- Phật Giáo và Thời Đại Tân Tiến
Sự xuất hiện của Phật
giáo cách đây hơn 2.500 năm là một cuộc cách mạng trong xã hội Ấn Độ
cổ đại bởi vì đạo Phật đã xóa bỏ những thể chế giai cấp truyền
thống, những tín ngưỡng lỗi thời và những quan điểm triết học thịnh
hành để hình thành nên một tín ngưỡng có thể được gọi là tinh thần
khoa học và lý trí. Kể từ đó trở đi Phật giáo đã lan truyền khắp
các nước Á Châu giống như một cơn lũ và có ảnh hưởng rất nhiều đến
truyền thống, văn hóa, phong tục của người dân bản địa. Người ta
thường gọi tôn giáo này là một tôn giáo, một nền triết học, một
tín ngưỡng và một cách sống uốn nắn một nền văn hóa mới và văn
minh tân tiến. Một tinh thần tân sáng tạo trong nghệ thuật, kiến trúc,
điêu khắc hội họa và văn học, trong thực tế toàn bộ cung bậc của những
nổ lực của con người trong mỗi quốc gia Á Châu là kết quả quyết định
nhất từ sự ảnh hưởng của Phật giáo.
Đạo Phật ngày nay, cũng như những tôn giáo lớn khác
trên thế giới là một phần của sự thừa hưởng huy hoàng của nhân loại,
nhưng riêng bản chất của tôn giáo này chói lọi như một nền triết lý,
nền lý trí trong thế giới khoa học kỹ thuật đương thời, một thế giới
đầy dẫy stress và căng thẳng, bạo lực và sự đe dọa của chiến tranh
hạt nhân.
Phật giáo thu hút được sự quan tâm của thời đại
đương thời trong khi những giá trị truyền thống đang được giới học
thức đương thời hoài nghi, chất vấn. Một con người thời đại không
chấp nhận những ý tưởng ước lệ, niềm tin mù quáng, tín ngưỡng cứng
nhắc, giáo điều bởi vì anh ta bị đắm chìm, mải mê trong những ý tưởng
khoa học đã xóa tan đi nhiều huyền bí xa xưa cũ kỹ và vén bức màn những
huyền bí chưa được khám phá và biết đến về sự hiện hữu của con
người trên thế gian này. Sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật trong
suốt gần 200 năm qua đã mở ra những lãnh vực mới của tư tưởng nhân
loại. Học thuyết tiến hóa của Darwin và sự phân tích khoa học về nguồn
gốc của con người, những khám phá của nhà phân tâm học Freud về tâm của
con người và những thế giới bí mật của tâm và chủ nghĩa duy vật biện
chứng và những quan điểm triết học của Marx và Engels, học thuyết tương
đối của vật lý gia Einstein v.v... đã uốn nắn nên mẫu tư duy của con
người thời đại đến một mức độ đáng ngạc nhiên. Tất cả những
điều này để lại những quá trình xói mòn những giá trị truyền thống
của con người hiện đại không chấp nhận quyền lực hoặc mệnh lệnh
được đặt ra trong những vấn đề không được tư duy, kiểm chứng. Ở
đây, con người này đòi hỏi một sự thực
tiễn, khoa học.
Phật giáo, một tôn giáo không tín điều, duy trì một
sự thu hút hấp dẫn đối với đầu óc của con người thời đại có lẽ
bởi vì phương pháp phân tích, xem xét sắc bén mang tính học thức vượt
xa những giáo điều mù quáng và ý niệm, quan điểm ước lệ. Đức Phật
muốn mọi người cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng rồi sau đó mới chấp nhận.
Ngài không muốn tự cho mình là một Thiên xứ hoặc là yêu cầu mọi người
chấp nhận những lời dạy của Ngài như là tối thượng không bàn luận
và phán đoán xem xét. Sự phản ứng một cách sắc bén đối với tín điều
mù quáng trong thời đại của Ngài được biểu hiện qua thái độ của Ngài
khi trả lời những vấn đề của ngoại đạo. Đức Phật chính là con người
đầu tiên trong lịch sử nhân loại đưa ra những phương cách nhằm giải
thoát con người khỏi sự nô lệ của giáo điều một sự chấp nhận bất
kỳ một ý tưởng, học thuyết nào mà không cần xem xét chất vấn. Trong
bài kinh Kàlàmas, Đức Phật dạy : “Chớ tin theo 1) Truyền thuyết 2) Truyền
thống (tín ngưỡng phong tục lâu đời) hoặc 3) Lời đồn 4) Uy quyền của
kinh điển 5) Lý luận thuần túy (siêu hình không có thực chứng) 6) Suy diễn
7) Xét đoán bề ngoài nông cạn 8) Do thích thú một số quan điểm nào đó
hoặc 9) Vì quyền năng một cá nhân hoặc 10) Lòng tôn trọng một bậc Đạo
sư (Samôn)”. Ngài khuyên : “Hãy kiểm chứng, chất vấn, và xem xét rồi
sau đó mới chấp nhận hoặc bác bỏ”. Hàng trăm năm sau kể từ đó, một
tinh thần kiểm chứng, xem xét cho sự giải thoát tâm khỏi những giáo điều
như thế được biểu hiện trong phong trào Phục hưng lâu dài tại Châu
Âu, đóng lại bức màn trình diễn của thời kỳ trung cổ đen tối. Đức
Phật muốn sự tự do xem xét của con người phải được giác ngộ tỉnh
thức hơn là bị trói buộc vào những niềm tin mù quáng. Ngài không muốn
rằng chính Ngài được định nghĩa như một đấng Thượng đế, hoặc bị
coi thường như địa vị của một vị thần hoặc là được sùng bái nhưng
Ngài chỉ muốn những lời dạy phải được tu tập và thực hành nếu
chúng có thể được chấp nhận trong sự nhận xét thuộc về lý trí. Tuy
nhiên, về sau hình ảnh của Đức Phật được phát triển rộng rãi sau
khi Ngài diệt độ. Nhu cầu tiếp nối của nhân loại, cuộc xung đột giữa
giá trị và quan điểm trong các nhóm tôn giáo tranh cãi lẫn nhau tại Ấn
Độ cổ đại và những lý do khác khiến cho sự hiện hữu của Ngài là tượng
trưng cho tinh thần từ bi lý trí được lan tỏa khắp muôn phương và do đó
sự cầu nguyện Ngài không phải là một sự cầu nguyện sùng bái một thần
tượng hoặc để cầu xin Ngài ban ơn mà là để gợi lên tinh thần chân
lý.
Đức Phật dạy rằng Ngài không trình bày những gì mới
mẻ cả nhưng Ngài chỉ lý giải, khám phá chân lý như nó đã hiện hữu
trong dòng đời bất tận. Tuy nhiên, không đơn giản như những gì người
ta suy nghĩ bởi vì để khám phá ra sự thật, chân lý một cách rõ ràng hiển
nhiên vượt xa sự ngụy trang, cái vỏ mỏng manh bên ngoài là một trách
nhiệm thử thách nhất và đầy nổ lực nhất mà các tư tưởng gia và triết
học gia phải đương đầu không biết bao nhiêu lần trong lịch sử nhân loại.
Tứ Thánh Đế (The Four Noble Truths) và Bát Chánh Đạo (The Noble Eightfold
Path) không phải là những câu châm ngôn mà là những nơi nương tựa của
chân lý chỉ dẫn con đường đưa đến sự giải thoát, chấm dứt vòng
sanh tử khổ đau và tự chứng đắc giác ngộ. Không có một yếu tố huyền
bí hoặc một sự chấp nhận không được xem xét, thẩm vấn, mà ở đây
con người phải sống và thực hành Bát Chánh đạo như là sự hướng dẫn
cho sự thăng tiến về giới, định, tuệ. Đức Phật đưa ra triết lý của
Ngài dựa trên phương pháp phân tích sâu sắc về mối tương quan nhân –
quả – Paticca Samuppada hay Lý Duyên Sinh (The Law of Dependent Arising). Tất cả
các hiện tượng phải có một nguyên nhân, và mỗi nguyên nhân phải có một
kết quả và mối tương quan nhân quả này phân tích mạng lưới phức tạp
hoặc mối tương tác giữa các sự kiện và hành động. Thuyết nhân quả
của đạo Phật có thể được kết nối, liện hệ với học thuyết chuyển
động của Newton, lực và phản lực bằng nhau, ngược chiều nhau và tương
tác lẫn nhau.
Khi đề cập đến phương pháp phân tích và lý trí, Đức
Phật đặt thành vấn đề về những hệ thống giáo điều hoặc niềm tin
vào hiện tượng siêu nhiên đang hiện hành để xoa dịu con người bớt những
khổ đau. Ngài nhấn mạnh rằng mỗi người là một kiến trúc sư cho chính
mình, phải làm ngọn đèn cho chính mình và phải nổ lực cho sự giải
thoát của chính mình. Ngài bác bỏ, chống đối ý tưởng cho rằng có một
linh hồn trường tồn bất biến, và dạy rằng : “Thế gian là vô thường
như một dòng chảy”. Heraclitus, một triết gia Hy Lạp cổ đại cũng trực
nhận như trên : “Anh không thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng nước,
bởi vì dòng nước cứ trôi chảy mãi” (No man can enter into the same river
twice) và chính Khổng Tử cũng than : “Trôi chảy mãi thế này ư, ngày đêm
không dừng nghĩ” (Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ). Ý tưởng của
Đức Phật được tượng trưng trong những ngôn từ có tính chất thơ ca này.
Theo Ngài, tự ngã (self) của một cá nhân hủy diệt trong từng sát na và
tiếp tục cho một chuỗi những sự thay đổi kế tiếp và nghiệp hoạt động
như là một lực đẩy về phía trước. Cái “tôi” (“I”) trong một tự
ngã chủ quan không phải là một thực tế cố định hợp nhất, mà là
thay đổi trong từng giây mặc dù nó không biểu hiện ra bên ngoài cho
chúng ta thấy.
Đức Phật nhấn mạnh nghiệp (Kamma - pali hoặc Karma –
phan) hay hành động như là nhân tố quyết định nhân cách của con người,
sanh nghiệp hay nghiệp tương lai có thể quyết định con người trong
tương lai như thế nào và loại chính nghiệp như đã trình bày trong Bát
Chánh Đạo có thể giải thoát anh ta khỏi khổ đau và có một năng lực vô
cùng mạnh trong việc chuyển đổi số phận của anh ta. Nghiệp trong Phật
giáo là một thuyết tương phản với thuyết định mệnh, số phận. Nó bổ
nhiệm chúng ta không nên đổ lỗi sự thành công hay thất bại của chúng
ta cho bất kỳ một lực lượng siêu nhiên nào bên ngoài mà chính là cho
hành động của chính chúng ta. Trong kinh pháp cú Đức Phật dạy : “Không
nơi nào thiên giới, hoặc ở giữa biển Đông, hoặc nơi đâu trên mặt đất,
có thể có một cái hồ nước nơi mà con người có thể rửa hết những
hậu quả của những ác nghiệp đã tạo”. Con người là chủ nhân của
nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Từ quan điểm này, Đức Phật khám phá
ra cảnh giới tâm và Ngài mô tả nó như là chủ của tất cả các tư tưởng
và hành động.
Trong lối phân tích về tâm và tâm lý, Ngài nghiên cứu
càng ngày càng sâu về cảnh giới bí mật của tâm, mà theo Ngài hình
thành nên động lực hướng dẫn trong mọi sự biểu hiện bề ngoài của
hành động con người. Bộ Abhidhamma (Thắng Pháp Tập Yếu Luận) nói về
tính phong phú và thâm sâu trong lối phân tích tâm.
Sự biểu hiện đầu tiên của một thể chế dân chủ
trong lịch sử thế giới là Giáo hội Tăng Già – Sangha một trật tự Tăng đoàn do Đức Phật thành lập, được
tiến hóa để hướng dẫn Tăng đoàn trong tinh thần theo những nguyên tắc
dân chủ. Tăng đoàn có được quyền tự do cao hơn bất kỳ cá nhân nào
và rõ ràng rằng Đức Phật không bầu
báng người thừa kế, nhưng Ngài để cho Tăng đoàn tự quyết định ai sẽ
là người đứng đầu Tăng đoàn sau khi Ngài diệt độ. Sự nhấn mạnh của
Ngài trong sự tự nương tựa chính mình và những nổ lực không mệt mỏi
của con người cho quả vị giác ngộ được phản chiếu một cách rõ
ràng trong bức thông điệp cuối cùng của Ngài. Khi Bậc vĩ nhân sắp sửa
tịch diệt, vị đệ tử thân cận nhất của Ngài Ananda hỏi Ngài những
gì sẽ xảy ra đối với chư vị đệ tử Ngài sau khi Ngài nhập diệt.
“Hãy làm ngọn đèn cho chính mình, làm nơi nương tựa
cho chính mình, nổ lực phấn đấu cho sự giải thoát của chính mình”,
Đức Phật dạy : “Đây là những lời vĩ đại nhất đã từng được nói
ra trong lịch sử nhân loại, tóm tắt sự tin tưởng vào khả năng vô hạn
của một hành giả trên con đường đi đến sự giải thoát, giác ngộ”.
Xã hội đương thời nhìn nhận lại nền triết lý vô
hạn của Ngài bao hàm lòng từ bi đối với tất cả chúng hữu tình, Ngũ
giới, Tứ vô lượng tâm : Từ, bi, hỉ, xả ... một cách khâm phục và
trân trọng hơn bao giờ hết bởi lẽ những vấn đề của thời đại như
chứng stress, sự trầm cảm, sự đe dọa của chiến tranh đầu đạn hạt
nhân ... chỉ có thể giải quyết bằng cách áp dụng những nguyên tắc
trên của Đức Phật đã nói ra cách đây hơn 25 thế kỷ. Và vì vậy thời
đại tân tiến tìm thấy những giá trị hiển nhiên trong Phật giáo và
thông điệp của Ngài. Tóm lại, Đức Phật là một người có trí tuệ
vô cùng siêu việt không phải một vị thần, vị thánh nào do người đời
tưởng tượng ra. Những lời dạy của Ngài được chép trong những bộ
kinh khá đầy, người ta mang ra học cả đời không hết. Ngày nay khoa học
tiến bộ khá cao. Người ta mang những lời dạy của Ngài ra vùng ánh sáng
khoa học để phân tích, cố tìm xem có điều gì sai không, nhưng không sao
tìm thấy. Nhà Bác học lừng danh thế giới Albert Einstein tuyên bố rằng :
“Nếu có một tôn giáo
nào đương đầu được với những nhu cầu của khoa học hiện đại thì
đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại những quan điểm của mình
để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo
không cần từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học vì Phật giáo bao
gồm cả khoa học và đi trước khoa học”