính trọng Ông Bà, Cha Mẹ, luôn luôn hiếu thuận hết mực, từng cử chỉ, lời nói ôn hòa thì mới tạo được niềm tin với mọi người. Nếu một người cư xử tệ bạc với Cha Mẹ, với người trên mà lại cư xử tốt với người ngoài, chắc không có gì lạ, chỉ để cầu danh cầu lợi mà thôi. Một người thật lòng thật dạ biết hổ thẹn sẽ không hành xử như vậy. Điều đó khiến cho em hiểu, hiếu là quan trọng đến mực nào. Bởi thế, đức Phật có dạy :

 “Hiếu đứng đầu muôn hạnh” (Hiếu vi vạn hạnh chi tiên).

 Trong thời đại nguyên tử mọi giá trị tinh thần đều bị đảo lộn, mọi thứ đều được hiện đại hóa, vì thế hiếu hạnh cũng có phần bấp bênh trong lòng những con người bội bạc, quên cội nguồn.

 Tuổi trẻ quê tôi bây giờ đã rủ nhau đổ xô về đất thị thành ngày càng nhiều. Các em đã từ giã làng quê ra đi chen chúc trong các xí nghiệp để bảo đảm cuộc sống tiện nghi; trao dồi thêm kiến thức thời đại vì sợ rơi vào lạc hậu. Do vậy, em phải phấn đấu học hỏi, đáp ứng theo nhu cầu xã hội ngày càng cao, và cái cảnh cô đơn tủi phận của những bậc Cha Mẹ xảy ra là điều tất yếu.

Em đi làm việc phương xa mang theo hình ảnh một người tha phương, phiêu lưu trong vòng lẩn quẩn của chén cơm manh áo. Bỗng một hôm nào đó “Giật mình mình lại thương mình xót xa !” thì đã quá muộn màng. Em càng khôn lớn thêm lên thì bậc Cha Mẹ đã sắp thành “người thiên cổ”. Muốn báo hiếu ư? Cũng không còn kịp nữa. Em có quyền sống và làm mọi việc, nhưng luôn nhớ bài học ngàn vàng: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Nghĩa là khi em làm điều gì phải xét xem điều ấy là thiện hay ác? Có làm tổn hại ai không? Có làm cho Cha Mẹ vừa lòng hay phải lấy tai tiếng vì mình? Em nên biết, hiếu được xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu xa đối với song thân và được biểu hiện nơi hành động thiện lành, không cô phụ công ơn sanh thành dưỡng dục của người. Em cần phải hiểu, thương yêu kính trọng thôi vẫn chưa đủ, mà còn phải trao dồi thêm trí huệ, biết đâu đúng đâu sai, việc gì nên làm không nên làm. Người có tâm hiếu thì không thể mê mờ trong hành vi lời nói. Hiếu không nằm trong một tâm hồn bệnh hoạn, đầy dẫy tham - sân - si. Chính mình đã không biết xử xự tốt đối với hoàn cảnh thì làm sao có thể giúp cho người thân được hạnh phúc. Căn bản đạo đức là hiếu đạo, trợ duyên cho đời sống đạo đức là quy y Tam Bảo, giữ gìn năm giới cấm, thực tập theo nếp sống Bát chánh đạo, nương pháp Phật làm cương lĩnh cho mọi ý nghĩ, lời nói và hành động.

   Việc báo hiếu báo ân là điều phải làm, vì là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả nhất của những người con. Và chúng ta đem hiếu hạnh đó dâng lên cúng dường ngôi Tam bảo nhân mùa Vu Lan báo hiếu báo ân năm nay.

 Muốn báo ơn Cha Mẹ thì cái tình thật đáng cần hơn cái tiền. Em còn nhớ câu chuyện con trai Lão Hạc của Nam Cao không? Vì muốn thay đổi hoàn cảnh hiện tại nên đã tuyên bố: “Con đi, khi nào có bạc trăm con mới về”, và anh đã ra đi, đi mãi vào lòng đất, làm phân cho gốc cao su, bỏ lại người cha già bơ vơ thật tội nghiệp. Sau đó ông lão đã chết vì cô đơn buồn bã, vì mòn mỏi đợi chờ bằng liều thuốc độc.

Vu Lan là ngày hội tụ những niềm vui trong tâm hồn những người con hiếu hạnh. Đức Mục Kiền Liên chưa bao giờ rời xa chúng ta, cả cuộc đời Ngài vẫn ở trong ta, vẫn chói lòa tấm gương hiếu hạnh một cách hoàn hảo. Nếu em biết sống đời hiếu hạnh thì em cũng chính là hiện thân đức Mục Kiền Liên, em đã sống thật đáng sống. Từ chỗ đứng của mình bằng tất cả tấm lòng thành, em hãy chắp tay hướng về Phật đài và vui mừng vì được báo ân Cha Mẹ, như một nghĩa vụ thiêng liêng, càng thực hiện càng thêm an lạc.    

 VU LAN - TRUYỀN THỐNG CỦA ĐẠO HIẾU    

Cứ mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, tất cả người con Phật đều nhớ đến trách nhiệm báo ân báo hiếu đối với hai đấng sanh thành. Hàng Phật tử khắp nơi cùng nhau long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan, nương vào uy đức ngôi Tam bảo, cầu nguyện cho Cha Mẹ còn sống được an lạc trong chánh pháp, Cha Mẹ đã qua đời siêu sanh về các cõi lành. Thương cha kính mẹ được coi là truyền thống tốt đẹp lâu đời của mỗi người dân Việt. Tình thương đối với Cha Mẹ luôn luôn là mối ân tình thiêng liêng nhất.

 Từ thuở xa xưa đến nay, tấm gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên vẫn mãi mãi soi sáng, làm thắm đượm nhân tình. Sau khi thành đạt đạo quả A La Hán, ngài Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn quan sát khắp, thấy Mẹ mình bị đọa đày làm loài quỷ đói. Ngài là hàng đệ tử thần thông đệ nhất, tin rằng sẽ cứu được Mẹ qua cơn đói khát đày đọa tấm thân. Ngài với hai tay cầm bát cơm xuống cõi âm dâng lên cho Mẹ. Mẹ ngài cầm bát cơm vừa đưa ngang miệng, thì than ôi! Cơm hóa thành than hồng, không thể ăn được. Tôn giả chính mắt chứng kiến cảnh tượng này, lòng đau khổ vô cùng. Tôn giả trở về xin Phật mở lượng từ bi cứu độ Mẹ ngài.

   Phật dạy: “Mẹ ông đã nhiều kiếp gieo nhơn xan tham keo kiệt, nên nay phải chịu quả báo làm loài quỷ đói. Một mình ông không thể cứu được. Phải nhân ngày rằm tháng bảy, tổ chức cúng dường Phật và chúng Tăng trong mười phương, nhờ vào uy lực và sức chú nguyện của Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.

Sau đó, Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy đem phẩm vật đến cúng dường chúng Tăng mười phương. Mẹ của Ngài nhờ uy đức phước lực của chúng Tăng và lòng chí thành chí kính của Ngài, sớm được thoát khỏi nỗi thống khổ của loài quỷ đói, siêu sinh về cõi lành.

Từ đó, ngày lễ Vu Lan được tổ chức long trọng để hàng Phật tử câu hội về ngôi Tam bảo, cúng dường Đức Phật và chúng Tăng, cầu cho Cha Mẹ còn sống được thân tâm an lạc, sau khi mạng chung được sanh về các cõi lành.

Về phương diện giáo dục đạo đức của đạo Phật, một điểm đáng ghi nhận là giáo dục về hiếu đạo. Hiếu đạo là nền tảng đạo đức của đạo làm người cho ra người. Chúng ta có thể trang trải tình thương đến tất cả mọi loài mọi vật, nhưng điểm xuất phát làm nền tảng phải từ sự hiếu kính Cha Mẹ. Một người có thể thương đủ hạng người, tình thương đó trùm hết muôn loài vạn vật, nhưng nếu không thương kính Cha Mẹ thì tình thương đó e thành giả dối, vì không có gốc rễ, không được lập cước từ căn bản. Cho nên hiếu đạo xưa nay vẫn thường được đề cao trong phạm vi luân lý đạo đức. Nếu chưa thực hiện hiếu đạo ngay trong đời sống gia đình đối với Cha và Mẹ thì chưa thể xứng đáng là một con người. Người xưa có câu: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”. Ngay như người xuất gia học đạo vẫn còn phải cưu mang bốn ân nặng là ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân chúng sanh và ân tổ quốc. Trong bốn ân thì ân Cha Mẹ vẫn còn là mối ân tình sâu đậm với mỗi người xuất gia tu Phật. Trong “Cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông viết:

“Tụng kinh niệm Bụt

Chúc Thánh khẩn cầu

Tam hữu tứ ân

Ta nguyền được trả”.

   Vì công ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ quá là cao dày, nên Kinh Thi có câu: “Phụ hề sanh ngã. Mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu, Sanh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hiều thiên vãn cực”. (Cha sanh ra ta. Mẹ nuôi nấng ta. Thương Cha Mẹ lắm, vì sinh ta nhọc nhằn. Đến khi muốn báo đáp ân sâu, thì than ôi, trời cao không cùng!).

   Công ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ quả là lớn lao, như trời cao. Khi người con muốn đền đáp ân sâu thì lúc đó như trời cao với không tới, từ khi cưu mang đến mở mắt chào đời, trưởng thành và lớn khôn, Cha Mẹ phải chịu biết bao là khổ sở, nhọc nhằn. Thế mà khi sức sống đã truyền hết cho con thì Cha Mẹ hơi tàn sức tận, rồi trở thành “người thiên cổ”. Ai có lớn lên nếm mùi cay đắng, thấm gót phong trần thì mới thắm thía cái ơn của Cha Mẹ mình. Một người biết đến điều ân nghĩa, chắc chắn không dám vội quên cái ơn của Cha Mẹ.

   Phật dạy: “Này các Tỳkheo, có hai hạng người, ta nói là không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm như vậy suốt một trăm năm, cho đến khi Cha Mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳkheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho Mẹ và Cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, Mẹ Cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳkheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn Mẹ và Cha...” (Kinh Tăng Chi I-75)

Ca dao Việt Nam có câu:

 “Công Cha như núi Thái Sơn

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ Mẹ kính Cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

   Ở người Cha, nổi bật là đức nghiêm; có nghiêm mới giáo dục con cái có đạo đức, có văn hóa, sau trở thành người đủ tài đủ đức, nên tính đức người Cha sừng sững, vòi vọi như núi Thái Sơn. Còn tính đức của người Mẹ thì muốn con có cuộc sống no ấm, đủ đầy; người Mẹ lại thường gần gũi, an ủi, vỗ về con cái hơn, nên tình nghĩa của người Mẹ, nó đậm đà, da diết như suối nguồn bất tận. Suối nguồn tình thương của người Mẹ, nó dịu dàng, đầm ấm, âm thầm tuôn chảy không bao giờ dừng nghỉ.  

Phật dạy trong Kinh Nhẫn Nhục: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.

   Một kẻ bất hiếu với Cha Mẹ là kẻ đã vong ân bội nghĩa, kẻ đã vong ân bội nghĩa thì không còn sự xấu ác nào ở trên thế gian mà họ không dám làm, kẻ ấy đã quên cội nguồn.

   Có gì sung sướng bằng khi chúng ta còn Cha mẹ. Mỗi khi mùa Vu Lan về, chúng ta được cài lên áo chiếc hoa hồng tươi thắm. Sự hiện hữu của Cha Mẹ trong gia đình khác nào sự hiện hữu của các thiên thần. Còn Cha còn Mẹ là còn thiên đường của tuổi thơ. Còn Cha còn Mẹ là còn Phật trong nhà. Muốn đạt được tâm Phật, không gì hơn giữ gìn tâm hiếu; muốn đạt được hạnh Phật, không gì hơn giữ gìn hạnh hiếu. Vì mảng lo kính thờ Phật bên ngoài mà quên kính thờ Phật trong nhà, nên mới có câu: “Phật trong nhà không thờ, thờ Thích Ca ngoài đường”.

 Phật dạy: “Những gia đình nào, này các Tỳkheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiện. Những gia đình nào, này các Tỳkheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳkheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường”.

“Phạm Thiên, này các Tỳkheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỳkheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳkheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳkheo, là Mẹ Cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời” (Phật thuyết như vậy, Cat, 7 - 503)

 Ân sâu nghĩa nặng của Cha Mẹ có thể kết thành những vần thơ tuyệt tác nhất. Và tự nhiên hạnh hiếu được coi là đức tính cao đẹp nhất, được đề cao nhiều nhất trong mọi thời đại, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Dùng bút mực để diễn tả trọng ân của Cha Mẹ vẫn còn mãi với kiếp sống con người. Vậy thì, đã là một Phật tử theo chánh đạo, chúng ta phải báo đáp ân sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ thế nào mới xứng đáng? Muốn báo hiếu đầy đủ nhất phải gồm hai phần: vật chất và tinh thần.

 1.- Về đời sống vật chất thì phải lo hầu hạ, phụng dưỡng Cha Mẹ những nhu cầu cần thiết, để Cha Mẹ được thảnh thơi an dưỡng trong tuổi xế chiều.

2.- Về đời sống tinh thần phải thường xuyên khích lệ trợ duyên cho Cha Mẹ học hiểu chánh pháp, biết tránh ác làm lành, giữ gìn ba nghiệp lành, tiến đến giải thoát an vui vĩnh viễn ï

Có một Thiền sư, tuy bản thân xuất gia, nhưng vẫn giữ tròn hiếu đạo cho đến khi Cha Mẹ khuất bóng :

   “Giang sơn còn nặng gánh tình

Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi

Khi nào trời bảo thôi đi

Giang sơn cất gánh, ta thì nghỉ ngơi”.

   Trong mùa Vu Lan năm nay, hàng Phật tử chúng ta nghiêng mình kính cẩn trước Phật đài, thề nguyền noi gương hiếu hạnh của đức Mục Kiền Liên, làm tròn trách nhiệm một người con chí hiếu chí kính, biết nhớ ơn và đền ơn đối với hai đấng sanh thành, càng nghĩ đến tất cả chúng sanh trong pháp giới đều được thoát khổ, đến bờ an vui giải thoát.

 NGÀY  LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Hàng năm, vào ngày rằm tháng bảy, các Phật tử đến chùa tụng nghi lễ Vu Lan, nghe quý thầy giảng về đạo Hiếu; đây là một điều rất đáng tán dương. Có thể nói, ngày Vu Lan đã trở thành một lễ hội truyền thống, là ngày đền ơn đáp nghĩa, không chỉ riêng cho những người con Phật, mà chung cho cả dân tộc Việt Nam. Vì vậy, nhân mùa Vu Lan năm nay, chúng ta cũng cần nhắc lại những ý nghĩa sâu xa của lễ hội này, để hiểu rõ do đâu mà ngày rằm tháng bảy được gọi là ngày Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân, ngày Tự tứ và là ngày Phật hoan hỷ.

( VU LAN VÀ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA .

Đức Khổng Tử đã nói: “Nhơn vi vạn vật tối linh” (Con người là tối linh trong muôn vật). Loài vật chỉ có thiên tính nuôi con, không có ý thức phải sống như thế nào cho phù hợp với đạo đức; còn con người có khối óc, có lý trí, nên ngoài bản năng, con người còn biết nhớ ơn và đền ơn. Chúng ta sinh ra và lớn lên, không ai có thể độc lập tồn tại được, mà phải nhờ cha mẹ và các ân tình khác trong cuộc sống. Đức Phật dạy, có bốn ơn lớn mà con người cần phải biết để báo đền: Ơn cha mẹ, ơn sư trưởng, ơn chúng sanh và ơn tổ quốc, gọi là Tứ trọng ân.

Trong các hình thức văn hóa, chúng ta thường thấy ca ngợi tình mẹ hơn là tình cha. Không phải vì cha không thương con bằng mẹ, công lao nuôi dạy con không bằng mẹ, mà bởi vì tình cảm của người cha thường ít biểu lộ ra ngoài, nên con cảm thấy gần gũi mẹ hơn cha. Thật ra, đức nghiêm của cha và đức từ của mẹ kết hợp nhau, dung hòa lẫn nhau mới tạo nên sinh khí và sự bình ổn trong gia đình, mới là điều kiện cần và đủ cho sự giáo dục con cái.

“Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Công của cha cao vòi vọi như ngọn núi lớn, nghĩa của mẹ rạt rào bất tận như suối nguồn. Công và Nghĩa là hai phạm trù có thể diễn đạt được ý nghĩa của tình cha mẹ đối với con. Hiểu được điều này, chúng ta thấy cha và mẹ đều có địa vị cao cả ngang nhau trong lòng con cái. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều phải tìm mọi cách báo đáp trọng ân này. Nhưng làm cách nào để báo đáp cho tròn chữ hiếu?.

Kinh Tăng Chi Bộ tập I, Phật dạy rằng: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng cung phụng cha mẹ bằng của cải vật chất, thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳkheo! Ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác- trí-huệ, khuyến khích hướng dẫn an trú vào trí huệ. Cho đến như vậy, này các Tỳkheo! Là làm đủ và trả đủ ơn cha và mẹ”. Dựa vào lời Phật dạy, chúng ta đã biết báo hiếu đúng nghĩa phải như thế nào. Trước tiên, chúng ta phải lo cho cha mẹ đầy đủ về vật chất, tùy khả năng của mỗi người. Kế đến, chúng ta phải nghĩ đến đời sống tinh thần và đạo đức cho cha mẹ. Nếu người có tà kiến, phải giúp đỡ người có được chánh kiến; nếu người theo tà giới, phải khuyên người theo chánh giới; nếu người làm điều ác, phải khuyên người làm những hạnh lành; nếu người chưa có chánh tín, phải khuyến khích người trở về nương tựa nơi Tam- bảo, sống một cuộc đời hiền thiện.

Chúng ta đọc câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Xá Lợi Phất là hai vị đệ tử lớn của Phật, thấy hai Ngài đều có mẹ vì tạo tội nên bị đọa vào khổ xứ. Sau khi được Phật chỉ dạy, các Ngài khẩn thiết xin với chư Tăng tu hành thanh tịnh, vào ngày rằm tháng bảy thành tâm chú nguyện cho mẹ mình. Tâm thành của chư vị Thánh Tăng chuyển được tâm ác của hai bà mẹ nên hai bà thoát kiếp đọa đày. Chuyện này cho thấy, hai vị tôn giả dù xuất gia tu hành đã được giải thoát, vẫn nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Không phải chỉ nhớ đến cha mẹ đời này, mà còn nghĩ tưởng đến cha mẹ và bà con quyến thuộc ở vô số kiếp về trước. Đức Phật đã từng lạy đống xương khô, nhân đó thuyết bài Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu, một áng văn tuyệt tác, làm rơi lệ biết bao nhiêu người từ thời ấy cho mãi đến ngàn sau. Cho nên, với tầm nhìn của người bình thường, những người xuất gia dường như là bất hiếu. Nhưng thật sự, cung phụng cha mẹ bằng món ngon vật lạ chỉ có giá trị giới hạn, vì thuộc về vật chất hữu hình hữu hoại. Còn người xuất gia tu hành đạt đạo, khuyến khích cha mẹ cùng tu hành để thoát khổ sinh tử luân hồi, đó mới là đại hiếu vì có giá trị vĩnh hằng, đó mới thực sự xứng đáng đền ơn cha mẹ.

   Kinh Tương Ưng tập I có nói:

 “Người nào theo thường pháp,

Nuôi dưỡng mẹ và cha,

Chính do công hạnh này,

Đối với cha với mẹ,

Nhờ vậy bậc Hiền Thánh,

Trong đời này tán thán,

Sau khi chết được sanh,

Hưởng an lạc chư Thiên”.

   Thường pháp là pháp không biến đổi theo thời gian và không gian, là chân lý muôn đời. Do lòng hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, những người con ấy được các bậc Hiền Thánh tán thán; và sau khi chết được sanh về cõi trời, hưởng nhiều sự an lạc. Thật ra, một người con hiếu thảo sẽ tự cảm nhận trong thân tâm mình có sự tươi mát bình an. Đó là cảm thọ của chư Thiên ngay trong hiện kiếp. Ngược lại, những người bất hiếu với cha mẹ thì không xứng đáng với danh nghĩa là người. Đây là điều kiện để những tội ác khác phát sinh, vì đạo hiếu là căn bản của đạo đức con người. Nếu chúng ta không thương cha mẹ, thì chắc chắn không thể nào chúng ta có tình thương thật sự đối với ai. Cho nên, điểm đầu tiên của lòng từ bi phải là lòng hiếu thảo. Phật đã dạy, phụng thờ trời đất quỷ thần không bằng hiếu kính với cha mẹ, vì cha mẹ là thần linh bậc nhất, chính là Phật tại thế. Điều này cho thấy, địa vị của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng. Nhất là trong xã hội hiện tại, đôi nơi đã đánh mất nền tảng đạo đức, chạy theo xa hoa phù phiếm, thì trong gia đình và học đường, mỗi đứa trẻ đều phải được dạy bảo để thấm nhuần về đạo hiếu.

 ( Ơn lớn thứ hai cần phải báo đáp là ơn đối với sư trưởng. Đó là các thầy cô dạy chúng ta những kiến thức thế gian, từ lúc còn thơ chưa biết chữ đến khi thành người hữu dụng. Người tu còn có một ân nghĩa xuất thế, đó là Chư Phật Bồ tát và Thầy Tổ. Chính các Ngài có đầy đủ Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, giúp chúng ta có một cái nhìn siêu việt về cuộc sống, giúp chúng ta đẩy lui vô minh, tẩy trừ tập khí phiền não, để trở thành một người tự tại an lạc trong dòng đời. Cho nên, tinh thần tôn sư trọng đạo, từ bao giờ cho đến bây giờ, vẫn cần được nhắc nhở và đề cao.

   ( Đối với ơn chúng sanh, ta cần phải quán chiếu mới thấu triệt. Thân chúng ta sinh ra và lớn lên là nhờ công ơn của rất nhiều người, từ người nông phu cho lúa gạo, người thợ dệt cho vải vóc, người thợ nề xây nhà cho ở... đến bạn bè, người láng giềng, những kẻ giúp việc... mỗi mỗi đều giúp đỡ ta trong những công việc hàng ngày. Nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ thấy có một sự liên hệ hỗ tương giữa mình và vũ trụ vạn hữu, đây là thuyết trùng trùng duyên khởi Phật đã dạy. Cho nên, không những nhớ ơn chúng sanh hữu tình, ta còn phải mang nặng công ơn của vạn vật vô tình nữa. Vào thời đức Phật, một vị Tỳ kheo ngồi nghĩ dưới gốc cây một lát rồi ra đi, cũng phải nhớ ơn cái cây đã tỏa bóng mát che nắng cho mình. Nói gì đến không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, ánh sáng mặt trời ban sức sống cho muôn loài... Tất cả là ơn chúng sanh mà mỗi người đều thọ nhận, dù khó thể đáp đền. Vì thế, nếu có dịp cứu giúp người hoạn nạn, khốn khổ hơn mình, nếu nơi nào bị thiên tai dịch họa, chúng ta cần đóng góp tài lực, vật lực, tùy theo khả năng. Đây là tinh thần lá lành đùm lá rách, mà cũng là để đền ơn chúng sanh. Trong nhiều kiếp luân hồi, biết đâu những người bị nạn ấy là thân nhân quyến thuộc của mình? Với cái nhìn duyên sinh, phóng tầm mắt đến đâu ta cũng thấy toàn là bà con thân quyến. Mà đã là thân nhân với nhau, chẳng lẽ chúng ta nỡ làm hại người, làm người phiền não, chẳng lẽ không cùng gánh vác chia xẻ những nỗi đau thương mất mát của người? Đây chính là tiền đề của lòng từ bi, ban vui và cứu khổ.

   ( Ơn lớn thứ tư là ơn đối với tổ quốc. Nếu không có sự bảo hộ của nhà nước, của pháp luật; nếu không có binh phòng, vệ phòng ngày đêm giữ gìn an ninh trật tự và đề phòng giặc ngoại xâm, liệu chúng ta có yên ổn sinh sống và tu hành được không? Những người Việt sống xa quê, do hoàn cảnh hay do sinh kế phải bôn ba nơi đất lạ, vẫn mang trong lòng nỗi nhớ quê hương. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc luôn luôn vang vọng trong mọi con tim người dân Việt, vì vậy bao nhiêu giặc ngoại xâm - kể cả những kẻ thù hùng mạnh và hung hãn nhất, cũng đành chịu thất bại trước sức quật cường và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt-Nam.

   Làm người là một hạnh phúc vô cùng to lớn, nên chúng ta phải biết trân quý từng giây phút, để sống thế nào cho có đạo lý, phù hợp với tình cảm giữa người và người. Việc báo ân báo hiếu là điều cần thiết phải làm để đem lại hạnh phúc cho gia đình, tạo nền móng đạo đức căn bản, tạo sự an bình cho xã hội. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả mọi người, không phải dành riêng cho những người con Phật. Bởi vì, dù ở địa vị nào, sống trong quốc độ nào, theo tôn giáo nào, tinh thần đền ơn đáp nghĩa vẫn có giá trị muôn đời. Vì thế, có thể nhắc lại mà không sợ lầm, Vu Lan là một ngày lễ hội truyền thống của dân tộc Việt-Nam.

( VU LAN VÀ TỰ TỨ

 Một số Phật tử tụng kinh hằng đêm, chắc nhớ hai câu này:

“Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”.

(Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ).

   Những chúng sanh tạo nghiệp nặng nơi thân khẩu ý, lúc chết phải đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nhà Phật nêu lên hình ảnh của một người bị treo ngược chân lên trời, đầu chúc xuống đất, để tượng trưng cho những nỗi khổ cùng cực. Cái khổ cùng cực này không chỉ người bị đọa tam đồ mới chịu, mà ngay người đang sống, đôi lúc cũng lâm vào những cảnh quẩn bách khiến thân tâm có thể cảm nhận rõ điều này.

   Tinh thần từ bi của đạo Phật ban rải khắp muôn loài. Cho nên, ngày Vu Lan còn có ý nghĩa là ngày xá tội vong nhân. Chúng ta đừng hiểu lầm Vu Lan Bồn là cái chậu đựng trăm món ngon, chờ đến ngày rằm tháng bảy đem đến chùa nhờ chư Tăng cầu nguyện cho thân nhân còn sống hay đã chết. Chữ Vu Lan Bồn có nghĩa là Giải đảo huyền hoặc Cứu đảo huyền, tức giải cứu khỏi cái khổ treo ngược.

 Trong vòng luân hồi sanh tử, chúng ta đã bao lần là bà con quyến thuộc với nhau. Vì vậy, sự liên hệ do duyên nợ giữa chúng ta và tất cả chúng sinh cùng khắp pháp giới là một điều có thể hiểu được. Từ đó, tình thương của chúng ta sẽ chan hòa một cách bình đẳng đến muôn loài muôn vật, không hạn cuộc thời gian và không gian. Và ý nghĩa trọng đại của lễ Vu Lan chính là lòng biết ơn và đền ơn tất cả chúng sinh trong ba cõi sáu đường. Tình thương của chúng ta đối với mọi loài có tính cách xả kỷ, rộng lớn và bình đẳng chứ không còn là tình cảm luyến ái hệ lụy trong gia đình. Nếu hiểu được chân nghĩa này, từ trong vô thường huyễn mộng của cuộc sống, chúng ta sẽ tìm được một hướng đi và lẽ sống tốt đẹp cho mình và cho mọi người. Chính ngày Vu Lan giúp chúng ta hướng tâm mình đến chân trời bao la đó.

 Nhưng làm cách nào để có thể cứu giúp chúng sinh đang bị đọa đày nơi khổ xứ ?

 Đức Phật dạy, ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ. Trong ngày ấy, chư Phật mười phương đều hoan hỷ, vì thấy chư Tăng tu hành thanh tịnh, hòa hợp. Nhờ đức hạnh, đạo lực của chư Tăng mới có thể hướng tâm người quá vãng đến nẻo thiện, chuyển được nghiệp ác cho họ. Như vậy, gốc của lễ Vu Lan là ngày Tự tứ.

   Từ thời đức Phật còn tại thế, mỗi năm từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, chư Tăng phải thực hiện chế độ an cư, nghĩa là yên ở nơi một trú xứ thu nhiếp các căn, nỗ lực tu tập Giới - Định - Huệ. Nguyên nhân đầu tiên để Phật đặt ra chế độ này, là vì trong ba tháng hạ, ở Ấn Độ mưa nhiều, nước ngập cả lối đi, sau đó côn trùng sinh sôi nảy nở, nên trở ngại cho việc đi lại hoằng pháp và vô tình giẫm chết côn trùng. Sau ba tháng cấm túc, Phật nhận thấy nhiều vị Tỳkheo đắc Thánh quả, nhờ ít bận rộn đi lại, tránh bớt các duyên và quyết liệt tu hành. Do kết quả đó nên sau này, chế độ an cư trong ba tháng hạ được duy trì mãi trong Tăng chúng.

 An cư phải đi đôi với kiết giới. Sinh hoạt của chư Tăng trong thời gian này khác hơn so với ngày thường. Những ngày bình thường, do duyên sự bề bộn, các vị có thể du phương làm Phật sự, kỷ luật trong Tăng-đoàn có khi lơi lỏng. Nhưng trong ba tháng hạ, mọi việc đều thu xếp gọn lại, chư Tăng chỉ đi lại giới hạn trong khuôn viên của tự viện; chỉ có những vị có duyên sự đặc biệt, phải xin phóng giới mới được ra ngoài. Mới nhìn, chư Tăng có vẻ rảnh rỗi, không bận tâm về sinh kế vì nhờ Phật tử hỗ trợ cúng dường; nhưng thật ra nội tâm của các vị quả là một trường chiến đấu! Một mặt, phải khép mình vào một kỷ luật hết sức nghiêm khắc; mặt khác, phải chiến đấu không ngơi nghỉ với bao nhiêu tập khí phiền não. Nhờ vậy, sau thời gian kiết hạ, nếu vị nào giữ giới tinh nghiêm, nỗ lực tu học, có sức tỉnh lực thì sẽ có tiến bộ đáng kể; nơi nào tổ chức tu hành nghiêm túc sẽ có thể sản sinh những người xuất cách, còn nếu tổ chức lơi lỏng sẽ khó đào tạo được Tăng tài.

Cũng cần nhấn mạnh một điều: Tinh thần an cư là thanh tịnh và hòa hợp. Đây cũng là ý nghĩa của chữ Tăng và cũng là sức mạnh của Tăng đoàn. Một nhóm người chung sống hòa hợp với nhau nhưng tâm không thanh tịnh, sinh hoạt và hành động không theo chánh pháp thì không phải là người tu chân chính. Ngược lại, dù sống thanh tịnh, giữ giới đúng mức nhưng lại bất hòa với nhau, thì sức thanh tịnh cũng vẫn còn hạn chế, chưa đúng với danh nghĩa người tu.

Trong nhà Thiền, tinh thần an cư còn có một ý nghĩa về Lý. Dù ở nơi nào, dù vắng vẻ hay ồn náo, nếu sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà tâm không duyên theo các pháp, đó mới thật sự là “độc xử nhàn cư”. Như vậy, hàng cư sĩ tại gia, nếu sắp xếp được công việc, tránh bớt các duyên, hàng năm có thể tổ chức cho mình một thời gian nhất định nào đó để tĩnh tu. Do chúng ta căn cơ và trình độï tu hành còn kém, nên cần có độc cư về sự để trợ duyên cho việc tu tập

Cuối cùng của chế độ an cư, và cũng là cốt tủy của lễ Vu Lan, là ngày Tự Tứ vào rằm tháng bảy. Tự là chính mình, Tứ là đưa ra trước mọi người. Nội dung của Tự Tứ là mỗi người tự trình bày những lỗi lầm mình đã phạm, không giấu giếm, gọi là phát lồ sám hối; đồng thời kính thỉnh đại chúng, nếu thấy, nếu nghe, nếu nghi mình có mắc phải lỗi nào mà chính mình không biết, xin từ bi và hoan hỷ nêu ra để mình sửa đổi. Đối với người thế gian, điều này thật khó thực hiện; nhưng đối với người tu thì đây là điều cần thiết. Người cử lỗi phải hoan hỷ, thật tâm muốn huynh đệ của mình tốt đẹp; người được cử lỗi cũng phải lấy làm sung sướng, vì có đại chúng chỉ dạy, ban bảo cho mình. Người xuất gia, nhất là mới vào đạo, phải được ở gần Thầy và đại chúng, để được chỉ bảo cho mình những điều mà tự mình không hay biết.

Do tất cả Tăng chúng đều an trú trong sự thật, can đảm tự cử lỗi của mình và chỉ lỗi cho người, nên ngày Tự Tứ là ngày chư Phật mười phương đều hoan hỷ. Do tâm các vị thanh tịnh như thế, Phật tử mới quy hướng về nơi kiết hạ, chờ ngày Tự Tứ nhờ chư Tăêng cầu siêu cho thân nhân đã khuất được sanh về các cõi lành, cầu cho người sống được thân tâm an lạc, vững chải sống trong chánh pháp. Nhờ phước lực của chư Tăng trong ba tháng thanh tịnh tu hành, nên thức tỉnh được tâm người đã khuất và làm người sống cảm thấy bình an. Cho nên, ngày rằm tháng bảy là ngày hết sức quan trọng trong ba tháng an cư. Bản chất của ngày này là An cư và Tự Tứ, từ đó mới có cái ngọn là Vu Lan và Báo Hiếu hay đền ơn đáp nghĩa.

vvv

Vu Lan chính là ngày hội tụ những niềm vui lớn trong tâm hồn những người con hiếu hạnh, những người có đạo đức, biết trở về nguồn cội. Nếu quán triệt được và sống được đúng tinh thần của Vu Lan, thì chính con người của chúng ta cũng là hiện thân của “Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát”. Chúng ta không tìm một vị Mục Kiền Liên nào trong thời quá khứ, mà phải tìm Mục Kiền Liên ngay trong con người xác thịt của chúng ta.

Nhân mùa Vu Lan năm nay, đảnh lễ trước Phật đài, chúng ta thề nguyền noi gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên, làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Chúng ta cũng nhớ đến tất cả chúng sinh đang còn chìm đắm trong vô minh tăm tối, nguyện hồi hướng công đức cho muôn loài đều phát Bồ đề tâm, đồng tu hành và đồng thành chánh giác. Từ chỗ đứng vững chắc của mình bằng hạnh hiếu và bằng tất cả lòng thành, chúng ta đã có vật phẩm dâng lên cúng dường Tam bảo một cách có ý nghĩa.

DI SẢN TINH THẦN 

Có hai di sản trên đời: Di sản vật chất và di sản tinh thần. Di sản vật chất nuôi dưỡng thân tướng tứ đại, bảo dưỡng sống còn trong một thời gian; di sản tinh thần là món ăn nuôi dưỡng phần tâm linh ngày thêm lành mạnh, trong sáng.

Một chúng sanh hữu tình phải hội đủ hai phần: Phần vật chất gồm tứ đại giả hợp thành thân; phần tinh thần gồm các hoạt động tâm lý giả hợp thành tâm. Vì giả hợp nên thân chỉ là vọng thân, tâm chỉ là vọng tâm. Cái bệnh thâm căn của chúng sanh là đem cái vọng tâm, đam mê cái vọng thân, làm nô lệ cho vọng cảnh, khởi sinh đủ thứ phiền não, tạo tác đủ thứ nghiệp, thọ khổ đến không cùng.

Người đệ tử Phật sống trong tỉnh thức, xem món ăn tinh thần là tối cần thiết cho sự sinh tồn, bèn soi ánh sáng trở lại quán sát thân, tâm và ngoại cảnh, chuyển hướng đến một đời sống cao thượng, biết tôn thờ những giá trị thiêng liêng, tạo nên phẩm cách cao quý của một con người.

Di sản tinh thần là kết tinh kinh nghiệm tâm linh, trải qua nhiều thế hệ của tổ tiên trao lại. Những giá trị tinh thần là gia tài chung của mỗi người cần giữ gìn và đem trao tặng lại những thế hệ mai sau.

Đời sống hướng thượng được nhiều người ưa chuộng, bởi vì họ ý thức rằng sự hiện hữu của cái “TA” chỉ là sự tồn tại tạm thời trong kiếp luân hồi vô tận. Ai ai trong cuộc đời cũng cất bước phiêu lưu đi tìm hạnh phúc, nhưng mấy ai là người đạt được chân hạnh phúc. Chân hạnh phúc không thể tìm kiếm nơi ngoại vật phù phiếm, mà chỉ có thể tìm kiếm từ bên trong. Tinh thần cũng là chủ của thể xác, đừng để thể xác chi phối đời sống tinh thần cao thượng bên trong.

Thái độ của người Phật tử Việt Nam biết quý chuộng đạo đức, xem nhẹ lợi danh qua hai câu ca dao:

“Dầu ai chác lợi mua danh

Miễn ta học được đạo lành thì thôi”.

Người cha người mẹ biết ăn ở hiền lương đạo đức là đã biết tích chứa vốn liếng tinh thần truyền lại cho con cháu mình. Có người suốt đời chỉ lo trau dồi học thức, dành cho bằng được một địa vị, nhưng học thức cho lắm, địa vị cho cao mà không có đạo đức cũng chỉ là người ác.

Đức Khổng Tử thì dạy hàng môn đệ xem trọng đạo lý mà coi thường cái chết:

“Sáng nghe hiểu được đạo lý, chiều chết cũng cam lòng”.

(Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ).

Đức Phật nói lên giá trị của nhân sinh là nhận hiểu sâu xa cái lý pháp thường hằng chi phối muôn ngàn hiện tượng sai biệt:

“ Ai sống một trăm năm

Không thấy Pháp sanh diệt

Không bằng sống một ngày

Thấy được pháp sanh diệt”.

Tâm niệm ngưỡng mộ chánh pháp là động cơ thúc đẩy con người từ hạng phàm phu tiến lên quả vị Hiền Thánh. Vì không hướng thiện, không ngưỡng mộ chánh pháp, không biết tu hành nên rất nhiều chúng sanh bị rơi vào ác đạo. Phật dạy :            “Số ít là các loại hữu tình được tái sinh giữa loài người; nhưng nhiều hơn là các loài hữu tình tái sanh ra ngoài loài người. Cũng vậy, số ít là các loài hữu tình ấy được tái sanh ở các Quốc độ trung ương; nhưng nhiều hơn là các loại hữu tình phải tái sanh ở các Quốc độ biên địa, giữa các loài man rợ không biết nhận thức”. (Tăng Chi Bộ Kinh, tập I, trang 45)

Đức Phật tuy đã nhập diệt từ lâu, nhưng Ngài đã để lại kho tàng Pháp Bảo, cứu vớt vô số chúng sanh lặn hụp trong biển khổ trầm luân. Chánh pháp của Phật là những liều thuốc hay, có công năng trị bệnh phiền não cho chúng sanh; là con thuyền đưa người qua bể khổ; là ngọn hải đăng phá tan màn đêm vô minh hắc ám. Người con Phật chân chánh, hãy thu nhận những kiến thức cao đẹp, những giá trị tinh thần lành mạnh để thực hiện sự chuyển hóa bản thân.

Dù xã hội loài người có tiến bộ đến đâu, khoa học có cung ứng đời sống tiện nghi đủ đầy, thì những giá trị tinh thần của sự sống vẫn được người ta tôn thờ. Cái văn minh đáng biểu dương lại không phải là cái văn minh vật chất. Đã đến lúc con người thời đại thấy rằng, văn minh tâm linh và những giá trị tinh thần mới đóng góp đắc lực và tích cực cho con người và xã hội. Thời đại nào cũng vậy, không ai khen những kẻ độc ác xảo trá, không ai chê những người đạo đức nhân từ. Khoa học chỉ có thể giúp ta thỏa mãn vật chất nhất thời, chứ không thể giúp ta được an vui vĩnh cửu. Một khi tự thấy có phiền não khổ đau đang thống trị nơi tâm thức, liệu vật chất có thể đẩy lui phiền não khổ đau chăng? Tiện nghi đời sống chỉ là phương tiện cần thiết ở bên ngoài, Phật pháp mới đích thực ban cho ta lý tưởng đời sống tinh thần bên trong. Tiện nghi vật chất như một ngôi nhà được trang hoàng lộng lẫy sắc màu, đời sống tinh thần như những người sinh hoạt trong ngôi nhà lộng lẫy sắc màu ấy. Thế nên, người có sức tự chủ biết sử dụng những tiện nghi của đời sống bằng thái độ của một người chủ, và dĩ nhiên, không thể có thái độ như một kẻ nô lệ.

Hàng đệ tử Phật cũng chính là những người con tinh thần đem đạo vào đời. Và những di sản tinh thần ngày hôm nay chúng ta thừa hưởng là những tặng phẩm của các bậc tiền bối, chúng ta phải có bổn phận giữ gìn để vun bồi cho cuộc sống ngày thêm tươi đẹp, an vui, đóng góp hữu hiệu vào sự an bình và thịnh vượng của xã hội loài người hôm nay và ngày mai.

TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Phật dạy chúng ta đừng làm tổn thương cho chính mình, hoặc đừng làm tổn thương cho bất cứ ai, là giúp chúng ta có ý thức trách nhiệm về hành vi tạo tác của tự thân. Quy trách nhiệm về cho mỗi cá thể là điểm nổi bật dễ nhận thấy trong toàn bộ lời dạy của Ngài đối với hàng đệ tử. Vì thế, trong giáo lý Đạo Phật tuyệt đối không chấp nhận vấn đề thần linh tạo hóa, ban phúc giáng họa, vì mỗi người đã là thần linh được quyền tạo ra thiên đường và địa ngục cho chính mình.

Vào thời Phật còn tại thế, có một chủ thuyết cho rằng: “Tất cả những cảm giác của con người, dầu vui sướng, khổ não hay vô ký đều do một đấng tối cao tạo nên”. Nghĩa là đấng tạo hóa uốn nắn cuộc đời ta như thế nào tùy theo ý muốn của Ngài. Vận mệnh đời ta hoàn toàn nằm trong tay Ngài. Giống như người thợ gốm uốn nắn tùy thích những vật dụng mình tạo ra. Nhưng mà đấng tạo hóa toàn năng lại chơi trò chơi cắt cớ, tạo ra chi những sanh linh hữu hạn, triền miên nhiều thống khổ, bất hạnh. Rõ ràng Ngài không có tình thương và năng lực để tạo ra những sanh linh luôn sống trong niềm hỷ lạc vô biên. Vì thế, trong Túc Sanh truyện Bồ tát phê bình: “Ta liệt Brahma vào hạng bất công, đã tạo nên một thế gian hư hỏng”.

Để giải thích sự khổ vui và mọi sự bất đồng giữa con người, Đức Phật đề cập đến thuyết nghiệp :

“Chúng sanh làm chủ tạo nghiệp và thừa kế cái nghiệp mà mình đã tạo”.

Tạo nghiệp nhơn như thế nào, thì thọ nhận nghiệp quả như thế ấy. Đó là công lý. Nghiệp là lực đẩy tạo nên vòng quay luân hồi, hễ còn tác nghiệp là còn thọ khổ luân hồi, nên nghiệp là trung tâm của luân hồi. Và cũng chính nghiệp lực nối liền giữa hai kiếp sống. Chuyển ba nghiệp lành thành ba nghiệp ác thì phải chịu ác báo trong các cõi dữ. Chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp lành thì được thiện báo trong các cõi lành. Chỉ khi nào chuyển tất cả nghiệp nhơn thiện ác thành chủng tử vô lậu thì mới thoát khỏi vòng quay của luân hồi. Vào các cõi để hưởng thọ quả báo khổ vui và vượt thoát luân hồi hoàn toàn do cá thể định đoạt. Chúng ta là người chủ tạo tác để tự chọn cho mình hướng đi mai sau.Tùy theo ý chí nỗ lực mà nghiệp có thể được chuyển hóa, không cần can dự của một đấng tạo hóa nào cả. Chính nghiệp lực có khả năng biểu hiện thành Trời, người hay thú. Tùy theo hành vi tác nghiệp mà có quả báo tương xứng. Như hình ngay thì bóng phải thẳng, tiếng hòa thì tiếng vang phải thuận. Nhân - Quả là định luật tự nhiên, không phải là hình thức thưởng phạt.

Nghiệp là yếu tố chính, nối liền giữa hai kiếp sống. Sự chết là tạm kết thúc ở nơi này, sự sống là tạm biểu hiện ở nơi khác. Khi xác thân này tan rã, nhưng nghiệp lực lại không bị cái chết làm cho gián đoạn, nên được tiếp diễn qua một cuộc sống khác.

Phật dạy có bốn loại nghiệp :

1.- Nghiệp đen - Quả đen: Có người làm thân hành có tổn hại, khẩu hành có tổn hại, ý hành có tổn hại. Sau khi mạng chung, sanh ra ở thế giới có tổn hại, cảm xúc cảm thọ có tổn hại, thuần nhất khổ. Như những chúng sanh trong địa ngục.

2.- Nghiệp trắng - Quả trắng: Có người làm thân hành không có tổn hại, khẩu hành không có tổn hại, ý hành không có tổn hại. Sau khi mạng chung, sanh ra ở thế giới không có tổn hại, cảm xúc cảm thọ dễ chịu mát lạnh, không có tổn hại, thuần nhất lạc. Như chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên.

3.- Nghiệp đen, trắng - Quả đen, trắng: Có người làm thân hành có tổn hại và không tổn hại, khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, ý hành có tổn hại và không tổn hại. Sau khi mạng chung, sanh vào thế giới có tổn hại và không tổn hại, cảm xúc cảm thọ có tổn hại và không tổn hại, xen lẫn, pha trộn lạc và khổ. Như một số người và chư Thiên, một số chúng sanh ở các đọa xứ.

4.- Nghiệp không đen, không trắng - Quả không đen, không trắng - Nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt :

   Phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận Nghiệp đen - Quả đen; Phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận Nghiệp trắng - Quả trắng; Phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận Nghiệp đen, trắng - Quả đen, trắng; Đây được gọi là nghiệp không đen, không trắng - Quả không đen, không trắng - Nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.

(Tăng chi I, Đại ý Kinh “Với chi tiết” - 643)

Người có chánh kiến Nhân - Quả thì không còn chạy rong hướng ngoại để cầu xin, van vái, hoặc ước nguyện suông. Do ý chí mù quáng mà nghiệp biểu hiện thành hoàn cảnh chánh báo và y báo của một chúng sanh. Nghiệp rốt cùng không ngoài tính cách của ý chí, nên dầu tập khí phiền não có sâu nặng đến đâu, nhưng do ý chí nỗ lực thì nghiệp vẫn có thể được chuyển hóa. Nhờ ý chí nỗ lực mà chính ta làm chủ vận mệnh của mình, từ ác trở thành hiền, từ ngu hóa thành trí, từ Phàm chuyển thành Thánh.

Kinh Pháp cú, Phật dạy :

“ Tự mình điều ác làm,

Tự mình làm ô nhiễm.

Tự mình ác không làm,

Tự mình làm thanh tịnh,

Tịnh, không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai”.

Ý nghĩa “Tự thắp đuốc lên mà đi” và “Hãy y tựa vào chính mình” là lời kêu gọi thiết tha của Đấng Từ Phụ, cũng là trung tâm điểm tu hành từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Chánh Giác. Quên mất yếu điểm này thì người đệ tử Phật đã bị lạc đường. Trong Thiền môn, tinh thần “Phản quan tự kỷ bổn phận sự” cũng được các bậc tiền bối đề cao trong ý thức trách nhiệm tu hành. Và tự nhiên thời giờ để trở về tìm lại chính mình là thời giờ cần thiết bậc nhất. Khi nào mà con người vẫn còn hướng ngoại, chưa biết trở về với chính mình thì không có một Đấng nào, một phương tiện nào có thể giúp họ thoát khỏi mọi ràng buộc của phiền não. Không tự cứu chữa cho chính mình thì không thể cứu chữa cho nhân loại. Ta có an lạc mới giúp người khác được an lạc. Ta có định tỉnh mới giúp kẻ khác được định tỉnh.

Thiền sư Hoàng Bá dạy chúng :

“Vượt khỏi trần lao việc phi thường,

Đầu dây nắm chặt giữ lập trường,

Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt,

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”.

(Trần lao quýnh thoát sự phi thường

Hệ bả thằng đầu tố nhất trường,

Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt,

Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương).

 

MỤC LỤC                                  

* Vu Lan và tuổi trẻ.                          5     

* Vu Lan - Truyền thống  của Đạo Hiếu.                               13

 * Ngày Lễ hội truyền thống.             25

 * Di sản tinh thần                             47

 * Tinh thần trách nhiệm                    55

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/vula&tuoitre.htm

 


Vào mạng: 3-6-2008

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang