- Phật Giáo và Tương
Lai
- Francis Story (Ven. Anagaarika
Sugataananda)
- Thích Nữ Liên Hiếu dịch
Chúng ta hãy đừng lừa dối chính
mình, điều này tưởng chừng như không khó khăn nhưng thật sự đó là
điều khó nhất trong tất cả các trạng thái mà chúng ta có thể đạt
được. Bằng cách "không lừa dối chính mình", nghĩa là tôi muốn
nói chúng ta hãy ngưng vẽ một bức tranh của thế giới ngày nay bằng những
sai lầm với các màu sắc khoái lạc, vì tiện nghi và an toàn cho riêng
mình. Chúng ta, toàn thế giới, phải đương đầu với sự sai lầm này, thật
là tệ. Chúng ta phải thật sự lưu tâm đến hoàn cảnh của chúng ta đang
sống. Chúng ta cần phải truy nguyên tận căn để của tất cả các mối
nghi ngờ và hiểu lầm của mình, và chúng ta có thể bắt đầu như thế nào
để loại trừ nó một cách tốt nhất. Và chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng,
nếu chúng ta không thực hiện điều này, chúng ta phải đối đầu với các
trở ngại đó.
Khi phân tích điều này, chúng ta thấy
vấn đề không phải hoàn toàn do chính trị hay ngay cả kinh tế. Chiều
sâu của vấn đề còn xa hơn thế nữa. Chính trị
và kinh tế chỉ là những từ ngữ được con người văn minh dùng để che
dấu các bản năng không văn minh của mình. Những gì làm cho tất cả
chúng ta - toàn thể nhân loại phải khổ đau, đó là do họ luôn nghĩ rằng
vật chất là nhu cầu cần thiết cho đời sống. Và chủ nghĩa duy vật chú
trọng quá mức đến các tiện nghi đời sống vật chất, không màng đến
giá trị đời sống tâm linh, hoặc rằng, cảm thấy đời sống vật chất
tốt hơn các giá trị đạo đức. Cùng một lúc, chúng ta muốn ôm giữ những
gì chúng ta có được, trong khi đó lại quyết định chộp lấy một cái
gì mà một người khác đang ôm giữ. Thật là sai lầm khi chúng ta tin rằng
hạnh phúc tuỳ thuộc vào vật sở hữu nhiều hơn những gì chúng ta cần
hoặc những vật mà ta sử dụng.
Chúng ta chỉ vừa thoát khỏi một
cuộc chiến tranh huỷ diệt, nhưng một bầu không khí đầy mưu toan [chiến
tranh] lại hiển hiện nữa rồi. Cùng lúc, tất cả chúng ta đều biết rằng
điều này sẽ thay đổi không lường được, có thể làm cho thế giới chấn
động với cường độ mà trước đây chưa từng có. Tất cả điều đó
là do chúng ta cho phép lòng tham vật chất của mình phát triển trong nỗi
lo âu và sân hận của đồng loại. Đó là luật rừng dựa trên bản năng
được diễn đạt bằng những thuật ngữ mới – đó là, bom nguyên tử.
Tại sao chủ nghĩa duy vật lại bám
chắc vào tâm trí của con người văn minh kỹ thuật như vậy? Đừng hiểu
lầm ý tôi muốn nói, [ở đây tôi muốn nói rằng] - chưa có lúc nào đại
đa số quần chúng thuộc chủ nghĩa duy vật cực
đoan nhiều như ngày nay. Cho đến nay, tôn giáo đã nắm giữ một phần
nào thế cân bằng giữa sự đối lập của chủ nghĩa duy vật và tâm
linh, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn bấp bênh. Nhưng càng về sau, đĩa cân
này đã nghiêng nặng về phía chủ nghĩa duy vật - đến nỗi nó được các
thế lực chính trị phê chuẩn và đã trở thành một tôn giáo.
Đối với hầu hết mọi người,
nhân sinh quan duy vật dường như được khoa học ủng hộ; vì vậy họ
đưa ra cán cân giá trị dựa trên một đồ biểu trắc lượng do khoa học
cung cấp, và tôn giáo dường như không có giá trị gì đối với khoa học
cả. Khoa học chẳng cung cấp cho họ đủ để thiết lập sự thăng bằng
giữa những lợi ích trước mắt mà họ có được do tiện nghi của đời
sống vật chất đem đến; hơn nữa, những tiện nghi vật chất này chỉ
mang tính chất ngoạn mục và chỉ có sức hấp dẫn bên ngoài. Tinh thần
hay tri thức của con người vẫn chưa trưởng thành, cũng giống như một
đứa trẻ con chọn một bức ảnh màu loè loẹt và thô kệch, thay vì chọn
một bảng điêu khắc bằng đá với đường nét sắc sảo và thanh nhã.
Và hơn thế, cũng cần nói về quan
điểm của một người Tây phương không có cơ may
hiểu biết về một tôn giáo cao cả đã phát hiện ra chân lý tối thượng,
mà chúng ta gọi là Đạo Phật. Tôn giáo ở phương Tây đã không đáp ứng
nổi hạnh phúc cho con người - ngay cả cho người nghèo khổ; hạnh phúc
mà con người có được nhờ điện ảnh, máy thu thanh và các sản phẩm của
nền văn minh kỹ thuật khác chỉ là phù du. Những năm gần đây, những
tín ngưỡng tôn giáo ở phương Tây đã bị những phát minh của khoa học
làm suy yếu dần, những phát minh này đã mở ra những chân trời kiến thức
xa rộng hơn mà những nhà tiên tri xa xưa chưa từng mơ tưởng đến. Từng
bước một, các tín ngưỡng xa xưa đã bị từ bỏ. Vị trí của những
tín ngưỡng này đã bị các sự thật ác nghiệt của khoa học cướp đi,
những sự thật này không chừa chỗ cho các học thuyết thần linh hay một
linh hồn bất tử, vì những sự thật này chỉ vạch ra cách vận hành của
định luật nhân quả vũ trụ, và định luật nhân quả này xác định con
người với mối liên hệ vũ trụ bằng một quan diểm hoàn toàn khác biệt.
Những khám phá gần đây trong lãnh
vực vật lý hạt nhân lại một lần nữa đã làm thay đổi sự cân bằng,
thời đại này vượt xa các quan điểm duy vật tuyệt đối của các nhà
khoa học trước đây. Thật sự, vẫn không có chỗ cho những tín ngưỡng
vật linh hay hữu thần; không có một bằng chứng nào cho thấy sự tồn tại
một đấng sáng thế hay một thực thể tồn tại bất biến trong bất cứ
một sự vật hiện tượng nào. Nhà khoa học ngày nay có khuynh hướng quan
tâm đến động lực cuộc sống như một cái gì đó tương tự với năng
lượng điện tử, không có gì khác. Ngoài ra, khái niệm vật chất "tĩnh"
cổ điển đã chuyển thành khái niệm "động". Tất cả thực thể
vật chất bây giờ được xem như là không thực thể, đó là sự tập hợp
của các động lực sinh diệt từng khoảnh khắc. Theo ông Arthur Eddington,
"Định luật thứ hai của nhiệt động lực" (Second Law of
Thermodynamics) vẫn là nền tảng căn bản nhất của tất cả các chân lý
mang tính khoa học. Định luật này nói rằng mọi sự vật tồn tại đúng
thời kỳ chắc chắn phải suy vi, hư hoại và cuối cùng bị huỷ diệt. Với
các triết gia Tây phương, điều này được xem là "kết thúc khủng
khiếp", nhưng đối với Phật tử, điều đó không có gì, chỉ là Anicca
- định luật vô thường, một trong những chân lý nền tảng của Phật
giáo.
Cấu trúc siêu vi của vật chất
là nguyên tử; nó gồm có các điện tử (electrons) các phân tử (positrons)
và các nơ-tơ-ron (neutrons), và khi khám phá được điều này, khoa học
đang rút khỏi chủ nghĩa duy vật. Nó tách khỏi những niềm tin tôn giáo
thông thường, nhưng nó càng lúc càng xích lại gần Phật giáo hơn. Để nắm
bắt một nghành khoa học hiện đại khác như tâm
lý học, chúng ta thấy rằng Giáo Sư William James – một nghiên cứu viên nổi
tiếng nói rằng chúng ta có thể nhận ra tiến trình tâm lý và sự thay đổi
liên tục của nó, nhưng không có nơi nào có thể tìm thấy một thực thể
nối kết thường hằng. Lại một lần nữa, kết luận này thật sự làm
đảo lộn những người tin vào linh hồn bất tử, nhưng lại khá quen thuộc
với Phật tử, những người đã nhận ra được điều đó như là chân
lý nền tảng khác của tôn giáo mình, đó là định lý Anattaa [vô
ngã].
Bàn về sự tương tục nhân quả của
đời sống, mà Phật giáo gọi là Nghiệp (Kamma), hay còn gọi là định
luật nhân quả. Chúng ta nhận thấy rằng tự thân khoa học bây giờ phải
chấp nhận khả năng của các nhân vận hành ở cấp độ khác với cấp
độ mà chúng ta được biết ngang qua sự hiểu biết bình thường của mình.
Tổng kết các bài nghiên cứu về cơ khí lượng tử của mình, nhà vật
lý học nổi tiếng Max Planck nói rằng: "Khái niệm của thuyết nhân quả
là cái gì đó siêu việt, hoàn toàn không phụ thuộc vào những loại
nghiên cứu, và nó sẽ có giá trị nếu như không có một chút nào nhận
thức về đối tượng… Chúng ta phải phân biệt giữa tính giá trị của
nguyên lý nhân quả và tính khả thi của việc ứng dụng nó." (The
concept of causality is something transendental – quite independent of the nature of the
researches, and it would be valid if their were no perceiving subject at all… we must
distinguish the validity of the causal principle and the practicability of its
application). Nói cách khác, chúng ta phải thừa nhận những nguyên nhân vượt
ngoài nhận thức của chúng ta, nhưng chúng chắc chắn là các nhân tuân
theo một định luật gắn liền với bản thân chính nó. Chúng ta không thể
nào cho rằng nguồn gốc siêu nhiên về các sự vật hiện tượng vượt
ngoài lĩnh vực nhân quả, chỉ vì chúng ta không thể hiểu các định luật
của nó. YÙ tưởng [nguồn gốc siêu nhiên về các sự vật hiện tượng
vượt ngoài lĩnh vực nhân qủa] đã tồn tại trong hầu hết các hình thức
tư tưởng tôn giáo, [ngoại trừ Phật giáo].
Do đó, Phật giáo không đẩy nguyên
lý nhân quả vào một vị trí đối lập với khoa học như trường hợp của
các hệ thống tôn giáo khác. Mặc dù học thuyết tiến hoá của sinh vật
học là chủ đề lớn gây tranh luận giữa tín đồ Thiên Chúa giáo và những
người theo chủ nghĩa duy lý, nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì dưới ánh
sáng của Phật giáo. Trong những vấn đề như vậy, người Phật tử được
yêu cầu là không xác định hay phủ nhận. Cũng cần nói thêm rằng khoa học
đã đập đổ hầu hết các tín ngưỡng tôn giáo phương Tây, và thật là
không may, cấu trúc đạo đức học lại dựa trên các tín ngưỡng tôn
giáo này. Khoa học [ngày nay] đang xác nhận theo cách riêng của mình về
triết học sâu sắc đã được Đức Phật dạy trên 2500 năm về trước.
Sự giải thích của khoa học có thể đi vào ngõ cụt, trong khi Chân Giáo
pháp của Phật giáo thì vẫn có thể giải quyết được. Tự thân kiến
thức của Phật giáo dựa trên những nguyên lý khoa học mà mọi người có
thể kiểm duyệt bằng kinh nghiệm riêng của mình, không dựa trên giáo điều,
vì khoa học có tiến bộ tới đâu đi nữa thì lại càng phù hợp Phật
giáo tới đó.
Tôn giáo tương lai sẽ là Phật
giáo, điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu điều ấy không phải như
vậy, Phật giáo phải đoạt lại tinh thần tín ngưỡng của nhân loại
được Đức Phật tuyên bố bằng những nguyên lý sống động, đó là: đạo
đức, trí tuệ, lòng từ bi và tình hữu nghị đại đồng. Và chính vì vậy
như tôi đã nói đoạn trước, vì chỉ có Phật giáo mới đề cập đến
những vấn đề: chính chúng ta là người sáng tạo đời sống của chúng
ta; những phiền não là do từ tham, sân, si; hoặc là do con người chưa nhận
thức được bản chất thật của mình, và hạnh phúc vĩnh hằng thâït sự
nằm ở trong ta. Vì là một tôn giáo phù hợp với tri thức khoa học, Phật
giáo có thể khôi phục các giá trị tinh thần đã mất và mở ra con đường
trong giai đoạn tiếp theo cho sự tiến hoá của nhân loại.
Chúng ta biết rằng lời dạy của
Đức Phật (Buddha Sasana) sẽ tồn tại như Ngài đã tiên đoán, cho đến
khi dù chỉ có một số người duy trì chánh pháp, thì Đạo Phật vẫn còn
ở đời. Nhưng chúng ta không được hài lòng với điều đó. Toàn thể
nhân loại cần lời dạy của Đức Phật, nếu nền văn minh được cứu vãn.
Chúng ta đang tiến dần đến đỉnh
cao vĩ đại của Giáo Pháp, và mặc dù có những nguy hiểm đáng sợ đang
đe doạ thế giới chúng ta, trào lưu phục hưng tôn giáo vẫn đang có chiều
hướng phát triển mạnh, mà trước đây phương Tây chưa từng biết đến.
Bóng tối chỉ tồn tại khi bình minh chưa đến và chúng ta có thể sống
để thấy Phật giáo khai quang thế giới bằng niềm hy vọng mới của thời
đại huy hoàng. Nhưng điều này sẽ không bao giờ đến nếu chúng ta không
nỗ lực; chúng ta phải ra sức hỗ trợ bằng cách trước hết hãy hồi
sinh chánh pháp trong đời sống của chính chúng ta. "Appamaadena
sampaadetha!" - Hãy nỗ lực tinh cần, Đức Phật dạy như vậy. Nếu
các nước đã từng bảo tồn lời dạy của Đức Phật (Sasana) trong
nhiều thế kỷ, như Miến Điện đã thực hiện, thì chúng ta hãy nỗ lực
tinh cần làm cho Phật giáo trở thành nguồn cảm hứng và hãy chứng minh
chân lý của Phật giáo đến toàn thể nhân loại, thì thế giới ngày mai
sẽ mãi mãi mang ơn.
Trích dịch từ nguyên tác
"Buddhism and the Future" trong The Buddhist Outlook của Francis Story
(Ven. Anagaarika Sugataananda) vol. I, (Srilanka, Kandy, Buddhist Publication Society,
1973), được Nyaanaponika Thera biên tập, trang 54 - 57.