Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

NGHE SÂU, NHÌN SÂU ĐỂ HIỂU VÀ THƯƠNG

Thích Thái Hòa


(Pháp Thoại TT Thích Thái Hòa giảng cho hơn 300 trại sinh ngành nữ GĐPT Thừa Thiên, nhân ngày Hạnh 19/6/Giáp Thân, tức ngày 04/8/2004, tại Thiền Đường Trăng Rằm, Chùa Từ Hiếu Huế, do đệ tử Nhuận Hạnh Châu và Mãn Tuệ kính phiên tả).

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu ni Phật. 

Cùng tất cả trại sinh quý mến, 

Hôm nay là ngày 19/6/năm Giáp Thân, tức là ngày04/8/2004 là ngày Hạnh của ngành nữ GĐPTVN, tại Thiền dường Trăng Rằm Tổ Đình Từ Hiếu, Thầy xin chia sẻ bài Pháp Thoại “Nghe sâu, nhìn sâu để hiểu và thương”, đến các trại sinh với những nội dung như sau:

Mời uống một tách trà:

Thầy nhớ là cách đây hai năm , một anh giáo sư Tiến sĩ Việt Kiều ở Pháp về, đến Tổ đình từ Hiếu cùng với một vị đương quyền tại Thừa Thiên Huế, quý vị đó đến tổ đình Từ Hiếu để gặp Thầy nhằm nói một vài vấn đề liên hệ đến phật giáo. Khi gặp nhau khách chủ chào hỏi theo cung cách xã giao xong.  Thầy pha nước mời khách. Pha một tách trà không đầy, để trên một cái đĩa mời hai vị uống. Khi mời, Thầy nói với họ: “Tôi mời quý vị uống nước, nhưng không mời bằng cái đầu”.

Khi nghe như vậy, quý vị nhìn tôi sững sờ và ngạc nhiên. Sau đó họ hỏi: Tại sao thầy không mời chúng tôi uống nước bằng cái đầu?

Tôi nói với hai vị đó rằng: Mình mời nhau uống nước bằng cái đầu, nó không chân thật, bởi vì cái đầu của chúng ta nó nhiều chuyện lắm. Mình mời nhau uống nước bằng cái đầu, thì ngay trong ly nước, ,mình đã có tính toán lợi hại ở trong; cho nên tôi không mời quý vị uống nước bằng cái đầu, mà tôi chỉ mời quý vị uống nước bằng trái tim.

Mời nhau uống nước bằng cái đầu nó rất là đẹp, nhưng nó không chân thật, vì đã có sự so đo, tính toán. Nhưng, mình mời nhau uống nước bằng trái tim, thì dù là nước trong, nhưng rất là an toàn, rất là hạnh phúc.

Tôi nói với quý vị đó rằng, mình đến với nhau có an lạc và hạnh phúc thật sự, là bằng trái tim đích thật, chứ không phải bằng cái đầu.

Câu chuyện xảy ra đã hai năm và bây giờ Thầy muốn chia sẻ với các trại sinh tham gia trại Hạnh 2548 tại tổ đình Từ Hiếu và Thầy cũng muốn rằng, tất cả quý vị đến với nhau cũng phải đến bằng trái tim của mình, mà không bao giờ đến với nhau bằng cái đầu. Đến với nhau bằng cái đầu, có khi buổi sáng thì tốt, nhưng buổi chiều lại xấu; ngày nay ta đối xử với nhau là tốt mà ngày mai lại đối xử với nhau xấu. Nhưng, nếu mình đến với nhau bằng cả trái tim, thì lúc nào cũng tốt và ở đâu cũng đẹp cả. Cho nên, Bồ Tát Quán Thế Âm đã không đến với mọi người bằng cái đầu mà Ngài chỉ đến với mọi người bằng trái tim. Trái tim của đại bi. Đến với mọi người bằng trái tim ấy, nên Ngài có khả năng dập tắt tất cả những khổ đau cho chúng sanh, không những chỉ một nơi mà nhiều nơi, không nhũng một loài mà nhiều loài.  Bởi vậy, chúng ta phải lắng nghe thật sâu sắc, phải nhìn thật sâu sắc mơi thấy đâu là giá trị đích thực và đâu là giá trị tạm thời của cuộc sống.

Chúng ta không nên bỏ cái giá trị đích thực mà đi tìm cái giá trị tạm thời của cuộc sống. Trái tim, tấm lòng là cái đích thực của cuộc sống và cái đầu là tạm thời, vì nó được nuôi dưỡng bởi trái tim. Thế mà ngày nay trong xã hội, người ta chạy theo cái đầu, sống với cái đầu so đo, tính toán, mà rất ít người chạy theo trái tim và sống với trái tim. Tim ngưng đập thì tất cả những gì ta đang có đều trở thành vô nghĩa.

Bởi vì người ta chạy theo cái đầu, cho nên trong cái đầu của người ta tích lũy kiến thức rất nhiều mà chúng ta sống chẳng có là bao nhiêu. Chúng ta chạy theo cái đầu cho nên nói rất là hay mà làm rất là dỡ. Chúng ta chạy theo cái đầu, cho nên nói “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” rất là hay, “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” rất là hay, nhưng giữa này người sống có lòng nhân từ thật quá hiếm hoi, người sống chí công vô tư chẳng có mấy người! Và cũng bởi vì sống theo cái đầu,  nên có nhiều thầy chùa và cư sĩ ở giữa đời này, họ nói chuyện  ăn chay rất là giỏi, nhưng họ chẳng ăn chay được mấy ngày!

    Vì người ta chạy theo cái đầu, nên người ta lý luận rất là giỏi, nhưng lại sống rất là vụng về, rất là sơ suất. Bởi vậy, nhân trong ngày Hạnh của ngành nữ Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên, Thầy muốn chị em học theo hạnh của ngài Bồ Tát Quán Thế Âm, tức là sống với trái tim chân thật, sống với trái tim mở rộng và biến sự hiểu biết của cái đầu trở thành sự hiểu biết của trái tim, biến các tế bào não trạng thành các mạch máu của trái tim và biến từng hơi thở của phổi thành từng hơi thở của trái tim. Chúng ta sống với nhau bằng trái tim như vậy, Thầy Nghĩ rằng gia đình của chúng ta sẽ hạnh phúc, quê hương của chúng ta sẽ an lạc, đất nước của chúng ta sẽ đi lên và xã hội loài người sẽ sống trong hoà bình, các loài vật thấp kém cũng sẽ được hạnh phúc bởi bàn tay che chở của chúng ta, và mỗi chúng ta đều trở thành  Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Quán Thế Âm lại có mặt một cách đích thật trong cuộc sống của chúng ta.

Vậy, khi các chị em đi ra giữa cuộc đời, dù cho bị cuộc đời bạc bẽo mình, đến mức nào đi nữa, thì ta cũng đến với mọi người với một trái tim chận thật. Dù ta có bị kết tội là gì gì đi nữa, thì ta cũng đến với mọi người bằng trái tim chân thật. Ta sống giữa cuộc đời với bản hạnh như vậy, mới là người sống theo hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm và đó mới là cái hạnh của bậc Thánh, mà ta cần phải học. Nếu không học được như thế, không sống được như thế, thì dù lớn mấy ta cũng là đứa con nít ở trong cuộc đời này. Vì sao? Mấy em bé, mẹ nó cho mấy cục đường đen và nó cho bạn cắn một chút và nó nói: “tau cho mày cắn một chút, mai mốt mẹ mày đi chợ mua đường về  mày phải cho tau cắn lại!”. Như vậy là ngày hôm nay mày cho tau cục đường, ngày mai mày cho tau lại cục đường, sống như vậy là sống của trẻ thơ, của con nít. Nếu con người sống với nhau như vậy, thì quả thực là con người chưa bao giờ lớn khôn và không bao  giờ trở thành người lớn.

Người lớn khôn, nghĩa là người cho người khác cục đường, nhưng người khác có cho lại hay không cho lại cũng được, miễn sao ta cho họ để họ được ấm lòng, chứ không cần phải nói: “bây giờ tau cho mày, chiều mày cho tau lại…”. Cách đối xử với nhau như vậy, đều là cách đối xử của những trẻ thơ với nhau. Những trẻ thơđối xử với nhau như vậy, được thì chúng nó vui, không được thì chúng nó khóc và vì vậy, nên chúng nó bị khổ đau và khóc dài dài.

Do đó, quý vị thấy ai là trẻ thơ và ai không phải là trẻ thơ là phải thấy ngay ở nơi hành động và trái tim của họ.

Thầy mong rằng, trong cuộc sống hàng ngày, quý vị hãy rót nước mời người khác uống bằng trái tim mà không phải bằng cái đầu; đến với nhau bằng trái tim mà không phải bằng cái đầu; tặng cho người cái gì đó là tặng bằng trái tim, chứ không phải tặng bằng cái đầu; mời thiên hạ ăn cơm, thì mời bằng trái tim, chứ đừng mời bằng cái đầu; mình mời ai ăn một bữa cơm bằng cái đầu, chẳng khác nào những chàng câu cá, móc con tép vào lưỡi câu mà câu con cá, hành động như vậy ác lắm. Vì ác như vậy, nên thế giới của chúng ta triền miên khổ đau. Bởi vậy, Thầy mong quý vị, sau khi nghe pháp thoại này rồi, hãy biến ngôn ngữ của pháp thoại, ý tứ của pháp thoại trở thành trái tim và hơi thở của chính mình.

Cây cam trong vườn cam:

Thầy muốn nói tiếp với qưý vị rằng, chúng ta hãy nhìn sâu vào cây cam ở trong vườn cam và cây cam có mặt trong cuộc đời.

Cây cam đứng vững ở trong vườn cam, vì nó có gốc rễ từ nơi giống của nó. Nếu cây cam đứng trong vườn cam, mà không có gốc rễ từ nơi giống nòi, từ nơi chủng loại của nó, thì nó làm thế nào mà đứng vững chãi trong vườn cam và nếu giả như nó đứng trong vườn cam, thì nó giống cây cam nào ở trong vườn cam?

Cho nên, cây cam đứng vững chãi ở trong vườn cam mà nó không có cảm giác lạc loài, nó không có cảm giác cô độc là bởi vì cây cam đó có gốc rễ của nó, và nó hiện hữu đúng chủng loại của nó.

Quý vị không phải là phật tử mà đứng trong hàng ngũ của phật tử, thì không thể nào quý vị đứng vững chãi và thảnh thơi, mà mỉm cười trong hàng ngũ của phật tử được.

Quý vị có gốc rễ là phật tử, có giống nòi là phật tử, có bằng hữu là phật tử, quý vị rất tự hào, khi đứng vào trong đoàn thể đó, một cách vững chãi và thảnh thơi.

Ai có hỏi chị có phải là phật tử không ? Em có phải là phật tử không ? Mình sẽ vỗ ngực trả lời: Tôi là phật tử đích thực, bởi vì tôi có từ bản chất và gốc rễ là phật tử. Cũng giống như cây cam, nó là cây cam thiệt, cho nên dù mấy nhà nghiên cứu có nghiên cứu cây cam ấy bằng tất cả kiến thức và khoa học hiện đại cỡ mấy đi nữa, thì  cây cam cũng cười, vì nó biết dù nghiên cứu cách mấy cũng không tìm ra dấu tích gì để cho rằng, cây cam này không phải là cây cam, bởi vì nó biết, nó là cây cam thiệt mà!

Còn nếu cam ghép, thì phần trên của nó là cam mà gốc rễ của nó là bưởi, là bòng, cho nên thân phận cây cam ghép ở trong vườn cam, khi nào  cũng sợ hãi, cũng lo lắng, sợ người ta nghiên cứu và biết nó không phải là dòng dõi của cam.

Cũng vậy, mình là phật tử đích thực, phật tử từ trong dòng giống, từ trong bản chất, nên mình rất tự hào về dòng giống và bản chất của mình. Dù cho ai đó, có nghiên cứu, có tra cứu thì cũng bằng thừa.

Cho nên, Thầy muốn rằng, quý vị là cây cam đích thực ở trong vườn cam và là phật tử đích thực ở trong truyền thống Phật Giáo.

Khi cây cam mà có bản chất của cam,  thì đương nhiên nó có hoa trái của cam và nó sẽ có tác dụng của cam. Khi cây cam có gốc rễ, có bản chất, có hoa trái của cam, thì nó có tác dụng nhất định của nó và nó liên hệ chặt chẽ với đời sống con người.

Trong mỗi chúng ta, ít nhất là chúng ta cũng có một lần đau hay ít ra chúng ta cũng có một lần đi thăm người thân của mình đau, có phải vậy không ? Vậy, khi ta đau thì trước hết là người thân làm gì cho ta? Họ chế cho ta một ly nước cam, nếu ta ăn không được. Khi ta thăm người đau trước mắt là mua cam. Cây cam mà đích thực là cam, nó sẽ có tác dụng đích thực trong cuộc sống con người. Cũng vậy, là một phật tử, ta có bản chất là phật tử, thì cuộc đời này không bao giờ phủ nhận được ta, mà ta có vị trí nhất định trong ở cuộc đời, ở trong xã hội.

Bởi vì, người phật tử đích thực là  người đó đương nhiên có chiều sâu của đạo đức. Khi người có chiều sâu của đạo đức, thì người đó không còn là đạo đức giả mà là đạo đức thiệt.

Người đạo đức giả, khi danh tới, họ chạy theo danh, khi lợi tới, họ chạy theo lợi, khi có thịt, họ nói theo thịt, khi gặp cá, họ nói theo cá, khi gặp rượu, họ nói theo rượu, khi có bia, họ nói theo bia, người như thế vì đạo đức của họ không có chiều sâu.

Trái lại, một người có chiều sâu đạo đức, họ không bao giờ phản bội chính trái tim của họ, họ không bao giờ phản bội sự hiểu biết của họ, họ không bao giờ phản bội gốc rễ của họ. Cho nên, thịt tới mà không phải, thì không ăn, danh đến mà không phải chỗ là không ngồi, lợi tới mà không phải của mình, thì không nhận. Đó là người có chiều sâu của đạo đức.

Cho nên, một người mà có bản chất là con người, thì  người đó sẽ không bao giờ lạc loài và cô đọc ở trong thế giới loài người.

Một phật tử mà có bản chất là phật tử, thì người đó không bao giờ lạc loài giữa thế giới phật tử.

Trong thế giới phật tử, mà ta cảm giác cô đơn, có cảm giác lạc loài là bởi vì ta không phải có bản chất thật, ta đã bị cùi và ghép. Cho nên, cây cam ở trong vườn cam nó rất vui khii nó sống với đồng loại của no, cây cam có mặt giữa cuộc đời nó có tác dụng nhất định của nó.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta là con Phật, chúng ta phải rất vững chãi và thảnh thơi trong gia đình huyết thống và trong gia đình giác ngộ. Chúng ta đi ra giữa cuộc đời, chúng ta có tác dụng nhất định làm lợi ích và làm đẹp cho cuộc đời, không bao giờ để những cái tầm thường của cuộc đời gậm nhấm vào đời sống của chúng ta.

Các hương vị đều nuôi lớn chúng ta:

Trong tất cả chúng ta, có vị nào thích chua không? Có vị nào thích cay, thích chát, thích đắng không? Thường thường không ai thích đắng, chát, chua, cay mà chỉ thích ngọt, có phải không?

Chết rồi, chết hết với nhau cả rồi!

Con kiến vì thích ngọt, nên nó đã tìm đủ mọi cách đến với ly sữa và nó chết ngụm cả chùm trong ly sữa.

Ở đời hấp dẫn đâu chỉ có vị ngọt. Vị chua, cay, chát, đắng cũng hấp dẫn chứ! Nhưng, vì con người hèn yếu, nên không chấp nhận cái chua, cay, chát, đắng có mặt trong cuộc đời của mình, mà chỉ ưa cái ngọt, chạy theo cái ngọt, cho nên đã bị cái ngọt làm hại.

Ta phải nhìn sâu vào các thực phẩm hằng ngày của ta tiêu thụ, về mặt vật lý cũng như về mặt tâm lý, để chúng ta suy gẫm, và tạo cho ta một con đường đi hết sức trong sáng và vững chãi, mà không bị bất cứ một cái gì tầm thường có thể cám dỗ được ta, đó là cái thông minh của chúng ta trong thời đại này.

Quý vị biết rằng, trưa nay trong buổi qua đường của Tăng Thân Từ Hiếu, đã được tín đồ cúng chè hột sen nấu với đường phèn, nhưng có nhiều thầy không có dùng chè hột sen với đường phèn, mà chỉ cắn một trái ớt để ăn.

Cho nên, ở đời đôi khi vị cay cũng cần thiết lắm, chứ không phải chỉ có ngọt.

Nếu trong một buổi ăn mà ta ăn ngon là do có tổng hợp các mùi vị, có một chút béo của dầu hay mỡ, có một chút ngọt của đường hay vị tinh, có một chút cay của tiêu hay ớt và khi nấu xong một tô phở, thì có một chút chanh vắt vào, khi ăn, ta thêm một chút rau và cắn một miếng ớt nữa, thì rất là ngon.

Như vậy, trong cuộc sống, ta phải biết tổng hợp cho được tất cả hương vị, để mà sử dụng trong cuộc sống của mình, chứ không phải chạy theo một mùi vị duy nhất.

Ai là người chỉ chạy theo một mùi vị duy nhất, thì người đó chết trước khi đạt được mục tiêu. Cho nên, giới trẻ, nhất là giới nữ thích ngọt lắm. Nên, ngạn ngữ Việt Nam đã có câu nói rất là đau:

“Gái khôn trai dỗ lâu ngày cũng xiêu”. Gái có khôn đến mấy đi nữa, mà người con trai chịu khó và dỗ ngọt, thì lâu ngày cũng xiêu lòng. Khi đầu có vẻ làm bộ, làm tịch khó khăn lắm: không được, không được, em không chấp nhận đâu,… Nhưng, cuối cùng, ngồi lên lưng anh, anh  cõng đi chơi,… Và, sau cái cõng lên lưng đi chơi đó rồi, mà em ngủng nghỉnh là anh đạp em xuống đất ngay, lúc đó vị ngọt biến mất, và các vị chua, cay, mặn, đắng, chát, liền xuất hiện, chát đắng cả cổ họng, sôi sục cả tâm can, liền than trách:

                “Nào ai biết cho ai,

                 đời quá chua cay,

                 duyên đành lỡ vì ai!”.

Cho nên, chúng ta phải biết tiếp xúc cho được tất cả các mùi vị trong đời sống thực tế cũng như các mùi vị trong đời sống tâm lý của chúng ta.

Phần nhiều, chúng ta ưa nghe ngôn ngữ ngoại giao, nhưng những kẻ ngoại giao là những kẻ bán lỗ miệng mà ăn, họ đánh trúng tâm lý ưa vị ngọt của chúng ta.

Chúng ta học hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm là khi chúng ta tiếp xúc bởi bất cứ vị ngọt nào, thì chúng ta hãy nhìn sâu vào bản chất của vị ngọt đó, để biết mức độ của vị ngọt đó, nó có tác dụng như thế nào về cơ thể sinh học và cơ thể tâm lý của chúng ta? Và trong cơ thể của chúng ta, lúc nào thì vị chua có tác dụng? Và chúng có tác dụng ở bộ phận nào? Vị chát có tác dụng cho cơ thể chúng ta lúc nào và ở bộ phận nào? Chúng ta hãy nhìn sâu như thế, để thấy rõ tác dụng của các mùi vị trong từng thời điểm đối với thân thể chúng ta qua từng bộ phận đang hoạt động ở trong thân thể chúng ta. Từ thực tế trong mọi hoạt động của thân thể chúng ta, đến những sinh hoạt thực tế của gia đình và xã hội cũng vậy, những chất liệu tạo nên hạnh phúc hay khổ đau cho chúng ta, không ra ngoài các chất: ngọt, chua, chát, cay, đắng của sinh lý và tâm lý.

Chúng ta cứ nghĩ đường đời êm ái, nhưng:

“Đường êm ái ai đi mà nhớ ngõ,

Đến khi hay gai nhọn đã vào chân”.

Nên, chúng ta học hạnh Quán Thế Âm là ta nhìn sâu vào những hương vị của vật lý, rồi nhìn sâu vào các hương vị của tâm lý trong đời sống hằng ngày của chúng ta, từ đó chúng ta lại nhìn sâu vào những hương vị của cuộc đời.

Người chỉ trích ta chưa hẳn là ghét ta. Người khen ta chưa hẳn là người thực sự thương ta. Nên nghe ai khen, mình học theo hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm, thì mình phải làm gì? Nghe khen, mình phải nhìn vào để thấy cái bản chất của lời khen đó là gì, và khi ta biết rõ bản chất của lời khen đó là chân hay vọng, thì sự chân vọng của lời  khen không đánh gục được ta, không làm cho ta mê mẫn.

Khi nghe một người chê ta, ta nhắm mắt lại và nhìn sâu vào lời chê của họ, để ta thấy họ chê như vậy có đúng không, nếu chê đúng, thì họ là thầy ta, là bạn chí thân của ta, tiếng chê ấy đẩy ta đi lên chỗ tốt, dù cái chê đó là đắng, là cay, nhưng bổ ích, nên nó trở thành chất ngọt.

Có khi khen, nhưng lời khen lại trở thành chất cay độc, và có khi lời chê lại trở thành vị ngọt. Mình thấy và biết được như vậy là nhờ mình học hạnh lắng nghe của ngài Quán Thế Âm, tức là ta đã thực tập lắng nghe và nhìn sâu vào mọi âm thanh, mọi sắc tướng, mọi mùi vị.

Một Nhạc sĩ nào đó đã làm một bản nhạc có câu rất là hay:

“Đường trần gian đầy ải  thương đau,

Ai chưa qua, chưa phải là người”. 

Mình chưa qua ải thương đau, thì mình chưa thể trưởng thành. Cho nên, mình đôi lúc phải giáp mặt với những khó khăn, phải đối đầu với những trở ngại, thì sự trưởng thành của mình mới vượt bực và mới khẳng định được mình là gì giữa mưa bão cuộc đời. Nếu ai đó bạc đãi mình, thì mình thắp hương cầu nguyện cho họ cứ tiếp tục bạc đãi mình, để cho mình có cơ hội nếm sâu vào cái mùi vị cay đắng của cuộc đời và rèn luyện tâm chí.

Quý vị thấy, con nhà giàu phần nhiều học không giỏi, con nhà nghèo phần nhiều lại chịu khó học và học giỏi. Cho nên, quý vị phải học theo hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm để mình có thể nếm được hết thảy mùi vị thuận và nghịch của cuộc đời và ngay đó, mà mình có thể thăng hoa trong cuộc sống. 

Có khả năng sử dụng và chế tác:

Cuộc đời quý vị thích màu gì nhất?

Mình thích màu hồng, màu tím, màu vàng, màu trắng…, hay là màu gì là tuỳ mình. Nhưng, mình thích màu hồng, màu tím mà ra ngoài chợ để mua màu đó, thì mình sẽ không vừa ý, vì có khi ở chợ lại thấy đẹp, nhưng khi đem về nhà lại thấy xấu; khi chúng đang mới, thì thấy nó đẹp, nhưng sau khi đã sử dụng và đem giặt, thì màu sắc của nó lại ngã về phía xấu. Cho nên, nếu mình muốn màu gì, mình thích màu gì, thì mình phải có khả năng tạo ra nó, có chủ quyền với nó, chứ để cho người khác chế tác ra màu, rồi mình chạy theo sự chế tác màu sắc của người khác mà thích, thì cái thích của mình sẽ dẫn đến sự thất vọng, khổ đau và lắm người đã bị khổ đau bởi sắc tướng. Nên, muốn sử dụng màu tím, thì mình hoà màu xanh với màu đỏ để tạo thành, ta phải chủ động trong việc chế tác màu, mà không phải chỉ chủ động trong việc chọn màu. Màu tím là do xanh cộng với đỏ mà thành, nên màu tím đó không phải là màu tím thiệt đâu. Không có màu tím nào là màu tím đích thực cả.

Cho nên, cách đây mấy năm, tôi đã có làm bài thơ Chiều không tím, mà trong đó có hai câu như sau:

“Chiều không tím mà mắt em thấy tím,

Tím mắt em nên đời lạ vô cùng”.

Chiều không tím, nhưng vì mắt mình tím, màu tím hoa sim hay màu tím hoa cà gì đó, nên mình nhìn cuộc đời thành ra màu tím cả, chứ thật ra cuộc đời chẳng có màu tím nào là màu tím đích thực cả. Màu tím chỉ là màu hỗn hợp giữa đỏ và xanh mà thôi.

Vào độ tuổi này, ta thích màu hồng, đến cỡ tuổi khác ta thích màu xanh, đến tuổi nào đó, ta lại thích màu lam, màu trắng. Nhưng, ta thích màu nào, thì ta phải có khả năng chế tác ra màu đó, ta phải thấy được bản chất hình thành của màu đó, để ta có thể tuỳ nghi sử dụng.

Trong cuộc sống, quý vị muốn có hạnh phúc, quý vị phải tự tạo lấy và phải tự đứng dậy từ tâm hồn của mình, từ đôi bàn chân của mình, và từ đôi cánh tay của mình.

Có nhiều người nữ Việt Nam rất đau khổ, vì lấy người chồng người ở nước ngoài, tôi đọc trên mạng Internet cũng như trên báo, thấy việc giới trẻ nữ Việt Nam rất đau khổ khi lấy chồng ở nước ngoài, nhất là lấy chồng ở Đài Loan, Hongkong, Singapore. Những thiếu nữ trẻ ở miền Tây mới học lớp mười lên Sài Gòn kiếm việc làm để gọi là đổi đời, nhưng cuối cùng họ qua Đài Loan lấy chồng và khổ đau khủng khiếp. Báo đăng có em đó, lấy người Đài Loan có con rồi, mà muốn viết thư về cha mẹ cũng không được, muốn có tiền gởi về giúp cha mẹ cũng không được, bởi vì cô ta hoàn toàn thụ động vào chồng và gia đình của chồng, cho nên ăn rồi ở nhà chăm sóc con cái vậy thôi. Bữa đó, cô ta nhớ nhà và cảm thấy mình bị lừa, đau khổ quá mức, nên bồng con đứng trên lầu ba nhảy xuống chết cả mẹ và con.

Do đó, tôi muốn nói với quý vị rằng, hạnh phúc chính là ở nơi tâm hồn của chúng ta, nó có mặt chính ở nơi đôi chân của chúng ta, khi nào chúng ta có khả năng tự chủ để đứng dậy và đi từng bước vững chãi theo định hướng của mình, và hạnh phúc chính do đôi bàn tay chúng ta tự xây dựng lấy, tự tạo lập lấy và đừng bao giờ có một mơ ước rằng, người khác trải thảm cho mình đi! Nếu có một người nào đó trải thảm cho mình đi, thì dưới tấm thảm đó là những gì, chúng ta phải nhận ra ngay. Do đó, Thầy muốn tất cả chị em, ai có điều kiện để học, thì phải học cho tới nơi, tới chốn để có khả năng xây dựng cho chính bản thân mình một nếp sống tự chủ, trước khi vào đời thành lập gia đình. Nếu ai không có điều kiện tiến thân bằng con đường học vấn, thì phải học nghề cho giỏi, cho có thẩm quyền trong nghề nghiệp của mình, để mình có thể đứng vững chãi giữa cuộc đời bằng chính nghề nghiệp của mình, bằng chính trái tim, khối óc và hai cánh tay của mình. Nếu ta không như vậy, thì ta chỉ là một cây tầm gởi ở nơi một thân cây. Với thân phận của tầm gởi, thì ta không thể nào có hạnh phúc. Cho nên, đừng có mơ ước rằng, mình sẽ lấy được ông chồng Việt kiều là mình hạnh phúc, đừng mơ ước rằng, mình lấy được ông chồng người Mỹ, người Anh, người Pháp là mình hạnh phúc. Không có đâu, đừng nghĩ như vậy mà lầm. Tôi có những người học trò ở Mỹ, gọi điện thoại về thăm và cho tôi biết rằng, lấy chồng người nước ngoài rất khó có hạnh phúc, vì ngôn ngữ bất đồng, chủng tộc khác loại, văn hoá, tôn giáo khác nhau. Hai vợ chồng cùng đi ăn tiệm, nhưng chồng ăn, thì chồng trả tiền, vợ ăn thì vợ trả tiền, hạnh phúc vợ chồng của người Mỹ là như thế đó!

Vợ chồng của người Việt Nam đi ăn tiệm, khi ăn xong, một là chồng trả, hai là vợ trả, chứ không có trường hợp nào chồng ăn chồng trả, vợ ăn vợ trả. Nước Mỹ, nước Anh hơn Việt nam về văn minh khoa học kỹ thuật, nhưng không thể hơn người Việt Nam về văn minh tình cảm. Chúng ta phải học bài học văn minh tình cảm chính trên đất nước của chúng ta, chính từ nơi tổ tiên của chúng ta. Chúng ta đừng học và đừng bao giờ bắt chước theo kiểu tình cảm của người Mỹ. Chúng ta đừng bao giờ hiểu lầm rằng, đất nước Mỹ cái gì cũng văn minh.

Ngày 31/8 vừa qua có đoàn sinh viên ngoại quốc, họ đế từ nhiều quốc gia, từ Anh, từ Do Thái và có nhiều vị học tại đại học Havard-Hoa Kỳ, họ đã đến Từ Hiếu và xin tôi chia sẻ cho họ một số vấn đề về Phật Giáo, trong đó họ hỏi rất nhiều vấn đề: sống chết, tình yêu, thiên đàng và niết bàn, và làm thế nào để chuyển hoá cơn giận.

Tôi hỏi họ: có khi nào các bạn giận người yêu của các bạn chưa? Họ đã trả lời với tôi là có, và không những họ giận người yêu mà còn giận cả cha mẹ, bạn bè, con người và còn ngay cả chính phủ của họ nữa. Họ có những ưu tư, những thắc mắc, những đau khổ của tuổi trẻ. Cho nên, nỗi khổ đau của con người ở đâu cũng có, người nào cũng có, càng giàu càng khổ đau, càng giàu càng bị nhiều oán kết.

Nghèo đau khổ đã đành, giàu cũng đau khổ mà đau khổ tinh tế hơn. 

Tác dụng của sự nghe sâu và nhìn sâu:

Thầy mong rằng, giới trẻ Việt Nam, nhất là giới nữ, mình có thể được xếp loại là phái yếu. Chồng đi ra ngoài xã hội làm ông nầy, ông kia, nhưng khi về nhà là ngán nữ tướng trong nhà lắm. Cho nên, nếu mà quý vị biết vận dụng cái yếu cũng chính là cái mạnh của mình, để tu tập, quý vị sẽ thành công rất lớn và sẽ tạo ra phước đức rất lớn.

Thường thường người đàn bà ít thích đàn bà mà thích đàn ông, người đàn ông ít thích đàn ông mà lại thích đàn bà, điều đó gần như là quy luật. Nhưng, thời đại chúng ta, đàn bà thích đàn bà cũng chết, đàn ông mà thích đàn ông cũng chết, bởi vì đó thuộc đồng tính luyến ái. Cho nên, mình thích mà làm thế nào không bị rơi vào tình trạng đồng tính luyến ái, muốn như thế ta phải có tuệ giác, ta phải có chánh niệm tỉnh giác thì ta là đàn bà mà thích đàn bà, nó không rơi vào hố thẳm, ta là đàn ông mà thích đàn ông cũng không rơi vào hố thẳm, ta đàn ông mà thích đàn bà cũng không bị rơi vào hố thẳm và đàn bà mà thích đàn ông cũng không bị rơi vào hố thẳm.

Cái mà giúp ta không rơi vào hố thẳm của khổ đau, chính là chánh niệm tỉnh giác, chính là tuệ giác, nhưng chúng ta phần nhiều không có ai chịu học tập chánh niệm, không có ai chịu phát huy tuệ giác cả.

Khi mà ta đã nhìn sâu vào cuộc sống, ta đã nhìn sâu vào được bản chất của mọi vấn đề, ta đã lắng nghe được mọi âm thanh của cuộc sống, thì chính là Bồ tát Quán Thế Âm  sẽ có tác dụng trong cuộc sống chúng ta.

Tác dụng thứ nhất là ta tự tại được với mọi hoàn cảnh, biến hạnh của Ngài thành hạnh của mình, thuận ta cũng tự tại, nghịch ta cũng tự tại; khi tiếp xúc với màu đen ta cũng tự tại, khi tiếp xúc với màu trắng ta cũng tự tại và tiếp xúc với màu lam ta cũng tự tại, nghĩa là ta tự tại với tất cả mọi màu sắc, mọi hình sắc.

Ta sẽ tự tại với các hương vị của cuộc sống, khi ăn cay ta cũng không nhăn mặt, khi ăn ngọt ta cũng không có gì để mà hớn hở. Ta tự tại đối các  mùi vị, đối với các hương sắc…, ta có thể tự tại đối với mọi nhận thức của ta, ta không bị nhận thức của ta trói ta. Cho nên, khi ta học hạnh Quán Thế Âm thành công, thì ta sẽ tự tại đối với mọi hoàn cảnh, đối với các mùi vị, tự tại đối với màu sắc, ta tự tại đối với giàu và nghèo, ta tự tại giữa thương và ghét. Khi một người sống tự tại giữa thương và ghét, giàu và nghèo, sang và hèn, giữa các màu sắc, mùi vị, âm thanh, giữa các nhận thức và tư duy, như vậy người đó có hạnh phúc không? Chắc chắn, người đó rất là hạnh phúc.

Cho nên, Thầy mong rằng, sau khi thực tập ngày Hạnh, quý vị phải đem hạnh của Bồ Tát Quan Thế Âm vào trong cuộc sống của chính mình bằng cách nào? Bằng cách:

“Ai nói gì thì mình cứ nghe,

Nghe sâu hiểu thấu thương nhiều”.

Ai chưởi mình thì mình cứ nghe, cứ ngồi nghe cho họ chưởi, họ chưởi mệt thì họ sẽ hết chưởi.

Nếu họ chưởi một tiếng, mình chưởi lại họ một tiếng…, như vậy là mình chưa học hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm chi cả.

Hoặc họ chưởi chừng nào, mình cho họ tiền chừng nấy, họ ham tiền nên chưởi nhiều và chưởi xong là quẹp luôn. Cho nên, mình học hạnh Bồ tát Quán Thế Âm rồi, mình đi vào cảnh thuận hay cảnh nghịch gì cũng được cả.

Chúng ta hãy thực tập hạnh lắng nghe cho sâu sắc, chúng ta sẽ sống rất vững chãi giữa cuộc đời này và sẽ đi vững chãi giữa dông bão của cuộc đời. Đó là những gì mà Thầy muốn chia sẻ đến quý vị trong ngày Hạnh hôm nay.

Vì sức khỏe không cho phép Thầy nói nhiều, nhưng   mà Thầy đã nói nhiều rồi đó, mong rằng quý vị ghi nhớ và thực tập mọi nơi và mọi lúc.

Một điều nữa,Thầy muốn dặn đến quý vị rằng, dù có khó khăn đến đâu, cũng phải kiếm sách lành mạnh mà đọc để tiến thân trong sự hiểu biết. Rãnh thì ngồi yên lắng để thở, nhằm tạo ra đạo lực cho chính mình, tạo ra chiều sâu cho tâm hồn của mình; ít nói để ít ân hận và ít tạo ra sai lầm đối với mọi người. Quý vị biết, hễ nói nhiều là sai nhiều, cho nên phải thực tập nghe nhiều mà ít nói. Thỉnh thoảng quý vị phải thực tập đi một mình, ngồi mình, đứng một mình, nằm một mình rồi nói chuyện một mình. Bởi vì trước sau chi, rồi mình cũng chỉ là một mình thôi, quý vị phải nhớ, ta mở mắt chào đời một mình trong tiếng khóc, rồi ta kết thúc cuộc đời một mình trong im lặng. Nếu ta không thực tập hạnh biết sống một mình, thì ta sẽ khủng hoảng, vì trước sau gì ta cũng phải từ giã cuộc đời nầy để lên đường một mình và chỉ một mình thôi.

Ông thân của Thầy sinh ra bảy người con, nhưng cuối cùng không có người con nào sống ở bên ông hết, mẹ của Thầy đã bỏ ông thân của Thầy mà đi chơi xa hai mươi năm rồi, ông chỉ sống một mình mà thôi. Cho nên, dù có mười đứa, hai mươi đứa, rồi cũng chỉ một mình thôi. Vậy, trong giờ phút này, quý vị phải tập đi một mình, ngồi một mình, uống nước một mình, ăn cơm một mình, cười một mình, nói một mình…, khi nào có hai mình, thì mình vui hai mình, nếu không có hai mình, thì mình vui một mình, ta thực tập như vậy, thì sự sợ hãi và khổ đau không còn là những đe doạ. Cho nên, mình thực tập sống một mình, mà có hai mình càng tốt, có ba mình càng vui, nếu không có ai cũng được. Trước hết, ta phải chấp nhận sống một mình, bởi vì thực sự khi sinh ra, mình cũng chỉ một mình và khi kết thúc cuộc đời, mình cũng chỉ một mình. Cho nên, ta mở đầu cuộc đời một mình và ta kết thúc cũng chỉ một mình, còn chặng giữa cuộc đời của ta rộn ràng, chẳng qua chỉ là đóng phim mà thôi.

Chúng ta chạy theo những cuốn phim, vui buồn với những cuốn phim, làm sao ta tránh khỏi khổ đau, thất vọng. Ta phải biết rõ, cuốn phim đời khi thế này, khi thế khác.

Nói vậy, chứ thực ra ta không bao giờ sống một mình đâu, trong ta có  cả mặt trời, mặt trăng, sông núi, tổ tiên quá khứ, cha mẹ hiện tại và tương lai… tất cả đều đang có mặt trong ta cả. Cho nên, trong con người của ta  có đầy đủ cả âm dương, động tĩnh.

Ta thở vào là cha, ta thở ra là mẹ.

Tay phải là bạn trai, tay trái là bạn gái.

Mắt phải là mặt trời, mắt trái là mặt trăng.

Mặt trời là cha, mặt trăng là mẹ, tất cà đều có mặt trong mình.

Nhìn lỗ tai là thấy bạn bè, nhìn con mắt là thấy mặt trăng, mặt trời.

Nói rằng, ta sống một mình, nhưng thực ra, ta chưa bao giờ hiện hữu một mình. Nhìn sâu vào trong ta, ta sẽ thấy ta là giàu có và hạnh phúc vô lượng, ta chưa bao giờ hiện hữu một mình, mà là hiện hữu với tất cả và trong tất cả.

Ta không biết nhìn sâu vào sự sống để sống, nên có khi ta đi với nhiều người, nhưng ta vẫn có cảm giác cô đơn. Cô đơn giữa phố người. Do đó, một vị thiền sư đời Lý đã nói rằng:

“Tương thức mạc thiên hạ,

Tri âm nạn kỳ nhân”.

Biết thì khắp thiên hạ, nhưng tri âm chẳng có mấy người.

Mình phải thực tập sâu sắc, để mình sống một cách trọn vẹn với những gì mình thương, những gì mà mình biết, những gì mà mình đã yêu kính.

Đó là những gì, Thầy muốn chia sẻ với quý vị trong ngày Hạnh hôm nay, mong rằng, quý vị hiểu được gì, nhớ được gì, thì có gắng đem về thực tập trong đời sống; khi quý vị thực tập được như vậy, thì Phật có mặt trong quý vị, Bồ tát có mặt trong quý vị, Thầy, cha mẹ đều có mặt trong quý vị, người thương, bạn bè cũng có mặt trong quý vị và quan trọng hơn nữa là ban tổ chức ngày Hạnh này luôn có mặt trong quý vị.

Cầu nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ cho tất cả chị em luôn luôn sống an lạc và thảnh thơi trong mọi hoàn cảnh .

Thực tập ngày Hạnh này rồi, nhất là các em thiếu nữ choai choai, các em hãy thí nghiệm cái hạnh của mình ngay trong gia đình, đừng có ham ti vi, vi déo lắm. Khi cha mẹ đi làm về rất cần cái tình của con, các em nên pha nước giặt khăn cho cha mẹ, nếu không mà nằm xem ti vi thì thật là vô phước cho già đình.

Có nhiều vị cha đạp xe xích lô về mệt, mà con ra chào hỏi, pha một ly nước là cảm thấy hạnh phúc lắm, hy sinh mấy cũng được cả. Đã có nhiều chị tới nói với tôi rằng, buôn bán cả ngày giữa chợ vất vả mà khi về nhà, con chạy tới ôm thương mẹ và giặt khăn cho mẹ, thì bao nhiều nặng nhọc bay hết.

Chuyện hạnh phúc đem lại cho cha mẹ rất đơn giản như vậy, mà rất nhiều người con không làm được.

Con gái lớn rồi mà mẹ đi chợ về mua rau, rồi mẹ ngồi lặt,emj nấu cơm, trong lúc đó con gái thì nằm xem ti vi… Ôi chao! Thiên thần sa đọa.

Khách tới, mình lau cái bàn mời khách ngồi, pha ly hai phần ly nước, để cái ly trên cái dĩa, rồi mời bạn ba mẹ ngồi uống nước và sau đó, mới mời ba mẹ ra gặp khách. Tư cách người con gái của ba và mẹ như vậy là quá đẹp, đẹp hơn cả một bức tranh tàu, nó đẹp hơn Tây Thi, đẹp hơn hoa hậu nhiều.

Cho nên, mỗi thiếu nữ sau ngày Hạnh này rồi, trở về nhà biến mình thành hoa hậu đích thực trong gia đình mình, phải là hoa hậu thiệt, chứ không phải là hoa hậu ba lơn. Những hoa hậu mà quý vị ca tụng, có thể họ nấu cơm không chín, rữa chén đĩa không sạch. Cho nên, mình phải là hoa hậu thực tiễn trong cuộc sống và hoa hậu giữa cuộc đời. Một hoa hậu đầy nhân cách.

http://www.buddhismtoday.com/viet/xhh/hieu&thuong.htm

 


Vào mạng: 1-9-2005

Trở về mục "Xã hội học Phật giáo"

Đầu trang