Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
ĐẠO PHẬT VÀ CON NGƯỜI
Thích Nguyên Hùng dịch

Lời người dịch

 Trong cuộc sống, không chỉ là cuộc sống của loài người, mà tất cả chúng sanh, xuống đến loài côn trùng nhỏ bé nhất, đều muốn có được hạnh phúc, và cuộc sống con người là cuộc tìm kiếm hạnh phúc, mưu cầu hạnh phúc. Nhưng không ai hiểu rằng, cuộc sống hạnh phúc đơn giản nhất đến từ những hành động tốt, hành động căn bản nhất, gần gũi nhất, không phải tìm kiếm đâu xa, là trở lại với chính mình; và không ai nghĩ rằng, trong những cố gắng trốn chạy khổ đau, cái đem lại khổ đau chính là hành động xấu, và căn bản là do chính mình tạo ra. Tôi muốn nói, một cách vô ý thức, chúng ta đã xoay lưng lại với hạnh phúc vốn dĩ mình đã có và phóng mình vào khổ đau.

Tập sách nhỏ này sẽ cho các bạn thấy được điều. Nó chứa đựng những cái rất nhỏ trong bao la vô tận và thâm sâu những lời đức Phật dạy cho chúng ta về con đường đi đến hạnh phúc. Nhưng, dù rất khiên tốn, như nước trong đại dương mênh, chỉ cần nếm một giọt cũng đủ biết được hương vị của nó, nếu bạn thực hành, áp dụng những lời trong sách vào cuộc sống, tôi tin tưởng bạn sẽ đạt được hạnh phúc ngay đây và bây giờ.

Cuốn sách ghi lại bài pháp thoại của thiền sư Tuệ Luật, cho nên, nó có tính cách là một bài nói chuyện hơn là một tác phẩm văn học viết. Tôi cố gắng dịch thoát lối văn nói ấy, nhưng nghĩ lại, để vậy mà hay hơn, vì bạn đọc sẽ có cảm giác như đang được trò chuyện với diễn giả. Tuy nhiên, đây là những dịch phẩm đầu tay, có lẽ còn rất vụng về, chỉ mong sao không chuyển tải sai ý của tác giả, thế là đã vui lòng.

Thành kính đảnh lễ bậc thiện tri thức và mong được chỉ giáo.

Tịnh Thất An Lạc
Mùa hạ năm Tân Tỵ –2545
Hạo nhiên thích nguyên hùng

 

LỜI NÓI ĐẦU

P

hật giáo không phải là một tôn giáo, triết học mà là siêu tôn giáo, siêu triết học. Nói Phật giáo là một tôn giáo là chỉ phương tiện tạm nói mà thôi.

Vì sao Phật giáo không phải là tôn giáo? Bởi vì, đặc trưng của tôn giáo là có giáo chủ, giáo nghĩa và giáo đoàn. Hầu như tôn giáo nào cũng có nói đến một vị chủ tể. Nhưng đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì không cho mình là chủ tể. Ngài không bao giờ khống chế hay bảo bạn  hãy đến với tín ngưỡng của Ngài; cũng không bao giờ nói rằng chỉ cần tín ngưỡng theo Ngài thì sẽ được đưa lên Thiên đường hay thế giới Tây phương cực lạc, mà không tin theo thì sẽ bị đẩy xuống địa ngục! Trong Phật giáo không có cái đạo lý đó.

Đạo Phật dạy về Duyên Sanh, Duyên diệt, và có một cái gọi là ‘nghiệp lực’ nó dẫn dắt chúng ta. Chúng sanh tuỳ theo cái nghiệp lực này nặng hay nhẹ mà nhận lấy một cuộc sống và mang hình hài khác nhau. Nếu bạn hiểu được thấu đáo chân tướng của Duyên Khởi thì cuộc sống của bạn sẽ được giải thoát, tự do tự tại; nếu bạn không biết, không giác ngộ thì bạn chỉ có mãi mãi trôi lăn trong vòng quay của sự sống chết. Đức Phật hoàn toàn không muốn bạn trở thành người như thế. Ngài chỉ muốn bạn giác ngộ chân lý, sự thật của cuộc đời này, và mong muốn chúng ta ra khỏi mọi sự đau khổ, phiền não, khiến chúng thể ngộ rốt ráo, mãi được sống an vui, hạnh phúc. Chỉ mong muốn như vậy mà thôi!

I. Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG

Ý

 nghĩa đích thực của cuộc đời là gì? Sanh từ đâu đến và chết đi về đâu? Đây là một vấn đề rất hiện thực. Người đời hay phê bình người xuất gia rằng: “Người xuất gia trốn tránh hiện thực”.

Được ! Vậy tôi xin hỏi các bạn: “Hiện thực là gì?”. Bạn biết không ? Ồ! Tôi biết rồi! Hiện thực là ‘tiền’ và ‘tiền’, càng nhiều càng tốt, thành tựu càng lớn, đây chính là bộ mặt của hiện thực.

Ý nghĩa đích thực của cuộc đời này là như vậy thôi sao? Không đúng! Phật giáo dạy rằng, hiện thực chính là giây phút hiện tại, là chính tình hình sinh hoạt thực tế mà bạn đang kinh nghiệm, nhưng bạn đã từ bỏ và không tư duy, giác ngộ về nó.

 

II. NHẬN THỨC CHÂN TƯỚNG CỦA CUỘC SỐNG

Đ

ức Phật nói về chân tướng hiện thực của cuộc đời này là gì?

Trước hết, cuộc đời là vô thường. Một kiếp người tuỳ theo thời gian đều phải kết thúc! Hoặc do tai nạn xe cộ, tai nạn máy bay, hoả hoạn, thuỷ tai … mà chết. Đi một bước, chạy một bước, xuất huyết não mà chết !… 

Sự sống tuỳ theo thời gian đều đi đến chỗ chết, bạn có hiểu không?

Thứ hai, tâm lý của con người trong một ngày luôn thay đổi. Sáng thức dậy rất là vui vẻ, đến trưa đã phiền não, ưu sầu, không vui, nhưng tối về lại nói chuyện gì cũng tốt. Ngày mai lại thay đổi. Năm nay quyết định làm việc này, sang năm lại quên mất. Đây gọi là ‘tâm người vô thường’.

Chân tướng hay sự thật của thế gian này là ‘cuộc đời vô thường’‘tâm người cũng vô thường’. Thế gian này không có gì bền chắc, vĩnh hằng.

Vì vậy, lúc nam nữ nói chuyện yêu đương đều là giả dối, mơ hồ. Người con trai tuỳ tiện nói thế này: ‘anh mãi mãi yêu em!’. Người con gái cũng tuỳ tiện nghe: ‘Ôi, anh mãi mãi đều yêu em sao!’. Bạn có nghĩ rằng họ thật lòng mãi mãi yêu nhau không? Một ngày kia, khi người con gái đã là bà lão châu hoàng rồi, mọi việc đã đâu vào đó rồi, cô ta bắt đầu cảm nhận sự đau khổ, khi đức lang quân có thêm người yêu khác bên ngoài, sự đau khổ cũng lớn dần lên. Lúc trước đã nói: ‘anh mãi mãi yêu em’ rốt cuộc chẳng thực lòng.

Nhà Phật đã sớm thông suốt, hiểu thấu điểm này và nhận thức rõ ràng rằng bên trong cuộc sống chỉ là giả dối, hư vọng, là không có ‘tự tánh’. Nói ‘không có tự tánh’ là vì ‘không có gì bền lâu, vĩnh hằng’. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, đồng thời cũng cần phải từ bỏ những ý niệm sai lầm, quan niệm chủ quan về tự ngã, những quan niệm phân biệt xấu tốt của người, rồi sau chúng ta mới có thể sống được một cuộc sống chân chính, ý nghĩa.

Hôm nay, sau khi đến Tân-gia-ba, tôi thấy xe cộ tới lui tấp nập.  Tân-gia-ba đã làm cho tôi có cảm giác như là một quốc gia thân thiết, gần gũi. Công ty truyền hình Đài Loan đã gặp và phỏng vấn Lý-Hiển-Long, trong cuộc đàm thoại với Lý-Hiển-Long, tôi có một vài nhận xét về Tân-gia-ba. Toàn thế giới đều khen ngợi thủ tướng Lý-quang-Diệu, đều khen ngợi hoạt động kinh tế về tiền tệ, khoản vay, tồn khoản, hối đoái, điện tử, giao thông, trị an, hoàn cảnh… của Tân-gia-ba. Vì vậy, người dân ở Tân-gia-ba có rất nhiều phước báo. Không giống như tôi đây, người Đài Loan, nghiệp chướng nặng nề, không có phước báo ở Tân-gia-ba. Tôi đến đây để giảng một lần rồi trở về nước mà thôi. Tân-gia-ba là một đất nước đẹp, các bạn phải lấy đó làm tự hào. Một đất nước cường thịnh, nhất định nhân dân cũng rất cường thịnh. Bởi vì chính phủ và nhân dân đã phối hợp với nhau mới hình thành một Tân-gia-ba như thế này, do đó, các bạn cũng có công đức vô lượng.

Chúng ta tuy hoàn cảnh sống khác nhau, các bạn sống ở Tân-gia-ba còn tôi sống ở Đài Loan, nhưng chúng ta có nhiều điểm giống nhau : ngôn ngữ của chúng ta giống nhau, chữ viết giống nhau, văn hoá chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau, và chúng ta đều là những người mắt đen, da vàng, tóc đen, đều là người của dân tộc Trung Hoa.

Tôi xem Tân-gia-ba như là nhà của mình. Bởi vì, tôi đến đây cảm thấy rất là thân thiết. Hơn nữa, hôm nay có hàng vạn người nơi đạo tràng này nghe tôi nói chuyện, thật sự khiến cho tôi rất cảm động.

Đề tài mà chúng ta nói chuyện có tựa đề : “Đạo Phật và con người”. Đề tài này sẽ được giảng trong hai ngày, hôm nay và ngày mai. Ngày thứ ba sẽ giảng về “Phật giáo và luân hồi”, đề tài này do pháp sư Quảng Học giúp tôi chọn. Thầy đã chọn đề tài, tôi không thể không giảng, sợ sau này thầy không mời tôi đến giảng nữa. (Đại chúng cười).

Nói cho vui vậy thôi! Hôm nay chúng ta cùng nhau nghiên cứu đề tài “Đạo Phật  và con người”. Trong Tam tạng, Mười hai bộ kinh, hết thảy đều nói đến hai vấn đề: Vũ trụ và con người. Đức Phật thuyết pháp với một mục đích duy nhất là chỉ ra cho chúng sanh thấy chân tướng, sự thật của cuộc sống con người và vũ trụ, chỉ dạy cho chúng ta làm thế nào để từ bỏ những lỗi lầm và có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc chân thực.

 

III. NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO

N

hân sinh quan Phật giáo đơn giản chỉ nói rằng: mọi sự tạo tác, tìm cầu trong cuộc đời này đều là khổ. Các bạn cần phải giác ngộ điều này! Cuộc đời là vô thường. Bạn không nên vướng mắc hay bị trói buộc vào những ảo giác sản sinh từ những hành động trong cuộc sống. Điều này có nghĩa là, sinh mạng được làm thành từ những phần tử nhỏ bé liên kết lại với nhau, mà mỗi phần tử, mỗi tế bào này đều thay đổi, biến hoá. Thế gian không có vật gì là chân thật, lâu dài, vĩnh hằng cả.

Sự thật, cuộc sống hôm nay, dù bạn có thật nhiều tiền, nhưng rồi một ngày nào đó bạn cũng tiêu sài hết, hiện tại bạn là một người rất đẹp, nhưng rồi một ngày nào đó bạn cũng phải chết, bạn có quyền lực rất lớn trong tay, thậm chí, bạn có thể làm hoàng đế, nhưng rồi một ngày nào đó, bạn cũng phải đối mặt với cái chết. Vì vậy, Phật giáo quan niệm cuộc đời là khổ, bởi vì, thế gian luôn thay đổi, vô thường và không có một cái gì tồn tại mãi mãi, vĩnh hằng.

Nhưng, có rất nhiều người không tán đồng nhân sinh quan của Phật giáo. Họ cho rằng, trước khi chưa hiểu Phật pháp, họ sống rất an lạc, hạnh phúc. Mỗi ngày có thể đi đánh bài, vào tửu quán để uống rượu, vui chơi với nữ sắc, hằng ngày đều cỡi ngựa, đua ngựa, đấu ngựa… mỗi ngày đều cảm thấy rất là vui vẻ. Từ sau khi học Phật đến nay, hiểu cuộc đời là vô thường, là khổ rồi, đối với bất kỳ việc gì cũng đều không còn tinh thần nữa, muốn bỏ hết không còn muốn làm gì nữa. Đây là một thứ nhận thức sai lầm, ngu dốt, không hiểu được đạo lý của Phật giáo.

 

IV. NHẬN THỨC VỀ KHỔ

Đ

ối với sự thật thứ nhất, cuộc đời là khổ, Phật giáo có thái độ nhận thức và xử lý như sau:

-  Trước hết, biết khổ (tri khổ), cần phải ý thức, hiểu biết một cách rõ ràng rằng, cuộc đời này có khổ, có vô thường.

-  Thứ hai, giải quyết nỗi khổ (giải khổ), sử dụng những phương pháp đúng đắn, chính xác để giải trừ, dập tắt sự thống khổ trong cuộc đời này.

-  Thứ ba, thoát khổ (ly khổ), chính nhờ nhận thức đúng đắn và thực tiễn về cuộc đời khiến chúng ta viễn ly được mọi khổ đau và phiền não.

-  Sau cùng, nếu bạn có tâm nguyện Bồ-tát thì bạn phải cứu khổ, cứu nạn cho chúng sanh.

Như vậy, Phật giáo nói về khổ là vì muốn bạn giác ngộ, giải thoát mà không phải là muốn bạn tiêu cực, từ bỏ, buông xuôi, chán đời. Rất nhiều người không hiểu, hay hiểu sai, bởi vì, họ mê vọng về chính mình, không hiểu được chính mình. Bạn không hiểu chân chính về cuộc sống thì bạn sẽ mãi mãi dùng dằng đi lại trong cuộc sống mê vọng, bao la mờ mịt, mãi mãi bạn không có phương pháp giải thoát. Phật giáo nói về nhân sinh là muốn chúng ta hiểu rõ, thấu suốt về cuộc đời.

 

V. VŨ TRỤ QUAN PHẬT GIÁO

Đ

ối với vũ trụ thì bất kỳ tôn giáo nào cũng có đề cập đến. Trong kinh điển Đức Phật cũng có đề cập đến vần đề này. Thế thì, theo đức Phật, vũ trụ này có bao nhiêu quan niệm? Có vô lượng vô biên, không thể nói hết, không thể suy nghĩ, không thể luận bàn được về thế giới. Ngày nay, khoa học sau hơn hai ngàn năm phát triển, có thể chứng minh sự vĩ đại của đức Phật.

Các tôn giáo lớn trên thế giới không một tôn giáo nào có thể chỉ ra được thời gian và không gian của vũ trụ có được là vô tận. Vũ trụ quan của họ bị hạn chế về mặt thời gian và không gian và cho rằng thời gian và không gian của vũ trụ có giới hạn. Chỉ có đức Phật tuyên bố cùng với nhân loại rằng, thời gian và không gian của vũ trụ là vô lượng vô biên. Phật giáo nói vũ trụ là mênh mông, bao la, không cùng, không có giới hạn. Nhưng, vũ trụ không phải là chủ đề mà chúng ta nói chuyện hôm nay. Hôm nay chúng ta chỉ nói về con người.

Chúng ta biết rằng, tư tưởng có sức mạnh rất lớn. Một người có tư tưởng lệch lạc có thể dẫn dắt y đi vào con đường sai lầm. Nếu một người có tư tưởng đúng đắn, y sẽ không đi ăn to, uống lớn, sẽ không đánh bài, đua ngựa, cũng không dùng cổ phiếu trên thị trường, không cùng với người khác tranh đấu hơn thua, tàn sát lẫn nhau đến đổ máu, và y cũng biết sống cuộc sống hạnh phúc.

Bởi vậy, đức Phật dạy, một người nếu có giác ngộ, sống giữa cuộc đời này, tuy nằm ngủ trên cỏ cũng có cảm giác rất hạnh phúc. Còn người không có giác ngộ, không có sự hiểu biết thì dù có ở trên thiên đường đi nữa cũng không có cảm giác được hạnh phúc. Hiện tại chúng ta đang ngồi trên cỏ, nghe Phật pháp, vì vậy, chúng ta là người hạnh phúc nhất.

 

VI. CHÁNH TRI-CHÁNH KIẾN-CHÁNH TÍN

N

ói đơn giản, nhân sinh quan của Phật giáo là cái nhìn của người giác ngộ triệt để, là giác ngộ triệt để chứ không phải mơ hồ.

Mỗi lần thuyết pháp, tôi luôn nhấn mạnh ba điểm mà một người học Phật cần phải đặc biệt chú trọng, đó là Chánh Tri, Chánh Kiến và Chánh Tín. Tôi xin đơn cử một vài trường hợp thế này, có một số người học Phật, lúc đi chùa lễ Phật, mang một ít hoa quả, nhang đèn cúng dường, lạy lạy, rồi cầu nguyện đức Phật phù hộ cho cha mẹ cô ta được khoẻ mạnh, sự nghiệp làm ăn được thuận lợi, yêu cầu đức Phật phù hộ cho con cái cô ta học hành đỗ đạt, lại hy vọng đức Phật gia hộ cho cô ta được mãi mãi trẻ đẹp, thanh xuân, luôn luôn là tuổi mười tám. Cô ta đã biến Phật giáo thành một công ty bảo hiểm!

Có người nhận thức rằng, chỉ cần họ lạy Phật, Phật sẽ bảo hộ cho họ. Sai lầm! Đây là một quan niệm sai lầm rất nghiêm trọng. Chúng ta thử so sánh, tính tình của tôi rất xấu, bây giờ tôi cũng bắt đầu học Phật và lạy Phật, nhưng nếu mỗi cử chỉ hành động của tôi đều sân hận, giận dữ và mắng chửi người ta, bạn thử nói xem, lạy Phật như thế có tiêu trừ được hoạn nạn không? Được không? Bạn đi đến đâu cũng gây điều tội lỗi cho người ta, mở miệng ra là nói lời thô bỉ, tục tằn, thế thì bạn lạy Phật có tiêu trừ được tai nạn không?

Trong kinh Phật luôn dạy rằng: “Phật không thể độ người, chỉ có con người tự độ lấy mình mà thôi”. Đức Phật không có biện pháp gì để cứu bạn cả, chỉ có bạn nương tựa vào chính mình để tự giác ngộ, từ trong tâm bạn quán chiếu để phát sinh trí tuệ mà thôi. Bạn cần phải hiểu rõ cuộc đời, bạn cần thể ngộ cuộc đời, cần thâm nhập để đi đến giác ngộ thì bạn mới giúp được chính mình thoát khỏi những khổ đau, phiền não.

Hôm nay, bạn hiểu và tôn trọng người khác thì không cần lạy Phật tai nạn cũng tự nó tiêu trừ, có đúng vậy không? Tôi tôn trọng anh, tôi khen ngợi anh, tôi không ganh ghét anh, thì suốt 24 bốn giờ một ngày trong tâm tôi đều cảm thấy sống được an lạc, vui tươi, hạnh phúc, bình tĩnh lạ thường. Nếu từ hôm nay trở về sau, bạn không giết hại chúng sanh, không lấy cắp đồ vật của người khác, không uống rượu, gây lộn, không lừa dối, lường gạt người khác, thì bạn không cần phải lạy Phật, hoạn nạn cũng có thể tiêu trừ.

Vì vậy, chúng ta cần phải có chánh tri, chánh kiến, và niềm tin đúng đắn (chánh tín) thì mói xứng đáng gọi là Phật tử. Hôm nay, đem một ít phẩm vật vào chùa cúng Phật là thành tâm thành ý chứ không có tâm mưu cầu việc gì, tâm vô sở cầu mới là sự cung kính cúng dường.

 

VII. THẦN THÔNG CẢM ỨNG

L

ại nữa, có nhiều người sau khi học Phật rất thích thể hiện thần thông. Ví dụ như nói: tôi niệm thần chú, hy vọng có thể thấy được Bồ tát Quán Thế Âm. Bản thân mình chưa học cách ngồi thiền, chưa có người dạy, nghe lõm bỏm đâu đó vài cuốn băng giảng ghi âm, hoặc là xem người ta ngồi thiền, cảm thấy đó không sai. Lúc trở về nhà, xếp chân ngồi trên đất, rồi vội vàng gọi người nhà đến hỏi: ‘Mọi người xem tôi có giống Bồ tát Quán Thế Âm không? Hay là Bồ tát Địa Tạng’.

Người bị vướng mắc vào sự cảm ứng, thể hiện những việc lạ kỳ để mê hoặc người khác là do không hiểu rằng, học Phật là một điều rất ư bình thường, rất tự nhiên. Thường thường, có nhiều người mới học được một ít thần thông, hoặc là vài câu ngữ chú của Mật tông, niệm một niệm là bắt được ma, chúng ta hay gặp hạng người này lắm. Không phải tôi nói Mật tông không tốt, cũng không nói thần thông không tốt, nhưng tôi nói thần thông không thể khống chế lại được nghiệp lực, vì vậy không nên lấy đó làm chỗ tham cầu, vướng mắc.

Lúc lâm chung, nghiệp chướng hiện ra trước mắt, mấy cái thứ thần thông nào có tác dụng gì, không làm gì được cả. Vì vậy, chúng ta cần phải biết rằng, học Phật là để cần một con đường, một phương pháp giải thoát, xa lìa những khổ đau, phiền não, chứ không phải là cần cầu thần thông hay một cái gì đó kỳ lạ.

Sau khi tu hành đàng hoàng có cảm ứng là điều rất tự nhiên. Người có niệm thần chú được rất nhiều cảm ứng, là bởi vì tâm của họ rất thanh tịnh. Nhưng mà người có cảm ứng về sau lấy đó làm chấp trước, một mực chấp trước mà không buông xả, gặp người ta thì nói: ‘Này, tối hôm qua tôi mộng thấy Phật tổ, bạn có mộng thấy không?’ – ‘Không ạ!’ – ‘Sao lại như thế, vậy là công lực của bạn còn yếu quá!’. Rồi cười người ta không đạt được cảnh giới. Bản thân mình mới thấy được một ít cảnh giới thì đã tự  cao, tự đắc. Nhưng mà, tự đưa mình lên cao thì ngã xuống phải chết thôi.

Người không có Chánh tri, Chánh kiến mà lại ham thích, tìm cầu thần thông rất dễ dàng bị ma vướng. Vì vậy, không cần phải có thần thông, không cần phải làm những phép lạ, kinh quái. Học Phật là để làm một con người thật bình thường, nói năng, làm việc thật bình thường. Cho nên, học Phật, điều trước tiên mà chúng ta cần phải có đó là chánh tri và chánh kiến.

 

VIII. THẦN VÀ PHẬT

N

goài ra, có nhiều người đã gom chung Thần và Phật thành một, không phân biệt rõ ràng.

Tôi vừa đến Tân-gia-ba, thấy bên đường có một cái miếu ghi là “Hầu-tề-thiên”. Đường đó là đường gì? Tôi không được rõ. Bởi vì tôi ngồi trên xe, cư sĩ Hộ Pháp chở tôi đến đây, cho nên tôi không cần phải biết đường, nhắm mắt lại người ta cũng đưa tôi đến đây. Tôn giáo ở Tân-gia-ba tôi không được rõ lắm. Nhưng mà ở Đài Loan có nhiều người không phân biệt được Thần và Phật. Như thế thì, muốn hiểu cuộc đời có được không? Không hiểu Thần và Phật thì có hiểu được “Đạo Phật và cuộc đời” không? Có thể ngộ đạo không?

Thần là gì? Như nói: Quan công, Văn thiên tường, Tam thái tử, Mụ tổ, Ngọc hoàng đại đế .v.v… đây đều là Thần. Truyền thống Trung Quốc đã định nghĩa Thần như sau: Đó là một người tận trung báo quốc, đối với quốc gia, dân tộc có rất nhiều cống hiến, sau khi chết, mọi người đều thêm cho họ một ít sắc thái, tình tiết thần bí về cuộc đời họ, rồi từ đời này sang đời khác lại được thêm thắt thêm nữa, truyền mãi rồi biến thành Thần! Nhưng mà, thực tế như trên đã nói, tỷ như chúng ta nghe nói về thuyết Quan công – Quan công trong Tam quốc diễn nghĩa – Ngọc hoàng đại đế, đều phải trở lại trong sáu nẻo luân hồi.

 

IX. LỤC ĐẠO LUÂN HỒI

L

ục đạo luân hồi là gì? Nói một cách đơn giản, đó là sự chi phối của thời gian và không gian từ kiếp sống này đến kiếp sống khác của chúng sanh.

Con người do vì sự chi phối của thời gian và không gian trong kiếp sống mà phải trải qua sự sanh, già, bệnh chết, không thể giải thoát được những khổ đau, phiền não; do bị sự trói buộc của thời gian và không gian trong kiếp sống nên không có biện pháp thần thông tự tại, phải ở trên trái đất này mà đi bộ chứ không thể bay đi tự do. Vì sao vậy? Bởi vì con người không thể tháo gỡ mình ra khỏi sự trói buộc và hạn chế của thời gian và không gian.

Thời gian và không gian mà chúng ta nói đó chính là thức thứ sáu – thức phân biệt, ý thức; và thức thứ bảy – mạt-na thức, thức chấp trước. Bởi vì chúng ta có quan niệm về thời gian và không gian quá mạnh mẽ và bị trói buộc trong không gian quá kiên cố, cho nên chúng ta mãi mãi làm phàm phu bị trói buộc, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi (Thiên đường, địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, người, a-tu-la).

Mục đích lớn nhất của việc học Phật chính là giải thoát sinh tử. Bởi vì chúng ta có sanh cho nên có tử.

Ngày xưa, có một vị thiền sư, chỉ mới 8 tuổi thôi, nhưng có trí tuệ rất lớn. Có một lần, nhà người ta có lễ cưới, đang ca hát rất vui vẻ. Tất nhiên là người ta không hát Tam Bảo ca rồi, họ chỉ hát Dạ-lai-hương, Khiêu-địch-tư-khả,… không xướng niệm A-Di-Đà Phật. Họ chỉ dùng câu niệm Phật A-Di-Đà để đi đưa đám ma thôi, không thể xướng niệm lúc này!

Vị thiền sư đến xem đám cưới, lúc này thiền sư chỉ mới 8 tuổi thôi, nhân lúc người ta đang vui vẻ hết sức, ông dùng một cây tre buộc vào đầu mấy khúc xương người chết, đem đến cắm ngoài cửa, đứng một bên nói : “Cung hỷ! Cung hỷ!”. Mọi người đi qua thấy thế đều cho là điềm không tốt, không lành, tại sao lúc nhà đang có hôn lễ lại có mấy khúc xương người chết thế này?

Người lo việc hôn lễ ra xem, thấy quả thật là một đứa bé đang đứng ở đấy, liền đến trước nó quát rằng: “Tại sao mày lại giở cái trò quái ác thế này?”. Đứa bé trả lời: “Các ông cưới một người thì biết rằng cũng có chết một người!”.

Bạn nghĩ xem, đứa bé đó có trí tuệ không? Điều đó có nghĩa rằng, có sanh ắt có tử, sống và chết chỉ trong thời gian một niệm thôi. Người ngộ đạo thì thấu suốt được đạo lý của cuộc đời, người không ngộ đạo thì cứ mơ mơ hồ hồ qua ngày. Chúng ta phải biết rằng, một mạng sống kết thúc cũng chính là có một mạng sống khác lại bắt đầu, chứ không phải chấm dứt hẳn. Bởi vì, mặc dù xương thịt hình hài của chúng ta đã tan hoại nhưng thần thức vẫn còn tồn tại, Phật giáo không gọi đó là linh hồn.

 

X. THƯỢNG ĐẾ VÀ PHẬT

C

ó một tín đồ Cơ Đốc giáo đến hỏi tôi: “Thượng đế của chúng tôi cai quản Thiên đường và địa ngục. Xin hỏi Pháp sư, đức Phật của các vị cai quản những gì?”.

Tôi trả lời: “Các ông nói sai rồi! Các ông xem đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một nhà làm chính trị hay sao? Không đúng, Đức Phật là một nhà giáo dục”.

Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, đã được giải thoát, các con hiện giờ chưa được giải thoát. Nhưng nếu một ngày nào đó, các con cũng được ngộ đạo, giác ngộ thì giống như Ta không khác, bình đẳng bất nhị”.  Vì vậy cho nên nói: “Tâm, Phật, Chúng sanh, cả ba đều không khác biệt”.

“Thần” là phàm phu thế gian, phàm phu thì sanh tử luân hồi trong sáu đường, phàm phu thì chưa được giải thoát. Nhưng, Phật thì đã vượt thoát khỏi sáu đường luân hồi, đã siêu thoát ra ngoài giới hạn của thời gian và không gian, Ngài là bậc Thánh rốt ráo, khác hẳn kẻ phàm phu. Vì vậy cho nên, người học Phật nhất định phải có nhận thức rằng, đức Phật là một nhà giáo dục. Bản thân Ngài đã chứng ngộ đến cảnh giới của chư Phật, rồi sau đó Ngài đem cái cảnh giới giác ngộ đó cùng với pháp môn tu tập đến hướng dẫn cho chúng ta, và chúng ta chỉ cần tiếp nhận, quán chiếu, tu tập theo phương pháp đó, thì chúng ta cũng sẽ thành Phật. Vì vậy, Phật và chúng sanh là bình đẳng không khác. Chúng ta ai ai cũng đều có thể thành Phật. Nhưng mà, nếu bạn là người có tín ngưỡng Cơ Đốc giáo thì bạn đừng hy vọng được thành Thượng đế, mãi mãi không bao giờ bạn được làm Thượng đế. Xem đó, bạn nên theo tín ngưỡng Phật giáo hay Cơ Đốc giáo, tuỳ bạn lựa chọn mà thôi.

 

XI. PHẬT GIÁO LÀ TIÊU CỰC? BI QUAN?

C

ó người phê bình Phật giáo là tiêu cực, là mê tín. Bây giờ tôi hỏi các bạn: “Tiêu cực là gì”. Rất đơn giản phải không? Tiêu cực là không tích cực, làm việc gì cũng không nhanh nhẹn, tuỳ tiện, mỏi mệt, lười biếng. Vì vậy, người ta chê bạn, người học Phật tuy từ bi nhưng mà rất tiêu cực, bạn cũng không nên nỗi giận làm gì! Đối với việc đó, Phật giáo là tiêu cực. ‘Tiêu cực’ là đối với những việc tiêu cực. Bạn bảo tôi đi giết người, phóng hoả, đi bắt cóc người, gây bạo lực, tôi đương nhiên phải rất tiêu cực rồi, đúng không? Với những việc như vậy tiêu cực là tốt quá đi chứ!

Vì vậy, nói tín đồ Phật giáo rất tiêu cực, điều đó không sai! Tôi đối với việc giết người, phóng hoả rất tiêu cực. Điều này đúng! Nhưng tôi rất tích cực trong việc giúp đỡ mọi người, cứu độ chúng sanh. Hôm nay tôi đến Tân-gia-ba, tôi rất tích cực giảng Phật pháp, độ chúng sanh, đúng không? Các bạn hôm nay có thể đến đây để nghe Phật pháp cũng là vì nguyện lực của tôi rất thực tiễn và tích cực, mà các bạn cũng có nguyện lực của các bạn. Nhân duyên hội hợp mà có đại hội hoằng pháp này. Bởi vậy, nói tiêu cực nó có hai mặt, mà nói tích cực nó cũng có hai mặt. Có một số người đối với việc sát nhân, phóng hoả họ rất tích cực;  đối với chúng ta là những người tu hành, người ta chửi chúng ta tiêu cực, chúng ta tuyệt đối chấp nhận.

Cũng có một số người phê bình Phật giáo, chửi Phật giáo chúng ta, nói Phật giáo chúng ta là rất bi quan. Các bạn, Phật giáo chúng ta có bi quan không? Có! Phật giáo có “bi quan’ nhưng không có “bi ai”; các bạn cần phải biết “bi quan” và “bi ai” không giống nhau, không tương đồng, các bạn phải phân biệt rõ ràng.

Các bạn thường nghe chúng tôi niệm “Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm”. “Bi” có nghĩa là gì? “Từ” có nghĩa là gì? Từ có nghĩa là ban vui, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho người. Còn “Bi” có nghĩa cứu khổ, là làm vơi bớt những khổ đau của người. Do đó chúng ta niệm “Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát”. Bi quan của Phật giáo chính là “làm vơi đi những khổ đau của chúng sanh”, thế nhưng mọi người đều không hiểu.

Tôi còn nhớ, lúc tôi đang còn học đại học, bạn bè trong lớp đều đi tham gia vũ hội, khiêu vũ. Tôi cũng đi, mang theo một xâu chuỗi, xem chẳng giống ai. Mọi người nhảy với nhau, tôi thì cứ một nhịp là niệm Nam mô A-Di-Đà Phật, một nhịp, Nam mô A-Di-Đà Phật, tôi toàn là niệm Phật, không sai nhịp.

Mấy người bạn thường hỏi tôi: “Bạn còn ít tuổi quá, ăn chay làm gì? Ăn chay đến nỗi khuôn mặt giống như người chết rồi kìa!”. Rồi họ bắt đầu phê bình người học Phật, họ cho rằng những hiểu biết của họ là rất chính xác, phi thường. Họ nói, người còn trẻ mà tin theo Phật là rất bi ai. Nhưng mà tôi bi ai hay họ bi ai? Điều đó khó mà nói được.

Trong tâm tưởng tôi, tôi cười họ, tâm lý tôi rất rõ ràng. Nhưng họ cũng cười tôi, mà tâm lý của họ không được rõ ràng. Đây chính là cảnh giới không giống nhau. Vì vậy, các Phật tử, nếu có người phê bình bạn : “Anh rất tiêu cực”, bạn nên trả lời “Đúng!”. Người ta nói : “Phật giáo rất bi quan”, bạn trả lời : “Đúng! Nhưng cái bi quan của chúng tôi là giúp cho chúng sanh ly khổ đắc lạc, làm vơi đi những khổ đau, phiền não của mọi người”. Bi quan, không sai, nhưng không phải là bi ai. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng.

 

XII. HỶ XẢ HAY TỪ BỎ?

T

ôi có quen biết một phụ nữ, chị đã có ba đứa con. Một hôm chị ta hớt hãi chạy vào giảng đường tìm tôi. Thấy tôi chị ta liền oà khóc nức nở, khóc thật thảm thiết. Phần lớn những người nữ đều giống nhau ở chỗ … khóc, các chị biết không! Các bạn ở Tân-gia-ba như thế nào không biết, tôi nói đây là người Đài Loan, những người con gái Đài Loan. Chưa nói rõ ràng, đợi một tí là bị đánh chết, bị ‘nhéo’ tím người đến chết, không trở về nhà được!

Người phụ nữ này, một mặt khóc, một mặt nói: “Sư phụ ơi! Chồng của con có người yêu khác – ngoại tình – Chúng con đã có với nhau ba đứa con rồi, từ trước đến nay sống rất là ân ái, bây giờ anh ấy có người tình khác rồi, con muốn giống như sư phụ, hỷ xả hết đi tu. Sư phụ, con nghĩ như vậy có được không?”

Tôi trả lời: “Chị nói sai rồi, đó không phải là ‘hỷ xả’ mà gọi là ‘từ bỏ’. Từ bỏ là không làm tròn trách nhiệm của mình. Chị có chồng, có con, chị phải nuôi dạy những đứa con khôn lớn, làm tròn trách nhiệm của người mẹ, như vậy mới đúng với Phật pháp”.

Đức Phật tuyệt đối không cho phép một người mẹ chỉ vì gặp một chuyện đổ vở trong cuộc sống gia đình mà từ bỏ những đứa con không nuôi dạy để đi tu. Hãy suy nghĩ cho kỷ, nguyện lực của chị có giống với đức Phật không? Không chứ gì?

Người đời cứ tưởng rằng cạo tóc là có thể xả bỏ được mọi việc, sai lầm. Xuống tóc mà những phiền não ở trong tâm không từ bỏ, không gột rửa được thì cũng như không, chẳng có tác dụng gì. Cho nên mới nói xuống tóc thì dễ mà cạo bỏ, gột rửa những phiền não trong tâm mới khó. Cần phải từ bỏ những tham, sân, si, hỷ nộ, tật đố, bất mãn… trong tâm đi thì mới gọi là hỷ xả. Còn đối với những sự việc gì mình cũng đều dùng ý thức chủ quan để thấu hiểu, nhận xét rồi lại đi nhờ người khác, với mục đích là hạ uy tín, tìm điểm yếu của người ta, bề ngoài thì đứng khoanh tay có vẻ tôn trọng nhưng bên trong thì tìm cách hiểu lầm người ta, những hạng người này là không phải hỷ xả chúc nào.                 

 

XIII. CHÂN LÝ CỦA ĐẠO PHẬT

C

húng ta học Phật, trước hết cần phải có Chánh tri Chánh kiến, thì mới không bị đi vào con đường lầm lạc. Nếu không, cùng với người khác, bạn tuỳ tiện đùa giỡn với một ít thần thông, bạn sẽ bị chuyển hướng đi vào con đường tối tăm, đạt được một chút cảnh giới, bạn cho đó là ‘Phật, Bồ tát’.

Phật giáo không phải như vậy. Phật giáo cần những con người đem chân lý ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Cho nên nói rằng : “Cuộc sống hoá Phật pháp, Phật pháp hoá cuộc sống”.

Chân lý mà đức Phật dạy đang có mặt ở nơi bạn, không xa bạn một bước. Tuỳ hoàn cảnh, tuỳ lúc, bạn có thể đem những lời dạy, những đạo lý của Phật vận dụng vào trong cuộc sống của bạn, Phật pháp như thế mới vĩ đại. Không thể xa rời cuộc sống này mà giảng Phật pháp. Nếu xa rời cuộc sống hiện thực này mà giảng Phật pháp, thì đó là điều mộng tưởng (utopie), không thực tế với cuộc đời, không thật tại. Sự vĩ đại của Phật pháp chính là vì Phật pháp đối diện với hiện thực, giải quyết những vấn đề hiện thực mà siêu việt hiện thực.

Nếu, bạn hỏi tôi: “Thưa thầy! Thầy nói với con rằng, Phật giáo chỉ dùng một câu danh từ rất đơn giản mà có thể hình dung được nó, là câu gì vậy?”.

Rất đơn giản, có thể dùng câu “Đã hiện thực lại siêu việt, đã siêu việt lại đối diện với hiện thực.” Đó chính là tinh thần của Phật giáo.

Thế nào là “đã hiện thực lại siêu việt”? Chúng ta thường đối diện với bao nhiêu là sự việc phát sinh mỗi ngày trong cuộc sống, nhưng chúng ta thường không có khả năng suy nghĩ và dùng trí tuệ để xem xét, xử lý một sự việc đến nơi đến chốn, nhiều đêm chúng ta mất ngủ, chúng ta mang quá nhiều đau khổ vì sự được mất, bại thành. Lúc muốn hại người, tự mình sanh bệnh trước tiên, người ta chưa ngã, mình đã vào bệnh viện.

Con người thường không có biện pháp phát xuất ra một con đường chân chính. Cho nên, Phật giáo muốn bạn phải đối mặt với hiện thực lại siêu việt hiện thực này; người đã siêu việt hiện thực này lại tất phải đối diện với hiện thực. Vì lẽ đó, đã hiện thực lại siêu việt, đã siêu việt lại hiện thực, đây chính là tinh thần căn bản của Phật giáo.

 

XIV. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC CHO CUỘC ĐỜI

H

ôm nay chúng ta nói về “Đạo Phật và con người” và hiện đang nói về con người. Kỳ thật, trong Ba tạng mười hai bộ kinh, đều nói về con người, nhưng có bao nhiêu quan niệm, nhất định cần phải học rõ ràng. Dưới đây là những quan niệm mà tôi trình bày với các bạn, các bạn phải nhớ kỷ trong tâm, một ngày nào đó, bạn sẽ không còn là người phổ thông nữa. Nếu bạn phát tâm đến đây ngồi đây để xem tôi cao lớn bao nhiêu? Đẹp hay xấu? Thật hay giả? Nam hay nữ? Mà không nhớ những chân lý tôi giảng, thế thì, có đến hay không chẳng có gì khác nhau cả.

1. Hai nguyên tắc làm vơi đi khổ đau, phiền não.

Thế thì, nên sống cuộc đời như thế nào? Hãy nhớ kỷ:

Thứ nhất, bạn nhất định phải mở lòng khoan thứ, bao dung và thương chúng sanh. Một đời người chúng ta đã hao phí biết bao nhiêu là thời gian vào việc quấy nhiễu người khác, làm tổn thương người khác, huỷ báng người khác, phê bình người khác, chúng ta đã đi quá xa và không kịp bình tĩnh lại để hiểu mình, xem mình có lỗi hay không. Chúng ta mỗi ngày mở mắt ra là toàn thấy lỗi lầm, sai trái của người khác, mỗi lần mở miệng là toàn nói lỗi lầm của người khác. Con người là một loài động vật vĩnh viễn chịu phiền não, từ sáng đến tối đều phiền não, đến già đến chết vẫn không giác ngộ được.

Muốn có cuộc sống hạnh phúc, nhất định bạn phải mở lòng khoan thứ, bao dung, thương chúng sanh.

Các bạn, những người lớn không phải là thánh nhân. Trong tâm bạn nhất định có sự phẫn nộ, giận hờn người khác, rất hận người khác, rất chán ghét người khác và cũng rất ganh tỵ người khác, đúng không? Trong các bạn, ai là người từ trước đến nay không có những tính khí như vậy? Không có ai! Trừ phi là bệnh thần kinh. Người lớn đều phát sinh những tính tình như vậy. Hiện tại tôi đang nói với người lớn, làm thế nào để sống những ngày an lạc, hạnh phúc. Cần phải thương yêu và khoan thứ cho mọi người, mọi chúng sanh, không cần phải xem khuyết điểm của người khác, chỉ nên xem bản thân mình có khuyết điểm hay không.

Tôi xin nêu một ví dụ như thế này. Cùng làm việc chung một công ty, năng lực của người ta so với tôi hơn hẳn, thế là tôi sanh tâm đố kỵ, ganh tị anh ta, trong lòng tôi rất bất mãn. Các bạn xem, nếu như vậy là người kia khổ hay tôi khổ hơn? Là người ta sống trong đau khổ hay chính bạn sống trong đau khổ?

Bạn ganh ghét người ta, hận người ta, người ta lại không biết, đúng là bệnh thần kinh. Rồi sau đó, có một ngày bạn thật sự chịu đựng không nỗi, đối với người bạn hận, bạn nói: “Tôi hận anh, anh có biết không?”. Người kia trả lời: “Tôi đâu có biết! Tôi có biết gì đâu!”. Người như thế không phải là rất đáng thương sao?

Các bạn, trên thế giới này chỉ có lòng từ bi mới có khả năng làm vơi đi những nỗi khổ đau. Các bạn nhất định phải hỷ xả, cần phải mở lòng khoan thứ, bao dung, thương yêu mọi người, mọi chúng sanh. Thương yêu và tha thứ mọi người bạn sẽ sống những ngày rất hạnh phúc. Tối hôm nay các bạn đến đây nghe tôi nói bài pháp thoại này giống như nắm được hai mươi vạn Tân-gia-ba tệ, trở về nhà ngủ rất là ngon giấc. Bạn có thể nói : “Tôi từ trước rất hận anh, hôm nay nghe thầy giảng, tôi không còn hận anh nữa, coi như đời trước nợ anh, anh hãy cầm lấy mà dùng!”. Thế là, OK!

Trong Lục tổ Đàn kinh nói: “Người ta thì thị phi, hơn thua, còn ta thì không”. Đó chính là lời của Lục tổ Huệ Năng đại sư dạy cho chúng ta. Người ta mang nhiều thị phi, hơn thua quá, chúng ta thì không nên có thị phi, hơn thua. Chúng ta cần phải thực hiện nguyên tắc này : “Khoan thứ mọi người, mọi chúng sanh”, đây là căn bản đầu tiên của người học Phật, có như vậy bạn mới không bị khổ đau, phiền não.

Kỳ thật, chúng ta không chỉ là vì làm chúng sanh mới thương thương yêu chúng sanh, mà là làm cho tâm hồn chúng ta hưởng thụ được một phần an tịnh, vắng lặng trong nội tại, nhận thức điều tri túc mà được tươi mát, an lạc, hạnh phúc tự tại. Bởi vậy, bạn nhất định phải mở lòng bao dung, thương yêu và tha thứ chúng sanh, khi đó, trí tuệ của chúng ta sẽ phát sinh bừng sáng, tâm địa cũng từ đó rộng lớn, bao la.

Thứ hai, chuyển hoá chính mình, thay đổi cái tính hiếu thắng, muốn hơn người khác. Đức Phật dạy: “Chiến thắng trăm vạn đại quân không phải là người chiến thắng vĩ đại, chiến thắng chính mình mới là người chiến thắng vĩ đại nhất trên thế giới”. Nói một cách đơn giản, việc làm cần thiết nhất của người học Phật là phải thay đổi, chuyển hoá chính mình.

Chúng ta thử nhìn xem trong xã hội này, cha mẹ chỉ vì một ý kiến bất đồng đã gây gỗ, cãi vả nhau, anh em trong nhà nhân vì một chuyện nhỏ mà phân tranh, bạn bè đồng học vì một việc nhỏ không có chung một cách nhìn đã khởi nên tranh chấp, cùng chung một công tác làm việc cũng đấu tranh. Vì sao vậy? Bạn có nghĩ rằng có một thứ bệnh nào đó bên trong không? Cần phải tìm ra biện pháp để giải quyết tận gốc rễ.

Chúng ta lại suy nghĩ sâu hơn một chút, bất kể là làm việc chung một công ty, bạn bè thân mật, cùng học chung một lớp, tình như anh em, lúc đầu mới gặp nhau, tất cả đều rất hoà hợp, tâm đắc, nhưng sau đó không lâu lại đều thấy rất đau khổ, vì sao vậy? Có thể tìm thấy căn nguyên của vấn đề không? Sự thật thì vấn đề nó nằm ngay trước mặt, cốt yếu là tìm ra đáp án. Bởi vì con người ai cũng có cuộc sống riêng, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, công tác nhất định, ngày ăn ba bữa … nhưng mỗi ngày cũng phải đối diện với những vấn đề tranh chấp hay sao? Ta phải nhận ra rằng: “Phải chuyển hoá, thay đổi chính mình, phải chuyển hoá tính hiếu thắng, muốn hơn người khác”.

Có thể lấy một ví dụ bất kỳ như thế này: Trong cuộc sống vợ chồng, người chồng thì hoa thiên tử địa, vui chơi với nữ sắc; người vợ vì vậy mà bị bệnh, thương tổn thấu tim não, mỗi ngày mỗi khóc, mỗi đêm phải ôm phòng không gối chiếc chờ chồng về, đến canh hai canh ba anh ta mới trở về nhà. Khổ đau như bị thiêu đốt đến như vậy, nếu không gặp Phật pháp, có lẽ chị ta đã tự sát rồi. Bởi vì, chị ta bỏ không được, quan niệm không chuyển hoá, thay đổi được chồng.

Nếu như học hiểu Phật pháp rồi, quan niệm có thể thay đổi được. Hôm nay bạn không trở lại, tôi sẽ tìm niềm vui trong chính mình, bởi vì cuộc sống của tôi luôn trôi chảy, chuyển hoá bạn không được, tôi chuyển hoá chính mình. Vì vậy mỗi lần giảng đều nói đi nói lại, đảo tới đảo lui, chỉ vì muốn chuyển hoá bản thân chúng ta, nhanh chóng dừng lại những việc tranh chấp, hơn thua để tiến đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Cùng làm việc và sống chung với nhau cũng là một trường hợp. Hai người cùng ở với nhau đã lâu, cùng hỗ trợ và hiểu biết nhau cũng nhiều. Ví dụ, một người thì tham lam, keo kiệt, chỉ muốn chiếm đoạt tiện nghi của người khác. Mua một cái gì đó liền lập tức cất giấu đem ra ngoài dùng một mình. Tôi mua một cái gì đó liền đem về nhà, bị anh ta phát hiện biết đó là một đùi gà, lập tức bị anh ta giành lấy. Anh ta mua một ít trái cây thì thu thu giấu giấu ăn một mình, tôi cũng mua một ít trái cây, anh ta nhất định giật lấy để ăn. Bất cứ việc gì cũng đều muốn có lợi cho bản thân anh ta.

Những hạng người như vậy trong thế gian rất nhiều, ở Đài Loan rất nhiều. Ở Tân-gia-ba không biết có hay không, có thể là không có. Những hạng người này sĩ diện rất kém, chúng ta cũng không cần phải giao tiếp với họ. Nếu gặp hạng người này, tôi khuyên bạn, hãy chuyển hoá chính mình. Đối với hạng người này, họ là phàm phu, không thể giác ngộ, không có khả năng giải thoát, bởi vì, chúng ta với họ không cùng chung một kiến thức. Vì vậy, phải mở lòng tha thứ, chuyển hoá chính mình, thương yêu chúng sanh, sống hạnh phúc cho chính bản thân mình.

2. Ba yếu tố làm tăng tiến hạnh phúc.

Đức Phật dạy, con người tạo mười nghiệp ác. Thân thể có ba: Sát – giết người, giết hại chúng sanh; Đạo – trộm cắp đồ vật của người khác; và Dâm – tà dâm, thường quan hệ bất chánh với những người không phải là vợ, chồng của mình, tức ngoại tình; Miệng có bốn ác nghiệp: nói dối, nói hai lưỡi, nói lời hung ác và nói lời phù phiếm, mộng mị, đường mật. Ý có ba nghiệp ác: Tham, sân, si.

Trong mười ác nghiệp thì khẩu nghiệp là gây ra nhiều điều tệ hại nhất. Mỗi ngày, chúng ta mở miệng ra đều tạo nghiệp, đều nói toàn những điều thị phi, toàn tung ra những lời bịa đặt. Vì mục đích bảo vệ danh dự và quyền lợi của mình, bất kể những điều hư vọng, biến tạo những việc không đúng sự thật để hại người, thương tổn chúng sanh.

Các bạn hãy kiểm nghiệm lại lương tâm, từ nhỏ đến lớn có phải đã từng vì báo thù, vì tham một chút tiện nghi, hoặc là vì một chút danh lợi mà nói dối, bôi nhọ người khác, làm thương tổn người khác. Vì vậy, điều thứ hai mà tôi muốn trình bày với các bạn là, bạn muốn ngày tháng trôi qua thế nào thì bạn mới sống được cuộc sống hạnh phúc.

Thứ nhất, không nghe thị phi. Tai của chúng ta như một đoá hoa là nên để nghe Phật pháp mà không nên dùng để nghe những điều thị phi. Bởi vì ‘thị’ và ‘phi’ là những cặp phạm trù đối lập, tương đối, bạn nghe từ một phía thì không chính xác. Từ người này nghe những lời nói ngon ngọt, êm tai, rồi dùng ý thức chủ quan hiểu lệch lạc sự thật đi thoá mạ người khác, đi nói xấu người khác, tất cả những lời nói độc ác nào cũng đều tuôn ra. Vì vậy, nếu chúng ta không có trí tuệ, chỉ nghe từ một phía, thì bạn sẽ bị người ta che đậy, lừa dối không thấy được chân tướng của sự thật, không những mình nghe không được chính xác mà còn truyền bá những điều sai trái, ngộ nhận cho nhiều người khác nữa.

Thứ hai, không nói thị phi, không tuyên truyền thị phi. Nghe những điều thị phi đối với chúng ta đã là điều không tốt rồi, mà nói những lời thị phi đối với chúng ta cũng chẳng có lợi ích gì, còn tuyên truyền cho người khác là việc làm ác, đối với chúng ta cũng không có gì là tốt cả. Người đời ai cũng muốn ẩn ác dương thiện huống nữa là một người học Phật. Một người học Phật muốn liễu sanh thoát tử, muốn thành Phật, muốn thành thánh hiền, mà mỗi ngày toàn tuyên truyền những điều thị phi, bạn nói thử xem, họ có thành Phật được không? Họ sẽ thành ma! ‘Phật’ và ‘ma’ phát âm (theo tiếng Đài Loan) rất giống nhau, thành Phật, thành ma không sai biệt bao nhiêu, nghe kỷ thì chỉ khác biệt một chút mà thôi.

Vì vậy cho nên nói rằng, ba điều căn bản tu hành là: không nghe thị phi, không nói thị phi, không tuyên truyền thị phi, hy vọng tất cả chúng ta nhất định ghi nhớ. Tóm lại, thị phi, không giúp ích gì cho chúng ta tu hành, bạn không cần phải can thiệp vào chuyện xấu tốt của người khác, chỉ cần quan tâm đến những chuyện xấu tốt của chính bản thân mình có hay không, đó mới là điều quan trọng nhất.

Bạn quan tâm chăm sóc bản thân mình cho tốt, nhún nhường bản thân mình một chút là một ngày mình sống được hạnh phúc một chút. Vì sao suốt ngày chỉ xen vào chuyện của người khác kia chứ? Thật là khờ ! Giả sử tôi không quan tâm đến bạn, tôi không xen vào chuyện của bạn, nhưng tôi dùng sức cảm hoá, tôi xem có độ bạn được thì độ, độ không được bạn, tôi trở lại độ chính bản thân tôi trước.

Cần nhớ rõ nhé! Không nên vì khuyết điểm của người khác mà ảnh hưởng đến tâm hồn của bạn. Chúng ta vốn có thể sống một cuộc sống rất hạnh phúc, rất tự tại, thảnh thơi, thoải mái. Nhưng mà vì chúng ta quan tâm thái quá đến những chuyện xấu tốt, những thiện ác, thị phi, cao thấp của người ta, cho nên mình đánh mất chính mình.

Thiền Tôn Đại Đức nói rằng: “Hồng trần đáng lý ở trong núi, vì sao phong trần lại có thể nhiễm người, tại người quấy nhiễu phong trần đó thôi!”. Chúng ta đều dại khờ đi nắm lấy cái khách trần phiền não bên ngoài làm nhiễm ô cái tự tánh thanh tịnh, an vui của chính ta. Người ta chẳng ai thèm nhớ nghĩ đến nội tâm của mình, chỉ toàn nhớ nghĩ đến ngoại cảnh, nhớ đến thị phi của người ta, để cho tâm hồn mình bị nhiễu loạn.

Vì vậy, điều quan trọng nhất của người học Phật là học thế nào để giữ gìn cho được cái bảo vật tràn đầy an vui, từ bi, không chướng ngại, như như bất động của tâm hồn mình. Cũng giống như “núi xanh không chuyển động, mây trắng mặc đến đi”. Hết thảy mọi sự việc nhân duyên trước mắt đều có thể quán chiếu các pháp như huyễn như hoá, như mây khói qua mắt, không khởi tâm, không động niệm, giữ gìn tâm hồn an tĩnh thành một khối như như bất động để tận hưởng niềm hỷ lạc vô biên trong tận suối nguồn tâm linh.

Hãy nhớ, đối với bản thân mình hãy từ bi một chút, phải nhớ vui vẻ với chính mình một chút, không việc gì phải bận tâm nghĩ ngợi lung tung, không cần phải tìm phiền não, đó là điều quan trọng nhất. Trong cuộc sống lúc nào cũng giữ tâm thanh tịnh, vui vẻ tràn đầy, đó mới là hưởng thụ cuộc sống, tự nhiên có thể sống rất an lạc, hạnh phúc tại đây và bây giờ.

Tôi nói cho các bạn nghe một câu danh ngôn triết học như thế này, bạn hãy nhớ nhé : “Đối với người không hiểu cuộc sống, cuộc sống đối với họ là một sự trừng phạt”. Câu đó có thể hiểu như thế này: “Người không hiểu ý nghĩa chân chính của cuộc sống, cuộc sống đối với họ là một sự trừng phạt”. Bởi vì mỗi ngày họ đều sống trong đau khổ, sống những ngày bị giày vò bởi những bệnh tật và những điều khốn nạn của chính bản thân mình. Cho nên, ngàn vạn lần không nên lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, không nên giữa lấy ý kiến sai lầm của mình không bỏ. Bạn muốn sống những ngày hạnh phúc, bạn phải nghe tôi nói bài pháp thoại này.

 

XV. MỘT CÂU CHUYỆN VỀ KHỔNG TỬ VÀ NHAN HỒI

T

ôi kể các bạn nghe một câu chuyện liên quan đến yếu tố “không tuyên truyền thị phi, không nói thị phi”. Nhan Hồi là học trò lớn của Đức Khổng Tử, có một lần, lúc Nhan Hồi đang nấu cơm, thì đột nhiên bụi trên trần nhà  rơi vào làm bẩn thức ăn, Nhan Hồi bèn dùng cái thìa vớt nó ra, đưa lên miệng ăn, lúc ấy Khổng Tử đang đứng phía sau nhìn thấy. Khổng Tử không hài lòng nói với Tử Lộ : “Nhan Hồi nấu cơm, ta làm thầy của người còn chưa ăn, vì sao anh ta lại ăn trước?”.

Tính tình của Tử Lộ rất xấu, rất nóng, chạy đến bên Nhan Hồi mắng, anh ta nói: “Nhan Hồi! Anh làm cơm hầu sư phụ, tại sao lại dám ăn trước hả?”

Nhan Hồi bèn đáp với Tử Lộ rằng: “Thật là oan uổng, tôi sợ sư phụ ăn vào thì bị bệnh dạ dày. Bởi vì, trên thức ăn có vương ít bụi bẩn, tôi trước dùng thìa vớt nó ra, rồi sau gạn bỏ chỗ bẩn mà ăn, là vì bỏ đi thì lãng phí, không phải tôi ăn trước”.

Tử Lộ biết việc ấy rồi, quay lại thưa với Khổng Tử. Khổng tử sau khi đã hiểu sự việc bèn gọi các học trò tập họp lại dạy rằng: “Các con nghe đây, Khổng Khâu ta tận mắt nhìn thấy Nhan Hồi ăn trước, vậy mà cũng không chính xác, không đúng sự thật. Huống gì đạo mà nghe từ lời nói của những người đi đường, trên đường, nghe ở ngã tư, đường nhỏ, cho đến nghe những sự việc thị phi, thì làm sao chính xác cho được? Ta tận mắt nhìn thấy còn không đúng, huống gì tuỳ tiện đi nghe người ta giảng đạo làm sao được chính xác?”.

Con người vốn có quyền lợi được sống những ngày hạnh phúc, chỉ tại mình không muốn và từ bỏ những ngày hạnh phúc thôi, cũng bởi vì con người thường bị sương mù che kín cả đầu mình. Chúng ta không lượng xét tình người mà tha thứ, bao dung người khác, mỗi ngày chỉ nghĩ đến chuyện đi chuyển hoá người ta mà không nghĩ đến chuyển hoá chính bản thân mình. Chúng ta chỉ muốn hiểu được người khác, nhưng mà chẳng  hiểu chính mình. Chúng ta ngày nào cũng sống trong phiền não, trong khi đó, cuộc đời vốn rất đẹp, chúng ta bị ‘vô tri’ dẫn dắt chúng ta đi qua vô lượng sự thống khổ, Phật giáo gọi là bị ‘vô minh’ quấy nhiễu, gây rối, làm điên đảo, mất đi sự an tịnh của tâm hồn. Kỳ thật “chúng ta vốn có thể sống rất an lạc, hạnh phúc, chỉ là chúng ta không muốn đó thôi”. Nếu như bạn muốn, những điều tôi vừa nói, bạn có thể vận dụng vào trong cuộc sống một cách thật tốt, bạn nghĩ có hạnh phúc không? Nhất định rất hạnh phúc!

Báo chí ở Tân-gia-ba tôi không biết, hiện tại tôi nói báo chí ở Đài Loan. Báo chỉ ở Đài Loan chí ít cũng đến 30 loại. Hôm nay đến Tân-gia-ba, báo chí tôi chỉ thấy có một phần. Tại Đài Loan có thời báo Trung Quốc, báo Liên Hợp, báo Tự Lập sáng (chiều), nhật báo Kinh tế, nhật báo Dân chúng … vân vân, rất nhiều, tổng cộng cũng hai ba chục loại báo. Trước đây báo chí ở Đài Loan, đăng tải những sự việc đại khái có thể tin được, bây giờ những nhà báo về mặt đạo đức có vấn đề, văn phong thì như mưa, bản thân ký giả thì chưa nắm được sự việc rõ ràng nhưng cũng có thể viết cả trường thiên đại luận. Do đó, ở Đài Loan có nhiều nhân vật chính trị, nhân vật cấp bộ trưởng, thường đứng ra giải thích cho quần chúng. Tôi chưa từng làm việc này! Tình hình thực tại rất phức tạp!

Tôi không biếát ở Tân-gia-ba có bệnh này không ? Vì vậy, một người học Phật, không nên nhân xem một tờ báo, tạp chí mà nhận thức rằng đó là sự thật, bất cứ sự việc gì cũng cần phải trải qua sự kiểm chứng. Một khi nghe báo chí ở Đài Loan đưa tin, sẽ có người hỏi: “Có đúng không đó? Có hình ảnh hay không?”, một số tờ báo đã bị mất niềm tin. Đồng thời, có một số sự việc thật, giả khó phân biệt được, biến thành thị phi khó phân, thật giả không rõ ràng. Vì vậy, điều chủ yếu nhất là đừng để bị ảnh hưởng của ngoại giới ảnh hưởng đến nội tâm thanh tịnh của chúng ta. Chúng ta nhất định phải có trí tuệ, xem một tờ báo, tạp chí chỉ nên lấy đó làm tham khảo, không nên để nó ảnh hưởng đến mình.

 

XVI. ĐOÁN SỐ PHẬN – CHẤP NHẬN CUỘC SỐNG

L

ại nói đến chuyện ‘chấp nhận số mệnh’. Tại Đài Loan có nhiều người rất thích xem bói số mệnh. Người dân ở Tân-gia-ba không biết có người xem bói số mệnh hay không? Dùng Phật giáo để bói toán số mệnh là phạm giới, không kể tại gia hay xuất gia, xem bói đều là phạm giới, trừ phi dùng toán số để cứu độ chúng sanh mới không phạm giới.

Nhiều người rất thích xem bói số mệnh, tôi cũng biết xem bói, cũng hiểu biết được Phật pháp, tôi biết nếu xem bói cho người ta một chút, người ta rất thích thú. Nếu cần xem bói số mạng cho người ta, tốt hơn hết là nói những điều lành, không nên nói những điềm xấu. Nói điềm xấu khiến người ta tối về nhà ngủ không được. Có người, khi thấy có người đến xem bói liền vui mừng nói: A! tháng bảy phải cẩn thận không thì bị tai nạn xe nhé, bạn sẽ chết tại phi trường Tân-gia-ba! Người kia nghe rồi tâm tưởng vô cùng phiền muộn, bây giờ mới tháng năm, phải đau khổ phiền muộn đến tháng bảy. Mà có chết hay không còn chưa biết nữa, đã bắt đầu lo buồn phiền muộn rồi. Vì vậy, tôi dạy tín đồ Phật giáo nên chấp nhận, đón nhận sự sống của mình mà không nên xem bói, tính toán số mệnh.

Thế nào là chấp nhận số mệnh? Chấp nhận số mệnh chính là đối với những sự thật không thể chuyển hoá, thay đổi được, bạn hãy can đảm đón nhận nó.

Một lần nọ, có một người phụ nữ khoảng 40 tuổi dẫn hai đứa con đến tìm tôi, một đứa khả năng phát triển trí tuệ rất thấp, một đứa bị bệnh thần kinh. Chị ta đem hai đứa nhỏ đến cho tôi làm gì? Xin tôi làm phép gia trì cho chúng. Chị ta chưa có nhận thức căn bản về Phật pháp. Nếu chậm phát triển trí tuệ hoặc bị bệnh thần kinh mà có thể gia trì lành được thì tôi lập tức hành nghề này liền, có thể kiếm được rất nhiều tiền.

Vì nhận thức căn bản Phật pháp của chị ta chưa có cho nên cứ nghĩ rằng những người xuất gia đều có khả năng gia trì cho người khác, đứa bé kém thông minh và đứa bé bị bệnh thần kinh có thể gia trì mà lành được. Tôi nói với chị ta không thể làm được, chị ta rất đau lòng, rất thống khổ. Chị ta nói với tôi: “Trong cuộc đời của con không có làm việc gì ác, mà tại sao sanh ra hai đứa con đều bị mất trí”.

Tôi nói với chị ta rằng: “Không ai hy vọng những đứa con của chị trở nên như thế này. Những đứa con của chị như vậy, đối với quốc gia, xã hội đều là một tổn thất! Đối với chị là cả một gánh nặng, rất khổ đau. Nhưng chị không thể lấy việc lạy Phật, đức Phật sẽ khiến cho bệnh thần kinh được lành hay đứa bé kém thông minh này biến thành người có trí tuệ cao được, điều đó không thể được”.

Chị ta nói: “Thưa thầy, con rất siêng năng lạy Phật, rất siêng năng niệm chú đại bi, lẽ nào cũng đều vô hiệu sao, con rất đau khổ”.

Tôi trả lời: “Quan niệm như vậy là không đúng, ngày nay chỉ phải chấp nhận hai sự thật, chấp nhận cuộc sống của chị. Đối với sự thật không thể thay đổi, chị chỉ có một cách duy nhất là chấp nhận mà thôi”.

Những người không học Phật đều không chấp nhận số mệnh, không cúi đầu trước sự thật. Ví dụ, hai vợ chồng đều đã lớn tuổi, người vợ rất là hư, áo quần không giặt, chén bát không rửa, chỉ đánh con, nói chuyện rầm rĩ, thường tranh nhau từng lời ăn tiếng nói. Đấng trượng phu cùng với một lão thái thái đã 70 tuổi rồi nói năng cũng chua như giấm. Giả như, lấy vợ mà gặp một người hạng này, là đấng trượng phu không chấp nhận số phận, nhất định cuộc sống rất đau khổ, vì nghĩ rằng có thể thay đổi, chuyển hoá được người vợ, cho nên đánh cô ta, nhưng mà càng đánh, cô ta càng hung dữ. Cuối cùng, cô ta đã để móng tay rất dài, chuẩn bị sẵn sàng để đánh trả. Vì vậy, chấp nhận số mệnh chính là đối với những sự thật không thể thay đổi bạn phải đón nhận nó.

Các bạn, tôi nói một câu, hy vọng các bạn có thể tham khảo, đây là một câu phương châm của cuộc đời(*): “Cùng ở với bạn, bạn đi bài xích nó, chẳng bằng bạn chấp nhận nó, đó gọi là chấp nhận số mệnh”. Sự thật đã phát sinh từ chính bản thân bạn, dù là sự thật bất hạnh, bạn đi bài xích nó, chạy trốn nó, chẳng bằng bạn hãy chấp nhận nó!

 

XVII. BỆNH

T

ôi từ nhỏ thân thể vốn không được mạnh khoẻ, một năm 365 ngày, mỗi ngày đều uống thuốc, không có ngày nào quên, cái gì thì có thể quên chứ uống thuốc thì không thể quên, có thể nói không có một ngày không uống thuốc. Từ nhỏ thể chất đã không tốt, dễ bị cảm lạnh. Trước đây cũng uống rất nhiều thuốc tây, đến bây giờ uống thuốc tây thì bị nôn, cho nên chỉ dùng thuốc bắc.

Có một tín đồ hỏi tôi: “Pháp sư Tuệ Luật, Ngài là vị thầy cứu độ chúng sanh, là thầy của vạn người, công đức vô lượng mà cũng có bệnh sao, cũng nôn mữa sao?”.

Ồ! Sao lại hỏi như vậy nhỉ? Nôn mữa, sanh bệnh là chuyện bình thường của con người, và việc cứu độ chúng sanh có quan hệ gì với nhau? Là con người, có thân  thì nhất định có khổ. Nếu như sau khi học Phật, sau khi niệm Phật mà có thể không sanh bệnh, cũng không cảm lạnh, tụng kinh mà trong nhà có thể hoàn toàn tiêu tai, giải ách, thế thì, các bệnh viện ở Tân-gia-ba đều đóng cửa không hoạt động và cũng không cần uống thuốc, tiêm thuốc. Đây là những sai lầm, không hiểu được chân lý của Phật giáo.

“Chấp nhận cuộc sống”, chính là đón nhận những sự thật không thể kháng cự, chúng ta phải đón nhận một cách vui vẻ. Chúng ta đón nhận sự thật một cách vui vẻ thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống rất thoải mái, dễ chịu. Tuy tôi độ rất nhiều chúng sanh, trên sự thật không có chúng sanh nào được độ và tôi cũng cảm thấy không độ được chúng sanh nào. Tuy thân thể tôi vẫn còn nhiều bệnh tật nhưng tôi chấp nhận sự thật này. Thân thể sức khoẻ không tốt là do nghiệp đã tạo đời trước, đời này phải chấp nhận quả báo. Nếu như quả báo đã phát sinh từ chính bản thân mình lại cảm thấy phiền não với nó thì càng tăng thêm sự đau khổ. Vì vậy các bạn hãy nghe lời tôi, nên chấp nhận sự thật cuộc sống.

Chấp nhận sự thật của cuộc sống thì cuộc sống của chúng ta sẽ rất hạnh phúc. Không nên oán trách, cuộc đời này không có việc gì oan uổng cả. Nếu nhân như thế thì được quả như thế, không có việc gì oan uổng. Hình dáng tướng mạo của con người không giống nhau, trí tuệ không giống nhau, kinh tế, năng lực không giống nhau, hoàn cảnh sinh hoạt cũng không giống nhau. Vì sao vậy? Đó chính là vì nhân quả khác nhau mà mỗi cá nhân đã tạo. Bởi vậy, hy vọng các bạn đều hiểu rõ sự thật của cuộc sống mà không nên tin vào sự bói toán, đoán mệnh.

 

XVIII. TỪ BỎ QUAN NIỆM ĐƯỢC MẤT BẠI THÀNH

C

húng ta muốn có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc thì phải từ bỏ quan niệm được mất bại thành. Thật sự từ bỏ quan niệm được mất bại thành. Hôm nay bạn được một đồ vật nào đó, trước hết chớ vui mừng, có một ngày bạn sẽ mất đi; hôm nay bạn bị mất một cái gì đó, chớ buồn, một ngày nào đó bạn lại có được. Cuộc đời này không có vật gì tồn tại mãi mãi, vì vậy bạn hãy từ bỏ quan niệm được mất bại thành.

Cuộc đời có nhiều việc không biết làm sao được. Ví dụ, người con trai mất đi người bạn gái đau khổ muốn chết, muốn thắt cổ, uống thuốc ngủ, dùng dao tự sát, uống thuốc độc, tại Đài Loan có rất nhiều trường hợp uống thuốc độc tự sát. Họ không hiểu được rằng, có được một ít đồ vật, không thấy được đó chính là điều tốt. Giống như những đại gia ở Đài Loan, đánh bạc rất thịnh hành, đánh bạc rất điên cuồng, có một người được trúng thưởng, sau khi đã trúng lục-hợp-thải (trúng số), trúng hơn 4 trăm vạn. Lúc đi lĩnh tiền, gặp bốn người, tay cầm dao võ sĩ bước tới, bảo ông ta bỏ tiền xuống. Tình hình trị an ở Đài Loan bây giờ đã trở nên báo động, rất nghiêm trọng.

Có một hôm, Nội-chánh bộ trưởng, tiên sinh Hứa Thuỷ Đức đến thăm tôi, ông ta hy vọng nhờ lực lượng tôn giáo để cải thiện tình hình xã hội, dùng quan niệm nhân quả để khuyến khích người dân làm việc thiện. Kỳ thật, trị an ở Tân-gia-ba có phần tốt hơn, nếu như có thể thêm vào quan niệm nhân quả của Phật giáo, thì sẽ tốt hơn nữa, sẽ làm cho xã hội, đất nước Tân-gia-ba tiến bộ hơn nữa. Sau khi có quan niệm nhân quả, người ta sẽ không dám phạm tội. Ví dụ, bạn đánh chết tôi bảo tôi đi bắt người, tôi cũng không làm, bảo tôi đi giết người, tôi cũng không đi làm, bởi vì tôi có quan niệm giới luật.

Nhưng, chúng ta vừa mới nói đến chuyện người trúng số, lúc đến ngân hàng lĩnh tiền gặp bốn tên cướp bảo ông ta bỏ bốn trăm vạn xuống. Ông này là người đã từng ở trong quân đội hải quân lục chiến, thân thể rất là tráng kiện, tuy nhiên đối phương lại cầm dao, nhưng ông ta không  một tấc sắt, nhưng vì ông đã học qua thái-quyền-đạo, lúc ấy ông liền xuất thủ, kết quả, bốn tên cướp bị ông ta đánh chết hai người, nhưng trên người ông ta cũng bị chém đến hơn hai mươi nhát dao, sau đó không thể chữa trị và bị chết.

Chúng ta có giả thiết như thế này, giả sử không trúng bốn trăm vạn thì cũng không bị chết. Nhưng vì được một số tiền không chính đáng mới khiến thân bị chém hai mươi nhát dao. Vì vậy tôi nói, các bạn Phật tử! “Có tiền hay không có tiền, học Phật cho tốt, đừng để thời gian trôi qua”. Bởi vậy, chúng ta nên từ bỏ quan niệm được mất, bại thành. Có tiền chưa chắc đã là điều tốt, có nữ nhân cũng không chắc là tốt, có quyền lực cũng chưa chắc đó là điều tốt. Biết đâu chừng đó chính là hoạ sát thân, điều đó khó mà nói được. Sống những ngày bình thường, giản dị không phải là rất hạnh phúc sao?

 

XIX.     MỘT ĐOẠN NHÂN DUYÊN

S

au đây tôi sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện trước đây của tôi, đó là một giai đoạn mà tôi sống những ngày rất đau khổ. Bấy giờ tôi đang học Cao đẳng trung học năm thứ ba, có quen một người bạn gái. Tuy tôi không được cao nhưng cũng có một nét lãng mạn dễ thương. Nhưng hôm nay tôi đã xuất gia, không phải là do bị mất người yêu mới đi tu, điều này phải nói rõ ràng trước.

Người bạn gái tôi quen lúc đang học Cao đẳng trung học năm thứ ba là một cô gái học cùng một ban với em gái của tôi. Bấy giờ, tôi học trường Kiến Quốc ở Đài bắc, đó là một trường thuộc hạng Học phủ (Trường đại học và cao đẳng) , phân số rất cao, hơn cả vạn khảo sinh mới tuyển chọn một ngàn, rất khó đậu cao. Lúc ấy tôi dạy số học cho cô ta, mỗi lần dạy lại phát sinh tình cảm.

Sau đó, mẹ cô ta không đồng ý, bà ấy nói với con gái rằng: “Con quen người con trai này cũng rất anh tuấn, nhưng mà thấp quá, lại có, con xem gò má anh ta, sắc xanh vàng thế kia là tướng không tốt, có thể sống không đến 30 tuổi”.

Hay chưa, năm nay tôi đã 38 tuổi rồi.

Lúc đó, vì mẹ cô ta phản đối, thời gian chúng tôi bên nhau không phải là dài, chưa bao lâu thì phải xa nhau. Nhưng mà, bởi vì đây là lần đầu tiên nói chuyện yêu đương, chỉ toàn là chuyện yêu đương, cho nên chia tay lúc này thật là đau khổ. Khi ấy, tôi giống như một lão thuyền trưởng, không còn khả năng lèo léo con thuyền, ai ở trong hoàn cảnh này rất hiểu, hiểu rất rõ! Trước đó lại không biết Phật pháp, không biết sống là gì, mỗi ngày muốn xem sách, hình bóng cô ta lại hiện về, lung linh. Chỉ cần nghe chuông điện thoại, lập tức nghĩ rằng: phải cô ta không? Rất khẩn trương. Sau đó, người ta đã không muốn tôi, tôi cũng không cần cô ta nữa, là cô ta không cần tôi trước, tôi đương nhiên cũng phải từ bỏ cô ta.

Các bạn, các bạn không biết nỗi đau khổ của thứ tình cảm này! Muốn từ bỏ, đoạn tình, thật không dễ chút nào! Rất khó! Thật không đơn giản chút nào. Không phải là người bị lửa đốt thì không biết sự đau đớn, tàn phá mạnh mẽ của lửa. Bạn biết rất rõ rằng, không có duyên, muốn bỏ thỉ bỏ không khó!

Sau đó, tôi chạy nhanh đến chiếc cầu lớn ở Đài Bắc, muốn xem nước sông dưới cầu sâu hay cạn, nhảy xuống dưới đó là OK, mọi chuyện giải quyết thật nhanh chóng, là giải thoát rồi! Nhưng xem lại thấy cao quá, không dám hành động! Nhảy xuống ư? Không được, rất đau khổ, chết cũng phải tìm một cái chết cho an lạc chứ ! Thế là từ trên cầu Đài Bắc đi xuống ven sông, đi tới đi lui, nhảy xuống một bên sông lại cũng rất đau khổ. Nghĩ tới nghĩ lui, định trầm mình dưới nước mà chết. Bấy giờ trời đang mùa đông, sờ thử nước sông, ôi ! lạnh quá! Nhảy xuống dưới mà vạn nhất không chết thì phiền lắm đây. Chết thì phải một trăm phần chết chắc, còn nếu không chết thì bị cảm lạnh, lại phải uống những thứ “hắc thạch tiêu”, rất là phiền toái. Sau một hồi nghĩ tới nghĩ lui, không hành động nữa, ở nhà còn có mẹ già. Ồ! Đây là những suy nghĩ thật nông nỗi, cố chấp, thật là rất đau khổ.

Sau đó, tôi đọc được cuốn sách “Hy vọng của người thanh niên” do một bác sĩ người Mỹ viết, cuốn sách này viết rất hay, rất bay bỗng. Lại đọc được cuốn “Phương châm của cuộc đời”. Lúc ấy tôi chưa tiếp xúc với Phật giáo, nếu như lúc ấy đã được tiếp xúc với Phật giáo rồi thì sự việc rất đơn giản. Cô ta muốn chia tay thì chia tay liền, chia tay càng nhanh càng tốt, tôi đã có phương tiện tốt, tụng kinh, cô ấy không cần nói với tôi. Nhưng lúc đó chính là lúc tôi đau khổ nhất, tôi đọc cuốn sách ấy thật nhanh, mới thương mình đã để thời gian trôi qua trong đau khổ, cuốn sách viết: “Thời gian sẽ cuốn trôi tất cả!”. Ý nghĩa của nó là thời gian từ từ làm tiêu mất tất cả, đau khổ cũng tiêu mất.

Giả sử hôm nay tôi gặp lại cô ta, cùng với cô ta kết hôn! Có lẽ hiện tại đã đi qua, bây giờ làm lại từ đầu, nhất định không thể! Bởi vì, bạn nhìn thử xem, những gì đẹp đẽ đều tạm thời, ngắn ngủi, không có cái gì là chân thật. Có một ngày, cô ta sẽ đi thẩm mỹ viện để phục hồi lại dung nhan, kéo da từ chỗ này đắp lên chỗ kia, từ dưới mông đắp lên mặt. Trước đây ở Đài Loan các ca sĩ, diễn viên điện ảnh đều làm như thế, rất là đau khổ vì chỉ da mặt không đẹp, không sáng. Bởi vậy, tôi xin nói với các bạn, hôm nay, lúc bạn đối diện với sự thật đau khổ nhất, bạn phải chấp nhận, bạn phải dùng trí tuệ sáng suốt để nói với chính mình rằng: “Thời gian sẽ làm trôi đi tất cả!”.


(*) Nguyên văn “Toạ hữu minh”, có nghĩa là những cách ngôn viết tại chỗ ngồi, tôi tạm dịch là “phương châm của cuộc sống”, bởi có một cuốn sách tên là “Nhân sanh đích toạ hữu minh”

 


Cập nhật: 8-8-2001

Trở về mục "Xã hội học Phật giáo"

Đầu trang